Mary Jane Ryan
Bạn có là người quá cầu toàn?
Tác giả: Mary Jane Ryan
"Xuất sắc không có nghĩa là phải hoàn
Henry James
- Marsha nhờ tôi giúp cô học cách làm thế nào để sống hạnh phúc hơn. Cô ấy làm việc với một cường độ khá cao, luôn đặt ra những yêu cầu cao đối với bản thân cũng như với các đồng nghiệp. Cô không bao giờ tha thứ cho bất cứ một sai sót nào, dù nhỏ, của bản thân hay của đồng nghiệp.
Cô tự trách mắng mình mỗi khi phạm phải một sai lầm nào đó, hay không phối hợp ăn ý với đồng nghiệp trong công việc để cho ra kết quả tốt nhất. Lúc nào cô cũng muốn làm được mọi thứ một cách hoàn hảo. Thế nhưng, dần dần các đồng nghiệp bắt đầu tìm cách xa lánh cô, không còn muốn làm việc cùng cô, dù họ biết cô là một người có năng lực.
Chỉ vì tính cầu toàn ấy mà Marsha luôn phải sống trong trạng thái căng thẳng, buồn bực. Tính cầu toàn là kẻ phá hoại ghê gớm đối với cuộc sống hạnh phúc của mỗi người. Nó làm cho chúng ta không bao giờ cảm thấy thỏa mãn với những gì không hoàn hảo tuyệt đối. Nhưng thực chất, chính nó đang làm cho chúng ta đi những bước lùi. Thay vì sáng suốt nhận ra khuyết điểm của mình để rồi khắc phục mà tiến lên, thì tính cầu toàn chỉ khiến chúng ta tự cay nghiệt với chính mình và với người khác. Những người có tính cầu toàn luôn bị sa lầy trong những ý nghĩ hết sức tiêu cực, chẳng hạn như: mình là kẻ thất bại, không có năng lực, mình chẳng bao giờ làm được điều gì hoàn hảo cả… Thế là một loạt hành động sai lầm chắc chắn sẽ xuất hiện tiếp nối những ý nghĩ tiêu cực ấy. Vì vậy, những người có tính cầu toàn thường ít cảm thấy hạnh phúc so với người khác, ít mạnh khỏe, ít mãn nguyện hơn trong các mối quan hệ, và thậm chí, kiếm được ít tiền hơn so với những đồng nghiệp khác cùng làm một công việc như họ.
Tôi đã giúp Marsha thấy rằng, đằng sau tính cầu toàn của cô ấy là cả một khát vọng mạnh mẽ muốn vươn tới sự xuất sắc trong công việc. Thế nhưng, sự xuất sắc, muốn đạt được, thì phải dựa trên kinh nghiệm từ những khiếm khuyết, thất bại. Thay vì trách mắng chính mình và người khác mỗi khi phạm phải sai lầm, cô ấy chỉ cần tự hỏi: “Mình phải làm gì để tránh khỏi những sai lầm như thế này một lần nữa? Mình có thể học được điều gì từ sự việc đã qua để ngày càng trở nên xuất sắc hơn?”. Nếu cô ấy biết tự đặt ra cho mình tiêu chuẩn “vươn tới tầm xuất sắc”- chứ không phải là có được sự hoàn hảo - thì cô ấy sẽ học hỏi được những bài học quý giá từ thất bại mà không phải là sự trách móc bản thân. Marsha bắt đầu cảm thấy mãn nguyện hơn về những gì cô ấy đã làm được. Thay vì tiếc nuối về những sai lầm trước đây thì nay cô ấy cố gắng làm tốt hơn, để ngày càng tạo ra kết quả xuất sắc hơn. Chẳng bao lâu, đồng nghiệp nhận thấy sự thay đổi ở cô và họ đã quay trở lại hợp tác làm việc cùng cô. Không khí trong công ty trở nên vui vẻ và nhẹ nhàng hơn trước rất nhiều. Marsha cảm thấy hạnh phúc hơn và giúp những người xung quanh cô cũng được hạnh phúc hơn.
Trong cuốn “Hạnh phúc là sự lựa chọn”, tác giả Barry Neil Kaufman đã đưa ra một “sơ đồ các khiếm khuyết” của chúng ta. Có năm loại khiếm khuyết. Phía Bắc, chúng ta hãy học hỏi từ những khiếm khuyết của chính mình. Phía Tây - khiếm khuyết của người khác. Phía Đông - khiếm khuyết của thầy cô giáo của mình. Phía Nam, phải biết chấp nhận những khiếm khuyết nêu trên ở các vị trí của nó. Và cuối cùng, ở giữa sơ đồ, chúng ta hãy luôn nhận thức rằng, chính nhờ rút ra bài học từ các khiếm khuyết kể trên mà chúng ta mới vươn tới sự xuất sắc!
Lâu nay bạn nhìn nhận ra sao về những sai lầm, khiếm khuyết của chính mình và của người khác? Bạn có biết rút ra bài học từ những khiếm khuyết ấy không? Đừng bao giờ có thái độ quá cầu toàn, song hãy luôn nỗ lực vươn lên tầm xuất sắc. Nếu bạn biết cách cho phép mình sai lầm, để rồi học hỏi từ những sai lầm đó, thì bạn sẽ ngày càng trở nên xuất sắc hơn và cảm nhận được nhiều hơn những niềm hạnh phúc trong cuộc sống của mình.