watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Cá Voi Trầm Sát-Chương 10 - tác giả Mai Ninh Mai Ninh

Mai Ninh

Chương 10

Tác giả: Mai Ninh

Rơi cắm vào mặt nước đen lúc quá nửa đêm, tôi cuốn theo tiếng cười rờn rợn của Miên từ sau gương kính. Chắc chắn nếu quay mắt lên, tôi sẽ thấy căn nhà giống chiếc đèn lồng treo ở chân triền đá. Cao hơn nữa, ánh sáng loé từ một vài nấm nhà lửng giữa sườn núi hun hút như những vì sao xa. Vào buổi chiều, trời đã nổi cơn giông. Sấm nổ trên mặt biển, đâm sâu xuống rồi thốc lên những vồng sóng cuồng nộ. Miên nói mùa này trời bão, nước dâng ba thước gió đập bảy ngày. Các thân thông chạy dọc suốt bờ oằn cong, tán ngả thấp, xòe đầu vào đồi cát. Trong vùng biển, ngoài thông, lau sậy và một số hải thảo xác xơ chỉ còn cát xoáy cuộn, di chuyển theo từng mùa gió nên có chỗ lượn cuốn ra sát bờ nước, rồi xa hơn, lấn vào đến tận chân ngọn núi vôi, đắp đồi và lấp vùi bao cây cỏ. Cát gió cũng đuổi người, chỉ còn hai ba ngôi nhà dọc theo con đường tràn lan cỏ cát, rẽ từ đường lộ chính vào đây. Hình như cách vài cây số mới có làng dân và hàng quán. Nghe tôi khen bãi mịn óng như da con gái, không rong rêu, sò ốc, Miên bảo, ngoài xa nhiều đá ngầm, cá cũng ít vào khu biển này, rồi nheo mắt:
- Nghe nói trăm năm trước một cặp cá voi lạc vào đây, ba ngày sau nằm chết thông thống trên bờ, mình đầy thương tích. Dưới ấy, trên tảng đá đen to nhất có khảm hình cặp cá đang làm tình, chị xuống mà xem.
Tôi chưa kịp đi, mấy luồng sét rực xanh chợt đập thẳng vào những đám mây dầy đen đặc. Xẻ nứt bầu trời trong chớp mắt, vạch những lằn xương sáng sắc trên thân cát vàng màu thẫm đi cùng bóng tối. Miên đã vụt chạy một mình từ nhà xuống bãi, bỏ mặc mấy người đàn ông có mặt thu dọn vội vàng ly cốc, thức ăn và những chai rượu đang uống dở trên sân vào nhà, trước gióng mưa. Ngực tôi nhói lên bất chợt. Tấm áo Miên trắng, quất phất phới giữa không gian chùng đen giông gió, phần phật mong manh và thách đố lạ lùng.
Giọng Miên mềm trong điện thoại, lời nhắn nhỏ nhẹ nhưng có gì bồn chồn, nhắc nhở ‘‘Chị đến nhé Mân, đừng lỡ hẹn’’. Tôi cũng cần gặp Miên, ít nhất, trước khi lên đường. Nhiều năm qua, lạc tin nhau, chỉ một lần về tới Tân Sơn Nhất đúng lúc Miên đến đó để ra đi. Tôi gọi quýnh:
- Miên, Miên.
Miên ngó ra, mắt sáng lên, nhưng giữa tôi và nàng là một khối người chen lấn. Tôi ngỡ ngàng ngóng theo. Nỗi xúc động của lần đầu trở về, vừa mới đặt chân trên quê nhà đã bắt gặp cô bạn thân thiết, làm tôi nghẹn ngực, thế mà không nói được một câu. Tôi chui vào chiếc xe hơi đang rồ máy, khói đen phun tỏa lên những con người đang ngồi đứng loanh quanh. Họ dửng dưng, không tránh né, như thể đám khói này vẫn là không khí hít thở bình thường, như thể đang bận tâm bởi điều gì khác, như tôi đang lao đao bởi bao kỷ niệm chợt ập tràn tâm trí. Miên của những ngày cả bọn cắm trại Vũng Tàu, có Hưởng, có Ðăng và Cương. Có tôi mặc áo tắm bước ra từ phòng thay áo trên bờ trong tiếng huýt sáo rút vang. Miên đang nắm tay Ðăng, trầm trồ:
- Chị Mân mọng trong như sứa, tụi em chẳng khác tôm đất.
Ðăng quay sang lắc đuôi tóc nàng, cười:
- Tôm đất mới ăn được. Sứa độc lắm.
Cương nằm lăn trên cát, tờ báo chụp mặt che nắng, dọc sườn nhấp nhô, nhỏm dậy, hếch cằm về một cô gái phốp pháp đang núc ních hai đùi gần bờ nước:
- Sứa tôm gì cũng ngon hơn cá mập.
Cả bọn phá cười. Hưởng gật gù nói:
- Ở xứ biển sướng mắt thật, trên cao nguyên mấy cô ăn mặc kín mít, chùm khăn đội mũ. Hôm nào sương mù, nhìn không kỹ là tán gái dễ nhầm cô nọ sang cô kia.
Miên đột nhiên ngắt lời:
- Chừng nào anh Hưởng lên Ðà Lạt nhập trại?
Tôi biết Hưởng đang nhìn mình nhưng tôi quay đi. Hai bờ vai trần nổi gai. Tôi mới đi thăm mộ Thanh được vài hôm, trước khuôn mặt còn vị thành niên trên tấm bia tôi thầm hứa sẽ không yêu ai trong ba năm tôi để tang Thanh. Miên nghe kể, trợn mắt mắng tôi lãng mạn.
***
Lấy một chuyến tàu tốc hành, tôi đến vùng biển Miên vẫn trở về ngủ vùi những ngày dài khi có thời gian.
- Hoang vu lắm, chị đến rồi sẽ thấy.
- Thế thì Miên ở đấy làm gì? Lại gió quanh năm.
