Chương 14
Tác giả: Mỹ Hạnh
Hiếu nhìn lần cuối cánh cổng trại giam rồi quay đi như chạy trốn cái quá khứ dài buồn đau, nhục nhã. Từ bên đường, Nhân băng qua. Hai chị em ôm nhau mừng mừng tủi tủi.
- Chị Hiếu!
- Nhân!
Giọng Nhân trong, giọng Hiếu khàn đục. Thành biết Hiếu nghiện thuốc lá. Bước lên lề đường, Hiếu thấy Thành, ngạc nhiên:
- Ai đây Nhân?
- Dạ, anh Thành, bạn em. Hôm rồi em vô nhà thương, nhờ có ảnh. Còn đây chị Hiếu của em.
- Chào chị.
- Chào anh.
Nếu anh ta không mù, khối cô gái chết mê. Hiếu nghĩ thầm, buồn bực. Nhà mình đúng là không thiếu đói nghèo, tàn tật.
oOo
Họ lên taxi về. Tới căn nhà lều, đã thấy bà Hiền ngồi bên hai đứa nhỏ, chờ sẵn trước cửa.
- Má!
- Hiếu!
Tất cả ôm nhau mừng tủi. Con Hậu cứ nhìn trân Hiếu, níu chặt tay áo Nhân. Bà này, là má nó sao? Con Hậu thấy không thích chút nào. Hiếu nhìn quanh tìm con, ào tới bên Hậu. Nó chúi vào lòng Nhân, la khóc bất ngờ.
- Hông. Má Nhân của Hậu, hổng thích má Hiếu.
Hiếu nhìn trân nó, vụt ứa nước mắt. Đứa con Hiếu đứt ruột đẻ ra, sau năm năm xa vắng đã không nhìn nhận mẹ ruột. Đứa con cô không nở bỏ dù làm mẹ ở tuổi mười sáu với bao tủi nhục đời cô gái nghèo lỡ buớc.
Hiếu cắn răng uất nghẹn, lầm lũi buông tay con Hậu đi thẳng vô trong. Nhân bối rối nạt Hậu:
- Con sao vậy? Má ruột hổng nhìn. Sao con bất hiếu vậy? Má đã nói, má là dì Ba thôi. Hiểu không?
Con Hậu không hiểu, nhưng sợ khi thấy Nhân giận dữ. Nó bíu Thành như một cái phao. Ôn tồn, Thành nói:
- Nó còn nhỏ, từ từ sẽ hiểu. Em đừng la. Giờ anh về, mai ghé ta bàn tiếp.
Thành về rồi cả nhà quây quần. Căn nhà luôn tối như mực từ sau bảy giờ tối. Giờ sáng ánh đèn. Hiếu được bà Hiền nấu nồi lá bưởi tắm tẩy uế, sau đó bà Hiền biểu ăn thêm, Hiếu nói:
- Ở trỏng ăn có chừng, quen rồi.
Hiếu buông đũa, biểu Nhân đi mua thuốc lá. Nhân sai Lượm đi, ôn tồn khuyên chị:
- Hút có hại và tốn kém lắm, nhà mình còn cực, bỏ tốt hơn, chị à.
- Từ từ tao bỏ.
Hiếu hút thuốc, mắt lim dim khoan khoái. Ở trong tù, làm gì có thuốc ngon nguyên điếu. Nhân thăm nuôi có chút cá thịt là quý rồi. Hiếu nghiện thuốc cũng bởi vì mấy ả trong tù xử hư. Nghe Hiếu đâm người ta ba nhát, lãnh án năm năm, tụi trong tù, tưởng Hiếu dân "thứ thiệt" đâm ra nể lắm, không dám hành xác, thứ gì ngon đều chia phần. Nhưng gần năm năm trong tù, dù nhiễm thói hư, Hiếu cũng hiểu đời mình đi sai đường, may còn cơ hội làm lại, nên cô quyết tâm.
Hai đứa nhỏ ngủ hết, bà Hiền nói với Hiếu:
- Tu đi con. Kiếm chuyện làm, dù tay chân cực khổ mà thanh thản lương tâm.
- Con biết. Má khỏi nói. Chuyện xin được việc tới đâu rồi Nhân?
Nhân chưa đi làm lại. Đạt cũng không hề ghé. Nhưng Nhân trấn an chị:
- Dạ rồi. Chị cứ nghỉ vài bữa, đợi em nói với ông đốc công.
