Chương Kết
Tác giả: Mai Ninh
Chị Mân,
Chiều nay đứng trước làn sóng nhẹ vỗ vào bờ, bỗng dưng em nhớ tấm mùng xanh nước biển phất phơ trong gió khuya lọt qua chấn song cửa sổ căn phòng thiếu nữ của chị năm xưa. Chiếc gối ôm trắng muốt với sợi nơ hồng đỏm dáng, em hay cuộn tròn quanh ngón tay rồi kéo tuột ra. Chị lại cẩn thận cột vào, vỗ nhè nhẹ mớ bông cho gối tròn lại và kê dưới đầu em. Hôm cuối cùng nằm trong chiếc mùng xanh em bảo mai mốt ở bên Tây sẽ nhớ cái gối ôm này da diết, chị nói hay cho vào vali mang đi. Cả hai khúc khích cười. Hình như đấy là lần cuối mình hồn nhiên.
Em đã trở về sau chuyến đi. Căn nhà vẫn thế, những hòn đá ong chưa kịp trũng hơn, mấy cánh cửa sơn xanh chỉ tái màu đôi chút vì muối mặn. Tất cả nhanh quá như thể em chưa đi chưa về, chẳng có gì xảy ra. Em bước lên lầu, nơi chị đã đến nằm cạnh một đêm và hỏi em chỉ một câu: ''Sao Miên không để tóc dài hơn tí nữa?'' Câu hỏi có thế thôi sao lại động tới niềm đau và sự bất lực đến nghẹn thở. Bức tranh Paul vẽ trên tường, mù mờ hai kẻ chênh chao không biết đi đâu về đâu vẫn tri kỷ với những tấm màn em treo từ ngày Băng ghé qua đây. Lúc đó tháng năm giữa xuân, Băng bảo manh màn trắng làm sương khói hơn cành hoa anh đào đang nở xòe ngang mảng cửa tầng lầu. Hoa trắng kết thành quả đỏ tự bao giờ, hẳn từ lúc em có Băng và chưa lường được định mệnh?
Buổi sáng hôm ấy Phiên đưa chị ra ga lấy tàu, em biết chúng mình đã lỡ một lần hẹn. Chắc trên đoạn đường ngắn, Phiên không thể nói với chị về em, mà Phiên biết những gì để kể? Em từng ước mong được ngồi một mình với chị trong không gian em, tràn lan gió mặn và tiếng đập của sóng, nhưng rồi em lại chấp nhận sự có mặt ồn ào của những người khác đến đây cùng một lúc. Chẳng lẽ đấy là một cách em trốn tránh vì e sợ phải ngó ngược con đường mình đi qua, ái ngại một bộc bạch, dù là với chị, người duy nhất em có thể. Em thấy chứ, ánh mắt chị tìm em thỉnh thoảng chau lại, môi chị mấp máy định nói khi chốc lát chỉ còn hai chị em đứng bên nhau, bàn tay chị quơ lên, thoáng một cử chỉ. Vậy mà chúng ta không ngồi lại được để nói về bao nhiêu chuyển biến đời người, từ buổi chia tay năm em mười tám tuổi cho đến lần gặp gỡ vừa qua. Chẳng những chị muốn hiểu bây giờ em ra thế nào, em cũng muốn biết, suốt thời gian chia cách đăng đẵng, chị đã làm gì sau hôn phu tử trận, sau tốt nghiệp luật sư, đã ra sao để cuối cùng lưu lạc từ hội Hồng Thập Tự xứ này sang xứ khác, để khi gặp lại, em phải ngỡ ngàng trước một thiếu phụ còn ẩn sắc hương nhưng đôi mắt, miệng cười và cử chỉ lộ ra sự đơn chiếc của một cánh chuồn lạc loài mỏng mảnh. Vì với con bé Miên năm nào, chị Mân hẳn sẽ trở thành một người đàn bà hài mãn, chẳng thể khác hơn, chị phải là đoá mẫu đơn tươi đẹp được gìn giữ trong một khu vườn đài các. Có thế, phải không Mân, chúng ta cần được thổ lộ, chia sẻ, cần thở chung một thoảng ngậm ngùi hay rúc vào vai nhau rinh rích, như những lần em không chịu nổi sự lặng lẽ âm u của chị lúc nhắc đến anh Thanh nên đã cố làm con hề chọc cho chị cười hích lên đôi ba tiếng. Thật gợi cảm, gương mặt thiếu nữ còn hoen nước mắt lại điểm nụ cười. Thế mà khi chị có mặt bên cạnh thì tự dưng em đâm sợ khơi dậy hình ảnh, sợ lộn ngược cái túi trong bụng để dốc ra mớ ruột của mình - như một đứa bé con không muốn đổ toang xuống đất cả kho tàng quí báu đựng nào hòn bi, cái trống, quả banh, chiếc còi. Dù những lúc đứng trên bờ cát trong ánh hoang tàn của hoàng hôn, em thường ấn tay thật sâu vào bụng, vào ngực, giá lôi được tất cả con người mình ra vất vào sóng biển, cho cái phần nhẹ bổng còn lại thanh thản bay đi.
