Chương 1
Tác giả: Mai Ninh
Gửi về đôi người
tình bạn chân thành đã đem ánh sáng cho
ngọn đèn trên thềm hiên tôi
A Đan-Thu et Âu-Lan
Người đàn ông đẩy tôi vào, căn phòng trắng loá, ánh đèn gay gắt thứ mặt trời đứng ngọ. Chới với chụp tay che mắt, tôi vẫn chưa ra khỏi màn sương dầy nặng và lạnh buốt, phủ trùm đầu óc lẫn thân thể từ chập choạng chiều tối hôm qua. Cũng một căn phòng, nhưng khác hẳn. Không rộng và ngợp ánh kim khí như nơi này, nó nhỏ bé thu rút lại, âm u trong chút nắng vụt biến thật nhanh ngoài khung cửa. Tôi đã ngồi ở bờ chiếc giường sắt cao nhìn ra, mấy cây ngô đồng đang bị gió lóc đi từng mảnh vỏ. Sau chúng là hàng rào trắc bách diệp thẫm xanh sầu tối. Cũng may, trong không gian ấy còn thấp thoáng vài đóa hoa mà không hiểu ai đã chọn cho chúng màu hồng trà cổ xưa dịu dàng đằm thắm. Buổi chiều, khi cài cánh cổng gỗ để ra đi, tôi còn kịp nhận ra cây hồng nhỏ dưới chân vội vã nở nốt bông cuối cùng. Cúi xuống, nâng nhẹ lên tay, kề mũi tìm chút hương thơm. Lúc tôi trở về, chắc hoa đã rụng.
Cầm chiếc xách tay, bước theo cô gái khuôn mặt choắt gầy, dáng thoăn thoắt, người tôi trống, một trống rỗng nhẹ nhàng, không vướng bận. Mọi thứ đã sẵn sàng, ít nhất về phía mình, tôi chẳng còn gì phải xếp đặt. Cô gái đẩy tấm cửa nặng nề, khoát cánh tay mời tôi vào căn phòng sơn xanh, vật nổi bật chiếm chỗ quan trọng nhất nằm ngay giữa chính là cái giường inox sáng bóng, trải ra hồ trắng phẳng phiu. Tôi đến bên cửa sổ kéo những liếp màn, kịp thấy vệt nắng vừa là xuống trên mấy nụ hồng. Cô gái đi ra, chúc tôi chóng thích ứng với chốn ở mới, còn nheo mắt dặn thêm, từ giờ đến sáng mai nhớ đừng ăn gì cả. Tôi ngó qua mặt bàn kê ở góc, chiếc tủ nhỏ đầu giường đặt mỗi máy điện thoại và tờ giấy ghi điều lệ. Trên tường treo tấm hình chụp mấy ngôi nhà sơn trắng cửa xanh dựng trên bờ biển một hòn đảo Hy Lạp, sóng bạc liếm chân. Phong cảnh quen thuộc, tôi đã từng đến đấy. Giờ, nó là cõi đời khác, lạ và xa.
Hành lang loang choang tiếng động của bữa ăn đang dọn, mùi bơ thoang thoảng. Tôi ngồi trong bóng tối, chỉ hai chấm đèn đỏ nháy trên tường, chỗ chuông bấm gọi người vào khi khẩn cấp. Bầu trời không có nổi một vì sao, những chiếc lá lất lay loang loáng dưới ánh sáng hắt ra từ mấy tầng lầu cao hơn. Thèm ngửi một hơi đất hơi sương, tôi đứng dậy mở to cánh cửa. Mùi lá khô ai đốt, chắc xa khu bệnh viện này nhưng theo gió trở ngược về đây, người tôi đang rỗng chợt bồi hồi. Ðấy là mùi của quá khứ, của cành lá cây ngâu trên sân nhà bị đốn đi, mẹ cho phơi khô dành nhóm củi nấu bánh chưng một đêm hai mươi chín tháng chạp. Có lần mẹ đốt cả củi của cành mai mà chiều giao thừa năm tôi lên mười cầm tiền một mình ra chợ hoa. Người bán tốt bụng, tặng không cho con bé một cành nở trọn đêm ba mươi.
