watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Người Sài Gòn - tác giả Lê văn thảo Lê văn thảo

Người Sài Gòn

Tác giả: Lê văn thảo

N ăm 68 đơn vị chúng tôi đánh vào Sài Gòn, hướng phía Tây, vào được trong nội thành rồi đánh lấn từng dãy phố một, dân chúng tản cư hết, nhà phố đóng kín cửa ban đêm đèn tắt tối om, đóng quân lại phải phá cửa mới vào được. Một bữa giữa khuya chúng tôi vào một nhà như vậy, không phải phá cổng phá cửa nhưng vào trong nhà tối đến nỗi phải lần mò từng bước. Nhưng sau đó rồi lại thấy có một phòng trên lầu còn sáng đèn. Các anh trong ban chỉ huy đại đội bận việc triển khai đội hình chiến đấu kêu tôi lên lầu coi thế nào. Tôi ghìm súng đi lên, thật cẩn trọng, đến trước cửa phòng còn đứng lại một lúc nghe ngóng rồi mới nhè nhẹ gõ cửa. Cửa mở, một cô gái hiện ra. Một cô gái ở trong phòng riêng của mình với sách vở, kẹp tóc, rèm cửa và chao đèn. Tôi lúng túng một lúc mới kịp cất đi nòng súng, nói :

- Chúng tôi đang đóng quân dưới nhà.

- Tôi biết rồi. Cô gái đáp, vẻ thản nhiên lạnh lùng.

- Cô cho chúng tôi ở chớ ?

- Mấy anh cứ ở.

Tôi không biết nói gì nữa, đứng lại một lúc cho phải phép rồi quay trở xuống báo cáo với các anh trong ban chỉ huy. Các anh cũng như tôi, không biết ra sao. Cô gái đó là như thế nào ? Thân thiện ? Hay ghét bỏ ? Cuối cùng rồi các anh nói tôi rảnh rỗi thỉnh thoảng lên đó dò xét coi thế nào.

Cô gái suốt ngày ở trong phòng, nấu nướng luôn trong đó ngày vài ba lần ra khỏi phòng xuống nhà vặn nước tưới cây, cho chim ăn. Có mấy lồng chim treo ở dãy nhà kho phía sau, chim vàng anh hay họa mi gì đó, cô cho chim ăn và đứng lại một lúc nghe chim hót. Mấy con vật thật lạ bom đạn càng nhiều chúng hót càng hay.

Cô gần như không nói chuyện gì với chúng tôi nhưng gặp ai cũng mỉm cười gật đầu chào, nép qua một bên nhường bước.

Cũng vài lần trong ngày tôi lên phòng cô vờ hỏi mượn cây chổi hoặc cách sử dụng cái lò bếp để dò xét. Cô tiếp tôi vẫn với vẻ thản nhiên lạnh lùng, và khi tôi cố tình nán lại liếc nhìn quanh phòng coi có thứ máy móc gì giống điện đài chứng tỏ cô làm thám báo chỉ điểm cho giặc không, cô cũng cứ im lặng mỉm cười đứng nép một bên chờ đợi không tỏ thái độ chống đối hay chấp nhận gì cả.

Không có gì cả, cô gái là người trong nhà và đang ở trong phòng của mình, vậy thôi.

Nhưng cũng không thể giải thích tại sao cô ở một mình như vậy, đang giữa lúc bom đạn ác liệt của trận đánh lớn như thế này.

Có lần tôi nói chuyện với cô lâu hơn một chút :

- Anh em chúng tôi lần đầu tiên vào thành phố còn bỡ ngỡ lắm.

- Còn tôi là người sanh đẻ gốc gác ở đây.

- Không biết chúng tôi có làm phiền gì cô không ?

- Không có gì đâu.

- Cô là người Sài Gòn đầu tiên chúng tôi gặp đấy.

- Tôi cũng mới gặp mấy anh.

- Cô thấy thế nào ?

- Thì cũng vậy thôi.

- Cô thật tốt, đã cho chúng tôi ở nhờ như thế này. Cám ơn cô lắm.

- Không có gì đâu mà.

- Cô ở một mình như vầy không sợ à ?

- Tôi ở trong nhà tôi mà sợ cái gì ?

Hôm ra đi tôi lên chia tay với cô, nói qua cánh cửa :

- Chào cô, chúng tôi đi nghen ?

