Lý Văn Phức
TRUYỆN THỨ XVIII
Tác giả: Lý Văn Phức
Người đời nhà Tấn, mẹ mất sớm. Vương Tường ở với cha, nhưng bị bà mẹ ghẻ rất sâu cay thường kiếm lời nói ra nói vào, khiến cho cha ông ghét bỏ. Nhưng ông không oán ghét bà mẹ ghẻ mà ăn ở rất có hiếu. Mùa đông, nước đóng lại thành băng, bà mẹ ghẻ đòi ăn cá tươi, ông cởi trần trên băng giá để tìm cá. Bỗng nhiên băng nứt đôi ra, có hai con cá chép nhảy lên, ông bắt về làm món ăn cho kế mẫu. Trước lòng hiếu thảo chân thành của đứa con chồng, bà mẹ ghẻ hồi tâm và cha của Vương Tường cũng hết giận, từ đó hai người yêu mến đứa con như vàng.
Nguyên bản:
Kế mẫu nhân gian hữu,
Vương Tường thiên hạ vô,
Chí kim hà thượng thủy,
Nhất phiến ngọa băng vô,
Có nghĩa là:
Mẹ kế thế gian thường có.
Hiếu như Vương Tường người thiên hạ không ai.
Đến bây giờ ở trên sông,
Không một ai nằm trên băng giá cả.
Diễn Quốc Âm:
Người Vương Tường cũng là đời Tấn,
Tủi huyên đường sớm lẫn bóng xa,
Mẹ sau gặp cảnh chua ngoa.
Tiếng gièm thêu dệt với cha những điều,
Lòng cha chẳng còn yêu như trước.
Lòng con thường chẳng khác như xưa,
Mẹ thường muốn bữa sinh ngư,
Giá đông trời lạnh bây giờ tìm đâu.
Trên váng đóng, quyết cầu cho thấy.
Cởi áo nằm rét mấy cũng vui,
Bỗng đâu váng lở làm hai,
Lý Ngư may được một đôi đem về.
Bữa cung cấp một bề kính thuận,
Mẹ cha đều đổi giận làm lành,
Cho hay hiếu cảm tại mình,
Dẫu trăm giận, lúc hả tình cũng thôi.