Gió dường đã nhẹ hơn cho sương tụ về lãng đãng ở đầu rặng cây, hơi lạnh chụp lên vai, mấy con hải âu lạc trên thành phố kêu rít vài tiếng rồi chập chờn bay đi, lẫn vào sương xám. Bật ngọn đèn đầu giường, lật cuốn sách lấy vội mang theo cùng bộ quần áo và vài vật dụng, nhưng con chữ không thể lọt vào. Tôi cũng muốn giữ yên niềm lặng lẽ của khoảng trống hiếm hoi đã có được nên gập sách lại. Khoảng trống đến bất ngờ như một món quà chẳng chờ đợi, là không gian thênh thang chợt hiện ra sau khu rừng rậm, là hơi thở nhẹ nhàng của cành cây khi chiếc lá cuối cùng lìa xa, không tiếc nuối. Sáng mai khi mặt trời lên, lần đầu tiên tôi chẳng cần biết phải làm gì cho ngày trước mặt, những biến chuyển chung quanh sẽ không tùy thuộc vào tôi nữa. Thả mình trôi đi, nằm xuống chiếc giường lại thấy nó cứng như tấm phản u già hở áo ngồi quạt cho mình ngủ buổi trưa hè oi bức. Sao hình ảnh đâu đâu ngấp ngứ trở về, lăm le chen vào làm nặng tâm tư. Nếu giờ khắc này quay lại ngần ấy năm tháng của đời người sẽ là bao nhiêu thước phim cho đủ? Tôi dúi mặt vào nệm giường loay hoay xua đuổi.
Có tiếng đẩy cửa, một bà đầm trong áo blouse trắng, tay cầm chiếc cặp nặng nề bước vào, cất giọng chào ồn ào: ‘‘Bà khoẻ chứ ? Sao không bật đèn sáng hơn?’’, rồi tự giới thiệu là người phụ trách đưa âm nhạc đi cùng bệnh nhân trong những ngày trị liệu, một dịch vụ mới của nhà thương, xong hỏi tôi có gì để giải trí. Tôi chỉ cuốn sách ở đầu giường, người đàn bà cầm lên bật kêu: ‘‘Chao ơi, tối nay mà đọc cuốn này thật không nên’’. Tôi cười: ‘‘Vì thế tôi có đọc đâu’’. Bà ta đặt cặp lên bàn, vừa mở vừa hỏi: ‘‘Bà thích nhạc không?’’ Chẳng để tôi trả lời, người đàn bà đến ngồi cạnh, tay vuốt lên tấm khăn giường thân mật và bắt đầu rao giảng về sự cần thiết của âm nhạc đối với tinh thần bệnh nhân, rằng đây là mạch suối tự động luồn đi, ngấm vào thần kinh đang căng thẳng để làm mềm xuống những lo âu, sợ hãi, nhất là với trường hợp trọng bệnh. Thiếu phụ miên man nói, tôi nhìn vào đôi môi tô đỏ, hai mi mắt anh ánh viền xanh và những sợi tóc bạch kim phủ trên trán. Các màu sắc chập nhoà, loãng tan vào giọng nói đều đều như tiếng nước đập vỗ rì rào. Thấy tôi gật gù, người đàn bà ngừng vài giây rồi lấy những CD nhạc bày ra cùng một máy hát nhỏ, hỏi tôi muốn nghe loại gì. Trong chiếc cặp chỉ có các đĩa nhạc cổ điển, một số bài ca thời thượng và loại nhạc êm dịu không lời. Tôi hỏi có jazz có blues có rap không, thì nhận được cái nhìn trách cứ. Ðể vừa lòng bà, tôi bảo muốn lấy một sonate của Mozart, nếu có sonate cung đô trưởng càng tốt. Bà ấy lục tìm trong đống CD và hỏi, chắc là lấy lệ: ''Tại sao Mozart, tại sao sonate ?'' Tôi nheo mắt: ''Bà chẳng biết ư? trong một số thí nghiệm nghiêm chỉnh, người ta phát hiện khi vắt sữa, nếu cho