Chương 25
Tác giả: Lê Thao Chuyên
Bóng tối đã bò vào tận nhà gặm nhấm trên thân thể người đàn bà. Mọi cảnh vật im lìm lắng đọng chỉ còn mỗi nhịp tim đập theo tiếng tích tắc của chiếc đồng hồ nhỏ đặt trên bàn. Vài con muỗi lọt từ khe hở của khung cửa lưới bay vội vào tránh hơi lạnh kêu vo ve.
Nhung - chính là người đàn bà - với cơn đau dai dẳng cả tháng, đưa tay lau giòng nước mắt. Đôi vai so gầy run rẩy đứng lên lò mò bên lò sưởi tìm công tắc điện. Ánh sáng vàng nhạt từ ngọn đèn ngủ không soi rõ nơi Nhung đứng nhưng đủ để dẫn nàng chập choạng từng bước gài những cánh cửa sổ quên đóng. Trời đang thu bỗng dưng lạnh ghê hồn, mới sáng gió nam còn nắng ấm, chim chóc còn ríu rít từng đàn nào ngờ giữa trưa đột ngột chuyển gió bắc. Nhung kéo vội áo choàng lên nggười; nàng run lập cập trên nền đá loay hoay mồi lửa, thanh củi khô thơm mùi nhựa thông hăng hắc bùng cháy theo vết dầu mồi. Chờ cho bén đỏ Nhung mới thẩy vào ít vỏ cam khô theo thói quen. Hơi ấm tỏa nhanh và khi Nhung cảm thấy thực sự dễ chịu với nhiệt độ, nàng mới kéo chiếc "lazy boy" lại gần và ngả dài người trên đó.
Nhìn ánh lửa bập bùng nhảy múa trên tường, nghe những tiếng nổ tí tách từ vỏ thông khô gợi nhớ; tự dưng Nhung thèm được ngủ, thèm được nhắm mắt nối lại vùng ký ức xa xưa vừa bị đứt quãng nhưng sự tập trung gẫy lìa. Trong tận cùng tiếc nuối Nhung vùng dậy đến bên giường lấy lá thư rồi trở lại ghế nằm. Lá thư được đọc đi đọc lại rất nhiều trong buổi chiều, giờ đây nó không còn là những chữ nhỏ nhắn lung linh qua màn lệ mỏng mà từng khuôn mặt thân yêu xuất hiện... Con bé Ngọc lém lỉnh với hai lúm đồng tiền sâu hoắm, giọng nói ngọng đớt giành đọc một mình mỗi khi bày trò chơi thả cá mè hoặc úp lá khoai. Con bé Ly hiền lành hơn em lại cũng ít mồm ít miệng nhưng được làn da trắng hồng nổi bật đôi mắt đen lay láy và cái bín tóc thật cao. Còn Thúy, lớn nhất và chững chạc nhất giờ không kém phần sắc sảo, sau này có lẽ chẳng ai qua mặt được nó. Nhớ hôm nó đánh Tảo bị nàng quở trách, con bé giở giọng lý sự như người lớn làm ai nấy cứng họng. Rồi thì... Nhung thở dài... Hình ảnh rõ rệt và làm nàng xúc động nhất vẫn là lúc đám con bọc vòng quanh ôm lấy mẹ để hứng đỡ những nhát đòn từ bố giáng xuống...
Vô cùng mệt mỏi, Nhung thiếp đi trong những ý tưởng vụng về rời rạc, hơi thở đều đặn theo ánh lửa bập bùng tạo thành một điệu sáo buồn. Bài thơ hôm nào trong lúc buồn vui bất chợt, trong lúc tâm hồn lo sợ trống vắng Nhung đã thả hồn hoang lạc vẫn còn nằm ở đó, trên chiếc kệ của lò sưởi. Hơi nóng làm ấm những đơn lạnh cô độc của nàng, hơi nóng mang lại nguồn sống, nguồn sinh lực cho kẻ biết yêu nhưng lại khổ vì yêu, hơi nóng cũng làm cho thơ trở nên sống động, thơ như có linh hồn vì thơ đang thổn thức. Thơ như một giải bày ẩn tình và chấp nhận...
