- 15 -
Tác giả: Lý Nhân - Phan Thứ Lang
Tại Huế không những bà Nam Phương tích cực hưởng ứng “Tuần lễ vàng” mà bà còn viết một bức thư ngỏ gửi các bạn bè năm châu để báo về độc lập tự do của nước Việt Nam mới giành được độc lập. Và thư ngỏ này, bà Nam Phương gửi cho các bạn bè ở Châu Âu, nó như một thông điệp (Message) để tố cáo sự trở lại của quân đội Pháp tại Nam bộ, làm đổ máu nhân dân Việt Nam. Tờ Thông điệp này được đăng trong cuốn sách mang tựa “Ho-Chi-Minh Abd El-Krim” của Jean Raenaud, và do Guy Boussac xuất bản năm 1949 tại Paris, và mới đây cuốn “BAO DAI ou les denriers jours de l’Empire d’Annam” của tác giả D.Grandclement cũng có in lại. Bản Thông điệp này được viết và gửi đi ngày 18-11-1945, và nguyên văn như sau:
“Nước Việt Nam đã thoát khỏi ách nô lệ… Chính phủ Lâm thời Dân chủ Cộng hòa dã thành lập. Chồng tôi, ông Vĩnh Thụy tức cựu Hoàng đế Bảo Đại đã từng tuyên bố: “Vui lòng làm dân một nước tự do hơn làm một vua một nước nô lệ” nên đã đồng ý thoái vị. Tôi cũng đã đồng ý với chồng tôi, nên chồng tôi đã làm Cố vấn trong Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Riêng tôi. Tôi cũng đã cùng với các chị em phụ nữ giúp nhiều việc trong công việc xã hội ở nước chúng tôi. Chúng tôi chỉ đinh ninh sự phục vụ cho Tổ quốc của chúng tôi. Nhưng từ lâu nay bọn thực dân Pháp được sự che chở của phái bộ Anh đã xâm chiếm đất nước chúng tôi và miền Nam nước Việt Nam hiện giờ, nơi chôn rau cắt rốn của tôi đang bị chìm đắm trong vòng khói lửa.
Đồng bào chúng tôi trong ấy có cả thân quyến của tôi bị giết, bị hành hạ bởi sự tham tàn của bọn người xâm lược. Những bạn bè của tôi ở nhiều nước châu Âu, các ông các bà đã quen biết tôi, tất cả những người yêu chuộng tự do công lý, các người kêu gọi chính phủ của các người cương quyết can thiệp để ngăn cản bàn tay đẫm máu của thực dân Pháp ở miền Nam nước Việt Nam là các người đã làm ơn cho dân tộc chúng tôi, làm ơn cho tất cả phụ nữ chúng tôi và cho cả tôi nữa. Các người hãy tin chắc chắn rằng mỗi cảm tình nồng nàn của dân tộc chúng tôi, của riêng tôi đối với các người sẽ nhờ đó mà tồn tại mãi mãi.
