Chương 10
Tác giả: Mỹ Hạnh
Hắn mệt lử, lăn ra, thở như trâu, người nhợt mồ hôi. Người đàn bà nằm im, một lúc uể oải choàng áo đứng lên rời giường vào toilette. Khi trở ra, hắn đã há hốc mồm, ngáy như sấm, nước dãi chảy ra mép.
Người đàn bà nhìn hắn vẻ chán ngán, ghê tởm. Cho đến bây giờ, đã ăn sung mặc sướng, có được tất cả, ả lại thấy mình quá ngu ngốc.
Thiếu gì đàn ông đẹp trai phong nhã trên đời, chẳng hiểu sao ả lại đâm đầu vào "thằng cục súc" này, làm vợ hắn chính thức hẳn hoi mới chết chứ.
Đã vậy, hắn có biết trân trọng hương sắc vợ mình đâu. Vẫn thói đàng điếm gió trăng không bỏ. Đụng đâu "quơ" nấy. Chẳng biết với mấy "con điếm" qua đêm ấy, hắn có "làm ăn" được không, chớ với vợ nhà ...Trời ơi! Cứ ỉu xìu như bánh tráng nhúng nước. Thật là uổng cho một đời hồng nhan.
Càng nghĩ, ả càng cay đắng. Đời người có bao nhiêu xuân sắc? Mà ả ngậm đắng nuốt cay hơn mười năm để rồi ngồi trên đống tiền, thấy đàn ông con trai người ta đi nheo nhẻo ngoài đường ...mà thèm.
Tiền. Tiền có mua được cho ả đêm xuân từng ao ước? Ả mở cửa phòng, buồn bã lê chân ra phòng khách, đến chỗ quầy rượu, uể oải dùng remote bật chùm đèn trên trần.
Ánh sáng mờ ảo đủ soi rõ bóng ả trong tủ kính đựng đầy rượu. Những chai rượu mà người ta chỉ tính bằng đô. Những loại chai đủ kiểu, những loại rượu đủ màu trong mắt ả qua chiếc ly pha lê trở nên lộng lẫy hơn. Ả chọn chai whisky ngay trước mắt, rót vào ly, cụng với chính ả trong gương mặt thật xinh đẹp, khêu gợi với nỗi buồn ..xác thịt. Ả uống cạn, rồi lẩm bẩm:
- Đồ bị thịt! Đồ hoạn quan!
Ả tà tà uống tiếp, mơ màng nhớ lại thời con gái vàng son treo cao giá ngọc. Bởi giá cao quá, nên ả không lên xe hoa được và trở thành cô chủ quán cà phê hộp đầu tiên trên tỉnh lẻ Bình Dương. Quán ả đông khách lắm. Đủ loại khách, nhưng đắt địa nhất vẫn là đám "trai" ngoài ba chục, đến quán ả chỉ đi một mình và thường nhìn ả đắm say, luôn "quên" nhận tiền thối lại.
Thời là người trong số đó và chinh phục ngay được ả bằng vẻ bảnh bao của nhà thầu "trẻ" danh tiếng, có "xế hộp" đời mới, hút xì gà và luôn thơm phức nước hoa.
Ôi chao! Bây giờ hắn vẫn thế, lúc ra đường, lúc làm ăn hoặc bên "em út", chỉ khi lên giường với vợ,, hắn mới hiện nguyên hình là con heo thiến.
Ả gục xuống quầy rượu trong nỗi bức rức hừng hực của thân xác và chợt nghĩ đến cái hồ bơi trong vắt bên ngoài.
Ả mở cửa, lững thững đi ra bể bơi, nhìn lại chiếc áo mỏng tang trên người ả hơi ngần ngại. Biệt thự kín cổng cao tường nhưng không chỉ hai vợ chồng ả, bởi dù không cho người làm ở lại ban đêm, sợ họ tham gian, nhưng chồng ả, luôn giữ bên mình người tài xế. Gã này là em họ chồng gã, hiền như bụt, lại chịu khó, làm tài xế còn kiêm luôn việc làm vườn, thợ ..."đụng". Bất cứ việc gì sai gã là hoàn toàn yên tâm. Chẳng biết thằng Phẩm ngủ chưa? Ả nghĩ thầm, nhìn quanh.
