- 4 -
Tác giả: Lý Nhân - Phan Thứ Lang
Theo Đại Nam chính biên liệt truyện, tập 2, quyển 2. 3 đã viết : Từ Dụ là huy hiệu của vua Tự Đức truyền đi chiếu tấn phong cho Lịnh bà. Từ là lòng nhân từ thường yêu. Dụ là rộng rãi. Từ Dụ là rộng lòng nhân từ thương yêu.
Lịnh bà là Phạm Thị Hằng hay Nguyệt, sinh ngày 19 tháng 5 mùa hạ năm Gia Long thứ 9 ( 1810 ) tại giồng Sơn Quy huyện Tân Hòa, nay là Gò Công thuộc tỉnh Tiền Giang, con quan Thượng thư bộ Lễ Phạm Đăng Hưng sau đặng truy tặng tước Đức Quốc công.
Hằng, tên của Lịnh bà trùng với tên của Hán Văn đế được kiêng húy thay bằng chữ thường. Nguyệt, tên của Lịnh bà được kiêng húy đọc ra ngoạt.
Tương truyền xứ Gò Công nước thường mặn lắm, các giồng ( dải đất gồ lên cao để ở tiếp liền với ruộng thấp ) đều có giếng nước ngọt song cũng không được ngọt lắm.
Từ khi Lịnh bà được sanh ra, nước giống giồng Sơn Quy ngày càng thanh, người uống vào ít có bịnh tật, tiếng đồn khắp nơi, người lân cận đều đến gánh về dùng.
Còn giồng Sơn Quy thì càng ngày càng cao được bồi thêm như hình mai rùa. Cây trái ở đây lại tươi tốt dồi dào hơn các nơi khác.
Những vị kỳ lão ở xứ Gò Công còn nhớ câu:
Lệ thủy trình tường thoại,
Quy khâu trúc phước cơ.
( Nước ngọt trổ điềm lành,
Gò rùa vun nên phước. )
Lúc còn bé, Lịnh bà ham đọc sách, thông hiểu kinh sử, có tính hiền đức và có nết hạnh. Mẹ của Lịnh bà bổn tính ham văn học, thường khi biểu người người ta đọc Huấn nữ và Nhị thập tứ hiếu, nghe lấy làm vui. Mẹ của Lịnh bà muốn Lịnh bà đọc sách, những phép dạy trong nhà cửa cha rất nghiêm: con cái thì học nữ công và coi sóc công việc trong nhà. Còn chữ nghĩa thì học cho biết mà thôi. Lịnh bà được các anh chị dạy chữ nghĩa chút đỉnh, song chưa hiểu văn lý mạch lạc.
Năm Lịnh bà lên 12 tuổi, thân mẫu bị bệnh thích nằm một mình, gia nhân không đặng thân cận hầu hạ. Lịnh bà ngày đêm săn sóc cơm thuốc không bao giờ lìa xa.
Khi thân mẫu mất, Lịnh bà ngày đêm kêu khóc không dứt, giữ việc tang chế ốm gầy người như kẻ thành nhân. Người xa kẻ gần nghe như thế đều khen ngợi và lấy làm lạ.
Năm Minh Mạng thứ 4 ( 1823 ) thân phụ của Lịnh bà thất lộc tại kinh đô. Thuyền chở quan cửu về Gia Định, đi vừa tới ngoài cửa Cần Giờ bị một trận gió lớn, gẫy lái. Đà công và thủy thủ kinh hãi chỉ đợi chìm mà chịu chết. Gió lớn sóng to, thuyền nghiêng qua lắc lại. Và như có vật gì rất lớn lao nâng đỡ ở đáy lườn, lần dần đưa vào tới cửa. Có lẽ là cá voi đã hỗ trợ linh cữu Phạm Đăng Hưng được yên ổn về đến quê nhà.
Năm 14 tuổi, Lịnh bà được Thuận Thiên Cao Hoàng hậu nghe tiếng hiền đức, được tuyển vào cung cho hầu Hoàng trưởng tử Miên Tông ( Thiệu Trị sau này ).
Lúc ấy bà Lịnh phi, con gái quan Kinh môn quận công Nguyễn Văn Nhân cũng đồng thời được tuyển vào cung. Lịnh phi vì tước của cha lớn hơn được ngôi thứ cao hơn Lịnh bà.