- Dạ, mấy anh đi - Cô đáp nhẹ như hơi thở.

Chúng tôi tiếp tục đánh tới và xảy ra một chuyện : một chiến sĩ của chúng tôi bị lạc. Chúng tôi không thể trở lại tìm vì hướng đánh chỉ có đi tới. May sao hơn tuần lễ sau anh chiến sĩ tìm về được đơn vị, kể rằng anh chỉ bị thương nhẹ thôi nhưng bị một toán giặc cắt ngang đường không đi tới được. Anh đành quay trở lại, và cũng không biết đi đâu bèn trở về căn nhà của cô gái chúng tôi vừa ở. Cô gái ra mở cửa dẫn anh vào vẫn với vẻ thản nhiên lạnh lùng chăm sóc vết thương cho anh, lo cơm nước, bố trí anh ở một phòng sát cạnh bên để tiện bề canh giữ. Suốt hơn tuần lễ như vậy, anh chiến sĩ ở phòng bên này, cô gái ở phòng bên kia, ngày cô gặp anh vài ba lần thay băng cho anh, dìu anh ra tận phòng tắm, cơm nước bưng đến tận giường, cả quần áo anh cô cũng giặt giũ sạch sẽ tinh tươm. Nhưng chỉ có vậy thôi chớ không có gì hơn.

Vậy là thêm một chuyện ân tình nữa của cô gái đối với chúng tôi. Nhưng cũng thêm một câu đố. Từ đó về sau thỉnh thoảng nhớ lại chuyện đó tôi cứ thắc mắc mãi, không hiểu tại sao cô gái ở lại một mình như vậy, để làm gì và cô là người như thế nào.

***

Sau ngày giải phóng về thành phố bận rộn nhiều chuyện lâu lắm tôi mới nhớ lại chuyện đó vội tìm đến chỗ nhà cô gái tìm hiểu coi như thế nào. Vậy là đã hơn mười năm trôi qua rồi từ năm 68 khắc nghiệt ấy. Căn nhà vẫn như cũ nhưng khi tôi nhấn chuông gọi cửa một người quạu quọ đi ra nhìn tôi có vẻ nghi ngại và sau khi nghe tôi trình bày câu chuyện người đó nói vắn tắt : Nhà đã đổi chủ họ không biết gì về chuyện ngày xưa, rồi đóng sập cửa lại. Thật cứ như câu chuyện bị cắt đứt ngang giữa chừng. Nhưng tôi không nản chí cố dò hỏi các nhà lân cận. Tôi hỏi nhà này người ta chỉ nhà kia, cuối cùng chỉ đến một quán cà phê nói nhà đó có từ lâu, có thể biết chuyện thời đó và cả thời trước nữa. Nhưng quán cà phê chỉ có cô chủ trẻ tuổi nói hồi đó cô còn nhỏ xíu, có thể mẹ cô biết nhưng mẹ cô đã chết rồi : "Chú cứ đến đây uống cà phê, cháu tìm người hỏi giúp cho" - Cô chủ quán nói. Tôi đến, lần thứ nhất rồi lần thứ hai, đến lần thứ ba thấy có người ngồi sẵn chờ tôi ở đó. Đó là một người đàn ông cũng trạc tuổi tôi, nghĩa là độ trung niên, ăn bận bảnh bao vẻ coi nhàn hạ phong lưu ra dáng dân công tử Sài Gòn lắm. Ông nhìn tôi với vẻ nghiêm khắc nói rành rọt từng tiếng :

- Ông tìm hiểu chuyện nhà bên kia chi vậy ?

- Tôi tính viết bài báo - Tôi đáp.

- Tôi cũng nghĩ như vậy. Mấy hôm rày tôi thấy ông đi rễu qua lại ở đây. Nhưng ông không viết được không?

- Sao vậy ?

- Không sao cả. Nhưng có những chuyện không nên viết ra vậy thôi.

- Tôi chỉ muốn viết chuyện năm xưa cô ấy đã giúp đỡ đơn vị chúng tôi.

- Tôi có nghe chuyện đó. Đúng là cô ấy đã làm được chuyện tốt. Nhưng ông viết chuyện đó rồi có viết chuyện khác nữa không, chuyện không được tốt như vậy chẳng hạn ?

- Tôi không biết, chúng tôi chỉ đến đây ở mấy ngày rồi đi qua thôi.