bò nghe nhạc sữa sẽ chảy nhiều hơn, đặc biệt với nhạc Mozart'' Tiếng cười vỡ ra giữa hai vành môi son đỏ. Cầm đĩa nhạc trên tay tôi lại nói: ‘‘Y tá bảo sắp vào cho thuốc uống để ngủ, sáng mai tôi là người được chiếu cố trước tiên, vậy đâu có thời giờ và cần nghe nhạc làm chi’’. Người đàn bà dợm đứng lên vội vàng ngồi xuống, nhẹ giọng ân cần: ‘‘Không những có thể để nhạc suốt đêm, ngủ đi với nó, mà sáng dậy và cả lúc người ta đưa vào phòng giải phẫu, nên có nhạc đi theo’’. Tự nhiên bà ta cầm lấy tay tôi, ngập ngừng đôi chút rồi tiếp: ‘‘Cho tôi nói thật, trên chiếc bàn ấy là lúc con người thật sự đơn độc, vì sẽ khởi hành một chuyến đi mà không ai có thể đi cùng dù là người thân yêu nhất. Bác sĩ y tá chung quanh cũng chỉ là bác sĩ y tá. Khi ấy, những giòng nhạc quen thuộc sẽ làm giảm đi cảm giác một mình, thất lạc. Hãy nghe sonate này và ngủ ngon. Chín giờ sáng mai tôi sẽ có mặt để đưa bà đến tận phòng mổ’’. Cổ họng chợt se lại, khô khốc, tôi để yên tay mình trong bàn tay hơi cứng của người đàn bà cho đến khi cô y tá cao gầy bước vào đo áp huyết, nhiệt độ và đưa cho tôi viên thuốc cùng nửa ly nước cuối cùng được phép uống. Họ đi ra, tôi định làm theo lời bà ta nhưng vừa cầm máy hát để bỏ CD vào là choáng váng, tắt ngọn đèn, tôi ẩn giữa lớp chăn. Căn phòng lúc này bỗng đầy ắp hơi sương dù cô y tá đã đóng chặt cửa sổ. Không khí chao động xám đục, phủ trùm buốt giá. Co người nằm sấp, tôi muốn rơi ngay vào giấc ngủ. Lại vang lên bản sonate , chuỗi nhạc trong sáng hồn nhiên đô mi son si đô rê đô của Mozart thời ấy, những bài học dương cầm và chiếc đàn bác Quân mua cho, một tuổi thơ đã mất.
Mặt trời chưa lên, nhà thương đã đầy tiếng động. Viên thuốc uống tối qua vẫn còn tác dụng, tôi lơ mơ, vật vờ. Ðâu đây tiếng nước chảy, y tá và những người làm phòng đi lại sau cánh cửa, bát đĩa lách cách cùng hương cà-phê nhắc tôi một ngày đã bắt đầu, và đây không phải là căn phòng thân thuộc của mình nhìn ra vuông sân gạch đỏ cùng vườn cỏ đầy xác lá. Cả tiếng nước kéo ồ ạt kia cũng khác âm thanh tựa suối chảy bên ngoài bờ tường đầu giường ngủ của tôi, mỗi lần trời đổ mưa triền miên từ đêm đến sáng. Lại thiếp đi cho tới lúc y tá vào sửa soạn những kiểm tra cuối cùng, đưa thay tấm áo choàng rộng thênh, khoác vào phiá trước không cài sau lưng, xong một người đàn ông đến bế bổng tôi lên đặt xuống chiếc băng-ca. Vùng lưng trống chạm mặt nệm lạnh ngắt, thân xác chợt nhỏ nhoi, lỏng lẻo, trần trụi. Người đàn ông đẩy băng-ca đi qua những hành lang đầy mùi thuốc sát trùng. Tôi nhắm mắt lại, khi chợt mở ra một thiếu phụ cũng mặc áo bệnh nhân đầu tóc xơ xác đi theo vài bước, ghé đầu, chéo hai ngón tay miệng chúc: ‘‘May mắn’’. Bất giác tôi nhớ đến người đàn bà rao giảng âm nhạc, bà ta không có mặt sáng nay.
