- 17 -
Tác giả: Lý Nhân - Phan Thứ Lang
Kể từ ngày ông Vĩnh Thuỵ ra Hà Nội để nhận chức Cố vấn do Chủ tịch Hồ Chí minh mời, ở Huế bà Nam Phương rất lo lắng vì có nhiều tin đồn thất thiệt, hơn nữa lại được những người thân cận là tín đồ Công giáo báo tin vào Huế cho bà Nam Phương biết là từ khi ra Hà Nội ông Cố vấn được bạn bè dẫn đường chỉ lối đi ăn chơi, nhảy đầm lại cờ bạc rồi trai gái tùm lum. Hết cặp cô này đến cô gái khác. Cô nào cũng đẹp nên Vĩnh Thuỵ đều chết mê chết mệt.
Vì vậy, để trấn an bà Nam Phương khỏi bị dao động do bọn chống đối Việt Minh tung ra có ý đồ lôi kéo bà Nam Phương vào chính trị nên Hồ Chủ tịch đã cử mấy cán bộ tin cẩn vào Huế để vấn an bà Nam Phương. Phái đoàn này gồm có ông Lê Văn Hiến, ông Nguyễn Khoa Văn (tức nhà văn Hải Triều), và một người nữa.
Và th eo một hồi ký của ông Lê Văn Hiến đã kể lại sau này trong tập Hồi ký “Bình Trị Thiên Tháng Tám Bốn Lăm” do nhà xuất bản Thuận Hoá ấn hành năm 1985, đại ý như sau:
Khoảng 9 giờ sáng ngày 10 tháng 12 năm 1945, bà Nam Phương hẹn sẽ tiếp phái đoàn. Y hẹn, 9 giờ các ông Hiến, Văn và một người nữa (?) đã đến cung An Định, nơi bà Từ Cung, bà Nam Phương và gia đình mới dọn về đây để ở sau khi Bảo Đại thoái vị.
Khi phái đoàn vừa tới, bấm chuông cổng thì thấy bà Nam Phương đã ra sân đón phái đoàn vào phòng khách. Nơi phòng khách được trang hoàng theo kiểu trang trí châu Âu thời cổ điển.
Bà Nam Phương vốn con cháu nhà giàu, lại được đi học bên Pháp khi mới 12 tuổi nên đã được hấp thụ cách xã giao rất lịch thiệp. Khi đó bà Nam Phương đã 33 tuổi, nhưng với sắc đẹp, và vẫn giữ được phong cách một bà Hoàng nên trông bà rất lịch sự, xứng đáng một mẫu nghi.
Khi các ông Hiến, Văn… đã an toạ, bà Nam Phương tự tay rót nước trà và mới khách rồi bà hỏi thăm sức khoẻ của phái đoàn trên đường đi từ Hà Nội vào Huế có mạnh không, vì đi đường hoả xa chắc vất vả lắm?
Ông Lê Văn Hiến trả lời:
- Cám ơn bà, sức khoẻ chúng tôi vẫn bình thường. Và trước khi vào Huế, chúng tôi đã đến gặp Cố vấn và thấy ngài vẫn khoẻ mạnh.
Khi ông Lê Văn Hiến nói chuyện thì bà Nam Phương kéo ghế ngồi tới sát cạnh ông Hiến để nghe cho rõ, vì bà Nam Phương vốn nặng tai từ nhỏ. Khi đó, ông Hải Triều đã nhanh ý ghé sát tai ông Hiến và nói: Bà nặng tai nên ông phải nói lớn một chút thì bà Nam Phương mới nghe rõ.
Bà Nam Phương cầm tách nước trà đưa lên miệng khẽ nhấp và tỏ vẻ nghe rõ từng câu mà ông Hiến đang nói. Bà tỏ lòng cảm ơn.
Đoạn, ông Lê Văn Hiến nói chuyện tiếp:
- Thưa bà Cố vấn, tôi được Chủ tịch Hồ Chí Minh uỷ thác vào gặp bà nói lên lời hỏi thăm của Người về sức khoẻ của bà và các con bà. Đồng thời Hồ Chủ tịch cũng có ý định mời bà và các cháu ra Hà Nội ở cùng với ông Cố vấn để cho gia đình được đoàn tụ vui vẻ hơn cảnh như lâu nay mỗi người mỗi ngả. Chánh phủ sẽ lo chu tất mọi việc cho ông bà.
Khi bà Nam Phương nghe ông Lê Văn Hiến chuyển lời mời của Hồ Chủ tịch với ý nghĩa trên, bà Nam Phương tỏ vẻ rất phấn khởi và vui mừng. Và bà cũng ngỏ lời cảm ơn đến Hồ Chủ tịch và Chánh phủ đã lo lắng đầy đủ cho ông Cố vấn. Còn về vấn đề Hồ Chủ tịch có ý định để đưa tôi và các cháu ra Hà Nội thì tôi xin có ý kiến để các ông về trình lại với Hồ Chủ tịch. Và bà Nam Phương nói:
- Hiện nay ông Cố vấn một mình ở Hà Nội, với phong cách và lối sống của ông. Nhà nước đã chu toàn cho đầy đủ cũng phải tốn kém lắm rồi. Hơn nữa chánh phủ mới thành lập, trăm nghìn việc phải tốn kém bao nhiêu! Cần tránh những gánh nặng khác. Tôi và 4 con tôi trong này, sống tạm đủ. Với cuộc sống bình thường, chúng tôi vẫn có khả năng tự lo liệu cũng được. Nếu mẹ con chúng tôi ra sống chung với ông Cố vấn, Nhà nước phải tốn kém gấp đôi, tôi nghĩ như vậy là không đúng. Xin Hồ Chủ tịch cứ để mẹ con chúng tôi tạm nương náu trong này, khi nào tình hình nước nhà ổn định và tốt dần lên, bấy giờ sẽ đặt vấn đề đoàn tụ của gia đình chúng tôi cũng không muộn. Vậy nhờ ông Bộ trưởng (Chánh phủ Lâm thời Việt Nam thành lập tại Hà Nội ngày 23-8-1945, ông Lê Văn Hiến giữ chức BBộ trưởng Lao động) thưa lại với Hồ Chủ tịch hộ cho. Chúng tôi rất cảm ơn.