- Đúng rồi. Còn chúng tôi là người gốc rễ ở đây, cả đời với bao nhiêu chuyện vui buồn ở đây.

Tôi dò hỏi :

- Cô ấy có chuyện gì à ?

- Có chuyện đấy - Ông công tử Sài Gòn đáp, vẻ ngập ngừng như muốn bộc bạch chuyện riêng tư gì đấy - Chuyện là như vầy - Ông muốn biết tại sao cô ấy ở lại một mình chứ gì ? Là do cô ấy phải dấu một người tình dưới nhà hầm. Và người ấy là tôi ! Chuyện trai gái ấy mà. Tôi hồi đó còn trẻ, chúng tôi là hàng xóm với nhau. Và cô ấy lại là một cô gái đẹp, đúng không nào ? Nhưng nhà cô ấy gia giáo nghiêm khắc lắm, tôi đợi đến đêm mới dám lẻn vào. Nhiều đêm như vậy tôi đâu ngờ đêm ấy mấy ông đánh tới. Thế là trong lúc gia đình tản cư cô ấy giả vờ lẻn đi đâu đó rồi sau đó trở lại với tôi. Cả mấy ngày trời đấy ông à, mấy ông ở trên nhà mấy ngày, tôi ở dưới nhà hầm mấy ngày, cơm bưng nước rót ăn cùng bữa với mấy con chim, không sao cả nhưng cũng thật tức cười. Cứ như khỉ trong chuồng vậy.

Ông ta cười khẽ và tôi cũng cười theo.

- Thế bây giờ anh chị...? - Tôi hỏi.

- Không có anh chị gì hết. - Ông ta ngắt ngang trở lại mặt u sầu. - Sau đó rồi cô ấy bỏ tôi. Cô ấy không thương tôi. Chúng tôi không gặp nhau nữa tới bây giờ tôi không biết cô ấy ở đâu. Chuyện chỉ có như vậy, có đáng cho ông viết không ?

Thực ra tôi có định viết gì đâu. Tôi ngồi nói chuyện chơi với ông ta một lúc rồi đứng dậy định ra về nhưng cô chủ quán nháy mắt với tôi rồi kéo tôi ra phía sau nói nhỏ:

- Chú đừng tin, ông ấy nói dóc đó. Ông ấy hiền lành tốt bụng lắm nhưng nhà giàu rong chơi hoài nên sanh tật nói dóc. Năm đó cháu còn nhỏ nhưng cháu vẫn nhớ, nhà cháu với nhà ông ấy cùng đi tản cư, chính ông ấy cõng cháu trên lưng, không có chuyện làm người tình ăn cùng với chim gì đâu. Cháu méc bà vợ ông ấy thì ông ấy chết.

Vậy chuyện ra sao ? Cuối cùng rồi câu chuyện của tôi lại đi vào ngõ cụt.

***

Lại hơn mười năm nữa trôi qua. Cho tới gần đây bỗng một hôm ông công tử Sài Gòn đến tìm tôi. Hồi xưa tôi đã cho địa chỉ tên cơ quan tôi rồi. Vẫn với dáng vẻ nhàn nhã phong lưu nhưng giờ ông đã già rồi, cũng như tôi, tóc đã bạc hơn một nửa và dáng đi đã hơi cúi khom về phía trước. Tôi tiếp ông ngay tại phòng khách cơ quan và mặc cho khách ra vào, ông cúi khom người vào chuyện với tôi ngay :

- Tôi nói lại chuyện cô gái ngày xưa với ông. Tôi đã kể ông nghe rồi nhưng xin ông bỏ đoạn sau dùm tôi.

- Đoạn nào ?

- Đoạn cô gái dấu người tình dưới nhà hầm.

- Thì chính ông mà ?

