Chương 8
Tác giả: Mai Ninh
Gió tháng sáu bừng bừng đập từ ba ngọn đồi bọc quanh xuống những thân cây lòng thòng cành gẫy. Thoáng qua thật khó nói chúng gẫy vì gió hay bom đạn. Hai chồi thịt mọc ngang bả vai xiên xẹo, đầu trùi trụi mưng đỏ của đứa nhỏ cũng thế, không thể xác định tại trời hay người gây ra. Đứa nhỏ đứng chắn ngang khung cửa, mái tóc cọc bắt chước hai cánh tay cụt dựng chĩa ngu ngơ. Chốc chốc nó quạy quạy bả vai vẻ muốn chỉ trỏ ra ngoài không gian đang lồng lộng đất bụi, lá cây và xác chim cùng bướm. Trong thung lũng, ngoài gió rút từng luồng chạy vòng quanh vách đá còn có một giống chim cổ rất dài, lông trên lưng mượt xám, hai con mắt viền một khoang nâu nhạt hiền dịu buồn buồn. Vào những buổi chiều đất trời quay đảo trong cơn gió hú, loài chim dáng thuôn thuôn hao hút đó bất ngờ như nổi điên, lao vút từ ngọn đồi này để đâm sập vào đỉnh đối diện. Nhiều con chết không toàn thây sau khi trút một tiếng rít chói rách màng tai, nhưng người vùng này lại bảo đó là tiếng kêu hoan lạc, thoát kiếp. Sau buổi chim chết, xác rớt mắc trên những cành cây đong đưa thì bướm từ đâu từng đàn bay về, đặc biệt có con cánh tím nhạt điểm đôi ba vết son. Người ở thung lũng thêm rằng đấy là máu con hao hút. Niềm hoan được chết dội ngược máu từ tim lên mắt rồi nhểu xuống những cánh bướm dập diù trên đám hoa dại mọc tràn dưới gốc cây. Như nhỏ lệ.
Đứa bé - cứ nhìn đầu tóc và thân hình thì không biết nó gái hay trai - thỉnh thoảng quay ngó Nuông rồi lướt qua tôi, lòng mắt sợ hãi lo âu, môi mấp máy u ơ. Gió luồn bồng bồng ống quần rộng ngắn cũn trên đầu gối đen choắt. Chắc gió làm ngứa ngáy nên nó gập người lại, hai cùi tay cà cạ nơi lưng quần. Ở nó, điều gì cũng lệch lạc thiếu sót, ngoài đôi mắt, chúng to tròn thăm thẳm mỗi lần nhìn Nuông. Khuôn mặt Nuông xanh ngắt, hai tay nàng ghì thành giường nhưng đầu bết tóc cố ngỏng lên để ngó xuống cặp đùi trắng rợn, ngửa ra như cánh thiên nga. Mắt đứa nhỏ có khi cũng chúi vào đấy vài giây, nhưng gương mặt không biểu lộ điều nào khác, ngoài nỗi sợ. Tấm vải Nuông che vội gò bụng và hạ thể đã bị hất tung trên đất theo cơn đau quặn. Tôi quýnh quáng, không biết làm gì hơn là xoa vuốt hai bên thái dương cho nàng, những giọt mồ hôi rỉ ra không ngừng. Nuông cố mím đôi môi run rẩy để chỉ rên khe khẽ nhưng cũng có lúc phải bật ra một tiếng kêu thất thần. Bên ngoài đạn và pháo vẫn nổ, lúc thật gần lúc rì rầm như sấm động sau dãy đồi. Gió thản nhiên thổi qua đầu đứa nhỏ, lút giữa hai kiềng chân nó để lọt vào nhà rồi rút ra khỏi cánh cửa nứt bung bởi đạn cối đã tung tả giữa sân. Gió càng làm vật vờ ánh nến nhỏ như ngọn diêm góc kia căn phòng lung lay một tấm màn vải hoa xanh, cha Nuông nằm trên ghế bố chưa kịp chôn, ngực đã bị nát toang cùng lúc với cánh cửa.
