Bốn bức thư
Tác giả: Lê văn thảo
K ính thưa chú,
Cháu viết thư này cho chú do hôm rồi cháu đọc trên báo thấy chú làm ban giám khảo cuộc thi "Viết về cha tôi", chú viết bài tổng kết nêu bao tấm gương nhiều người cha hy sinh tận tụy, xả thân mình vì đàn con thương yêu làm cháu thấy tủi thân quá. Là do ba cháu không được như vậy, ba cháu bỏ mẹ con cháu đi lấy vợ khác.
Phận làm con, cháu không muốn phê phán làm gì, với lại hồi đó cháu còn nhỏ, mới bảy tuổi, thêm nữa ba má cháu rất kín tiếng chuyện riêng tư của người lớn thường ít nói trước mặt cháu. Tuy vậy cháu cũng biết được đôi điều, và sau này lớn lên suy nghĩ thêm cháu lại biết thêm "đôi điều" nữa, cháu muốn nói hết những suy nghĩ tâm tư của cháu để chú có thể thông cảm và có cách gì giúp đỡ được cháu.
Cháu nói cháu không muốn phê phán nhưng những nỗi khổ mẹ con cháu phải gánh chịu sau khi ba cháu đi rồi thật không sao kể xiết. Không phải chuyện đời sống vật chất, ba má cháu là dân kháng chiến từ trong rừng về, cháu cũng sinh ra trong ấy nhà cháu chịu cực quen rồi. Nhưng chú hãy tưởng tượng xem gia đình đang cha mẹ con cái đề huề như vậy bỗng dưng chỉ còn hai mẹ con với nhau. Đó là vào năm 77, giải phóng chỉ mới hơn năm, cháu bảy tuổi và ba má cháu đều cùng tuổi ba mươi hai. ở tuổi đó, ba má sống với nhau thì xứng đôi vừa lứa nhưng xa nhau ra má cháu với cháu lúc nào cũng kè kè một bên đã thành một bà già còn ba cháu như một ông thanh niên mặc tình bay nhảy. Chú thấy có cay đắng không, và cay đắng về phía ai, về má cháu hay với ông bay nhảy ấy?
Ly dị xong, ba cháu để lại ngôi nhà cho mẹ con cháu, đúng ra chỉ một căn phòng trên từng năm chung cư, không biết đi đâu. Đi đâu cũng được thôi, ba cháu có thể cưới một cô hai mươi dễ như không. Mà cũng không cần tìm kiếm, có khi có sẵn đâu rồi đó. Nhưng ba cháu không cưới vợ liền, cháu có theo dõi cháu biết, ba cháu đến ở nhờ nhà một người bạn độc thân cũng ở một phòng trên từng năm chung cư, của cải góp vào chỉ có chiếc nồi cơm điện và cây đàn ghi-ta. Rồi người bạn độc thân lại nổi máu giang hồ bỏ lên rừng nghiên cứu hoa lá gì đó để lại căn phòng cho ba cháu, chỉ xin lấy cây đàn ghi-ta. Vậy là ba cháu được ở một mình và cháu ngờ rằng đây là lúc ba cháu giở trò hoa lá của mình. Nhưng không, ba cháu không tiếp khách phụ nữ nào cả, một bà già cũng không. Cháu tìm được một con nhỏ bạn học cùng trường nhà ở trong chung cư ấy, mọi nhứt cử nhứt động của ba cháu cháu đều biết hết.
Một thời gian dài không có chuyện gì xảy ra, là nói chuyện ba cháu ấy. Nhưng với cháu thì sanh đủ thứ chuyện phiền toái. Có cha mà như không cha, không biết ghi địa chỉ, số điện thoại như thế nào trong học bạ. Ai biết ông ấy có mắc điện thoại hay chưa ?
