Đứa con trở về
Tác giả: Lê văn thảo
"Con về đây ba à?". "Ừ con đã về". Ông già nhìn đứa con ngồi trước mặt, cũng là một ông già, mắt đã mờ trong ánh chiều nhập nhoạng ông không thể nhìn thấy gì hình dung được gì. Vậy là đã lâu lắm rồi, dễ chừng cũng đến bốn mươi năm, hoặc hơn, đứa con hư bỏ nhà ra đi lúc còn là một đứa trẻ giờ trở về đã thành một ông già.
Trời tối dần. Căn nhà nằm cheo leo bên sườn núi qua biết bao nhiêu năm tháng đất đá lở ầm ầm suốt ngày đêm, một vùng núi lở không thể tưởng tượng được người ta nói đất trượt gì đó, một góc sườn núi cứ thế trượt dài làng xóm bỏ đi hết còn lại căn nhà với ông già bám chịu, đêm nằm nghe đất đá lở bên này bên kia, trông chờ một cục đá tảng lăn đùng xuống thế là không còn gì nữa cả nhà lẫn người.
Nhưng ông không hề lo sợ, không mấy quan tâm, đầu óc còn chút le lói dành cho việc trông chờ đứa con trở về. Từ lâu rồi ông không đi đâu, quanh quẩn trong nhà ngoài vườn nói láp giáp một mình. Còn ít cây trái của nhà và của hàng xóm còn lại, những chỗ đất còn chưa lở, từ lâu đã biến thành vườn hoang. Ông sống dựa vào đó, không nhiều nhặn gì, mấy cây cau cây dừa vài cây xoài cây mít, một ít sầu riêng măng cụt. Và rất nhiều ớt. Ớt bỗng mọc lên những chỗ đất lở, không hiểu tại sao, như từ địa tầng nào đó có những hạt giống cổ sơ được dịp trồi lên nẩy mầm tươi tốt. Ớt chín đỏ quanh năm chim chóc đậu ăn kêu hót ríu rít. Có con đường mòn nhỏ từ dưới đồng bằng lên đi ngang qua trước cửa nhà, dẫn lên núi, tháng đôi lần đám trẻ đi chặt củi hái nấm ghé vào hái trái cây, hái ớt đem bán mua cho ông gạo mắm xếp thành hàng sau nhà ông không hề ngó tới. Ông chẳng còn ăn uống gì nhiều, ngủ cũng vậy, suốt ngày ngồi gà gật trước hiên nhìn xuống triền dốc, cố dõi mắt ra tận cánh đồng nơi con đường mòn nhỏ đi qua mong thấy có hình bóng lầm lũi đi lên, đứa con hư nghĩ lại trở về với ông. Đêm đến ông cũng ngồi ở đó, cả vùng núi yên tĩnh có thể lắng nghe thật xa, tiếng con cú rúc con mển tát, tiếng gió thổi nước chảy thảy ông đều nghe được, duy chỉ tiếng bước chân đứa con vẫn lặng thinh. Lâu dần ông đâm lẫn lộn, tưởng chuyện không có thật, như ông không hề có đứa con, nó không hề được sinh ra ông cũng không mong nó trở về.
Vậy rồi giờ đây nó trở về, hom hem già lão, không thể hình dung đứa con là một đứa nhỏ giờ đã như thế.
Trời tối hẳn. Ông vẫn ngồi, lưng còng xuống, đứa con trước mặt chỉ là một hình bóng nhòe đen.
"Con về đây ba à", đứa con lặp lại.
"Ừ con đã về", người cha đáp.
"Con tính về ở luôn với ba, nhưng...".
"Là sao?".
Còn chuyện gì nữa? Nó bỏ đi gần cả đời, ông đợi nó đến già đi như thế này, không thể già hơn nữa, cũng không thể chết vì còn phải đợi. Giờ nó trở về, cũng đã già, hai cha con sống nốt những ngày còn lại rồi cùng chết với nhau.Vậy nó còn tính chuyện gì?