Thay mặt cho mười ba triệu bạn gái của nước Việt Nam, một lần nữa tôi kêu gọi lòng bác ái nhân đạo của các người. Tôi mong mỏi các người không để cho chúng tôi phải thất vọng. ”
Bà Vĩnh Thụy
Cựu Hoàng hậu Nam Phương
Những hành động đáng trọng của Nam Phương hoàng hậu
Bà Nam Phương Hoàng hậu vốn xuất thân là con cháu một gia đình đạo hạnh gốc miền Nam nên khi về nhà chồng làm dâu nhà Nguyễn, sống trong triều đình lại nhiều lễ nghi, tập tục theo tinh thần Khổng giáo, Phật giáo nhưng bà Nam Phương đã biết hòa nhập với nếp sống mới và những lễ nghi kính trên nhường dưới trong Hoàng Tộc. Với bà Từ Cung, thân mẫu của Bảo Đại, mẹ chồng của Nam Phương, thì luôn luôn bà Nam Phương kính trọng mẹ chồng, với các vị quan triều lớn tuổi thì bà lễ phép, không tỏ dấu kiêu căng là kẻ bề trên. Với con cái thì bà dạy dỗ chúng rất khuôn phép, và giáo dục theo lề giáo Việt Nam. Theo tư liệu của Nguyễn Đắc Xuân viết thì: “Hoàng hậu Nam Phương được giao phụ trách việc dạy dỗ con cái. Các con bà đều có nơi ăn, nơi ngủ riêng. Hoàng tử Bảo Long, sau khi được phong Hoàng thái tử (1938) được ra học tại lầu Tứ Phương Vô Sự ngay trên thành nhìn ra cửa Hòa Bình phía sau điện Kiến Trung. Hoàng hậu Nam Phương được một cô sẩm (Trung Hoa) giúp chăm sóc các con nhỏ, một phụ nữ người Thụy Sỹ làm khán hộ, một bà giáo người Pháp dạy tiếng Pháp cho các con bà. Từ năm 1942, triều đình đã mời thầy Ưng Quả làm “Đông cung giáo đạo” (thầy giáo của Hoàng Thái tử). Thầy Ưng Quả là cháu nội của Miên Trinh Tuy Lý vương, thầy giáo nổi tiếng giỏi nhất thời bấy giờ. Thầy Ưng Quả dạy chữ Hán và văn minh văn hóa Đông Tây cho các con bà. Mặc dù đã có thầy dạy ngay trong điện Kiến Trung, Hoàng hậu Nam Phương vẫn cho các con gái bà học trường nữ Đồng Khánh để cho các con bà được hòa nhập với cuộc sống đời thường. Nhiều hôm theo xe đi đón con bà bắt gặp các Công chúa bị các bà giáo trường Đồng Khánh phạt quỳ úp mặt vào tường. Bà rất đau lòng nhưng phải ngoảnh mặt đi để tỏ lòng cung kính đối với sự dạy dỗ của các bà giáo.
Ngoài việc dạy dỗ con cái, lo việc gia đình trong điện Kiến Trung, Hoàng hậu Nam Phương còn phải cùng với bộ Lễ lo lễ tiết, cúng kỵ trong Nội, thăm hỏi sức khỏe của các bà Tiên Cung, Thánh Cung (bà nội của vua Bảo Đại) và bà Từ Cung (mẹ vua). Bà là hình ảnh mẫu mực của một “nàng dâu” hiếu thảo thời bấy giờ”. (Theo Nguyễn Đắc Xuân – viết theo tư liệu của Nguyễn Tiến lãng và Ưng Thuyên).
Những vua chúa thời xưa, trước thời Bảo Đại, mỗi khi các vua chúa tiếp đón những khách ngoại quốc tới thăm thường ít khi có bà vợ đi theo nên việc tiếp đón cũng dễ dàng, không phải nhờ đến một người phụ nữ. Nhưng từ thời Bảo Đại, tuy là chế độ phong kiến quân chủ, nhưng Bảo Đại đã theo lễ nghi của nước Tây phương là phải có phu nhân đón tiếp các vị lãnh đạo nước bạn tới thăm viếng, vì đa số họ đi đâu đều có vợ chồng cùng đi.