Đáp lại ý nghĩ ả, tên tài xế từ nhà để xe đi ra. Y đến gần, hỏi nhỏ:
- Chị chưa ngủ à?
Phẩm ở trần, mặc cái quần jean bạc màu, bó sát người phô tấm thân nở nang săn chắc ở độ tuổi ba mươi, khiến tim ả đột nhiên đập rộn, cái hừng hực trong thân xác chợt bùng lên. Ả liếm môi, nói như than:
- Ổng đầy mùi rượu, lại ngáy o o, cả đêm chị ngủ không được.
Ả vươn vai, vặn mình vẻ mệt mỏi, chiếc áo ngủ mỏng toanh lồ lộ khoe hết da thịt. Ả liếc mắt, hồi hộp lẫn đắc chí khi thấy ánh mắt Phẩm hực tia dục vọng. Ả làm sao biết cái "hiền" của thằng em họ chồng chỉ là để có cơ hội "ngoi" lên, bằng bất cứ con đường nào. Ả nghĩ rằng, mình thừa khả năng chinh phục chú nai tráng niên này.
Phẩm "vô tình" ngồi xuống kế bên ả, vẻ lo lắng hỏi:
- Vậy chị sẽ mệt lắm đó. Với phụ nữ, giấc ngủ quan trọng lắm. Trời! Anh Thời từ hồi ở quê đã xấu nết ăn ngủ, giờ cưới chị rồi mà không biết sửa mình.
- Bởi vậy chị khổ tâm lắm, có ai biết?
- Sao không có ai, tôi hiểu chị mà. Người như ảnh, cưới được chị, coi như kiếp trước tu chín kiếp. Thiệt tội cho chị.
- Biết sao được. Một khi đã ...lỡ ..- Ả tủi phận, mắt nhạt nhoà, nức nở.
Phẩm cuống quýt, nắm tay "chị" dỗ dành, an ủi. Một lúc, "chị" tựa vào vai Phẩm, thút thít. Phẩm lau nước mắt cho"chị" bằng bàn tay nóng hực. Bàn tay mơn man đôi má, đôi môi "chị" chẳng nỡ rời đi. "Chị" chúi vào lồng ngực Phẩm, tiếp tục nức nở. Phẩm siết "chị" dính chặt vào mình, thì thào:
- Chị đừng khóc nữa, tôi đau lòng lắm. Nếu ...mỏi mệt, cần nghỉ ngơi, cứ dựa vào tôi.
- Nhưng ngoài này gió lạnh.
Phẩm sợ "chị" gió lạnh, nên ôm chặt dìu chị vào trong. Không vào nhà, mà vào cái phòng chứa đồ của Phẩm thường ngủ.
Anh và ả chỉ chờ đợi mỗi giây phút này. Và trong ba mươi bảy năm làm người, đêm ấy, ả mới thật sự biết hai chữ khoái lạc là gì. Trong khi ấy, Thời ngưng ngáy. Bởi gã đang nằm mơ, gã mơ mình xoè những tờ tín phiếu bảy số, và cô phụ hồ có dáng vẻ như nàng Xê-da đang múa, ngả vào vòng tay hắn, để mặc hắn sờ mó. Thời cười khanh khách, trong mơ nghĩ: "Mẹ nó! Em đẹp cách mấy cũng phải quỳ luỵ đồng tiền thôi. Chỉ cần ta ra đúng giá".
Thế là gã tiếp tục sờ mó, ve vãn với cái gã còn vương hơi ấm của vợ gã, mà ngỡ rằng đang chiếm được cô phụ hồ của lão Đặng.
oOo
Nhân rờn rợn trước nụ cười của gã. Càng gai người khi gã tới gần dù gã láng boóng, thơm lừng và vô cùng lịch thiệp.
- Chào Nhân.
Nhân hơi lùi lại:
- Xin lỗi. Tôi không quen ông.
Gã cười thật ngọt:
- Ấy! Sao Nhân nói vậy. Tôi với anh Đăng, giám đốc của cô là bạn đồng nghiệp mà. Tôi thường gặp cô hồi xây chi nhánh của công ty anh Đăng đó.
Thì ra người đàn ông ấy cho xây chi nhánh công ty và ông ta chính là giám đốc. Giờ Nhân đã biết.