Ông chỉ có mình nó, đứa con hư bẩm sinh ấy, năm tuổi đã đốt chết một con mèo, bảy tuổi ôm cổ con chó nhảy lặn xuống ao con chó ngộp chết nó cũng uống nước bụng trương phềnh nằm rên suốt mấy ngày không ăn uống gì được. Suốt ngày nó tụ tập đám trẻ hư hỏng đuổi chó bắt mèo nhổ cây hái trái. Có lần bọn chúng phóng pháo đốt lùa một con trâu lên núi, nhiều năm sau con trâu trở thành trâu hoang một hôm nổi cơn điên chạy tuôn xuống cùng với đất lở, húc gãy chân một đứa nhỏ, một bà già, cắm sừng vào thân cây chết đứng giữa hai cục đá.
Nhưng trước đó đất còn chưa lở, làng xóm yên bình, cây trát mọc bao quanh chân núi vươn dần lên triền núi. Đứa con bỏ nhà ra đi vào một ngày cuối năm, mưa sụt sùi suốt ngày đêm, vợ chồng ông không hay biết gì cả, sáng ra thấy chiếc giường trống trơn quần áo còn nguyên trên giây treo, chiếc nón rơm cũng còn. Ông nói với bà vợ: "Tôi chia đôi tài sản với bà, tôi đi tìm con tôi". Bà vợ nói: "Ông đẻ ra nó hả?". Nhưng phải mấy tháng sau ông mới ra đi, còn phải bán con bò, thu gom tiền trái cây. Ông đi ròng rã cả năm trời, giáp hết bảy ngọn núi, có ngọn leo lên tới tận đỉnh, đêm ngủ trong hang đá hoặc trên chạc cây, có đêm ngủ ngồi trên một gộp đá giữa lòng suối. Ông ăn bận rách rưới giả dạng người ăn xin để tránh bọn cướp, tiền bán con bò trái cây giấu kỹ trong ống tre đựng nước. Nhưng chính ông lại đi tìm bọn cướp: "Ông nghe tin đứa con ở một trong những đám cướp vùng núi. Tháng mười mưa dầm nước ngập các vùng trũng, dân tình gom trâu bò lại thành từng đàn lớn đưa về vùng cao. Đó là mùa len trâu, mùa của những chuyến đi dài ngày của đàn trâu và những người chăn, cũng là mùa bọn cướp dậy lên, những toán cướp dáo mác đầy mình bám theo các bầy trâu đông như ruồi, những trận hỗn chiến diễn ra giữa những người chăn trâu và bọn cướp, có khi giữa các đám cướp với nhau, đàn trâu năm bảy chục con bị đánh cắt chia năm xẻ bảy một đàn nhỏ bị mất hút không biết đến phương trời nào. Chính con ông nhắn tin cho ông, một lá thư nhỏ nhờ người khác viết (nó không biết chữ) nói rõ nó từ ông, không còn cha con gì nữa, nó đi làm cướp sống cuộc đời ngang tàn phiêu bạt, con đường của tên cướp là con đường máu không có chỗ cho tình cha con. Ông đốt lá thư coi như không đọc, nó từ ông nhưng ông không từ nó, không có chuyện cha từ con, ông là cha nó bất kể nó đi đâu làm gì, còn sống hay đã chết. Ông bám theo đám cướp càng lúc càng gần, có bữa gần như gặp được nó, thấy rõ dấu ăn ngủ bãi cột trâu, xác một con trâu bị gặm chỉ còn tấm da bộ xương. Nhưng rồi lại mất hút. Ông gấp rút bám theo, giữa rừng trời tối nhập nhoạng bỗng có một đám con trai mặt mày vằn vện nhào ra lôi tuột ông vào trong một cụm rừng. "Ông già tìm con đây mà!", chúng cười ha hả với nhau. "Tìm làm chi, nó về nhà làm được gì, ông ở lại đây làm cướp còn hơn". Ông bị trói vào một gốc cây, thằng con bị trói vào một gốc cây đối diện. Luật lệ là như vậy, tên cướp nào có thân nhân đi tìm phải bị trói cùng với người đó. Hai cha con nhìn nhau, người cha rầu rĩ đứa con vui vẻ cười ha hả. "Ba hại con thấy không?", nó nói. "Đêm nay con phải ngủ đứng, nhịn đói, chịu muỗi cắn như ba. Ba tìm con làm chi?". Không làm chi cả, cha tìm con vậy thôi. Để được nhìn thấy nó, nghe nó nói chuyện. Vậy là nó bỏ đi cả năm rồi, trông nó lớn hơn, rắn rỏi hơn, ra dáng con trai lắm. Chỉ tội đi làm cướp. Phải nói với nó đôi điều. Nhưng ông vừa mở miệng "con à..." liền bị nó trừng mắt. Nghĩa là cũng không được nói. Chỉ được nhìn thôi. Vậy thì ông nhìn, và nói thầm trong bụng.