Ngọn đèn loe tròn trắng rợn chiếu thẳng vào thân thể giờ che ngang mỗi lớp áo. Cặp chân duỗi dài trên chiếc bàn này đã rời khỏi tôi. Khẽ luồn tay dưới làn vải, tôi vuốt nhẹ từ ngực xuống, da thịt lạnh lẽo bắt đầu xa lạ. Tôi sắp lên đường, chuyến đi một mình như người đàn bà đã nói đêm qua. Chung quanh là tiếng dụng cụ lách cách khua động, tiếng trao đổi nho nhỏ giữa những người mặc áo blouse che miệng đội mũ đeo găng. Ông bác sĩ gây mê đến gần cúi xuống chào và bảo: ''Tôi sắp chích thuốc mê, bà sẵn sàng nhé''. Tôi gật đầu, ánh đèn chợt loé mạnh buốt sắc, biến thành một luồng sáng đâm ngay giữa ngực. Mắt bỗng chói loà, tôi rơi hẫng vào một dòng sông trắng.
Mặt sông bốc sương mênh mông, che kín cả cây cối hai bên bờ. Nhưng tôi nghe giọng cười của các cô tôi chen giữa làn nước chảy. Cô Phượng đang hát ‘‘rien de rien’’ của Edith Piaf từ thuở còn chiếc điã 33 vòng quay tít. Cô uốn chữ r cũng điệu nghệ, nhạc quấn chân cô vào với bác Quân, tôi ngồi gọn trong ghế bành hai tay chống cằm chiêm ngưỡng. Tôi gọi: cô Phượng, cô Phượng, rồi vội vã ra khỏi dòng nước, dẫm trên mặt lá ẩm lạnh, chạy về hướng tiếng cười. Càng xuống thấp sương càng thưa loãng, thấp thoáng những bóng người. Không ai thấy tôi dù tôi đã lại gần, có đủ ba người cô của tôi bên bờ sông và cả chị Hạc với đứa con gái ngày nào chị bồng nó trên tay nựng: ''Nó dễ thương quá, phải không Miên?'' Con bé bây giờ hơn hai mươi, nó đứng gần tôi nhất, đuôi mắt hơi chếch lên và cặp môi viền rõ nét. Hôm con bé tìm ra được dấu tích tôi, sau bao nhiêu năm, để hỏi về chị Hạc và người đàn bà Tàu, tôi đã nói nó hao hao giống bà nội của mình. Kể từ ngày tôi đi du học, nhiều năm không gặp, chị Hạc vẫn gầy đong đưa, bóng chị trên mặt nước ngả một vệt dài ra tới hòn đá nổi giữa dòng. Hạc mặc cùng tấm áo dài xanh lần tôi ra đến thị trấn nhang đèn ấy để nhờ anh Vân đưa tìm thăm Ðăng đang hành quân. Nửa đêm chị đã rúc rích tiếng kêu, dồn dập hơi thở với anh Vân bên kia bức tường, rồi giữa trưa, chị vào căn phòng có cánh cửa liếp điềm nhiên leo lên giường nằm cạnh, lần tay lật manh áo, áp đầu trên ngực tôi năm đó tròn vun mười bảy. Tôi đang ngắm nghía chị Hạc rồi từng bà cô, định gọi họ quay lại để thấy con Miên của họ năm nào giờ cũng đã về tới dòng sông, thì một bầy chim từ cánh rừng trên thượng nguồn vụt bay ngang, cánh trắng thân đen quạt tốc bao cánh lá, cuốn qua bờ sông kia. Nhìn sang, tôi bắt gặp những người đàn ông quen thuộc nhưng họ thấp thoáng mờ mờ ẩn hiện. Những người đàn ông đã đi vào, đi qua đời những người đàn bà bên này dòng sông.
