Chương 6
Tác giả: Mai Thảo
Buổi trưa hôm đó, tôi bỏ cơm. Nhã đẩy cửa buống bước vào, ngạc nhiên thấy tôi còn nằm vùi đầu vào gối.
-Chị dậy ăn cơm.
Tiếng tôi, nghe như tiếng ai:
-Chị không ăn.
-Chết! Không ăn sao được!
-Chị không thấy đói. Đi ra! Ăn đi! Mặc chị!
Nhã ngồi xuống cạnh giường:
-Chị vừa đau, đang cần ăn uống cho lại người. Tại sao lại bỏ bữa ăn như vậy?
Tôi vùng quát lớn:
-Đã bảo tao không đói! Sao cứ nói nhiều? Đi ra!
Nhã cụt hứng đứng lên. Nhưng nó không chịu đi ra, mà hỏi:
-Anh Trường nói gì trong thư?
-Không nói gì hết.
-Chị lại giấu em.
-Đã bảo không có gì hết! Ô hay! Không để cho tao nằm yên được một lát sao? Biết thế này tao nằm luôn ở bệnh viện, về nhà làm gì!
Nhã đi ra, khép cửa buồng lại, để tôi nằm một mình trong bóng tối. Tôi định gọi nó lại, xin lỗi nó về sự tức giận vô lý của mình. Nhưng tôi không còn sức để ngồi lên, để lên tiếng nữa. Tôi đã nhận được thư Trường. Lá thư đã làm cho tôi tuyệt vọng.
Trường viết cho tôi từ Đông Kinh, điều mà tôi không thể ngờ tới, tưởng chàng vẫn còn ở Âu Châu như đã nói trong lá thư trước. Như thường lệ, chàng tả Đông Kinh cho tôi nghe... Những đêm Đông Kinh và những người con gái Phù Tang chàng gặp từ phi trường tới các trà thất, chỗ ở của chàng trên tầng lầu thứ 5 một khách sạn mới xây cất, cửa sổ buồng ngó xuống một trong những trung tâm thương mại và du hí sầm uất thịnh vượng vào bậc nhất của Đông Kinh bây giờ. Đó là đoạn đầu của lá thư, đoạn tôi đọc bằng tất cả sự mê thích của mình vì Trường có một lối tả thật đặc biệt, dí dỏm và đột ngột. Phần thứ hai của lá thư, mắt tôi sầm tối lại. Chàng nói chàng phải ở lại thủ đô Nhật Bản một thời gian không biết là bao nhiêu lâu.
“Hãng vừa quyết định đặt thêm một chi nhánh ở đây, giao cho anh mọi công việc liên hệ (1) với thủ tục thiếp lập chi nhánh, tìm trụ sở, đặt văn phòng v... v..., nghĩa là những công việc đòi hỏi rất nhiều thời gian và tổ chức. Anh đã từ chối, yêu cầu hãng giao việc này cho người khác, nhưng hãng không thuận, viện lẽ không có ai đủ thẩm quyền thay thế. Anh không làm thế nào hơn là viết thư cho em ngay, anh chưa thể trở về Sàigòn sớm như đã hẹn với em ở lá thư Paris. Đừng buồn nhé! Nhớ em vô cùng là nhớ! Nhưng anh báo cho em tin vui này, là sau khi đặt xong chi nhánh cho hãng ở Nhật, anh sẽ được về Sàigòn, lần này không phải đi đâu xa nữa, ít nhất cũng trong 1-2 năm. Ở nhà, em vẫn được mạnh đấy chứ? Cho anh hỏi thăm cô Nhã. Thế nào? Cô ấy...”