Ba cháu lấy vợ sau đó năm năm, vào lúc cháu bận thi không kịp theo dõi, hình như có gửi thiệp mời nhưng má cháu dấu đi, con nhỏ bạn "gián điệp" khoe có đi dự lễ cưới diện quần áo đẹp còn hơn cô dâu. Thì nó cũng mười ba tuổi rồi, bằng tuổi cháu, cũng biết làm bộ làm điệu rồi. Bà vợ sau của cha cháu là một người phụ nữ hiền lành, cũng không trẻ gì lắm so với ba cháu, khá đẹp và lại là con nhà giàu không hiểu sao tới tuổi đó mới chịu lấy chồng. Cháu không nói chuyện đó với má cháu để bà tự tìm hiểu lấy nhưng cháu lại ráo riết thông qua con nhỏ bạn "gián điệp" theo dõi bà ấy. Cũng không có gì để theo theo dõi, gia đình ấy sống có vẻ bình thường giản dị, ba cháu vẫn ở căn phòng ấy và bà dì về ở với ông, không thấy đem đồ đạc của cải gì về, bà may quần áo gia công nhì nhằng ở nhà và ba cháu vẫn làm ở cơ quan công đoàn. Một năm trôi qua, cháu bớt chú ý đến gia đình ấy cho đến lúc bà dì sanh con, một đứa con trai giống ba cháu như đúc, và như vậy nó cũng rất giống cháu. Lâu nay cháu chỉ dò hỏi chuyện gia đình ấy thông qua con nhỏ bạn "gián điệp", nhưng giờ thì cháu muốn vào tận nhà. Phải nhìn mặt thằng nhỏ, nó là con của ba cháu cũng là em của cháu. Cũng dễ thôi, ba cháu đi làm suốt ngày, bà dì ở nhà may quần áo, có hai con nhỏ mồm miệng láu lỉnh đến nói chuyện chơi cũng vui. Thế là cháu "đột" đến nhà không phải một lần mà là nhiều lần, lựa lúc ba cháu đi làm, bà dì để mặc cho cháu bồng bế hun hít đứa nhỏ và cháu mặc sức ngắm nghía coi kỹ càng từ hàng lông mi đến móng tay móng chân của nó, coi phần nào nó giống cháu và ba cháu, phần nào nó giống má nó. Con nít thật lạ,ồ khi cháu bồng nó lên nó giống hệt cháu, đến khi bà dì bồng nó lại giống hệt bà. Những lần gặp đứa em cháu rất vui nhưng ra về thì lại buồn, bồng đứa em ruột thịt trên tay mà như bồng đứa con nít xa lạ, nghĩ bụng ba cháu không bỏ má cháu thì đứa em này đang ở trong nhà cháu, cùng sống với cháu.
Ba cháu thường đến gặp cháu ở trường lúc tan học, cháu chỉ chịu cho ba cháu dẫn đi ăn kem chừng nửa tiếng đồng hồ, không chịu cho dẫn đi mua sắm đồ đạc. Nhưng đồ đạc gửi đến nhà qua má cháu thì cháu nhận. Ngồi ở tiệm kem chỉ có ba cháu nói và cháu ngồi nghe, ba cháu hỏi thăm má cháu rồi hỏi chuyện học hành của cháu, nhắn lời bà dì thăm cháu nói bà có ý muốn được gặp mặt cháu làm cháu phải quay đi để giấu nụ cười.
Chuyện ba cháu rồi cũng đến đó thôi, ông ấy sẽ già lão đi yên phận ông ấy. Nhưng còn đứa em cháu mỗi ngày nó một lớn lên mọc răng biết bò biết đi, nó nói đỏ đẻ ngọng nghịu đến là thương, bà dì gửi nó ở nhà trẻ, cháu theo đến đó giành với cô bảo mẫu bồng bế hun hít, nó không biết cháu là chị nó nhưng quen lâu rồi cũng thân thiết coi như chị. Rồi nó đi học và cháu lại theo nó đến trường. Nó học dở lắm, không giống cháu chút nào, chữ viết xấu như cua bò, nhưng ngoài ra nó thật dễ thương ngây thơ, không màng tới chuyện cháu là ai tại sao cứ bám riết nó như vậy.