- Ngày gió lạnh em ra đứng ngó. Ngó thứ màu xám chờn vờn suốt một không gian lồng lộng, thấy đời lạ lắm.
- Miên điên.
Lại tiếng Miên cười rộn rã bên kia đầu giây. Tìm ra tin nhau không bao lâu, mỗi người một nơi xa xôi, chúng tôi chỉ gặp được một lần vội vã. Trong điện thoại Miên hay cười, nói chuyện lăng nhăng, rồi cúp máy. Tính này còn giống ngày xưa. Ngày xưa, chiều tối trước bữa cơm, Miên chạy băng sang con đường, nhận chuông ba bốn tiếng dồn dập. Tôi vừa mở cửa, chưa nói hai câu, Miên đã dúi vào tay:
- Cuốn truyện anh Thanh đưa, chị Mân đọc đi. Ngộ lắm.
rồi tự động khép cánh cửa, chạy về.
Nhưng khi tôâi tới nơi này, căn nhà đã ồn ào tiếng người, họ đang sửa soạn bữa ăn trưa. Miên kéo ngay tôi ra mảnh sân sau nhoài về phiá biển, không để ý đến bỡ ngỡ của tôi về sự có mặt của những người khác mà Miên không báo trước. Ðưa cái ly lanh canh viên đá nhỏ trong màu rượu hổ phách cho tôi, Miên ngửng nhìn trời, nói thản nhiên như thể tôi đã ở đây tự bao giờ:
- Giông sắp tới, mình ăn nhanh rồi vào? Chị biết bọn họ nấu gì mà lâu thế không?
Tôi bật cười:
- Miên là chủ nhà. Chị mới đến. Không quen ai.
Bấy giờ, nàng quay mặt về tôi, mắt mở to đăm đăm mà giọng nói lại nhẹ bẫng:
- Thế ư. Em quên. Rồi sẽ quen cả. Chị nhớ hồi xưa không? chúng mình cuối cùng đều biết nhau.
Tôi ngạc nhiên, chẳng ngờ mới gặp vài phút Miên đã nhắc đến kỷ niệm. Trước đây, mỗi lần chợt gợi, Miên loắng thoắng hai câu rồi lảng sang chuyện khác. Mà chính tôi cũng không muốn nhắc về quá khứ, dù có bao điều nếu bật ra sẽ nhẹ lòng, những điều chỉ có thể nói cùng Miên, không ai khác. Chẳng đợi tôi trả lời, Miên đã chạy vào nhà. Tôi nghe tiếng Miên trầm trồ, thúc hối. Tôi nghe hai ba người đàn ông xôn xao và giọng cười ngăng ngắc của cô gái đã thoáng thấy lúc vừa đến. Ngồi trên một phiến đá sậm đỏ ở góc sân, tôi nhìn lên bờ tường gạch lát đá ong mòn lốm đốm, nhưng mấy cánh cửa ánh một màu xanh da trời sáng mới. Em đang cạo những cánh cửa cũ để sơn lại, chị đến xem, đẹp lắm. Ðây đúng là Miên, tươi, năng động hồn hậu của ngày nào. Cũng đúng là cô gái nhỏ tỉ mẩn hì hục cưa những thanh gỗ, đập búa đóng đinh, sửa chiếc ghế đẩu cho u già ngồi giã vừng, đóng lại miếng lưới chắn muỗi trên khung cửa. Thấy tôi trợn mắt, ngạc nhiên, cô cười:
- Bà nội bảo em là cháu trai hụt của bà. Mai mốt dễ chừng em phải cắt tóc ngắn ngủn lên.
Bỗng chốc tôi lại bị choáng ngợp quá khứ. Nhưng có phải, tôi định đến đây lần này để nói với Miên những điều mà ngần ấy năm tôi loay hoay mở ra đậy lại, chôn xuống đào lên. Trên chuyến tàu, tôi tưởng tượng ngồi với Miên trên bãi cát buổi chiều, hay trong một góc tối của đêm tràn tiếng sóng. Tôi sẽ kể chuyện tôi, rồi cuối cùng bảo Miên hãy nói về bao năm tháng đi qua.
Những tiếng cười nói đang từ trong bếp băng ngang phòng khách, ùa ra sân. Cô gái mặc jean chẽn, tấm áo đen chỉ cài ba hạt nút thấp, tay bưng chiếc đĩa bàn đựïng tôm nướng đỏ. Cô vừa uốn người tránh né bàn ghế vừa quay lại với một anh chàng tóc cắt thật sát, trẻ trung, dáng mạnh mẽ nhưng nụ cười không nở trọn, lộ một yếu mềm nào đó. Tiếp tới hai người đàn ông đem ra cốc đĩa và một nồi thức ăn bốc khói. Miên ra sau cùng, tay cầm chai rượu, tay kia chiếc ly sóng sánh vừa đi vừa uống. Hai chân Miên dài, đầu đong đưa cùng bờ vai theo điệu nhạc đang hát. Tôi không tin đấy là Miên. Sao có thể là Miên cho được?
Họ bầy tất cả xuống bàn đá, vui nhộn ồn ào. Khó đoán nổi họ đã quen nhau từ trước hay chăng. Miên giục tôi lại gần, lúc bấy giờ mới giới thiệu. Chị Mân, chị của Miên từ hồi nhỏ. Kim cháu một người quen. Hạnh bạn gái của Kim. Paul, hoạ sĩ ở ngôi nhà trên núi kia và Phiên, giáo sư sinh vật học từ một vùng biển khác. Nói xong, Miên đến gần thầm thào một câu:
- Vui đi Mân, như ngày xưa, cả bọn mình.
