Chương 5
Tác giả: Mai Thảo
Đêm nghiêng vào khuya, yên lặng dàn rộng. Thành phố lắng đọng dần mọi tiếng động. Không biết tôi đã ngủ chợp đi được bao nhiêu lâu. Có lẽ nửa giờ, một tiếng gì đó. Rồi những tiếng chân ở ngoài phòng khách làm cho tôi giật mình thức dậy.
Xuất chiếu bóng tan rồi, Thiều và Nhã đã về. Căn buồng ngủ mờ mờ trong bóng tối. Đèn ở phía ngoài bật sáng. Tôi nghe thấy tiếng ly tách đụng chạm lách cách. Rồi tiếng Thiều:
-Chị Tuyền ngủ chưa nhỉ?
Tiếng Nhã:
-Không biết! Anh hỏi để làm gì thế?
Tiếng Thiều, chen lẫn với tiếng cười thân mật hơi lơi lả một chút:
-Nếu chị ấy ngủ rồi thì anh ở lại một lát với em.
Tiếng Nhã:
-Khuya rồi, anh về đi!
-Còn sớm chán! Anh chưa buồn ngủa. Em cũng chưa buồn ngủ mà!
-Để em xem sao.
Một tiếng chân đi lại gần cửa buồng. Tôi nằm thật im trong bóng tối. Tiếng gõ cửa cạch cạch. Đã toan lên tiếng, nghĩ thế nào tôi lại thôi. Để cho hai đứa chúng nó được tự do trò chuyện với nhau. Tôi biết cả Thiều lẫn Nhã đều mong mỏi được sự tự do với nhau như thế.
-Chị ngủ chưa chị?
Cánh cửa hé mở, cái bóng của Nhã nghiêng mình lách vào. Nó bước mấy bước lại gần chỗ tôi nằm, cúi xuống nhìn. Tôi nhắm nghiền mắt lại, giả vờ ngủ, hơi thở đều hòa, và cười thầm trong bụng. Tưởng tôi đang ngủ say, Nhã lại rón rén quay trở ra.
Tiếng Thiều ở buồng ngoài:
-Sao, em?
-Chị ấy ngủ rồi.
-Em ngồi xuống đây.
Tôi đoán hai đứa ngồi xuống sát nhau trên đi-văng (1). Thiều nói về cuốn phim chúng vừa xem:
-Đoạn kết tuyệt quá.
-Nhưng hơi buồn, em không thích lắm. Em thích những phim vui hơn. Loại phim tình cảm ấy thích hợp với chị Tuyền lắm đó. Mai em phải giục chị ấy đi coi mới được.
Câu chuyện bất chợt ngừng lại. Một khoảnh khắc im lặng rồi Nhã la lên:
-Đừng anh!
Tiếng cười của Thiều:
-Tại sao lại đừng? Em không thích?
-Không phải thế! Nhưng ngộ nhỡ chị Tuyền nhìn thấy?
-Chị ấy ngủ rồi mà!
Không nghe thấy gì nữa, nhưng tôi cũng đoán được là hjai đứa chúng nó đang hôn nhau. Tôi trở mình, quay mặt vào tường, cố tìm lại giấc ngủ. Tôi muốn trả Thiều và Nhã cho sự tự do, cho tình yêu đầu đời, cho những phút gần nhau của chúng. Nhưng tôi không tài nào ngủ được. Trong ngôi nhà yên tĩnh, với đêm khuya vây bọc chung quanh, cái trường hợp một người đàn bà nằm cô đơn và lạnh lùng trong một căn phòng riêng, khi ở phòng ngoài một cặp tình nhân mê mải và đắm đuối hôn nhau, là một trường hợp thật lạ lùng. Nó gây cho tôi những cảm giác và một rung động kỳ lạ.
Thân thể đang bình yên của tôi bỗng nhiên như có một luồng điện nóng bỏng dần dần lan thấm. Trên một mặt biển lặng lẽ, những con sóng ngầm bắt đầu nổi dậy xôn xao. Tôi rùng mình thở dài, biết rằng một thèm khát xác thịt trong tôi đã nổi dậy. Đêm chợt lạn quá, vì tôi nằm một mình. Chăn đệm chợt mênh mông và trống trải quá chừng, vì ở phòng ngoài, Nhã và Thiều đang ân ái với nhau, và ở phòng trong, tôi đang nằm một mình trong bóng tối.
Người ta nói thảm kịch lớn của người đàn bà là một thảm kịch về thân thể, nơi những giao động xác thịt, những đòi hỏi sinh lý. Từ trước đến nay, tôi vẫn muốn nghĩ là nếu thảm kịch đó cũng có ở trong tôi, thì nó cũng không đến nỗi trầm trọng lắm như đối với những đàn bà khác. Những lúc Trường ở xa, tôi không thấy khổ sở hay thiếu thốn lắm về chuyện này. Tình yêu gửi cho chàng, trong ý nghĩ, trong tư tưởng, đã dư thừa là một ngọn lửa ấm áp. Nhưng đêm nay vì có Thiều và Nhã ở phòng ngoài, tấn thảm kịch của da thịt thình lình bùng cháy. Tôi thở dài. Tôi trở mình. Tôi vật vã trên mặt đệm. Tôi muốn òa khóc. Tôi muốn kêu lớn.
Cuối cùng, không nằm im được nữa, tôi vùng lên, bước xuống khỏi giường. Tiếng chân tôi chừng như Nhã đã nghe thấy. Tiếng nó kêu:
-Buông em ra.
Tiếng Thiều:
-Sao thế?
-Chị Tuyền đã thức dậy.
Tôi bước mấy bước trong bóng tối rồi đằng hắng thật lớn. Nhã chạy đến cửa buồng mở ra:
-Chị còn thức sao?
Tôi gượng cười:
-Chị ngủ chợp đi một giấc ngon quá. Em về hồi nào mà chị không biết?
Nhã ngập ngừng, rồi nói dối:
-Em vừa về.
Tôi làm bộ nói:
-Thiều đâu?
Nhã hơi ngượng:
-Anh ấy ở ngoài phòng khách. Ban nãy uống rượu nhiều, anh ấy nói vậy, bây giờ khát nước quá.
-Chị cũng thấy vậy.
-Chị uống nước lạnh không? Em đi lấy cho chị.
-Thôi, cứ ra ngoài với Thiều đi. Chị ra sau.
Nhã hấp tấp quay trở ra. Tôi chải qua loa mái tóc, khoác áo, rồi ra theo. Hai đứa nó không ngồi sát nhau nữa, mà mỗi đứa một đầu đi-văng, dáng điệu rất nghiêm chỉnh. Cả hai đứa xóa bỏ được sự ngượng ngập trên nét mặt
Tôi nói dối cho Thiều yên tâm:
-Ngủ chợp đi một giấc ngon quá. Nhã, sao lúc về không vào đánh thức chị dậy?
Hai đứa chúng nó nhìn nhau, ném nhanh cho nhau một nụ cười đồng lõa. Nhã đưa đến cho tôi một ly nước lạnh. Tôi đón lấy, uống một hơi. Nước lạnh chảy qua cuống họng, làm tắt đi được một phần nào ngọn lửa bừng bừng trong thân thể. Cơn xúc động bất chợt của da thịt xao xuyến còn làm cho tôi ngượng thẹn với chính mình. May mà Nhã và Thiều không đoán thấy gì hết. Tôi hỏi:
-Phim hay không?
Thiều nhanh nhẩu:
-Không ngờ mà hay quá chị ạ! Em và Nhã đều đồng ý với nhau như thế, chỉ không đồng ý ở đoạn kết. Nhã chê hơi buồn.
Tôi cười:
-Nhã chê ‘nhà quê’ quá! Chê dở hay thế nào mới là chê, vui hay buồn là một chuyện khác.
Nhã bướng bỉnh:
-Cái gì em không thích, không chịu, tức là cái đó không hay! Nhưng mà nói chung phim hay, cảm động lắm. Mai chị đi đi.
-Đi một mình ngại chết!
Thiều đề nghị:
-Chúng em xem rồi, nếu không sẽ đưa chị đi ngay. Hay là để em gọi điện thoại (2) cho anh Phan đưa xe hơi đến đón chị.
Nhã vỗ tay:
-Phải đấy! Thế mà không nhớ ra anh Phan!
Nhã tủm tỉm cười:
-Anh Phan mà được đưa chị đi thì...
Tôi biết con nhỏ sắp nói lăng nhăng này nọ. Mà nó đùa ngịch thì thằng chồng chưa cưới (3) của nó thế tất cũng được đà đùa ngịch. Tôi bèn làm bộ nghiêm mặt:
-Thì sao?
Nhã không sợ hãi gì hết, nó nói phăng luôn:
-Thì anh Phan phải cám ơn chúng em cả tuần.
Tôi dịu giọng:
-Nhã đừng nói đùa, chị không bằng lòng. Anh Phan là một người đứng đắn.
-Em có bảo là anh ấy không đứng đắn bao giờ đâu? Có đứng đắn mới đi chơi cùng với chị được chứ.
Tôi chợt nhớ là ban nãy Phan có mời hai chị em tuần sau lại đi ăn cơm tiệm trong Chợ Lớn. Tôi chưa trả lời dứt khoát như thế nào, cũng phải cho Nhã biết chuyện này.
-Anh Phan mời mình đi ăn.
Nhã reo lên:
-Bao giờ?
-Tuần sau.
Nhã nắm lấy tay tôi:
-Chị nhận lời rồi chứ?
Nó bảo thế chẳng lẽ tôi nói tôi sẽ từ chối? Nó đang ở tuổi ăn, tuổi chơi, tuổi đi đây đi đó. Nó lại sắp về nhà chồng, chấm dứt vĩnh viễn một cuộc đời thiếu nữ. Tôi muốn chiều nó những gì có thể chiều được trong mấy tháng cuối cùng.
-Chị bảo để hỏi lại em đã.
-Lẽ tất nhiên là em bằng lòng.
Sau đó, Thiều đứng lên cáo từ. Nhã đưa Thiều ra xe rồi trở vào. Thấy tôi ngồi ủ rũ, mơ màng trên ghế, Nhã ngạc nhiên:
-Có chuyện gì thế chị?
Tôi nhìn đi chỗ khác:
-Không có chuyện gì hết.
Còn lại hai chị em, Nhã ngáp lớn rồi nói:
-Em đi ngủ đây chị.
Tôi bảo Nhã:
-Lát nữa ngủ. Vào đây chị nói chuyện đã.
-Chuyện gì vậy?
Tôi xẵng giọng:
-Vào đây, khắc rồi biết.
Tôi làm mặt nghiêm trọng. Nhã nhìn tôi định nói đùa một câu, rồi không dám nói nữa, lẳng lặng theo tôi vào buồng trong. Tôi bật đèn sáng choang, lên giường ngồi, ra hiệu cho Nhã.
-Lại đây!
Nhã ngoan ngoã đến ngồi xuống bên tôi, dáng điệu chờ đợi. Tôi suy nghĩ, cân nhắc lại một lần nữa, xem có nên đặt vấn đề với nó không. Thường thường, hai chị em chúng tôi không phải đặt vấn đề với nhau bao giờ. Không bằng lòng chuyện gì tôi chỉ im lặng, nét mặt hơi thay đổi một chút, một chút thôi là Nhã biết ngay. Về điểm này, Nhã tinh ý lắm. Ngôi nhà của chúng tôi không mấy khi có chuyện lớn tiếng giữa hai chị em là vì thế. Nhưng lần này, điều lạ lùng là hình như sự tinh ý của Nhã không còn nữa. Tôi quyết định phải nói:
-Chị hỏi Nhã điều này. Nhã phải trả lời chị rất thành thật, không được đùa cợt, cũng không nói quanh co.