Từ lúc túi nước bào thai vỡ ra khiến Nuông hốt hoảng ngã khụy, và tôi bồng nàng đặt lên giường cho đến giờ thì thời gian đã chết đứng trên thân thể đau đớn của Nuông. Thời gian dừng lại nhưng những thằng trong trung đội tôi thì không biết đã đi đến đâu, còn sống chết được bao. Xác thằng Nhung chạy theo tôi bị trúng đạn cũng hãy còn ngoài kia, bên hàng rào khoai mì. Cọng ăng-ten chiếc máy truyền tin bất khả chia lià của nó bắn vụt lên ngọn cây điệp góc sân, nhởn nhơ chĩa thẳng lên trời. Trên đất ám tan tác bãi hoa vàng, có những cánh theo gió bay bám lung lay mảnh quần đen đứa nhỏ. Nó đã trở vào đứng thu lu ở chân giường, cạnh Nuông. Giữa hai cơn co thắt, Nuông lịm người giây phút rồi lại mở mắt ra nhếch miệng trấn an đứa bé, xong nhướng nhìn tôi, mấy tia máu ngàu tròng. Tôi biết mình phải đi tìm đồng đội nhưng làm sao bỏ nàng cho được. Bất giác quay sang, lại chạm tấm ảnh nơi chiếc bàn con. Nụ cười Miên sáng rỡ trên bức hình nhập nhoà với ánh mắt đăm đăm của Đăng. Hai người ấy bây giờ ở đâu? Tôi đã một lần đưa Miên, cô thiếu nữ thành thị tươi trẻ vào thung lũng thiêu chột vì chiến tranh này để lên đồi kia tìm Đăng đang cấm trại. Khuôn mặt trong sáng của cô học trò vừa đỗ tú tài cả gan lao vào định mệnh, dấn thân đi tìm người yêu trong vùng đất nát mềm bom đạn đó đã nhúm sợ hoảng kinh khi pháo và súng bùng nộ nửa đường. Ngồi trên xe jeep , một tay choàng ôm che chở cho Miên, tôi hít đầy hương tóc người con gái ấy. Giữa vùng đất chỉ có cỏ khô, xác chim, hố sình và mùi thuốc súng tôi vẫn thấy ngạt ngào những loài hoa gì ngát thơm từ một thời thơ ấu. Đến nay tôi không thể quên hương tóc của Miên, dẫu đã là xa. Tôi cũng còn nhớ cả một chiều vàng rực nắng có cô giáo trường làng tên Nuông đứng bên đám học trò được hơn chục đứa. Bầy trẻ cầm những mảnh lá chuối xé nhỏ chăm chú nhìn Nuông dạy tết các con thú. Tấm áo xanh da trời của nàng bốc thành hơi trong ánh sáng tràn ngập sân trường, nổi bập bềnh trên đám nhỏ đen đúa khỏng khiu, áo quần lếch thếch. Chúng thấy tôi đậu xe jeep cạnh rặng khoai mì, chạy ùa ra:‘‘Ông lính ơi…Chú ơi, có đem kẹo cao su không?’’. Trong tay tôi chỉ có chiếc đồng hồ treo tường Đăng đã ghé qua đưa vội một buổi chiều đổi đơn vị:‘‘Anh cố tìm tới ngôi trường đó, dưới chân đồi, ngay con suối, quẹo phải, đưa cho Nuông, cô giáo Nuông, giùm em’’. Đăng xé một mảnh giấy, cúi xuống định viết một câu gì nhưng còi xe ngoài kia đã giục. Đăng chạy ra, vừa leo lên vừa nhắn thêm:‘’Nhớ nhé anh Vân’’, cũng vội vã giục giã không kém gì mỗi lần Đăng nhắc tôi gửi hộ thư cho Miên trước khi hành quân. Chưa bao giờ tôi từ chối Đăng một điều gì, kể từ ngày Đăng mới ra chuẩn úy và đổi đến đơn vị này, dưới quyền chỉ huy của tôi. Tôi che chở Đăng hơn người khác, có lẽ vì dáng dấp, gương mặt luôn luôn thoảng nét buồn bã nhưng lại phản ánh một tâm hồn thương yêu cuộc sống và nhạy cảm. Bây giờ, Nuông cầm chiếc đồng hồ lớn bằng cuốn vở loang nhoà vết mực của bầy trẻ, đôi lòng mắt tròn to nhánh lên một cái vui bay vút rồi chợt rơi xuống đọng thành nỗi gì nặng chùng tuyệt vọng. Tôi cảm thấy điều ấy rõ ràng hơn khi giọng nàng nghèn nghẹn:
- Cám ơn trung úy, như vậy là có cái để dạy cho bọn nhỏ về giờ giấc. Anh…anh Đăng đã hứa sẽ đem đến cho Nuông.
- Đăng phải theo đơn vị mới chuyển quân gấp, nên không đến được.
Nuông ngó về bóng núi nhàn nhạt xa xa, rồi hỏi mà như để xác định một mình:
- Thế là, Đăng chẳng trở về chân đồi này nữa.
Bối rối, lặng thinh. Tôi vẫn dễ dàng đối đáp ngay cả trêu cợt đùa nhảm với những người đàn bà, nhưng lúc này tôi lại không biết nói gì với Nuông, cũng như ngày nào tôi bối rối trước Miên. Vầng trán sáng và cặp mắt long lanh hồn nhiên của Miên phút chốc hiện sững làm tôi đau nhói. Nhiều buổi chiều không hành quân, không súng đạn, tôi ngồi trên đồi, nhìn khói trời mà ao ước hình ảnh Miên tan loãng đến vô cùng. Tôi điêu đứng với chụp mà chẳng bao giờ bắt được tà áo dài Miên trắng buốt phất phơ trong các cơn mơ. Rồi giữa ban ngày lại ray rứt khi bất thần hình ảnh làn da tấm thân nàng lấp lánh những lằn sáng xuyên qua manh cửa liếp chợt hiển lộ trêu ngươi. Cứ mãi như mới đó, hôm nào đã vô tình bắt gặp Miên nằm sấp trên sàn gạch, trong gian phòng im ngủ giấc trưa. Căn phòng của ngôi nhà tôi và Hạc nằm trên con đường ven thị trấn.