Rồi chẳng đợi, Miên nhón ngay đuôi một con tôm, kéo lên. Paul vội vàng chìa cho tôi cái đĩa. Biết đừng nên mong chờ một câu chuyện trong lặng lẽ với Miên, tôi ghìm chút bực bội lẫn thất vọng, ngồi xuống. Gió bắt đầu phất lao xao những lùm sậy đỏ, mây nhập khối ở chân trời, đè trĩu trên mặt nước dần thẫm màu ngoài khơi. Ba người đàn ông thay nhau rót cho tôi và Miên những cốc rượu. Chỉ có Hạnh không uống, vắt vẻo hai đùi căng trong làn vải, cặp môi đầy cắn mút ngon lành, con tôm cong cong giữa bàn tay móng đỏ, ngón út phẩy lên. Hạnh rộn ràng, nhảy từ thức ăn qua chuyện cặp cá voi, quay lại hỏi Phiên về một từ ngữ lạ, rồi quấn sang Paul vài ánh mắt.
Men rượu làm tôi quên cơn giông đang dựng, tôi nghe sóng bớt cuồng, tiếng Hạnh bớt uốn éo mơn trớn với cả ba người đàn ông, giọng hát Paul trầm ấm hơn, và thấy cả cái cười của Miên cũng bình thường. Phiên không ăn bao nhiêu cho thân hình lảnh khảnh của anh ta. Thỉnh thoảng Phiên nhích ghế ra xa như để có một khoảng cách quan sát mọi người. Trước đấy anh ta đã góp chuyện với giọng nói nhỏ mà vui nhưng bây giờ, trong bữa ăn, hai con mắt lại tư lự, chứa đầy dấu hỏi và chấm than. Tôi biết thế khi nhác thấy Phiên lắc lắc đầu, miệng nhếch một tiếng thở dài, rất nhẹ. Miên cũng quay mắt ngó thoáng qua Phiên, rồi nàng thản nhiên xoay ly rượu một vòng tay đưa lên uống cạn, duỗi dài chân trên ghế mây. Tấm áo trắng khiến Miên trở lại mong manh như hồi con gái. Nhưng chẳng hiểu sao tôi liên tưởng đến một điếu thuốc kẹp giữa ngón tay và đôi môi ấy tỏa làn khói chậm. Có lẽ vì dáng ngồi nửa buông thả nửa khiêu khích hay vì gương mặt bỗng đăm đăm, một nét mày nhíu lại của Miên? Cô gái trẻ vừa chùi tay vừa ngước nhìn nàng, vẻ dò xét lẫn chiêm ngưỡng. Bắt gặp ánh mắt Phiên dừng trên vai Miên, cô ta vụt nói to:
- Ông Phiên đã xuống xem tảng đá chưa? Ðó là loại cá voi xanh hay trắng?
Phiên hơi giật mình vì câu hỏi bất ngờ, Kim đã chen vào:
- Hình khắc trên đá đen, biết thế nào là cá trắng hay xanh.
Hạnh bĩu môi:
- Cứ gì màu, có những điểm khác để phân biệt, nhà sinh vật phải biết.
Bấy giờ Phiên cười:
- Tùy người khắc có để tâm đến các điểm ấy hay không. Nếu họ chỉ chú trọng việc ghi lại cặp cá đang làm tình, như Miên nói, thì hỏng.
Hạnh gật gù, quay lại phía Kim:
- Ăn nhanh lên, mình xuống xem chúng quấn nhau dưới cơn giông. Chị Miên đi không?
Miên đáp lửng lơ:
- Tôi nhìn chúng đêm ngày, mất ăn mất ngủ.
nàng hạ giọng:
- Phiên này, anh có biết tại sao mỗi loại cá voi di tản về những vùng biển khác nhau, chẳng hạn Carạbes và Ðại Tây Dương?
- Theo nhu cầu cả. Kiếm ăn và yêu đương.
Hạnh cắt lời:
- Lạ, mỗi giống ăn và yêu khác biệt?
- Loại ăn cá, loại ăn tôm. Còn môi trường để yêu tùy thuộc chàng tán nàng ra sao.
Paul đang thong thả múc từ nồi đĩa sò nức mùi rượu trắng với lá quế thơm chợt dừng lại, chu miệng huýt một chuỗi âm thanh riu ríu gió luồn qua vách đá, rồi chuyển sang tiếng kêu mu mu tựa một đứa trẻ khóc hờn. Mọi người trố mắt nhìn Paul, quên cả đám mây đen đã nghẹt kín bầu trời, sóng bốc cao, trắng xoá trên mặt biển sẫm, sắp táp lên tới chỗ chúng tôi ngồi. Miên bỗng đứng dậy vòng tay qua cổ Paul, chúm môi đáp lại vài tiếng rít se sẽ rồi bật cười:
- Thôi Paul, cá voi đực biến chế ngàn điệu hát êm ái để dụ tình nhân. Còn anh liu chiu líu chíu chỉ có ngần ấy, gọi dỗ được ai.
Paul giơ tay xoa rối sợi tóc ngắn của Miên, kéo bụng nàng sát gần nhưng mắt nhắm tít, tiếp tục huýt những tiếng kêu càng lúc càng lớn. Chúng bay lên đầu ngọn thông, dồn vào dưới những viên ngói cùng với gió. Tôi ngó lên mấy ô cửa xanh cao. Mây tụ về trên khung kính, hai ba khối thuôn cong chồng cuộn lên nhau, những con cá voi của ngày biển động. Bất chợt lằn sét xanh sắt đánh phựt vào thân cá, nổ tung bao mảnh gương. Mấy hạt mưa đầu rơi trúng vào ly rượu, máu đỏ bắn lên tà áo trắng của Miên. Paul mở mắt, ghì đầu nàng vào ngực nhưng Miên vút bung ra. Không nói một lời, nàng chạy ào xuống bãi. Trên này, ba người đàn ông buột gọi: Miên, Miên. Tiếng rơi chìm trong con sóng vừa hớp cả thân nàng.
Tôi nghe, Miên, Miên. Tiếng gọi nẩy trên đầu lớp sóng.