Nhã hỏi:
-Chuyện gì đó? Chuyện vui hay buồn?
Tôi lắc đầu:
-Chẳng vui, cũng chẳng buồn. Nhưng là chuyện của chị.
Tôi đằng hắng rồi hỏi:
-Em và Thiều đang âm mưu chuyện gì vậy?
Nhã tỏ vẻ ngạc nhiên:
-Âm mưu?
-Âm mưu hay là thu xếp, hay là xếp đặt cũng thế. Chị muốn hỏi em về anh Phan. Thiều và Nhã muốn đưa anh Phan đến với chị, phải thế không?
Nhã nói tránh đi, không trả lời thẳng vào câu hỏi:
-Anh Phan rất có cảm tình với chị.
-Gì nữa.
-Nếu chúng em không lầm, anh Phan muốn... xây dựng, muốn tính chuyện trăm năm lâu dài với chị.
-Đó là quyền của anh ấy. Chị chỉ không bằng lòng về cái thái độ khuyến khích của Nhã và Thiều mà thôi. Đây này, chị chỉ muốn coi anh Phan là bạn. Một người bạn có thể rất thân thiết, nhưng một người bạn, không hơn, không kém.
Tôi giằn giọng:
-Chị chỉ muốn thế, đừng ai nghĩ khác. Đừng ai có một hiểu lầm, một ngộ nhận nào hết, và người trước nhất là em.
Nhã bắt đầu tỏ vẻ bất đồng ý kiến:
-Em thấy anh Phan là...
Tôi ngắt ngang:
-Là người đứng đắn, tử tế, hiền lành, có tất cả những đức tính của một người chồng lý tưởng? Thì cứ cho là chị đồng ý với em đi. Nhưng em quên một điều. Một điều cực kỳ quan trọng.
-Anh Trường?
Tôi gật đầu:
-Bây giờ thì em lại tinh ý lắm rồi đấy. Phải, anh Trường. Em đẵ biết giữa chị và anh Trường như thế nào đã từ bao nhiêu năm nay. Rm còn biết chị là một người đàn bà rất chung tình. Với anh Trường, không bao giờ chị thay lòng đổi dạ.
Nhã ngẫm nghĩ:
-Chị nhất định chờ đợi anh Trường?
-Câu hỏi của em thừa.
Nhã cau mặt:
-Không thừa! Chị nên nghĩ lại. Chị định chờ đợi đến bao giờ?
Chúng tôi cùng im lặng một lát. Xem chừng Nhã muốn đặt vấn đề một cách quyết liệt. Con nhỏ này nghĩ cũng lạ thật. Nó luôn luôn xâm phạm vào đời tư của tôi, bắt tôi phải sống thế này, thế nọ. Nhưng thái độ đó đã có vì tình thương yêu chân thành của một đứa em gái. Cho nên dầu không bằng lòng, tôi cũng không thể giận nó được.
Tôi thở dài:
-Chị cũng biết lo cho đời chị, không chờ em phải nhắc. Đời em khác, đời chị khác. Không có cuộc đời nào giống với cuộc đời nào, Nhã nên nhớ như vậy.
-Nhưng cũng không có cuộc đời nào làm bằng sự đợi chờ không biết đến bao giờ.
-Cho là Nhã có lý. Chị phải làm thế nào?
-Chị phải có thái độ.
-Với ai?
-Với chính chị trước hết.
Tôi nhún vai:
-Có rồi đó. Từ lâu!
-Chờ đợi không phải là một thái độ. Chị phải có thái độ với anh Trường.
-Anh ấy đang ở xa.
-Nhưng anh ấy vẫn viết thư về cho chị, và chị vẫn viết thư cho anh ấy.
Tôi nghĩ đến những lá thư đã nhận được của Trường, những lá thư đến từ viễn phương, về từ ngàn dặm. Tôi lại nghĩ đến những lá thư của tôi viết trong những buổi trưa yên tĩnh, những buổi chiều dịu dàng, trong đó tôi nói chuyện với chàng về tình yêu, đôi khi về thế nào là hạnh phúc củ một đời người theo tôi mơ ước. Tôi mơ ước một tình yêu chung thủy đưa tới một hạnh phúc đơn giản. Một phần nào, tôi đã sống theo mơ ước đó. Nhưng thực hiện hạnh phúc như thế nào thì thật tình tôi không nói đến trong tất cả những tờ thư đã được viết đi. Nhã không hiểu gì hết về điểm này. Có những điều nghĩ ra trong đầu, nhưng không thể viết xuống mặt giấy. Mặt khác, tôi không hề muốn đòi hỏi Trường một điều gì hết. Tùy chàng. Chàng yêu và tự do. Mà nói làm gì đến những lá thư. Những lần chàng về, chúng tôi ở gần nhau cả ngày cả buổi, tôi còn chẳng nói, chẳng đòi hỏi, chẳng bắt buộc. Tôi đã nói là tùy chàng mà. Trước cũng như sau, hoàn toàn. Chàng muốn thế nào cũng được, cho dù là muốn cho tôi cả những điều đau đớn. Nhưng Nhã không chịu như thế, nó dồn tôi tới chân tường, bắt tôi phải đặt Trường lên mặt thảm.
-Có những điều rất khó nói trong một lá thư.
Nhã hỏi vặn:
-Khó nói hay là chị không muốn nói?
-Cả hai.
-Đã đến lúc chị phải nói.
-Được. Chị sẽ nghe Nhã. Nhưng không nói bằng những lá thư.
Chúng tôi còn nói nhiều chuyện nữa mà tôi không nhớ hết. Chỉ biết đêm êó, gần 3 giờ sáng, đèn mới tắt trong buồng ngủ tôi, và nằm trong bóng tối, tôi còn trằng trọc đến gần sáng. Vấn đề lớn của đời tôi cuối cùng vẫn là Trường, chỉ là Trường. Tôi vẫn yêu chàng như lúc đầu, bây giờ tình yêu còn sâu nặng và đằm thắm hơn. Nhưng tôi phải công nhận là Nhã có lý một phần. Tôi không thể yêu chỉ để mà yêu. Đã đến lúc tôi phải có thái độ. Nhã sẽ dời khỏi căn nhà này, tôi không thể sống một mình mãi mãi. Lần này Trường về, tôi phải đòi chàng thực hiện một lựa chọn mà trước kia tôi không mảy may bận tâm đến. Sự lựa chọn quyết liệt nhưng cũng thật giản dị. Nó nằm gọn trong câu nói này:
-“Anh! Đã đến lúc anh phải chọn một trong hai điều mà em biết với anh cùng quan trọng như nhau: hoặc là đời sống bay nhảy nay đây mai đó của anh, hoặc là em!”
-Nói thẳng?
-Đúng vậy!
-Bao giờ anh Trường về?
-Chị không rõ.
-Trong lá thư cuối cùng anh ấy gửi cho chị, anh ấy không nói gì sao?
-Có! Nhưng không nhất định ngày nào. Anh Trường hiện ở Pháp, sau đó sẽ sang Luân Đôn, hay xuống mấy tỉnh miền Nam nước Pháp. Có lẽ cũng mất chừng trên dưới một tháng.
Nghĩ tới lúc nói với Trường câu này, tôi thấy là không phải. Như thế đã là không yêu như tôi muốn yêu và phải yêu. Nghĩa là tận cùng, vô điều kiện. Như thế là đẩy Trường đứng trước một chân tường, và đề nghị chàng phải lực chọn đã hàm chứa ý nghĩa một bắt buộc, một áp lực. Nhưng rồi nghĩ thêm, Nhã cũng có lý, tôi nói cũng phải. Cho xong. Cho sáng tỏ. Cho dứt khoát, ít nhất cũng có một lần. Tôi không thể cho phép tôi kéo dài sự chờ đợi thêm một năm, thêm một mùa, hết một tu này sang một xuân khác. Tôi chờ đợi cũng là được đi. Đã quen. Đã nhận. Nhưng mà những sợi tóc sẽ bạc, những nếp nhăn sẽ hiện hình, những tuổi đời ngày thêm chồng chất của tôi thực tình là không chờ đợi được lâu hơn nữa.
-“Anh Trường! Anh hiểu cho em! Em luôn luôn muốn phóng lớn em lên cho ngang bằng, cho xứng đáng với tình yêu thần thánh của chúng ta, nhưng em cũng chỉ là một người đàn bà với cuộc sống tầm thường và nhiều hèn yếu của một người đàn bà. Anh ở đâu? Em mong anh trở về. Chúng mình cần phải gặp nhau, đặt tình yêu lên mặt thảm, giải quyết nó!”
Trong bóng tối và im lặng của đêm nghiêng về sáng , sự cô đơn lại bao phủ, vây bọc, hành hạ tôi như một cực hình. Cảnh tượng ân ái của Nhã và Thiều trên chiếc đi-văng ngoài phòng khách lại hiện trong đầu óc rạo rực. Hai thân thể quấn vào nhau, những trao hôn nồng cháy. Những lời thì thầm troa đổi nồng nàn đưa tới những ve vuốt táo bạo, những mơn trớn ngây ngất. Tình yêu không chỉ là những cánh thư và những buổi chiều đợi chờ.
Tôi biết là tôi đang héo hon dần. Những đêm thao thức không ngủ, những suy nghĩ này nọ, những ưu tư nhiều mặt mấy năm nayđã làm cho tôi sút đi trông thấy. Hiện tượng này tất yếu là như thế và cũng rất dễ hiểu.
Đêm không cùng là mộng dòng sông chảy miệt mài, đưa tôi nổi trôi từ ý nghĩ này đếb ý nghĩ khác. Tôi nhớ đến Trường. Tôi nghĩ đến Phan. Người đàn ông đứng đắn trầm lặng ấy xem chừng đã yêu tôi, muốn lấy tôi làm vợ. Phan khác biệt hẳn với Trường. Phan không biết chinh phục đàn bà. Nhưng điều này thì không thể chối cãi được nữa: Phan là một người chồng tốt. Tôi thử hình dung ra một đời sống có Phan. Ngày tháng sẽ êm ả trôi xuôi theo một hạnh phúc đơn giản, thứ hạnh phúc không có hào quang, nhưng bền vững một đời, yên vui một kiếp. Ngày nào rồi cũng giống với ngày nào. Chiều nào rồi cũng thư thái, cũng khoan thai, và đêm là của những giấc ngủ an lành tới sáng.
Điều mà tôi tự hỏi là tôi có chấp nhận được thứ hạnh phúc đó không? Theo Nhã, theo Thiều thì được đó. Tôi thì chưa thể trả lời cho tôi là được. Nhiều năm có Trường trong cuộc đời tình cảm của mình, tôi vẫn tự hào với riêng tôi là trong tôi vẫn có một mùa xuân, một tuổi trẻ mà Nhã và Thiều không bao giờ nhìn thấy được. Đúng là như vậy. Nhiều lúc tôi thấy tôi trẻ hơn Nhã. Mơ mộng, lãng mạn... Đó không phải là một trạng thái trẻ trung vĩnh viễn của tâm hồn hay sao?
Nhớ một lần nói chuyện về tuổi tác và mùa xuân của một người đàn bà. Trường đã bảo tôi:
-Em là người đàn bà trẻ trung nhất của thành phố này.
Tôi hỏi chàng:
-Tại sao anh lại nói vậy?
-Em trẻ thật, mãi mãi tươi trẻ vì em sống cho tình yêu. Tình yêu chính là sự trẻ trung vĩnh viễn của một đời người.
Rồi Trường cười và hôn tôi:
-Anh cũng trẻ nữa, vì anh cũng sống cho tình yêu.