Tôi không muốn biết gì thêm nữa. Điều duy nhất muốn biết, tôi đã được biết rồi. Chàng không về, không biết đến ngày nào chàng mới trở về? Tôi đợi chàng đến bao giờ? Đến hết mùa mưa này? Đến hết mùa nắng tới? Đến hết đời tôi sao? Không bao giờ Trường biết đời sống của tôi như thế nào! Những buổi chiều buồn, những đêm thao thức, 10 ngày tôi nằm ở bệnh viện... Những cơn đau thật tử nhất sinh, không bao giờ Trường biết tới! Chàng nói chàng đã từ chối, nhưng hãng không chịu. Chàng có từ chối thật không? Chàng có quyết liệt từ chối? Lần đầu tiên, sự ngờ vực làm cho tôi hoang mang đau đớn. Tôi muốn tin chàng, tin hết lòng; tin như đã bao nhiêu lần tôi hằng tin như vậy. Nhưng tin là một chuyện, đời tôi, tôi phải sống là một chuyện khác. Tôi phải sống, tôi phải sống! Tôi nghe thấy tôi thì thầm với mình nhiều lần như vậy, trong một tâm trạng mê sảng và đau đớn chập chờn. Chừng như tôi đã ứa nước mắt. Chừng như tôi đã vật vã, muốn gào thét, muốn đập phá một cái gì. Nhưng rồi sự mệt mỏi đã chôn chết tôi xuống mặt nệm. Tôi thỏ dài não nuột và ngủ thiếp đi.
Buổi chiều vàng vọt và u uất. Khi tôi tỉnh dậy, Nhã đã ra khỏi nhà tự lúc nào. Ngôi nhà vắng lặng, im phắc như môt nhà mồ. Dưới gối. lá thư Trường nhầu nát còn nằm ở đó, và nhìn những trang giấy của người ở xa báo tin chưa thể trở về, trái tim đau yếu, hồi hộp của tôi lại nhói đau, muốn vỡ tan thành muôn nghìn mảnh nhỏ.
Tôi mở rộng mọi khung cửa, cố đẩy dạt những ý nghĩ đen tối, u uất ra khỏi đầu óc. Trên đời tôi, đã những núi đau và những rừng sầu chất ngất, phần đời còn lại không thể lại như thế, lại chỉ những núi đau, lại chỉ những rừng sầu. Tôi lấy tất cả những thư của Trường ra đọc lại. Đọc lại, khác với những lần trước, bởi đọc lại đây là lần đọc lại cuối cùng. Thôi, không sống với những kỷ niệm nữa, bởi kỷ niệm, cho dù là những kỷ niệm nõn nà châu ngọc đến đâu cũng không thể tạo thành đời sống. Thôi, không giam thân nữa, trong những buổi chiều đợi chờ. Vì đợi chờ là một tàn phai, một khô héo dần dần.
Tôi xem lại hết lá thư này đến lá thư khác. Xem tới đâu, nước mắt chảy ra tới đó. Thế này tức là đã phụ nhau rồi đây. Thế này là một ước nguyền đã bị hủy bỏ, một cam kết đã thôi gìn giữ. Tôi gạt nước mắt, lấy một sợi dây buộc tất cả những tờ thư thành một buộc lớn, cho vào một ngăn kéo, khóa lại. Sau đó, tôi mím môi, làm một cử chỉ thật quyết liệt. Tôi liệng chiếc chìa khóa lên nóc tủ.
Tiếng gõ cửa nổi lên liền sau đó. Tôi chải tóc, mặc áo, mở cửa buồng đi ra. Tôi biết người gõ cửa là Phan chứ không thể là ai khác được.
-Mời anh vào đây.
Cánh cửa chiều nay mở rộng cho Phan hơn là những chiều khác. Thái độ tôi đối với Phan cũng niềm nở sốt sắng hơn mọi lần. Sự thay đổi này cố nhiên làm cho Phan vừa lòng. Sự vui mừng ngạc nhiên làm cho Phan đứng ngẩn người ra với nét mặt hớn hở, rực rỡ.
-Tuyền đang làm gì?
-Ngủ ạ!
-Nghĩa là tôi đã phá giấc ngủ của Tuyền?
-Đâu có! Ngủ đã đủ giấc thì anh tới.
Phan nhìn quanh:
-Nhã đâu?
-Em nó đi từ chiều.
-Chị người làm đã lên?
Tôi lắc đầu:
-Chưa! Xin về một tuần, kéo dài luôn đến gần hết tuần thứ hai rồi mà vẫn chưa thấy mặt. Người ăn người làm bây giờ như thế đó anh!