- Cực lắm không?
- Sức em làm được mà chị.
- Vậy tốt. Trong đó tao lao động cũng quen, tối ngày trồng rau nuôi heo, nuôi gà. Nhờ vậy mới đỡ. À! Tên Thành đó bồ mày hả Nhân?
Nhân hơi lúng túng, đành gật đầu.
- Dạ, ảnh tốt lắm.
- Tốt thì sao? Mày hết người ưng hả? Rồi khổ chết.
Nhân biết không khổ, nếu cô chịu theo sự sắp đặt của Thành. Nhưng cô vốn tự trọng, việc nhà Thành giàu có với cô khá hụt hẫng. Thành con nói người em thương Thành lắm, nhưng qua vài lần Thành kể, cô nghĩ, gã kia rất độc ác, thủ đoạn.
Nhân nghĩ tới chuyện cả nhà mình sống trong sự bảo bọc của người như vậy nên không muốn.
- Chuyện đó để tính sau, chị. Chỉ cần hai chị em mình có việc làm, sẽ ổn.
Nhân nghĩ đến ngày mai tới vũ trường Thiên Nga. Thành vẫn muốn đi làm và cô mong Thành đoán trật ý nghĩ bà chủ vũ trường.
- Thôi, chị mệt rồi, đi ngủ cho khoẻ.
Nhưng chẳng ai ngủ được, nỗi mừng, nỗi lo khiến cả ba thao thức.
Và cơn mưa đến thật dữ dội vào lúc nửa đêm. Như muốn nhổ tung lên cả căn nhà lều với vài tấm tôn mục nát. Nước tràn lai láng, dâng nhanh. Căn nhà ngả nghiêng theo gió rít gào. Nhân bọc mấy ký gạo vào túi nilông và bao áo quần, biểu thằng Lượm vác. Hét Hiếu:
- Chị trùm nilông bồng con Hậu, em cõng má. Đi nhanh, kẻo nhà sụp.
Hiếu chết điếng cô xốc con Hậu, ủ kín, hét hỏi:
- Đi đâu?
- Chạy qua nhà anh Thành, mau chị.
Họ vừa ra ngoài, cái lều sụp ngay. Hú hồn. Bên lán công nhân, mọi người kêu réo:
- Chạy qua đây. Qua đây đi.
Nhưng nhớ đến lão Thời, Nhân sợ. Cô cương quyết qua nhà Thành. Trước sau gì cũng qua thôi.
Cả ba đi theo sức gió đẩy, đi được quá nửa đường, thấy cả thằng Tiến và Thành xách đèn pin đi vô. Thằng Tiến hét:
- Cô Nhân kìa.
Cả bọn dắt díu nhau về nhà Thành. Con Hậu từ lúc nằm yên trong tay mẹ, không còn cảm giác sợ hãi, chỉ mở mắt nhìn Hiếu hi hí rồi nhắm lại. Hiếu mừng lắm, cứ ôm nó ru nho nhỏ.
Ba đứa nhỏ được lên giường ngủ. Hiếu theo dỗ. Bà Hiền được đỡ nằm trên cái ghế xếp làm bằng nẹp gỗ. Còn mỗi Nhân và Thành.
Cô đã thay quần áo, vẫn hắt hơi vì lạnh. Thành lần tìm áo ấm đưa cô, nói:
- Mặc vô kẻo lạnh. Em thấy chưa? Cứng đầu không chịu nghe anh.
Nhân thở ra:
- Mình chưa gì hết, về ở nhà anh, sợ sau này ...
- Ở với anh, không sợ gì hết. Em tính toán gì chưa?
- Anh vẫn định đi làm chứ?
- Dĩ nhiên. Rồi anh sẽ học âm nhạc thêm.
- Mai em đi làm, nếu xin được luôn cho chị Hiếu, xem như ổn. Nhưng anh nói đã hứa về nhà.
- Anh phải về và em vẫn gặp anh mỗi ngày. Căn nhà này từ nay là của gia đình em.
Nghĩ tới tương lai, Nhân quá sợ. Cô dò hỏi:
- Nếu em có mảnh đất làm vườn và hoa màu, anh có về ở với em không?
Thành nắm tay Nhân, áp lên má:
- Đừng nghĩ sự giàu sang sẽ chia cách được hai ta. Anh không ham giàu sang, hãy tin anh. Anh sẽ cùng em nuôi con, chăm sóc má. Vào một ngày rất gần thôi.