***
Những chiếc bóng ngoài hốc đá không ngừng nhảy múa trong tiếng phèng la xành xành chát chúa. Kèn đồng réo lên thứ âm thanh quái đản, nửa chiu chíu như cá heo thương tích, nửa trầm u âm hờn Nam Mỹ. Tiếng động từng loạt lọt qua hõm đá ùa vào, đặc quánh thành một lực xoáy xoay quanh đầu, nện những quả chùy vỡ màng tang xong lặn xuống, luồn dưới người để nhấc bổng tôi lên, quay vòng vòng thêm ba lần bảy lượt, rồi đột ngột chúng im lìm, mất biến. Thế là tôi bị rơi hẫng xuống mặt đất. Đồng bọn chiêng trống kèn đã rút ra khỏi hốc đá, tôi chưa kịp định thần chúng lại tràn vào, tiếp tục, tiếp tục những vòng xoáy, những quả chùy và sự nâng bổng kỳ dị. Giữa hai lần như vậy, tôi ngất đi tỉnh lại, mê man chờ đợi, lạ thay vẫn còn chút ý thức để mong ngóng một người hoặc đám múa hát ngoài kia thò vô đây ban cho mình một phát súng kết liễu hay cả là một nhát lưỡi lê. Nhưng họ cứ chập chờn bên ngoài lỗ hốc, trong một thứ lửa vàng khè cuộn thành dòng chảy nhão. Tôi thấy cả thân mình mềm nhũn, tuy hai bàn chân ghịt sát vào mông, và hai mảng thịt này thì lại bị đâm thủng bởi vật gì nhọn sắc. Muốn thò tay dứt chúng ra nhưng hai cánh tay nặng trĩu, không giơ lên nổi, sự tê liệt hình như bắt nguồn từ đó. Khi cảm thấy nó đã dâng đến cổ, sắp sửa xâm lên đầu và sẽ làm nghẽn cứng những sợi thần kinh não bộ thì tôi gom hết hơi sức cuối cùng để ngoẹo đầu lên một bên vai, nhắm nghiền mắt, chuẩn bị sẵn sàng, dù không ý thức được sẵn sàng để làm gì. Nhưng những chiếc bóng bỗng thôi nhảy múa, chúng đập rầm rầm hồi trống thu quân. Một rừng cờ rách tươm phất theo đoàn người ngựa hỗn loạn chạy qua. Bất ngờ trước mắt tôi, thằng chuẩn úy quen thuộc rớt từ trên lưng một con ngựa đen bờm đỏ, vai lủng lẳng chiếc máy truyền tin. Nó rơi ngay cửa hốc, mặt quay ngược vào, hai con mắt vốn mơ mộng như cái tên Nhung lộn to trừng trừng, cánh tay vươn qua đầu, ngón cắm vào đất. Hình như Nhung hớp miệng muốn nói, tôi chẳng nghe ra giữa tiếng sấm đùng đùng vỡ toang trời đất. Không, không phải sấm mà là đạn pháo cuồng nộ đuổi theo đoàn kỵ binh. Tiếp sau, chiến xa và một đám quân lính khác rượt toán trước tay súng tay dao, hô hào xung phong rần rộ. Những lằn lửa sáng quắc xẹt ngang dọc, khói lựu đạn bốc mù. Tôi tự bảo mình, đây chỉ là một cuốn phim chiến tranh quái dị, trung cổ lẫn hiện đại đang quay trước mắt, nhưng lại bị kích thích đến cực độ nên người bỗng bật lên chồm tới trước. Tôi phải xốc bằng được thằng Nhung đứng dậy và chạy bắt cho kịp đồng đội. Muốn rút khẩu colt nhưng tay vẫn bại liệt, nặng như đá đè. Cả tấm thân bắn ra, ngã xoài, chắn ngang cửa hốc.
Đôi tia nắng bình minh lọt vào chiếu lấp lánh những tinh thể hoa cương trên trần đá. Có tiếng chim chích rụt rè lẫn trong vạc quạ quang quác. Hình như cả lá cây xào xạc cùng gió. Môi rát, cổ họng khô và đắng. Vừa cục cựa trở người, một cái đau xoáy bên sườn và dưới mông nhói buốt. Hoá ra tôi ngồi trên một hòn đá gồ ghề, vai dựa vào vách rêu ẩm ướt. Chẳng chờ đợi, tôi vội thè lưỡi liếm lấy giọt nước li ti. Chưa đủ, tôi ngoạm luôn mấy mẩu rêu, cảm giác mát rượi chạy từ miệng vào tận ngực. Bấy giờ nhìn xuống, đầu đứa nhỏ đè lên bàn chân, nó quặm hai chồi tay cụt vào tai che chắn, mắt nhắm nghiền, miệng phì phò thở. Cái nón sắt của tôi lăn cách chân nửa thước, còn nữa, một tấm khăn lông màu xanh lá mạ, một nhúm thịt tim tím hồng hồng tênh hênh trên đất đá. Sững sờ vài giây rồi cả thân nhào tới, hai tay run rẩy xúc nhúm thịt lên, dại điếng, đứng thở. Chẳng biết bao lâu sau tôi mới cử động được để úp mặt vào làn da dúm dó lạnh buốt của đứa bé sơ sinh. Bên ngoài hốc đá tự nhiên thinh lặng, một tiếng rít thất lạc của con chim hao hút bắn vút trong không gian.
