Đêm Tháp Mười
Tác giả: Lê văn thảo
Năm đó mùa mưa ở Tháp Mười kéo dài hơn mọi năm, đã gần cuối tháng mười trời vẫn còn mù mịt, đồng nước một mầu trắng xóa không nhìn thấy đâu là bến bờ, thỉnh thoảng nổi lên những khóm tràm, bụi trâm bầu lơ thơ, không có đặc điểm gì có thể nhớ đó là đường ta đã đi qua.
Tôi tới trạm M. - trạm giao liên nối liền vùng rừng miền Đông với vùng đồng bằng sông Cửu Long - trời đã về chiều. Mặt trời bỗng chốc ánh lên đỏ rực, mây nước cùng một mầu đỏ như một biển lửa. Và rồi chỉ phút chốc mọi tia sáng đều tắt ngấm, từ hướng Đông mây đen đùn lên lan đi rất mau choán chật cả nền trời. Từng tràng sấm ầm ì kéo dài như vọng lên từ dưới lòng đất. Rồi mưa giăng mờ mịt, đọng một lớp sương đục là là trên mặt nước.
Vừa tới trạm nhìn cảnh trời nước như vậy tôi vội vào gặp người trưởng trạm nói có công tác đặc biệt nhờ bố trí cho chuyến đi gấp qua đồng nước. Thường xuyên tiếp xúc với những người những việc như vậy người trưởng trạm tay bồng đứa con nhỏ thờ ơ cúi xuống thổi bếp lửa, thảy thêm vào mấy nhánh tràm mớ cỏ khô. Khói um lên bay mùi thơm thơm. Rồi anh ngẩng lên hỏi không nhìn tôi:
- Có công tác gấp à?
- Dạ phải.
- Gấp cũng vậy thôi, đêm nay không có chuyến, tụi tôi hết người rồi, gấp cũng phải đợi đến mai.
Anh lại cúi xuống phùng má thổi lửa nữa. "Vậy thì nói làm gì", tôi chán nản nghĩ bụng nhưng cũng cố thuyết phục:
- Nếu không tôi phải đi tự lực, công việc không đợi được.
- Đi một mình hả?
- Phải, đi một mình.
- Không nên không nên, bị lạc ngay thôi, dân đồng nước tụi tôi như cá trên biển vậy mà có hôm còn phải ngủ "mùng nước". Phải đợi đến mai thôi.
- Đã nói không đợi được.
- Tùy. Đã nói hết người rồi, có đi vào bếp lấy thêm vắt cơm...
Tôi xốc ba-lô lên đi liền, vào lấy vắt cơm tôi sẽ ở lại luôn. Ra tới mí rừng tràm chợt nghe tiếng động phía sau, ngoảnh lại thấy người trưởng trạm bồng con đi ra đưa cho tôi vắt cơm. Hai chúng tôi đứng yên lặng bên nhau một lúc nhìn cánh đồng nước mênh mông trước mặt.
Mặt trời lóe lên những tia sáng hình rẻ quạt, mây nước cùng sáng lên trong giờ phút cuối cùng của một ngày. Những khóm tràm, khóm đế trở thành những vệt đen. Xa xa bóng những tấm bia của những ngôi mộ hoang trông cô đơn buồn bã. Có ai từng thấy những tấm mộ bia như vậy trong Đồng Tháp Mười chưa? Những tấm mộ bia mục nát không biết có từ thời nào, tưởng như sắp sụp đổ nhưng lại vững chãi mãi với năm tháng. Đi băng đồng lần nào tôi cũng gặp vài ba cái như vậy, cũng vào những giờ chiều như thế này, ánh trời chiều như lát vàng phía sau, tiếng lau sậy rì rào, tiếng côn trùng nỉ non, tưởng như người chết còn chưa yên ngủ, còn có điều gì muốn nói lại với ta.
- Đồng nước về chiều coi rầu thật - Tôi nói bâng quơ - Cứ xám xịt là xám xịt...
Người trưởng trạm gật đầu đồng ý với tôi nhưng lại nói khác đi:
- Nhưng sáng ra đồng nước coi sáng sủa tươi tắn lắm... Thôi anh đi đi , theo hướng sao Cày về bên phải may ra có xóm.
Tôi lội xuống, nước lạnh khiến tôi rùng mình, bỗng dưng có cảm giác bơ vơ như thường lúc phải đi một mình như vầy. Nhưng chỉ chút sau tôi đã quen đi, chân đều bước không một ý nghĩ nào trong đầu. Như có con đường mòn khá trống trải nhưng một lúc không thấy đâu nữa, trước mặt chỉ có trời nước cỏ cây bờ bụi. Lau sậy quất vào mặt tôi rát rát. Những con cò ma, vịt nước giật mình kêu "oác" lên một tiếng vụt cánh bay đi. Nước sâu tới gối, tới bụng, nửa người ngâm trong nước tôi đi như bơi, nhiều lúc đầu óc mộng mị có cảm giác không đi đâu cả, đứng lại một lúc đốt điếu thuốc hút đi tiếp một lúc lại sa vào tình trạng trên. "Tháp Mười là của ta", tôi nói lớn lên, lúc lắc đầu cho tỉnh lại đi tiếp, nhớ lời dặn người trưởng trạm trông sao Cày đi chếch về phía bên phải.
Bỗng có ánh lửa, tôi mừng rỡ đi bươn tới ánh lửa cứ lung linh lúc xa lúc gần cuối cùng thấy có căn nhà sàn nằm khuất trong một bụi tràm.
Đúng ra là một chiếc chòi, hai mái lá gác chéo trên chạc cây, sàn nhà gần sát mí nước, bốn bên cỏ nước bập bềnh. Một làn khói mỏng rỉ ra trên mái lá. Tôi bước lên, vịn tay vào một chiếc lu bể chỉ còn một nửa, cạnh đó có hai chiếc xuồng sóng đôi, một chiếc phủ kín vải ni-lông. Sóng vỗ vào mạn xuồng kêu lách chách. Lại thấy có chuồng gà chuồng heo phía sau lớn hơn cả căn nhà, nghe tiếng động heo gà chộn rộn, một con vịt từ đâu phóng lội ào xuống nước.
Có tiếng hỏi lớn:
- Ai đó?
- Tôi... đi lạc đường... - Tôi đáp.
Im lặng một lúc, có vẻ đang dò xét, rồi tiếng hỏi tiếp theo :
- Sao lại lạc? Đi đông không?
- Dạ chỉ có mình tôi.
Vẫn chưa hết nghi ngờ. Vậy là tụi giặc cũng đã từng tới đây, tôi nghĩ bụng, không nơi nào không có móng vuốt của tụi nó chạm tới.
Tấm phên cửa được nhấc sang một bên, một người đàn ông bước ra, lưng gù, quần xắn tới vế, vai và lưng nổi lên những bắp thịt u cục như được nặn bằng đất.
- Vô nhà đi - Người đàn ông gù nói giọng đã bình tĩnh trở lại - Đi suốt đêm tới giờ chớ gì?
- Dạ phải.
- Đói bụng không?
- Tôi có vắt cơm...
- Ngồi lại đây hơ lửa. Muỗi dữ quá, khói như vầy nó cứ bu vô... Sao lại lội đồng ban đêm? Nhưng đi ban ngày sao được đúng không, tụi "xuồng bay" không "rỉa" cho chết sao? - Người đàn ông có kiểu nói đi rồi nói lại, ngưng một chút đút thêm củi vào bếp nói tiếp - Lạnh lắm phải không, tôi đẩy xuồng lội hoài như vầy tôi biết, đêm nào về ngủ vợ tôi cũng hỏi sao người tôi nửa nóng nửa lạnh, tôi nói: "con người tôi vốn là hỏa, hỏa kỵ thủy gặp nước máu dồn hết lên trên".
Từ chiếc mùng căng trệt một góc nhà nghe có tiếng ậm ừ của người đàn bà, ý chừng tìm cách ngăn chuyện của người đàn ông. Người đàn ông mỉm cười cúi xuống sửa lại mấy thanh củi, nhét cả lá tràm cho khói um lên chuyển sang giọng vui vui :
- Khói trị muỗi, như đồng nước trị tụi trực thăng vậy, nước nổi như vầy cha nó cũng không dám đổ quân. Chông cắm ngầm dưới nước, chông chìa mũi theo ngọn lau ngọn đế nhảy xuống không bị xốc từ đít tới đầu sao? Cái gì cũng vậy khó cho ta thì khó cho giặc, mà khó cho giặc thì gấp đôi gấp ba. Tôi nướng bắp cho anh ăn nghen?
Không đợi tôi trả lời anh lôi từ góc nhà ra mấy trái bắp ghé miệng thổi lửa, lửa bùng lên ửng đỏ trên khuôn mặt chữ điền, rộng bèn bẹt, hơi rỗ hoa của anh. Trông anh có vẻ khắc khổ mệt mỏi, nhưng giọng nói lại tươi vui.
Tôi gợi chuyện:
- Anh đi đâu đêm nào cũng đẩy xuồng?
- Thì... cũng đi công việc...
- Người của đường dây à?
- Không.
Tôi kịp thời dừng lại chuyển sang chuyện khác, khen trái bắp ngon, kể chuyện đồng nước nghe thấy nhiều nhà phải lặn móc từng cục đất đắp thành gò trồng khoai trồng bắp. Anh nói:
- Tụi tôi cũng trồng như vậy, ngoài kia kìa, xứ này trồng được bụi lúa cây bắp phải đổ mồ hôi mẹ mồ hôi con.
- Bà con ở đây đông không?
- Không đông, cũng không ít. ở rải rác, chui rúc trong các lùm bụi, nhưng lùm nào cũng có. Hôm nào có người đi lạc như anh ghé đây chắc người quê xa nói: "Đồng Tháp Mười thật lạ, trông không thấy có làng xóm gì cả nhưng đi lạc y như có nhà cho mình ghé, có người đưa mình đi". Ăn bắp đi anh!
- Rồi bà con làm sao sinh sống?
- Thì bám lấy đất mà sống, đất có ngập lụt hoang vu vẫn là đất, chịu cực khổ vẫn sống được. Dòng họ nhà tôi bao đời ở đây, giờ chỉ còn vợ chồng tôi nhưng chúng tôi vẫn ở đây. Đây là đất của ông bà khai phá, chẳng có gì nhưng không phải không có. Thuở ông cố tôi đến đây móc đất đắp ruộng, rắn hổ mây còn lội đùng đùng ngoài đồng. Ông cố tôi đóng khố, gia tài chỉ có chiếc xuồng bằng thân cây dừa móc ruột đi gặt lúa ma ngoài đồng mà ăn, ngày đi gặt lúa ma tối về nằm khoanh trong xuồng ngủ. Muỗi Tháp Mười thuở đó khiêng được trâu, muốn ngủ phải nhận nước đầy xuồng nằm ngâm mình trong đó chỉ hở cái lỗ mũi. Ba bốn năm như vậy ông cố tôi cất được căn nhà, khai phá được khoảng ruộng không tới công đất trở về làng cũ tìm cưới vợ. Bà cố tôi sau này thuật lại: ông cố tôi về tới người quắt lại đen như trái ấu, suốt bao năm sống một mình giữa đồng trống hoang vu chừng quên mất tiếng người, đến nhà chỉ giương mắt nhìn, có ai hỏi gì chỉ ừ à không ra lời gì cả. Bà cố tôi thấy thương quá mới ưng lấy. Nhưng rồi hai người sống rất thuận thảo năm sau sinh đứa con trai đầu lòng tức ông nội tôi. Ông cố đưa hai bàn tay ra trước mặt con nói: "Coi hai bàn tay thằng cha mày nè, lớn lên mần ăn không ra gì mày chết". Đó, thời ông cố tôi sống như vậy...
- Anh kể tiếp đi, chà chuyện đồng nước...
- Tôi xin kể, chuyện không đầu không đuôi anh chịu khó nghe. Đến thời ông nội tôi đã có được ruộng, được nhà nhưng chẳng may trời cứ giông bão liên miên, có năm nước dâng tới năm sáu thước, sóng đồi cuồn cuộn như sóng biển, cả nhà lên ở hết trên xuồng chờ nước rút đi. Nhưng nước không chịu rút, cứ dâng hoài, ông tôi nói: "Ai khát thò tay ra vốc nước mà uống, đói nhai củ co củ ấu không được khóc lóc than vãn. Ai phải số được ông bà rước về mọi người đọc một câu kinh thả xuống nước cho trở về với đất". Mọi người nghe lời ông nội tôi răm rắp, má tôi kể lúc đó tôi còn ẵm ngửa cũng biết sợ không dám hó hé chi. Thật là một cơn lụt đáng sợ.
Đến thời cha tôi tôi đã lớn rồi, còn nhớ mọi chuyện. Cha tôi thật là người trụ cột gia đình, biết cách dạy con cái. Ông nhỏ người, tóc thưa và cứng như kẽm, mình mẩy đen bóng như thân tràm lụt. Những năm đó thằng Tây thằng Nhựt làm cho nước mình nghèo, Nam Bộ đồng ruộng mênh mông mà dân không có gạo ăn. Cha tôi bận quần cụt bằng vải bao bố, bận lâu phèn đóng cứng phơi khô có thể dựng đứng được. Rồi đến các anh chị tôi cũng bận như vậy, chị nào đến ngày có tháng lấy xuồng chống vào trong đồng xa.