Những bà vợ của các nước Tây phương người ta thường gọi là Đệ nhất phu nhân, vì là vợ của một Quốc trưởng, một Tổng thống, còn Thủ tướng, vợ không được gọi là Đệ nhất phu nhân mà chỉ gọi là Phu nhân Thủ tướng. Nhưng cũng có trường hợp một ông Quốc trưởng, hay một Tổng thống mà không có vợ để đón tiếp thì cũng hơi khó và phiên toái. Vì vậy, thời chế độ Sài Gòn, Ngô Đình Diệm làm Tổng thống mà lại không có vợ gì nên những khi tiếp đón một quốc khách (Tổng thống, Quốc vương) có Đệ nhất phu nhân đi theo, Ngô Đình Diệm đã phải nhờ cô em dâu là Trần Lệ Xuân (vợ Ngô Đình Nhu – Cố vấn chính trị của Diệm) để nhờ Lệ Xuân đón tiếp và nói chuyện với các vị quốc khách. Cũng vì lý do trên nên người ta đã gọi Trần Lệ Xuân là Đệ nhất phu nhân. Nhưng xưng danh như vậy là không đúng, vì Trần Lệ Xuân có là vợ của Ngô Đình Diệm đâu mà gọi là phu nhân được. Như vậy cuộc tiếp đón vua Thái Lan và Hoàng hậu Thái Lan sang thăm Sài Gòn, Ngô Đình Diệm đã phải nhờ Lệ Xuân đón tiếp và nói chuyện với Hoàng hậu Thái Lan. Kể ra nếu có một phụ nữ nước chủ nhà tiếp đón một nữ quốc khách tới thăm và trong lúc dự dạ tiệc thì cũng vui và ngoại giao dễ thông cảm nhau hơn, nhất là người phụ nữ đón tiếp giỏi ngoại ngữ thì giải quyết được nhiều vấn đề để hai quốc gia xích lại gần nhau hơn.
Quay về triều Bảo Đại, năm 1942 vợ chồng Quốc vương xứ Campuchia sang thăm Việt Nam theo lời mời của Bảo Đại, thì khi tiếp đón Hoàng đế và Hoàng hậu xứ Chùa Tháp, bà Nam Phương Hoàng hậu đã tiếp đón và gây được nhiều cảm tình, vì bà Nam Phương rất thông thạo Pháp ngữ và ăn nói dịu dàng nên vợ chồng ông hoàng Sihanouk rất tâm đắc khi viếng cố đô Huế. Và sau đó một năm, cũng theo lời mời của vợ chồng ông Hoàng xứ Chùa Tháp, Bảo Đại đã sang thăm Campuchia, đi bằng xe hơi, để bà Nam Phương Hoàng hậu ngồi bên cạnh.
Cuộc ngự du của Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu vào Sài Gòn, đi Gò Công và đi Nam Vang. Cuộc hành trình diễn tiến cũng gặp mấy vấn đề khó xử khi nhà vua An Nam vào Sài Gòn.
Theo “Một nửa đời hư” hồi ký của cụ Vương Hồng Sển, Nxb thành phố Hồ Chí Minh 1992, có đoạn cụ Sển đã viết: “… Về sau, khi ông về lên ngôi kế vị cho cha, lúc tuyển chánh cung, bà Nam Phương đem tiền hồi môn về là một triệu đồng bạc mặt, do cậu ruột là ông Lê Phát An dâng tặng cho cháu gái. Số tiền này thuở đó là khổng lồ, nếu so sánh với bạc hiện nay, thì số tỷ vẫn chưa vừa vì tỷ giá ngày nay có hiếm, chớ như hồi năm một ngàn chín trăm hai mươi ngoài, đầu thể kỷ hai mươi, tờ giấy xăng (100$00) có người trọn đời chưa từng thấy, và giàu bạc muôn, tức trong nhà có được mười ngàn, đã là giàu bạc nứt đố đổ vách.
“… Ấy đúng ngày 19-11-1942, vua Bảo Đại và bà Nam Phương ngự du Sài Gòn, và chính bữa trưa ngày thứ sáu 20-11-1942, tôi đứng dưới gốc ga trước dinh Gia Long (nay là Bảo tàng Lịch sử thành phố - đường Lý Tự Trọng hiện nay - PTL) và đã diện kiến long nhan đức Bảo Đại như thế này:
a/ Độ chừng một tháng trước ngày ngự du, thống đốc Nam Kỳ gởi ra Huế một công văn, mời hoàng thượng ngự du Sài GÒn và nhắc lại rằng ông thái tử nước bạn (Cao Miên) vừa rồi, đã có ngự hành như vậy, và thần dân trong Nam, Tây như Việt, ngưỡng mộ ngài lắm.
b/ Bức chiếu văn từ Huế trả lời rất gẫy gọn: “Bằng lòng Nam du, nhưng sẽ dùng làm hành cung, đại dinh Toàn quyền đường Norodom (nay là dinh Thống Nhất – tức Phủ Tổng thống của chế độ cũ Sài Gòn.