Tôi nhận thấy chàng nói có đúng một phần nào. Tôi biết yêu cái đẹp. Nói đẹp cũng không đúng hẳn. Tôi yêu cái đẹp. Thế là tâm hồn tôi còn thanh xuân, thế là tôi chưa già, và tuổi tác không ăn thua gì hết. Ý nghĩ về sự trẻ trung của mình vừa tốt cho tôi, lại vừa có hại. Tốt, vì ý nghĩ đem lại cho tôi sự tin tưởng cần thiết. Có hại, vì tôi không chịu tính tới chuyện ngày mai.
Thành ra cứ nghĩ tới rồi nghĩ lui, tôi lại cho phép tôi lần nữa, trong một cuộc đợi chờ kéo dài hết năm này sang năm khác. Trò chơi nguy hiểm của tình cảm này đã đến lúc phải chấm dứt. Lần này Trường về, sự chờ đợi của tôi sẽ chấm dứt. Tình yêu còn hay mất, phải dứt khoát một lần...
Tiếng xe thứ nhất của thành phố thức dậy cho biết tôi đã thức suốt đêm. Tôi thở dài, quay mặt vào tường, với ý nghĩ là sáng mai tôi sẽ viết thư cho Trường, đòi chàng trở về Sàigòn ngay lập tức. Trường sẽ ngạc nhiên lắm. Tôi không có thói quen làm cho Trường ngạc nhiên. Nhưng ít nhất cũng một lần, tôi phải là người chủ động.
Những ngày mưa gió đã qua đi. Trời cao và xanh hơn, báo tin mặt trời đã trở lại cho rực rỡ những buổi sáng nắng vàng cùng khắp. Hàng cây ở trước cửa nhà tôi tươi tốt hơn bao giờ. Cuộc đời trôi chảy bình thường. Nhã vắng nhà luôn luôn. Gần như sáng nào Thiều cũng đón nó, và hai đứa chúng nó đưa nhau đi, có khi đến tận chiều tối mới về. Nhưng lần nào về muộn, bỏ cơm, Nhã đều xin lỗi và giải thích tại sao.
Ngày trước, tôi đã trách mắng hay ngăn cấm nó, nhưng tôi đã không làm thế nữa, từ ngày tôi biết em gái tôi và cái chàng trẻ tuổi tên Thiều đã chính thức đính hôn. Chưa ra khỏi nhà tôi, nhưng Nhã từ lúc này đã không còn thuộc về trách nhiệm của tôi nữa. Những lời dặn dò cuối cùng của mẹ tôi lúc sắp mất đã coi như được thực hiện rồi. “Con thay mẹ trông em...”, mẹ tôi nói. Tôi đã vâng theo lời người, làm như ý muốn của người. Bây giờ Nhã đi lấy chồng, trách nhiệm về cuộc đời của em gái tôi vậy là đã được trao gửi sang người khác. Tôi đã bảo cho Nhã biết thế, một hôm nó trở về nhà thật muộn sau khi đã đi vắng cả ngày.
-Em bảo phải để em về nhà ăn cơm kẻo chị chờ, nhưng Thiều cứ bắt em phải đi ăn cơm với mấy bạn anh ấy.
Tôi ôn tồn:
-Em cứ đi. Chị chờ một lát không thấy về, chị ăn, không sao.
Nhã hơi ngượng:
-Nhưng em không muốn thế.
Tôi cười:
-Đừng bận tâm. Chuyện đó không quan hệ. Chún mình tập sự xa nhau dần đi là vừa.
Nhã ngần ngại:
-Em chỉ lo chị hiểu lầm. Cho tới lúc này, em và Thiều vẫn giữ gìn cẩn thận. Em không làm điều gì khiến Thiều có thể coi thường em.
Tôi gật đầu:
-Chị biết.
Nhã sợ tôi buồn nên vẫn nói thế. Hai đứa chúng nó chưa chính thức làm lễ thành hôn, nhưng nếu chúng nó dã muốn trở thành vợ chồng, đã ăn nằm vớinhau rồi, thì sớm hay muộn có sao đâu. Điều quan trọng trước sau vẫn là chúng nó biết quý trọng nhau, và yêu thương nhau mãi mãi. Như tôi với Trường vậy. Hai chúng tôi đã lấy nhau đâu. Vậy mà Trường nói là chúng tôi đã yêu nhau thì phải coi nhau như vợ chồng. Tôi đã sống, đã làm theo như vậy.
Sau lần nói chuyện này, Nhã không đả động đến chuyện đi sớm về muộn của nó nữa. Trong thời gian này, Phan đến thăm tôi luôn. Phan đến thường là vào chiều thứ bảy, thỉnh thoảng vào buổi sáng chủ nhật. Đôi kho Phan cho người đưa hoa đến tặng tôi, với một tấm danh thiếp có ghi vào lời thăm hỏi lễ độ. Phan vẫn như thế. Lúng túng, thiếu tự nhiên. Tôi mời Phan ngồi chơi ở ngoài phòng khách. Chúng tôi nói lăng nhăng chuyện này, chuyện nọ. Một lát như thế, rồi Phan đứng lên cáo từ ra về. Có vài lần Phan mời tôi đi ăn hay đi xem chiếu bóng một mình với Phan, nhưng tôi nhã nhặn xin lỗi và từ chối khiến Phan không dám mời nữa.
-Tuyền không thích đi?
-Anh biết là tôi rất ít khi muốn đi đâu. Anh hiểu cho, mấy lần đi ăn với anh và Nhã là nể và quý anh nhiều lắm.
-Tôi biết thế.
Có những lúc Phan loay hoay như định nói với tôi một điều gì, rồi nhìn nét mặt nghiêm trang của tôi, Phan lại thôi. Nói tóm lại vể Phan, thật không có chuyện gì đáng nói. Về phần tôi, có một vài sự thay đổi nhỏ trong nếp sống hàng ngày. Chẳng hạn như tôi thích đi thơ thẩn một mình. Những lúc Nhã vắng nhà, lững thững đi dạo trên những con đường vắng. Có thứ ánh sáng thấp thoáng sau những lùm cây.
Tâm hồn tôi mỗi ngày chừng như hoang vu trống trải hơn, càng thích hợp với những lần đi dạo một mình. Buổi chiều chứa đựng cái gì thật buồn bã. Chiều đến với tôi qua hình ảnh mấy câu thơ:
Khi chiều giăng lưới qua muôn gốc cây,
Khi con chim én tìm không ra bầy.
Khi nước suối đã lờ đờ khép mắt,
Khi lá lìa mặt đất cũng buồn lây.
Và trên trời mờ ảo một làn mây...
Nắng phai tàn có một vẻ gì hấp hối, thoi thóp. Nền trời sâu thẳm. Bóng tối lẩn trong bóng cành. Những đợt gió lạnh đầu tiên bắt đầu thổi rộng trên những tầng cao và những khoảng trống cũng mờ dần cùng bóng tối. Tôi yêu chiều, khi chiều đang xuống. Tôi yêu chiều, khi chiều trải rộng. Mang linh hồn bâng khuâng của buổi chiều trong linh hồn mình hiu hắt, tôi bước thong thả trên những hè đường vắng lặng.
Nghe tiếng chân mình, nhìn bóng hình mình. Đối diện với một cô đơn dịu dàng buồn, như cái khuôn mặt kỳ dị của một người tình muốn đoạn tuyệt, nhưng lại không thể nào đoạn tuyệt được.
Đi một lát, nỏi chân, nhiều kho tôi tạt vào một công viên, ngồi nghỉ chân một lát trên thảm cỏ hay trên một ghế đá. Nhìn quanh quẩn, công viên nào của thành phố cũng là một nơi chốn cho những cặp tình nhân hò hẹn. Những người đàn ông và những người đàn bà ngồi thành đôi lứa, tay nắm trong tay, chụm đầu nói chuyện.
Nhiều cặp tình nhân nhìn tôi bằng cái nhìn khó hiểu. Tôi biết họ đang nghĩ gì về tôi.
-“Người đàn bà cô đơn kia đến đây để làm gì? Ngồi đó để làm gì? Người yêu đâu hay không có tình yêu?”
Tôi muốn trả lời là tôi đang có trong tâm hồn một tình yêu vĩ đại nhất thế giới, nhưng chính tình yêu này đang làm tôi đau đớn. Tôi đang đứng giữa một ngã ba đường, không biết đi về đâu.
Nhiều lúc tôi ngồi thật lâu. Thời gian lặng lẽ trôi, tôi đắm chìm trong mơ màng, không biết rằng buổi chiều đã qua, buổi tối đã xuống, không khí đã lạnh.
Tôi cứ đi lang thang trong nhiều buổi chiều như thế cho đến khi tôi bị đau. Nhớ hôm đó, tôi cũng ngồi ở một công viên cho tới khuya. Trời lạnh hơn mọi ngày. Sương xuống xanh biếc những thảm cỏ. Một lát, rồi mưa phùn dấy lên. Tôi không mang áo đi mưa. lại không cả đến một cây dù.
Khi bừng tỉnh khỏi dòng mơ màng ra khỏi công viên, mái tóc tôi đã ướt đẫm, toàn thân run rẩy lạnh. Mãi mãi tôi kiếm được một chiếc xe. Về tới nhà, khi tôi bước vào, Nhã kêu lên:
-Chị đi đâu vậy?
-Đi dạo.
-Trời đang mưa, chị ướt hết rồi!
Tôi rùng mình:
-Chị bị mưa. Một chút thôi không sao.
Tôi uống một ly nước nóng, thay quần áo ấm, rồi lên giường nằm. Nhã lấy chăn đắp cho tôi. Mệt quá, tôi không chợp ngủ được một giấc. Tưởng không làm sao, nhưng đến buổi sáng hôm thức dậy, tôi cảm thấy khó chịu thật sự. Đầu óc váng vất, tay chân tê mỏi. Tôi lấy áo len mặc vào người. Tấm áo len có tay, cài khuy tới cổ, vậy mà da thịt tôi vẫn run rẩy lạnh, tưởng chừng như những hạt mưa thấm vào người tôi buổi chiều hôm trước vẫn còn ở đó biến thành băng tuyết không tan. Tôi trở vào giường nằm suốt buổi sáng, nghỉ đi làm luôn.
Nhã lại bên tôi, lo lắng:
-Chị đau sao?
Tôi đáp:
-Trong người váng vất thế nào ấy, nhưng chắc không sao. Chị nằm nghỉ một lát, đến chiều chắc khỏe ngay.
Nhã để tay vào trán tôi kêu lên:
-Nóng quá! Nóng như lửa thế này! Trong người chị thế nào?
-Lạnh.
Nhã lo sợ:
-Vừa nóng lại vừa lạnh! Chị đau thật rồi, còn gì! Để em đi mời bác sĩ.
Tôi ngăn lại:
-Để đến trưa xem sao. Để mặc chị cho chị nằm nghỉ một lát. Em bận gì sáng nay không?
Nhã ngập ngừng:
-Em có hẹn với Thiều. Mặc anh ấy! Chị đau, em phải ở nhà với chị.