Chưa thấy lần nào cha tôi tỏ vẻ mệt mỏi chán nản, đêm đêm ông tập họp chúng tôi lại nói: "Con người ta sanh ra có đủ tay chân là để chống chọi với mọi tai vạ rủi ro, ông bà mình đã đổ mồ hôi xương máu trên mảnh đất này mình phải gìn giữ lấy". Rồi một đêm cha tôi kêu hết chúng tôi lại. "Thằng Hai thằng Ba con Tư ra đây, thằng Năm thằng Sáu thằng Bảy ra đây, con út nhứt con út nhì ra đây, các con ra hết đây". Anh chị em tôi kéo ra đứng đầy chật sân, con trai đứng con gái ngồi, cha tôi chỉ cây cột ở hàng hiên nhà nói: "Các con có biết sự tích cây cột này không?". Chúng tôi không biết, không nghe cha mẹ kể bao giờ, đồng thưa:
- Dạ chúng tôi không biết cha à.
Cha tôi cho đốt một đống lửa lớn giữa sân, chúng tôi đứng ngồi chung quanh, cha tôi kể:
- Phải, các con không biết, má các con cũng không biết. Hôm đó má các con chuyển bụng sanh thằng Bường này nè (cha tôi chỉ tôi), cha đi lặn móc tràm lụt về cất nhà. Cha xom trúng thân cây tràm lụt nằm sâu dưới mấy thước đất, cha lặn hụp cả buổi tai rỉ máu, mình mẩy lạnh tím, nhiều lúc muốn xỉu đi, không nấu được cơm chỉ nhai trái bông súng củ co trái ấu, mệt quá leo lên gò nghỉ một chút, nghĩ bụng: ông bà ngày xưa tay không làm nên tất cả giờ mình có cơ ngơi chút đỉnh chẳng lẽ không làm được. Và rồi cha nhào xuống tiếp tục lặn hụp với cây tràm lụt, một lần cha xỉu đi, vừa kịp leo lên gò nằm ngay ngắn, nghĩ có chết cũng phải chết cho đàng hoàng thẳng thớm. Nhưng rồi cha không chết, cha tỉnh dậy tiếp tục lặn, suốt hai ngày đêm cha lặn hụp với thân cây tràm toàn ăn rau củ uống nước đồng, cuối cùng cũng móc được cây tràm lụt lên chở về quăng được trên giữa sân nằm chết giấc ngay tại đó. Trong lúc đó má các con đang rặn đẻ thằng Bường trong nhà, rặn hoài nó không chịu ra... - Kể tới đó cha tôi vung con dao chém mạnh vào thân cây cột nói - Chính cây tràm này đây các con chém vô đây để nhớ lời cha dặn, nhớ công ơn ông bà gây dựng bao nhiêu năm chịu khổ cực.
Anh chị em tôi nghe lời mỗi người cầm lấy con dao chém vào thân cây cột, các anh tôi chém, các chị tôi chém, các em tôi chém, các vết theo cao thấp chi chít từ trên xuống dưới. Tôi chém sâu hơn cả, cha tôi nói:
- Thằng Bường sau này sẽ là đứa khá, con giữ cây cột đó cho cha.
Đêm hôm đó cha tôi trải nệm ngủ ngay giữa sân, nằm dang rộng hai tay, râu tóc bạc xõa dài, đống lửa cháy bập bùng soi rõ từng nét chân mày cánh mũi. Tôi không bao giờ quên hình ảnh cha tôi lúc đó, trông cha tôi không có vẻ gì là người nghèo cả mà trông như các bậc hảo hán trong chuyện đời xưa. Tôi cũng trải đệm nằm cạnh cha tôi, thỉnh thoảng giật mình thức giấc nhìn lên cây cột chập chờn trong ánh lửa.
Nhưng rồi tôi không giữ được cây cột đó, một hôm máy bay Tây ném bom đốt cháy căn nhà giết chết cha tôi, đầu đuôi câu chuyện như sau.
Hôm đó cha tôi rủ tôi đi đồng với ông, tôi vui vẻ đi ngay phần vì được cha thương yêu, phần buổi mai khí trời mát mẻ dễ chịu gây hào hứng. Hai cha con tôi chống xuồng đi, cha phía sau, tôi phía trước. Ngang một bụi đế cao cha tôi cho xuồng dừng lại ngó xuống tìm kiếm chỉ tay nói: "Bường à coi ổ trích nè con". Đã nhiều lần như vậy rồi tôi hiểu ý cha tôi, ông thường lấy chuyện trích con dạy tôi. Giống trích gan dạ một cách kỳ lạ, trích con mới nứt mắt nghe tiếng động nhảy lặn cắn lấy gốc cỏ bám riết đến chết không trồi lên nếu người còn đứng đó. Cha tôi chỉ cho tôi coi đám trích con bám lấy gốc cỏ, nước trong vắt thấy rõ từng con một, cười nói: "Thôi tao chịu thua rồi, trồi lên đi". Rồi cha tôi cười ha hả chống xuồng đi.
Bỗng chúng tôi nghe cái gì ầm ầm như giông bão, rồi thấy xuất hiện trên nền trời những chấm đen như bầy còng cọc. Cha tôi la: "Ôi cha máy bay, coi bộ không hiền đây". Tôi không biết, tôi chưa thấy giống này bao giờ. Cha tôi hối tôi chống xuồng trở về tới nhà quát lớn vào trong: "Ra hết đi, thằng Hai thằng Ba đưa vợ con bây đi, thằng Bường vô đưa má mày đi, đám nhỏ cũng đi hết ra tuốt ngoài đồng xa tìm bờ bụi mà núp, để căn nhà đây cho cha". Chúng tôi nghe vậy lo lắm, nhưng chỉ biết nghe lời, mọi chỉ dẫn của cha tôikhông gì hơn được. Một loáng chúng tôi đã túa đi hết, lòng đau như cắt tôi đi một chập quay nhìn lại thấy cha tôi chạy tới lui trong nhà in bóng đen đen lên mặt sân cho tới lúc máy bay cắm xuống ném bom khói tung mù mịt tôi không còn nhìn thấy gì nữa.
Đám máy bay ném bom suốt ngày đến chiều tối bay đi, chúng tôi trở về căn nhà đã cháy trụi, cha tôi đã chết. Cha tôi chết nằm sải tay, râu tóc xõa dài như hôm nào ông nằm ngủ, cạnh đó cây cột với những vết chém chi chít vẫn còn nghi ngút khói, lửa bập bùng soi sáng lên gương mặt cha tôi. Chỉ có căn nhà cháy thôi, chung quanh lủ khủ những khạp mắm khạp gạo, nước mưa, bòng bị quần áo chăn màn, cá khô tôm khô cha tôi đã khuân hết ra bên ngoài. Má tôi ôm cha tôi khóc thảm thiết. Chúng tôi cũng khóc. Cha tôi sống cũng như chết, sự gan dạ, lòng thương yêu đáng cho chúng tôi noi theo.
Mấy năm sau tôi cưới vợ, thay cha tôi coi sóc việc gia đình. Vợ tôi người ở xa, miệt đồng bằng sông Cửu Long. Tôi gặp vợ tôi trong một chuyến đi làm đồng, vợ tôi cắt lác, tôi bẫy chim, đi chung có rất nhiều trai gái suốt ngày làm lụng cực nhọc chiều về ăn uống tắm rửa cười đùa trêu chọc nhau, hết chuyện trời đất mưa nắng tới chuyện cái lưng gù của tôi, tôi biết họ buồn chuyện tìm cách khuây khỏa chẳng để bụng buồn phiền gì. Nhưng có một cô gái không bao giờ cười lại còn nhìn tôi vẻ thương cảm, nhiều lần như vậy tôi đem lòng thương vợ tôi từ hồi nào không biết.
Về sống với nhau vợ tôi thường kể chuyện mần ăn sinh sống vùng sông Cửu Long quê cô tôi mới biết chuyện cơ cực đâu cũng có không riêng gì vùng đồng chua nước nổi này.
Riêng cảnh vợ tôi đã thấy cực hơn tôi rồi: cha mẹ chết từ lâu, cô đi làm thuê làm mướn, về sống với tôi bao nhiêu năm tôi làm thay cho công việc nặng nhọc, đêm nằm rờ tay vẫn còn thấy những vết chai sần.
Năm qua tháng lại má tôi già chết đi, anh chị em tôi lớn lên có gia đình riêng đi mần ăn tứ tán, theo lời cha tôi ở lại giữ căn nhà, sanh được đứa con đầu lòng. Tôi mừng lắm, ngày tháng chắt chiu nuôi con, cảnh sống từ đó bớt phần hẩm hiu buồn bã. Con tôi lớn mau như củ co trái ấu trên đồng, mùa mưa mùa nắng cứ sởn sơ, tròn mẩy. Nhưng anh ơi, một hôm chúng giết chết con tôi, đó là những năm hòa bình lập lại, thằng Tây đi thằng Mỹ đến...
Người đàn ông gù kể tới đó dừng lại, xiết chặt hai tay vào nhau, mặt không một chút cảm giác nhưng những đường mạch máu trên tay lại nổi vồng lên. Bếp lửa um khói một hồi rồi cháy lên ngọn lửa xanh, rồi vàng, rồi đỏ, nhảy múa uốn éo. Mấy trái bắp đã chín vàng, người đàn ông sực tỉnh lấy ra đưa cho tôi. Tôi vừa ăn vừa xuýt xoa, anh lại lôi ra nướng mấy trái nữa, trán nhăn lại, mi mắt trĩu xuống, môi và má cứ giật luôn.
Tiếng người đàn bà trong mùng vọng ra:
- Thôi mình à để anh Hai nghỉ, anh Hai còn đi đường xa.
Người đàn ông nói:
- Không, anh Hai đã nghe rồi phải nghe hết, tôi phải kể chuyện dòng họ nhà mình sống và chết trên đồng nước này như thế nào, vợ chồng mình làm ăn nuôi con như thế nào. Vợ chồng tôi nuôi con chẳng khác chi chim bồng bồng ấp trứng, nhiều lúc phải đi lặt từng gương sen, trái súng về giã bột cho con ăn. Nhưng anh nghĩ coi gà nuôi con mà bầy quạ ở trên đầu. Một hôm một bầy trực thăng sà xuống hốt hết những người dân ở đây chở đi. Hôm đó tôi đi giăng câu trong đồng xa nên thoát được, về tới nơi thấy nhà cửa làng xóm vắng tanh. Tôi chết điếng người, linh tính có điều không may. Và quả nhiên như vậy... Mình à, kể cho anh Hai nghe chúng giết con mình như thế nào đi.
Trong mùng không có tiếng trả lời, chỉ có tiếng sụt sịt. Người đàn ông đằng hắng mấy cái rồi kể tiếp:
- Chúng đem nhốt vợ con tôi và hàng trăm người vào một trại, rào mấy lượt dây kẽm gai, tới giờ phát cơm nước, buổi sáng buổi chiều ngồi xếp hàng nghe giảng phương sách tố cộng đả cộng, quốc sách ấp chiến lược, không được ho, đái ỉa cũng cấm. Con tôi sống trong đồng rộng như chim giờ đem nhốt trong lồng vậy sao chịu được. Thế là nó kêu la giãy giụa như con heo rừng, mỗi lần như vậy chúng đánh vợ tôi bắt phải dỗ con "để các quan chức làm việc". Nhiều lần như vậy cho đến một hôm chúng bắt con tôi đem đi luôn. Chúng nói: "Chồng chị đâu không đi học tập, trốn tránh nghĩa vụ quốc gia, chị bồng con lên đây gây rối phải không?". Nói rồi chúng đuổi vợ tôi về, bảo nhắn kêu tôi lên trình diện mới trả con. Vợ tôi về kể lại mọi chuyện cho tôi nghe, hai vợ chồng thức suốt đêm bàn tính cách đem con về không phải chui vào rọ của chúng. Nhưng thời thế như vậy có cách gì? Sáng hôm sau tôi nói với vợ tôi: "Mình nấu cho tôi nồi cơm ăn thật no, tôi đi đổi mạng con tôi đây". Vợ tôi nghe vậy thì khóc ròng không biết gì hơn cuộn quần áo đi theo tôi.
Bữa hôm đó như một cuộc đưa tang, tôi đi trước, vợ tôi đi sau, nước mắt trải dài trên đường đi.
Ra tới trại chúng thả vợ con tôi nhưng bắt giam tôi, giao cho khẩu súng bắt phải đi lính. Tôi thành lính của chúng như vậy. ở lính tôi tập tành đủ các thói hư tật xấu uống rượu đánh bài, tôi vốn tính chẳng xấu xa gì chẳng qua do buồn rầu mà ra thôi. Trong lúc đó con tôi đang chết dần chết mòn ở nhà. Từ lúc ở trại về con tôi nhiễm thứ bịnh gì các phương thuốc hiệu nghiệm bằng cỏ cây Tháp Mười không trị được. Thằng nhỏ cứ ngày một gầy yếu xanh xao không ăn uống gì được, cứ như vậy cho đến chết. Tôi nghe tin con tôi chết hôm chúng bắt tôi đi lùng sục ma quỷ gì đó trong lùm bụi, tôi buông rơi khẩu súng nói với thằng chỉ huy: "Thôi tôi không đi lính nữa đâu, tôi tính đổi mạng con tôi giờ nó chết rồi tôi đi lính làm chi nữa, hai cha con tôi cùng chết thôi". Chúng giải tôi về đem nhốt tôi vào hầm tôi cũng nói như vậy, chúng hành hạ tôi đủ cách, chịu không nổi tôi tìm cách trốn, dùng tay không đào hầm dài năm sáu thước chưa tới đâu chúng bắt được đánh tôi tàn tệ, chuyên dùng cây ba cạnh đánh lên cục gù lưng của tôi. Chúng nói: "Tao đánh mày ngay lưng lại được mày cảm ơn Ngô tổng thống". Chúng làm như giỡn chơi vậy, đêm về tôi ói ra từng chén máu.