Ông nói ba đi tìm con cực khổ lắm con có biết không, cả năm ròng lặn lội leo qua hết bảy ngọn núi, có ngọn núi cao leo suốt mấy ngày không lên tới đỉnh. Rồi xuống núi đi qua nhiều xóm làng, đến những vùng không có xóm làng, qua những sườn núi cheo leo không một bóng người, đi trên đường rồi đi băng rừng, nghe đâu có cướp là đi tới. Cho đến một hôm sa xuống một hẻm núi.
Thật không thể tưởng tượng được ông là người thạo đi rừng như thế, chưa kịp truyền nghề lại cho con giờ sa xuống một hẻm núi như vầy. Hẻm núi không biết sâu đến cỡ nào, ông bước trượt chân thế là tuột mãi xuống không biết đến đâu, dừng lại thấy nằm dưới một đường rãnh hai bên vách đá dựng đứng, tối mù không nhìn thấy gì không mò níu được gì. Không chút vội vã cũng không sợ hãi ông ngồi tính toán thật kỹ, không thể phung phí sức lực, nghĩ cách moi rễ cây trong các khe rãnh bám níu leo lên. Ông đã làm đúng như vậy, đôi ba tiếng đồng hồ nhích lên được một chút, nghỉ mệt rồi lại leo lên, và rồi đến giữa chừng lại lăn tuột trở xuống. Lại nghĩ cách khác, xé khăn nối làm dây cột quanh hông, từng chập treo người vào các rễ cây mô đá nghỉ lấy sức rồi lại leo tiếp, luôn miệng nói để tự động viên: "Ba phải gặp con! Ba phải gặp con!".
Chuyện đó ông chưa từng nói với ai giờ không thể nói với đứa con, không chỉ một lần mà nhiều lần như vậy ông bị tai nạn tuột xuống hố, treo chân trên chiếc bẫy sập, trôi đi giữa suối cho tới giờ bị trói đứng như thế này.
Ông vẫn nói thầm với đứa con, hay tưởng như nói, trong lúc đứa con cười ngả ngớn với đám cướp, lấy chuyện hai cha con bị trói đối diện nhau làm trò vui. Giữa khuya ông ngủ gà gật một lúc thức dậy chúng bỏ đi cả, đứa con cũng biến mất, ông tuột mãi đến gần sáng tháo được dây trói ra đi.
Những chuyện như thế không biết đứa con có nhớ không, lâu lắm rồi, ông cũng đã quên giờ nhìn thấy nó mới nhớ.
"Hồi cha con mình bị trói đứng con nhớ không?", ông hỏi.