Phan ngẫm nghĩ, nhìn đồng hồ rồi hỏi:
-Tuyền ăn cơm chưa?
-Chưa anh ạ! Còn chờ Nhã về. Nó có thổi thì mới có cơm ăn chứ.
-Chờ Nhã về biết đến bao giờ!
-Chắc cũng sắp.
Phan đề nghị:
-Tôi cũng chưa ăn cơm. Hay là chúng mình đi ăn cơm tiệm một bữa.
Hôm qua, hôm kia, tôi đã từ chối. Nhưng hôm nay thì không. Mặc dầu vừa đau, còn phải nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, tôi cũng muốn ra khỏi nhà. Bầu không khí trước đây êm ấm bình lặng của ngôi nhà với tôi bỗng là một thứ không khí u uất đầy phiền muộn, mà tôi muốn ra khoát. Trở vào phòng ngủ, nằm một mình, chắc tôi lại lấy những tờ thư cũ của Trường ra đọc, và chắc tôi lại khóc.
-Vâng! Nếu anh muốn.
Phan vui mừng:
-Tuyền đi mặc quần áo đi.
-Anh chờ cho 15 phút nhé?
-Được.
Tôi bắt Phan đợi hơi lâu. Ngồi vào bàn phấn bật đèn, tôi trang điểm rất cẩn thận. Thật ít khi tôi dành cho phấn son và trang điểm một tầm quan trọng như vậy. Trong thâm tâm, tôi không muốn nhìn thấy tôi đau, tôi không muốn nhìn thấy tôi buồn nữa. Một lớp sóng đau và một lớp sóng buồn, tôi muốn đẩy dạt chúng về những bến bờ quá khứ. Bây giờ tôi phải vui, phải hồng, trở lại với đời sống trên một con đường mới, có nắng vàng nhảy múa theo từng bước chân.
Trang điểm xong, tôi lấy cái áo màu rực rỡ nhất mặc vào người. Đứng trước gương, tôi không còn nhận ra tôi của những ngày trước khi vào bệnh viện nữa. Những tấm áo đen buồn bã, những hàng áo nâu, xám trống trơn kín đáo xưa nay tôi vẫn yêu thích, từ chiều ngay tôi cất vào hộc tủ để sống với những màu sắc tươi vui hơn. Khi tôi từ nhà trong đi ra, chính Phan cũng phải ngạc nhiên, tròn mắt nhìn.
Tôi mỉm cười tinh quái:
-Anh không nhận ra tôi nữa sao?
Phan ấp úng:
-Có chứ! Có điều là hàng áo màu đã làm cho Tuyền trẻ lại.
-Tôi trẻ lại chỉ vì hàng áo?
Phan đã lúng túng, lại càng lúng túng hơn:
-Tôi không định nói thế. Hôm nay Tuyền vui bất ngờ. Thường thường Tuyền buồn luôn luôn, sự bất ngờ bao giờ cũng ngạc nhiên.
-Thôi, đi anh!
Phan nhìn đồng hồ:
-Tuyền có muốn đợi Nhã?
-Mặc nó! Biết lúc nào nó về? Vả lại, chiều nay tôi muốn đi một mình.
Buổi tối đi ăn cơm tiệm tay đôi với Phan thật là một buổi tối lạ lùng. Thái độ tôi rất khác thường. Gần như tôi không làm chủ được mình nữa. Tôi cười nói luôn miệng. Có những lúc tôi lại ngồi thừ người nhĩ ngợi. Tuy có Phan ở trước mặt mà đầu óc thì để tận đâu đâu. Tôi muốn quên Trường, đã quên được phần nào. Tôi không muốn nhớ đến Trường nữa, nhưng lại nhớ đến, quá lắm, bằng một cách nhớ nào đó. Trong nỗi nhớ có đau buồn, có xót xa ngậm ngùi, không thể nào nói hết được. Tiếng là đã thực hiện cho mình một lựa chọn mới, lựa chọn này gần như đã hàm chứa ý nghĩa một chặt đứt, một đoạn tuyệt tàn nhẫn, mà kỳ thực là lòng tôi phân vân và bối rối đến tận cùng. Tôi muốn nghĩ cho tôi là không thể yêu Trường được nữa, vì người ta không thể yêu một dòng nước chảy, một đám mây bay, một hình bóng thoáng. Nhưng tình yêu có những lý do tồn tại riêng biệt, mà chính tôi không làm gì được. Tôi giận Trường? Đã đành! Hiển nhiên! Nhưng tôi đã hết yê chàng? Nếu câu trảo lời là hết thì đó là một lời giả dối.