***
Cây điệp bật trơ gốc khi tôi kéo được đứa nhỏ trở về mảnh đất đó. Gió lao xuống thung lũng cuộn lốc than tro cùng tất cả những thứ mà chỉ sau một chiều một đêm đã biến thành tàn tích chiến tranh. Gió quấn chúng vào lòng rồi hất lên, tung hê trong không gian đang toả một ánh trời đỏ hoang ma quái. Kèo cột cháy đen đổ sập trên nền xi măng cùng với gạch hồ vỡ nát. Mấy mảnh tôn bốc bay qua khỏi rặng khoai mì, nằm đón nắng trên vũng sình nâu đặc ngoài xa. Tôi bới tung những gì có thể xốc lên được. Hơi nóng bốc rực, tưởng chừng lửa vẫn tiếp tục làm công việc đốt thiêu tất cả bằng quyền lực của nó. Vết đạn đâm qua sườn lại ứa máu, nhưng không thể nào trở về quân trại nếu chưa tìm ra dấu vết của Nuông.
Đứa nhỏ rú lên khi nhìn thấy Nuông. Nàng còn nằm im đó, như chờ đợi. Mặt vẫn nghiêng sang một bên, nửa thân bị đè dưới thân cột đổ. Chiếc bàn con chỉ còn một góc đeo dính cái chân. Tôi ngó quanh tìm tấm ảnh Miên nhưng không thấy. Mới hôm qua Nuông ngập ngừng:
- Anh hỏi em sao không cho Đăng biết, làm sao em có thể nói với Đăng là em mang thai.
Lần cuối cùng anh ấy ghé lại đây, đem cho em mượn cuốn truyện này, không ngờ lọt tấm ảnh cô Miên.
Nuông ngừng, mệt nhọc ôm bụng ngồi xuống thành giường, đảo mắt qua căn phòng trú ngụ của mình và người cha trong ngôi trường nhỏ bé. Đôi mắt sưng mọng dại đi, không nhìn vào một điều gì, ngay cả xác cha đặt ngay ngắn trên ghế bố. Một lúc sau, chúng cúi xuống, chăm chú vào bức hình:
- Đăng đã kể với em về tình yêu ấy.
Đau đớn dấy lên rõ ràng trên khuôn mặt hơi dúm lại nhưng giọng nàng sao thật bình lặng. Thốt nhiên tôi nhận ra trong sự bình lặng ấy nỗi nhức buốt của chính mình. Cũng như Nuông, tôi không thể bật ra lời nguyền rủa sự tàn nhẫn dửng dưng, giết người thản nhiên, bạo liệt mà ngọt lịm của tình yêu, ngay cả sự chung thủy độc hại ngu muội của nó. Tôi chưa kịp nói với Nuông một câu gì, nàng đã hốc lên tiếng kêu đau, hai tay chụp bụm giữa đùi, hoảng hốt.
Gò bụng Nuông nổi gô, tròn vun đồi trọc. Tôi đè tay lên và ấn nó theo sức đẩy đứt quãng của nàng. Máu tuôn thắm mảng da đầu dính những sợi tóc mỏng của đứa hài nhi cứ mãi lập lò. Cửa vào người mẹ là cửa ra của nó. Cửa máu mẹ trút ra là cửa nó vào đời. Sao nó không ra đi, cho Nuông được giải thoát. Tôi không thở nổi, tôi sẽ tắt thở cùng Nuông, đau theo cái đau rút người của nàng. Tôi chỉ muốn thò tay lôi nó. Cái đầu tròn nhờn máu ấy đang căng nứt lớp màng ẩn mật, chúng sắp sửa bị xé toạc. Những lớp màng của thân phận, những cánh màn đỏ điều hai bên sân khấu thằng bé ngồi dưới ngưỡng mắt lên, chờ chúng từ từ đường bệ kéo ra, hiển hiện một phong cảnh thần tiên diễm ảo dưới ánh đèn màu sắc. Trong giây phút, quay mòng mòng bằng ấy ý nghĩ, tôi quên đứa nhỏ tàn tật đã sà xuống bụng Nuông, lọng cọng hai cùi tay cuống quít chắp chắp vỗ vỗ vào nhau. Môi nó chúm lại, thổi phì phò lên mặt Nuông. Biết nó muốn chia sẻ cái đau với nàng nhưng chỉ thêm vướng víu, tôi kéo nó ra, đẩy vào góc cửa. Nó hét lên mấy tiếng rồi bất chợt co cằm vào bụng. Không hiểu nó làm gì, nhưng khi tôi thoắt quay lại, nó, con bé, đã tụt được quần đang ngồi đái ngay bệ cửa, hai miếng mông xanh chì những vệt chàm. Nuông tiếp tục hổn hển, tay níu lấy hai ngáng chân, ngóc người mím môi rặn, rồi hết sức đành ngã vật. Tôi chụp lấy tấm lưng ướt đẫm, định đỡ nàng nằm, nhưng Nuông lại co thân, tất cả các bắp thịt vồng lên. Nàng túm lấy cánh tay tôi, hộc hơi sức cuối. Theo tiếng kêu đuối cùng của người mẹ, đầu hài nhi vừa lọt ra ngoài ngưỡng cửa đầm đìa đau đớn, rách toang.