Chuyện như vậy đó chú à, chỉ có như vậy thôi. Nhưng như vậy cháu phải làm sao, chẳng lẽ cháu cứ phải thập thò hoài trước cổng trường với đứa em ruột thịt nhưng cứ phải làm người xa lạ ấy ? Cháu đã hai mươi tuổi rồi hiện đang học năm thứ ba đại học, cháu rồi sẽ bận chuyện riêng của cháu. Và đứa em cháu cũng đã bảy tuổi, đang học lớp ba. Ba cháu rồi sẽ già đi, má cháu cũng vậy, cả bà dì nữa, cuộc sống phía trước là của chị em cháu, chúng cháu phải nương tựa vào nhau mà sống, không thể cứ thập thò lén lút như vậy. Cháu biết chuyện cháu không giống với các chuyện các chú cho đăng báo, cả những chuyện không đăng, thậm chí như trái ngược lại, nhưng chú thấy đó, ba má cháu thôi nhau đã lâu, tưởng mạnh ai nấy sống thế rồi cháu có đứa em nó còn nhỏ cháu phải được gần gũi chăm sóc dạy bảo nó. Vậy cháu phải làm sao ?
Kính thưa ông,
Tôi là mẹ của cháu Hồng, đứa con gái vừa viết thư cho ông, nói chuyện chia rẽ gia đình chúng tôi và chuyện nó có đứa em trai cùng cha khác mẹ. Tôi không đọc bức thư đó nhưng tôi có đọc đoạn nhựt ký nó viết về chuyện đó. Tôi thật không hiểu tại sao nó lại đi làm phiền ông như vậy và cũng áy náy không biết nó nói gì với ông, tôi viết thư này trước tiên mong ông thông cảm và tha thứ cho nó nếu nó có nói điều gì không phải, sau nữa nói thêm đôi điều con gái tôi có thể quên hoặc nói không đúng. Con gái tôi mới hai mươi tuổi, tính tình còn nông nổi bộp chộp lắm, tôi đoán trong chuyện thôi nhau của vợ chồng tôi nó binh tôi và phiền trách cha nó, và còn nhiều chuyện khác đại loại như vậy.
Sự thật không đúng như thế, để tôi kể ông nghe. Trước tiên tôi chắc nó dấu ông chuyện tôi đã có chồng ? Tôi lấy chồng sau ba nó lấy vợ hơn năm, hoàn toàn tình cờ thôi, chúng tôi gặp nhau trong một hội nghị, tôi gặp cảnh dang dở như vậy phải một mình nuôi con còn anh ấy là thương binh loại nặng không còn khả năng sinh con, chúng tôi dễ dàng thông cảm nhau, coi như gá nghĩa sống với nhau vậy thôi. Về chuyện tôi với ba cháu Hồng thôi nhau, tuy cháu giận dỗi phiền muộn riêng tôi thì không trách gì anh ấy cả, không sống được với nhau thì thôi nhau, tôi chỉ buồn cho riêng tôi coi như chuyện không may của mình. Giờ tôi đã có chồng khác, tôi có nhiệm vụ phải thương yêu chăm sóc người chồng bịnh hoạn của mình. Thật tình, ngay từ lúc tôi và ba cháu Hồng lấy nhau, hồi ở trong rừng, với bản năng của người phụ nữ tôi đã cảm thấy có gì đó không ổn. Chúng tôi đều là cán bộ cũng có thương nhau đó nhưng cũng do hoàn cảnh bấn chật ở rừng lại do đôi bên tổ chức gán ghép, trình độ chúng tôi cách biệt nhau, anh ấy là dân trí thức ở thành phố còn tôi là người dân quê ở nông thôn, sự cách biệt ấy trong chiến tranh ở rừng khó thấy nhưng hòa bình rồi về thành phố thì lộ ra ngay. Thế là chúng tôi quyết định thôi nhau, có bàn bạc kỹ càng nhưng cháu Hồng không biết tưởng ba nó bỏ tôi liền dãy nảy lên nhiếc móc ba nó đủ điều, tôi nhiều lần khuyên can nó nói cha mẹ dù có thế nào con cái cũng phải biết phận mình. Và tự trong thâm tâm tôi cũng dặn mình như thế, tôi có mất chồng nhưng không được để cho cháu Hồng mất cha. Tôi thường xuyên điện thoại lại cơ quan ba cháu Hồng nhắc anh ấy đến thăm cháu, nói anh ấy không còn vợ nữa nhưng vẫn còn con, và nếu anh ấy nhận lời tôi nán lại cơ quan lâu hơn để anh ấy đến nhà được tự nhiên. Nhưng con gái tôi thật đến kỳ quặc, không khi nào nó chịu cho anh ấy đến nhà, chỉ cho đến trường dẫn nó đi ăn kem chừng nửa tiếng đồng hồ, anh ấy nói gì nó không bao giờ kể lại với tôi hoặc có kể thì cũng kể khác đi.