Tôi cố giấu, không cho Phan thấy được sự hoang mang đau đớn của mình, sợ Phan buồn. Chúng tôi ngồi ở một tiệm ăn có máy lạnh gần khu tòa nhà Quốc Hội. Phòng ăn khá ấm cúng. Ánh sáng dịu dàng, không chói mắt, những người khách ngồi ăn chung quanh đều đứng tuổi như hai chúng tôi. Họ vừa ăn, vừa thì thầm nói chuyện.
Phan gọi thật nhiều món ăn, nhưng chỉ ăn rất ít. Tôi luôn luôn tiếp đồ ăn vào bát cho Phan.
-Anh ăn đi chứ!
-Tuyền phải tiếp cho Tuyền thì đúng hơn. Tuyền chẳng ăn gì hết!
Trong suốt bữa ăn, lá thư vừa nhận được của Trường luôn luôn trở lại trong đầu óc tôi. Giữa những hàng chữ nhảy múa trước mắt là hình ảnh Trường thấp thoáng, lúc xa lúc gần, khi mờ khi tỏ. Nghĩ đến chàng, dù chỉ trong khoảng khắc, thần trí tôi lập tức đã lao đao. Đi chơi với Phan tối nay, đúng là đi gượng, đi bằng được. Tôi vừa đau, trong người còn mỏi mệt rã rời. Sự mệt mỏi đó tới cuối bữa ăn, tôi không giấu diếm được nữa.
Phan hỏi:
-Tuyền mệt?
-Vâng! Tưởng là đã khỏe hẳn, bây giờ mới thấy là chưa. Anh cho về sớm một chút.
Tôi nghiệm thấy Phan không bao giờ đòi hỏi một cái gì hết. Chỉ đề nghị, chỉ gợi ý. Không được là thôi ngay. Đúng là một người đàn ông không bao giờ muốn làm mất lòng một người nào khác.
-Để tôi đưa Tuyền về ngay bây giờ.
Sợ Phan phật ý, tôi nói:
-Nếu anh muốn, mình đi dại một vòng cho mát.
Phan thích, điều đó tôi trông thấy, nhưng Phan lắc đầu:
-Thiếu gì lúc. Tuyền đang mệt, nên về nhà nghỉ.
Phan đưa tôi về tới nhà thì chừng 5 phút sau, Nhã cũng về tới. Phan chào tôi đi ra, đúng lúc Nhã cũng về tới. Phan chào tôi đi ra, đúng lúc Nhã mở cửa đi vào. Thấy Phan, Nhã reo lên:
-Anh Phan, tưởng ai!
Phan đứng lại:
-Nhã đi chơi đâu mà về muộn vậy?
-Em đi với Thiều.
Phan quay nhìn về phía tôi cười:
-Chị Tuyền chờ Nhã mãi.
-Để làm gì vậy?
Tôi nói:
-Để bảo thổi cơm cho tôi ăn. Đi chơi quên cả chị, bộ bắt chị chết đói ở nhà sao?
Nhã hoảng hốt:
-Chết! Em quên mất! Thế chị ăn chưa?
-Chờ cô thì nguy to là như thế! Anh Phan đã đưa chị đi ăn tiệm rồi.
Nhã cười:
-Anh Phan thích nhé!
-Tôi cũng muốn có Nhã đi cùng nữa chứ.
-Ngày mai đi.
Tôi quát lớn:
-Con nhỏ này trơ tráo quá thể! Ngày mai là thế nào? Không có được đòi anh Phan như vậy.
