Chương 10
Tác giả: Mai Thảo
Trường lùi lại một bước. Tôi sung sướng đứng im cho chàng ngắm nhìn. Đôi mắt chàng chạy lướt trên thân hình tôi, là một vuốt ve nồng nàn làm cho tôi rạ rực. Hàng trăm người đàn ông đã nhìn tôi, chưa từng một người đàn ông nào biết nhìn tôi như vậy. Trước cái nhìn của Trường, tôi có một cảm tưởng mình là một người đàn bà khác thường, không giống với một người đàn bà nào khác.
-Em không trang điểm thì thôi, đã trang điểm thì phấn son gặp em là một hạnh phúc lớn. Thôi, chúng mình đi!
-Anh có xe đấy ư?
Trường chỉ tay ra ngoài đường:
-Và xe sẽ chở em đến tất cả những nơi nào em muốn đến.
Tôi gọi u già lên, dặn coi nhà rồi sánh vai Trường đi ra. Chiếc xe hơi tôi nhìn thấy không phải là chiếc xe của Trường.
-Xe kia đâu?
-Một người bạn mua lại rồi. Nói đúng hơn, anh bắt nó mua lại.
Tôi ngạc nhiên:
-Sao vậy?
-Trong thời kỳ anh đi vắng, anh cho nó mượn nó dùng thế nào bây giờ anh không còn nhận được ra là xe của anh nữa. Thế có khiếp không? Thôi thì bắt nó lấy luôn! Chiếc xe kia anh tạm mượn của một người bạn khác. Sáng mai, anh sẽ ra hãng đặt mua một chiếc xe mới. Em thích kiểu xe nào? Màu gì?
-Tại sao anh hỏi em vậy?
-Tại sao không hỏi?
Tôi cười:
-Anh mua xe này, đổi xe nọ đã nhiều lần. Có bao giờ anh hỏi ý kiến em đâu?
-Đúng! Nhưng từ nay trở đi khác. Làm gì, anh cũng sẽ hỏi ý kiến em. Mua xe cũng vậy.
Tôi dịu dàng:
-Bao giờ anh cũng tự do, tự do làm những điều anh yêu thích. Không bao giờ em dám ngăn cản anh một chuyện gì hết. Anh là người đàn ông mà không một người đàn bà nào có quyền ngăn cản hoặc làm cho đời sống vướng bận.
Trường cười:
-Nhưng nếu một lúc nào đó, anh thích bị ngăn cản, anh thích được vướng bận?
Tôi lắc đầu:
-Không bao giờ có như thế hết.
-Có chứ.
-Nếu có cũng chỉ là một vấn đề thời gian. Trong một thời gian nào đó mà thôi. Rồi những ràng buộc với anh sẽ trở thành một giam cầm.
Trường lái xe từ từ trên những đường phố. Khuôn mặt chàng trông nghiêng in lên một nền nhà cửa và cây cối thoang thoảng lùi ngược. Nét mặt chàng trang nghiêm.
Lông mày chàng hơi nhíu lại. Như điều tôi vừa nói có làm cho chàng suy nghĩ. Từ lúc chàng về, Trường đã nhiều lần tỏ ý với tôi là lần này chàng sẽ không đi xa nữa, chàng đã chán ngấy những cuộc hành trình, những chuyến viễn du, những lần xuất ngoại, và những thuyền nửa đời lênh đênh, bây giờ về hạ neo vĩnh viễn ở bến. Tôi biết Trường thành thật, bởi cái lẽ giản dị là chàng chưa từng nói dối bao giờ. Nhưng biết đâu, chàng chỉ thành thật với chàng lúc này, rồi lúc khác chàng thay đổi ý kiến. Chàng cũng thành thật vô cùng trong sự thay đổi ấy.
-“Có thật là anh không xê dịch nữa không, anh yêu dấu? Có thật là cánh chim bằng muốn đậu xuống, đám mây thôi bay đi, ngọn gió thôi thổi tới, và dòng sông chảy ra đại dương đời mênh mông muốn trở lại thành một dòng sông bé nhỏ trong đồng? Có thật thế không? Nếu em có hỏi, em biết trong thâm tâm anh, anh không trả lời được. Khuôn mạt anh nghiêm trang thế kia, tức là những câu nói của em đã làm cho anh suy nghĩ. Cho tới những giây phút này, em vẫn không thể tưởng tượng nổi ra anh như một người cha, như một người chồng. Mà anh chỉ là anh. Mãi mãi chỉ là anh. Một người đàn ông đặc biệt khác thường, ở ngoài mọi đời sống kẻ khác.