Một hôm Thánh tổ Nhân hoàng đế ( vua Minh Mạng ) ban cho Lịnh phi và Lịnh bà mỗi người một cái ao bâu dệt bằng kim hoa sa. Đến lúc bái từ, hai bà lại được Thuận Thiên Cao Hoàng hậu ( vợ Gia Long ) đem hay nút áo bằng vàng một hình phụng, một hình hoa đều gói kín cẩn mật ban cho với lời nguyện chúc: “Ai bắt đặng nút hình phụng phải có con trước.”
Nữ quan bưng hai nút áo ra, mỗi bà tự chọn lấy một, nhưng phải để nguyên gói dâng lên.
Lịnh bà nhường cho Lịnh phi chọn trước. Khi được dâng lên và mở ra, nút áo của Lịnh phi là hình hoa, còn của Lịnh bà là hình phụng.
Năm lên 15 tuổi, Lịnh bà sinh ra Diên Phúc trưởng Công chúa. Năm sau Lịnh bà sinh ra thứ trưởng công chúa. Từ đó Lịnh bà được Thái tử yêu quý hơn và ngôi thứ của bà cũng cao hơn Lịnh phi.
Đối với Lịnh phi, Lịnh bà vẫn thân mến. Các cơ thiếp khác trong cung, Lịnh bà cũng lấy lòng thành tiến dẫn. Lịnh bà có lòng nhân chở che tiến dắt các cơ thiếp in như thiên Nam hữu cưu mộc trong Kinh Thi đã tả đức hạnh của bà Hậu phi năng thí ân cho các hầu thiếp dưới mình mà không có lòng đố kỵ ghen tuông.
Một đêm Lịnh bà nằm mộng thấy một vị thần mặc áo rộng, vai to, đầu bạc, mày trắng bưng một tờ sắc giấy vàng chữ đỏ có dấy triện và một xâu minh châu cho Lịnh bà và bảo: “Xem đấy sau sẽ có hiệu nghiệm”.
Lịnh bà nhận lấy rồi kế thụ thai sinh ra Đức tôn Anh Hoàng đế ( vua Tự Đức ) đúng theo giấc mộng.
Lịnh bà là người đoan trang cẩn thận nhàn nhã cung kính. Cử chỉ có pháp độ. Trong cung khi có lễ triều khánh, Thái tử Miên Tông thường bảo Lịnh bà đi theo hầu lậy, thì không có điều gì của Lịnh bà mà không hợp lễ nghi. Người ta thấy dung chỉ của Lịnh bà tôn nghiêm thì kinh sợ, còn người xem ở ngoài thì có kẻ cho là kiêu căng.
Lúc ấy có một bà lão ở phía sau cung đường nằm mộng thấy một vị thần đến bảo rằng: “Bà ở chính giữa cung đường Hoàng hậu đó. Bọn ngươi quá ngu, cho nên khinh dễ”.
Được bà lão đem giấc mộng thuật lại. Lịnh bà chỉ cười.
Năm đầu Thiệu Trị ( 1841 ) Hiếu tổ Chương Hoàng đế lên ngôi, phong cho Lịnh bà chức Cung tần.
Năm Thiệu Trị thứ 2 ( 1842 ), Vua đi tuần đất Bắc đến Hà Nội cho sứ nhà Thanh là Bảo Thanh sang sách phong. Lịnh bà được đi theo hầu hạ, còn các cung nhân khác đi theo rất ít. Lịnh bà sớm tối ở một bên Vua. Các ngọc tỷ ấn tín đều giao cho Lịnh bà cất giữ.
Đến khi Vua hồi loan về cung, cung nhân thấy Lịnh bà tóc rụng thưa, mặt gầy nám đều lấy làm lạ hỏi thăm, thì được biết chỉ vì lòng kính cẩn ưu lo của Lịnh bà đã khiến ra như thế.
Lịnh bà thường làm chức Thượng nghị coi sóc Lục thường ( Lục thượng là 6 công việc hầu hạ vua trong cung, đời Tần có thượng quan ( mão ), thường y ( áo ), thường thực ( ăn ), thường mộc ( tắm ), thường tịch ( chiếu ), thường thư ( sách ). Các công việc trong cung nội đều do Lịnh bà nắm giữ.