Một buổi hẹn với người yêu là cả một vấn đề quan trọng, tôi biết như vậy. Tôi bảo Nhã là cứ đi, tôi muốn nằm một mình, chỉ cần Nhã về trước bữa cơm và nhớ mua cho một ít trái cây tươi là được. Nhã vùng vằng, tôi giục mãi mới chịu đi. Suốt uổi sáng, cơn bệnh không gia tăng. Tôi nằm trong chăn có cảm tưởng như cái lạnh trong người có bớt đi được phần nào. Sự mỏi mệt rã rời lại làm tôi thiếp đi. Mười hai giờ trưa, Nhả trở về với Thiều. Tôi gượng ngồi dậy, hơi bực bội với chính mình. Tạng tôi khỏe, ít khi đau yếu lăng nhăng. Tôi quyết đương đầu với cơn đau bằng được, không chịu để cho nó đàn áp và lấn lướt. Thiều và Nhã lại đề nghị mời bác sĩ tới nhà. Tôi lại nói là để tới chiều xem đã. Thiều về thì đến 3 giờ trưa tôi lên cơn sốt mê man. Những cơn nóng lạnh, nóng dữ dội và lạnh khủng khiếp thay phiên nhau ào ào tới. Tôi run rẩu toàn thân, mồ hôi vãi ra như tắm, đầu óc quay cuồng, hai bên thái dương nhức nhối như muốn nổ tung thành muôn nghìn mảnh nhỏ.
Nhã ngồi bên tôi. Nó hoảng sợ đến phát khóc lên. Biết là mình không làm sao chống cự vớ căn bệnh đã có mòi trầm trọng, tôi gắng gượng lắm mới nói được với Nhã:
-Đi mời bác sĩ cho chị.
Nửa giờ sau, Nhã trở về. Nhưng nó không đưa về một thầy thuốc nào hết, mà người đến cùng nó là Phan. Nhã giải thích:
-Em đến tìm Thiều, nhưng anh ấy vừa đi khỏi. Em chẳng biết ông bác sĩ nào vào ông bác sĩ nào hết. Em đành đến kiếm anh Phan. Anh Phan bảo phải đưa ngay chị vào nhà thương.
Trong bóng tối lờ mờ của căn buồng đóng kín, tôi thấy Phan đứng đó, ở đầu giường, sau lưng Nhã.
Tôi gắng gượng nói:
-Nhã chẳng hiểu gì hết. Làm phiền anh nhiều quá!
Phan đẩy Nhã sang một bên, tới sát thành giường:
-Phiền gì đâu! Tuyền đau thật đó, tôi đưa xe đến. Tuyền nên vào ngay bệnh viện!
Nửa giờ sau, Nhã và Phan dìu tôi ra xe. Mười lăm phút sau khi ra khỏi nhà, tôi đã nằm trong một căn buồng bệnh viện. Thật là một biến động bất ngờ. Tôi nằm ở bệnh viện 10 ngày. Mấy ngày đầu tiên, tôi sốt mê man, lúc mê, lúc tỉnh. Bác sĩ cho biết đã có một lúc ông lo ngại thực sự cho tính mệnh tôi. Ônh lạ lùng là cơ thể tôi vững vàng khỏe mạnh, nhưng sức chống chọi với bệnh tật ở tôi lại không được vững vàng mạnh khỏe như vậy.
Cũng may, sau 3 ngày, sốt lui dần. Tôi mệt lả, nhưng những phút hiểm nghèo nhất đã qua khỏi. Mấy ngày đó, sáng nào, chiều nào, Phan cũng đưa xe đến đón Nhã tận nhà rồi lại cùng Nhã vào thăm tôi. Phan quen thân với người bác sĩ ở bệnh viện. Thấy tôi qua khỏi, Phan mừng rỡ hiện ra nét mặt. Mỗi lần vào, Phan mang đủ các thứ cần thiết cho một người nằm bệnh. Từ thuốc bổ đến trái cây, đến sách báo cho tôi đọc, lại có thêm cả một máy truyền hình nhỏ để ở đầu giường nữa. Tôi từ chối thế nào cũng không được.
Tuy gặp tôi luôn luôn như thế, nhưng Phan vẫn giữ ý như những lần gặp đầu, vào phòng hỏi thăm tôi một vài câu rồi Phan lùi ra ngay, đứng chờ Nhã ở ngoài hàng lang. Nhã cho tôi biết Phan đã nghỉ làm ở sở để có thể đón Nhã bất cứ lúc nào Nhã cần vào bệnh viện thăm tôi. Sự săn sóc tận tình đó của Phan làm cho tôi cảm động.
Một lần Phan vừa toan lui ra, tôi giữ Phan ngồi lại. Tôi bảo Nhã:
-Nhã, kéo ghế cho anh Phan ngồi.
-Tuyền cứ nằm nghỉ, đừng để ý đến tôi.
Tôi lại bảo Nhã:
-Ra ngoài cho chị nói chuyện với anh Phan một lát.
Còn lại hai chúng tôi, tôi chỉ những bông hồng tươi thắm cắm trong cái bình nhỏ ở đầu giường:
-Hoa anh cho đẹp quá!
-Nhã nói Tuyền thích hoa hồng, và thích nhất là hồng nhung.
Tôi mỉm cười:
-Không phải chỉ có hồng nhung mà thôi. Bao nhiêu sở thích của tôi, xem chừng anh đều thuộc hết. Nhã nói cho anh biết phải không?
Phan vội vã lắc đầu:
-Tôi hỏi chứ không phải Nhã nói. Tuyền đừng phiền trách Nhã. Nhã không nói gì hết.
-Tôi bị đau bất ngờ, lại không ngờ đau nặng thế này. Mấy hôm liền mê man tôi có biết gì đâu. May quá, có anh, nếu không hai chị em chẳng còn biết xoay xở như thế nào!
Phan ôn tồn:
-Ai cũng có lúc đau yếu. Tôi cũng vậy. Tôi rất mừng là Tuyền đã qua khỏi Tuyền cứ an tâm nằm ở đây cho đến khi nào thật khỏe hẳng hãy về nhà. Bác sĩ nói Tuyền tuy hết bệnh rồi nhưng còn yếu lắm. Phải tiêm thật nhiều thuốc bổ mới như trước được.
Phn đề nghị:
-Có lẽ sau đây, Tuyền nên đi nghỉ ít lâu, hoặc ở Vũng Tàu, hoặc ở Đà Lạt. Không khí thành phố này thực ra không được tốt lành lắm.
Tôi nói:
-Nhưng tôi còn phải đi làm.
-Tuyền không cần phải đi làm.
Tôi biết Phan muốn nói gì qua câu nói đó. Phan muốn nói là từ nay tôi khỏi phải bận tâm đến vấn đề sinh kế cùng mọi vấn đề vật chất khác. Cần dùng gì đã có Phan. Đúng là Phan muốn nói thế, phải thế không? Nhưng tôi nín thinh, làm như không hiểu. Cho tới giờ phút này, tôi vẫn coi như đã hoàn toàn thuộc về sở hữu của Trường. Vấn đề là phải tránh cho Phan những ngộ nhận, những hiểu lầm đáng tiếc.
-Anh tốt với tôi quá!
Im lặng một lát rồi tôi nói tiếp:
-Tôi rất buồn là không có gì để đáp lại, dù chỉ một phần rất nhỏ lòng tốt của anh.
Phan cúi đầu im lặng. Tôi ngó nhìn người đàn ông ngồi từ tốn trước mặt, và tôi lại nghĩ đến Trường. Chắc Trường không biết tôi đau, đang nằm trongmột bệnh viện, vừa thoát khỏi tử thần. Phải, chắc chàng không biết đâu! Nếu chàng biết đã ay về, đã ở bên cạnh tôi săn sóc tôi lúc tôi mê man. Nếu biết, chỗ Phan đang ngồi bên phải là chỗ chàng ngồi đó. Tự nhiên, tôi cảm thấy đau đớn vô chừng.
-“Lần đầu tiên, em giận anh rồi đó, anh yêu dấu! Những lúc đau yếu em mới nhận thức được sự thật này là một người đàn bà vững mạnh đến đâu, vẫn cần được sự che chở, săn sóc. Thiếu sự che chở, đời sống người đàn bà gần như không còn là đời sống nữa. Hơn thế, người đàn bà gần như không còn là người đàn bà.”
Cũng may có Phan. Nhưng tôi không muốn nhận ở Phan những sự che chở cho tôi, mà đành phải nhận.
-“Anh Trường! Em giận anh chính vì lẽ đó!”
Tôi cố gạt bỏ hình ảnh Trường ra khỏi đầu óc và hỏi Phan:
-Anh hiểu tôi muốn thưa với anh như thế nào không?
Phan gật đầu:
-Tôi hiểu. Tôi không đòi hỏi Tuyền một điều gì hết. Tuyền cũng không có điều gì phải chứng mình, phải giải thích với tôi.
-Có chứ! Nếu không là thiếu thẳng thắn, thiếu thành thực với anh.
-Đâu có!
Đàng nào cũng phải nói cho xong cho hết một lần, cho cả tôi, cả Phan, và mọi người cùng hiểu rõ. Nghĩ vậy, tôi nói:
-Từ ít lâu nay, tôi nhận thấy anh đối với tôi rất tốt. Những điều anh chưa nói ra, những điều mà bất cứ một người đàn bà nào cũng sung sướng nếu được nghe thấy, nhất là nghe thấy từ một người như anh, tôi đã đoán hiểu được một phần nào. Hiểu, và tôi rất cảm động, anh tin cho như vậy. Điều tôi muốn thưa với anh, là trước khi gặp anh...
Phan ngắt ngang:
-Tôi đã hiểu! Nhã đã cho tôi biết.
-Người đàn ông đó đi xa, chưa về, nhưng sẽ trở về.
-Điều đó tôi cũng biết nữa.
Tôi nói:
-Vậy thì anh đã hiểu.
-Cảm tình của tôi đối với Tuyền không hề vì thế mà thay đổi. Tuyền cho phép tôi một điều là: được chờ đợi.
Tôi kêu lên:
-Anh Phan...
Phan giơ tay cản lại:
-Tuyền đừng nói gì thêm nữa. Chưa khỏi hẳn đâu, và Tuyền còn yếu lắm. Bác sĩ nói còn phải nằm nghỉ cho lại người. Thôi, tôi về. Sáng mai, tôi lại đến đón Nhã vào thăm Tuyền.
Phan mỉm cười nhìn tôi, cúi đầu và mở cửa phòng đi ra. Tôi nằm vật xuống mặt đệm. Câu chuyện cuối cùng cũng chẳng đổi thay được gì hết! Phan nói Phan không cần tôi đáp lại. Phan không có ảo tưởng gì. Chàng còn biết rõ chuyện tôi với Trường. Chàng chỉ xin tôi một điều là để cho chàng được tới thăm, và để cho chàngđược chờ đợi. Như thế thì đành rồi. Cái quyền hy vọng và đợi chờ là của Phan, tôi không cấm đoán được. Cuộc sống thật là lạ lùng. Tôi đợi chờ Trường thì Phan lại đợi chờ tôi. Tình yêu như thế sao? Một sự chạy đuổi theo một hy vọng, một hình bóng? Thôi, đành là để cho thời gian giải quyết hộ mình.
Thêm một tuần lễ nữa nằm ở bệnh viện, tôi có thì giờ suy nghĩ được thêm rất nhiều điều. Bệnh tình đã thuyên giảm, nhưng sự đe dọa cho tính mệnh vừa thoát khỏi còn để lại trong tôi một âm hưởng buồn rầu. Đời sống một người, nói cho cùng, thật mong manh. Sống chết quả thật không biết thế nào! Chỉ thiếu may mắn một chút, một chút thôi, tôi đã không còn nữa! Tôi đã là một cuộc đời ngắn ngủi, vô nghĩa như một hình bóng thoáng mất hút trong thời gian và không gian.
Chỗ tôi nằm nhìn xuống một bãi cỏ thật lớn. Những hàng cây cao xếp hàng từ ngoài cổng bệnh viện tới sát cửa sổ buồng tôi, những tàu lá sum xuê dày đặc ngăn lọc ánh sáng, bãi cỏ lúc nào cũng rầm mát và xanh nõn. Một lối đi ở giữa mở sang khu giải phẫu.