Nhìn Phiên mở cửa cho chị lên xe, em đã định chạy ra giữ lại, em biết chị sắp rời tất cả đi xa, khó lòng gặp chị nữa, cũng như em ý thức tầm quan trọng của lần vào bệnh viện kỳ này - một hành trình chông gai, điểm đến chẳng có gì chắc chắn, người bác sĩ đã thẳng thắn nói trước không thể làm lơ cái phần khe khắt ấy của định mệnh. Nhưng rồi em vẫn đứng lại sau khung cửa, ngóng theo bóng xe Phiên mang chị xa dần. Em tự bảo mình: ''Có gì đâu'', như đã từng lập lại câu ấy bao lần khi Băng đành đoạn bỏ đi. Tập chống đỡ, tập an ủi lấy mình, hay đó là bản tính em vốn thường xem nhẹ mọi điều ngay từ thời trẻ? Cũng may, nhờ thế em mới có thể cầm chiếc sắc nhỏ, khép lại cánh cổng, một mình leo lên chiếc taxi đi vào nhà thương buổi chiều ngày đó. Ði, rồi có về lại nữa hay không, chẳng cần nghĩ đến, chẳng bận tâm. Em quen trôi trong khói sương lãng đãng từ ngày bóng dáng Băng mất biệt. Tuy chính trong sự mất phương hướng ấy, bao lần nỗi đau bùng dậy quất mạnh, những luồng cát cuồng thốc lên trong cơn bão cứa cắt thân thể, linh hồn, lôi em trở về thực tại. Em lênh đênh dật dờ trên làn sóng, ngay cả lúc nằm trên bàn mổ, ý nghĩ sẽ viết cho chị một tờ thư có đó nhưng đồng thời lại mơ hồ bất định, cái bất định của chuyến đi chưa biết đến nơi nào. Mân à, tiềm thức làm bùng dậy mơ ước, làm sống thực ám ảnh, ngay cả trong khi mình vô thức. Nên lúc chợt nghe tiếng người, chợt thấy hơi ấm chụp lấy bàn tay, em thảng thốt gọi: Băng, Băng. Nhưng chỉ có giọng ai kêu lên: ''Ô, bà ấy hồi tỉnh rồi bác sĩ''. Em ngơ ngáo nhìn, ruột nhói đau thất vọng. Không có Băng. Cô y tá đang cúi xuống, nâng vỗ tay em, vuốt lên vầng trán, hai con mắt lộ ánh vui mừng. Nhưng lạ lùng, lúc đó tự nhiên em rơi hẫng, ngỡ ngàng, em không biết mình ở đâu, em trở về từ một thế giới khác, khác hẳn nơi này, hình như từ một bờ nước mênh mông.