- Không phải tôi. Tôi ngại ông viết chuyện nên tôi đã nói dối. Và cũng tội nghiệp cô ấy. Cô ấy có dấu người tình dưới nhà hầm nhưng là người khác. Một thằng không ra gì. Tôi thương cô ây hết lòng nhưng cô ấy không thương tôi lại đi thương thằng mắc dịch ấy. Đó là một thằng du thủ du thực cờ bạc hút xách đủ cá, có lần dính đến một vụ cướp phải đi tù. Nó không phải người ở đây, cũng không ở đâu cả, không biết cô ấy gặp nó ở đâu mà dính với nó như vậy. Sau lần cô ấy liều mạng ở lại với nó, mấy ông rút đi rồi nó cũng trốn đi mang theo tất cả tiền bạc tư trang của nhà. Sau đó rồi gia đình trở về từ cô ấy nhưng thật ra cô ấy đã bỏ trốn đi trước đó với nó rồi. Thế là bắt đầu cuộc đời khổ cực của cô ấy. Không thể tưởng tượng được ông à, tôi có theo dõi nên tôi biết hết. Chẳng có một ngày cô ấy được sống sung sướng. Thằng ấy đâu thương gì cô ấy, chỉ lợi dụng để vòi tiền, cô ấy bỏ nhà bám theo nó, nó coi như món nợ mặc tình vùi dập hắt hủi. Một lần tôi gặp hai người trên núi Bà Đen đi coi bói cho khách hành hương. Cô ấy coi tay cho khách còn nó giữ việc thu tiền. Một lần khác hai người đi đào vàng cô ấy đãi cát dưới suối còn nó nằm ngủ dưới gốc cây. Nói chung là đủ thứ nghề bậy bạ không ra làm sao cả, và cô ấy làm chớ không phải nó làm. Cũng có lần tôi thấy chúng ăn cơm ở nhà hàng, nhưng lần khác lại thấy chúng đánh chiếc xe bò, chính cô ấy cầm cương còn xe không chở gì cả ngoài thân xác nằm ườn của thằng ấy. Lâu lâu cô ấy bị nó đánh cho một trận phải đi nằm bệnh viện và đó là lúc tôi được dịp gặp cô ấy cho ít tiền và đồ đạc, không nhiều nhặn gì vì bà vợ tôi không phải tay vừa. Có một lần cô ấy lết về tới tận thành phố tôi tưởng cô ấy đã bỏ được nó rồi, mua cho cô ấy căn nhà trong hẻm mua thêm cho chiếc xe nước mía làm phương tiện sinh sống nhưng chẳng được bao lâu tôi đến thăm nhà thấy chiếc xe nước mía nằm chỏng chơ căn nhà trống hoác. Cô ấy lại đi tìm đến với cái thằng ôn dịch đó rồi. Tại sao vậy hả ông ? Tại sao người ta cứ đi tìm chuyện cực chuyện khổ như vậy ?

- Tôi không biết, ông à.

- Tôi cũng không biết. Nhưng tôi vẫn thương cô ấy, cô ấy càng khổ tôi lại càng thương. Hôm nay tôi đến nói chuyện với ông vì cô ấy đã lại trở về đây rồi. Là do thằng đó đã chết. Uống rượu say té chết hay bị chó cắn gì đó. Cô ấy đem về đứa con gái nuôi. Đến đứa con thằng ôn dịch đó cũng không cho được cô ấy. Hai mẹ con ở căn nhà tôi mua cho cô ấy. Nhưng chỉ được mấy ngày đứa con gái nuôi đã bỏ đi đâu mất, lại bám theo một thằng mắc dịch nào đó. Nghe nói cô ấy giờ đã là một bà già rồi, cuộc đời long đong khổ cực khiến cô ấy tàn tạ như một mụ ăn xin thì sao mà sống, còn sức đâu đi coi bói hay đánh xe bò được nữa ?

- Ông không có cách gì giúp được sao ?

- Tôi giúp làm sao, cô ấy có phải là vợ của tôi đâu ? Tôi không có vợ con ở nhà hả ? Thôi đó là chuyện của tôi, tôi đến đây để nói lại với ông. Ông cứ viết bài báo đi, đời có chuyện hay chuyện dở ông cứ viết hết ra may ra đứa con gái nuôi đọc được trở về với mẹ nó. Và cái chính nó biết được mẹ nó đã sống như thế nào và nó nên sống như thế nào. Còn như cô ấy hay ông với tôi chúng ta hay dở gì cũng qua một thời rồi.


Hết

Các tác phẩm khác của Lê văn thảo

Tìm chồng cho má

Thằng Cung

Ông cá hô

Làng lở

Họp mặt trung đoàn

Hai người cha

Đường quê xa lắc

Đứa con trở về

Đồng chí

Đi thăm chồng

Đêm Tháp Mười

Con mèo

Cô gái đi vào cửa sau

Cô áo hồng, cô áo tím

Cái bờ đất

Bốn cô gái trong đêm giao thừa

Bốn bức thư

Bà nội tôi

Một ngày và một đời