Phan nói theo ý tôi:
-Chị Tuyền đang mệt, không đi chơi luôn. Thôi, để tuần sau.
Phan chào, ra xe. Nhã theo tôi vào buồng ngủ. Nó vẫn trêu tôi như thường:
-Chị diện đẹp quá!
Tôi hơi ngượng:
-May áo cũng phải mặc một vài lần.
-Chứ sao! Chị cứ màu đen, màu nâu không à! Chị mặc áo màu tươi như thế có phải là trẻ hơn không?
Tôi thay áo trước gương lớn. Sự mỏi mệt chiếm đoạt tôi thực sự. Hai vai đau mỏi, đầu nặng, hơi thở khó nhọc. Tuy vậy, tôi cố làm bộ thản nhiên, không cho Nhã nhình thấy sự nhọc mỏi này. Thấy, nó sẽ không tài nào hiểu được tại sao tôi lại đi chơi với Phan.
Mặt đệm hứng lấy thân thể, tôi duỗi dài tay chân, cảm thấy dễ chịu hơn. Tôi nhắm mắt lại, tìm kiếm cho mình một hơi thở đều hòa. Nhã ngồi xuống cạnh giường.
-Chị à! Thế là chỉ còn một tuần lễ nữa!
Tôi mở choàng mắt:
-Đến nơi rồi sao?
-Vâng! Nhanh không?
Tôi hỏi:
-Thiệp cưới in chưa?
-Rồi!
-Bao giờ lấy được?
-Thiều nói là sáng mai.
-Em phải tính đến chuyện mời ai, không mời ai, ngay từ bây giờ.
-Để mai em bàn với Thiều.
Tôi thở ra một hơi dài:
-Chị vừa đau xong, chẳng giúp đỡ được gì em đâu!
Nhã gật đầu:
-Em cũng đá nghĩ đến chuyện đó. Vậy mà còn bao nhiêu việc phải làm.
-Thôi, đẻ ngày mai mời các cô các chú đến giúp cho hai chị em mình vậy.
-Đã chắc gì được!
Nhã nói đúng. Cha mẹ chúng tôi mất đi, mối liên hệ giữa hai chị em chúng tôi và những người trong họ từ nhiều năm rồi rất mong manh. Chúng tôi ít tới thăm các cô chú. Ngược lại, họ cũng ít khi tới nhà chúng tôi. Sự lạnh nhạt này đã có từ hồi cha mẹ chúng tôi còn sống. Cái hố cách biệt ấy đã không được lấp đầy mà càng ngày càng như khơi rộng thêm. Bây giờ tính đến chuyện nhờ vả họ hàng là một điều thật miễn cưỡng. Họ hàng chúng tôi vẫn chê trách hai chị em chúng tôi sống quá tự do, độc lập, không bao giờ hỏi ý kiến những người trên, làm việc gì cũng quyết định lấy hết. Cuộc hôn nhân sắp tới, giữa Nhã và Thiều cũng vậy. Nhiều bà con tỏ ý không bằng lòng, chỉ bởi cái lẽ giản dị là tôi đã ưng thuận cho Nhã lấy Thiều. Nhã chỉ cần sự ưng thuận này, còn thì không tìm gặp, không xin phép một bà cô hay một ông bác nào hết.
Một bà cô nghiêm khắc đã nói với một người quen, người quen đó thuật lại cho tôi hay:
-Để xem con Tuyền nó gả chồng cho con Nhã như thế nào? Xem chừng hai chị em chúng nó không cần đến ai. Thì mặc chúng nó, hơi đâu!
Bây giờ mà chúng tôi phải nhờ vả họ hàng thì họ hàng sẽ làm khó, lên mặt là điều chắc chắn.
Nhã chợt hỏi:
-Có việc gì nhờ anh Phan được không chị?
-Chị đã nói là không nên làm phiền ai.
-Anh Phan thích cho mình làm phiền anh ấy mà!