Trước khi gặp Băng, trong rất nhiều cơn mơ, em thường lội ngược dòng sông. Trên đó cô Châu ngả một bóng khẳng khiu hiu hắt, bất biến cùng năm tháng. Em thấy cô Nhược lui hui chèo chống với dòng nước, để chụp vớt em, con cá hồi lăng quăng quẫy qua rớt lại giữa đám rong rêu và ghềnh đá, hay cô đang gắng gượng ngăn cản sức vũ cuồng của thời gian và cõi sống? Riêng cô Phượng lại hiếm khi rõ nét lúc em mơ, cô luôn luôn thấp thoáng giữa hai bờ cỏ, ẩn hiện trong bóng lá nhập nhoà. Mà làm sao khác hơn, vì cô Phượng luôn luôn chênh vênh giữa thực tại và quá khứ. Em chỉ hiểu được chút gì về cô mãi sau này, khi nhận được cuốn vở nhỏ, không hơn trăm trang giấy bọc kín cẩn thận, của cô dặn người bạn đưa lại cho con Miên. Ðây chẳng hẳn là nhật ký mà những dòng cô ghi chép rời, không ngày tháng rõ rệt. Nhưng kết tất cả vào thì chúng thành con thuyền xuôi dọc một dòng sông trên đó có bà nội em ngồi ở đầu thuyền, rồi cô Phượng chòng chành ở giữa và cuối cùng là em, là con Miên cần cắt tóc ngắn lên để thay cho tất cả những thằng cháu trai của bà đã mất. Hẳn cô Phượng quyết định để lại cho em cuốn vở ấy khi nhận được bức thư em gửi về kể cô hay rằng, người đàn ông đem đến cho em khả năng nhìn ra bụi nắng lung linh trên bọt sóng của một thứ biển tưởng muôn đời xám đục, không còn đây nữa. Băng đã đi ngay sau lúc em và anh ấy khám phá ra những đầu dây thắt gút, quẩn cùng. Một ra đi không đắn đo, tàn nhẫn tước đoạt sự sống, một đập phá tan nát mà em chẳng có gì chống đỡ. Cô Phượng muốn em đọc những trang giấy cô ghi chép ấy để hiểu, mọi sự xảy ra cho em dù không ngờ và đau xót đến đâu cũng chẳng phải là một xếp đặt vô tình hãn hữu, đã có bà nội và cô chờ đón em trên cùng một con thuyền. Bởi vì tình yêu ấy vốn hoài thai từ một định mệnh di truyền. Không chỉ có em yêu Băng đành đoạn, mà gần trăm năm xưa đã có một tiểu thư giữa vườn mẫu đơn vương giả tuyệt vọng cứa tay khi phải chia lìa người anh con chú con bác. Rồi bao nhiêu năm sau, đến lượt cô con gái yêu kiều của thiếu nữ lại đau đáu, trầm luân với bóng hình của anh ruột, bức tuổi thanh xuân uá dần theo cỏ ám. Tất cả không ngừng ở đó, những ngọn sóng tiếp tục xô đẩy, đến phần em phải gặp Băng ở chặng đời em cứ ngỡ mình có thể về đến nơi dòng sông yên ả chảy trôi yên nghỉ trong lòng biển.
Ngày Phiên báo sẽ đến chơi với một người bạn tên Phil là màn kịch mới được dựng thêm cho bi kịch có sẵn. Phiên còn bảo: ‘‘Biết đâu Miên yên tâm hơn, Phil là bác sĩ chuyên môn về bệnh của Miên đấy’’. Phiên hiểu em cũng đã là nhiều nhưng lần ấy có phải vì quá lo lắng nên anh ta quên rằng câu nói ấy sẽ tác dụng ngược lại, nó làm em hơi bực, mất hứng gặp Phil, vì em không phải là người có nhu cầu quen biết với mục đích dự tính. Vậy mà khi Phil đến ngồi đó, trong góc nhoà của ánh sáng một buổi chiều lấp lửng nắng mưa, ngước lên lúc em trao cho Phil ly rượu, cặp mắt ấy chẳng bao giờ em quên được. Cùng với tia nhìn, giọng nói Phil có khả năng lôi đầu óc vốn lãng đãng chập chờn của em trở về thực tế. Một lần gặp ấy là đủ để Miên kiên cường, Miên đối đầu với cuộc đời bỗng hiểu rằng