Buổi chiều, khi Nhã vào thăm tôi xong đã trở về, tôi thay đòi người nữ y tá cho được ra ngồi ngoài hành lang. Với một chiếc chăn mỏng đắp hờ lên ngực, tôi nằm ngả người trên chiếc ghế vải, nhìn xuống bãi cỏ. Bệnh viện đúng là một thế giới riêng biệt, ngăn chia hẳn với thành phố bên ngoài. Đám bệnh nhân từ những ngôi nhà có thềm cao, tới lúc nhạt nắng, và sau bữa cơm chiều đều đi dạo trên con đường giữa bãi. Họ mặc áo xanh, đi dép mỏng, dáng điệu thư thái trầm lặng. Nhiều người đi thành từng tốp, vừa đi vừa thì thầm nói chuyện. Nhiều người tách riêng, đi lủi thủi một mình hoặc ngồi trầm tư trong cô đơn trên mặt cỏ mà dáng chiều đang làm cho dần dần tối lại.
Tôi ngồi lặng, nhìn cái cảnh tượng trước mắt, và tôi đã nghĩ nhiều đến một hiện tượng, trước kia ít khi tôi nghĩ tới, hay có nghĩ, cung chủ là những ý nghĩ thoáng qua. Đó là cái chết.
Tôi nói:
-Nhưng rồi mọi người đều phải chết.
Trường cười:
-Tất nhiên. Chính vì thế mà lại càng không nên nghĩ tới.
Tôi hỏi chàng:
-Cái chết nào đẹp nhất theo ý anh?
-Cái chết thình lình, đột ngột. Một ngừng đứng bất chợt, không có một dấu hiệu nào báo trước.
Đó là cái chết mà bất cứ một người đàn ông nào có một đời sống vũ bão như Trường đều mong muốn. Tôi không thể thích, cũng không thể nào hình dung ra một cái chết như vậy. Cái chết, nghĩ từ một hành lang bệnh viện nghĩ đi, với tôi là một tàn phai và tắt thở dần dần. Từng phút rồi từng phút. Từng ngày rồi từng ngày.
Buổi chiều xuống dần. Ngày đang chết. Lát nữa, những phiến bóng tối dần dần lan chiếm mặt cỏ, đêm giăng lưới cũng là lúc buổi chiều đang đi dần vào một trạnh thái lâm chung. Cái chết lặng lẽ, êm ái, từ từ không một tiếng động, đó là cái chết mà tôi đang nghĩ tới. Nếu không có một sự thay đổi nào, tôi cũng đang chết, từng giờ từng phút như vậy. Vấn đề là phải ngược đường, tìm trở về giữa đời sống bằng bất cứ giá nào. Vấn đề là phải đi qua một vũng đêm, tìm gặp một bình minh, tự tạo mình thành một cánh chim én bay hết những mùa đông dài, đến một mùa xuân mới. Tôi muốn sống, đích thực là không đợi chờ được nữa. Nếu không có một phản ứng nào, tôi sẽ chết dần chết mòn, cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng lúc nào không hay.
Mười ngày nằm ở bệnh viện cuối cùng được xem như đánh dấu cho một chuyển hướng quan trọng trong tâm hồn và đời sống của tôi. Tôi được chứng kiến nhiều điều. Suy nghĩ về những điều đó, và từ những điều đó, tôi đã thay đổi. Hai ngày trước khi dời khỏi bệnh viện, thêm một sự kiện nữa, khiến cho sự thay đổi ở tôi thoạt đầu chỉ như một lưỡng lự phân vân, trở thành rõ rệt hơn: người đàn bà nằm kế buồng tôi từ trần. Tôi không ngờ bà ta từ trần một cách đột ngột như thế. Chúng tôi quen nhau từ buổi chiều cùng ngồi với nhau ở ngoài hành lang. Trong bệnh viện, những người đau dể bắt chuyện với nhau lắm. Buồn mà! Thừa thì giờ mà! Chỉ sau một vài lần nói chuyện, Yến, tên người đàn bà, và tôi trở thành đôi bạn thân. Chúng tôi hỏi thăm về gia đình nhau, cho nhau địa chỉ, hẹn sẽ đến thăm nhau ở nhà riêng, chừng nào cả hai cùng dời khỏi bệnh viện.
Yến có một giọng nói ngọt ngào rất dễ thương. Tôi còn nhớ mãi trong một chuyện trong những lần trò chuyện giữa tôi và Yến. Tôi hỏi:
-Anh đâu? Không thấy vào thăm chị?
Yến rũ rũ mái tóc, mái tóc thật dày, che phủ gần hết khuôn mặt xanh yếu:
-Nhà tôi đi làm xa.
-Tận đâu thế?
-Dưới Châu Đốc.
-Nếu tôi không lầm, chị đau nằm trong này đã cả tháng. Sao anh không về thăm chị? Không biết tin chị đau sao?
Yến buồn rầu:
-Biết chứ! Hôm tôi phải vào nhà thương, chú em đã đánh ngay điện tín báo tin cho nhà tôi biết. Nhà tôi đã từ Châu Đốc hấp tấp về ngay, đã vào đây với tôi. Khi đó chị chưa vào đây nên chị không biết. Nhưng công chức có nghỉ, cũng chỉ nghỉ phép được vài ngày. Hai ngày sau, nhà tôi lại phải trở về nhiệm sở.
Yến thở dài:
-Nhà chẳng có ai! Có cậu em, nhưng cậu ấy phải đi học, lại mải vui với bạn bè, chỉ thỉnh thoảng mới nhớ đến chị có một chút.
Tôi hỏi:
-Chị đã có cháu chưa?
Yến gật đầu:
-Đã! Một cháu! Cháu được hai tuổi.
Tôi hỏi Yến:
-Chị nằm ở đây thì làm thế nào trông nom cháu?
Yến chép miệng:
-Thế mới khổ! Phải nhờ một bà hàng xóm trông nom hộ đấy, chị ơi! Thành ra nằm đây, tôi đâu có được yên tâm! Chỉ lo nghĩ tối ngày vì cháu.
Tôi không tiện hỏi về bệnh tình của Yến. Chừng như Yến giấu, không muốn cho tôi biết về chuyện đó. Chỉ thấy Yến đã đỡ lắm, có nhiều hy vọng bình phục, có nhiều hy vọng trở về nhà. Chính Yến cũng bày tỏ với tôi niềm hy vọng đó.
-Bao giờ chị ra?
Tôi trả lời:
-Bác sĩ nói chừng 5-7 ngày nữa.
Yến tính đốt ngón tay:
-Tôi nằm trong này đã một tháng rưỡi đúng. Hy vọng là chỉ phải nằm thêm vài ba tuần nữa. Thấy trong người khá. Tháng trước chỉ lo chết, khóc suốt ngày đó chị.
Thế mà cơn bệnh thình lình tái phát, chỉ sau một buổi chiều, sau một đêm, tới buổi sáng hôm sau, Yến chỉ còn là một thây người bất động và lạnh ngắt trên giường bệnh. Lúc đó tôi vừa thức dậy. Người nữ y tá đến lấy nhiệt độ cho tôi, hất hàm ra hiệu về phía buồng bên:
-Bà có bà con gì với bà Yến?
Tôi ngạc nhiên:
-Chúng tôi quen nhau ở đây. Trước, tôi chưa từng quen, chưa từng gặp. Chuyện gì thế cô?
-Bà Yến mất rồi.
Tôi thảng thốt kêu lớn:
-Trời ơi! Hồi nào vậy?
-Năm giờ sáng.
Tôi không chịu tin:
-Làm sao có thể vô lý như thế được? Tôi tưởng bà Yến bình phục rồi mà. Bà ấy nói chuyện với tôi là bà ấy hy vọng chỉ còn phải nằm tại đây chừng hai tuần nữa.
-Vâng! Nhưng bà ấy đã chết! Chuyện gì cũng có thể xảy ra hết.
Người nữ y tá nói xong thản nhiên đi ra. Cô ta không tỏ vẻ gì xúc động. Chừng như nghề nghiệp đã làm cho cô ta quen lắm với những trường hợp sống chết bất thường và đột ngột. Cô nữ y tá quen. Nhưng tôi thì không, không quen, chưa quen như thế bao giờ. Tôi nằm trên giường lặng người đi, hai mắt trân trân mở lớn. Đỉnh màn im phắc. Nền trần trên đầu trắng toát cho tôi màu trắng của một vành khăn tang buộc một vòng tròn đau thương trên một mái tóc đàn bà. Yến đã chết. Đã tự buộc một vòng khăn tang trên mái tóc nàng. Yến chết là cái sự tôi không thể nào tưởng tượng được. Tai tôi còn văng vẳng những lời nói của Yến:
-“Tôi sắp khỏa rồi. Có hy vọng về nhà sau một vài tuần.”
Vậy mà tiếng nói ấy đã tắt vĩnh viễn. Mắt tôi còn đựng đầy những hình ảnh của Yến lúc chúng tôi ngồi cạnh nhau ngoài hành lang. Yến chỉ tay xuống bãi cỏ, nói cũng mong ước có một căn nhà ngoại ô với một bãi cỏ óng mướt như thế vây quanh. Vậy mà cái hình ảnh còn chan hòa sức sống ấy đã ra khỏi thế giới loài người, mất hút vào hư không, không bao giờ hiện hình trở lại. Đời sống như thế đó sao? Như thế đó sao, đời sống một người? Một hoài nghi tới cùng? Một mong manh trọn kiếp? Tôi nghĩ đến Yến một buổi sáng, một buổi chiều nào đó một cách thật dễ dàng, không hay biết. Nghĩ thế, tôi đã ràn rụa nước mắt.
Buổi trưa, mặc dầu biết là không được phép, và như thế rất hại cho thần kinh và sức khỏe của mình, tôi lần mò xuống nhà xác bệnh viện với ý định nhìn thấy mặt Yến một lần cuối cùng. Người gác nhà xác không cho tôi vào. Tôi phải nói dối:
-Tôi là thân nhân của người chết.
Yến nằm đó, trên một chỗ nằm gần như là một mặt bàn sắt. Thân hình Yến, cái chết đã làm cho co rút lại, chỉ còn như thân hình một đứa con nít. Tôi nhấc tấm vải phủa mặt người bạn gái gặp trong cùng một cảnh ngộ khác thường của bệnh hoạn, nhìn bạn một lần cuối cùng. Tôi thì thầm:
-Vĩnh biệt! Vĩnh biệt Yến!
Nước mắt ràn rụa, tôi lảo đảo đi ra. Tử khí đuổi theo, bao trùm, làm cho toàn thân tôi lạnh buốt. Về tới phòng, tôi ném mình xuống mặt đệm, có cảm tưởng hãi hùng và rùng rợn là như Yến, tôi cũng đang đau trở lại, tôi cũng đang hấp hối, đang thở những hơi thở cuối cùng của đời mình. Sáng mai, như Yến, người ta cũng sẽ khiêng tôi xuống nhà xác, đặt nằm sóng sượt trên mặt cái bàn sắt trống trơn và buốt lạnh ấy.
Tôi kéo chăn đắp lên ngang ngực, nhắm nghiền mắt lại, như thế cho tới trưa. Tới gần bữa ăn, người nữ y tá tới bảo tôi:
-Bà Tuyền! Có người muốn gặp bà.
Tôi hỏi, nghi đến Phan:
-Phải ông vẫn vào thăm tôi?
Người nữ y tá lắc đầu:
-Không phải! Ông này là chồng bà Yến. Ông ta đang đứng chờ ngoài hành lang. Bà bằng lòng tiếp ông ta không?