Cuối cùng chắc muốn giết tôi luôn chúng treo tôi dưới bụng chiếc trực thăng bay diễu phát loa dọa nạt, cha sanh mẹ đẻ tới giờ tôi chưa khi nào chịu cảnh đau đớn kỳ cục quá như vậy, ruột gan lộn lên, gió thổi ù ù bên tai mà tôi muốn nghẹt thở mong được chết đi cho rồi. Nhưng tôi cũng thấy căm thù chúng quá đỗi, nhiều lần muốn chết lịm đi tôi lại cựa quật dữ dội cho tỉnh lại. Tôi phải sống, nợ máu phải trả bằng máu, rồi có ngày chúng trả món nợ này của tôi. Tôi vùng vẫy tuột dần các mối dây, cuộn người lại tránh gió tạt như roi quất vào người. Cuối cùng ngang một bãi lầy thằng lái tinh nghịch chắc muốn đùa vui sà xuống định nhúng tôi xuống bùn cho tôi chết ngáp, tôi vùng ra được rớt chúi xuống, chúng đảo vòng quay lại tìm nhưng bãi bùn đã che tôi, chúng xả đại liên bắn may tôi chỉ trúng một viên vào bắp chân. Cuối cùng chúng bỏ đi, tôi nằm chết giấc ở đó, không biết bao lâu, tỉnh lại thấy từ mùa khô đã sang mùa mưa, cơn mưa đầu mùa rơi mát trên mặt tôi. Tôi tỉnh hẳn bắt đầu bò đi, qua một ngày đêm bò tới xóm gần đó bất tỉnh ngay đầu làng không còn biết gì nữa, không biết ai đã ra cứu tôi đem tôi về nuôi rồi đem tôi về nhà. Vợ tôi hầu như không nhìn ra tôi khi tôi về tới nhà, nghe tiếng tôi kêu lên mới biết. Tôi nằm liệt cả năm trời mới ngồi dậy được, lúc đó vào cuối năm năm chín đầu năm sáu mươi, mình chuẩn bị làm đồng khởi...
Anh dừng lại bước ra ngoài ôm cỏ khô vào đút thêm vào bếp, lửa cháy cao ngọn tôi nhìn thấy anh khác hẳn, có cái gì đó mạnh bạo trong mớ tóc xửng lên, mắt long lanh, mồ hôi rịn ướt trên má trên trán. Khói cỏ khô quyện với mùi bắp nướng, lẫn trong làn gió có mùi bông tràm, mùi phèn chua và tất cả mùi của đồng nước...
Tiếng người đàn bà nói vọng ra:
- Thôi để anh Hai nghỉ mình à.
Người đàn ông như sực tỉnh cười giả lả:
- ờ thôi anh Hai nghỉ, tôi ở đây buồn gặp người nói chuyện quên thôi , anh Hai nghỉ rồi đi...
Nhưng người đàn bà đã khoác mùng bước ra ngoài. Đó là một người phụ nữ khó có thể đoán được tuổi, trông da mặt đã nhăn nheo, tóc cháy nắng xác xơ, chị gật đầu chào tôi miệng cười không còn vẻ tinh nhanh nữa nhưng mắt vẫn còn trẻ trung, ánh lên mầu đen đen của tuổi con gái. Chị bồng con ra ngoài cất tiếng hát ru, đứa nhỏ như không chịu gì đó không ngủ cứ giật nẩy khóc từng cơn, thỉnh thoảng phun nước miếng lèo phèo.
Tôi hỏi:
- Cháu đau sao vậy chị?
- Dạ không biết sao - Người phụ nữ đáp - Cháu hơi nóng sốt, chắc tại trời trở gió...
Người đàn ông ngắt ngang hỏi tôi:
- Anh đi lạc giờ tính sao?
- Tôi cũng không biết - Tôi đáp - Chắc phải nhờ anh chỉ đường.
- Anh có công tác gấp?
- Dạ phải, gấp lắm.
- Không chỉ được đâu, có đường sá gì đâu mà chỉ, đi trên đồng nước cứ quen chân đi thôi. Phải chi tôi đưa được anh đi...
"Tại sao anh không thể đưa tôi đi?", tôi định hỏi nhưng sực nhớ đến đứa con đau tôi nói:
- Tôi đi một mình được rồi, cứ lần đường mà đi.
Anh nói như gắt:
- Lần đường làm sao, để vợ chồng tôi tính lại coi.
Anh bước lại chỗ chị vợ ghé xuống bàn tính gì đó tôi bước ra ngoài nhìn ra đồng nước nhìn hai chiếc xuồng nằm sóng đôi một chiếc phủ vải ni lông, rồi không ngăn được tò mò bước xuống giở ni lông ra coi. Chiếc xuồng đầy ắp súng đạn, những khẩu súng tiểu liên trung liên đạn cối đạn pháo B40, không tin vào mắt mình tôi còn rờ vào chạm tay vào làn thép lạnh ngắt. Vậy là việc anh không thể đưa tôi đi là điều này đây anh kể lể dông dài chuyện đồng nước cốt cũng để che giấu điều bí mật này. Hình ảnh người nông dân tật nguyền đêm đêm đẩy xuồng đưa vũ khí ra mặt trận hiện lên trước mắt tôi, trên hết những kỷ niệm êm đềm về quê hương đồng nước vừa mới choán chật tâm trí.
Lòng xúc động tôi quay đi và nói lớn:
- Ôi trăng lên kìa, trời có trăng không đi lạc nữa đâu, tôi đi một mình được rồi.
Tôi hé tấm phên bước vô, hai vợ chồng ngưng bặt ngẩng lên nhìn tôi, đứa nhỏ thôi khóc cũng ngước nhìn đăm đăm. Người đàn ông nói:
- Đêm nay làm gì có trăng, thôi được rồi tôi có công chuyện ở nhà canh gác luôn tiện giữ con, vợ tôi sẽ đưa anh đi.
Tôi nghĩ bụng: "Thức gác làm sao, tôi không biết chút nữa anh đưa xuồng vũ khí đi hay sao? Chẳng lẽ anh đem theo đứa con đang bịnh, tôi vô cớ biến khó khăn nhỏ của mình thành khó khăn lớn của vợ chồng anh hay sao? " Nhưng tôi không thể nói ra điều đó, không thể nói tôi đã nhìn thấy xuồng súng đạn, việc chuyển vũ khí là của mọi người nhưng việc ai nấy biết đó là vấn đề nguyên tắc.
Tôi tìm cách nói sang chuyện khác:
- Đường này cũng có nhiều người qua lại?
- Dà, có lần có người cũng đi lạc như anh vậy...
- Thôi mình à - Người đàn bà lại nói.
- Chuyện có căn có quả, tôi kể chuyện kia rồi phải kể chuyện này... Đêm hôm đó giữa khuya thức dậy chuẩn bị đi giăng câu tôi chợt nghe có tiếng lội nước lộn xộn, nghe bước chân biết không phải dân đồng nước, bước ra coi thấy quả đúng như vậy. Người đó lội nước như đi qua gai gốc quờ quạng nghiêng ngả, mặt mày tái xanh, râu tóc xõa dài như người từ xa tới. Chưa hiểu ra sao tôi vội nhào xuống nước lội tới dìu anh ta lên nhà kêu nằm nghỉ, hối vợ lo cơm nước nhưng anh ta nói có việc hệ trọng phải đi gấp nhờ tôi đưa đi. Tôi nói: "Nếu là việc hệ trọng tôi phải đưa anh đi thôi, nhưng tôi mới ở tù ra chẳng có xuồng bọng gì tôi cõng anh và anh đừng chết trên lưng tôi". Nói rồi tôi kêu vợ nấu cơm vắt đem theo, xốc anh ta lên lưng lội xuống nước ra đi, ngâm mình dưới nước suốt đêm người lạnh cứng như đá, rồi ngày hôm sau đến một xóm không biết chỗ nào giữa đêm nghe có tiếng chân rầm rập, tiếng súng nổ...
- Đó là đêm đồng khởi?
- Đúng. Tôi vội băng đồng lội về thấy trong xóm cũng đèn đuốc đỏ trời như vậy, vừa lúc vợ tôi chuyển bụng sanh đứa con. "Vậy là con tôi sống được rồi", tôi la lớn lên với chung quanh. "Con tôi sống rồi...".
Ngay đêm đó tôi vào du kích, lãnh được một khẩu súng "oảnh tầm sào" dài ngoằng, tôi nói vui với anh ấp đội trưởng: "Khẩu súng này như con tôi vậy, đứa con lớn giữ mạng sống cho đứa con vừa mới đẻ".
Từ đêm đó xóm này trở thành đầu mối cho mọi con đường qua lại nối liền vùng trên chiến khu với các vùng tạm chiếm bên dưới, tôi tật nguyền không đi chiến đấu xa được anh em giao tôi giữ việc canh gác, và khi có người đi công tác bị lạc chống xuồng đưa đi. Thật lạ, tôi nghiệm thấy hoài như vậy, sau mỗi lần tôi đưa một người đi mấy hôm sau có tin có trận đánh chỗ này nọ, rồi hôm sau nữa máy bay lên đây ném bom, như xóm nhỏ này làm cho chúng thua vậy.
Không thể kể hết những trận máy bay ném bom trên đồng nước này, các loại F, khu trục Xka-rai-đơ, T28 bắn hỏa tiễn, B52 bừa tới lui ngang dọc như rải thảm, mặt đồng nát như ruộng cày quanh năm suốt tháng làng xóm vẫn bám ở đây chịu đựng. Kể ra trận đầu tiên chúng tôi cũng hoảng, trời đang yên tĩnh bỗng nghe ào ào như giông bão, chưa kịp hiểu gì bom đã tới, hàng trăm trái bom nổ nhất loạt như trời long đất lở. Hết loạt thứ nhứt tôi tay bồng con tay xách súng xua vợ chạy ra được tới công sự đầu tiên, loạt thứ hai đã đến, đè vợ con xuống nín đến hai hơi thở bom vẫn chưa dứt, sau đó ngẩng lên không thấy nhà đâu nữa. Như gió đã thổi bay nhà tôi vậy. Sợ vợ tôi chưa quen mất tinh thần tôi báo liền: "Nhà mình trúng bom rồi, do rủi thôi thằng Mỹ không tính được như vậy đâu".
Chuyện chỉ vậy thôi, chuyện nhà tôi lần đầu tiên bị trúng bom Mỹ ấy, như lần hồi xưa thời cha tôi nhà bị trúng bom giặc Tây. Sau đó quen dần, nhà bị trúng bom vợ chồng tôi lặn móc đất đắp lại nền, đốn tràm cắt đưng dựng lại nhà, chẳng chết gì một trái bom cũng như trăm trái.
Tôi thường nói lại lời cha tôi dặn cho vợ tôi nghe: con người ta sanh ra có đủ tay chân là để chống chọi lại với mọi rủi ro... ". Vợ tôi nghe lời tôi chẳng than phiền bao giờ. Cho tới hồi năm ngoái thấy mặt đồng lầy lỗ bom, nhiều gia đình đông con bẩn chật, anh em du kích chúng tôi họp lại bàn nói chúng không cho mình sống gần nhau nữa sống xa nhau thôi, đâu cũng trên đồng nước có gì mà ngại. Nói rồi động viên bà con dời sâu vô đồng tụm năm tụm ba ở chui rúc trong các lùm bụi. Xóm làng tự nhiên biến mất nhưng đêm đêm xuồng ghe túa ra cảnh coi sung túc gấp năm gấp mười.
Thằng Mỹ thật nham hiểm hết sức, không thấy làng chúng không "bừa" B52 nữa, một thời gian lặng thinh lặng ngắt, vợ tôi nói: "Hay chúng hết bom rồi?". Tôi nói: "Khoan đã, thằng giặc này trăm mưu gian ngàn kế độc chắc tính bày ra loại yêu tinh gì đây". Quả nhiên đến hồi đầu năm bỗng thấy xuất hiện loại xuồng bay, giống thật độc địa, sáng chiều cứ rẹt đi rẹt lại trên đồng thấy lùm bụi nào nghi nghi dừng lại xả súng bắn. Ngay hôm đầu tiên vợ chồng tôi bị một mẻ hoảng hồn. Vừa nghe rù rù chưa hiểu gì nó đã sà tới "rẹt" liền một loạt đại liên như sét đánh. Khẩu súng đâu không thấy quýnh quá tôi xô hai mẹ con đứa nhỏ nằm che lên trên, may không có viên đạn nào xỏ xâu ba chúng tôi. Từ đó tôi không dám rời khẩu súng, đi đái ỉa cũng xách theo.
Lần thứ hai nó đến vừa nghe tiếng tôi giương súng lên nó đã xẹt bay qua khỏi, tôi ghìm súng chờ đợi nói: "Vòng lại đi con, chỉ cần một phát tao đưa đám mày". Nó vòng trở lại thật, đầu đi đâu không thấy chỉ thấy một cục tròn vo, không biết đâu tôi cứ nhằm ngay bụng nổ bừa một phát. Nó sà bay qua khỏi lăng quăng như bị thương, có người nói nó đã rớt nhưng tôi không dám chắc chỉ thấy chúng bỏ đi luôn không trở lại. Thôi như vậy coi như huề đôi bên thu quân về không ai hư hao gì, lần sau sẽ ăn thua.
Quả nhiên lần sau tôi bắn cháy chúng một chiếc. Cũng kiểu như vậy, nhưng tôi bình tĩnh hơn, tính trước độ cao, tốc độ, tôi nổ một phát nó vọt lên cao như con cá lóc bị giập đầu nổ tung như một chiếc bong bóng.