những giáp bào che chắn chỉ là lớp vải mong manh. Em đã buông xuôi đầu hàng trước khi hiểu số mệnh còn một dàn xếp khắc nghiệt hơn nữa. Nhưng có phải đâu chỉ là mệnh số, làm sao bỏ qua phần tham dự của con người. Nếu cô Nhược chưa mất, nếu cô cùng đứng cạnh em và Băng trong không gian của cái chiều tối ấy, cô sẽ nói gì? Chắc cô sẽ gục xuống, chẳng còn có thể trào tuôn những lời cuồng giận như cô đã ức nghẹn nói với bà nội em về việc cô vừa xông đến nhà ông chú để gào thét, ném trả câu nguyền độc hại: vô hậu diệt dòng diệt giống, ngay ngày anh Thanh tông xe nằm chết. Cô Nhược nào biết cô đã đan keo, bện chặt cả em vào trong mối oan oan tương báo từ buổi ấy. Suốt thời gian qua, hình ảnh chiều đó em đứng với Băng thường xuyên hiện ra ám ảnh. Không gian chung quanh xao động chập chùng biển sóng bỗng đông cứng tê liệt trong chớp mắt, khi Băng đang ngậm môi mơn ấp cổ em chợt bảo, nhờ có em Băng mới can đảm đứng trước sóng nước tối tăm cuồng nộ thế này. Vì đứa con trai của Băng ba tuổi đã bị sóng cuốn đi một đêm cuối năm, lúc vợ chồng Băng vui đón năm mới ở nhà người bạn bên cạnh biển, đứa con duy nhất thức giấc một mình xuống bãi không ai hay. Em ôm khuôn mặt Băng giữa hai lòng tay, thở dài bật nói: ''Bên nội nhà Miên đã mất đi tất cả những đứa con trai, nhiều người còn bé tí như con anh, ai cũng bảo vì một lời nguyền dòng họ''. Băng sững người vài giây rồi bóp chặt vai em, giọng run bắn: ''Ông nội Miên tên gì?''. Câu trả lời của em làm gương mặt Băng rúm cứng như hòn nham thạch, dung nham vừa chảy ra từ miệng núi lửa liền bị phủ trùm băng tuyết. Tia mắt sắc sáng hoảng kinh rồi chùng xuống một nền thăm thẳm tối của Băng, chú Băng, là hình ảnh cuối cùng em nhìn thấy. Nhưng sao em chỉ nhìn ra ở đấy sự sợ hãi hơn là nỗi đau hở chị? Giá là nỗi đau.
Mân ơi, từ ngày biệt tin Băng, giấc ngủ em là một chuỗi những giấc mơ như vậy. Em đuổi theo hình theo bóng trong bao thành phố nơi chốn xa lạ, em đi tìm, miệt mài gọi Băng, Băng, như cô Phượng đã thảng thốt kêu tên bố em: Ðô, Ðô, suốt một đời dài. Các thành phố em lạc vào, ở lục địa này hay bên kia những đại dương, đã được dựng lên bằng tiềm thức. Tiềm thức làm trỗi dậy tất cả thiên nhiên, hình tượng, âm thanh mà với cách này hay cách khác chính Băng đã truyền giao cho em sự rung cảm, em thả lòng đón nhận, dưỡng nuôi. Băng đưa tay, em cầm lấy nó đặt lên một mặt bàn đá. Ðá vốn sắt son vĩnh cửu, em từng tin thế. Những không gian mới lạ mở ra, mời gọi cuốn hút, em tung mình hồn nhiên hân hoan rơi vào mặt biển xanh ngắt ngày hè, như ngựa hồng thênh thang sãi vó trên đồi cùng loài hươu nức nả xạ hương. Em không biết rằng, nếu một sáng kia bên khung cửa, em bỗng thấy mọi tế bào bị thiêu đốt khi Băng đến sau lưng, bàn tay hơi thở nụ hôn Băng khiến thân thể em bừng thức hoá lỏng trong lửa mặt trời đang rực cháy hân hoan trên những mái nhà nhấp nhô thành phố, thì khi không có Băng em rơi ngay vào chiều tối, mặt trời ấy trong chốc lát chỉ còn là một khối đỏ hoang dại, đơn độc lụn dần cùng lúc với điệu kèn giọng sáo thổ dân thổn thức vút lên nỗi chia lìa ray rứt.