- Điều ấy, chẳng liên quan gì đến tôi. Xin lỗi ông. Tôi phải về.
- Ấy! Sao Nhân khó vậy? Cho tôi nói vài câu đã nào.
Nhân nhìn quanh. Tất cả đã về. Công trường vắng lặng. Cô làm sao ngờ, gã đã canh kỹ, biết cô luôn là người về sau cùng bởi cô còn phải dọn vật dụng làm cho vào kho, rồi tranh thủ rửa ráy để về nhà đỡ tốn nước.
- Tôi không thấy có gì muốn nói.
- Có chứ. Là vầy ...Từ hồi gặp em ở công trình lão Đăng, tôi đã thấy "quý" em. Biết em không chồng, cực khổ nuôi mẹ, nuôi con tôi "thương lắm". Nếu tôi là bạn em, chắc em sẽ sung sướng.
Nhân trố mắt nhìn gã, đến ngẩn ra, quên cả sợ. Sao lão biết chuyện nhà mình vậy? Gã còn biết được gì? Tại sao?
Cô lờ mờ đoán được, nhếch môi khinh rẻ, nhìn gã mai mỉa:
- Ông đúng là người có tấm lòng vàng. Rất tiếc, ông đến sai chỗ rồi. Có cần tôi cho vài địa chỉ các trung tâm cứu tế xã hội không?
Nhân quay ngoắt đi. Gã chặn ngang đường, cười xề xoà:
- Ậy! Là vầy. Bà bác bị tai nạn lao động, tôi có biết. Tôi cũng biết người giám sát công trình đó, đang làm ở công ty mới. Này em! Dù công ty cũ bị thua lỗ giải thể, nhưng vẫn có thể bồi tiền trợ cấp cho má em đó.
- Má tôi không phải là công nhân ở đó, bà đi mua chai bao, vào khu vực cấm, bị tai nạn thôi. Chúng tôi không thể trách ai.
Nói, nhưng đầu cô rối tung bao ý nghĩ. Gã là ai?
Nhân sấn tới, ngỡ gã tránh ra, ai ngờ gã dang rộng tay như muốn ôm cô. Nhân la:
- Ông làm gì vậy?
- Anh chỉ muốn giúp em thôi. Là vầy. Lán công nhân gần cái lều em là công nhân của anh. Tụi nó kển em đói khổ, vất vả lắm. Lão Đăng trả tiền công rẻ mạt, sao em nuôi nổi con với mẹ, hay qua làm chỗ anh, lương gấp ba, được không?
Nhân thừa hiểu lão già muốn gì, cô nổi xung thiên, chỉ tay quát:
- Cút! Đồ già dê. Mày tưởng tao dễ dụ sao. Không cút, tao la lên cho coi.
Dục vọng khiến lão mờ mắt, ngu tối. Từ ngày thấy Nhân ở chỗ công ty ông Đăng xây nhà, kẻ háo sắc như lão nhìn thấy ở Nhân cái mà khó ai nhìn thấy. Đó là nét thanh xuân mơn mởn dấu sau bộ đồ công nhân lam lũ và cái đói nghèo xanh xao.
Cách đây hơn mười năm, lão đã "mua" được cái thanh xuân như thế của một cô gái lần đầu đi bán bia ôm, bằng một cái giá "bèo", và lão tin rằng, cái trinh tiết của cô gái ấy là vận hên của lão từ đó đến nay. Hơn mười năm rồi, tên thầy bói mù, nói lão vận hên đã hết, cần phải tìm một nữ thần trinh tiết khác. Nghe Nhân có hai con, lão ngờ liền. Làm sao dáng vẻ ấy, đã có chồng sinh con? Lão mò mẫn tìm, và biết hai đứa nhỏ chỉ là con nuôi. Bất ngờ hơn, mẹ Nhân lại là người đàn bà bất hạnh thuở xưa, bị tai nạn ngay công trình ông Đăng giám sát thi công, còn lão lúc ấy cung cấp vật tư xây dựng.
Lão đã một lần yêu cầu ông Đăng đổi Nhân qua chỗ lão, nhưng ông từ chối, không sợ sự đe doạ, bởi bà Hiền hoàn toàn có lỗi.
Giờ đây, lão tin chắc, lão sẽ "mua" được Nhân như từng mua cô gái năm xưa, chỉ trong sớm muộn, bởi lão biết sự nghèo đói, bệnh tật của bà mẹ đang vây phủ lấy cô.