Tôi xích lại thật gần, đặt đầu vào vai Trường. Chúng tôi cũng im lặng một lát, mỗi người theo đuổi một ý nghĩ riêng. Trường nhìn xuống tôi, chàng hôn nhẹ lên mái tóc tôi, chàng định nói gì đó rồi lại thôi. Xe chạy ra phía bờ sông. Gió Bạch Đằng mát rượi. Những cặp tình nhân lững thững dắt tay nhau giữa một bầy trẻ đùa nghịch ồn ào. Những ánh đèn le lói ở phía bên kia bờ sông. Mặt nước đoán thấy sâu, tối, và những kè đá đoán thấy nhịp nước vỗ đập thành một điệu xôn xao rì rầm.
Để phá tan một im lặng có thể làm cho buổi tối mất vui từ những giây phút khởi đầu, tôi hỏi nhỏ:
-Đi đâu bây giờ anh?
-Đưa em đi ăn.
-Tiệm nào?
-Một bữa cơm Việt Nam. Một bữa cơm Việt Nam 100%.
Tôi nghĩ đến những tiệm cơm Việt Nam chật chội, đầy đặc những khuông mặt, ồn ào những tiếng động. Tôi muốn đến một nơi yên tĩnh.
Cuối cùng chúng tôi chọn một tiệm cơm tây nổi tiếng bên vùng Khánh Hội. Khung cảnh tiệm ăn rất ấm cúng. Một vài đám khách vừa ăn vừa thì thầm nói chuyện. Trường đưa tôi tới một bàn ăn nhỏ ở một góc phòng. Chàng hỏi khi người bồi bàn tiến lại với một tấm thực đơn trên tay:
-Em uống một chút rượu?
Tôi gật đầu:
-Vâng.
-Ăn xong chúng mình đi đâu?
-Tùy anh.
-Em thích đi nghe nhạc hay đi xem chiếu bóng?
-Anh muốn thế nào cũng được.
Trường ngạc nhiên:
-Ô hay! Sao hôm nay em không có ý kiến gì thế?
Tôi dịu dàng:
-Anh có ý kiến cho cả hai chúng mình không được hay sao?
Trường nhìn tôi đăm đăm rồi chàng lắc đầu, mỉm cười:
-Em là người đàn bà dịu dàng nhất thế giới.
Những lời khen ngợi của Trường lúc khác làm tôi sung sướng. Lúc này, chàng càng khen ngợi tôi bao nhiêu, tôi càng ngấm ngầm đau đớn bấy nhiêu. Tôi biết rằng ngày mai đây và cho tới mãi mãi, chàng chẳng thể khen tôi được nữa. Chàng sẽ nhìn tôi bằng những ý nghĩ khác. Và tới một ngày kia, chàng sẽ quên tôi như lãng quên một con đàn bà tầm thường. Chàng nhìn thấy tôi khác thường, trong ki thật sực, tôi chỉ là một người đàn bà cũng tầm thường như tất cả những người đàn bà khác. Thảm kịch cho cả hai chúng tôi là ở chỗ đó. Giờ phút của sự thật tàn nhẫn sắp tới rồi. lát nữa, đêm nay thôi, bởi vì tôi quyết định không lần lữa tới ngày mai để làm gì.
Muốn thế, tôi phải có can đảm. Tôi tìm can đảm ấy bằng rượu. Người bồi bưng ra một sô nước đá. Trong sô là một chai rượu chát.
Khi rượi được rót ra hai cái lỳ thủy tinh có chân, tôi cầm ngâ lấy một ly nâng lên:
-Mừng anh!
Trường mở lớn cặp mắt vui thú:
-Xem chừng em nhất quyết uống rượu.
-Anh tưởng em đùa sao?
-Em vừa nói mừng anh. Mừng gì?
-Mừng anh trở về.
Trường nâng ly theo:”
-Mừng cho hai chúng mình gặp lại nhau.
Tôi cố giấu xúc động, bởi phút này tôi lại muốn òa khóc bằng cách nâng ly lên uống thẳng một hơi. Trường cười lớn thành tiếng:
-Hay lắm!
Chàng cũng uống một hơi cạn. Người bồi rót tiếp rượu bào ly tôi. Trường nói khi tôi thò tay định cầm lấy ly rượu mới:
-Coi chừng kẻo say đó em!
Tôi nghiêng đầu nhìn màu rượu đỏ thẫm:
-Rượu chát mà!