***
Mưa đá rào rạt giận dữ đập. Giữa nền trời đen và khung cửa tôi đang đứng nhìn ra là một màn trắng đục. Không thể thấy nổi những thân thông, nói gì bóng Miên. Chẳng chờ đợi, Kim đã vội vã chạy theo nàng xuống biển, mất biến ngay trong không gian tức khắc đông đặc, mù mịt ấy. Khi Kim dìu Miên trở lên, bọn họ đang ngồi quanh chiếc bàn thấp, một góc căn phòng khách rộng. Paul đã cầm cây ghi-ta nhưng bấm nhẹ vài tiếng rồi bỏ xuống. Hạnh ngồi trên thảm, thản nhiên dựa người vào chân Paul, nghiêng đầu cắn móng tay. Phiên lật ngửa một cuốn sách xong lại gập, liếc nhanh sau bìa, không đọc. Không ai để lộ sự lo âu, cả tôi, lặng yên nơi bờ cửa. Tôi ngó ra ngoài trời rồi quay nhìn họ. Những con người vừa mới ồn ào chộn rộn với nhau, bây giờ im lìm một góc. Vắng Miên, họ lửng lơ như thiếu chất keo hồ gắn bó. Chợt nhớ Miên bảo: hãy vui đi, giống ngày xưa đám bạn mình. Làm sao ngay phút này họ trở thành Ðăng thành Hưởng, ngay cả Miên, nàng thoắt biến đi như một cánh chim lao vút. Mà giá Miên đang đứng ở đây, tôi cũng sẽ nhìn nàng bằng cặp mắt ngỡ ngàng lạ lẫm. Cô gái dịu nhẹ, chút gì nhút nhát, từ tốn ngăn nắp bao năm trước giờ có trở về cũng chỉ như một thoáng hương ngâu quá mỏng. Khó lòng nhận ra nó giữa mùi hoa hồng, hoa lài nồng nả, nức lên dưới sức nóng một ngày. Những đóa hoa vội vã nở bung và nhả hương bất cần biết tới cơn giông sắp đập. Nhưng nếu cái cười dễ dàng, thái độ chút gì buông thả của Miên làm tôi lạ lùng bưng bức bao nhiêu thì hình ảnh nàng lọt vào con sóng lại khiến tôi muốn choàng cánh tay ôm lấy. Một buổi chiều Ðăng đến tiễn tôi đi, nắng hắt trên mái tóc vẫn bỏ mấy sợi dài đã nhạt làm xốn xao thêm lời Ðăng dặn dò:''Có gặp Miên bên đó, Mân để tâm đến giùm, cô ấy không cương cường như mình tưởng''. Tôi cũng biết Miên chẳng như thế, từ xưa. Ngày Miên sửa soạn đi du học, chạy sang nhà nằm với tôi trên gác sau, cô nhỏ chúi vào người tôi kêu:
- Ôm em đi Mân, lạnh quá.
Saigòn năm ấy lạ và lạnh thật, cuối tháng 11 đã có những ngọn gió giựt hết đám lá bàng. Cây me sau nhà, thò cành qua cửa sổ căn gác nhả từng trận lá lăn tăn. Khi mưa là thứ mưa bay bay xiên xiên mờ mờ bụi nước.
Tôi đẩy Miên xích ra, kêu:
- Ôm gì! Ðây là phận sự của Ðăng.
Miên nhăn nhó, rồi thở dài:
- Em sợ.
- Sợ gì?
- Chính mình.
Tôi lặng im. Chợt Miên tiếp tục:
- Này Mân, quên anh Thanh của Miên đi. Sao chị không chịu yêu Hưởng?
Hình như tôi trả lời Miên, tôi đang cố gắng đừng nhớ đến Thanh, anh họ của Miên là sợi dây buộc tôi và Miên với nhau, nàng chính là người chứng cho mối tình đầu đời tôi yêu Thanh thầm lặng. Nhưng Thanh đã bị tai nạn chết trong một buổi trưa trời dựng cơn nắng gắt. Tôi bảo Hưởng là týp người quá lãng mạn, tôi sợ bị đau thêm lần nữa.
Miên xoay người, tay vơ lên túm lấy vải mùng xanh lất phất cạnh bờ giường:
- Muốn không đau thì chính mình phải thay đổi Mân à. Vài năm nữa, khi em về lại chốn này, sẽ còn ai trong chúng ta?
Không còn ai thật. Ngay cả Miên, cả tôi. Nhưng có phải tôi đến đây để nói với Miên về những người năm cũ.
Phiên đứng bật dậy khi Miên bước vào, áo sũng nước dán trên thân thể, dính sát đồi ngực tròn, quấn lấy mông và hai vóc đùi. Mọi người nhìn Miên, nàng từ biển trồi lên hay vừa theo cơn giông rớt xuống giữa trời. Tôi ngó sững thân hình trong suốt như trong một giấc mơ, chỉ có mảnh quần lót lộ rõ dưới làn vải ướt kia là thật. Miên cũng mở mắt thao láo nhìn hết người này sang người kia, bất chợt nàng quay lại tôi, tay quơ lên ôm lấy hai vai, cất tiếng khan và yếu:
- Chị Mân, em lạnh.
Kim đã vào tìm chiếc khăn, Phiên dành lấy chùm lên nàng. Cánh tay anh ta dang thành một cử chỉ thật dài rộng để gom thu giữ lại cho mình. Miên ngửng lên ngó Phiên đăm đăm, bất ngờ nàng ghé môi hôn phớt lên cánh tay ấy, xong đi ngay về phía cầu thang. Tôi kịp thấy đôi môi vỡ ra, run rẩy. Thế nhưng vừa bước vài bậc, Miên chợt nói, rất thản nhiên:
- Phiên lấy rượu cho mọi người, tiếp tục đi, Miên thay quần áo sẽ xuống ngay. Chị Mân lên đây với em.