Vua Thiệu Trị mỗi khi rảnh rang đọc sách đến nửa đêm chưa ngủ, Lịnh bà hầu hạ không biết mệt, có khi đến canh gà mới bắt đầu ăn tối.
Lịnh bà lại thường khuyên răn các phi tần cung nữ hãy siêng cần công việc. Lúc được ân huệ gì của Vua ban, Lịnh bà không tranh giành. Người nào làm nên tội, Lịnh bà đều chịu thế cho, vì thế Lịnh bà thường được Vua yêu dấu ban ân.
Tháng 4 năm Thiệu Trị thứ 3 ( 1843 ), Vua sách phong cho Lịnh bà chức Thành phi.
Tháng giêng mùa xuân năm Thiệu Trị thứ 6 ( 1846 ) Vua tấn phong cho Lịnh bà làm Quý phi, sai quan đại thần Vũ Xuân Cẩn và Tạ Quang Cử bưng ban sách tuyên phong.
Năm Thiệu Trị thứ 7 ( 1847 ), Vua se mình không vui. Lịnh bà hầu hạ vua và cầu đảo thần thánh ngày đêm, không ăn uống nghỉ ngơi. Đến lúc Vua gần lâm chung, mọi việc về sau nhất nhất Lịnh bà đều nhận lời phúc cho. Vua tận mặt dạy các quan rằng:
“Quý phi là nguyên phối ( vợ đầu ) của Trẫm, phúc đức hiển minh giúp Trẫm việc nội chính trong 7 năm. Đến nay ý Trẫm muốn sách lập Quý phi làm Hoàng hậu chính vị trong cung. Tiếc thay đành không kịp.”
Ngày 23 Canh thân vua Tự Đức vừa nối ngôi ( 1848 ) đem tôn nhân và các quan trong triều bưng kim sách, kim bảo ( bảng sách vàng và ấn vàng ) kính dâng tôn hiệu Hoàng Thái hậu cho Lịnh bà.
Đến ngày 16 tháng 6 năm Quý Mùi ( vị ) năm Tức Đức thứ 36 ( 1883 ) vua Tự Đức thăng hà, để lại di chiếu tân phong Lịnh bà làm Từ Dụ Hoàng Thái hậu.
Ngày 20 tháng tư nhuận năm Đinh Hợi năm Đồng Khánh năm thứ 2 ( 1887 ), Vua dẫn Hoàng thân, tôn nhân và các quan văn võ dâng kim sách, kim bảo tấn tôn huy hiệu cho Lịnh bà làm Từ Dụ Bác huệ Thái hoàng Thái hậu.
Khi Thành Thái lên ngôi ( 1889 ), tháng giêng mùa xuân đầu Thành Thái nguyên niên, Tháng tư mùa hạ Vua tấn tôn Lịnh bà làm Từ Dụ bác huệ Khang thọ Thái hoàng thái hậu.
Ngày mùng 5 tháng 4 mùa hạ năm Tân Sửu nhằm Thành Thái thứ 13 ( 1901 ), Lịnh bà se mình không vui rồi băng, thọ được 93 tuổi. Linh cữu đặt ở cung Gia Thọ. Trong ngày tháng 5 dâng tên thụy cho Lịnh bà là Nghi thiên tán thành Từ Dụ bác huệ trai túc tuệ đại thọ đức nhân công Chương hoàng hậu.
Ngày 22 tháng 5 cử hành đại lễ tống chung Lịnh bà ở nơi đất tốt muôn muôn năm, núi bên phải Xương lăng ( lăng của vua Thiệu Trị ), gọi là Xương Thọ lăng.
Lễ xong, thần chủ của Lịnh bà được đưa vào Lương Khiêm điện ở Khiêm cung ( lăng vua Tự Đức ) rồi đưa vào thờ ở một bàn bên hữu trong Thế miếu và ở bàn bên hữu trong Phụng Tiên điện cùng ở bàn chính trong Biểu Đức điện. ( Theo Tạ Quang Phát lược dịch trong Đại nam chính biên liệt truyện, tập 2, quyển 2,3 ).