Đừng bỏ em một mình trong đêm tối
Ngọn sáp buồn leo lét phủ màu tang
Trắng vải sô lệ ướt chảy đôi hàng
Trên gối cứng quyện hương trầm ngào ngạt
Ngồi bên em cho tình yêu dào dạt
Truyền qua tim một hơi thở nhẹ tơ
Dù mỏng manh, vẫn thoi thóp đợi chờ
Để nghe đọc Thánh Kinh buồn diệu vợi
Lời kinh buông níu hồn em chờ đợi
Rung vai gầy xám hối nửa thây ma
Sưởi hồn em buốt giá lúc băng hà
Kinh cứu độ giúp mau tìm bến đỗ
Đừng bỏ em một mình trong hòm gỗ
Cắt khung trời, che khuất cảnh dương gian
Ngắt âm thanh hai mảnh ván nung hàn
Bồi thêm những búa đinh trên miệng nắp
Em chỉ thấy một vùng đen trước mặt
Tối tăm buồn khí lạnh buốt âm u
Nới vòng xoay mảnh khăn liệm ngục tù
Tim thôi đập vì đâu còn dưỡng khí
Đừng bỏ em cho xuân tình hoang phí
Nợ hồng trần chưa đứt đoạn yêu đương
Cho giây gân buộc kín mộng thiên đường
Đem ấp ủ mảnh tình xưa tháng ha.
Đừng bỏ em một mình nơi mộ đá
Lũ côn trùng đục đẽo xác thân yêu
Để còn đâu một bóng dáng mỹ miều
Cho ngây dại những lần anh gặp gỡ
Ngồi bên em xớt chia từng hơi thơ?
Trái ngọt bùi cay đắng xẻ đôi chung
Ấm bờ môi rung lại phím dây chùng
Thân đã chết nhưng hồn yêu bất diệt.
(Trích trong tập Những Vần Thơ Yêu của Lê Thao Chuyên.)
Thơ đã dứt nhưng âm hưởng đâu đây vẫn còn như thở than tiếc nuối. Khách vừa đến ngẩn ngơ ngơ ngẩn qua chiếc áo chùng đen. Bây giờ mới biết trong căn nhà trống trải có đến hai hơi thở, hai trái tim nhưng cùng một nhịp đập.
Vị linh mục đứng ở đó đã lâu lắm, ngay từ lúc Nhung xoay lưng tìm giấc ngủ, nét mặt đã xuất hiện những nếp nhăn của tuổi thời gian. Đặt hộp đựng Mình Thánh lên bàn, người đến bên lò sưởi bỏ thêm ít củi và tìm xuống bếp bật đèn. Bếp núc nguội lạnh, cháo cơm cũng chẳng có. Ngày xưa Nhung đòi làm bõ nấu cơm cho cha ăn, bây giờ vị linh mục nhân lành tự tay tìm gạo nấu cho người chưa chịu làm bõ. Vị linh mục ấy không ai xa lạ chính là Tịnh, Tịnh của ngày xưa, của những năm quyết một lòng theo đuổi cho tới cùng để đạt được ước nguyện của mình. Quả thật niềm tin có một sức mạnh tuyệt đối.
Tịnh lui cui đổ nước vào nồi rồi nhắc lên cái bếp gaz đã cũ, ánh lửa vàng theo những lỗ nhỏ bị bít gần kín tỏa ngọn lửa èo ọt. Tịnh loay hoay mở thùng gạo, cái thùng bẳng mủ chỉ cao độ 3 gang tay mà Nhung cũng chịu khó đè trên nắp một tấm thớt thật nặng. Có lẽ lại sợ chuột bò vào chẳng sai. Ở tỉnh lỵ nghèo nên nhà cửa và tiện nghi không khang trang sạch sẽ bằng thành phố. Giá đừng một sống một chết theo Tịnh đến đây thì cuộc sống vật chất cũng chẳng tới nỗi nào... Tịnh thở dài... Âu cũng là sự sắp đặt của Chúa.