Được bức thư này, nội các thống đốc đều kinh sợ, hội nghị mật bàn kế, một mặt đánh mật mã khẩn mời Đơ Ku (Decoux) bay vô chiếm trước dinh Toàn quyền, một mặt trả lời Hoàng thượng viện cớ dinh đã có quan đầu xứ Đông dương đến ở, và ân cần xin Hoàng thượng đoái tình, tạm nhận lưu trú nơi dinh đường Lê Quý Đôn (Bảo tàng chứng tích chiến tranh ngày nay – PTL), là dinh đầy đủ tiện nghi và trước đây đã làm chỗ ngự cho Tân vương Thái tử.
“Hoàn thượng trả lời vắn tắt: “Không có dinh toàn quyền thì ta ngự dinh Mont-Joye ở Hạnh Thông Tây là dinh của quốc cựu Lê Phát An.
“Phải nói câu trả lời vừa đúng lễ ngoại giao và thật khéo, vì vừa giúp biệt thự này trang bị điện lực để Hoàng thượng khỏi cảnh thắp đèn dầu, thêm giữ được thể thống nhà vua, chớ không chịu lép vế đại như hàng tiểu chư hầu như ông Thái tử kia thì hèn quá.
“Thế là phải làm đêm làm ngày, dựng cột đá và gắn dây cáp đem điện lên nhà ông tỷ phủ Lê Phát An, không tốn một xu trả cho hãng đèn. Một đắc thắng theo kiểu trong Tam quốc, Khổng Minh mượn tên giúp Ngô chống Ngụy.
“Và cái ngày kiết nhựt” tiếp kiến Hoàng thượng” đã đến: 20-11-1942. Ăn quen theo thói trước, các quan viên và mạng phụ Pháp tề tựu đông đủ tại mặt tiền dinh Thống đốc (dinh Gia Long), để ý như tiên lễ sẽ bắt tay (ngang hàng) vừa tạ cũng như đã bắt tay mấy tháng trước đây, vị thái tử nọ. Trong chương trình ghi là đúng ngọ đãi tiệc ra mắt vua Nam.
“Tôi làm việc trong tòa dinh này, và trông mau tới ngọ, hết giờ làm việc, còi điện nhà dây thép chánh vừa hú, là tôi thu xếp giấy má và ra chực nơi dưới gốc đa quen thuộc, để phen này coi lén “long nhan đức Hoàng thượng”.
“Tôi thấy đủ mặt, các bà đầm vợ công chức cao cấp Pháp đứng theo một bên, bà tay cầm quạt quạt phạch phạch, bà che dù như sợ nắng ăn da, bà hỉnh mũi” tay đây là mạng phụ triều đình”, bà bên Pháp vừa qua chưa quen thói thuộc địa, vẫn dễ thường như người dân thành phố văn minh, dĩ hà nhứt thể, ở đâu cũng là tự do (liberte) bình đẳng (egalite), bác ái (fraternite).