Đặt đứa bé cạnh Nuông, tôi vớ tất cả những khăn mền kiếm được chung quanh quấn lấy người nàng. Máu vẫn không ngừng tuôn chảy, thấm qua bao lần vải. Nuông khép mắt rồi hé mở, nghiêng đầu kề môi lên đứa trẻ. Nó đã oe một tiếng chào đời thật nhỏ cùng lúc với súng cối nổ rầm mạn đầu con suối. Bỗng nhiên nó khóc to hơn, Nuông hơi giật mình, ra dấu. Tôi lóng cóng gỡ hàng cúc bấm cho nàng. Hai miếng môi nhỏ xíu vừa ngậm vào núm vú tím bầm thì cũng là lúc cánh tay Nuông cố giơ lên để ôm con, nhưng rơi hẫng trên mảnh khăn lông màu xanh lá mạ cuộn quanh người nó. Mặt nàng đổ nghiêng trên manh chiếu.
Tôi bồng đứa bé lên, nó chưa bú được tí gì, ré khan vài tiếng, rồi chừng không đủ sức lại im. Trong thoáng giây, hai con mắt nhắm nghiền, cái miệng chum chúm cọ quậy làm ngực tôi đau như dao đâm. Nó nhỏ nhoi quá, côi cút trong tay tôi run rẩy. Bất chợt tôi thấy lại đứa con mấy tháng ngày nào Hạc đi xin về, bế trên tay. Hạc hăm hở bước vào nhà giữa trưa nắng chói, thoáng ngạc nhiên nhận ra tôi còn ngồi ở bàn, chưa vào trại. E dè, Hạc đến gần, ngập ngừng rồi nói :
- Con nhỏ chưa có khai sinh, vợ chồng mình đặt tên chi cho nó chừ anh?
Tôi liếc qua cái gói Hạc đang ôm ấp, một mảnh mặt hồng hồng nhỏ xíu xa lạ lọt khỏi mớ khăn tã. Lẳng lặng đứng dậy, dúi điếu thuốc dở dang vào miệng tách cà phê, tôi với chiếc mũ chụp lên đầu, đi ra cửa. Hạc gọi giật:
- Anh nì.
Lạnh lùng quay lại, tôi đáp:
- Cô xin nó về thì lo liệu lấy. Tôi đã nói rồi, không con nuôi, không xin con Tàu lai.
Suốt buổi trưa và chiều ấy tôi không vào trại, lái xe tới chỗ con sông đổ ra biển, dừng lại và nhìn dòng nước cuồn cuộn, miên man tuôn chảy. Mong muốn nó cuốn băng đi nỗi bực bội bừng bừng, nhưng điếu thuốc này châm rồi tới điếu khác, đầu óc và lồng ngực vẫn nặng nề. Quành xe trở về thị trấn, tôi vào một quán ba quen thuộc bên bờ sông. Chiều đỏ quạch một ráng trên mặt nước, rặng núi đang thẫm dần giữa nền trời. Dăm ba con thuyền đánh cá lặng lẽ nối nhau ra biển. Ngoài ấy là thiên nhiên trầm mặc, trong này là một trại điên náo động tiếng cười tiếng rú lẫn trong kèn trống rập rình. Ngồi trên chiếc ghế đẩu cao bên cạnh quầy, tôi cúi nhìn đăm đăm hai đụn mông tròn căng của cô nàng tên Thúy, rồi đẩy mắt cao hơn, tới mảng da cổ gấp nếp sần sùi của tên marine Mỹ, trái táo Adam trồi thụt, to ùng ục như quả trứng gà bị nghẹt. Thấy tôi đang nhìn, hắn nói nhỏ câu gì vào tai Thúy, cô nàng hắc cười và quay lại, hai vành môi bung ra một màu cam loè loẹt. Tôi rùng mình, mới hôm kia, hôm qua, tôi đã chụp miệng mình lên chúng. Trong men say, vừa ấn sâu vào Thúy tôi vừa hào hển xin cô ta cho thằng con trai duy nhất của bố tôi một đứa con. Cho ngay đi, vì tôi không biết giờ nào tôi còn sống, giờ nào tôi sẽ chết. Bố tôi cũng gần đất xa trời. Hơn mười mấy năm vợ chồng vẫn không con. Hạc chạy đôn chạy đáo, thuốc nọ thầy kia và tôi hùng hục trên Hạc những đêm những ngày không phải hành quân, cấm trại. Hạc vẫn gầy thóp, bụng cứ phẳng lì, dẹp lép. Mẹ tôi không tin thằng con mình yếu kém, bố nó còn cho bà thêm đến bốn đứa con gái yểu điệu, bà bảo tướng người như Hạc vô sinh.
Thúy vẫn nắc nẻ cười, nhún nhún đong đưa theo điệu nhạc. Tu một mạch chai bia, tôi bước ra khỏi quán. Cơn gió từ biển thổi về quất mạnh hàng phi lao dẫn vào cổng trại. Trước khi ném người xuống cái giường vải, tôi bảo thằng thiếu úy cùng tiểu đội :
- Mày nói với sếp, từ giờ để tao đi hành quân tất, mày ở lại lo việc quân khu.