Từ đó đến nay tôi cùng du kích ở đây bắn cháy nhiều chiếc như vậy. Mỗi lần bắn rớt một chiếc chúng tôi kéo xuồng kéo đi diễu khắp đồng đập thùng gõ nồi hò hét mừng thắng lợi, sau đó đem xẻ ra cho bà con gò nồi gò chảo, riêng thằng Chắt con tôi được một chiếc xuồng con thả trên nước chơi.
Một hôm tôi có sáng kiến cho giăng một sợi dây cáp trên đồng, cái giống này bay mau thắng không kịp vướng dây cáp sẽ trôi tuột vào rừng như cá vô rọ. Chúng tôi bắt được một chiếc như vậy, thằng Mỹ bị trói tay rồi còn ngơ ngác không hiểu chuyện gì xảy ra.
Nhưng chuyện giặc giả đâu phải mình bắn nó nó không bắn lại mình, như có lần tôi bị trọng thương tưởng không sống được. Lần đó tôi nhớ rõ lắm, trước đó một ngày tức ngày 17 tháng 7 Bác Hồ kêu đồng bào miền Nam biểu phải đánh mạnh. Giữa mùa sa mưa đột nhiên sáng hôm sau trời tạnh ráo, cả bầu trời xanh trong không gợn một chút mây, sen nở đầu đồng, chim chóc bay đi ăn từng đàn như tiếc mùa xuân. Tôi dòm trời dòm nước nói với vợ tôi: "Trời nước như vầy thế nào tụi xuồng bay cũng lên kiếm ăn. Tôi phải "chủ động" mới được, có gì hai mẹ con cứ yên tâm nhảy lặn". Nói rồi tôi xách súng chống xuồng ra đi vừa khỏi khoảng xa chúng lên tới, bay có đội hình đàng hoàng, hai chiếc trước một chiếc sau. Tôi cùng toán du kích ém kỹ trong các khóm cây lùm bụi, thoáng một cái chiếc đi đầu đã bay ngang qua đầu tôi, nhìn thấy rõ thằng Mỹ mặt đỏ au mắt đục ngầu. Tôi nói thầm trong bụng: "Được rồi tụi bây mặc sức diễu võ giương oai tới chừng nổ súng tao nổ trước". Tôi nói lớn như vậy để tự dặn mình, kinh nghiệm bao nhiêu lần rồi đối với thằng giặc không thể đi sau nó được.
Nhưng hôm đó trời xui đất khiến thế nào tôi chậm chân chậm tay do chiếc xuồng, hoặc do tôi nghĩ đến vợ con. Xuồng bay sà tới tôi nhìn rõ thằng Mỹ với chiếc đồng hồ trên cổ tay lông lá chưa kịp giương súng nó "rẹt" liền một loạt tôi nghe nóng bỏng cánh tay trái biết mình đã bị thương, người chao đi suýt rơi xuống nước, tay phải liền chụp lấy tay trái giữ lấy khẩu súng. Tôi cố trấn tĩnh nói thầm trong bụng: "Phải rời xuồng thật lẹ, và phải bắn trước khi lần thứ hai nó đến". Tôi xé áo ra băng vết thương thật kỹ, nhận chìm chiếc xuồng rồi lội long đi cách đó một khoảng xa, vết thương chảy máu nhiều, vừa lội tôi vừa quay lại khỏa nước xóa tan dấu máu. Tôi ngồi lại trong một bụi đế thưa cho chúng khỏi nghi bẻ một nhánh tràm cắm làm nạng để có thể bắn một tay. Lúc đó tôi lại nghĩ đến vợ con tôi nhưng tôi nghĩ rằng có thương vợ con phải cố gắng chiến đấu, nên không ân hận gì. Một chút sau nó trở lại, bay lẹ như tên bắn, chiếc đầu tròn lớn mau như bọt nước trồi lên mặt nước, tôi bình tinh "yếu lỉnh" vừa tầm nổ liền một phát, thằng Mỹ ngồi ở cửa chợt ngoéo đầu buông rời khẩu súng, tôi biết mình đã bắn trúng nhưng chỉ trúng thằng Mỹ thôi không trúng máy móc, chiếc xuồng bay không rớt.
Chúng đã phát hiện được tôi, cả chiếc vòng trở lại, anh em trong đội du kích nghe tôi nổ cũng đã chuẩn bị sẵn sàng, tôi nghe tiếng "cúc cúc" ám hiệu vang lên từ đầu này tới đầu nọ. Bắt đầu trận chiến ác liệt đây!
Chuyện chiến đấu trên đồng nước phải đương mặt nhau mà đánh, đọ gan nhau ăn thua, không để hở một giây, không được mất bình tĩnh, không được để bom đạn của chúng làm mình rối trí, anh em du kích ở rải rác không nhìn thấy nhau, sự gan dạ của từng người càng cần thiết lắm.
Vết thương tôi càng chảy máu nhiều, trời nắng như đổ lửa khiến tôi khát nước như xé họng nhưng tôi cố cắn răng không uống một giọt nước, chỉ thỉnh thoảng khoác nước súc miệng rồi nhả ra. Có mấy lần tôi xỉu đi, đúng ra là mơ màng nhìn thấy lại cảnh vợ tôi nước mắt lưng tròng hôm đưa tôi đi lính cứu mạng đứa con, hình ảnh đứa con xanh xao chết dần mòn cùng cảnh tôi bị treo dưới bụng trực thăng đau đớn cùng cực, tôi cựa quậy chống trả dữ dội và rồi tôi choàng dậy vừa lúc ba chiếc xuồng bay xắn xả bay tới, tôi tỉnh hẳn hụp xuống nước cho nòng súng giương cao lên, chọn chiếc chính giữa để mắt vào đường ngắm. Lẹ như một tia chớp bóng đen của nó áng hết đầu ruồi. Nhưng còn lẹ hơn nữa tôi nín thở bóp cò khi bóng đen của nó chưa qua khỏi, khẩu súng chỉ giật nhẹ một cái tôi biết mình đã bắn trúng. Một bựng lửa bừng lên trước mặt tôi, cùng lúc với chân trái tôi đau xé, nặng trịch như có ai đó níu trì phía dưới. Tôi chép miệng: "Vậy mà nó cũng kịp bắn, cái dòng độc hại hết sức". Nhưng như vậy tôi cũng đã bắn cháy nó rồi, tôi rướn người lên nhìn tận mắt chiếc xuồng bay gãy cánh nằm chúc đầu xuống nước cháy phừng phừng cho đến khi tàn rụi rồi bắt đầu lội long đi tiếp, hít thở mùi xăng cháy cho đỡ khát nước.
Chúng tôi chiến đấu tới trưa, rồi xế chiều, không nhớ đã bắn cháy bao nhiêu chiếc và bị bao nhiêu vết thương, mỗi lần bắn cháy tôi đều nhóng lên dòm coi và mỗi lần bị thương bẻ thêm một nhánh tràm cắm làm nạng, đợi nó đến thật gần mới nổ súng. Với tầm bắn như vậy tôi khó có thể bắn trật, trừ khi tôi mất bình tĩnh, nhưng tôi bình tĩnh lắm, từ đầu đến cuối mọi động tác đều rập khuôn như nhau.
Tôi cũng nhớ rõ tôi không hề uống một giọt nước, có một lần một trái rốc-két nổ gần nước chạt vào miệng tôi nhổ liền trở ra. Tôi nói hoài trong dạ để tự dặn mình: "Mình không thể chết trước khi chúng bỏ chạy". Và quả nhiên cuối cùng chúng bỏ chạy tôi được anh em đem lên xuồng chở về.
Đó chưa phải là trận đánh gay go nhứt, sau này tôi còn dự nhiều trận đánh gay go hơn, nhưng tôi nhớ rõ vì lần đó tôi đã để cho chúng bắn trước. Sau này không khi nào tôi như vậy.
Sau này mỗi lần xách súng ra đi tôi đều nói với vợ tôi: "Hôm nay tôi quyết phải nổ trước, nghe tiếng nổ cầm chắc tôi bắn rớt một chiếc nghen!". Con tôi bập bẹ nói: "Ba bắn nó nó hết bắn mình hả ba?". Đúng là như vậy, tôi chiến đấu vì mọi người cũng vì con tôi, và như vậy tôi cũng đã được đền đáp rồi.
Người đàn ông lại cúi xuống thổi lửa, chắc để giấu xúc động, nhưng tôi cũng nhìn thấy những giọt nước mắt long lanh trên mi mắt, nhưng vẻ mặt anh thì rạng rỡ, nên tôi nghĩ đó là những giọt nước mắt vui. Anh nói tiếp:
- Bao nhiêu năm chúng tôi chiến đấu như vậy, vỏ quít dày có móng tay nhọn, chúng bày ra trò gì loại vũ khí gì chúng tôi đều trị được hết, không phải không bị thiệt hại nhưng rốt rồi chúng tôi vẫn ở đây, trên đồng nước này. Tôi nói hoài với vợ tôi: "Mình cứ yên lòng nuôi con, đời có gieo có gặt mình thấy không chỉ việc tôi không muốn chết đời cũng đã trả ơn". Nhưng nói chuyện tôi làm gì vợ tôi chỉ cần nghiệm ra đời mình đời cô còn khổ cực gấp mấy đời tôi.
Anh đứng dậy rút cây dầm từ gác mái vén mùng nói vào với chị vợ:
- Thôi khuya rồi mình chuẩn bị đưa anh Hai đi thì vừa, sáng "ló đuôi" thì mệt.
Chị vợ đi ra anh vẫn vén mùng, chắc là muốn nhìn đứa con, rồi quay ra nhấc tấm phên cho tôi bước ra. Bên ngoài trời đã hết mưa, lạnh như cắt da, đêm yên tĩnh, chỉ nghe tiếng gió lùa và tiếng sóng vỗ nhẹ nhàng. Hai chiếc xuồng đang nhồi sóng lắc lư, như háo hức muốn được lướt đi. Người đàn bà bước xuống sửa soạn dầm chèo, loay hoay mãi với sợi dây xích cuối cùng cũng đẩy được vào trong cầu nước.
Tôi trở vào lấy gói thuốc chợt nghe tiếng người đàn ông nói đả đớt với đứa con trong mùng:
- ... Rán chịu cực khổ với ba má nghen con, chẳng qua là do khó khăn chung... Ba cột chân con vào cây cột này nè, con không được tháo ra, con bò chơi quanh quẩn đây được rồi... à ơi ba cột chân con, ba cột chân con vào cây cột...
Thấy lờ mờ qua vạt mùng bóng người đàn ông với chiếc lưng gù cúi gập đang dùng chiếc khăn choàng cột chân đứa con vào cây cột, loay hoay mãi, vừa hát ầu ơ vừa vụng về thắt cột, đứa nhỏ hẳn đang ngước nhìn không hiểu cha nó làm điều gì kỳ cục vậy...
... Chị đàn bà chống xuồng đưa tôi đi, xuồng vạch một đường sáng dài trên đồng nước. Đêm Tháp Mười thật mênh mông. Gió thổi mơn man cây cỏ lau sậy kêu rì rào, mặt nước gợn sóng lấp lánh tiếng côn trùng nỉ non, đó đây những đám sen đám súng nở bông trăng trắng, những chiếc lá nghiêng một nửa khẽ rung rinh dưới gió. Vô vàn những vì sao nhấp nháy nghiêng dần xuống chân trời từng ngôi từng ngôi rụng chìm xuống mặt nước.
Chị đàn bà càng lúc càng tỏ ra nhanh nhẹn mỗi lần nhún đẩy chiếc sào chiếc xuồng lại lướt rào tới, môi mím lại, mắt chị long lanh ánh lên vẻ trẻ trung, cả người như vươn về phía trước.
Còn tôi lại nghĩ về phía sau, cơn gió thổi tới tôi như nghe vẳng lại tiếng khóc của đứa nhỏ bị cột chân vào cây cột. Không, nó không khóc, tôi tự cải chính lại, nó đang cười, nó hiểu vì sao cha nó cột chân nó vào cây cột. Là vì chiếc xuồng súng đạn cạnh sàn nhà ấy, má nó đưa tôi đi cha nó chở xuồng vũ khí đi chỉ mình nó ở nhà phải bị cột chân...
Để khuây khỏa tôi nhìn ra xa, và kìa bình minh đang lên, chân trời rạng một mầu hồng với những vệt mây đâm ngang rồi mặt trời hiện ra với những tia sáng đầu tiên như muôn ngàn sợi chỉ bủa tung trong không gian. Từng đàn chim bay túa ra từ các lùm bụi. Mặt nước phút chốc từ đen thẫm trở nên trong xanh sáng như gương, những gợn sóng như những con rắn bạc tung tăng nhảy múa. Nước trong vắt thấy rõ những bụi rong đung đưa lặng im. Gió thoảng mùi bông tràm bông sen, mùi cỏ ống cỏ tranh năn lác. Giác quan tôi bỗng chốc trở nên tinh tế hơn, nhận ra cả mùi hăng ngai ngái của những ổ chim vừa mới nở, những chồi non vừa mới lú lên. Giờ đây cả không gian đều trắng lóa, mặt nước soi bóng những đám mây trắng trôi lững lờ nhẹ nhàng tinh khiết như những đám bông...
Xuồng ghé vào một bờ đất, tiếng người đàn bà vang lên như tiếng nước reo:
- Tới rồi, anh đi may mắn nghen!
- Cám ơn chị lắm!
- Dạ đâu có chi anh.
Phải, đâu có chi, chỉ là chuyện chống xuồng đưa đi một lúc thôi mà... Còn chuyện kia, chuyện đứa nhỏ bị cột chân vào cây cột chỉ có tôi biết, chị biết, chồng chị biết nhưng mãi mãi giữ kín trong lòng, như bao chuyện lâu nay trên đồng nước này...