Cũng không ngờ, tình yêu ấy lại có thể là một cơn lốc vần vũ không đếm xiả thời gian và sức tàn phá đến thế, sao nó không giống những mối tình đã từng đến trong đời mỗi người chúng ta để dù cuồng phong đến đâu cuối cùng cũng vút qua trong một mùa bão động, rồi thôi, dấu tích có còn chỉ là vết chân trên mặt cát. Như với cô Phượng, mặc cảm lầm lỡ, ngay cả bị xem là tội lỗi đã không đủ mạnh, chẳng đủ dằn vặt để em xoá bỏ được hình ảnh chú Băng, hay đúng hơn là đẩy được vào vũng tăm tối nhất mối tình mà một thời mình tưởng không cần ăn chẳng cần thở, vẫn có thể sống một đời, với nó. Nhưng nếu tình yêu đã đến mức độ này, có phải chăng chính vì nó phát sinh từ một hoà trộn mật thiết, tận cùng, một hoà trộn từ máu thịt, phải thế không Mân? Bố em và cô Phượng, em và Băng. Có phải vì lẽ đó, nên ngay từ buổi gặp Băng em thấy mình được trở về một chốn quê nhà? thể như em và Băng đã từng sống chung suốt tuổi thơ rộn rã, rồi bị thất lạc, rồi lại tìm được ra nhau, bên một nhà ga để lên chung một con tàu. Nên mới có thể cùng cảm và chia đến ngần ấy nỗi xúc động sau suốt của một hành trình, hành trình duy nhất. Băng không phải chú em, bố Ðô chẳng là anh ruột của cô Phượng, họ đơn giản là người yêu, hay đúng hơn là tình yêu, gọn và tuyệt đối vậy thôi. Nhưng chị biết chăng Mân? phải một thời gian dài, phải trải qua bao quay quắt, phải tìm cách đổi đời nhiều lần - nhưng vẫn chẳng đến đâu, như chị đã tinh ý nhận ra - đến khi quay trở về căn nhà bờ biển sau chuyến đi này, nhìn lại không gian vừa đầy ắp vừa hoang trống, em mới biết, Băng giờ đã thành cái bóng. Cái bóng không do mọi điều đã nhoà nhạt đi, cái bóng vì nó không mang khuôn mặt Băng nữa, nên em nhìn vào, nhìn thấy mà chẳng còn đau đớn. Không là cặp mắt em từng ngó sâu vào đó, không là đôi môi em chờ đợi một lời nói, không cả cuống cổ đầu ngực em loay hoay mở nút áo ra để chạm mũi vào tìm một mùi hương. Cả âm thanh cũng mất, chẳng còn giọng nói. Nhưng tại sao điều này chỉ xảy ra khi em được rời bệnh viện, đã hoàn tất chuyến đi đơn độc ấy, đã được trở về, thoát khỏi dòng sông trắng? Em không hiểu. Phải chăng sau khi chạm đến đáy sâu của cô đơn và thất lạc con người mới có khả năng trồi lên, hoà nhập lại cuộc đời, cho dù không còn là chính mình ngày trước? Chiếc bóng đi theo thân thiết, không bội bạc, nó chân tình vì không phải một con người, một ai. Tình yêu giản dị là phiến đá trong suốt tinh anh nguyên tuyền, mình ngả cả xác cùng hồn lên đó một lần trong đời, một lần thôi, và chỉ có mình với đá. Tất cả có thể rực rỡ như một ánh dương, hay toả sáng hiu hắt tựa ngọn đèn dù chao đi trong ngọn gió chiều hôm nhưng mãi thủy chung rọi xuống thềm hiên, hay sức cuốn hút của khúc nhạc tuyệt vời một ngày mình đã may mắn nghe ra. Tất cả, để còn giữ nổi lòng tin vào những điều đẹp đẽ. Không có niềm tin sẽ sống lơi khơi, sẽ chẳng cần biết điều gì xảy ra, không quan tâm đến liên hệ giữa mình với đời chung quanh. Nhiều ngày lao đao như thế, em không nghe ra gì ngoài biển sóng gọi và tiếng kêu khàn kiệt của bầy cá xác thân cường vũ nhưng linh hồn mắc cạn. Những con cá voi lạc loài trầm mình trên bờ cát.