"Con nhớ", đứa con đáp. "Ba làm con cực quá đám cướp cười con mãi". Sau đó rồi ông đi tiếp mấy tháng không gặp đứa con, tiền hết trở về bà vợ than thở: "Ông tìm con đâu không thấy tôi mất luôn ông". Đành vậy thôi, ông về rồi ông sẽ đi, còn phải làm lụng kiếm tiền để đi đường, tiền ăn tiền cho đám trẻ dò hỏi các đám cướp. Phải đến năm sau ông mới đi tiếp chuyến thứ hai, tiền ít dọc đường phải tìm việc làm thêm, hái trái cưa củi đào ao chăn vịt có lần ở lại một làng cả tuần lễ làm thợ cả cất một căn nhà. Rồi ông đi tiếp gần sát đến đám cướp rồi nghe tin đứa con không làm cướp nữa, trong một trận đâm chém nhau giữa hai toán cướp con ông bị đui một mắt cụt một cánh tay giờ đang lang thang vất vưởng ở một xó xỉnh nào đó. Ông nghe tin lúc đang tát một cái đìa giữa đồng, ông ngưng tay gàu một lúc rồi tiếp tục tát vẫn vụt gàu đều đặn, những giọt nước mắt chảy ngược vào trong cổ họng. Thương đứa con biết chừng nào, bị đui mù sứt mẻ lại càng thương hơn. Nhưng rồi ông tìm gặp đứa con, đúng ra gặp chỗ nó ở, một căn nhà sàn cao nghêu, đúng là nó thôi làm cướp nhưng không bị đui cụt gì, cưới một mụ góa giàu có suốt ngày ngồi ễnh bụng cơm bưng nước rót. Nó không tiếp ông, cho người ra nói ông đi đi, nó đã thôi làm cướp lấy vợ giàu có nhà cửa cơ ngơi đang rất sợ cướp, lâu lắm rồi nó không đi đâu, ở trong nhà đóng kín cửa không tiếp ai, ông cần tiền nó đưa ra cho bao nhiêu cũng được, nhưng không được vào nhà gặp nó. Ông không cần tiền, chỉ cần gặp nó nhìn thấy mặt nó. Ông ngồi lại dưới chân cầu thang, đứa con thương tình cho người bưng cơm nước ra tận nơi, đưa thêm chiếc áo tơi để ông có thể ngủ ngồi ban đêm. Ông ở đó suốt ngày hết đêm sáng ra trả chiếc áo tơi ra đi, không gặp mặt đứa con, chỉ nghe tiếng nó cười nói vẳng từ bên trong, về nhà bà vợ bịnh chết đã hơn tháng làng xóm chôn cất làm ma chay đâu đó xong cả.
Rồi xảy ra chuyện đất lở.
Đất lở ầm ầm suốt ngày đêm, làng xóm bỏ đi hết ông ở lại nghĩ cách sống một mình tìm việc làm kiếm tiền đi gặp đứa con coi nó sống với mụ góa bị ức hiếp thế nào. Nhưng ông không đi ngay được, ngôi nhà bị một cục đá lăn trúng phải sửa lại, thu nhỏ lại phân nửa một mình chẳng ở gì nhiều, rồi tìm việc làm, xuống tận xóm xa cày cấy gặt đập chẳng được bao nhiêu tiền, ngẫm nghĩ mãi không biết đến nhà mụ góa ngủ ngồi dưới chân cầu thang để làm gì.
Bỗng một hôm có người đến báo vùng bên cạnh xuất hiện ông thầy núi tài giỏi giủ quẻ biết hết chuyện tương lai quá khứ, dân tứ xứ ùn ùn kéo tới chật cả vùng núi. Ông dính gì tới tay thần núi ấy? Nhưng người đến báo nói đó là con trai ông. Vậy đó, giờ nó gạt cả thần thánh nữa. Hẳn nó bị mụ góa đá đít đuổi đi, phải đi gặp nó coi thế nào. Và ngăn chặn chuyện lừa gạt thần thánh của nó. Ông lên đường đi ngay, đứa con chọn ngọn núi cao nhất trụ trì ông cũng theo đó leo lên, khách thập phương kéo lên thành hàng dài dằng dặc từ chân núi lên đỉnh núi, già trẻ bé lớn có cả vợ chồng mới cưới, phụ nữ mang thai, nằm ngồi bao quanh chùa chật cả vòng trong vòng ngoài, ông chen vào nhìn thấy đứa con từ xa ngồi xếp bằng chễm chệ oai phong như một ông phật sống. Không thể chen vào nữa và cũng phải theo mọi người ông quỳ lạy từ xa, không phải lạy đứa con mà lạy đít