8-1969
Năm đó mùa mưa ở Tháp Mười kéo dài hơn mọi năm, đã gần cuối tháng mười trời vẫn còn mù mịt, đồng nước một mầu trắng xóa không nhìn thấy đâu là bến bờ, thỉnh thoảng nổi lên những khóm tràm, bụi trâm bầu lơ thơ, không có đặc điểm gì có thể nhớ đó là đường ta đã đi qua.
Tôi tới trạm M. - trạm giao liên nối liền vùng rừng miền Đông với vùng đồng bằng sông Cửu Long - trời đã về chiều. Mặt trời bỗng chốc ánh lên đỏ rực, mây nước cùng một mầu đỏ như một biển lửa. Và rồi chỉ phút chốc mọi tia sáng đều tắt ngấm, từ hướng Đông mây đen đùn lên lan đi rất mau choán chật cả nền trời. Từng tràng sấm ầm ì kéo dài như vọng lên từ dưới lòng đất. Rồi mưa giăng mờ mịt, đọng một lớp sương đục là là trên mặt nước.
Vừa tới trạm nhìn cảnh trời nước như vậy tôi vội vào gặp người trưởng trạm nói có công tác đặc biệt nhờ bố trí cho chuyến đi gấp qua đồng nước. Thường xuyên tiếp xúc với những người những việc như vậy người trưởng trạm tay bồng đứa con nhỏ thờ ơ cúi xuống thổi bếp lửa, thảy thêm vào mấy nhánh tràm mớ cỏ khô. Khói um lên bay mùi thơm thơm. Rồi anh ngẩng lên hỏi không nhìn tôi:
- Có công tác gấp à?
- Dạ phải.
- Gấp cũng vậy thôi, đêm nay không có chuyến, tụi tôi hết người rồi, gấp cũng phải đợi đến mai.
Anh lại cúi xuống phùng má thổi lửa nữa. "Vậy thì nói làm gì", tôi chán nản nghĩ bụng nhưng cũng cố thuyết phục:
- Nếu không tôi phải đi tự lực, công việc không đợi được.
- Đi một mình hả?
- Phải, đi một mình.
- Không nên không nên, bị lạc ngay thôi, dân đồng nước tụi tôi như cá trên biển vậy mà có hôm còn phải ngủ "mùng nước". Phải đợi đến mai thôi.
- Đã nói không đợi được.
- Tùy. Đã nói hết người rồi, có đi vào bếp lấy thêm vắt cơm...
Tôi xốc ba-lô lên đi liền, vào lấy vắt cơm tôi sẽ ở lại luôn. Ra tới mí rừng tràm chợt nghe tiếng động phía sau, ngoảnh lại thấy người trưởng trạm bồng con đi ra đưa cho tôi vắt cơm. Hai chúng tôi đứng yên lặng bên nhau một lúc nhìn cánh đồng nước mênh mông trước mặt.
Mặt trời lóe lên những tia sáng hình rẻ quạt, mây nước cùng sáng lên trong giờ phút cuối cùng của một ngày. Những khóm tràm, khóm đế trở thành những vệt đen. Xa xa bóng những tấm bia của những ngôi mộ hoang trông cô đơn buồn bã. Có ai từng thấy những tấm mộ bia như vậy trong Đồng Tháp Mười chưa? Những tấm mộ bia mục nát không biết có từ thời nào, tưởng như sắp sụp đổ nhưng lại vững chãi mãi với năm tháng. Đi băng đồng lần nào tôi cũng gặp vài ba cái như vậy, cũng vào những giờ chiều như thế này, ánh trời chiều như lát vàng phía sau, tiếng lau sậy rì rào, tiếng côn trùng nỉ non, tưởng như người chết còn chưa yên ngủ, còn có điều gì muốn nói lại với ta.
- Đồng nước về chiều coi rầu thật - Tôi nói bâng quơ - Cứ xám xịt là xám xịt...
Người trưởng trạm gật đầu đồng ý với tôi nhưng lại nói khác đi:
- Nhưng sáng ra đồng nước coi sáng sủa tươi tắn lắm... Thôi anh đi đi , theo hướng sao Cày về bên phải may ra có xóm.
Tôi lội xuống, nước lạnh khiến tôi rùng mình, bỗng dưng có cảm giác bơ vơ như thường lúc phải đi một mình như vầy. Nhưng chỉ chút sau tôi đã quen đi, chân đều bước không một ý nghĩ nào trong đầu. Như có con đường mòn khá trống trải nhưng một lúc không thấy đâu nữa, trước mặt chỉ có trời nước cỏ cây bờ bụi. Lau sậy quất vào mặt tôi rát rát. Những con cò ma, vịt nước giật mình kêu "oác" lên một tiếng vụt cánh bay đi. Nước sâu tới gối, tới bụng, nửa người ngâm trong nước tôi đi như bơi, nhiều lúc đầu óc mộng mị có cảm giác không đi đâu cả, đứng lại một lúc đốt điếu thuốc hút đi tiếp một lúc lại sa vào tình trạng trên. "Tháp Mười là của ta", tôi nói lớn lên, lúc lắc đầu cho tỉnh lại đi tiếp, nhớ lời dặn người trưởng trạm trông sao Cày đi chếch về phía bên phải.
Bỗng có ánh lửa, tôi mừng rỡ đi bươn tới ánh lửa cứ lung linh lúc xa lúc gần cuối cùng thấy có căn nhà sàn nằm khuất trong một bụi tràm.
Đúng ra là một chiếc chòi, hai mái lá gác chéo trên chạc cây, sàn nhà gần sát mí nước, bốn bên cỏ nước bập bềnh. Một làn khói mỏng rỉ ra trên mái lá. Tôi bước lên, vịn tay vào một chiếc lu bể chỉ còn một nửa, cạnh đó có hai chiếc xuồng sóng đôi, một chiếc phủ kín vải ni-lông. Sóng vỗ vào mạn xuồng kêu lách chách. Lại thấy có chuồng gà chuồng heo phía sau lớn hơn cả căn nhà, nghe tiếng động heo gà chộn rộn, một con vịt từ đâu phóng lội ào xuống nước.
Có tiếng hỏi lớn:
- Ai đó?
- Tôi... đi lạc đường... - Tôi đáp.
Im lặng một lúc, có vẻ đang dò xét, rồi tiếng hỏi tiếp theo :
- Sao lại lạc? Đi đông không?
- Dạ chỉ có mình tôi.
Vẫn chưa hết nghi ngờ. Vậy là tụi giặc cũng đã từng tới đây, tôi nghĩ bụng, không nơi nào không có móng vuốt của tụi nó chạm tới.
Tấm phên cửa được nhấc sang một bên, một người đàn ông bước ra, lưng gù, quần xắn tới vế, vai và lưng nổi lên những bắp thịt u cục như được nặn bằng đất.
- Vô nhà đi - Người đàn ông gù nói giọng đã bình tĩnh trở lại - Đi suốt đêm tới giờ chớ gì?
- Dạ phải.
- Đói bụng không?
- Tôi có vắt cơm...
- Ngồi lại đây hơ lửa. Muỗi dữ quá, khói như vầy nó cứ bu vô... Sao lại lội đồng ban đêm? Nhưng đi ban ngày sao được đúng không, tụi "xuồng bay" không "rỉa" cho chết sao? - Người đàn ông có kiểu nói đi rồi nói lại, ngưng một chút đút thêm củi vào bếp nói tiếp - Lạnh lắm phải không, tôi đẩy xuồng lội hoài như vầy tôi biết, đêm nào về ngủ vợ tôi cũng hỏi sao người tôi nửa nóng nửa lạnh, tôi nói: "con người tôi vốn là hỏa, hỏa kỵ thủy gặp nước máu dồn hết lên trên".
Từ chiếc mùng căng trệt một góc nhà nghe có tiếng ậm ừ của người đàn bà, ý chừng tìm cách ngăn chuyện của người đàn ông. Người đàn ông mỉm cười cúi xuống sửa lại mấy thanh củi, nhét cả lá tràm cho khói um lên chuyển sang giọng vui vui :
- Khói trị muỗi, như đồng nước trị tụi trực thăng vậy, nước nổi như vầy cha nó cũng không dám đổ quân. Chông cắm ngầm dưới nước, chông chìa mũi theo ngọn lau ngọn đế nhảy xuống không bị xốc từ đít tới đầu sao? Cái gì cũng vậy khó cho ta thì khó cho giặc, mà khó cho giặc thì gấp đôi gấp ba. Tôi nướng bắp cho anh ăn nghen?
Không đợi tôi trả lời anh lôi từ góc nhà ra mấy trái bắp ghé miệng thổi lửa, lửa bùng lên ửng đỏ trên khuôn mặt chữ điền, rộng bèn bẹt, hơi rỗ hoa của anh. Trông anh có vẻ khắc khổ mệt mỏi, nhưng giọng nói lại tươi vui.
Tôi gợi chuyện:
- Anh đi đâu đêm nào cũng đẩy xuồng?
- Thì... cũng đi công việc...
- Người của đường dây à?
- Không.
Tôi kịp thời dừng lại chuyển sang chuyện khác, khen trái bắp ngon, kể chuyện đồng nước nghe thấy nhiều nhà phải lặn móc từng cục đất đắp thành gò trồng khoai trồng bắp. Anh nói:
- Tụi tôi cũng trồng như vậy, ngoài kia kìa, xứ này trồng được bụi lúa cây bắp phải đổ mồ hôi mẹ mồ hôi con.
- Bà con ở đây đông không?
- Không đông, cũng không ít. ở rải rác, chui rúc trong các lùm bụi, nhưng lùm nào cũng có. Hôm nào có người đi lạc như anh ghé đây chắc người quê xa nói: "Đồng Tháp Mười thật lạ, trông không thấy có làng xóm gì cả nhưng đi lạc y như có nhà cho mình ghé, có người đưa mình đi". Ăn bắp đi anh!
- Rồi bà con làm sao sinh sống?
- Thì bám lấy đất mà sống, đất có ngập lụt hoang vu vẫn là đất, chịu cực khổ vẫn sống được. Dòng họ nhà tôi bao đời ở đây, giờ chỉ còn vợ chồng tôi nhưng chúng tôi vẫn ở đây. Đây là đất của ông bà khai phá, chẳng có gì nhưng không phải không có. Thuở ông cố tôi đến đây móc đất đắp ruộng, rắn hổ mây còn lội đùng đùng ngoài đồng. Ông cố tôi đóng khố, gia tài chỉ có chiếc xuồng bằng thân cây dừa móc ruột đi gặt lúa ma ngoài đồng mà ăn, ngày đi gặt lúa ma tối về nằm khoanh trong xuồng ngủ. Muỗi Tháp Mười thuở đó khiêng được trâu, muốn ngủ phải nhận nước đầy xuồng nằm ngâm mình trong đó chỉ hở cái lỗ mũi. Ba bốn năm như vậy ông cố tôi cất được căn nhà, khai phá được khoảng ruộng không tới công đất trở về làng cũ tìm cưới vợ. Bà cố tôi sau này thuật lại: ông cố tôi về tới người quắt lại đen như trái ấu, suốt bao năm sống một mình giữa đồng trống hoang vu chừng quên mất tiếng người, đến nhà chỉ giương mắt nhìn, có ai hỏi gì chỉ ừ à không ra lời gì cả. Bà cố tôi thấy thương quá mới ưng lấy. Nhưng rồi hai người sống rất thuận thảo năm sau sinh đứa con trai đầu lòng tức ông nội tôi. Ông cố đưa hai bàn tay ra trước mặt con nói: "Coi hai bàn tay thằng cha mày nè, lớn lên mần ăn không ra gì mày chết". Đó, thời ông cố tôi sống như vậy...
- Anh kể tiếp đi, chà chuyện đồng nước...
- Tôi xin kể, chuyện không đầu không đuôi anh chịu khó nghe. Đến thời ông nội tôi đã có được ruộng, được nhà nhưng chẳng may trời cứ giông bão liên miên, có năm nước dâng tới năm sáu thước, sóng đồi cuồn cuộn như sóng biển, cả nhà lên ở hết trên xuồng chờ nước rút đi. Nhưng nước không chịu rút, cứ dâng hoài, ông tôi nói: "Ai khát thò tay ra vốc nước mà uống, đói nhai củ co củ ấu không được khóc lóc than vãn. Ai phải số được ông bà rước về mọi người đọc một câu kinh thả xuống nước cho trở về với đất". Mọi người nghe lời ông nội tôi răm rắp, má tôi kể lúc đó tôi còn ẵm ngửa cũng biết sợ không dám hó hé chi. Thật là một cơn lụt đáng sợ.
Đến thời cha tôi tôi đã lớn rồi, còn nhớ mọi chuyện. Cha tôi thật là người trụ cột gia đình, biết cách dạy con cái. Ông nhỏ người, tóc thưa và cứng như kẽm, mình mẩy đen bóng như thân tràm lụt. Những năm đó thằng Tây thằng Nhựt làm cho nước mình nghèo, Nam Bộ đồng ruộng mênh mông mà dân không có gạo ăn. Cha tôi bận quần cụt bằng vải bao bố, bận lâu phèn đóng cứng phơi khô có thể dựng đứng được. Rồi đến các anh chị tôi cũng bận như vậy, chị nào đến ngày có tháng lấy xuồng chống vào trong đồng xa.