Chất nước sền sệt trắng từ trong nồi tràn ra làm bếp tắt. Tịnh nhấc nồi bằng hai miếng napkin và chùi chung quanh thật khô rồi mới mồi lửa lại. Nồi cháo được vặn nhỏ xuống và nắp đậy hơi hở để khỏi trào lần thứ nhì. Xong đâu đó Tịnh mới mở tủ lạnh tìm đồ ăn. Trong tủ trống trơn, ngoại trừ một bó rau cải đã héo, một dĩa thịt khô cong để cả tuần và một hộp ruốc còn nửa. Hộp ruốc có lẽ mua sẵn ở ngoài chợ vì chất thịt được sấy quá khô nó xám vàng và tơi như bông, may ra đủ để ăn cho hai bữa nữa. Yên chí Tịnh trở lên nhà và bật thêm một ngọn điện giữa phòng.
Nhung đã đổi thế nằm, khuôn mặt để thẳng soi rõ dưới ánh đèn, không dấu được những quầng thâm và những vết nhăn chung quanh mắt. Mới xuống đây 3 năm mà Nhung hoàn toàn thay đổi cả tinh thần lẫn thể xác, nàng không còn đòi quyền sống cho ra sống, không còn sôi động nóng bỏng như những ngày tháng trước. Tính nàng trầm, ít nói, ít giao thiệp và cách ăn mặc cũng thay đổi theo. Tuy không khoác áo dòng nhưng Nhung có khác nào một ma soeur hiền lành, chịu đựng, khổ hạnh an phận mà nơi xứ Mỹ khó tìm được.
Tịnh thở dài... Tưởng hôm chia tay trước ngày chịu chức là xong ai ngờ sáng sớm Nhung vẫn tìm đến.
- Còn 3 tiếng nữa mới dâng lễ truyền chức, 3 tiếng sinh tử của em. Nếu anh không gọi lại coi như mình có duyên mà không có nợ. - Nhung đưa napkin lau những giọt nước mắt loang đẫm. - Sau này tình cờ gặp nhau thì anh không còn là của em, của Tịnh ngày xưa mà của mọi người. Cách xưng hô của chúng ta cũng đổi hẳn. Tịnh, - Nhung xót xa - Em không muốn gọi anh bằng cha đâu.
Nhung hấp tấp chạy ra xe. Chiếc taxi vàng đậu ở ngoài cửa như một thôi thúc... Tịnh lặng người, không phải hôm nay, hôm qua mà suốt bao nhiêu năm dài Nhung đã dành cho Tịnh quá nhiều cơ hội. Quả tình yêu đã mang đến cho con người một sức chịu đựng bền bỉ... Nhưng tình yêu loài người đâu bằng tình yêu Thiên Chúa và có phải chính Chúa đang chứng tỏ quyền phép của Ngài?
Hai tuần sau Tịnh được bổ nhiệm làm phó xứ ở Gulfport thì Nhung lại lò dò đến. Nàng đến với một phong cách mới, một con người mới. Nàng đến với tâm tình của một con chiên ngoan đạo sùng kính kẻ chủ chiên. Nhung mướn căn nhà thuộc trong xứ và xin đi làm với số lương khiêm tốn trong hội USCC, đủ chi phí tiền nhà điện nước và một cuộc sống thanh đạm.
Thỉnh thoảng dăm ba tuần Tịnh ghé thăm và dùng cơm tối ở đó. Đôi khi họ cũng có những giờ phút nhàn rỗi kéo ghế ra sân sau, bên tách trà nóng dưới ánh trăng rơi cả hai nhìn nhau im lặng. Họ cũng ít nhắc lại chuyện xưa, chẳng phải sợ lưu luyến tiếc nuối vì thực ra tình cảm bây giờ mới mật thiết hơn. Mật thiết như đôi bạn già, như tri kỷ gặp tri kỷ để trăng được ca tụng thêm dưới đôi mắt Nhung:
Nửa ánh trăng nghiêng rắc suối ngàn...
Trà cũng đậm đà, ngào ngạt hương thơm hơn khi Tịnh phụ vần cảm hứng:
Hương trà bay nhẹ quyện non cao.