người ngồi phía trước. Bỗng nghe tiếng đứa con rền vang như tiếng sấm truyền: "Ta thấy ông già đang quỳ lạy kia.Ta cũng biết ông cầu khẩn gì. Không ích gì đâu, chẳng lợi lộc gì, ai có phận nấy số trời đã định ông và ta không được gặp mặt nhau...". Đứa con nói nhiều nữa nhưng ông không muốn nghe, ông là cha nó chuyện ông đến đây là chuyện của ông không phải chuyện của nó. Vậy là đã lâu lắm rồi, nó nói năng chững chạc lắm, thành người lớn hẳn hoi rồi, ông cũng mừng. Nhưng cũng buồn vì nó làm phật sống. Ông lùi ra ngoài nhưng không bỏ đi, cần phải biết nó làm phật sống như thế nào, bày trò gì hãm hại ai. Suốt mấy ngày ông ăn ngủ ngoài vườn chùa thỉnh thoảng chen vào quỳ lạy, nhìn đứa con từ xa chẳng nghe thấy gì hiểu được gì. Rồi có một thằng bạn cướp của nó ông còn nhớ mặt bám theo ông tỉ tê cho ông biết chuyện: "Thằng con ông nuốt nguyên bầy trâu của tụi này trốn về đây ngồi chễm chệ, tụi này sẽ bắt nó ói ra không thiếu một sợi lông trâu nào". Hóa ra là như vậy, và giờ đây lại thêm chuyện ông phải canh chừng tên cướp để nó khỏi lụi dao vào bụng đứa con. Ông dằn mặt trước với nó: "Tao không biết chuyện trộm cướp gì cả, chưa từng thấy con trâu nào, chuyện phật sống tao cũng không biết, nhưng ai động đến con tao phải chết với tao". Nói rồi ông rút con dao đi rừng cắm phập trước mặt thằng cướp, cán dao run mãi cho đến lúc thằng cướp bỏ đi.
Nhưng tên cướp vẫn lẩn quẩn quanh chùa ông phải bám theo nó, lúc ăn cũng như lúc ngủ, giành giựt từng gói xôi chùa với nó, đêm nằm nghe nó trở dậy đi đái cũng đi theo, thằng cướp loại tép riu nhưng đứa con đang trong vai người tu hành đâu thể chống đỡ gì được. Cho đến một hôm chính thằng cướp mất kiên nhẫn, giữa đêm nó trở dậy dí dao vào cổ ông: "Ông ra ngoài với tôi. Tôi không muốn đâm lén ông, một người cha, nhưng tôi sẽ đâm chết ông mặt đối mặt, giết cha trước giết con sau, đâm chết thằng phật sống nuốt nguyên một bầy trâu của chúng tôi". Ông không đấu dao gì cả, ông không thù ghét gì thằng cướp, nó chưa đụng tới con ông ông coi nó như con trai ông. Không thể đâm người đang nằm sải tay thằng cướp bỏ đi, gần sáng một góc chùa bốc cháy, dân hành hương bỏ chạy nháo nhào người nhà chùa cũng chạy, ông thừa dịp sục vào trong không thấy đứa con đâu, ở lại sáng ra hỏi thăm biết không ai chết cháy yên tâm lên đường trở về nhà.
Lần đó đứa con bặt tăm rất lâu, có tin nó mở quán lấy vợ sanh con sống yên bình, lại có tin khác nói nó trở lại nghề cướp trâu, trong một lần đụng độ giữa hai băng nhóm bị chết treo trên đôi sừng trâu đã mồ yên mả đẹp. Lúc đó triền núi bắt đầu lở, vườn tược cây trái tiêu điều, trâu bò dịch bịnh chết cả, dân làng bỏ đi ruộng nương hoang hóa, may sao có xưởng đó mọc lên, đá trên núi lăn xuống cứ thế cưa đục. Ông đến đó xin việc làm, suốt ngày gò lưng đập đá, ăn uống dè xẻn mấy năm trời dành được ít tiền có thể ra đi.
Vậy là đã lâu lắm rồi, không còn nhớ ngày tháng không hình dung được gì, đứa con giờ như thế nào, đã lớn lên già đi ra sao. Ông ra đi trong một buổi sáng mù sương, đầu trần chân đất, chiếc bị bên hông cây gậy trong tay, xuống hết triền dốc đi qua nhiều làng nhiều cánh đồng, cả vùng bảy núi vùng trũng khu tứ giác ai cũng biết ông già đi tìm con.