Và theo ông Lê Văn Hiến thuật lại thì bà Nam Phương đã thoái thác một cách rất khéo léo và lịch sự. Tuy thâm tâm của bà ra sao, chưa biết chắc chắn, nhưng cách lập luận của bà tỏ ra có lý vừa có nhân hậu. Khi ông Lê Văn Hiến thấy không còn có cách gì thuyết phục được để bà Nam Phương đồng ý ra Hà Nội, nên ông Hiến đành phải chấp nhận để sẽ về báo cáo lại với Hồ Chủ tịch.
Ông Lê Văn Hiến cũng đoán tưởng đến đây là chấm dứt câu chuyện nên có ý định đứng dậy xin cáo từ ra về. Nhưng bà Nam Phương đã vội vàng đưa tay mời các vị ngồi lại một chút, và bà Nam Phương nói: “Mời ông Bộ trưởng nán lại một chốc, tôi sẽ báo cáo với bà Từ Cung, người sẽ vui mừng tiếp ông Bộ trưởng. Vừa nói xong, bà Nam Phương vội vào nhà trong .”
Ông Lê Hải Triều nói với ông Lê Văn Hiến: Bà Từ Cung là vợ của Khải Định, và là mẹ của Bảo Đại. Và ông Hiến đang suy nghĩ trong đầu là khi gặp bà Từ Cung sẽ nói thế nào đây? Thì trong nhà bà Nam Phương đi ra và mời các ông Lê Văn Hiến, Hải Triều… vào nhà trong.
Phòng khách của bà Từ Cung thì lại được trang trí theo kiểu cách Đông phương là một cái bàn dài được chạm trổ bằng gỗ quý, mặt bàn bóng loáng, chung quanh bàn có sáu chiếc ghế cũng được trạm trổ công phu. Và bà Nam Phương đã mời phái đoàn ngồi ở ghế bên phải, còn bà Nam Phương ngồi ghế bên trái.
Bà Từ Cung từ trong phòng bên cạnh bước ra phòng khách, nghe thấy tiếng cửa của bức tường kéo ra. Bà Từ Cung năm đó cũng gần sáu chục tuổi rồi. Bà Từ Cung mặc áo thêu nhiều màu sắc, đầu chít khăn vàng và bà bước ra ngồi trên một chiếc ghế cũng chạm trổ, trông như một chiếc ngai vàng. Bà Nam Phương thấy bà Từ Cung đi ra, thì bà vội đứng dậy, các ông Hiến, Văn,… cũng đứng dậy theo.
Bà Từ Cung khi đã ngồi xuống ghế rồi, bà Nam Phương đưa tay mời khách ngồi. Ông Lê Văn Hiến còn đang lúng túng chưa biết phải chào bà Từ Cung thế nào? Không lẽ nói: Thay mặt Hồ Chủ tịch đến thăm sức khoẻ bà Khải Định? Nếu nói vậy không ổn?
Có lẽ biết ý ông Hiến còn đang lúng túng chưa biết chào thế nào nên bà Nam Phương đã đưa tay giới thiệu: Xin phép Đức Từ được giới thiệu đây là ông Bộ trưởng Lao động của Chánh phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đi công cán ở miền Nam, nay xin đến chào Đức Từ Cung và gia đình ông Cố vấn.
Ông Lê Văn Hiếu thấy bà Nam Phương giới thiệu rất khôn khéo, nên đã lên tiếng xin phép nói:
- Được uỷ nhiệm vào công cán trong này, trước khi ra đi tôi có đến thăm ông Cố vấn, ngài luôn luôn mạnh khoẻ và ngài có nhắn lời thăm gia đình. Tôi đã gặp bà Cố vấn và được bà giới thiệu vào thăm Từ Cung. Chúng tôi xin ngỏ lời chúc Đức Từ Cung luôn luôn khoẻ mạnh và trường thọ.
Bà Từ Cung khẽ nhếch miệng cười và tỏ lời cảm ơn, rồi bà đưa tay mời mọi người dùng trà. Và bà Từ Cung hỏi:
- Ông Cố vấn làm việc có được Chủ tịch Hồ Chí Minh thương mến không?
- Quan hệ giữa Hồ Chủ tịch và Cố vấn luôn luôn tốt đẹp.
Nghe ông Hiến nói vậy, cả hai bà Từ Cung và Nam Phương đều tỏ lòng vui mừng và xin gửi lời cám ơn đến Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bà Từ Cung thấy không cần hỏi thăm gì nhiều nên đứng dậy để lui về phòng, nhưng bà không quên ra lệnh cho bà Nam Phương ngồi tiếp chuyện.
Thấy câu chuyện thăm hỏi tới đây cũng tạm đủ nên ông Hiến cũng cáo từ xin ra về. Bà Nam Phương tỏ ra lịch thiệp chân thành tiễn khách ra tận cổng cung An Định.