Tôi lật đật ngồi lên:
-Có chứ! Nói với ông ấy là tôi ra ngay.
Người đàn ông đã đứng tuổi, vẻ người hiền lành. Thoạt nhìn ông ta, tôi cũng đoán được đau đớn bàng hoàng còn nguyên vẹn trong tâm trí. Nhưng mặt khác, ông ta đã cố gắng kìm giữ niềm đau đớn đó lại, không cho biểu lộ ra bề mặt. Sự đau đớn bởi vậy thật chững chạc và đáng kính trọng. Thấy tôi, ông ta cúi đầu chào:
-Thưa, bà là bà Tuyền?
Tôi cúi đầu đáp lễ:
-Dạ phải! Sao ông biết tôi?
-Cô y tá nói chuyện. Cô ta nói trong những này cuối cùng, nhà tôi thường trò chuyện với bà. Tôi là Thân. Tôi ở xa, không kịp về trước khi nhà tôi nhắm mắt. Lá thư trước, nhà tôi nói đã khỏe lắm, sắp về nhà được.
Giọng người đàn ông hơi lạc đi vì đau đớn:
-Thành ra tôi đâu có ngờ!
-Mời ông ngồi.
Người đàn ông ngồi xuống cái ghế Yến vẫn ngồi mấy buổi chiều hôm trước. Tôi chỉ cái ghế:
-Đó là chỗ bà thường ngồi. Chúng tôi quen nhau ở đây. Tôi thành thực chia buồn cùng ông. Thú thật, tôi không thể ngờ Yến có thể mất một cách thình lình như thế! Cũng là số trời.
Tôi hỏi tiếp, trước sự im lặng của Thân:
-Ông có tin như tôi là người ta sống chết đều có số không?
Thân ngước mắt nhìn tôi đăm đăm, hỏi lại:
-Bà tin như vậy?
Tôi dịu dàng:
-Đôi khi chúng ta không còn gì hơn là niềm tin tưởng ấy!
-Vâng! Có lẽ.
Nghĩ đến Yến còn nằm dưới nhà xác, tôi hỏi:
-Ông đã... gặp bà?
-Đã! Lát nữa, tôi sẽ đưa nhà tôi về nhà để đưa nhà tôi đến nơi an nghỉ cuối cùng. Tôi muốn được gặp bà để được bà cho biết lại những gì nhà tôi đã nói trước khi mất.
Tôi vận dụng trí nhớ, và bằng một giọng chậm rãi, tôi thuật lại những câu chuyện. Thân ngồi yên lặng, đầu cúi xuống, hai tay bưng lấy mặt. Sự đau đớn vô phương cứu chữa của người đàn ông có một vẻ gì thật tội nghiệp. Không hiểu rõ về con người Thân, mới gặp Thân lần đầu và cũng chắc là lần cuối cùng, mà tôi cũng như biết trước một cách thật là chắc chắn, rằng người đàn ông không bao giờ còn tìm được một hạnh phúc nào khác nữa. Người vợ đã chết. Và trên một ý nghĩa nào, cũng là người chồng đã chết theo. Thân sẽ sống, sẽ quên, có thể lấy người vợ mới. Nhưng không bao giờ Thân còn nhìn thấy cái khuôn mặt rực rỡ của tình yêu và hạnh phúc nữa.
Tôi nói:
-Nếu trước khi mất bà được gặp ông, chắc bà vui lòng hơn.
Người đàn ông bất chợt ngẩng đầu lên, đôi mắt sáng quắc:
-Tôi về kịp, nhà tôi đâu có mất như thế được!
Câu nói làm tôi ngẩn người. Những lời nói ấy của Thân được nói bằng một giọng thật quyết liệt khiến tôi không thấy nó vô lý nữa, mà gần như là phát biểu cho một sự thực vậy. Sự thực là như thế sao? Nếu Thân về kịp, Yến có thể còn sống, chưa đến nỗi phải là cái tử thi buốt lạnh nằm trơ trơ một mình dưới nhà xác kia.
Tôi đáp:
-Vâng! Có lẽ như thế.
Một lát, Thân trả lời tôi, giọng bình thường mà quyết liệt hệt như câu nói cũ:
-Nhất định là như thế!
Tôi nghĩ thật nhiều về Trường khi hỏi Thân:
-Sao ông không tính đến chuyện đưa Yến xuống ở cùng với ông? Vợ chồng phải được gần nhau.
Thân thở dài:
-Tôi đã nói với nhà tôi nhiều lần. Tôi cũng đồng ý hoàn toàn với bà như vậy, là vợ chồng phải ở gần nhau. Xa nhau, gần như không còn là vợ chồng nữa. Nhà tôi thoạt đầu không chịu nghe theo, cuối cùng cũng ưng thuận. Ngặt vì chúng tôi còn cháu nhỏ. Đường sá đi lại khó khăn, cho cháu đi thật là một chuyện vạn bất đắc dĩ. Vùng tôi làm việc hồi này lại không được an ninh lắm. Chính vì lẽ đó mà chúng tôi cứ lần lữa. Rồi nhà tôi đau, cái chuyện đi lại phải hoãn lại, chờ cho nhà tôi khỏe đã.
Thân ngậm ngùi:
-Bây giờ thì tất cả đều muộn!
Thân nhìn tôi, tròng mắt thấp thoáng bóng hình người thân yêu không còn nữa:
-Không bao giờ người đàn bà nên sống một mình!
Tôi nghĩ đến tôi hơn là nghĩ đến Yến khi trả lời Thân:
-Chính vậy!
Tôi nói tiếp với Thân, mà như với chính mình:
-Không bao giờ người đàn bà nên sống một mình!
Chúng tôi nói chuyện chừng mấy phút nữa thì Thân cáo từ đứng lên:
-Rất ân hận đã làm phiền bà.
-Đâu có! Tôi rất mừng được gặp ông. Một lần nữa, tôi xin thành thực chia buồn.
Thân nhìn tôi đăm đăm, định nói gì lại thôi, đầu cúi xuống dưới, sức đè nặng của khổ đau không bờ bến như khi mới đến. Thân bước xuống bực thềm, đi về phía nhà xác...
Ngày cuối cùng ở lại bệnh viện, thần trí tôi giao động dữ dội. Nét mặt buồn thảm, nhẫn nhục của người chồng, hình ảnh cái chết thảm thương của Yến ám ảnh tôi không dứt. Chưa bao giờ cái chết lại có một ý nghĩa hãi hùng như vậy. Nghĩ đến đó,cơ hồn tôi muốn đau trở lại. Buổi trưa khi Nhã và Phan vào, cả hai ngó thần sắc nhợt nhạt của tôi cùng kêu lên. Nhã hỏi:
-Chị sao vậy?
Tôi gượng cười:
-Sao đâu? Chị thấy trong người khỏa hẳn rồi. Anh Phan, mời anh ngồi chơi đó.
Phan nói:
-Mai tôi đưa xe vào đón Tuyền về nhà.
-Vâng! Cám ơn anh!
Phan ngó tôi bằng cái nhìn đầy vẻ lo lắng thành thực:
-Nếu Tuyền còn thấy mệt, để tôi nói với bác sĩ ở thêm một tuần nữa.
Tôi vội vàng gạt đi. Tôi không muốn ở lại bệnh viện, dù thêm một ngày. Yến chết, tôi muốn dời xa nơi chống này ngay tức khắc. Vả lại, tôi muốn về nhà. Thấy là đã nhớ nhung ngôi nhà bé nhỏ nhưng xinh xắn của mình vô tả. Tôi nhớ chỗ nằm gần cửa sổ, ánh đèn trong phòng ngủ, bóng lá ngoài mái hiên. Một phần con người tôi ở đó, đến một cỗ khác, tôi vẫn thấy thiếu vắng một cái gì.
Nhã ngồi xuống đầu giường. Chợt nhớ ra, Nhã hỏi:
-Người đàn bà chết ở phòng bên có người nhà tới chưa chị?
Tôi đáp:
-Đã!
-Ai vậy?
-Chồng bà ta.
Nhã bĩu môi:
-Vợ chết tám đời, chồng mới dẫn xác đến. Chồng với chả chồng!
Tôi thấy cần phải minh oan cho Thân. Tôi cau mặt mắng Nhã là nó không được quyền ăn nói hàm hồ như thế khi nó chưa hiểu rõ cảnh ngộ người nó chỉ trích thế nào.
-Ông Thân vừa nói chuyện với chị về nguyên nhân tại sao hai vợ chồng ông ta phải sống xa nhau. Ông ta không làm thế nào khác được. Tình cảnh ông ta thật đáng ái ngại.
Nhã nhún vai:
-Em hoàn toàn không đồng ý với chị. Muốn là được. Không có một hoàn cảnh nào lại không có thể thay đổi và làm khác nếu người ta muốn thay đổi, muốn làm khác. Vợ chồng phải ở gần nhau. Lỗi là tại người chồng đã không biết cách, hay là không muốn cũng vậy.
Phan thấy Nhã quyết liệt quá, lên tiếng cho câu chuyện giữa hai chị em bớt căng thẳng:
-Chẳng ai muốn thế! Có cặp vợ chồng nào lại muốn sống xa nhau đâu?
Tôi nghe, và hơi buồn. Trường đã sống xa tôi, hết năm này sang năm khác. Nếu chúng tôi chính thức lấy nhau, chàng có chịu ở gần tôi hay chàng vẫ đi theo cái lối sống nay đây mai đó của chàng? Thật khó mà trả lời. Phan và Nhã về, hẹn sáng hôm sau sẽ vào sớm. Tôi ủ rũ suốt buổi chiều hôm đó. Trời lại mưa, thứ mưa phùn buồn rầu, u uất. Mưa bay nghiêng, lẫn trong bóng tối. Thảm cỏ trước mặt tôi ướt át. Những lùm cây lướt thướt. Buổi chiều bệnh viện cũng thê lương như lòng người.
Cùng với buổi chiều, hình ảnh Trường hiện lên. Một hình ảnh lần đầu tiên tôi thấy lung linh mờ nhạt. Chàng vẫn ở xa xôi, nhưng chiều nay mới thậ là chàng ở xa tôi hơn bao giờ hết, sau những biển sương mù, sau những núi rừng mưa. Phía bên kia những chân trời mịt mùng, khuất lấp sau hàng nghìn vạn dặm đường máy bay, tận đáy cùng trí nhớ. Tôi nghĩ tôi vẫn yêu chàng đằm thắm. Tôi nghĩ chàng vẫn yêu tôi nồng nàn. Không có gì đổi thay, không có gì phai lạt. Nhưng tình yêu của chúng tôi hình như có một vẻ gì không thật nữa. Nó như chỉ còn là một ý niệm mơ hồ, một giấc mộtn hư ảo. Tôi vẫn hình dung tình yêu chúng tôi như một ngọn lửa bừng bừng. Bây giờ, tôi chợt thấy nó như một viên kim cương trong suốt.
Tôi ngồi thật lâu, tâm hồn lạnh tê như có một đợt gió lùa của lúc nửa khuya lan chiếm dần dần. Mưa đổ mau hơn. Tiếng mưa rì rào cùng khắp. Mưa bay trên đời tôi, mỗi mùa mưa tới một kéo dài, một lướt thướt hơn mùa mưa năm cũ. Mưa rơi trong lòng tôi, mưa bay qua những miền lạnh lẽo. Tôi chịu trận mưa đời mình, chịu đã tới lúc tôi có cảm tưởng chính tôi cũng đã biến thành một hạt mưa bay.