“Đúng ngọ, chiếc xe Delage C.20 có hai tài xế mặc sắc phục ngồi trước, đưa Hoàng thượng từ Hành Thông Tây đến. Xe ngừng, nhạc trổi quốc thiều y như lần trước rước Tân vương Thái tử. Trước tấu quốc thiều Pháp La Marseillaise, tiếp theo đổi lại thay vì quốc thiều Miên là bản quốc thiều của triều đình Huế. Chiếc xe Delage bóng loáng, một người cao lớn dình giàng (ông cao 1m80) đứng giữa xe tay đỡ lên ngang trán chào theo điều nhà binh Tây phương, mình vận một bộ y phục trắng hết sức đúng thời trang, trán rộng mũi cao, cặp mắt có điện, và toàn thân chiếu ra một nghi biểu khác phàm. Tiếng nhạc chót vừa dứt, người tài xế phụ y như cái máy, chạy xuống khép nép mở cửa xe. Ông bước xuống. Các bà đầm chạy lại, miệng người nào người nấy như hoa nở, hí hửng toan bắt tay vua. Vua làm như không thấy, ngực ông đã cao, ông ểnh càng cao thêm, mặt chăm chỉ ngó ngây, chơn ông cứ bước vội bước. Khiếp quá, các bà mạng phụ lật đật cúi đầu, và quên hết lời dặn dò của các đấng phu quân, đã khép nép tay nắm vạt áo dài trào (phần nhiều mặc bun-rền) đầu cúi mọp trước đức vua Việt y như các tổ tiên họ đã đến phen trước, phen này đứng trước một ông vua oai nghi quá, mấy bà đã mất hết bình tĩnh, nên đã có cứ chỉ như đã kể trên, làm cho các đấng phu quân cũng khớp luôn và mạnh ai nấy chào theo nghi lễ đối với một quân vương: ông thống đốc đứng đầu hàng, nghiêng mình kính cẩn, ông chưởng lý tòa thượng thẩm cũng bắt chước theo, trung tướng bộ binh và hải quân đại tá chào theo nhà binh, kỳ dư chủ tịch viện có mặt, viên quản hạt, phòng thương mại và các quan viên Tây có mặt tại đó đều răm rắp cúi chào theo nghi lễ và khi ông qua khỏi rồi, đều ngó nhau trơ trẽn, quả ông đi đứng “long hành hổ bộ” rõ ràng. Khi ông bước đến bệ trên cửa điện, ông cũng không ngó lại chào và vẫn tiếp tục bước ngay vô trong. Thống đốc Rivoal mất hết bình tĩnh, không đợi tùy giá quan làm việc này, đã chạy theo vua, kéo ghế danh dự ra cho vua ngự. Bữa tiệc dùng trong một sự lặng lẽ kính cẩn chưa từng có và mãn tiệc rồi, tại phòng khách vừa mới đây thống đốc trình diện quan khách và khi ấy vua mới có câu cởi mở đối với mọi người.”
Sau ngày ra mắt tại dinh Gia Long, Bảo Đại trở về dinh ở Hành Thông Tây để nghỉ một ngày rồi sáng hôm sau cùng bà Nam Phương xuống Gò Công để thăm viếng quê ngoại và viếng mồ mả tổ tiên họ ngoại.
Khi đã thăm viếng quê ngoại xong xuôi, Bảo Đại bảo tài xế lái xe trực đường sang nước láng giềng Cao Miên thăm Quốc vương Sihanouk để đáp lễ mà mới đây Quốc vương và Hoàng hậu xứ Chùa Tháp đã sang thăm nước ta.
Bảo Đại và bà Nam Phương khi tới xứ Chùa Tháp đã được Hoàng gia nước bạn mời đi thăm kỳ quan Đế Thiên Đế Thích và những thắng cảnh khác của xứ Chùa Tháp. Bà Nam Phương Hoàng hậu đã được bà Hoàng xứ Chùa Tháp tiếp đón rất nồng hậu và tương đắc vì cả hai cùng nói chuyện trực tiếp với nhau bằng ngôn ngữ Pháp mà hai bà rất thông thạo, còn Bảo Đại và Sihanouk thì cùng đàm đạo với nhau bằng ngôn ngữ Pháp rất thân thiện và cảm tình.