Hôm chia tay, tôi nói với ba cháu Hồng : vợ chồng thôi nhau không nêu gương hay ho gì cho con cái nhưng không thương nhau sống với nhau càng nêu gương xấu hơn. Có vẻ anh ấy biết ơn tôi về câu nói đó.
Chuyện dang dở của tôi được an ủi phần nào khi tôi gặp được người chồng sau thật là một người hết lòng thương yêu vợ con, và cháu Hồng cũng vậy, với anh ấy lúc nào cũng "ba, ba, con con" thật ngọt ngào, âu yếm. Trong lúc đối với cha đẻ của nó, người chồng trước của tôi, lúc nào nó cũng một mực cáu kỉnh khó chịu.
Tưởng rằng chuyện chỉ đến đó thôi, tôi đã có chồng ba cháu Hồng đã có vợ, cháu Hồng đã lớn còn phải lo học hành sau này sống cuộc đời riêng của nó. Nhưng rồi ba cháu Hồng sanh con và mọi chuyện bỗng khác đi. Con gái tôi cứ bám riết lấy thằng nhỏ. Lâu nay chuyện nó gặp ba nó nó không hề hé miệng nói với tôi giờ ngày nào nó cũng kể đủ chuyện về em nó, nào thằng nhỏ mọc răng sổ sữa thế nào, biết bò biết đi ra sao. Tôi nói với nó : "Nó là em mày, dính líu gì đến tao ?". Nó đáp : "Nhưng má là má của con". Nó nói kiểu ngang như vậy không làm sao cãi lại được với nó. Và một điều kì quặc nữa, mặc dù rất thương người cha dượng không khi nào nó kể chuyện đứa nhỏ với anh ấy. Chắc nó nghĩ ba của đứa em trai nó dù sao cũng là chồng trước của tôi.
Đầu tiên cháu Hồng đến thăm em trai nó ở nhà, "đột" vào nhờ một con nhỏ bạn "gián điệp" nào đó, sau đó nó đến nhà trẻ, rồi đến trường học. Có lần nó mua cho thằng nhỏ bộ quần áo mới và lột truồng thằng nhỏ thay đồ ngay tại sân trường. Nó nói với tôi : "Con e bà dì nuôi thằng nhỏ không tốt má à, không bằng má nuôi con đâu. Phụ nữ nhà giàu tay mềm quá làm sao biết giặt đồ rửa đít cho con nít ?". Tôi không thể nói với nó, thôi kệ người ta, bởi đó cũng là em trai nó. Tôi chỉ khuyên nó ráng lo học hành sau này rồi lấy chồng đẻ con mặc sức nuôi con.