Cũng thi cũng phú cũng đối ẩm và tình cảm vẫn dịu dàng êm đềm như thế nhưng chẳng hiểu sao mỗi ngày Nhung lại mỗi tiều tụy. Nàng sa sút thấy rõ, ăn uống thất thường bữa có bữa không, tứ thời trở mùa là nàng trở bệnh, cơn bệnh đeo đẳng kéo dài làm có những chủ nhật nàng bỏ lễ Tịnh phải kiệu Mình Thánh đến tận nhà. Riết rồi từ thói quen Tịnh coi như mình có bổn phận và trách nhiệm với phần linh hồn cho nàng. Tịnh hiểu bên trong vẻ trầm lặng thanh thản kia còn có một cái gì ẩn khuất để Nhung phải xuống dốc một cách mau chóng. Không chia xẻ được sự khổ tâm của Nhung, Tịnh chỉ còn biết thầm thĩ kêu xin để Chúa thấu hiểu sự lo lắng của Tịnh mà mang đến cho Nhung một phép la...
Ngày qua ngày và có phải phép lạ đó đã đến? Lá thư nằm chênh vênh dưới chân ghế khiến Tịnh chú ý. Con dấu từ Thái Lan và cái tên Hoàng Thúy trông quen quen làm Tịnh ngờ ngơ... Hoàng Thúy... Tịnh chợt lạnh toát như bị trúng gió. Thả người xuống ghế và bằng cử chỉ hấp tấp Tịnh mở vội quên rằng thư đó không phải của mình...
Leamsing ngày... tháng... năm...
Mẹ kính yêu,
Không như mọi năm, khi bạn bè chung quanh con quây quần bàn bạc và có những dự tính đặc biệt cho mùa báo hiếu. Để được hãnh diện gài trên ngực áo cánh hoa màu hồng, kẻ bất hạnh tự chọn cho mình cành hoa trắng; thì con lại lủi thủi một mình ngoài đường phố, tưởng tượng như đang được lang thang trên lối đi quen thuộc ngày xưa, nơi dẫn vào biệt thự sang trọng có giàn thiên lý mà mỗi độ hoa nở cả 3 đứa chúng con dành nhau trên chiếc ghế xích đu dài để được thưởng thức mùi hương tuyệt hảo,để được ngồi sát cạnh mẹ nghe kể chuyện cổ tích. Ngọc nhỏ nhất nên hay rúc trong lòng mẹ, Ly cũng không hơn hai tay vòng ôm lấy hông như sợ mẹ biến mất. Còn con, dưới ánh trăng loang lổ, con nằm ngửa co hai chân gác lên thành ghế, đầu gối lên chiếc đùi êm êm của mẹ, lúc đó con mới biết rằng mẹ có đôi mắt thật buồn và thật đẹp. Giọng mẹ cũng thật tuyệt vời lúc trầm lúc bổng lúc thôi thúc lúc ngập ngừng làm chúng con say mê tưởng như mình là những nhân vật trong truyện. Con đã để nước mắt chảy dài vì xót thương hoàn cảnh con Tấm mồ côi mẹ phải ở với dì ghẻ ác độc; bị đánh đập hành hạ cay đắng trăm chiều, và con cũng khóc dùm cho những đứa trẻ cùng tuổi với cuộc đời bất hạnh vì mất mẹ nào ngờ giọt nước mắt vô tình đó lại là giọt nước mắt mở đầu để sau này con khóc cho con, khóc cho cuộc đời của các em mình...
Mẹ Ơi, đã bao mùa báo hiếu trôi qua, đã bao nhiêu lần con viết thư cho mẹ và đã bao lần con kêu gào đến mỏi mòn để rồi giờ đây nơi xứ lạ quê người nơi trại tập trung những người tị nạn con lại tiếp tục làm công việc mà người ta bảo mò kim đáy biển và sẽ làm cho đến muôn đời để không ngừng việc tìm kiếm mẹ. Chỉ vì con luôn khao khát tình mẫu tử, thèm vòng tay ấm che chở, thèm được nhìn đôi mắt dịu hiền, thèm những lời vỗ về ngọt ngào và con chắc rằng với lòng thành tin; Chúa sẽ đoái tưởng lời con mà ban cho một cuộc hội ngộ kỳ diệu.