Buổi tối đã xuống hẳn. Những hành lang bệnh viện đã sáng dần dưới những ánh đèn. Bệnh viện im lìm dần. Những con bệnh đã người nào trở về phòng người nấy. Một vài tiếng ho khan nổi lên. Một vài tiếng cựa mình. Thoáng một tiếng thở dài. Rồn tất cả chỉ còn là một vùng mênh mông im lặng trong mưa.
Người nữ y tá đến sau lưng lúc nào không hay. Cô ta bước lên không một tiếng động. Một bàn tay đặt nhẹ lên vai tôi. Một tiếng nói dịu dàng:
-Trời lạnh, bà không nên ngồi ở ngoài lâu.
Tôi yêu cầu:
-Cô cho tôi được ngồi thêm 15 phút.
-Đau lại thì sao?
-Không có chuyện đó. Tôi chỉ xin được ngồi thêm một chút nữa.
-Cũng được.
Tôi ngỏ lời cám ơn người nữ y tá. Cô ta thật hiền hậu, thật dịu dàng. Nét mặt buồn buồn, cái nhìn u uẩn, đôi khi tôi thấy cô ta di chuyển lặng lẽ như một hình bóng âm thầm giữa những bệnh nhân thiêm thiếp và những mùng màn trắng toát. Tôi nói sáng mai tôi ra khỏi bệnh viện rất sớm, tôi muốn chào tạm biệt lúc này. Người nữ y tá kéo ghế ngồi xuống cạnh tôi.
-Về nhà chắc bà vui mừng lắm.
-Vâng! Nhưng tôi đã ở đây 10 ngày. Nơi chốn này cũng sẽ làm tôi lưu luyến và nhớ đến.
Người nữ y tá cười:
-Bà không nên trở lại. Đây là một nơi chốn mà không một người nào nên mong muốn trở lại.
Im lặng một lát, chúng tôi cũng lắng nghe mưa rơi:
-Cái chết của bà Yến xem chừng làm cho bà buồn lắm?
Tôi ngậm ngùi:
-Chúng tôi đã nhận nhau là bạn. Vâng, tôi buồn vô cùng. Tôi đã lẻn xuống nhà xác, nhìn mặt bà Yến một lần cuối cùng. Người ta chỉ sống một lần. Ai rồi cũng một lần phải chết. Cái chết của bà Yến đã làm cho tôi bàng hoàng xúc động.
-Như thế không nên, rất có hại cho tâm thần.
-Tôi không thể thản nhiên được.
-Điều đó rất dễ hiểu.
Tôi hỏi người nữa y tá:
-Đêm nay cô về nhà?
-Không! Đêm nay là phiên trực của tôi.
Nhìn đồng hồ tay, cô ta đứng lên, mỉm cười:
-Đã hết 15 phút. Bà nên vào nằm nghỉ.
-Tôi xin nghe lời cô.
Cái bóng người nữ y tá khẽ thấp thoáng rồi từ từ mất đi ở cuối dãy hành lang.
Buổi sáng hôm sau, Phan đưa xe tới đón tôi thật sớm. Từ hành lang nhìn ra, cánh cổng sắt bệnh viện vừa mở, chiếc xe sơn đen của Phan đã tiến vào. Phan mặc đồ lớn, thong thả từ trên xe bước xuống. Phan gật đầu chào từ đàng xa. Tôi dời hành lang đi xuống đón Phan. Chúng tôi sánh vai nhau đi lững thững một quãng trên con đường đã thấp thoáng nắng sớm. Thời gian làm thân mật và dễ dàng hơn mọi chuyện. Phan đã dẹp bỏ được gần hết những cử chỉ lúng túng buổi đầu. Thấy Phan đi một mình, tôi hỏi:
-Nhã đâu anh?
-Tôi có ghé qua đón. Nhưng cô ấy nói đau bụng. Chừng như nằm lạnh hay ăn phải của độc.
Tôi kêu lên:
-Chết! Còn bao nhiêu đồ dùng mang vào phải mang về.
Phan cười:
-Tưởng chuyện gì! Không sao! Tuyền cứ ngồi nghỉ ở ngoài hành lang. Chỉ cho tôi biết những đồ dùng đó, tôi mang hết ra xe rồi Tuyền hãy xuống.
Tôi đòi mang một vài thứ nhưng Phan không chịu. Trông Phan thật buồn cười và cũng thật cảm động với những đồ dùng lủng củng của đàn bà và người đau khệ nệ trên tay. Phải mang tới chuyến thứ ba mới hết. Khi tôi nói tôi phải sang ban giám đốc bệnh viện để thanh toán các khoản tiền, Phan ngăn lại:
-Tất cả đã thanh toán xong xuôi, Tuyền ra xe đi.
Tôi ngạc nhiên:
-Bao giờ thế?
-Chiều hôm qua.
-Bao nhiêu tất cả?
Phan nói dối:
-Ít thôi, chẳng bao nhiêu. Tôi không nhớ nữa.
Tôi không chịu để Phan trả tiền nằm ở bệnh viện cho tôi như vậy. Cuối cùng, Phan cười nói về nhà tôi trả lại cho Phan thì có làm sao đâu, rồi chúng tôi ra xe. Buổi sáng thật đẹp. Nắng rực rỡ trong cây, nắng chan hòa trên cỏ. Trời cao vút và xanh biếc. Những đám mây trắng bay theo một chiều gió không ngừng. Những ý nghĩ u uất của ngày hôm trước, cái chết của Yến, sự đau buồn của Thân, tôi đã ném trả lại bệnh viện. Người nữ y tá bảo cho tôi hay là bệnh viện không phải là một nơi chốn xứng đáng cho người lưu luyến. Và đời sống thì ở ngoài kia, trên những lòng phố, trên những mặt đường. Tôi muốn nghĩ như thế. Tôi muốn sống. Một mùa mưa có lướt thướt có buồn rầu đến mấy rồi cũng phải qua đi cho một mùa nắng tới, cho cuộc đời lại chảy trôi theo một nhịp bình thường. Mười ngày đêm đã để lại cho tôi một bài học quý báu, là người ta phải sống, không có cách nào khác. Phải sống với cuộc đời của mình và hiện tại của mình.
Tiếng Phan ôn tồn:
-Bây giờ tôi đưa Tuyền về nhà.
Tôi giật mình, ra khỏi vòng suy nghĩ. Nhìn sang hai bên, người đi lại tấp nập. Những cửa tiệm mở rộng. Tôi vui lây với sinh hoạt chung của một buổi sáng vừa bắt đầu:
-Anh cho đi chơi một vòng đã.
Phan vui mừng:
-Tôi cũng đang đề nghị với Tuyền như vậy. Trời hôm nay đẹp thật.
Trời đẹp với Phan, tôi biết rõ là tại Phan sung sướng. Mười ngày tôi đau, tôi nằm trong bệnh viện là 10 ngày vui mừng hớn hở nhất của Phan, bởi vì ngày nào Phan cũng theo Nhã vào thăm tôi. Lần viếng thăm nào Phan cũng cố kéo dài. Lúc đứng lên cáo từ, cáo từ nào cũng dùng dằng lưu luyến. Tình cảm Phan che dấu, không bộc lộ, nhưng tôi hiểu, tôi nhìn thấy rõ ràng, bởi cái lẽ giản dị là người đàn bà nào cũng biết ngay người đàn ông yêu mình, biết ngay từ một vài dấu hiệu thứ nhất.
-Anh cũng thấy hôm nay trời đẹp sao?
Phan đỏ mặt, ấp úng:
-Ai mà không thấy?
Đó, tôi mới hơi trêu nghịch một chút, Phan đã đỏ mặt liền. Gặp tay Nhã, với lối trêu sỗ sàng và quá khích của nó, Phan còn đỏ mặt đến đâu?
Xe lượn vòng qua những bùng binh, vượt qua những ngã tư, bỏ dần những khu phố đông đúc ồn ào để đi trong những con đường nhiều yên tĩnh và nhiều bóng mát. Chúng tôi nói chuyện. Phan hỏi:
-Tuyền còn định ở nhà bao nhiêu lâu?
Tôi ngạc nhiên:
-Sao lại ở nhà? Tôi khỏe rồi, phải đi làm như cũ.
-Sau thời kỳ bệnh phải có một thời kỳ dưỡng bệnh, bao giờ cũng vậy. Tuyền mới đau khỏi, chưa có nghĩa là đã mạnh như cũ. Theo ý tôi, Tuyền nên nghỉ ở nhà một thánh nữa.
Tôi cười:
-Không được!
-Tại sao vậy?
-Nghỉ nhiều quá, mất việc là thường.
Phan quay sang:
-Tuyền nói thật hay nói đùa?
-Nói thật đấy anh ạ! Nghỉ 10 ngày, mặc dầu tôi đau thật, đã là quá nhiều. Chỗ làm của tôi ở sở là một chỗ làm không thể vắng mặt được lâu. Dù sở có cảm tình với mình đến đâu cũng phải kiếm người khác thay thế.
Phan lái xe một quãng đường nữa rồi mới nói, đắn đo thận trọng mãi mới nói được:
-Tuyền thích đi làm lắm sao?
Tôi cười:
-Thích thì cũng chẳng thích mấy. Có những việc làm khác thích hơn là đi làm hai buổi một ngày.
Phan hỏi:
-Chẳng hạn như?
-Như đọc sách, đi chơi.
-Tuyền nói chỉ thích ở nhà.
Tôi trả lời, nghĩ đến sự thay đổi của mình, nghĩ đến quyết định mới của mình:
-Bây giờ tôi thích đi chơi. Sẽ không ở nhà nhiều như trước nữa.
-Sao Tuyền không nghỉ việc?
Tôi trả lời:
-Tôi cũng phải kiếm tiền để sống chứ!
-Theo tôi, chuyện đó không cần thiết, cũng không phải là một bắt buộc.
Xe chạy về phía phi trường Tân Sơn Nhất. Nắng chói lọi khiến tôi phải nhíu mày lại. Nàng làm nóng hừng gò má. Những mạch máu trong người như cháy mạnh hơn. Tôi ngây ngất một thứ ngây ngất rất dễ chịu. Cảm thấy yêu đời, thấy muốn sống hơn, muốn đuổi theo thời gian, muốn chạy rượt ngày tháng. Bên cạnh Phan loay hoay tìm kiếm một câu chuyện khác. Những giây phút im lặng kéo dài cuối cùng rồi bao giờ cũng làm cho Phan mất tự nhiên. Biết vậy, tôi giúp Phan bằng cách gợi chuyện trước.
-Các cháu vẫn ăn chơi?
-Cám ơn Tuyền. Chúng vẫn được mạnh.
-Chẳng bao giờ tôi thấy anh đưa các cháu đến chơi.
-Chúng phá phách lắm.
-Nhưng thế mới đúng là trẻ con.
Phan ngập ngừng:
-Tôi có nói chuyện Tuyền với các cháu. Chúng còn nhỏ, chưa biết gì. Nhưng tôi nghĩ nếu được gặp Tuyền chắc chúng mừng lắm.
-Lúc này các cháu ở đâu?
-Ở nhà.
-Anh đưa tôi lại chơi.
Tự nhiên tôi có ý định đó. Tự nhiên, không tính toán, không cân nhắc. Không phải là tôi muốn biết chỗ ở của Phan để làm gì, mà chỉ hình như là... trước những săn sóc của Phan trong suốt thời gian tôi nằm ở nhà thương, tôi muốn đáp lại bằng một cử chỉ đẹp, làm cho Phan được vui lòng. Lời đề nghị của tôi được Phan đón nhận bằng một đón nhận bàng hoàng. Nét vui mừng hiện rõ lên nét mặt khi Phan lái vòng xe trở lại, không tiến vào khu vực phi trường Tân Sơn Nhất nữa.