Bỗng một hôm cháu Hồng nói với tôi : "Chừng bà dì sanh đứa con nữa con bắt thằng nhỏ về nuôi". Tôi nghe vậy sợ quá, con nhỏ này dám nói là làm lắm. Thử nghĩ coi có đứa nhỏ chẳng đính líu gì tới tôi ở trong nhà tôi. Nhưng tôi đành làm thinh vì biết mình chẳng thể sanh cho nó một đứa em. Và cũng vì nó nuôi em nó tôi biết nói làm sao ?
Chuyện kéo dài như vậy cho đến hôm rồi tôi biết con gái tôi viết thư cho ông. Tôi nói với nó : "Người ta làm ban giám khảo là làm lớn lắm sao con làm chuyện phiền nhiễu bận rộn như vậy". Nó đáp : "Con phải nói cho mọi người biết con có một đứa em, nhờ đăng báo cũng được". Vẫn cái tật ngang bướng của nó. Tôi có hai đời chồng, sống với người thứ nhất như đồng chí, và người thứ hai như người nuôi bịnh. Nhưng tôi đâu trách gì ai, bản thân tôi không tạo được tình yêu cho riêng mình, giờ tôi chỉ còn đứa con để dồn tình thương cho nó. Nhưng rồi con cái lớn lên những vấn đề mới lại nảy sinh, như ta sống tiếp cuộc đời thứ hai vậy. Chỉ riêng việc cháu Hồng tôi bày vẻ lằng nhằng với đứa em trai nó cũng khiến tôi rối trí rồi. Và tôi biết sẽ còn nhiều chuyện khác nữa, cuộc đời còn đang ở phía trước nó. Tôi phải làm sao ngăn chặn chuyện đó lại?
Kính anh,
Tôi là ba của cháu Hồng, đứa con gái nhỏ đã viết thư cho anh nói chuyện tôi bỏ mẹ con nó với đủ thứ những lời lẽ chê trách oán phiền. Tôi chắc như thế, không thể nào khác được. Chuyện nó viết thư cho ông, má nó điện báo cho tôi biết không nói đồng tình hay phản đối, cô ấy vốn hiền lành chất phác nghĩ sao nói vậy thôi. Tôi nghĩ không thể nào không làm phiền anh được, phải viết thư cho anh thôi, và cũng xin lỗi anh trước khi viết thư tôi đã điện lại tòa soạn hỏi thăm đôi điều về anh, và khi được biết anh cũng là dân kháng chiến về, cũng trạc tuổi tôi, tôi lấy làm mừng nghĩ có thể anh thông cảm với tôi phần nào.
Và cũng xin nói trước không cần phải dấu diếm điều gì cả, chuyện dang dở giữa tôi và người vợ trước là do tôi. Vợ chồng thôi nhau cả hai đều có lỗi nhưng người đàn ông phải chịu trách nhiệm là chính. Do đó con gái tôi binh má nó giận tôi là điều đúng thôi. Nhưng tôi đâu biết làm sao, thanh minh điều gì, tôi có chạy theo cô gái nào khác hoặc tìm chỗ yên ấm riêng tư nào đâu. Chỉ có điều tình yêu cứ cạn dần rồi tàn lụi như ngọn đèn hết dầu vậy thôi. Tôi có nói điều đó với vợ tôi và vợ tôi cũng đồng ý với tôi, rằng vợ chồng thôi nhau chẳng tốt đẹp gì nhưng không nên để tình trạng trầm trọng hơn. Chỉ lo đứa con còn nhỏ, mới bảy tuổi, nhưng rồi lớn lên nó sẽ hiểu. Cha mẹ sống vì con cái, chuyện chúng tôi đành vậy, còn lại chúng tôi ráng tập trung lo cho đứa con. Con gái tôi là một đứa con gái ngoan, tốt bụng, tôi biết thế. Có lần tôi đến trường dẫn nó đi ăn kem nói với nó : "Ba thật có lỗi với má con. Và cả với con. Chuyện ba má không sống chung được với nhau sau này lớn lên con sẽ hiểu nhưng ba vẫn biết ơn má con về những ngày chung sống với nhau, và càng biết ơn hơn về má con đã sinh ra con". Nó nghe tôi không đáp lại gì cả, trước kia cũng như sau này, không biết đang nghĩ gì. Ai biết được đứa con gái hai mươi tuổi nghĩ gì trong đầu ? Sau đó rồi tôi hỏi qua chuyện học hành của nó và nó chỉ kể cho tôi nghe chuyện nó đi thực tập hay xem phim gì đó. Tôi mua đồ cho nó nó không chịu nhận, nhưng tôi gửi đến nhà không thấy nó trả lại gì cả. Sau này nó đã lớn sợ nó mắc cỡ với bạn bè tôi ít đến trường thăm nó và thường viết thư nhiều hơn, và qua thư từ tôi cũng dễ nói hơn, tôi mong rằng rồi chuyện sẽ qua đi theo năm tháng, tuổi trẻ hay quên rồi nó sẽ tha thứ cho tôi.