Mẹ kính yêu, nhiều người đã đếm thời gian bằng những ngày dài vô vị, bằng những giọt nước mắt đau khổ tuyệt vọng và ngược lại cũng có người đếm thời gian bằng những hạnh phúc đong đầy, bằng những sung sướng và yêu thương nhất. Riêng con, con không dám đối diện với thời gian vì thời gian là một chứng tích, là một ấn tượng đau buồn ghê gớm nhất đã hằn sâu trong đầu óc. Thời gian đã làm tách lìa, tạo khoảng cách giữa con và mẹ; đã làm chúng con sống với những ngày tháng long đong vất vả, đã làm mất đi tuổi thơ ngây, mất đi những nét hồn nhiên và tiếng cười rộn rã.
Mẹ Ơi, ngồi viết những giòng này mà lòng con vẫn chưa nguôi giảm được xúc cảm bồi hồi. Chuyện xảy ra 10 năm rồi mà con cứ ngỡ như mới hôm qua, hôm kia, lúc mẹ vừa chạy thoát ra khỏi nhà và lúc mọi người đổ xô đi tìm mẹ. Một khung cảnh sôi động diễn ra trong nhà mình, một cuộc tranh chấp giữa nội và ngoại mà chúng con là nạn nhân, là mục tiêu là con cờ để mọi người dày xéo giành giựt. Chẳng ai biết đến lòng chúng con tan nát ra sao, chẳng ai biết nỗi xót xa đau đớn của một con bé 9 tuổi nghe được những lời nhục mạ mẹ nó ra sao và cũng chẳng ai biết nỗi mất mát thiếu thốn của những con chim non xẩy me...
Mẹ Ơi, chẳng thà mẹ nằm xuống để con biết chắc mẹ đã an phận với số kiếp ngắn ngủi, bằng lòng nơi nấm mồ hoang lạnh để dù thương tiếc con vẫn thấy lòng con được bình yên chấp nhận. Còn đàng này tứ cố vô thân mẹ thoát chạy giữa cơn khủng khoảng tột cùng, với một đầu óc không hề toan tính. Mẹ Ơi, mẹ hiền lành và ngay thật quá, ra đi không một mảnh giấy tờ, không một đồng xu dính túi thì cuộc đời sẽ còn dày xéo thân xác mẹ đến đâu. Điều làm con chua xót là mẹ đã phải từ bỏ tất cả những gì cao quý trong cuộc đời kể cả dứt bỏ con mình. Với tuổi đó con chưa đủ trí khôn để tìm hiểu nguyên do nào đã thúc đẩy, đã đánh bật mẹ ra khỏi gia đình nhưng vài tuần sau đó bố ngang nhiên dẫn một người trẻ đẹp về nhà bắt chúng con gọi bằng dì, bắt chúng con phải có những lễ phép tối thiểu với người yêu của bố nó. Đôi mắt con đã có những ánh nhìn xa lạ mỗi khi nội hoặc bố lại gần; các em con cũng tự động tạo khoảng cách ngăn với bên nội, những người mà chúng con tin rằng đã ép buộc mẹ phải ra khỏi nhà. Càng cô đơn bao nhiêu chúng con lại càng thương mẹ bấy nhiêu. Rồi đây trong cuộc đời trôi nổi chẳng biết mẹ phiêu giạt nơi nào, không hiểu mẹ có đủ nghị lực phấn đấu hay lại chọn cái chết để phủi oan trái nợ trần. Hôm chị Tảo xin nghỉ để về quê sinh sống, con có chạy lại ôm lấy chị ấy khóc - hình ảnh cuối cùng còn lại khi mẹ Ở đây - và xin lỗi về chuyện khi xưa. Không có sự thực nào dấu được thời gian nhất là một khi con đã cố tình khám phá. Con hiểu bố đã có bà Liễu, bà Hạnh. Con hiểu giọt nước mắt của mẹ tại sao chảy xuống, chảy mãi hoài và con hiểu căn nguyên mẹ bệnh suốt mấy tháng trời liên tiếp. Mẹ Ơi, mẹ còn nhớ có lần bé Ngọc chạy vào phòng hét lên ôm lấy mẹ khi nghe bố mắng chửi quát tháo? Mẹ còn nhớ chúng con đã giang cánh tay non nớt bảo vệ cho người mẹ khốn khổ? Nào lúc đó chúng con đã biết gì, đã hiểu được nhũng gì mà sao tình mẫu tử như một sợi dây vô hình liên kết - Con ngã mẹ đau và mẹ bị đánh đập con vội khóc thét - Mẹ Ơi có phải tại vì mẹ đã mang nặng đẻ đau; có phải vì mẹ đã nhọc nhằn vất vả trong những tháng cưu mang và có phải vì từ trong thịt, trong máu trong xương tủy của mẹ mà chúng con được nặn hình dạng để rồi phải banh da xé thịt để tạo cho con tiếng khóc chào đời, đón nhận một cuộc sống khác nên ngàn đời tình mẫu tử là tình bất diệt?