Ðến giường, Miên cởi chiếc áo ướt, cứ thế chui tọt vào chăn. Căn phòng chiếm gần hết diện tích tầng lầu, những mảnh màn mỏng dài lết đất, bờ tường trống ngoài một bức hoạ to, treo đối diện với hai khung cửa nhìn xuống biển. Tấm tranh nền màu xám loãng, mơ hồ, không thể phân biệt rõ ràng bầu trời và bức tường hay vách núi. Một đôi người tiến về trước mặt. Họ đi đâu, về phía núi, phía màn sương? Ði tìm gì mà hai tay đưa lên như gọi như chụp bắt. Một đốm tròn xa trên đầu, mặt trời hay vầng trăng? Nào biết. Nhưng người càng đi tới thì khoảng sáng lay lắt ấy càng lùi lại. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu Miên bảo bức tranh của Phiên, sự chới với hụt hẫng đó. Thế mà người vẽ là Paul, hai bờ vai Paul rộng, mở ra một cách chắc nịch tự tin. Tự dưng tôi muốn nói với Miên điều này, nhưng nàng đã quay mặt sang bên, có lẽ nàng sắp ngủ. Tôi kéo lại vuông chăn rồi đứng dậy.
Dưới nhà không khí sinh động hơn, mọi người dọn ra mấy chai rượu mạnh và đĩa ô-liu đen bóng. Phiên cùng Kim bầy một bàn cờ. Paul đang sửa soạn gì trong bếp, với tiếng nói cười lanh chanh của Hạnh. Mưa đã dừng, chỉ còn gió lao xao nhưng tôi nghe bao chuyển động như cát chạy vòng quanh nhà. Một mảng trời đỏ hé ra giữa các cồn mây u tối. Thấy tôi, Kim mời:
- Chị Mân chơi với anh Phiên đi. Kim vào phụ bữa tối.
Phiên lẳng lặng đặt lại những quân cờ. Khi tôi đi đến nước thứ ba bấy giờ Phiên mới hỏi:
- Miên ngủ?
- Có lẽ thế.
- Lần đầu Mân đến đây?
- Vâng. Còn anh, chắc đã nhiều bận.
- Miên gọi, tôi đến.
Tay cầm con cờ, tôi không đặt xuống, ngửng lên ngó Phiên vì lối trả lời của anh ta. Nó ngầm xác định một mối liên quan nặng dầy hơn quen biết? Phiên, Kim và Paul, họ là gì đối với Miên? Tình cảm của ba người đàn ông này với nàng ra sao? Chúng khiến tôi nghĩ đến những gắn bó giữa Miên với Ðăng, Hưởng và Cương, ba người thanh niên ở tuổi vào đời năm tôi chưa tới hai mươi và Miên mười bảy. Nhưng nếu thuở ấy tình yêu của Ðăng hay những chăm sóc của Cương và Hưởng cho Miên lành lặn hồn nhiên, thì bây giờ tôi lại cảm thấy những người này đang cùng Miên quây nhau trong một ván cờ, một cuộc chơi.
Không bao lâu, bữa ăn dọn ra. Kim hỏi:
- Tôi lên gọi chị Miên?
Hạnh nói ngay, giọng to và sẵng:
- Ðã có chị Mân, ai nhờ Kim.
Phiên can:
- Có lẽ nên để Miên nghỉ, chừng nào khoẻ, Miên sẽ tự xuống.
Hạnh chẳng thôi:
- Sao anh biết?
Phiên giả như không để ý thái độ của cô gái, thản nhiên:
- Miên là như vậy, vả chăng cô ấy không quên mình là chủ nhà.
Paul nãy giờ lặng thinh vội chặc miệng, rồi cười:
- Chẳng biết ai là khách ai là chủ, chúng mình tự biên tự diễn. Thôi ăn đi, tôi còn phải leo đồi về nhà.
Liếc qua Paul, Hạnh kêu:
- Sao anh không ở lại?
Kim chen vào:
- Ðâu đủ chỗ ngủ.
- Sao anh biết? Hạnh cãi.
- Em không nghe à, Miên đã nói nhà chỉ hai phòng. Một cho hai đứa mình, chị Mân ngủ chung với Miên, còn anh Phiên, phòng khách.
- Thì Paul cũng phòng khách. Rồi chợt Hạnh reo lên thích thú: A, hay chúng ta ngủ hết ngoài này cho vui.
Không ai nói gì, cô tiu nghỉu, vùng vằng:
- Ai cũng lo cho chị Miên. Mà Paul, lúc nãy anh đã hứa vẽ cho tôi tấm chân dung. Anh không về được.
Cuối cùng, Paul đồng ý bảo về nhà lấy sơn cọ rồi trở lại. Hạnh sung sướng kêu thích Paul vẽ cô giữa ánh nến. Bữa ăn xong, tôi nghe Kim và Hạnh to tiếng với nhau ngoài hành lang ra sân trước. Rồi Kim hậm hực vào tìm cốc cognac , cầm đi luôn xuống biển. Tôi dợm bước lên lầu, bất chợt qua khung kính nhìn xuống cửa vào, dưới ngọn đèn bão treo cao, Paul sắp leo xe và Hạnh chạy ra. Cô gái kéo Paul thẳng dậy nói gì đó rồi bỗng rúc mặt vào khoảng áo sơ-mi mở rộng bầy bộ ngực đầy rượm lông sáng óng của người đàn ông vững chắc. Paul đứng yên vài giây, xong vòng tay đặt lên trũng lưng trần chiếc áo chấm gót Hạnh vừa thay, luồn xuống sâu rồi vuốt ngược lên bờ vai tròn cô gái. Gió quạt tà, xiết chặt hơn nữa những gióng đùi của họ.
Kim vẫn mất biệt và Miên không động tĩnh khi Paul trở lại. Hạnh vội vàng thắp hết các chân nến Miên để ở mọi nơi. Cô gái lăng xăng sắp xếp một chỗ thích hợp với Paul đang bày giá vẽ. Phiên lôi nhẹ tay áo tôi, hất cằm về hướng cửa. Nước dâng ào ạt buổi chiều giờ đã rút xa, nhưng mùi ẩm và tanh nồng đầy trong không gian. Mây trộn lẫn vào nhau trùng điệp. Tôi đứng với Phiên đầu góc sân, người đàn ông này có nhân dáng gầy gầy lưng khưng, khác hẳn Paul, nhưng vì sao lúc này cạnh anh ta, tôi cảm thấy một an toàn nào đó. Tôi biết mình đang cần nó, từ khi đến đây, tôi như bị mất thăng bằng. Chợt nhớ đến Miên, tôi ngửng lên khung cửa màu xanh, ngọn đèn ngủ phòng nàng tỏa ánh hiu hắt. Phiên cũng nhìn theo, không nói, rút bao thuốc chìa cho tôi. Mồi lửa nháy trong đêm tối, vụt chiếu sáng khuôn mặt xương xương và viền môi rõ nét của anh ta. Thoáng chốc, tôi nhận ra Phiên hao hao giống Hưởng. Mấy làn khói thuốc chưa kịp nhả ra đã loãng biến, bỏ lại một chút ấm trên môi. Phiên đang im lặng bỗng cất tiếng:
- Mân ở xa đây?