Trường giơ ngón tay:
-Đừng tưởng! Rượu chát mà uống nhiều cũng say lắm đó.
-Em muốn say hôm nay.
Tôi uống hết ngay ly rượu thứ hai. Khi men làm cho thân thể tôi bừng bừng, thái dương hầm hập và tim đập mau trong lồng ngực. Tôi biết hai gò má đang ửng hồng và cái nhìn tôi long lanh. Và tôi đã có đủ can đảm cầmn thiết.
Trường uống thật nhiều mà không say. Cái nhìn của chàng chỉ hơi nồng nàn thêm một chút. Trong bữa ăn, tôi đòi chàng kể chuyện về những vùng chàng đã tới trong chuyến đi xa kéo dài gần một năm.
-Hôm em đưa anh đi, trời mưa phải không?
-Vâng, mưa khá lớn.
Trường cười:
-Anh nhớ rồi. Hôm đó em nói trời mưa là nước mắt khóc người đi của người ở lại. Chuyến đi của anh hình như chỉ có trận mưa ấy ở phi trường, còn thì tới đâu, hình như cũng có mùa xuân và nắng ấm. Một tháng ở Paris và Luân-Đôn có tuyết, bấy giờ là ở giữa mùa đông, nhưng thời tiết cũng khô ráo lắm, và mưa thì họa hoằn không đáng kể. Về tới Sàigòn bây giờ cũng nắng nữa. Năm nay, anh sống với trời xanh và nắng vàng gần như từ tháng giêng tới tháng chạp.
Câu nói của Trường, 12 tháng sống phiêu bạt nay đây mai đó của Trường làm tôi liên tưởng tới một năm sắp tàn của mình. Trời hình như lúc nào cũng mưa. Sáng đã dầm dề, chiều còn lướt thướt. Đêm nằm nghe mưa rơi, tới lúc thức dậy mưa còn nặng hạt. Hình như có một bài hát hay một bài thơ nào đó đã nói đến thứ mưa khắp ấy, mưa ngoài trời, trên phố, trên cây, còn mưa trong lòng người (1). Đời tôi, của năm sắp phai tàn này ở giữa trận mưa liên miên không như vậy. Và đó cũng là một lý do hết chịu đựng nổ sự cô đơn.
Tôi mơ màng trong sự buồn rầu dịu dàng vừa đấy. Trường nhận thấy ngay sự thay đổi này:
-Em làm sao thế?
Tôi chối:
-Không! Chỉ hơi say một chút.
-Đang vui em bỗng buồn. Nhìn mắt em, anh biết!
Tôi nhìn ly rượu:
-Uống rượu say hay buồn lắm phải không anh?
-Tùy.
-Tùy là thế nào?
Trường cắt nghĩa:
-Có những người uống rượu say rất vui. Như bọn thủy thủ quốc tế gặp anh ở những bến tàu. Họ uống rồi ca hát, cười nói nghiêng ngả. Họ đập phá đôi khi, cũng có một hai người buồn. Đó là những anh chàng mới đi biển, nhớ nhà hay tưởng nhớ đến người yêu xa. Nhưng phần lớn vui thật ồn ào, thật sảng khoái. Lại có những người say thì đau đớn, điên dại, khóc lóc. Rượu khi đó là một liều thuốc quên đời.
Trường giơ tay nhún vai:
-Vấn đề là cuộc đời còn nguyên vẹn đó. Không quên dễ dành như vậy được!
Tôi hỏi:
-Anh thì thế nào?
-Rượu?
-Vâng. Anh có say bao giờ không?
-Có chứ!
-Lúc say anh có đập phá như lính thủy thủ hay anh khóc lóc?
Trường cười lớn vui thú:
-Không đập phá, cũng không khóc. Chỉ nhớ em, những lúc xa em, nhớ ấm áp và rất dịu dàng.
-Anh cứng cáp, anh đúng là đàn ông. Em đàn bà, em khác.
Tôi nâng ly uống hết và nói:
-Em sắp say rồi, và em sắp muốn khóc rồi đây!
Tưởng chỉ là câu nói đùa, mà nói xong, nước mắt tôi ứa ra. Tôi cúi đầu xuống, cố giấu, không muốn cho Trường nhìn thấy cặp mắt tôi nhòa lệ.
Trường thấy. Chàng đặt nhẹ tay lên vai tôi:
-Em làm sao thế?
Tôi nói không ngẩng đầu lên:
-Anh đưa em về.