Nhưng chuyện chưa yên được bao lâu lại xáo trộn lên với việc tôi sanh đứa con trai. Thì tôi đã lấy vợ, vợ tôi đã lấy chồng, gia đình ai nấy sống, tôi sanh con cũng là lẽ thường tình. Nhưng con gái tôi không chịu nghĩ như vậy, nói con trai tôi cũng là em nó thế là nó bám lấy đứa nhỏ, ngay từ đầu nó "đột" đến nhà tôi, tôi biết hết nhưng tránh đi để nó được tự nhiên. Và tôi còn biết nhiều chuyện hơn nữa thông qua cô bạn nhỏ "gián điệp" của nó, cô nhỏ này thật ra là "gián điệp hai mang" kể chuyện tôi cho nó nghe rồi kể chuyện nó cho tôi nghe. Thôi thì chuyện cứ như vậy, nó quan tâm đến em nó làm sao ngăn cản được, nhưng con nhỏ ngày càng quá quắt hơn, thậm chí ghen với vợ sau tôi, cho rằng đáng lẽ má nó đẻ ra đứa em trai nó chớ không phải bà dì nó. Nó giành quyền chăm sóc đứa nhỏ, nói nó ngày xưa được má nó chăm sóc như thế nào giờ em nó cũng phải được chăm sóc như thế ấy. Có lần nó không vừa ý bộ quần áo vợ tôi mua cho đứa nhỏ, nó mua bộ khác lột truồng thằng nhỏ thay đồ ngay tại sân trường.
Chuyện là như thế. Nhưng chắc không chỉ như thế. Con gái tôi rồi sẽ ngày càng gắn bó với em trai nó sẽ còn làm nhiều chuyện kỳ cục nữa, bà vợ tôi tuy hiền lành chắc cũng không chịu thua, bà vợ trước rồi cũng sẽ xông vào, chuyện gì xảy ra với ba người phụ nữ tôi làm sao biết được. Và tôi đâu còn ở tuổi để dính líu tới những chuyện như thế. Tôi không có ý định hỏi anh, chỉ tâm sự với anh thôi. Chuyện đời ta đôi khi tưởng sóng gió đã qua nào ngờ ta sanh con, con cái lớn lên mọi chuyện lại hiện ra dưới một làn ánh sáng mới. Như tôi đó, giờ tôi lại bắt đầu với không phải một mà là hai gia đình.