Mẹ thương yêu, 10 năm trôi qua thoáng như giấc mộng mà sao đã biết bao thay đổi. Tóc ông ngoại bạc trắng rụng gần hết đưa hẳn vầng trán hói; bà ngoại hom hem hơn với bộ da bọc xương; cơm không đủ ăn áo không đủ ấm. Vẫn biết cuộc đời lên voi xuống chó là thường nhưng mẹ nghĩ xem cả miền nam đảo lộn từ ngày V.C. chiếm đóng. Ngoại bị đánh tư sản mại bản - dù cả đời chẳng bao giờ biết đến buôn bán là gì - lần đầu thì thoi thóp, thêm lần thứ hai cách đó 6 tháng nên sạch nhẵn. Căn nhà gạch to lớn ngoại tự dâng hiến cho phường để khỏi phải ghép vào tội phản động mà đi vùng kinh tế mới. Tuổi già sức lao động không có với ba đứa cháu nhỏ thì về miền đó chỉ có nước chết. Ngoại dọn lại chuồng chim ở góc vườn nhà dì Phú làm nơi trú nắng mưa, làm nơi quây quần xum họp mỗi bữa cơm tối. Như thế cũng xong, cũng sống qua ngày đoạn tháng. Ông bà nội chết sau khi bố bị bắt tù cải tạo một năm, - Có lẽ vì không chịu nổi cuộc thăng trầm dâu bể. - Nhà mình bị bộ đội tịch thu toàn bộ, giàn thiên lý được thay vào giàn bầu xơ xác lá, vòng rào cây trồng bằng từng cụm hoa lài ngày xưa cắt tỉa tỉ mỉ chạy 4 chung quanh nhà thẳng tắp giờ bị phá sạch để thay bằng những hàng kẽm gai xiêu vẹo cao vượt đầu. Kỷ niệm ấu thơ trong phút chốc bị bàn tay phù thủy biến hình. Ngôi biệt thự hạnh phúc một sớm một chiều biến thành mộ lạnh. Không phải chỉ riêng chúng con mà hầu như tất cả mọi người đều phải sống trong cảnh lầm than đói khổ. Nhìn quanh nhìn quẩn thấy ai cũng như ai, cũng những bộ đồ sờn rách, cũng cơm độn cũng bữa đói bữa nọ Khi con người sống trong cảnh giàu có đầy đủ thường hay nghĩ đến sự hưởng thụ, đến thi văn thơ phú, đến rượu đến trà hoặc đàn ca múa hát; nhưng khi đói kiệt thì suốt ngày đầu óc chỉ nghĩ đến miếng ăn. Tối chưa nằm xuống đã lo cho bữa mai đói khát, sáng chưa mở mắt đã buông tiếng thở dài vì thêm một ngày bươn chải để lo cho cái bụng khỏi cào cấu hoặc kiếm đỡ cái gì nhét cho đầy dạ để giành lấy sự sống.