Không thấy đứa con đâu cả, không gặp đám cướp trâu hay tay phật sống nào. Nhưng có người tìm đến ông. Đó là một gã cười cợt không thể tưởng tượng được, chuyện gì cũng cười, gã báo tin con ông đã tu tỉnh làm ăn, không làm phật sống hay cướp trâu nữa, chuyển sang nghề đi bè gỗ từ trên thượng nguồn xuống. Ông theo gã rời vùng núi băng qua những cánh đồng những sông rạch, ra tới vùng ven sông, con sông lớn mùa nước đổ chảy xiết rộng mênh mông như biển, đủ thứ gỗ quý kết thành bè nối tiếp nhau, một chiếc chòi cây cột dựng đứng cao nghêu giữa bè, những gã con trai mình trần ướt đẫm nước chạy tới lui hò hét chống đỡ, tay chân nổi lên những bắp thịt cuồn cuộn đầy những hình xăm. Cũng những gã con trai như thế trên những chiếc xuồng độc mộc từ trong bờ phóng ra, một trận hỗn chiến diễn ra với mã tấu, lao móc, những xác người đẫm máu văng tung lên rớt chìm lỉm dưới nước. Gã cười cợt đưa ông đến bờ sông chỉ ra một chiếc bè đang trôi băng băng nói con ông ở dưới đó, phải mướn ghe đi ra đón đợi mới gặp được, ông trút hết tiền cho gã, hai người ra đến chiếc bè thốt nhiên cả bọn nhào tới bắt trói ông vào cây cột giữa bè, gã cười cợt cười rộ lên, những đứa khác cũng cười theo. Hóa ra con ông không đi bè mà vẫn làm cướp, chuyển từ cướp núi xuống cướp sông, chính đám từ trong bờ phóng xuồng độc mộc ra ấy, đám bè gỗ bắt trói ông làm con tin cảnh báo cho thằng con ông trên bờ. Nhưng thằng con ông coi thường tất cả, mạng đổi mạng không là gì đối với nghề cướp, những chiếc xuồng độc mộc vẫn từ trong bờ phóng ra, trận hỗn chiến diễn ra, ông bị cột dựng đứng vào chiếc cột không có cách gì khác ngoài việc la hét chỉ chỏ cho thằng con tránh đường lao chỗ này nhát mã tấu chỗ nọ, chiếc bè không người lái lao ầm ầm trên sóng nước, quay ngang ngửa, va đập liên hồi vào các bụi bờ, trong một lần va đập vỡ tan ra cây cối trôi lổn ngổn, hai đám cướp vẫn điên cuồng đâm chém từng đứa rớt chìm lỉm dưới nước, ông cùng cây gỗ lăn tròn trôi đi mãi không biết tới đâu làng xóm nào đâm chúi vào một doi đất, ông nằm ngất lịm cho đến khi có người đến cứu, ông trả ơn bằng chính cây gỗ đó.
Ông ở lại đó mấy ngày cùng dân làng đi vớt xác hai đám cướp nhìn mặt từng đứa không thấy có thằng con, mừng nó tai qua nạn khỏi, tìm đường trở về thấy ngôi nhà bị thêm một cục đá lăn trúng, lại mất cả năm thu nhỏ lại căn nhà tìm chỗ đập đá kiếm tiền đi tìm đứa con, có thể là lần cuối cùng. Tới năm đó ông đã già lắm rồi, lưng đã còng mắt mờ tay chân run rẩy, ông đập đá được hai năm không thể đập nổi, vừa lúc đám nhỏ tìm tới hái trái cây hái ớt đem bán lấy tiền đem đến cho ông, dành dụm chắt mót đến một hôm thấy đủ tiền có thể ra đi.