Một ngày nào đó, chị sẽ trở lại đây với em, phải không Mân? Em cũng đã hẹn với con bé con gái chị Hạc. Lúc này giá em thấy được dáng dấp tự tin, mạnh bạo của nó. Cả em và con bé cùng đi tìm, gặp nhau lần đầu ở một quán cà-phê Paris, quá khứ vướng bận mấy chục năm vậy mà bỗng chốc nhẹ nhàng như hơi thở. Mới thấy nó, đã thân thuộc, tựa nhìn ra mình ngày xưa, nhưng dạn dĩ chững chạc hơn, hình ảnh tuổi trẻ em ao ước. Con bé bảo mùa hè tới sẽ về xem còn dấu tích ngôi nhà cũ sập nát bên bến sông của ông bà ngoại, nó kể với em đã đặt lại mấy bát hương lên đầu tủ cùng các ảnh thờ. Nó sẽ về thăm anh Vân. Anh Vân đã trở lại quê nhà sinh sống, gặp Ðăng. Anh ấy có lần viết cho em, nhất là cho con bé những tờ thư dài - những thư, những chữ đưa người về lại với nhau. Qua cuốn vở của cô Phượng, em biết thêm đôi điều liên quan đến lời nguyền tàn nhẫn, bí ẩn, làm rụng rời ít nhất ba thế hệ của một gia đình. Em hiểu hơn nữa câu chuyện cô Châu, cô Nhược, bao ẩn tình các cô chỉ thổ lộ lúc lâm chung. Sau khi nghe em kể về bà mẹ Tàu và chị Hạc, gương mặt con bé bớt trầm tư, nó nở nụ cười thật dịu dàng.
Em ngồi lại sau khung kính quán cà-phê ấy một lúc, nhìn nó băng qua đường, tấm áo blouson gọn ghẽ, cái sắc đeo lưng, nó mạnh mẽ đi thẳng vào dòng người. Tuôn ra trong em cả một ký ức, từ lúc quây quần với anh Thanh bên mâm cỗ nhà bà nội có mẹ và các cô, đến lần cuối em trở về quê nhà ngồi lặng lẽ với Ðăng ở phi trường trước khi lên máy bay ra đi. Ðôi bàn tay Ðăng và em nắm lấy nhưng gượng gạo bùi ngùi. Bao nỗi khác biệt đã thành hình trong khoảng cách mấy mươi năm. Nhìn xoáy theo bóng con bé ẩn hiện giữa đám người ngược xuôi vội vã, em thấy mình đang cầm một máy quay phim, chú tâm cố gắng rọi ống kính sâu suốt vào mỗi mảnh đời của từng người thân, thu chụp lọc bắt những gì kín ẩn làm nên con người, định mệnh của họ. Em đã quay như thế, đã chiếu lại cho chị xem rồi đấy, tất cả khuôn mặt của bà nội cùng các cô em, đến Hưởng, Cương, Mơ, con bé... và chị nữa. Nhưng khi đến Băng thì ống kính bỗng loá lên, không còn hình ảnh, một tấm màn phủ qua nhờ nhờ ánh sáng. Em hụt hẫng, hạ máy xuống, hai tay đưa lên đè mi mắt. Mân ơi, đành không có những đoạn phim về Băng với em cho chị xem để hiểu rõ cuộc tình đó ra sao. Có lẽ sự xoá trắng trước ống kính ấy là phản ứng, là bằng chứng hiển nhiên của một điều buốt đau trầm khuất nhất trong em, không thể ghi thu hình ảnh nhiều hơn nữa, càng chẳng thể chiếu rọi lại, cũng không nhất thiết phải thuật thành lời. Dù vậy, em nghĩ chị vốn bén nhạy, hẳn đã cảm nhận được mọi điều, em tin là như thế.
Buổi chiều, bây giờ buổi chiều của gió tìm sóng lao xao, của một ngày bình lặng. Biển và chân trời ngoài kia cùng một màu xanh nhạt, không có đường ranh. Chỉ bóng núi xa xa hiện ra quây nơi này thành một duyên hải nhỏ. Cá voi không vào được đây, phải không Mân? Hay các người đàn bà loay hoay ẩn khuất bên bờ sông của em cuối cùng đã thoát khỏi trầm luân, đã biết về tới biển. Những thân cá dài thênh thang cuộn xoãi, bơi hút ra khơi. Hơi thở chúng nhẹ bâng mọi hệ lụy, vút lên thành từng cuộn nước rồi toả ra muôn đài hoa trên mặt sóng.
( Tháng mười, 2003. )
Mai Ninh
HẾT