Biền biệt mấy tháng sau tôi mới trở về căn nhà cạnh con đường bụi cát. Mấy vòng kẽm gai trên khu đất trước mặt với chòi gác cao, dường lớn phình ra, vất vưởng. Ba cánh cửa liếp cài ổ khoá. Bà hàng xóm chạy qua nói rằng Hạc đã bồng con về Huế với cha mẹ từ lâu. Đứng trong căn nhà nhìn ra sân sau, nắng rơi trên bóng Hạc bên chum nước mưa đang dội toé từng gàu tinh tươm. Quay trở vào, nhoà nhoà dáng Miên di động trong những vảnh sáng mong manh lọt qua khe liếp, một hôm nào nàng đã đến đây để đợi chờ Đăng. Biết mình chẳng thể chịu đựng nổi sự trĩu nặng càng lúc càng tăng, gom vội vài thứ và đóng lại cánh cửa, tôi ra đi.
Lau phủi than tro, tôi nâng gương mặt Nuông quay nhè nhẹ lòng tay. Lạ thay hai riềm mắt khép, nét môi bình thản, không còn hằn đau đớn như hôm qua, khi tôi cúi xuống kéo cài lại manh áo cho nàng trước khi chụp cái nón sắt, ôm đứa trẻ sơ sinh chạy ra sân sau ngôi trường. Chưa kịp thoát vào bóng chiều đã sẫm, tôi nghe tiếng kêu khìn khịt, con bé tật nguyền đang cuống quíu lao theo. Bên ngoài rặng khoai mì chân người huỳnh huych, xôn xao giọng bắc trẻ lờ lợ: ‘‘Cẩn thận, khéo chúng nó còn đứa ẩn trong này’’, ‘‘Thì cứ bắn bao vài phát cho chắc’’. Thế là những phát đạn nả tới tấp, hình như một toán đã bọc ra sân sau tiếp tục nổ súng. Tôi nắm tay lôi con bé cắm đầu chạy men theo các lùm cây, bỗng một vật gì vụt vào mạng sườn, tôi khụy xuống vài giây rồi cố lết vào một bụi dẻ rừng. Pháo trên đồi bắt đầu dội xuống. Biết quân mình còn trên đó, tôi vùng đứng dậy băng về hướng ấy, đạn chiu chíu sau lưng. Chạy xen kẽ những đám cây u tối, trong đầu chỉ còn một ý nghĩ: đem đứa con Nuông mới sinh về cho Đăng. Tay ghì nó vào ngực, lần đầu tiên tôi được ôm một hơi ấm lạ lùng như thế. Tới chân đồi, biết mình chẳng đủ sức nữa, liền lủi ngay vào hốc đá đầu tiên bắt gặp.
Cũng chẳng tưởng được, mãi gần năm năm sau tôi mới gặp lại Đăng. Gặp, chỉ giây phút, giữa hỗn loạn đoàn người nằm ngồi trong cơn nắng thiêu lửa. Họ chờ đợi leo lên mấy chiếc GMC chạy về phiá nam. Khói lửa, súng đạn ầm ầm đuổi theo, cuộc chiến đang thu lại đằng sau gang tấc. Tôi bước vào cái quán che tôn bên lề quốc lộ kiếm một lon bia, Đăng ở đó tất tả đi ra. Cả hai ôm chầm lấy nhau. Gò má tôi ngấm những giọt mồ hôi ròng trên gương mặt hóp cháy của Đăng, chân râu nhiều ngày không cạo cứng ráp. Mái tôn đập bùng bùng trong cơn gió tây xoáy mờ cát bụi.
- Anh Vân, em không ngờ.
- Sao chú lại ở đây ?
- Em đã vào đến Nha Trang, nhưng nhận lệnh tiểu đoàn trở ra giúp dân di tản. Còn anh?
Tôi chưa kịp đáp, một người gọi réo tên Đăng từ trên chiếc GMC cùng lúc với tiếng la lối, chửi thề ỏm tỏi giữa đám dân đang tranh giành leo xe. Đăng vội bảo:
- Em ra dàn xếp đã, tí nữa mình gặp nhau.
Tôi vừa trở về tới chiếc chiến xa thì một đoàn người khác từ phiá bắc tràn tới, kêu khóc tán loạn lẫn trong trực thăng ồn ào. Quay lại tìm, không thấy bóng Đăng đâu. Mãi hai ngày sau, khi được nằm úp mặt trên một tờ báo, ngửi mùi đất nồng chỉ đủ ẩm qua cơn mưa mau tôi mới sờ tới chiếc ba-lô còn đeo theo người. Nắn nắn bên ngoài, vẫn trong đó bi-đông nước đã cạn, gói thuốc, bộ quần áo và cái đồng hồ của Đăng. Nó nằm dưới một mặt ghế chưa kịp cháy trên nền xi măng ngôi trường sập nát của Nuông. Tôi đem đi theo trong bao cuộc hành quân từ ngày ấy.