Còn theo tục truyền và huyền thoại, khi làm nên sự nghiệp Phạm Đăng Hưng là thân phụ của bà Từ Dụ đã có nhờ một ông thầy địa lý giỏi phong thủy đến xem hộ các ngôi mộ tổ tiên của dòng họ Phạm. Khi thầy địa lý xem hình thế gò rất khen ngợi vì gò Sơn Quy chẳng những có cái hình của một con vật trong tứ linh ( long-ly-quy-phượng ) mà tự nhiên có những cây cối mọc lên rất xanh tươi rậm rạp tỏ ra vượng khí dâng lên và tụ lại rất nhiều.
Thầy địa lý đã cho biết đất Gò Công với hình thể và long mạch là một nơi đất quý nhưng hình rùa thì không vượng về Dương mà chỉ vượng về Âm cho nên nếu phát về nữ thì giàu sang không biết thế nào mà tả cho hết được, còn phát về nam thì to lắm chỉ đến nhất nhị phẩm triều đình thôi, nếu sang hơn nữa sẽ không con cái gì. Phải chẳng lời thầy địa lý này quả đúng nên Gò Công đã phát ra một người đàn ông làm đến chức vụ cao nhất trong các giáo phẩm Công giáo Việt Nam thì ông này lại là một nhà tu, không có vợ con. Đó là Đức Giám mục J.B.Nguyễn Bá Tòng đầu tiên ở nước ta ( 1932 - 1949 ).
Và thầy địa lý đã bảo cho ông Phạm Đăng Hưng hay rằng ngôi mộ cụ Định ( ông nội tổ ? ) là ngôi mộ đại cát, chỉ hiềm thiếu hậu trẩm và tả hữu phú chi, tức nếu sau gò có một ngọn đồi hay ngọn núi hoặc một cái giồng nào cao hơn và hai bên giồng có hai dãy đồi núi gì chạy kèm hoặc hai con giồng khác ôm lấy thì gia đình sẽ phú quý triền miên. Do đó, chỉ phát được hơn một đời rồi thôi. Ngôi mộ này tốt thật, nhưng lại bị một ngôi mộ khác làm cản hướng uy quyền thành thử cái đời được phát, chỉ phát được ở lúc thanh xuân và trung vận còn hậu vận thì suy.
Ông Phạm Đăng Hưng còn hỏi: Có kế gì chữa được hay không? Thầy địa lý cho biết bằng cách rời được ngôi mộ làm cản mất hướng uy quyền đi thì sẽ còn phát được thêm vài đời nữa.
Ồng Phạm Đăng Hưng thưa:
- Nếu vậy, có khó khăn gì đâu, mai này tôi sẽ cho dời đi chỗ khác. Nhưng con cháu người ta hiện không còn một ai ở đây cũng không biết địa phương nào, vậy làm sao bây giờ?
Thầy địa lý đáp:
- Tiên tích đức hậu tầm long tiền định rồi, phần phúc nhà ông chỉ phát được đến đó, tham nữa hay cưỡng lại thiên mạng là một việc chẳng nên.
Khi thầy địa lý từ giã lại dặn chủ nhân cho con cháu .. hay khi nào ở gò có xuất hiện điềm gì không đẹp thì chỉ nên an phận thủ thường chớ đừng ham gì phú quý công danh nữa.
Lời thầy phán quả đúng. Bà Từ Dụ Thái hậu đã trở thành một người đàn bà trong lịch sử nước Nam với mức tuyệt đỉnh của phong lưu phú quý, nhưng đáng kể chỉ ở lúc thanh xuân và ở lúc trung niên, tức thời gian làm vợ vua Thiệu Trị, làm mẹ vua Tự Đức, còn ở lúc vãn niên thì thật là suy buồn. Vua Tự Đức là con trai duy nhất của bà đã chết trước mẹ, lại không sinh con nối giòng hỏi nỗi lòng bà làm sao không có những buồn tẻ đắng cay của một con người đang nắng vàng đã sắp lặn non Tây. Lúc ấy bà tuy được phong làm Hoàng Thái hậu, đối với đàn bà con gái trong thiện hạ, kể về ngôi thứ, không có ai hơn nữa, nhưng hữu danh vô thực, bà chỉ ngồi làm vì với đám phi tần và cung nữ trong nội điện mà thôi. Còn ngoài triều đình thì mặc cho quyền thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết muốn thao túng gì cũng được. Họ phế vua này lập vua khác. Có lúc phải rời cả bà đi ra Quảng Trị để tránh loạn thực dân, kể thật phong lưu mà hóa ra vất vả.