Việc học cũng chẳng được trau dồi hay khuyến khích vì bụng đói chữ nghĩa nào vào được, cũng chẳng thể mang văn chương mời gọi rao bán đổi chác lấy củ khoai nắm gạo. Tuy nhiên các trường học vẫn được xử dụng và các em nhỏ vẫn ngày ngày ôm xẻng cuốc đến trường để lao động, làm công tác vệ sinh ngoài đường phố hoặc những nơi công cộng. Các hố rác, cống rãnh cũng được học sinh chiếu cố nhiệt tình, tranh giành với các mối lượm vỏ chai, bao nilon cũ từ xưa đến nay gây cảnh náo loạn chửi bới ngoài đường phố. Các học sinh nhỏ đã vậy mà người lớn cũng chẳng kém gì, họ có thể ẩu đả chỉ vì giành giựt một đống phân bên vỉa đường. Cũng có kẻ đói lả thân đi không vững cố nhập bọn xếp hàng chờ trước bệnh viện để hiến máu chỉ vì thèm một chén cơm không độn cho ấm bụng mà đâu biết rằng dẫu 20 lần ăn như thế cũng không đủ lấy lại lượng máu đã chọ - Con người đã suy ngược càng thêm suy nhược. - Ngoại vẫn thường nhắc nhở mỗi lần xum họp bên mâm cơm tối, bên dĩa rau sam và bên nồi cơm độn khoai như thể tăng cường thêm sinh lực, làm sống lại ý chí phấn đấu giành quyền sống cho tương lai mai sau... Và may mắn sao lần này chúng con vượt thoát sau mấy mươi lần vượt trốn.
Mẹ kính yêu, cuộc đời chúng con chẳng thể kể hết trong một vài trang giấy, nỗi khổ cực cũng chẳng bút nào diễn tả nhất là sự thương nhớ mẹ nó triền miên như giòng máu trong cơ thể. Chỉ khi nào tim ngừng đập, mạch máu ngưng lại lúc đó con mới thôi nhớ về mẹ. Chính vì vậy nên dù nhận được những tin tức rất mơ hồ, rất mỏng manh về mẹ lòng con vẫn dậy một sự vui mừng và niềm tin mãnh liệt. Con lại cặm cụi những dòng chữ này trải lòng mình trên tờ giấy trắng như những lời thì thầm tâm sự mà chỉ có mẹ mới có thể cảm thông và chỉ có mẹ con mới dám mang ra banh xẻ.
Mẹ Ơi, 10 năm chờ đợi trong mỏi mòn tưởng đã quá đủ để Chúa chấp nhận lời con khẩn cầu và cũng 10 năm trong vất vả khổ sở thương nhớ lẫn thù hận tưởng cũng quá đủ để mẹ tha thứ cho bố, một người đã nằm xuống nơi đất Bắc xa xôi lạnh lẽo vì tù đày trong ngục tối. Con nghĩ mẹ sẽ tha cho bố vì lầm lỗi nào cũng được hóa giải khi con người đã đi vào lòng đất. Chúng con đã mất bố trong niềm đau tột cùng thì càng tin rằng chẳng thể nào mất được mẹ.
Hồi sáng con nhận được thư cha Hảo - mẹ còn nhớ cha ở xứ mình không, qua Mỹ được 4 năm. Bây giờ ngài là phó xứ ở Mobile - Cha cho con biết địa chỉ mẹ nhưng còn bảo không chắc chắn lắm vì có thể mẹ đã dọn đi nơi khác. Lòng con hồi hộp lạ thường, Ly và Ngọc cũng không kém hai đứa chạy lại tượng Thánh Mẫu đọc kinh kêu khấn với khuôn mặt tràn trề hy vọng. Mẹ Ơi, niềm hy vọng của chúng con là những tháng ngày còn lại sẽ kề cận bên mẹ để đền bù những mất mát đau khổ của một người vợ, một người mẹ mà vì hờn ghen vì sự nhỏ mọn ích kỷ của loài người mà mẹ đã phải chối bỏ...
Lá thư chưa tới đoạn kết nhưng nước mắt đã chan hòa trên khuôn mặt vị linh mục hiền lành. Qua màn lệ mỏng người thấy ánh lửa đang nhảy múa reo vui, tiếng củi khô kêu tí tách như đang hòa tấu khúc nhạc xum vầy. Trên ghế Nhung khẽ trở mình làm giọt nước mắt lăn dài. Giọt nước mắt lóng lánh sáng ngời và trong như thủy tinh...
Hết