Bà Nam Phương Hoàng hậu là một người đàn bà nhân hậu, lại biết suy nghĩ chín chắn nên cứ mỗi lần người Pháp muốn Bảo Đại phải thi hành những vấn đề có lợi cho mẫu quốc và có hại đến nền kinh tế và chính trị hay xã hội Việt Nam thì Bảo Đại đều bàn bạc với bà Nam Phương. Những lúc đó, bà Nam Phương cư xử rất khôn khéo, vì biết nếu Bảo Đại mà gặp người Pháp thì khó trả lời nhận hay không nhận những điều kiện mà Pháp đưa ra. Vì vậy, bà Nam Phương đã đề ng hị mỗi khi gặp trường hợp khó xử với người Pháp thì ông nên tránh đi xa ít ngày, như vào rừng săn thú hay đi tắm biển đâu đó. Có thể đi kinh lý thăm các tỉnh phía bắc miền Trung, như tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Nghệ An, Thanh Hóa…
Rồi đến việc Tòa thánh La Mã thời Giáo hoàng Pio XI đã phạt vạ bà Nam Phương vì đã lấy chồng theo đạo Phật. Nay Giáo hoàng Pio XI vừa tạ thế tháng 2-1939, thì Nam Phương Hoàng hậu đề nghị Bảo Đại gửi điện chia buồn đến Tòa thánh La Mã, và đồng thời gửi điện chức mừng vị Giáo hoàng mới lên ngôi là Đức Pio XII vừa đăng quang vào ngày 12-3-1939. Sau đó, Bảo Đại còn trao tặng huy chương Kim Khánh của Triều đình Huế cho vị Khâm sứ Toà thánh Việt Nam đang làm việc tại Huế. Đồng thời Bảo Đại còn ngỏ ý đưa vợ và gia đình ngoại sang tận La Ma để xin yết kiến Giáo hoàng Pio XII mới lên ngôi ban phép lành.
Hành động trên của bà Nam Phương Hoàng hậu đã giải toả được sự xa lánh giữa Giáo hội Công giáo với Bảo Đại và Triều đình Huế. Giáo hoàng Pio XII đã nhận lời xin yết kiến của vợ chồng Bảo Đại và còn đứng chụp hình chung với Bảo Đại. Bà Nam Phương Hoàng hậu cùng phái đoàn Việt Nam.
Và sau cuộc yết kiến trên, Giáo hoàng Pio XII đã ra sắc tha phạt vạ bà Nam Phương, và cho phép đạo ai người đó giữ, nhưng các con của Bảo Đại với bà Nam Phương đều phải được rửa tội theo đạo Công giáo. Việc rửa tội công khai hay bí mật là tuỳ nghi ở sự sắp đặt của bà Nam Phương với các linh mục địa phận Huế.
Về vấn đề xã hội, bà Nam Phương cũng tham dự để thăm viếng nhiều cơ quan xã hội tại Huế, Đà Lạt, Hà Nội… Tại Huế, bà Nam Phương đã tới thăm trường Đồng Khánh, nơi các con bà đang theo học. Theo hồi ký của nữ sĩ Đạm Phương thì chính bà Nam Phương là người đã đề nghị đưa môn học nữ công gia chánh vào trường học. Bà Nam Phương cũng noi gương ông ngoại và chú, bác, cậu… bà thường đến thăm những nhà thờ nghèo ở Huế giúp đỡ tài chính để tu bổ nhà thờ, nhà dòng. Một hành động nữa đáng khen là bà nhớ lại Couvent des Oiseaux là trường mà bà đã theo học bên Pháp khi xưa, nên nay bà muốn có một ngôi trường của nhà dòng Kinh sĩ Augustino do các nữ tu phụ trách để đào tạo giáo dục cho các trẻ em người Việt Nam lẫn người Pháp tại Việt Nam.
Bà Nam Phương đã giới thiệu cho mẹ (Mere) Alix Le Clerc là nếu muốn mua một miếng đất tại Đà Lạt để mở trường thì bà (Nam Phương) sẽ mua giá rẻ giúp nhà dòng mở trường. Vì vậy, sau đó dòng Couvent Oiseaux đã đồng ý và mua được một miếng đất khá rộng ở Lang Biang để mở trường Couvent des Oiseaux đầu tiên tại Việt Nam năm 1935, rồi sau đó bà Nam Phương còn thúc giục các Mẹ dòng Couvent des Oiseaux mở thêm tại Hà Nội một nhà dòng nữa cũng để làm trường học giáo dục các con em Việt – Pháp.