- Có lẽ gần hơn anh, nhưng tôi sắp đi xa, về lại Việt Nam.
- Mân còn gắn bó ở đó?
- Mẹ tôi và một vài… Về thử xem sao. Ít nhất chúng ta bây giờ có được cái tự do chọn lựa chốn ở.
- Mọi điều đều tương đối.
- Vâng, cũng đúng. Tôi muốn rủ Miên theo, một thời gian ngắn.
Phiên ngoảnh lại, đôi mắt mở lớn, đầy vẻ ngạc nhiên:
- Mân không biết lúc này Miên không thể đi xa được?
- Vì sao?
Giọng Phiên nhỏ hơn:
- Cô ấy sắp vào bệnh viện.
- Ồ, thực ư? Miên không cho tôi biết.
- Ðộ sau này tính Miên hay xem thường mọi chuyện.
Phiên ngừng, rít một hơi rồi dụi điếu thuốc vào bờ gạch, tiếp:
- Chắc chẳng sao đâu, Mân đừng hỏi nếu Miên không nói.
Vừa khi ấy Kim hiện ra trong khoảnh âm u giữa mảnh sân và biển tối. Ðến gần, thấy chúng tôi, Kim mở miệng cười. Nụ cười lúc này trọn vẹn làm nở thêm khuôn mặt vốn hiền. Kim hỏi ngay:
- Chị Miên dậy chưa?
Phiên đáp:
- Bây giờ nửa đêm, Miên dậy thế nào.
Kim kể đã đi sâu dưới bãi tìm cá voi. Tảng đá to mấy vòng ôm, tròn mịn, cặp cá khắc lên đó con trên con dưới quặp nhau, giống như người. Kim bảo gặp một đôi vợ chồng già dạo biển, họ ở đây đã lâu, xuống từ trên núi. Họ nói người một trăm năm trước đoán mò, ghi tạc lại theo lối sống loài người, ai biết cá yêu đương ra sao. Nhưng lạ là cá voi thường đi chung một đàn, khi chúng tán tỉnh nhau, một anh phải chiến đấu với mấy địch thủ, vậy mà hai con này lại tách ra lọt vào đây. Hẳn là một cặp tình nhân u uất đi tìm tình yêu và cái chết. Cách đây ba mùa bão lớn, giữa đêm có tiếng kêu ríu không to nhưng u ú rền lên từng chặp ngoài khơi. Buổi sáng trẻ con từ đồi xuống thấy một nàng cá mười chín thước ngửa tênh hênh trên cát. Sau mấy ngày nằm cô độc dưới mưa gió, nàng đã bị người vùng này kéo ra giữa biển, xác bị nổ mìn, máu theo sóng trôi về đọng mấy ngày dưới chân tảng đá ấy. Kim thêm:
- Ðể tế lễ tình yêu. Có lẽ vì thế, cát ở đó sẫm màu hơn chung quanh.
- Làm sao cậu nhìn thấy màu cát trong đêm? Phiên hỏi.
Kim cười:
- Em có con mắt thứ ba. À, mà sao Miên không nói đến chuyện nàng cá voi tan xác?
***
Lúc chúng tôi trở vào phòng khách, Hạnh đang thả người trên ghế bành cong, chân gác lên chiếc bàn con, hai tà áo xanh ngọc giạt sang bên, một khoảng đùi giữa rưng rưng trong bao nhiêu ánh nến đặt trên bàn, trên tủ và cả ở bệ cửa sổ. Mắt Hạnh long lanh cùng những đốm lửa, mái tóc dầy dợn sóng lúc này tháo bung. Trông Hạnh già hơn nhưng sắc sảo lạ lùng. Thấy chúng tôi, Hạnh hơi nhổm người, hỏi Paul vẽ xong chưa. Paul trả lời anh ta không cần cô gái nữa. Giá vẽ của Paul đâu lưng lại, chúng tôi không thấy được bức họa. Hạnh định chạy đến gần, Paul giơ tay cản:
- Sáng mai rồi xem, tôi chỉ mới phác thôi. Hạnh đi ngủ đi.
Hạnh không bằng lòng nhưng cũng lui ra, vào phòng tắm. Kim chẳng nói gì, cúi tìm chai rượu. Chùi cọ vào miếng vải, Paul ra ngồi ở bàn, đưa ly cho Kim. Tôi nói với Phiên tôi lên ngủ phòng Miên trong khi anh ta vất những miếng nệm và gối xuống thảm. Mấy ngọn nến chao đi.
Căn phòng nhờ nhờ ánh sáng, Miên dường vẫn nằm nguyên như lúc nãy. Tôi nhìn lên bức tranh trên tường, thật lạ lùng hai bóng người chợt hoà nhập vào nhau, những khối xám bật trắng, rờn rợn. Có tiếng đập xào xạc, tôi vội vàng đến bên cửa sổ, một đàn chim từ biển lao vào mấy cây thông cành xơ vì gió. Bỗng giọng Miên nhẹ sau lưng:
- Chim ở đây không ngủ ban đêm Mân ạ.
Tôi giật mình quay vào, đến ngồi cạnh giường, bật thêm ngọn đèn nhỏ. Gương mặt nàng thoáng chốc gầy rốc. Chợt nhớ lời Phiên, ngực tôi đau nhói, giơ tay vò những sợi tóc ngắn như một đứa con trai niên thiếu của Miên. Chúng rơi qua mấy kẽ tay, thưa, mỏng.