Rút ra một cọc tín phiếu, lão lăm le trên tay, nói:
- Tôi sẽ xây ngay cho em một căn nhà, chỉ cần em chịu qua làm bên tôi.
Nhân nhìn xấp tiền, người run lên, cô khao khát, uất ức, và tủi nhục. Cô bật khóc, ôm mặt. Lão Thời sướng rơn, đi lần tới. Tay lão vừa đụng vào Nhân đã bị xách hổng chân lên, hai má bị hai tát tai nhá lửa. Lão la oai oái. Nhân ngẩng lên, gạt nước mắt, sửng sốt khi thấy ông Đăng và Đạt. Đạt quăng mạnh lão Thời lăn cù dưới đất. Lão lồm cồm bò dậy, chỉ tay hét:
- Mày ...mày dám ...
- Tôi còn thấy ông mò tới đây một lần nữa, tôi sẽ đập gãy hai chân ông - Đạt gầm lên.
Lão Thời phủi lia áo quần, hầm hừ khi nhét tiền vào túi.
- Được. Thằng con lão Tiến Lợi! Mày nhớ nghe. Đời còn dài.
Gã quay sang ông Đăng:
- Anh dạy "lính" anh vậy sao? Tôi "tán" người tôi thích, có tán vợ nó đâu, mà nó sợ bị cắm sừng?
Ông Đăng nhìn gã, lạnh nhạt:
- Tôi đã nói với anh, cô ấy là người của tôi, trừ khi cô ta rời khỏi đây, tình nguyện theo anh. Nếu không, xin lỗi, tôi không khách sáo đâu. Anh đi đi. Nên nhớ, từ nay ở các công trình của tôi xây dựng, cấm anh đến.
Thời hầm hầm bỏ đi ra xe, đóng cửa cái rầm, vù lẹ. Đạt nhìn Nhân, cục tức ở đâu dâng lên, nghẹn ngang, anh trợn mắt nhìn Nhân, mai mỉa:
- Vì tôi phá đám, nên cô mất bạc triệu. Đúng không?
Nhân máy máy môi, mặt tái nhợt đi. Cô nắm chặt tay, lầm lũi bỏ đi, không nói lời nào. Đạt càng tức, hét:
- Sao cô không trả lời?
- Đạt! - Ông Đăng nạt - Mày làm gì vậy? Mày có quyền nói vậy với người ta sao?
- Chú không thấy à? - Đạt hổn hển - Cô ta ...
- Chú thấy hết. Chỉ chưa thấy cô ta nghèo cực đến đâu. Tại sao thằng Thời biết cô ta cần tiền và đem tiền tới dụ cô ta?
Đạt ngẩn ra anh cũng chưa biết gì về cô cả. Anh hỏi:
- Chú nhận cổ vô làm mà.
Ông Đăng tặc lưỡi:
- Làm lao động phụ, nhận ai không được. Cần gì biết lý lịch chứ. Ê! Mày nghe chú hỏi đã. Khi nãy, mày làm gì lồng lộn dữ vậy? Mày "mết" cô ta à?
- Chú ...
- Chú cháu gì. Mày tỏ thái độ đó là tao biết tỏng, có điều vậy là dở.
- Sao chú nói vậy? - Đạt giật mình.
- Mày có con Ánh ngon lành rồi, sao còn định vơ luôn gái nạ dòng? Nhân có hai con rồi, bộ mày tưởng son rỗi sao?
Đạt phản đối liền:
- Con với Ánh chưa chính thức nói gì cả. Với "chị" Nhân lại càng không. Chỉ là thấy bực cho tình đời thôi. Tiền, tiền nó có thể mua được tất cả sao?
- Dĩ nhiên không, với một số người nào đó thôi. Giờ đi không?
- Đi đâu?
- Đi coi thử cô Nhân ấy nghèo đến mức nào.
Đến sẩm tối, họ mới tìm ra chỗ Nhân ở, là nhờ thằng Lượm đi quơ củi về muộn mới gặp. Cả hai nhìn túp lều xiêu vẹo qua mấy cơn mưa, với ánh đèn dầu leo lét, ngỡ ngàng. "Nhà cô ấy đây sao?".