Con đường đi lần này thật dài, do tuổi già sức yếu, ông đi bộ rồi đi xe bò, có bữa ôm lưng đứa nhỏ ngồi vắt vẻo trên lưng trâu, qua hết bảy ngọn núi vùng trũng tứ giác không nghe thấy có đám cướp trâu nào, ra vùng ven sông cũng không gặp bè gỗ, men theo bờ sông đi ngược lên vùng biên giới đến một sóc người Miên không còn đi nổi nằm vật ngang một tha-la bên đường, dân làng tưởng ông đã chết tổ chức ma chay hát à-dai suốt đêm. Đến gần sáng ông tỉnh lại lặng lẽ ra đi không ai hay biết. Ông gặp được chiếc xe bò quá giang, nhưng người đánh xe bò lại chở thẳng ông ra chợ bắt đi ăn xin để trừ tiền công chở. Thế là suốt ngày ông lê la khắp các quán tiệm với chiếc nón rách lật ngửa, tối về nộp tiền cho tay xe bò nằm khoanh ngủ ở một góc chợ, ròng rã cả tháng trời chịu cực khổ, nhưng cũng có điều may, chỗ đông người có thể dò la tin tức đứa con. Vẫn những tin trái ngược nhau, người nói đứa con đào trúng thùng vàng người Phù Nam giàu sụ lên, cất nhà mười tầng cưới mười vợ, người khác lại nói trong một lần đánh cướp nó bị dân làng bắt trói xiềng vào một gốc cây như chó, đến bữa muốn được ăn phải tru lên ba hồi dài. Hơn tháng ăn xin trả xong nợ ông tiếp tục lên đường tránh quá giang bất cứ xe bò nào, đi tìm đứa con bị xiềng, đứa con ở nhà mười tầng ông không cần biết tới. Nhưng chẳng tìm đâu ra, lại nghe nó đang trụ trì một ngôi chùa, không phải làm phật sống mà mở lò luyện võ. Ông lên đường tới đó ngay, mướn hẳn một đứa nhỏ dẫn đường, dạo đi ăn xin ông có trích giấu một ít tiền nhét trong búi tóc thằng xe bò không thể nào thấy được. Ngôi chùa trên một đỉnh núi cao ngất ông đến chân núi ngước mắt nhìn lên, trả tiền đứa nhỏ bảo nó trở về nhưng nó không về cũng không lấy tiền, nó muốn theo ông lên chùa coi luyện võ.
Đó là một đứa nhỏ thật giỏi giang, ông sống được, đi được tới đây là nhờ nó, trên đường nó làm tất cả, nấu nướng hái nấm hái trái cây, săn bắt kỳ đà rắn mối xuống suối bắt cá, không mong gì hơn có được đứa con như thế. Hai ông cháu bắt đầu leo núi, nhiều lúc đứa nhỏ phải cột dây gióng ông đi, cuối cùng cũng đến được trước cổng chùa nghe báo đúng đứa con đang ở trong chùa làm thầy dạy võ, nhưng ông không được vào, đó là một lò luyện võ khắc nghiệt, sau ba tháng luyện võ học trò phải tỷ thí với thầy. Đến nay ông thầy tức con ông đã đánh chết năm môn sinh rồi, xác chôn sau chùa có bia mộ đàng hoàng ông muốn coi thì coi. Ông không coi, ông chỉ muốn nhìn thấy đứa con. Nhưng không có chuyện thăm con ở nơi luyện võ linh thiêng như thế này. Nó đã giết năm đứa học trò rồi thấy không? Nó cho phép ông ở lại ngoài hiên chùa có thể nhìn thấy nó tập võ cho học trò từ xa. Vậy là ông ăn ngủ ở lại hiên chùa không nhìn thấy đứa con luyện võ gì cả, chỉ có đám học trò quấy rầy ông quá cỡ, cật vấn ông sao bị đứa con từ bỏ, đứa con từng làm cướp núi cướp sông giờ trở thành người thầy dạy võ đáng kính như thế này. Ông không đáp gì cả, không việc gì phải nói chuyện với đám con nít, ông chỉ mong được nhìn thấy đứa con, ông khuyên nó trở về với ông, hoặc ông ở đây làm người gác cửa quét sân để được gần nó. Nhưng thằng con nổi giận khi biết ông có ý định đó, cho người ra kêu ông vào ngồi sau bức màn để hai cha con không thấy mặt nhau, đây là lần đầu tiên cũng là lần cuối cùng nó nói chuyện với ông, nói một lần để không bao giờ nói nữa.
Nó nói rằng chính nó bày chuyện bị ông từ bỏ để ông giận không đi theo nó, không có chuyện con đi làm cướp làm phật sống cha bám lằng nhằng theo sau như thế này, làm thầy dạy võ lại càng không thể. Ông hãy đi đi, vì tình cha con mà đi đi.