Nhã thuyết phục mãi, cuối cùng tôi cũng đành thỏa hiệp với nó cho xong. Tuy vậy, tôi cũng căn dặn Nhã là chỉ được nhờ Phan những chuyện bắt buộc phải nhờ, không tự mình làm lấy được, và càng nhờ ít chừng nào, càng nên chừng nấy. Sự nhờ vả này là thêm một nguyên nhân nữa khiến tôi suy nghĩ và buồn phiền thầm kín trong lòng. Người đàn bà là quả thực không thể sống một mình suốt đời. Có tình yêu như lửa hồng tron tim không đủ. Thực tế tàn nhẫn đòi hỏi ở người đàn bà một nếp sống khác cái nếp sống tôi đang sống. Trường không bao giờ chịu quan tâm đến vấn đề này. Nhưng tôi thì đã tới lúc tôi phải quan tâm đến rồi. Sự quan tâm này lại đẩy Trường xa thêm tôi một quãng đường nữa.
-“Thôi thì trả lại tự do cho nhau, anh nhé! Em trả lại tự do cho anh. Tự do của anh là sông dài biển rộng, là gió thổi mây bay, là những không gian và những cuộc viễn hành. Tự do của em không phải như vậy. Đó là thứ tự do tầm thường nhất, nhỏ bé nhất và cũng đơn giản nhất. Tự do tạo dựng cho mình một đời sống bình yên.”...
Tuần lễ trước ngày cưới Nhã thật bận rộn. Cũng may tôi bình phục lại khá mau chóng. Ăn trả bữa, ngủ được, và thần trí không bị nung nấu nhiều như trước nữa. Trường thường bảo tôi là một người có nghị lực. Có lẽ như thế thật. Có nghị lực theo đuổi suốt bấy lâu một tình yêu vô vọng. Và có nghị lực tìm vui trong quên lãng.
Mấy ngày cuối cùng trước hôn lễ, tôi đã đi phố được với Nhã, mua bán giúp nó những thứ cần thiết cuối cùng cho một người con gái trước khi về nhà chồng. Những lần đi mua bán sắm sửa như thế đều có Phan. Phan đưa xe đến đón hai chị em chúng tôi, hẹn giờ, sau đó Phan đi làm việc của Phan, rồi lại theo giờ hẹn tới đón hai chị em chúng tôi về nhà. Nhiều lần, tôi giữ Phan ở lại ăn cơm. Những bữa cơm gia đình mà Phan tỏ ra rất yêu thích. Gần Phan luôn, tôi hiểu Phan hơn, nhìn thấy rõ hơn người đàn ông điềm đạm và lặng lẽ này.
Ở Phan, không bao giờ có một biểu tỏ cuồng nhiệt như ở Trường. Cười, chỉ mỉm cười. Nói ít và không bao giờ lớn tiếng. Tuy không còn lúng túng như buổi đầu nữa, nhưng Phan vẫn nguyên vẹn là Phan. Nghĩa là cứng ngắc trong dáng điệu, từ tốn trong cử chỉ, và lễ độ, và thận trọng đến tận cùng.
Nhã hay phê bình Phan, như trước đây nó hay phê bình Trường.
-“Anh Trường chơi bời một cây à! Ai yêu anh Trường được anh ấy chiều chuộng đủ thứ. Nhưng sống chung với anh Trường thì chưa chắc đã được sung sướng đâu.”
Đại khái Nhã nói về Trường như vậy. Về Phan, nó hỏi tôi:
-Này chị! Anh Phan thế nào ấy nhỉ?
Tôi bật cười:
-Thế nào là thế nào?
-Khó nói quá! Em chỉ thấy hình như anh Phan có một cái gì không thích hợp với đời sống bây giờ.
Tôi vặn lại con nhỏ:
-Đời sống bây giờ là thế nào?
Nhã trả lời khơi khơi:
-Như đời sống của Thiều, của em.
Tôi nói ngay:
-Nếu vậy thì anh Phan cũng không thích hợp thật. Nhưng em lầm, không có đời sống bây giờ hay đời sống ngày trước. Em đừng tưởng anh Phan là một người đàn ông lỗi thời.
Nói chuyện đến Phan làm liên tưởng đến Trường, Nhã chợt hỏi:
-Chị có được tin tức gì anh Trường không?