Kính thưa bác,
Cháu là em của chị Hồng cháu, bảy tuổi, học lớp ba, chị Hồng cháu bảo cháu viết thư cho bác nhưng dặn đừng nói là chị bảo. Chị cũng dặn cháu viết gì cho bác nhưng cháu quên mất rồi. Cháu hay quên lắm. ở trường cô giáo biết tụi cháu hay quên có dặn gì bắt tụi cháu ghi vào vở nhưng về nhà cháu lại quên giở ra coi. Kỳ nghỉ hè này trường cháu có đợt cắm trại tại Thủ Đức, con nhỏ lớp trưởng dặn bảo đủ thứ bắt ghi vào tập vở nào chương trình sinh hoạt đồ đạc mang theo cháu ghi đủ hết nhưng rồi cháu lại vô ý lấy tờ giấy xếp làm máy bay phóng đi. Lớp cháu lớp trưởng là con gái, lớp phó cũng là con gái, học mấy thứ hạng đầu cũng là tụi nó. Con trai tụi cháu tức lắm hẹn nhau không chơi với tụi nó nhưng cô giáo bắt phải ngồi xen kẽ mỗi bàn đều có con trai con gái thành ra cũng cứ phải nói chuyện với nhau. Cũng được thôi, nhưng tụi con gái nói chuyện nhiều không chịu nổi, không khi nào nói lại chúng. Cháu rất ghét bọn con gái, trừ chị Hồng cháu, và má cháu. Chị Hồng cháu thường đến trường gặp cháu, chị núp sau gốc cây đến lúc ba cháu đưa cháu đến quay xe về, chị chạy ra lôi cháu đến ngồi trên băng đá hai chị em nói chuyện với nhau. Thật ra chỉ có chị nói còn cháu ngồi nghe. Chị vừa nói vừa sửa lại chiếc khăn quàng, chải lại tóc cho cháu, hỏi cháu tại sao áo dính mực. Chị nói chị biết cháu từ lúc cháu mới sanh, chị gặp cháu ở nhà trẻ rồi đến đây. Cho đến một hôm chị nói nhỏ cho cháu biết chị là chị ruột của cháu. Không thấy hai chị em giống nhau à? Đây nè thẻ học sinh của chị có thấy cùng họ không ? Chị Hồng học đại học lâm nghiệp, dặn cháu sau này cũng học ngành ấy để hai chị em cùng đi rừng với nhau. Và nếu cần thì cất nhà ở luôn trên rừng. Cháu hỏi còn chuyện chị lấy chồng thì sao, và tại sao con gái phải lấy chồng ? Chị thở dài nói chị không biết, chị rất khổ tâm về chuyện ấy, và cấm cháu không nói tới chuyện ấy nữa. Rồi chị nói sang chuyện khác, chuyện ba cháu, cũng là ba chị, bao giờ nói tới ba chị cũng giận dỗi, chê trách đủ điều. Chị còn tìm cách chọc tức ba. Như có lần tan trường chị đến trước bảo cháu trốn ba, gì chớ chuyện trốn tìm cháu thích lắm thế là cháu trốn biệt sau hốc tường ba tìm mãi không gặp, học trò về hết sân trường vắng tanh ba hoảng sợ chạy táo tác, chị Hồng thấy vậy liền giận dữ không phải với ba cháu mà với cháu, chị đến hốc tường lôi cháu ra đẩy về phía ba còn đánh đít cháu mấy cái nữa.
Có một hôm trông chị Hồng buồn hẳn đi, ngồi nói chuyện với cháu chị như muốn khóc nhắc lại chuyện hai chị em cùng lên rừng ở với nhau. " Em đồng ý không ?" Chị nói "Chỉ hai chị em mình thôi. Đầu tiên chị nuôi em, rồi sau em nuôi chị". Cháu hỏi : "Chị bỏ má chị ở nhà sao ?". Chị thở dài đáp : "ừ chị không thể bỏ má chị, chị thương má chị lắm. Cả ông dượng nữa..." Cháu nói : "Em cũng thương má em lắm. Thế còn ba ?" Chị liền từ chối phắt : "Khoan đã, ông ba của tụi mình còn bay nhảy lắm, để ông ấy già một chút đã" Cháu nói : "Nhưng như vậy rồi chị cũng rước ba lên phải không ? Như vậy là đủ hết hai gia đình rồi còn gì ?".
Cháu thật không hiểu. Chị Hồng lớn hơn cháu, lại là con gái nên cháu thật không hiểu ...
10-1998