Nhà Phan ở đường bà Huyện Thanh Quan. Mội biệt thự hai tầng, kiểu cổ, tường vàng và cửa sổ sơn xanh chạy dài dưới mái ngói rêu phong. Một cánh cổng cao khép kín, một lối đi giữa hai bờ cỏ, rồi là thềm cao và phòng khách bày biện sơ sài, nhưng trang nhã, mỹ thuật. Phan mời tôi ngồi xuống chiếc ghế bành gần cửa sổ, rồi xin lỗi vào nhà trong.
Tôi đưa mắt ngắm nhìn lũ đồ đạc, những tấm hình teo trên tường. Nghĩ đến đời sống của Phan, một đời sống chừng mực, thứ tự, không bao giờ có những dấy động lớn lao. Một đời sống, nói tóm lại, càng thấy nó hoàn toàn trái ngược, hoàn toàn khác biệt với đời sống của Trường. Mái gia đình của Phan là ngôi nhà này, mấy căn buồng này, với những đồ vật nằm yên trên từng vị trí bất di dịch, và như thế, năm này qua năm khác. Mái gia đình của Trường rộng lớn gấp nghìn vạn lần hơn. Đó là mây và sao của trời. Đó là những vùng không gian mênh mông không giới hạn. Phan là người của những giới hạn chật hẹp. Trường không phải như thế, Trường ở ngoài mọi biên thùy.
Dòng suy nghĩ tôi bị cắt đứt. Phan từ nhà trong trở ra với hai đứa con. Chúng nó được giới thiệu với tôi. Thằng lớn tên là Trọng. Em gái nó là Hiền. Hai đứa nhỏ đều bụ bẫm, kháu khỉnh. Chúng mới lên 5 và lên 8 mà đã có những cử chỉ nghiêm chỉnh chừng mực giống bố.
-Các con chào bà đi.
Hai đứa nhỏ chắp tay, cúi đầu chào tôi. Tôi mỉm cười, kéo chúng nó lại gần. Nhà tôi chỉ vỏn vẹn có hai chị em và người u già, bao nhiêu năm nay không có tiếng cười hồn nhiên và ánh mắt trẻ thơ của tuổi nhỏ. Ôm hai đứa con Phan trong cánh tay mình, tôi chợt thấy yêu mến những tuổi lên 8, những tuổi lên 10. Yêu một bàn tay bụ bẫm, một mái tóc mềm mại, những khuôn mặt ở đó chưa hẳn lên những dấu vết và những nếp nhăn đời sống. Tôi buột miệng:
-Có trẻ trong nhà thích thật anh Phan nhỉ?
Phan vui mừng:
-Tuyền thấy như thế?
-Một ngôi nhà chỉ có những người lớn chung sống với nhau bao giờ cũng có một vẻ gì nghiêm trang, lặng lẽ. Tiếng cười của người lớn làm sao vui bằng tiếng cười trẻ thơ? Hai cháu chính là nguồn vui lớn nhất cho anh.
Phan ngồi xuống ghế rồi cúi xuống, nói một câu nặng trĩu ý nghĩa thầm kín:
-Nhưng người lớn cũng phải được sống với người lớn nữa. Chỉ sống với trẻ nhỏ không đủ. Các con tôi là một phần hạnh phúc của tôi, không phải tất cả hạnh phúc của tôi.
Tôi gật đầu:
-Tôi hiểu. Nhưng không ai tạo được cho mình một hạnh phúc toàn vẹn.
Tôi ngồi nói chuyện với Phan chừng 15 phút nữa rồi đứng lên cáo từ. Tôi không muốn ngồi lâu hơn. Tôi vẫn muốn giữ ý, duy trì giữa Phan và tôi một cách biệt tối thiểu. Mặc dầu tôi nói có thể gọi taxi về một mình cũng được, nhưng Phan nhất định không chịu, viện lẽ các đồ dùng của tôi còn để hết ở xe Phan. Phan phải đưa tôi về tận nhà. Phan xin phép cho hai đứa nhỏ được cùng đi một quãn đường. Xe lại ra khỏi nhà Phan. Những người đi qua đường nhìn vào xe, chắc phải cho đây là một gia đình: một người vợ, một người chồng, với hai đứa con nhỏ. Ý nghĩ này làm cho tôi vừa buồn, vừa buồn cười. Nếu người đàn ông đang ngồi cạnh tôi là Trường thì đời tôi là hạnh phúc tuyệt đối! Là tình yêu đời kiếp, là mộng tưởng diễm ảo nhất đã trở thành sự thật. Sự thật đã không phải như vậy. Dù lạc quan và tin tưởng đến đâu, tôi cũng không làm sao hình dung được chàng qua vai trò một người cha. Hình như là, nếu như thế, Trường sẽ hóa thân thành một người đàng ông khác, chàng không còn là chàng nữa.
Nhã đón tới ở thềm cửa khi xe Phan tới. Nó tròn mắt khi nhìn thấy trong xe hai đứa con nhỏ của Phan. Chắc là trong đầu con nhỏ đang nẩy sinh một ý nghĩ gán ghép bậy bạ, lếu láo lắm. Chắc thế! Vì nó đưa tay lên miệng cười. Tôi cau mặt:
-Đau gì mà không vào đón chị?
-Em đau thật mà! Em đã nhờ anh Phan đi đón chị thay em.
Tôi nghiêm mặt:
-Chúng mình không được làm phiền anh Phan nhiều như thế!
Nhã rụt cổ lại, cười. Con quỷ này! Thôi, tôi tống nó đi lấy chồng cho xong! Tôi không có bắt nó vài khuôn phép được. Phải để cho một người đàn ông làm việc đó. Cho từ con gái, nó được trở thành một người đàn bà, cho nó hết dám nhìn đời như một trò đùa. Cho nó nghiêm chỉnh và đứng đắn lại một chút.
-Ra xe lấy đồ đạc vào. Đứng đó mà cười sao?
Nhã hỏi:
-Em chờ mãi. Tưởng chị về sáng sớm chứ. Chị còn đi đâu vậy?
-Đi phố.
-Đâu nữa?
-Lại thăm nhà anh Phan một chút cho biết. Đủ chưa? Còn lục vấn gì nữa không?
Nhã đưa mắt nhìn Phan, đưa tay lên che miệng, rồi theo Phan ra xe. Tôi ngồi xuống cái ghế bành ở phòng khách. Được trở về nhà mình sau một thời gian nằm ở bệnh viện, dễ chịu thật. Tôi vẫn còn cảm thấy một thoáng mỏi mệt trong người, nhưng là một trạng thái mỏi mệt dịu dàng, thư thái. Những đồ đạc quen thuộc vây bọc lấy tôi trong bầu không khí bằng hữu đầy tin cẩn, tôi không tìm thấy ở bất cứ nơi nào.
Nhã đã chuyển xong các thứ đồ dùng từ ngoài xe Phan vào nhà. Phan cáo từ. Tôi đứng lên cảm động:
-Cám ơn anh Phan về tất cả.
Phan nói câu đã nói với tôi trên xe hơi, ý nghĩ này hình như theo đuổi Phan không rời:
-Tuyền còn yếu, đừng đi làm vội.
Tôi mỉm cười:
-Có lẽ tôi sẽ nghe lời anh. Nghỉ 10 hôm, đi làm chợt thấy ngại quá. Dù sao sáng mai tôi cũng phải lên qua bàn giấy một chút, gặp ông giám đốc, xem cái chuyện xin nghỉ thêm của mình có thuận tiện hay không?
Phan chụp liền lấy cơ hội:
-Sáng mai tôi đưa xe đến đón Tuyền đi.
Tôi ngạc nhiên:
-Anh không đi làm sao?
Phan đỏ mặt rồi thú thật:
-Tôi đã giao công việc cho một người phụ tá trong nửa tháng. Tôi rảnh, không có chuyện gì bận rộn hết.
Chừng như sợ đứng lại tôi từ chối hay thay đổi ý kiến, Phan chào tôi rồi vội vã ra xe. Tôi vào phòng ngủ, đặt mình nằm xuống giường. Chăn đệm ở chỗ này, nơi tôi vừa nằm xuống không phải là thứ chăn đệm lạ lùng và vô tình của bệnh viện, mà ấm áp trăm lần hơn. Tôi nằm thiu thiu, sắp rơi chìm vào giấc ngủ thì có tiếng gõ cửa. Nhã bước vào. Chừng như còn ngán tôi lại thấy tôi vừa đau khỏi. Nhã không dám trêu tôi như những lần trước nữa.
Nó tới đầu giường chìa tay:
-Thư anh Trường.
Tôi vùng dậy:
-Thư đưa đến hồi nào?
-Mới tức thì à.
Tôi bật vội đèn cho căn phòng sáng lên. Vẻ mặt xúc động bàng hoàng của tôi không giấu được Nhã. Nó hỏi dịu dàng:
-Chị vẫn mong thư anh Trường ghê gớm lắm phải không?
Tôi nhìn chiếc phong bì trên tay, nói với Nhã, mà như nói với chính mình:
-Ừ, chị mong! Chị mong.
Nhã nhìn tôi đăm đăm. Nó định nói một câu gì nhưng lại thôi, và lặng lẽ đi trở ra.
Đọc lá thư của Trường lần nào với tôi cũng như khởi đầu bằng một nghi lễ tình cảm. Như mỗi lá thư là một con đường sắp mở, tôi phải sửa soạn cho mình thật đẹp những bước chân. Trái tim tôi thế là thình lình đập mạnh, hơi thở đã hồi hộp, thần trí đã rung động. Riêng lần này, lá thư còn mang một ý nghĩ khác, đặc biệt là quan trọng. Tôi đang chờ Trường về. Chàng phải về, phải về! Chàng đã đi bao nhiêu năm. Chàng có thể đi nữa trong tương lai, không sao hết, nhưng tháng này, tuần này, lúc này, Trường phải về cho tôi được gặp. Lần đầu tiên trong đời, tôi đang đứng giữa một ngã ba. Nếu Trườnng về, chàng sẽ lựa chọn hướng tới giùm tôi. Bằng không, tôi sẽ đi về một hướng khác, ở đó, tình yêu của hai chúng tôi có thể không còn nữa. Trước hiện trạng bất thường này, sự mong chờ của tôi cũng mang một ý nghĩa khác. Một ý nghĩa quyết định.
Cầm lá thư trên tay, tôi thầm cầu nguyện. Là cùng với lá thư báo trước, Trường thường báo trước như thế mỗi lần chàng sửa soạn trở về... Chàng đang lên một chiếc máy bay, xuống một con tầu, và những dặm đường chàng đang bỏ lại là những dặm đường làm chàng gần thêm với không phận và hải phận quê hương. Trường phải về cho tôi được gần chàng, yêu chàng như cũ. Trường phải về để ngăn chặn nơi tôi một thay đổi. Những áp lực của đời sống sẽ được giải tỏa. Tôi sẽ không còn rối loạn, được ở yên trong nếp sống cũ, nếp sống tôi hằng ao ước không bao giờ thay đổi, nếp sống với Trường và của Trường.
Tôi ngồi tựa lưng vào thành giường, xé phong bì, lấy thư ra đọc. Nét chữa quen thuộc hiện ra. Những giòng chữ nhảy múa trước mắt.
Chú thích:
(1) Đi-văng: phiên âm của chữ “divan” (tiếng Pháp), cái phản.
(2) Ngày nay, hầu như ai cũng có điện thoại, nhưng thời đó, phải là dân “thượng lưu”, làm ăn buôn bán lớn mới có được điện thoại.
(3) Không hiểu sao tác giả không dùng ba chữ “vị hôn phu”?