Chưa thấy lần nào cha tôi tỏ vẻ mệt mỏi chán nản, đêm đêm ông tập họp chúng tôi lại nói: "Con người ta sanh ra có đủ tay chân là để chống chọi với mọi tai vạ rủi ro, ông bà mình đã đổ mồ hôi xương máu trên mảnh đất này mình phải gìn giữ lấy". Rồi một đêm cha tôi kêu hết chúng tôi lại. "Thằng Hai thằng Ba con Tư ra đây, thằng Năm thằng Sáu thằng Bảy ra đây, con út nhứt con út nhì ra đây, các con ra hết đây". Anh chị em tôi kéo ra đứng đầy chật sân, con trai đứng con gái ngồi, cha tôi chỉ cây cột ở hàng hiên nhà nói: "Các con có biết sự tích cây cột này không?". Chúng tôi không biết, không nghe cha mẹ kể bao giờ, đồng thưa:
- Dạ chúng tôi không biết cha à.
Cha tôi cho đốt một đống lửa lớn giữa sân, chúng tôi đứng ngồi chung quanh, cha tôi kể:
- Phải, các con không biết, má các con cũng không biết. Hôm đó má các con chuyển bụng sanh thằng Bường này nè (cha tôi chỉ tôi), cha đi lặn móc tràm lụt về cất nhà. Cha xom trúng thân cây tràm lụt nằm sâu dưới mấy thước đất, cha lặn hụp cả buổi tai rỉ máu, mình mẩy lạnh tím, nhiều lúc muốn xỉu đi, không nấu được cơm chỉ nhai trái bông súng củ co trái ấu, mệt quá leo lên gò nghỉ một chút, nghĩ bụng: ông bà ngày xưa tay không làm nên tất cả giờ mình có cơ ngơi chút đỉnh chẳng lẽ không làm được. Và rồi cha nhào xuống tiếp tục lặn hụp với cây tràm lụt, một lần cha xỉu đi, vừa kịp leo lên gò nằm ngay ngắn, nghĩ có chết cũng phải chết cho đàng hoàng thẳng thớm. Nhưng rồi cha không chết, cha tỉnh dậy tiếp tục lặn, suốt hai ngày đêm cha lặn hụp với thân cây tràm toàn ăn rau củ uống nước đồng, cuối cùng cũng móc được cây tràm lụt lên chở về quăng được trên giữa sân nằm chết giấc ngay tại đó. Trong lúc đó má các con đang rặn đẻ thằng Bường trong nhà, rặn hoài nó không chịu ra... - Kể tới đó cha tôi vung con dao chém mạnh vào thân cây cột nói - Chính cây tràm này đây các con chém vô đây để nhớ lời cha dặn, nhớ công ơn ông bà gây dựng bao nhiêu năm chịu khổ cực.
Anh chị em tôi nghe lời mỗi người cầm lấy con dao chém vào thân cây cột, các anh tôi chém, các chị tôi chém, các em tôi chém, các vết theo cao thấp chi chít từ trên xuống dưới. Tôi chém sâu hơn cả, cha tôi nói:
- Thằng Bường sau này sẽ là đứa khá, con giữ cây cột đó cho cha.
Đêm hôm đó cha tôi trải nệm ngủ ngay giữa sân, nằm dang rộng hai tay, râu tóc bạc xõa dài, đống lửa cháy bập bùng soi rõ từng nét chân mày cánh mũi. Tôi không bao giờ quên hình ảnh cha tôi lúc đó, trông cha tôi không có vẻ gì là người nghèo cả mà trông như các bậc hảo hán trong chuyện đời xưa. Tôi cũng trải đệm nằm cạnh cha tôi, thỉnh thoảng giật mình thức giấc nhìn lên cây cột chập chờn trong ánh lửa.
Nhưng rồi tôi không giữ được cây cột đó, một hôm máy bay Tây ném bom đốt cháy căn nhà giết chết cha tôi, đầu đuôi câu chuyện như sau.
Hôm đó cha tôi rủ tôi đi đồng với ông, tôi vui vẻ đi ngay phần vì được cha thương yêu, phần buổi mai khí trời mát mẻ dễ chịu gây hào hứng. Hai cha con tôi chống xuồng đi, cha phía sau, tôi phía trước. Ngang một bụi đế cao cha tôi cho xuồng dừng lại ngó xuống tìm kiếm chỉ tay nói: "Bường à coi ổ trích nè con". Đã nhiều lần như vậy rồi tôi hiểu ý cha tôi, ông thường lấy chuyện trích con dạy tôi. Giống trích gan dạ một cách kỳ lạ, trích con mới nứt mắt nghe tiếng động nhảy lặn cắn lấy gốc cỏ bám riết đến chết không trồi lên nếu người còn đứng đó. Cha tôi chỉ cho tôi coi đám trích con bám lấy gốc cỏ, nước trong vắt thấy rõ từng con một, cười nói: "Thôi tao chịu thua rồi, trồi lên đi". Rồi cha tôi cười ha hả chống xuồng đi.
Bỗng chúng tôi nghe cái gì ầm ầm như giông bão, rồi thấy xuất hiện trên nền trời những chấm đen như bầy còng cọc. Cha tôi la: "Ôi cha máy bay, coi bộ không hiền đây". Tôi không biết, tôi chưa thấy giống này bao giờ. Cha tôi hối tôi chống xuồng trở về tới nhà quát lớn vào trong: "Ra hết đi, thằng Hai thằng Ba đưa vợ con bây đi, thằng Bường vô đưa má mày đi, đám nhỏ cũng đi hết ra tuốt ngoài đồng xa tìm bờ bụi mà núp, để căn nhà đây cho cha". Chúng tôi nghe vậy lo lắm, nhưng chỉ biết nghe lời, mọi chỉ dẫn của cha tôikhông gì hơn được. Một loáng chúng tôi đã túa đi hết, lòng đau như cắt tôi đi một chập quay nhìn lại thấy cha tôi chạy tới lui trong nhà in bóng đen đen lên mặt sân cho tới lúc máy bay cắm xuống ném bom khói tung mù mịt tôi không còn nhìn thấy gì nữa.
Đám máy bay ném bom suốt ngày đến chiều tối bay đi, chúng tôi trở về căn nhà đã cháy trụi, cha tôi đã chết. Cha tôi chết nằm sải tay, râu tóc xõa dài như hôm nào ông nằm ngủ, cạnh đó cây cột với những vết chém chi chít vẫn còn nghi ngút khói, lửa bập bùng soi sáng lên gương mặt cha tôi. Chỉ có căn nhà cháy thôi, chung quanh lủ khủ những khạp mắm khạp gạo, nước mưa, bòng bị quần áo chăn màn, cá khô tôm khô cha tôi đã khuân hết ra bên ngoài. Má tôi ôm cha tôi khóc thảm thiết. Chúng tôi cũng khóc. Cha tôi sống cũng như chết, sự gan dạ, lòng thương yêu đáng cho chúng tôi noi theo.
Mấy năm sau tôi cưới vợ, thay cha tôi coi sóc việc gia đình. Vợ tôi người ở xa, miệt đồng bằng sông Cửu Long. Tôi gặp vợ tôi trong một chuyến đi làm đồng, vợ tôi cắt lác, tôi bẫy chim, đi chung có rất nhiều trai gái suốt ngày làm lụng cực nhọc chiều về ăn uống tắm rửa cười đùa trêu chọc nhau, hết chuyện trời đất mưa nắng tới chuyện cái lưng gù của tôi, tôi biết họ buồn chuyện tìm cách khuây khỏa chẳng để bụng buồn phiền gì. Nhưng có một cô gái không bao giờ cười lại còn nhìn tôi vẻ thương cảm, nhiều lần như vậy tôi đem lòng thương vợ tôi từ hồi nào không biết.
Về sống với nhau vợ tôi thường kể chuyện mần ăn sinh sống vùng sông Cửu Long quê cô tôi mới biết chuyện cơ cực đâu cũng có không riêng gì vùng đồng chua nước nổi này.
Riêng cảnh vợ tôi đã thấy cực hơn tôi rồi: cha mẹ chết từ lâu, cô đi làm thuê làm mướn, về sống với tôi bao nhiêu năm tôi làm thay cho công việc nặng nhọc, đêm nằm rờ tay vẫn còn thấy những vết chai sần.
Năm qua tháng lại má tôi già chết đi, anh chị em tôi lớn lên có gia đình riêng đi mần ăn tứ tán, theo lời cha tôi ở lại giữ căn nhà, sanh được đứa con đầu lòng. Tôi mừng lắm, ngày tháng chắt chiu nuôi con, cảnh sống từ đó bớt phần hẩm hiu buồn bã. Con tôi lớn mau như củ co trái ấu trên đồng, mùa mưa mùa nắng cứ sởn sơ, tròn mẩy. Nhưng anh ơi, một hôm chúng giết chết con tôi, đó là những năm hòa bình lập lại, thằng Tây đi thằng Mỹ đến...
Người đàn ông gù kể tới đó dừng lại, xiết chặt hai tay vào nhau, mặt không một chút cảm giác nhưng những đường mạch máu trên tay lại nổi vồng lên. Bếp lửa um khói một hồi rồi cháy lên ngọn lửa xanh, rồi vàng, rồi đỏ, nhảy múa uốn éo. Mấy trái bắp đã chín vàng, người đàn ông sực tỉnh lấy ra đưa cho tôi. Tôi vừa ăn vừa xuýt xoa, anh lại lôi ra nướng mấy trái nữa, trán nhăn lại, mi mắt trĩu xuống, môi và má cứ giật luôn.
Tiếng người đàn bà trong mùng vọng ra:
- Thôi mình à để anh Hai nghỉ, anh Hai còn đi đường xa.
Người đàn ông nói:
- Không, anh Hai đã nghe rồi phải nghe hết, tôi phải kể chuyện dòng họ nhà mình sống và chết trên đồng nước này như thế nào, vợ chồng mình làm ăn nuôi con như thế nào. Vợ chồng tôi nuôi con chẳng khác chi chim bồng bồng ấp trứng, nhiều lúc phải đi lặt từng gương sen, trái súng về giã bột cho con ăn. Nhưng anh nghĩ coi gà nuôi con mà bầy quạ ở trên đầu. Một hôm một bầy trực thăng sà xuống hốt hết những người dân ở đây chở đi. Hôm đó tôi đi giăng câu trong đồng xa nên thoát được, về tới nơi thấy nhà cửa làng xóm vắng tanh. Tôi chết điếng người, linh tính có điều không may. Và quả nhiên như vậy... Mình à, kể cho anh Hai nghe chúng giết con mình như thế nào đi.
Trong mùng không có tiếng trả lời, chỉ có tiếng sụt sịt. Người đàn ông đằng hắng mấy cái rồi kể tiếp:
- Chúng đem nhốt vợ con tôi và hàng trăm người vào một trại, rào mấy lượt dây kẽm gai, tới giờ phát cơm nước, buổi sáng buổi chiều ngồi xếp hàng nghe giảng phương sách tố cộng đả cộng, quốc sách ấp chiến lược, không được ho, đái ỉa cũng cấm. Con tôi sống trong đồng rộng như chim giờ đem nhốt trong lồng vậy sao chịu được. Thế là nó kêu la giãy giụa như con heo rừng, mỗi lần như vậy chúng đánh vợ tôi bắt phải dỗ con "để các quan chức làm việc". Nhiều lần như vậy cho đến một hôm chúng bắt con tôi đem đi luôn. Chúng nói: "Chồng chị đâu không đi học tập, trốn tránh nghĩa vụ quốc gia, chị bồng con lên đây gây rối phải không?". Nói rồi chúng đuổi vợ tôi về, bảo nhắn kêu tôi lên trình diện mới trả con. Vợ tôi về kể lại mọi chuyện cho tôi nghe, hai vợ chồng thức suốt đêm bàn tính cách đem con về không phải chui vào rọ của chúng. Nhưng thời thế như vậy có cách gì? Sáng hôm sau tôi nói với vợ tôi: "Mình nấu cho tôi nồi cơm ăn thật no, tôi đi đổi mạng con tôi đây". Vợ tôi nghe vậy thì khóc ròng không biết gì hơn cuộn quần áo đi theo tôi.
Bữa hôm đó như một cuộc đưa tang, tôi đi trước, vợ tôi đi sau, nước mắt trải dài trên đường đi.
Ra tới trại chúng thả vợ con tôi nhưng bắt giam tôi, giao cho khẩu súng bắt phải đi lính. Tôi thành lính của chúng như vậy. ở lính tôi tập tành đủ các thói hư tật xấu uống rượu đánh bài, tôi vốn tính chẳng xấu xa gì chẳng qua do buồn rầu mà ra thôi. Trong lúc đó con tôi đang chết dần chết mòn ở nhà. Từ lúc ở trại về con tôi nhiễm thứ bịnh gì các phương thuốc hiệu nghiệm bằng cỏ cây Tháp Mười không trị được. Thằng nhỏ cứ ngày một gầy yếu xanh xao không ăn uống gì được, cứ như vậy cho đến chết. Tôi nghe tin con tôi chết hôm chúng bắt tôi đi lùng sục ma quỷ gì đó trong lùm bụi, tôi buông rơi khẩu súng nói với thằng chỉ huy: "Thôi tôi không đi lính nữa đâu, tôi tính đổi mạng con tôi giờ nó chết rồi tôi đi lính làm chi nữa, hai cha con tôi cùng chết thôi". Chúng giải tôi về đem nhốt tôi vào hầm tôi cũng nói như vậy, chúng hành hạ tôi đủ cách, chịu không nổi tôi tìm cách trốn, dùng tay không đào hầm dài năm sáu thước chưa tới đâu chúng bắt được đánh tôi tàn tệ, chuyên dùng cây ba cạnh đánh lên cục gù lưng của tôi. Chúng nói: "Tao đánh mày ngay lưng lại được mày cảm ơn Ngô tổng thống". Chúng làm như giỡn chơi vậy, đêm về tôi ói ra từng chén máu.