Tôi làm bộ thản nhiên:
-Không!
Một sự thay đổi khác đáng ghi nhận lại trong đời sống của tôi trước hôn lễ của Nhã là nghe theo lời Phan, tôi đã xin nghỉ ở sở làm. Cũng có thể coi như nghỉ hẳn. Cũng có thể coi như nghỉ một thời kỳ. Hôm tôi đến sở xin nghỉ, Phan đưa tôi đi, nhưng giữ ý không vào. Đám bạn vừa trông thấy mặt tôi đã nhao lên. Họ mừng tôi mạnh, hỏi tại sao tôi đau. Những lời thăm hỏ ồn ào khiến cho viên giám đốc phải từ buồng giấy của ông mở cửa bước ra. Ông ta nói:
-Chà! Cô Tuyền! Khỏe rồi chứ?
Tôi đáp:
-Vâng, tôi đã bình phục hẳn.
-Như thế là cô đã có thể đi làm?
Tôi bỏ đám bạn gái, theo ông giám đốc vào phòng giấy ông ta. Ở đó, bằng một vài lời lẽ vắn tắt, tôi trình bày với ông ta là tôi không đến sở để tiếp tục làm việc như cũ, mà trái lại, để xin phép ông ta vui lòng cho tôi được nghỉ việc.
-Tại sao vậy? Tôi có thể biết được không?
Tôi đáp:
-Hồi này tôi không được khỏe. Bác sĩ bảo tuy tôi đã khỏi bệnh nhưng cần phải nghỉ ngơi tĩnh dưỡng thêm một thời gian nữa.
-Tức là cô Tuyền xin nghỉ ở nhà thêm một thời gian? Chừng bao nhiêu lâu? Có lâu lắm không?
Tôi lắc đầu:
-Xin ông cho tôi được nghỉ hẳn. Như thế để sở có thể tìm ngay người thay thế tôi.
Viên giám đốc cười:
-Đã đành là khi một nhân viên nghỉ việc, tôi phải tìm người thay thế. Nhưng cô là một trong số rất ít những nhân viên mà tôi nhận thấy không thể thay thế được. Nói đúng hơn là tôi không muốn thay thế. Vậy tôi đề nghị thế này, và đây cũng là một đặc biệt cho một nhân viên tốt như cô, là cô có thể nghỉ thêm một tháng nữa. Ở nhà tĩnh dưỡng cho khỏe hẳn. Cô vẫn được lãnh lương như thường. Sau một tháng, cô lại đi làn lại.
Tọi cương quyết từ chối. Tôi nói tôi rất cảm động trước cảm tình và ân huệ đặc biệt sở dành chgo tôi, nhưng tôi đã nhất định xin nghỉ là xin nghỉ hẳn. Viên giám đốc trẻ tuổi thấy tôi đã cương quyết như vậy cũng không nài ép tôi ở lại nữa. Ông ta ngó tôi đăm đăm rồi cười:
-Cô nghỉ vậy thì không phải là vì lý do sức khỏe rồi.
Tôi ngạc nhiên:
-Thưa, không có lý do nào khác.
-Lấy chồng, lập gia đình không phải là một lý do sao?
Tôi đỏ mặt:
-Thật tình tôi chưa có ý định ấy.
-Đã đến lúc một người đàn bà như cô nên có ý định ấy. Người ta không thể sống suốt đời một mình.
“Người ta không thể sống suốt đời một mình! Đó anh Trường, anh thấy không? Chính người giám đốc sở em là người mà anh bảo chỉ biết những con số và những tấm ngân phiếu cũng bảo em như vậy. Anh hiểu cho em, đời em đã tới cuối một mùa mưa, tàn một mùa nắng, em không thể đợi chờ em lâu hơn được nữa!”...
Đứng lên cáo từ người giám đốc, tôi được ông ta chúc may mắn trong những ngày tháng tới. Ra tới buồng ngoài, đám chị em đồng nghiệp cũng xúm lại, mỗ người chúc mừng tôi một câu, sau khi họ biết tôi đến để xin nghỉ làm vĩnh viễn.