- Bà nội và các cô các bác em đã chết cả rồi, em đâu phải đóng vai thằng cháu của giòng họ nữa hở Miên. Hãy để tóc dài ra một chút, hợp khuôn mặt hơn.
Miên không đáp nhưng bờ vai ngoài tấm chăn rung khe khẽ. Tôi để ngón tay lên giọt lệ của nàng, rồi kéo nhẹ qua thái dương. Nàng nắm lấy bàn tay tôi:
- Chị nói đúng, những người tham dự thảm kịch đã ra đi cả rồi. Nhưng oan nghiệp chưa xong, Mân biết không.
Giọng Miên nho nhỏ, đủ tôi nghe. Trước đây, qua cái chết của Thanh tôi đã biết sơ về cái chết của tất cả những người đàn ông con trai trong giòng họ nội nhà Miên: ông, bác, cha, chú và các anh họ, cả anh trai nàng nữa, đều bị yểu mệnh. Gia đình nàng tin rằng nguyên nhân là từ một lời nguyền của ông chú, em trai ông nội nàng, đã di truyền đời cha sang đời cháu. Bà nội Miên mất hết con cùng cháu trai nên phủ lên nàng tình thương và kỳ vọng. Nhưng không ngờ, bây giờ nàng kể tôi mới biết, bi kịch chưa chấm dứt ở đó. Bao năm sau ở ngoài quê hương, một ngày Phiên ghé thăm Miên với một người bạn mới tên Phil. Giữa quãng đời nghiêng chao lúc ấy của nàng, Phil mang những đường nét toát ra một lôi cuốn gì vừa bao bọc vừa gọi mời như một ngôi nhà thân thiết. Miên bảo nàng đã đi vào ngôi nhà ấy bằng niềm tín cẩn cuối cùng. Miên yêu mà nào ngờ được Phil có tên Việt-Nam là Băng. Khi biết Phil là Băng, Miên đau ngất nhưng cũng cố viết tờ thư cho cô Phượng, người cô cuối cùng còn sống ở quê hương và là chứng nhân vở kịch giòng họ. Bà cô đang đau nặng, đọïc thư cháu rơi ngay vào cơn mê, rồi mất.
Miên ho một tràng dài, tung chăn ngồi dậy, dựa vào thành giường. Mảnh vai nàng mang màu nắng biển, vài vệt muối nhạt chạy giữa hai vùi ngực vẫn đầy, tuy hốc trũng dưới chân cổ để nhô vảy xương gầy guộc. Tôi chợt hiểu ra Miên sống bây giờ bằng những vang động chớp loé. Tôi muốn hỏi Băng đâu nhưng Miên quay nhìn ra cửa sổ. Có đôi mắt nào cuốn hút một nỗi đau lặng lẽ mà kinh hoàng đến thế không? Tôi chưa từng thấy. Một chốc sau, Miên lại nằm xuống, tôi cũng vào giường và nâng đầu nàng đặt lên cánh tay, như thời nào. Hơi thở Miên đã bình thản hơn, tôi với tắt ngọn đèn. Lũ chim ngoài kia vẫn sùng sục, chắc chúng lại bay từ ngọn thông sang mái ngói. Thủy triều đang dâng trở lại, tiếng sóng vọng miên man. Sóng dồn dập một đời người, mê mải.
***
Thiếp đi trong giấc mơ nặng nề, tôi choàng thức lúc Miên đã ra khỏi giường và đang mặc lại quần áo. Bầu trời treo trên khung cửa vẫn chùng những lớp mây đen, đêm chưa ngả về sáng. Miên bảo xuống nhà kiếm gì ăn, tôi đi theo nàng. Phòng khách chìm trong những tiếng thở, chẳng biết ai nằm trên sofa và dưới thảm. Cánh cửa ra sân sau dường vẫn mở. Gió bay màn và lất lay những cành thủy trúc. Miên kêu đói nhưng đến bên bàn rót đầy ly rượu, tôi không cản tuy lòng chẳng yên. Làm sao tôi yên khi thấy nàng lơ là bất cần như thế. Chúng tôi băng ngang phòng khách ra sân. Một người đã ngồi trên bờ tường gạch, chỗ tôi đứng với Phiên khi nãy. Paul nghe tiếng động quay lại. Trời không lạnh nhưng anh ta quấn áo khoác quanh vai. Trong bóng đêm chỉ còn mái tóc anh rưng sáng. Miên đến gần, Paul thân mật cởi áo choàng phủ lên nàng. Tôi hỏi sao Paul không ngủ. Miên đáp hộ:
- Paul hay xuống biển lúc mọi người đang mơ, hoặc chỉ khi bọn trẻ con trong làng kéo tới rủ chàng hoạ sĩ.
Paul thêm:
- Hay lúc cạn rượu, phải xuống xin Miên.