Cuối cùng chắc muốn giết tôi luôn chúng treo tôi dưới bụng chiếc trực thăng bay diễu phát loa dọa nạt, cha sanh mẹ đẻ tới giờ tôi chưa khi nào chịu cảnh đau đớn kỳ cục quá như vậy, ruột gan lộn lên, gió thổi ù ù bên tai mà tôi muốn nghẹt thở mong được chết đi cho rồi. Nhưng tôi cũng thấy căm thù chúng quá đỗi, nhiều lần muốn chết lịm đi tôi lại cựa quật dữ dội cho tỉnh lại. Tôi phải sống, nợ máu phải trả bằng máu, rồi có ngày chúng trả món nợ này của tôi. Tôi vùng vẫy tuột dần các mối dây, cuộn người lại tránh gió tạt như roi quất vào người. Cuối cùng ngang một bãi lầy thằng lái tinh nghịch chắc muốn đùa vui sà xuống định nhúng tôi xuống bùn cho tôi chết ngáp, tôi vùng ra được rớt chúi xuống, chúng đảo vòng quay lại tìm nhưng bãi bùn đã che tôi, chúng xả đại liên bắn may tôi chỉ trúng một viên vào bắp chân. Cuối cùng chúng bỏ đi, tôi nằm chết giấc ở đó, không biết bao lâu, tỉnh lại thấy từ mùa khô đã sang mùa mưa, cơn mưa đầu mùa rơi mát trên mặt tôi. Tôi tỉnh hẳn bắt đầu bò đi, qua một ngày đêm bò tới xóm gần đó bất tỉnh ngay đầu làng không còn biết gì nữa, không biết ai đã ra cứu tôi đem tôi về nuôi rồi đem tôi về nhà. Vợ tôi hầu như không nhìn ra tôi khi tôi về tới nhà, nghe tiếng tôi kêu lên mới biết. Tôi nằm liệt cả năm trời mới ngồi dậy được, lúc đó vào cuối năm năm chín đầu năm sáu mươi, mình chuẩn bị làm đồng khởi...
Anh dừng lại bước ra ngoài ôm cỏ khô vào đút thêm vào bếp, lửa cháy cao ngọn tôi nhìn thấy anh khác hẳn, có cái gì đó mạnh bạo trong mớ tóc xửng lên, mắt long lanh, mồ hôi rịn ướt trên má trên trán. Khói cỏ khô quyện với mùi bắp nướng, lẫn trong làn gió có mùi bông tràm, mùi phèn chua và tất cả mùi của đồng nước...
Tiếng người đàn bà nói vọng ra:
- Thôi để anh Hai nghỉ mình à.
Người đàn ông như sực tỉnh cười giả lả:
- ờ thôi anh Hai nghỉ, tôi ở đây buồn gặp người nói chuyện quên thôi , anh Hai nghỉ rồi đi...
Nhưng người đàn bà đã khoác mùng bước ra ngoài. Đó là một người phụ nữ khó có thể đoán được tuổi, trông da mặt đã nhăn nheo, tóc cháy nắng xác xơ, chị gật đầu chào tôi miệng cười không còn vẻ tinh nhanh nữa nhưng mắt vẫn còn trẻ trung, ánh lên mầu đen đen của tuổi con gái. Chị bồng con ra ngoài cất tiếng hát ru, đứa nhỏ như không chịu gì đó không ngủ cứ giật nẩy khóc từng cơn, thỉnh thoảng phun nước miếng lèo phèo.
Tôi hỏi:
- Cháu đau sao vậy chị?
- Dạ không biết sao - Người phụ nữ đáp - Cháu hơi nóng sốt, chắc tại trời trở gió...
Người đàn ông ngắt ngang hỏi tôi:
- Anh đi lạc giờ tính sao?
- Tôi cũng không biết - Tôi đáp - Chắc phải nhờ anh chỉ đường.
- Anh có công tác gấp?
- Dạ phải, gấp lắm.
- Không chỉ được đâu, có đường sá gì đâu mà chỉ, đi trên đồng nước cứ quen chân đi thôi. Phải chi tôi đưa được anh đi...
"Tại sao anh không thể đưa tôi đi?", tôi định hỏi nhưng sực nhớ đến đứa con đau tôi nói:
- Tôi đi một mình được rồi, cứ lần đường mà đi.
Anh nói như gắt:
- Lần đường làm sao, để vợ chồng tôi tính lại coi.
Anh bước lại chỗ chị vợ ghé xuống bàn tính gì đó tôi bước ra ngoài nhìn ra đồng nước nhìn hai chiếc xuồng nằm sóng đôi một chiếc phủ vải ni lông, rồi không ngăn được tò mò bước xuống giở ni lông ra coi. Chiếc xuồng đầy ắp súng đạn, những khẩu súng tiểu liên trung liên đạn cối đạn pháo B40, không tin vào mắt mình tôi còn rờ vào chạm tay vào làn thép lạnh ngắt. Vậy là việc anh không thể đưa tôi đi là điều này đây anh kể lể dông dài chuyện đồng nước cốt cũng để che giấu điều bí mật này. Hình ảnh người nông dân tật nguyền đêm đêm đẩy xuồng đưa vũ khí ra mặt trận hiện lên trước mắt tôi, trên hết những kỷ niệm êm đềm về quê hương đồng nước vừa mới choán chật tâm trí.
Lòng xúc động tôi quay đi và nói lớn:
- Ôi trăng lên kìa, trời có trăng không đi lạc nữa đâu, tôi đi một mình được rồi.
Tôi hé tấm phên bước vô, hai vợ chồng ngưng bặt ngẩng lên nhìn tôi, đứa nhỏ thôi khóc cũng ngước nhìn đăm đăm. Người đàn ông nói:
- Đêm nay làm gì có trăng, thôi được rồi tôi có công chuyện ở nhà canh gác luôn tiện giữ con, vợ tôi sẽ đưa anh đi.
Tôi nghĩ bụng: "Thức gác làm sao, tôi không biết chút nữa anh đưa xuồng vũ khí đi hay sao? Chẳng lẽ anh đem theo đứa con đang bịnh, tôi vô cớ biến khó khăn nhỏ của mình thành khó khăn lớn của vợ chồng anh hay sao? " Nhưng tôi không thể nói ra điều đó, không thể nói tôi đã nhìn thấy xuồng súng đạn, việc chuyển vũ khí là của mọi người nhưng việc ai nấy biết đó là vấn đề nguyên tắc.
Tôi tìm cách nói sang chuyện khác:
- Đường này cũng có nhiều người qua lại?
- Dà, có lần có người cũng đi lạc như anh vậy...
- Thôi mình à - Người đàn bà lại nói.
- Chuyện có căn có quả, tôi kể chuyện kia rồi phải kể chuyện này... Đêm hôm đó giữa khuya thức dậy chuẩn bị đi giăng câu tôi chợt nghe có tiếng lội nước lộn xộn, nghe bước chân biết không phải dân đồng nước, bước ra coi thấy quả đúng như vậy. Người đó lội nước như đi qua gai gốc quờ quạng nghiêng ngả, mặt mày tái xanh, râu tóc xõa dài như người từ xa tới. Chưa hiểu ra sao tôi vội nhào xuống nước lội tới dìu anh ta lên nhà kêu nằm nghỉ, hối vợ lo cơm nước nhưng anh ta nói có việc hệ trọng phải đi gấp nhờ tôi đưa đi. Tôi nói: "Nếu là việc hệ trọng tôi phải đưa anh đi thôi, nhưng tôi mới ở tù ra chẳng có xuồng bọng gì tôi cõng anh và anh đừng chết trên lưng tôi". Nói rồi tôi kêu vợ nấu cơm vắt đem theo, xốc anh ta lên lưng lội xuống nước ra đi, ngâm mình dưới nước suốt đêm người lạnh cứng như đá, rồi ngày hôm sau đến một xóm không biết chỗ nào giữa đêm nghe có tiếng chân rầm rập, tiếng súng nổ...
- Đó là đêm đồng khởi?
- Đúng. Tôi vội băng đồng lội về thấy trong xóm cũng đèn đuốc đỏ trời như vậy, vừa lúc vợ tôi chuyển bụng sanh đứa con. "Vậy là con tôi sống được rồi", tôi la lớn lên với chung quanh. "Con tôi sống rồi...".
Ngay đêm đó tôi vào du kích, lãnh được một khẩu súng "oảnh tầm sào" dài ngoằng, tôi nói vui với anh ấp đội trưởng: "Khẩu súng này như con tôi vậy, đứa con lớn giữ mạng sống cho đứa con vừa mới đẻ".
Từ đêm đó xóm này trở thành đầu mối cho mọi con đường qua lại nối liền vùng trên chiến khu với các vùng tạm chiếm bên dưới, tôi tật nguyền không đi chiến đấu xa được anh em giao tôi giữ việc canh gác, và khi có người đi công tác bị lạc chống xuồng đưa đi. Thật lạ, tôi nghiệm thấy hoài như vậy, sau mỗi lần tôi đưa một người đi mấy hôm sau có tin có trận đánh chỗ này nọ, rồi hôm sau nữa máy bay lên đây ném bom, như xóm nhỏ này làm cho chúng thua vậy.
Không thể kể hết những trận máy bay ném bom trên đồng nước này, các loại F, khu trục Xka-rai-đơ, T28 bắn hỏa tiễn, B52 bừa tới lui ngang dọc như rải thảm, mặt đồng nát như ruộng cày quanh năm suốt tháng làng xóm vẫn bám ở đây chịu đựng. Kể ra trận đầu tiên chúng tôi cũng hoảng, trời đang yên tĩnh bỗng nghe ào ào như giông bão, chưa kịp hiểu gì bom đã tới, hàng trăm trái bom nổ nhất loạt như trời long đất lở. Hết loạt thứ nhứt tôi tay bồng con tay xách súng xua vợ chạy ra được tới công sự đầu tiên, loạt thứ hai đã đến, đè vợ con xuống nín đến hai hơi thở bom vẫn chưa dứt, sau đó ngẩng lên không thấy nhà đâu nữa. Như gió đã thổi bay nhà tôi vậy. Sợ vợ tôi chưa quen mất tinh thần tôi báo liền: "Nhà mình trúng bom rồi, do rủi thôi thằng Mỹ không tính được như vậy đâu".
Chuyện chỉ vậy thôi, chuyện nhà tôi lần đầu tiên bị trúng bom Mỹ ấy, như lần hồi xưa thời cha tôi nhà bị trúng bom giặc Tây. Sau đó quen dần, nhà bị trúng bom vợ chồng tôi lặn móc đất đắp lại nền, đốn tràm cắt đưng dựng lại nhà, chẳng chết gì một trái bom cũng như trăm trái.
Tôi thường nói lại lời cha tôi dặn cho vợ tôi nghe: con người ta sanh ra có đủ tay chân là để chống chọi lại với mọi rủi ro... ". Vợ tôi nghe lời tôi chẳng than phiền bao giờ. Cho tới hồi năm ngoái thấy mặt đồng lầy lỗ bom, nhiều gia đình đông con bẩn chật, anh em du kích chúng tôi họp lại bàn nói chúng không cho mình sống gần nhau nữa sống xa nhau thôi, đâu cũng trên đồng nước có gì mà ngại. Nói rồi động viên bà con dời sâu vô đồng tụm năm tụm ba ở chui rúc trong các lùm bụi. Xóm làng tự nhiên biến mất nhưng đêm đêm xuồng ghe túa ra cảnh coi sung túc gấp năm gấp mười.
Thằng Mỹ thật nham hiểm hết sức, không thấy làng chúng không "bừa" B52 nữa, một thời gian lặng thinh lặng ngắt, vợ tôi nói: "Hay chúng hết bom rồi?". Tôi nói: "Khoan đã, thằng giặc này trăm mưu gian ngàn kế độc chắc tính bày ra loại yêu tinh gì đây". Quả nhiên đến hồi đầu năm bỗng thấy xuất hiện loại xuồng bay, giống thật độc địa, sáng chiều cứ rẹt đi rẹt lại trên đồng thấy lùm bụi nào nghi nghi dừng lại xả súng bắn. Ngay hôm đầu tiên vợ chồng tôi bị một mẻ hoảng hồn. Vừa nghe rù rù chưa hiểu gì nó đã sà tới "rẹt" liền một loạt đại liên như sét đánh. Khẩu súng đâu không thấy quýnh quá tôi xô hai mẹ con đứa nhỏ nằm che lên trên, may không có viên đạn nào xỏ xâu ba chúng tôi. Từ đó tôi không dám rời khẩu súng, đi đái ỉa cũng xách theo.
Lần thứ hai nó đến vừa nghe tiếng tôi giương súng lên nó đã xẹt bay qua khỏi, tôi ghìm súng chờ đợi nói: "Vòng lại đi con, chỉ cần một phát tao đưa đám mày". Nó vòng trở lại thật, đầu đi đâu không thấy chỉ thấy một cục tròn vo, không biết đâu tôi cứ nhằm ngay bụng nổ bừa một phát. Nó sà bay qua khỏi lăng quăng như bị thương, có người nói nó đã rớt nhưng tôi không dám chắc chỉ thấy chúng bỏ đi luôn không trở lại. Thôi như vậy coi như huề đôi bên thu quân về không ai hư hao gì, lần sau sẽ ăn thua.
Quả nhiên lần sau tôi bắn cháy chúng một chiếc. Cũng kiểu như vậy, nhưng tôi bình tĩnh hơn, tính trước độ cao, tốc độ, tôi nổ một phát nó vọt lên cao như con cá lóc bị giập đầu nổ tung như một chiếc bong bóng.