***
Hạc đem con gái đi Pháp tị nạn trước tôi nhiều năm. Ngày nàng đưa tôi về căn nhà trong lòng Paris rộng lớn xa lạ này, đứa con mấy tháng nàng xin về bế trên tay một trưa nắng cháy năm nào đã thoắt thành thiếu nữ. Dáng dấp nó khoẻ mạnh, có chút gì ngổ ngáo bên cạnh một Hạc khô xanh. Lòng mắt Hạc to sâu đã vương ánh bạc như mảnh vai tròn của nàng giờ nhô xương trong bàn tay tôi nắn nhẹ giữa đêm. Mỗi lần Hạc nói mớ giật mình, tôi chỉ cần vuốt xoa đôi lượt là nàng lại thiếp đi. Nâng đầu Hạc ra khỏi cánh tay, quay người sang bên, tôi nằm nghe tiếng xe rào rạt lướt trên con đường óng nước dưới cơn mưa, nghe gió lao xao và nghe sông chảy. Con sông ở thấp mấy tầng lầu sao có thể vọng lên đây, nhưng tôi cố tưởng tượng điệu nước vỗ êm đềm, lau lách. Nhất là những hôm trời bão, nếu không nghe nổi một dòng sông xuôi vuốt nhỏ nhẹ thì tiếng gió rú gào vần vũ, xoáy chung quanh các dãy lầu trong thành phố này sẽ nhanh chóng hất tung cuốn thốc, vất tôi vào kèn trống binh đao, người ngựa máu me loạn cuồng nơi hốc đá. Tôi sẽ lại mơ hoảng, úp mặt vào chiếc gối, cảm giác ủ vào mớ thịt đứa bé giá lạnh. Nằm một chốc, chợp đi rồi choàng thức. Mùa đông, chim đêm dành nhau chỗ ngụ đập cánh phành phạch dưới mái ngói. Thỉnh thoảng chúng chíu lên mấy tiếng lạc loài làm rút trong tôi giọng con hao hút giữa mấy ngọn đồi năm xưa. Âm thanh và hình ảnh cuộn quấn thành sợi thừng cứa qua cứa lại ngang trán. Mở mắt ra, tôi chạm phải mảng đầu hài nhi nhờn máu thập thò giữa hai chân Nuông. Nhắm mắt lại, tôi nghe tiếng khèn khẹt mũi và bước chân lật đật chạy theo. Từ buổi xốc đứa nhỏ cụt tay ngủ gục dưới chân mình trong hốc đá lên cho đến hôm dẫn nó về trại cô nhi, mỗi lần tôi nói gì con bé chỉ nhếch nhếch hai cánh mũi khịt khịt, môi chu lại, nó không buồn nói nữa, cả mấy tiếng u ơ. Người sư nữ quản trại hỏi tôi biết gì về nó, tôi nhớ Nuông đã bảo mẹ đứa bé chết mìn khi làm rẫy. Trong làng, ngày con nhỏ ra đời với hai cùi thịt trên vai, người ta xì xầm chắc chắn người đàn bà đã ăn nằm với một gã tàn tật nào đó qua làng. Ít lâu sau, lại có lời đồn, lúc mang thai bà ta ăn phải những củ khoai mì ngấm độc tố hoá học. Một ai nhạy miệng đã hỏi mẹ đứa nhỏ có ăn thịt con hao hút? Người đàn bà ngẩn ngơ đáp: ‘‘Mấy con đó hiền khô’’.
Trong ánh đêm nhập nhoà khung cửa, thấp thoáng gương mặt hiền lành nhưng mỏi mệt của Hạc. Từ ngày bảo lãnh cho tôi sang đến đây, nàng lặng lẽ hơn thời chúng tôi sống bên con đường quốc lộ bụi nắng. Rất hiếm khi Hạc nhắc về quá khứ, và dĩ nhiên tôi chẳng có mấy lần gợi lại. Thái độ của Hạc càng làm tôi ray rứt, dù tôi không nghĩ rằng nên giải thích một điều gì. Cũng may, rồi tự nhiên tựa một thoả hiệp ngầm, chúng tôi sống cạnh nhau như hai người bạn. Trong tuần đi làm về, tôi giúp Hạc đôi việc vặt. Hạc cho tôi nằm bên cạnh, xoa nhẹ đầu vai trấn tĩnh Hạc ở từng cơn ác mộng. Những giây phút ấy, tôi thương Hạc đến không ngờ. Một ngày, sẽ như những đôi vợ chồng già nua cô độc ở một vùng nào nước Nhật, tôi đưa Hạc tìm lên một miền núi khuất tịnh.