Giọng anh ta không ấm mạnh như buổi chiều ca hát, nó khàn và mang chút gì xa, mỏi. Rồi chẳng nói, chúng tôi bỗng cùng xuống biển. Tôi định rủ hai người đi về phía tảng đá cá voi nhưng họ lại rẽ sang hướng khác. Ðã quá lâu, lâu tựa chưa bao giờ, tôi đi trong không gian sâu rộng đến thế. Sâu vì đêm tối vì những ý nghĩ miệt mài hun hút. Rộng do trước biển cả chập chùng trào dâng kèm theo cảm giác đơn độc lạnh người. Tôi ngó sang Miên, nàng bước thênh thang giữa trời nhưng tôi vẫn thấy ở Miên một cánh lá bay chao, dập dềnh mặt sóng. Cơn giông mới đập một chiều thế mà sự bình an lặng lẽ của vùng biển lúc tôi đặt chân đến không còn nữa. Cành cây gẫy chạy ràn rạt trong gió. Những đồi cát mượt mà nay sẫm đặc, hình thù nặng nề đe doạ. Các thân sậy lơi khơi đong đưa cũng mịt mù bóng dáng. Chúng quá mảnh mai để nhìn thấy giữa đêm hay gió loạn cuồng thổi về vài giờ đủ làm rạp đổ. Xa hơn, một mõm đá trồi ra như đầu cá sắp chuồn vào biển. Phiên đã bảo bên kia mõm đá là một vùng san hô trắng, đêm có trăng chúng xòe ra những cánh mẫu đơn nguyệt bạch. Phiên là ai? ngoài những đường nét giống Hưởng, Phiên là gì với Miên? ở mảng đời tôi không tin con người còn đủ sức lãng mạn. Miên chợt kêu lạnh, tôi bảo Paul hãy đưa nàng lên nhà. Tôi muốn ở dưới này thêm chốc nữa, đầu óc thân thể mưng mưng, tôi muốn được chìm ngay trong muôn bọt nước. Họ quay đi, tôi bước về mõm đá. Nhìn lại, bóng hai người nắm tay nhau bỗng nhập nhoà trong một màn sương hay bụi nước. Lại tiếng cười Miên phung phí cất lên, rơi vỡ. Trên đồi lửng lơ vài ba chấm đèn yếu nhạt như đôi vì sao hôm sắp mất.
***
Bầu trời lại cuốn mây giông khi tôi trở về, phòng khách vẫn im ắng, nhưng trong bếp có ánh đèn. Hạnh mặc áo ngủ, xoã tóc đứng sững trước giá vẽ, chắc Paul đã đem vào đây vẽ tiếp. Dường như cô gái không biết tôi ở ngưỡng cửa, đột nhiên cô cúi xuống mở hộp sơn, nhúng mạnh cây cọ, vung tay. Tôi hoảng hốt chạy vào giữ lại, chiếc cọ rơi xuống sàn sau khi quết một vệt sơn xanh lên bức họa và đáp giữa ngực áo tôi còn ướt nước biển. Màu sơn ấy, màu xanh của hai vạt áo Hạnh trên tranh đang nức sáng. Ðúng thế ngồi quyến rũ đó của Hạnh khi làm mẫu cho Paul trong buổi tối. Chung quanh người đàn bà, những đốm màu lung linh lửa nến. Bất chợt tôi rung người, giơ tay vịn vào một thành ghế. Trên bức tranh, đôi mắt đang nhìn tôi, miệng mỉm một nụ cười nửa hiền lành nửa nhếch vẻ diễu cợt. Gương mặt kém dầy đặn hơn khuôn mặt Hạnh. Và mái tóc ấy, những sợi ngắn của một thiếu niên. Hạnh thở mạnh, cái nhìn đổ xuống, nặng trĩu. Một phút sau, Hạnh bốc tấm tranh khỏi giá, cầm bước thẳng ra phòng khách, bật đèn, gọi giật giọng: Paul.
Chỉ có Kim tung mớ chăn, choàng dậy. Không thấy Phiên đâu. Vừa khi ấy tiếng máy xe nổ từ sân trước, bánh lăn xộn xạo mặt sỏi. Miên trên đầu cầu thang bước xuống. Kim và Miên lặng ngó bức tranh Hạnh còn cầm trên tay. Mảng cọ Hạnh gạch nghiêng một đường không ngờ lại nhẹ như một tấm màn phất lên chân thiếu phụ. Rồi chẳng hiểu sao chúng tôi cùng nhìn nhau, những ánh mắt mỏi mệt ngỡ ngàng nửa đêm về sáng. Miên lại gần tôi, người nàng thoáng xiêu nghiêng đúng lúc Phiên xuất hiện giữa khung cửa rộng mở ra bãi. Sau lưng Phiên một nhánh sét vút xẻ chân trời. Bộ quần áo ngắn anh ta đang mặc cũng ướt như tôi. Phiên dừng lại, nhìn đủ từng người nhưng không lộ chút ngạc nhiên. Dường như tất cả mọi điều ở đây anh ta đều biết. Có phải Phiên cố tình bỏ mình vào cuộc cờ vây, đồng thời lại là người đứng ngoài quan sát những kẻ chơi cờ, để thỉnh thoảng nhíu đôi mày trước một bước đi bất cẩn? Nhìn xong, Phiên đảo mắt qua bức tranh, nói:
- Paul về rồi.
Không hẳn là một câu hỏi nên chẳng ai đáp, kể cả Miên. Nàng bước qua trước Phiên, ra ngoài sân gió. Tôi vội vã lên lầu thay nhanh quần áo rồi trở xuống. Phòng khách trống, không thấy Kim và Hạnh. Mấy tấm màn lồng lộng, gió lên. Bao nhiêu chân nến đọng sáp trơ trẽn dưới ánh đèn. Phiên một mình trong bếp, ly cà phê trước mặt, tay cầm hộp sơn xoay xoay. Anh ngước nhìn tôi lặng lẽ. Tôi đi ra với Miên, nàng ngồi vắt hai chân trên bờ đá. Những giọt nước từ xa bắn về đậu môi tôi mặn chát. Biển lao lên, cát dường đang cuồn cuộn cuốn tròn theo từng cơn sóng. Chỉ mới một hôm nổi giông, nếu như lời Miên phải bảy ngày gió đập, ba ngày nước dâng. Tôi nghĩ mình không ở lại đây đến hôm trời quang mây tạnh, cũng nhớ chưa thể hỏi Miên bao giờ nàng vào bệnh viện. Miên chợt cất tiếng:
- Phiên mới bảo gần chân tảng đá đen, cát vừa bị hũng sâu dài hai mươi thước, nước xoáy tròn vần vũ. Lúc nãy mình không đi hướng ấy.
- Vào thôi Miên, kẻo lạnh. Sáng ra mình xuống xem dấu cá.
Miên thở ra thật nhẹ, giọng bay trong gió:
-Nước dâng lấp cả rồi, còn đâu nữa để xem. Cá có vào đây yêu đương cũng không dại dột yêu đến trầm sát như trăm năm xưa. Chúng đã trở về với biển.
Cá Voi Trầm Sát
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương Kết