Từ đó đến nay tôi cùng du kích ở đây bắn cháy nhiều chiếc như vậy. Mỗi lần bắn rớt một chiếc chúng tôi kéo xuồng kéo đi diễu khắp đồng đập thùng gõ nồi hò hét mừng thắng lợi, sau đó đem xẻ ra cho bà con gò nồi gò chảo, riêng thằng Chắt con tôi được một chiếc xuồng con thả trên nước chơi.
Một hôm tôi có sáng kiến cho giăng một sợi dây cáp trên đồng, cái giống này bay mau thắng không kịp vướng dây cáp sẽ trôi tuột vào rừng như cá vô rọ. Chúng tôi bắt được một chiếc như vậy, thằng Mỹ bị trói tay rồi còn ngơ ngác không hiểu chuyện gì xảy ra.
Nhưng chuyện giặc giả đâu phải mình bắn nó nó không bắn lại mình, như có lần tôi bị trọng thương tưởng không sống được. Lần đó tôi nhớ rõ lắm, trước đó một ngày tức ngày 17 tháng 7 Bác Hồ kêu đồng bào miền Nam biểu phải đánh mạnh. Giữa mùa sa mưa đột nhiên sáng hôm sau trời tạnh ráo, cả bầu trời xanh trong không gợn một chút mây, sen nở đầu đồng, chim chóc bay đi ăn từng đàn như tiếc mùa xuân. Tôi dòm trời dòm nước nói với vợ tôi: "Trời nước như vầy thế nào tụi xuồng bay cũng lên kiếm ăn. Tôi phải "chủ động" mới được, có gì hai mẹ con cứ yên tâm nhảy lặn". Nói rồi tôi xách súng chống xuồng ra đi vừa khỏi khoảng xa chúng lên tới, bay có đội hình đàng hoàng, hai chiếc trước một chiếc sau. Tôi cùng toán du kích ém kỹ trong các khóm cây lùm bụi, thoáng một cái chiếc đi đầu đã bay ngang qua đầu tôi, nhìn thấy rõ thằng Mỹ mặt đỏ au mắt đục ngầu. Tôi nói thầm trong bụng: "Được rồi tụi bây mặc sức diễu võ giương oai tới chừng nổ súng tao nổ trước". Tôi nói lớn như vậy để tự dặn mình, kinh nghiệm bao nhiêu lần rồi đối với thằng giặc không thể đi sau nó được.
Nhưng hôm đó trời xui đất khiến thế nào tôi chậm chân chậm tay do chiếc xuồng, hoặc do tôi nghĩ đến vợ con. Xuồng bay sà tới tôi nhìn rõ thằng Mỹ với chiếc đồng hồ trên cổ tay lông lá chưa kịp giương súng nó "rẹt" liền một loạt tôi nghe nóng bỏng cánh tay trái biết mình đã bị thương, người chao đi suýt rơi xuống nước, tay phải liền chụp lấy tay trái giữ lấy khẩu súng. Tôi cố trấn tĩnh nói thầm trong bụng: "Phải rời xuồng thật lẹ, và phải bắn trước khi lần thứ hai nó đến". Tôi xé áo ra băng vết thương thật kỹ, nhận chìm chiếc xuồng rồi lội long đi cách đó một khoảng xa, vết thương chảy máu nhiều, vừa lội tôi vừa quay lại khỏa nước xóa tan dấu máu. Tôi ngồi lại trong một bụi đế thưa cho chúng khỏi nghi bẻ một nhánh tràm cắm làm nạng để có thể bắn một tay. Lúc đó tôi lại nghĩ đến vợ con tôi nhưng tôi nghĩ rằng có thương vợ con phải cố gắng chiến đấu, nên không ân hận gì. Một chút sau nó trở lại, bay lẹ như tên bắn, chiếc đầu tròn lớn mau như bọt nước trồi lên mặt nước, tôi bình tinh "yếu lỉnh" vừa tầm nổ liền một phát, thằng Mỹ ngồi ở cửa chợt ngoéo đầu buông rời khẩu súng, tôi biết mình đã bắn trúng nhưng chỉ trúng thằng Mỹ thôi không trúng máy móc, chiếc xuồng bay không rớt.
Chúng đã phát hiện được tôi, cả chiếc vòng trở lại, anh em trong đội du kích nghe tôi nổ cũng đã chuẩn bị sẵn sàng, tôi nghe tiếng "cúc cúc" ám hiệu vang lên từ đầu này tới đầu nọ. Bắt đầu trận chiến ác liệt đây!
Chuyện chiến đấu trên đồng nước phải đương mặt nhau mà đánh, đọ gan nhau ăn thua, không để hở một giây, không được mất bình tĩnh, không được để bom đạn của chúng làm mình rối trí, anh em du kích ở rải rác không nhìn thấy nhau, sự gan dạ của từng người càng cần thiết lắm.
Vết thương tôi càng chảy máu nhiều, trời nắng như đổ lửa khiến tôi khát nước như xé họng nhưng tôi cố cắn răng không uống một giọt nước, chỉ thỉnh thoảng khoác nước súc miệng rồi nhả ra. Có mấy lần tôi xỉu đi, đúng ra là mơ màng nhìn thấy lại cảnh vợ tôi nước mắt lưng tròng hôm đưa tôi đi lính cứu mạng đứa con, hình ảnh đứa con xanh xao chết dần mòn cùng cảnh tôi bị treo dưới bụng trực thăng đau đớn cùng cực, tôi cựa quậy chống trả dữ dội và rồi tôi choàng dậy vừa lúc ba chiếc xuồng bay xắn xả bay tới, tôi tỉnh hẳn hụp xuống nước cho nòng súng giương cao lên, chọn chiếc chính giữa để mắt vào đường ngắm. Lẹ như một tia chớp bóng đen của nó áng hết đầu ruồi. Nhưng còn lẹ hơn nữa tôi nín thở bóp cò khi bóng đen của nó chưa qua khỏi, khẩu súng chỉ giật nhẹ một cái tôi biết mình đã bắn trúng. Một bựng lửa bừng lên trước mặt tôi, cùng lúc với chân trái tôi đau xé, nặng trịch như có ai đó níu trì phía dưới. Tôi chép miệng: "Vậy mà nó cũng kịp bắn, cái dòng độc hại hết sức". Nhưng như vậy tôi cũng đã bắn cháy nó rồi, tôi rướn người lên nhìn tận mắt chiếc xuồng bay gãy cánh nằm chúc đầu xuống nước cháy phừng phừng cho đến khi tàn rụi rồi bắt đầu lội long đi tiếp, hít thở mùi xăng cháy cho đỡ khát nước.
Chúng tôi chiến đấu tới trưa, rồi xế chiều, không nhớ đã bắn cháy bao nhiêu chiếc và bị bao nhiêu vết thương, mỗi lần bắn cháy tôi đều nhóng lên dòm coi và mỗi lần bị thương bẻ thêm một nhánh tràm cắm làm nạng, đợi nó đến thật gần mới nổ súng. Với tầm bắn như vậy tôi khó có thể bắn trật, trừ khi tôi mất bình tĩnh, nhưng tôi bình tĩnh lắm, từ đầu đến cuối mọi động tác đều rập khuôn như nhau.
Tôi cũng nhớ rõ tôi không hề uống một giọt nước, có một lần một trái rốc-két nổ gần nước chạt vào miệng tôi nhổ liền trở ra. Tôi nói hoài trong dạ để tự dặn mình: "Mình không thể chết trước khi chúng bỏ chạy". Và quả nhiên cuối cùng chúng bỏ chạy tôi được anh em đem lên xuồng chở về.
Đó chưa phải là trận đánh gay go nhứt, sau này tôi còn dự nhiều trận đánh gay go hơn, nhưng tôi nhớ rõ vì lần đó tôi đã để cho chúng bắn trước. Sau này không khi nào tôi như vậy.
Sau này mỗi lần xách súng ra đi tôi đều nói với vợ tôi: "Hôm nay tôi quyết phải nổ trước, nghe tiếng nổ cầm chắc tôi bắn rớt một chiếc nghen!". Con tôi bập bẹ nói: "Ba bắn nó nó hết bắn mình hả ba?". Đúng là như vậy, tôi chiến đấu vì mọi người cũng vì con tôi, và như vậy tôi cũng đã được đền đáp rồi.
Người đàn ông lại cúi xuống thổi lửa, chắc để giấu xúc động, nhưng tôi cũng nhìn thấy những giọt nước mắt long lanh trên mi mắt, nhưng vẻ mặt anh thì rạng rỡ, nên tôi nghĩ đó là những giọt nước mắt vui. Anh nói tiếp:
- Bao nhiêu năm chúng tôi chiến đấu như vậy, vỏ quít dày có móng tay nhọn, chúng bày ra trò gì loại vũ khí gì chúng tôi đều trị được hết, không phải không bị thiệt hại nhưng rốt rồi chúng tôi vẫn ở đây, trên đồng nước này. Tôi nói hoài với vợ tôi: "Mình cứ yên lòng nuôi con, đời có gieo có gặt mình thấy không chỉ việc tôi không muốn chết đời cũng đã trả ơn". Nhưng nói chuyện tôi làm gì vợ tôi chỉ cần nghiệm ra đời mình đời cô còn khổ cực gấp mấy đời tôi.
Anh đứng dậy rút cây dầm từ gác mái vén mùng nói vào với chị vợ:
- Thôi khuya rồi mình chuẩn bị đưa anh Hai đi thì vừa, sáng "ló đuôi" thì mệt.
Chị vợ đi ra anh vẫn vén mùng, chắc là muốn nhìn đứa con, rồi quay ra nhấc tấm phên cho tôi bước ra. Bên ngoài trời đã hết mưa, lạnh như cắt da, đêm yên tĩnh, chỉ nghe tiếng gió lùa và tiếng sóng vỗ nhẹ nhàng. Hai chiếc xuồng đang nhồi sóng lắc lư, như háo hức muốn được lướt đi. Người đàn bà bước xuống sửa soạn dầm chèo, loay hoay mãi với sợi dây xích cuối cùng cũng đẩy được vào trong cầu nước.
Tôi trở vào lấy gói thuốc chợt nghe tiếng người đàn ông nói đả đớt với đứa con trong mùng:
- ... Rán chịu cực khổ với ba má nghen con, chẳng qua là do khó khăn chung... Ba cột chân con vào cây cột này nè, con không được tháo ra, con bò chơi quanh quẩn đây được rồi... à ơi ba cột chân con, ba cột chân con vào cây cột...
Thấy lờ mờ qua vạt mùng bóng người đàn ông với chiếc lưng gù cúi gập đang dùng chiếc khăn choàng cột chân đứa con vào cây cột, loay hoay mãi, vừa hát ầu ơ vừa vụng về thắt cột, đứa nhỏ hẳn đang ngước nhìn không hiểu cha nó làm điều gì kỳ cục vậy...
... Chị đàn bà chống xuồng đưa tôi đi, xuồng vạch một đường sáng dài trên đồng nước. Đêm Tháp Mười thật mênh mông. Gió thổi mơn man cây cỏ lau sậy kêu rì rào, mặt nước gợn sóng lấp lánh tiếng côn trùng nỉ non, đó đây những đám sen đám súng nở bông trăng trắng, những chiếc lá nghiêng một nửa khẽ rung rinh dưới gió. Vô vàn những vì sao nhấp nháy nghiêng dần xuống chân trời từng ngôi từng ngôi rụng chìm xuống mặt nước.
Chị đàn bà càng lúc càng tỏ ra nhanh nhẹn mỗi lần nhún đẩy chiếc sào chiếc xuồng lại lướt rào tới, môi mím lại, mắt chị long lanh ánh lên vẻ trẻ trung, cả người như vươn về phía trước.
Còn tôi lại nghĩ về phía sau, cơn gió thổi tới tôi như nghe vẳng lại tiếng khóc của đứa nhỏ bị cột chân vào cây cột. Không, nó không khóc, tôi tự cải chính lại, nó đang cười, nó hiểu vì sao cha nó cột chân nó vào cây cột. Là vì chiếc xuồng súng đạn cạnh sàn nhà ấy, má nó đưa tôi đi cha nó chở xuồng vũ khí đi chỉ mình nó ở nhà phải bị cột chân...
Để khuây khỏa tôi nhìn ra xa, và kìa bình minh đang lên, chân trời rạng một mầu hồng với những vệt mây đâm ngang rồi mặt trời hiện ra với những tia sáng đầu tiên như muôn ngàn sợi chỉ bủa tung trong không gian. Từng đàn chim bay túa ra từ các lùm bụi. Mặt nước phút chốc từ đen thẫm trở nên trong xanh sáng như gương, những gợn sóng như những con rắn bạc tung tăng nhảy múa. Nước trong vắt thấy rõ những bụi rong đung đưa lặng im. Gió thoảng mùi bông tràm bông sen, mùi cỏ ống cỏ tranh năn lác. Giác quan tôi bỗng chốc trở nên tinh tế hơn, nhận ra cả mùi hăng ngai ngái của những ổ chim vừa mới nở, những chồi non vừa mới lú lên. Giờ đây cả không gian đều trắng lóa, mặt nước soi bóng những đám mây trắng trôi lững lờ nhẹ nhàng tinh khiết như những đám bông...
Xuồng ghé vào một bờ đất, tiếng người đàn bà vang lên như tiếng nước reo:
- Tới rồi, anh đi may mắn nghen!
- Cám ơn chị lắm!
- Dạ đâu có chi anh.
Phải, đâu có chi, chỉ là chuyện chống xuồng đưa đi một lúc thôi mà... Còn chuyện kia, chuyện đứa nhỏ bị cột chân vào cây cột chỉ có tôi biết, chị biết, chồng chị biết nhưng mãi mãi giữ kín trong lòng, như bao chuyện lâu nay trên đồng nước này...
8-1969