Ông ra đi, đứa nhỏ bỏ đi từ lâu ông một mình xuống núi, giữa đường có hai thằng học trò bám theo nói "cùng đi cho vui". Rồi lại nói là chúng bỏ trốn, không chịu nổi sự khắc nghiệt của ông thầy dạy. Rồi nói thêm chúng rất thương ông, mong có được người cha như thế, càng thương hơn khi thấy ông bị chính đứa con đẻ của mình từ bỏ. Con từ cha còn ra gì nữa? Một đêm nằm ông nghe chúng thì thầm bàn chuyện quay trở lại đâm chết đứa con, chém xẻ làm đôi, chặt ra từng khúc để trả thù cho những thằng bạn đã chết. Thế là ông không ngủ nữa, canh chừng hai thằng giết người, đến gần sáng chúng ra đi ông trở dậy đi theo, ngược đường trở lên ngôi chùa. Nhưng ông đến nơi mọi chuyện đã xong, chúng đã đâm chết con ông chôn sau chùa dựng bia mộ ghi tên tuổi quê quán, đám học trò nhảy múa ăn mừng, một thằng vẽ mặt đeo râu làm quỷ mời ông ở lại vài ngày khóc lóc cho thỏa thích.
Ông không ở lại ngày nào, một giờ cũng không, ra về ngay. Ông đã nhìn ra thằng nhảy múa chính là con ông, nó là quỷ ông cũng nhìn ra, nó bày chuyện đâm chém để cười cợt ông. Lần đó ông quỵ hẳn, cả tinh thần lẫn thể xác, về nhà không nghĩ tới chuyện ra đi nữa, đầu óc mù mờ trống rỗng không màng cả chuyện đất lở, đám trẻ kéo tới hái trái cây hái ớt chất gạo thức ăn vào nhà ông vẫn ngồi yên, không nghĩ đến đứa con cũng không nghĩ chuyện gì khác.
Vậy rồi giờ đây nó về kia, cũng già lão như ông. Nó nói:
“Con mệt quá rồi, cũng già rồi, đi khắp nới làm đủ chuyện không ra làm sao...”.
"Thôi con về ở với ba thôi", ông nói.
"Thì con đã tính như vậy rồi", đứa con nói. "Con đi cả tháng trời đêm qua về tới xóm ngoài kia ghé nghỉ ở quán mụ góa chủ quán báo cho biết ở đây có chuyện đất lở. Sao ba không cho con hay chuyện đất lở?".
"Ba gặp con ở đâu mà cho hay?".
“Phải rồi, con không muốn gặp ba sợ lằng nhằng níu kéo, con bày đủ chuyện để ba đừng đi theo nhưng ba vẫn đi. Mụ góa chủ quán còn nói chuyện ba bán ớt, chuyện nhà bị trúng mấy cục đá, nói con về nhà ngồi chút thôi, làm cướp núi cướp sông không chết giờ chẳng lẽ chết vì cục đá tảng”.
“Con nghe mụ goá làm chi?".
“Con không nghe nhưng mụ cứ lải nhải, đó là một mụ yêu tinh nhưng lại tỏ ra thương con, nói không phải quyến rũ gì mụ cũng già rồi có chiếc quán con chẳng nghề ngỗng tiền bạc gá nghĩa với mụ mà sống".
"Rồi con chịu không?”
"Con chịu. Con về làm chi, ba nuôi con nổi không? Con cũng đâu thể nuôi ba, đất lở như vầy làm sao mà sống? Thôi con thăm ba một chút rồi đi thôi, ba cố bán được ớt gởi tiền cho con đừng ra ngoài đó làm gì, mụ góa lắm điều rồi lại sanh chuyện lôi thôi...".
Trời tối mịt không thể nhìn thấy gì, một cơn gió từ dưới triền núi thổi thốc lên cuốn lá khô ào ào, lăn trong tiếng đất lở bên này bên kia, rồi yên lặng trở lại, căn nhà trống không, đứa con đã đi mất từ hồi nào. Ông thấy người cạn kiệt, như ngọn đèn sắp tắt, nhưng vẫn còn kịp nghĩ đến chuyện bán ớt, chuyện đứa con đang ở ngoài xóm với mụ goá không biết bị ức hiếp như thế nào.../.
10-2002.