-Không đi đâu nữa?
Tôi lắc:
-Không! Anh cho em về nhà. Em có chuyện muốn nói cho anh biết.
Trường băn khoăn:
-Em có làm sao không?
-Có sao đâu? Em chỉ muốn về nhà.
-Chuyện gì? Nói ở đây không được sao?
-Chuyện dài lắm. Nói ở đây không tiện!
Trường cười:
-Đến lượt em bí mật ghê.
Tôi buồn rầu:
-Em thật tình không muốn như thế.
Trường gọi bồi, trả tiền, đẩy ghế cho tôi đứng lên. Ra đến ngoài đường, con đường Trịnh Minh Thế tuy mới hơn 9 giờ tối đã vắng lắm, chỉ còn lác đác dăm bảy bóng người đi lại. Trời đầy sao trên đầu, những vì sao cũng buồn rầu như cặp mắt tôi ngó nhìn lên chúng. Trường nhìn sang bằng cái nhìn trêu nghịch. Chàng toan cười, nhưng thấy khuôn mặt tôi quá chừng nghiêm trang, chàng thôi không cười nữa. Chúng tôi vào xe. Tuy đoạn đường về nhà ngắn ngủi và tuy đầu óc hoang mang chưa biết nói với Trường như thế nào cho thật gọn gàng, sáng tỏ. Tôi cũng xích gần chàng, đặt hẳn đầu tôi lên vai chàng. Một lần cuối cùng, tôi muốn được thấy tôi nhỏ lại, bên cạnh cuộc đời chàng mênh mông, con người chàng to lớn. Tôi đang sống những phút buồn rầu của đời tôi, nhưng tôi cũng biết rằng những giây phút buồn rầu này, tôi nhớ mãi một đời.
Xe chạy từ từ. Những bóng lá trên đầu thấp thoáng rồi mất đi cho những khoảng trống hiện ra. Bỗng tôi nói:
-Không bao giờ em quên được buổi tối hôm nay.
-Thế ư?
-Vâng. Chính vì thế mà ban nãy em đã khóc.
Im lặng một quãng, chừng như Trường đang ngạc nhiên về cái thái độ lạ lùng, buồn vui bất chợt của tôi lắm lắm. Chàng toan hỏi điều gì đó, lại thôi. Tôi gọi:
-Anh à!
-Anh đây!
-Anh cho em được nói trước với anh một điều này.
Trường hỏi dịu dàng:
-Lát nữa vè nhà nói cùng một thể không được sao?
-Em muốn nói bây giờ. Lát nữa là chuyện khác.
-Điều thứ nhất là?
-Em xin lỗi trước về tất cả những điều lát nữa em sẽ nói với anh.
-Nhưng tại sao lại xin lỗi?
-Anh sẽ biết! Cho em xin lỗi đã.
Giọng tôi khẩn khoản, đau đớn, khẩn cấp. Trường ngẫm nghĩ rồi gật đầu:
-Được! Còn điều thứ hai?
-Là anh biết cho, biết cho em đừng bao giờ quên, dù là thế nào. Trong trường hợp nào em cũng yêu anh.
Tôi nói tiếp với Trường, còn với chính tôi nữa:
-Anh ở trong tâm hồn em. Em yêu anh mãi mãi.
Trường hôn nhẹ tóc tôi:
-Anh biết thế từ lâu. Em cần gì phải nói.
-Cần! Cần cô cùng! Anh nhớ thế cho em!
-Anh nhớ.
Cho tới lúc xe ngừng lại trước cửa nhà, chúng tôi không nói với nhau một lời nào nữa. Sau này nhớ lại, những phút im lặng ấy thật trầm trọng, trầm trọng một vẻ khác thường. Chừng như Trường đã đoán hiểu được phần nào. Chừng như không rõ. Tôi chỉ thấy là chàng vẫn bình tĩnh như không, nét mặt trông nghiêng vừa tình cảm, vừa cứng rắn của chàng đẹp hơn bao giờ hết. Chàng tắt máy xe. Chàng xuống xe, đi vòng sang, mở cửa cho tôi bước xuống. Tôi gục đầu vào vai chàng, đứng im một giây, nhắm mắt lại. Thành phố chung quanh chợt im lặng hẳn, như đời sống ngừng lại, không còn một tiếng động nào. Rồi chúng tôi vào nhà.
Chú thích:
(1) Đó là nhạc phẩm “Mưa” của cố nhạc sĩ Văn-Phụng. (Mưa rơi... rơi trên đường...)