Nhưng hiện thời, trong căn nhà này không chỉ có tôi với Hạc. Còn đứa con của nàng. Ngay từ buổi đầu tuổi hai mươi tươi trẻ, cử chỉ háo hức của nó lại vực dậy hình ảnh Miên tràn đầy nhựa sống giữa một thị trấn ngoại biên xám đục nhang đèn lo âu sinh tử, vật vờ những con người ngờ ngạc bởi chiến tranh. Nét trong sáng của cô giáo Nuông cũng lởn vởn nhập trùng với khuôn mặt mịn màng của con gái Hạc. Nhưng các hình ảnh ấy dù khơi lại những điều tôi đã cố quên vào mấy năm tháng sau cùng, vẫn không làm tôi vật vã bằng sự ít nói lạnh lùng, dường như cố tình của con bé. Nó chối từ tôi như tôi đã lặng lẽ bỏ đi khi Hạc ôm nó về nhà. Chiều tan sở sớm, tôi thường đứng trên lầu cao nhìn xuống, mong thấy nó từ dưới hầm métro bên kia cây cầu nhanh nhẹn bước sang. Tôi tưởng tượng thuở nhỏ nó vừa tung tăng đến trường vừa hát. Tôi nhìn ra cả bàn tay bé xíu nắm lấy tay Hạc, miệng nói huyên thuyên. Một đôi khi, thoáng bắt gặp nó nằm co hai đầu gối lên ngực thật trẻ thơ, tôi bồi hồi cảm xúc. Muốn vuốt mái tóc, muốn quàng cánh tay tìm một hơi ấm, thứ hơi ấm lạ lùng chỉ một lần tôi được biết lúc ấp trong ngực đứa con Nuông vừa rời bụng mẹ, chạy băng băng qua thung lũng tối. Cứ tới cảm giác đó thì người tôi chao đi. Thái dương đập bập bùng, súng và đạn pháo nổ đùng đùng chan chát. Bao nhiêu trận mạc, thây người máu me thương tích dẫu sợ vẫn quen và quên, nhưng làn da tái lạnh của đứa bé con Nuông là một phiến thạch, có thể bất cứ lúc nào đáp vào mặt, đánh thức tôi bằng những giá buốt bàng hoàng. Cũng như bất ngờ trong cơn ngủ nặng nề, tôi thấy mình đứng giữa sa mạc, mắt bị mặt trời đốt cháy nhưng vẫn còn nhìn ra đứa nhỏ tật nguyền đứng đối diện trên đồi cát. Thân thể nó trồi dần dần lên khỏi mặt đất vàng gay gắt, các chồi thịt đang mọc ra từ bắp chân lên đến vai, đâm chẽ như những nhánh xương rồng. Để khi tỉnh dậy, tôi phải vồ vập lấy hình ảnh tươi mát của đứa con gái Hạc hòng xua đuổi ngay đi từng ấy ám ảnh mê hoang.
Hai ba ngày trước, Hạc thoi thóp: ''Đã đến lúc mình phải kể hết cho con bé nghe, em đi mới nhẹ lòng''. Tôi không đáp, tôi không muốn nói gì, tôi chỉ muốn ngồi đây với Hạc, trong đêm xanh. Một tiếng chim khua lên ngoài khu vườn bệnh viện, lá hồ đã rụng từ một mùa đông xưa. Tất cả đối với chúng tôi đều vô cùng vời vợi. Thời gian. Tôi giơ hai bàn tay vuốt mặt, lại nhớ ngày nhỏ mẹ hay bảo: ''Thằng này con trai mà mắt ướt, nhưng được cái tai dài tay to, chẳng biết làm nên vương tướng gì?'' Lần đầu tiên cầm cây súng, ngó xuống bàn tay chùm gọn báng súng, tự nhiên tôi chợt nghĩ mẹ sẽ đau lòng khi một ngày tôi dùng ngón tay to lớn để nẩy cò vào một con người nào đó.
Cũng không ngờ chính bàn tay quá khổ này đã thẳng thừng đập vào khuôn mặt đứa con gái của Hạc. Hai tròng mắt nó trừng lên cùng tiếng thét mê sảng. Cánh tay nó với chụp vào khoảng không ở đầu giường một cách tuyệt vọng, trong khi gã con trai đang dập dình trên thân chao qua bên cạnh. Cơn giận đã đập vỡ màng tang, bốc cháy lòng mắt vào lúc tôi đẩy cửa phòng con bé. Hai người đàn ông nhà xác bệnh viện vừa đậy nắp quan tài của Hạc là tôi hộc tốc băng qua cả thành phố chạy về nhà tìm nó. Tôi không hiểu vì sao con bé vụt tông cửa nhà liệm bỏ đi, khi người ta đem Hạc ra cho tôi và nó nhìn Hạc lần cuối. Ngực tôi buốt lên với ý nghĩ: Có phải nó không chịu nổi nỗi đau? Nhưng chẳng ngờ, nó đang trườn người hoan lạc dưới một thằng con trai trong lúc Hạc hiu quạnh trơ vơ nằm đó, màu áo xanh xao. Thật là một nhầm lẫn khi tôi chọn chiếc áo ấy để người ta mặc cho Hạc một lần vĩnh viễn, dù cũng cùng lớp lụa tươi sáng mà cô giáo Hạc mới ra trường đã mặc và e ấp ra chào hai họ vào ngày cưới. Tấm áo quá mềm quá mỏng càng lộ ra thân hình nàng giờ đã keo khô. Cúi xuống cầm bàn tay Hạc được người ta chắp lên nhau, đặt ngay ngắn trên bụng, tôi thảng thốt nhận ra ước muốn cùng nàng đi về một miền núi chợt vút bay đi.
Đứng sựng lại bên bờ con sông, ngước lên căn lầu ấy tôi buốt ngực nhận ra, cái tát vô lường đó đã đập tan tành hi vọng một ngày con bé chấp nhận sự có mặt của tôi. An táng Hạc xong, nó đi về bất thường, không nói năng một lời, tới nhà là chui vào phòng sập cửa. Căn nhà trở thành một cái hộp bưng kín, trong đó tôi quay cuồng dằn vặt, tăm tối. Chỉ có khuôn mặt, ánh mắt của họ mênh mênh trong đầu tôi từ ban ngày cho đến chập chờn giấc mộng đêm khuya. Họ, những người đàn bà, Hạc, Miên, Nuông, đứa nhỏ còi tay nơi thung lũng và con bé đôi mươi tinh anh này. Họ, những cánh chim hao hút đã đâm thẳng vào hồn tôi, đá vỡ.