Các cô tôi đột nhiên ngừng cười khi đàn chim ào tới. Cô Phượng thôi hát, ngồi nghiêng trên hòn đá tay rứt mớ cỏ mấp mênh bờ nước, kêu rằng sao cỏ quá tươi, hình như cô chỉ thích tìm những nhành cỏ uá. Bỗng cô đứng dậy đi thoắt về tụm rừng ngoài xa, tà áo lụa ngà quấn quít. Cô Châu của tôi định chạy theo em gái, nhưng chân vướng vào khung thêu đặt trên chiếc chiếu hoa, chiếc chiếu cạp điều mỗi lần cúng giỗ cô cho trải ra trước tủ thờ để lũ trẻ chúng tôi qùy xuống mỗi đứa lạy ba lần. Chẳng hiểu nghĩ gì, cô Châu gỡ vuông vải thả lên mặt sông, bông lựu màu mồng gà đỏ cô thêu nổi thắm trên màn nước xanh trong. Cô Nhược, em gái út trong nhà đang ngồi đá ngược những đám rong thấy vậy vội chụp một cành cây, nhỏm người khều với, nhưng đoá hoa thản nhiên lặng lẽ trôi xa. Cô giận dỗi ném mạnh khúc cây vào giữa lòng sông, nước toé lên lấp lánh. Bên kia những tia nước, lại vọng tiếng xôn xao, một thứ âm thanh rền rền u khuất. Sao họ không cười nói to hơn, cho tôi nhận ra nào tiếng bác, tiếng anh, tiếng bố và cả giọng của từng người đàn ông đã có mặt bên tôi, mỗi người một thời, là mạch nước gom thành dòng sông đưa đẩy tôi đi.
Cô Phượng đã từ rừng cây trở về, đám phụ nữ lại ngồi xuống rì rầm với nhau về những người đàn ông ở bờ đối diện và về một cõi đời. Họ thầm lặng nhưng chắc chắn họ có vạn điều để kể. Nhìn vào mỗi gương mặt, tôi nhận ra sự thản nhiên phẳng phiu ấy chỉ là lớp vỏ ngoài bọc giấu thân phận trầm luân, gói ghém suy tư sôi sục. Vậy mà cho đến giờ tôi đã không biết đến gần và nghe họ nói. Tôi cũng muốn kể với những người đàn bà thân thiết này về mình, như kẻ rong ruổi đường xa có lúc muốn dừng lại, lắng nghe tiếng thầm thì của một dòng sông, rọi bóng trên nó và gửi lại lòng nước chút nỗi niềm nặng trĩu. Tôi muốn thúc hối họ hãy rời nơi đây, hãy xuống tận hạ nguồn để gặp biển thênh thang. Biển sẽ xoá tan mọi nhánh rẽ quanh co, xoá luôn bao chập chùng định mệnh. Thế mà trừ con bé hai mươi dáng dấp ngang ngổ kia, chân chẳng ngớt dậm trên lá cỏ, bồn chồn định bỏ đi, thì các cô tôi và chị Hạc có vẻ an phận như thể họ sẽ ngồi lặng yên ở bờ nước này một trăm năm nữa, trong khi tôi thấy mình lúc nào cũng nhấp nhổm một chuyến đi, như chuyến đi này.
Những người đàn bà của tôi quanh quẩn nơi đây, có thiếu chị Mân, cô bạn thân yêu thời thơ nhỏ, Mân đang ở đâu? Ðảo mắt tìm, nhưng dường như viên bác sĩ gây mê đã đến cạnh, bên bờ sông, lại cất tiếng hỏi đã sẵn sàng chưa. Tôi hơi hoang mang nhưng lặng lẽ gật đầu và kịp nghĩ, nếu có một người tôi muốn được cầm lấy tay trước khi lên đường, thay bà đầm đưa đĩa nhạc Mozart đã hẹn mà chẳng tới, thì không ai khác hơn chị Mân. Nhưng có hề chi, rồi tôi sẽ viết cho chị tờ thư, từ một nơi nào đó của cuộc hành trình.