Từ sở đi ra, nhìn lại chỗ lui tới hàng ngày đã bao nhiêu năm của mình, tôi bâng khuâng cả người. Nghỉ việc, tôi cũng đã tự ý thay đổi. Dòng sống đã thành thói quen của tôi suốt bấy lâu. Năm tôi đi làm việc cũng là năm tôi gặp Trường. Tình yêu và việc làm có cùng một tuổi. Bây giờ, tôi xin nghỉ việc, hành động này có như là, cùng với những lá thư buộc thành một buộc cất vào hộc tủ, ý muốn đoạn tuyệt hoàn toàn với một nếp sống cũ, không bâng khuâng, không ngậm ngùi sao được!
Phan mở cửa xe, tôi yên lặng bước lên. Sự xúc động làm tôi không nói được mnột lời nào. Phan hỏi:
-Xong chưa?
-Đã!
-Sở không giữ Tuyền?
-Có! Nhưng đã nhất định nghỉ rồi thì nhất định như vậy.
-Tuyền buồn về chuyện này lắm không?
Nghĩ đến những lời chúc tụng của đám bạn gái ban nãy, tôi gượng cười:
-Cũng hơi buồn một chút. Mấy người bạn đồng nghiệp ai cũng tử tế, có cảm tình với mình. Nay bỗng dưng...
Phan dịu dàng:
-Tôi hiểu. Nhưng nếu rồi đây Tuyền muốn làm việc trở lại thì thiếu gì những hoạt động, những công việc khác hay hơn!
Phan nói Phan hiểu. Thực ra, một người bình dị mực thước như Phan muốn tìm hiểu tâm trạng tôi tới đâu, cũng chỉ hiểu được một phần. Đã đành là còn hàng ngàn công việc khác, nhưng việc tôi đã làm là cái duy nhất, nó đánh dấu cho một đoạn đời tôi. Đoạn đời đó, với cái không khí, cái linh hồn riêng biệt của nó, nếu đã đi qua là không bao giờ còn tìm lại được. Đã đành rằng sau một người đàn ông kia, tôi dễ dàng gặp được những người đàn ông khác cũng tử tế, cũng chững chạc đường hoàng, cũng yêu thương tôi, thành thực muốn tạo cho tôi một cuộc đời sung sướng, như Phan chẳng hạn. Nhưng Trường không phải là Phan, không một Phan nào có thể là Trường, và ý nghĩ về một mất mát không bao giờ thay thế được này đã cho trái tim tôi thắt lại vì đau đớn.
Thấy Phan chưa chịu mở máy cho xe đi, tôi giục Phan đi ngay, dời khỏi chỗ đậu trước sở làm ngay lập tức. Điều mà Phan vội vàng làm ngay, nhưng có lẽ ngạc nhiên không hiểu. Phan cũng không hiểu được về thái độ lạ lùng này. Tôi giục Phan đi ngay, bởi vì nếu xe còng đậu lại, chỉ cần thêm một phút nữa thôi, tôi dám mở cửa xe bước xuống lắm. Phải, sẽ có thể là như thế được lắm. Tôi sẽ bảo Phan vềi đi, đừng bao giờ tìm gặp tôi nữa. Rồi sau đó tôi sẽ chạy trở lại sở, gặp lại giám đốc, nói tôi đã thay đổi ý kiến vào phút chót, tôi xin được làm trở lại như cũ, như không hề có một sự thay đổi nào đã xảy ra.
Đích thực là trong một khoảnh khắc đau đớn bàng hoàng, tôi đã muốn thế thật. Trở lại với nếp sống cũ, đợi chờ Trường như bao nhiêu năm tôi vẫn đợi chờ, đọc lại những tờ thư, làm người tình chung thủy nhất của cô đơn. Nhưng Phan đã mở máy, chiếc xe đã phóng đi, và quá khứ ơi, tình yêu ơi, vĩnh biệt!
Chú thích:
(1) Liên hệ: có liên quan đến. Không hiểu vì sao ngày nay, nhiều người dùng hai chữ này sai lầm, như là “liên lạc”.