Nhân im lặng và Thành cũng lặng im. Những giây phút này, khi nhìn Thành chìm vào suy tư, quên thực tại, Nhân có cảm giác Thành thuộc vào thế giới xa vời nào, chớ không hề thuộc về cô. Ví dụ như những gì của cô, anh đều biết hết, còn anh vẫn là một bí mật. Có nhiều lúc cô tự hỏi: Tại sao anh không nói? Nhưng nhìn vào anh, là cô không thể mở lời. Bởi anh cho cô sự tin cậy tuyệt đối, bởi cô biết anh yêu cô. Nhưng cả khối thể xác anh lại toát lên sự cô độc xa vời không thể nắm bắt.
oOo
Đạt nhìn Nhân lạ lắm. Còn cô thì cay đắng nghĩ: "Đời ấy mà". Cô nói liền khi đối mặt anh ta.
- Ông kỹ sư đừng lo. Bữa nay tôi khoẻ rồi, sẽ làm tốt hơn lúc trước.
Đạt nhìn lảng ra ngoài:
- Giám đốc muốn gặp cô, ngoài văn phòng chi nhánh.
Nhân lo sợ, lẫn tức giận nói:
- Ông báo cáo tôi đau không làm nổi à? Sao ông ác vậy? Tôi nói tôi làm được mà.
Đạt khoát tay:
- Đừng có đoán mò. Cô đi đi.
Nhân nhìn Đạt đầy ác cảm. Cô cởi cái áo lao động vụt xuống đất, dở mũ, xổ tung mái tóc, kẹp lại, bước đi. Đạt nhìn theo nửa mừng vui nửa đau đớn. Anh cúi xuống lượm cái áo lẫn mũ Nhân, đến móc vào xe, xong đi quanh công trình, thấp thỏm đợi.
Lúc ấy, Nhân ngồi trước ông Đăng thấp thỏm trước ánh mắt ông nhìn soi mói, tay vặn vẹo vào nhau, liếm môi rồi cắn chặt. Ông Đăng chợt cất tiếng:
- Thế này, Nhân. Bản thân chú và cả công ty thấy có phần trách nhiệm với má cháu, nếu nuôi cả đời thì không đúng lý, mà làm ngơ thì chưa đúng tình. Suy nghĩ mãi, chú nghĩ ra một cách.
Mắt Nhân mở lớn, vẫn không hé môi.
- Tổng công ty có khu đất bán hoá giá cho cán bộ công nhân viên, còn một rẻo phía trong cùng, cách đây độ hai cây số. Rẻo đất này khá rộng, nhưng không thể xây nhà, dựng xướng, còn làm hoa màu, trồng rau, chăn nuôi thì rất tốt. Nếu cháu và cả nhà cùng làm, chú nghĩ kinh tế sẽ khá hơn, tiết kiệm được tiền chợ, sức khoẻ cũng ổn định.
- Cháu làm gì có tiền mua?
- Điều ấy cháu không phải lo. Chỉ cần trả lời đồng ý hay không thôi.
- Nếu cho không, cháu không lấy - Nhân bướng bỉnh.
- Thôi được. Cháu phải trả một năm bằng rau sạch cho nhà cấp dưỡng của công trình công ty. Thời gian bắt đầu trả sau sáu tháng, kể từ khi nhận đất.
Môi Nhân run run:
- Chú cho cháu đi làm chớ? Rủi chưa biết trồng rau, nó không mọc?
- Cháu muốn đi làm cứ đi. Còn chuyện trồng trọt, chăn nuôi, chú sẽ nhờ người bạn, chuyên gia lãnh vực này, ở gần đó giúp cho. Sao?
- Cảm ơn chú - Nhân cúi đầu dấu dòng nước mắt vui mừng.
Ông Đăng nhẹ nhõm. Coi như yên ổn một đàng. Hà! Chỉ có điều chẳng biết nói sao với con Ánh.
Hôm ấy, Nhân không đi làm, chạy ngay về nhà kể mọi người nghe. Một mảnh đất ư? Có mơ không? Ai nấy mừng rối rít. Hiếu khoe ngay:
- Ở trong tù, chị trồng rau giỏi lắm. Mày đừng lo.
Thành chỉ im lặng. Ngày mai anh về nhà, sau đó đi xin việc. Mảnh đất người ta cho thuộc ngoại ô thành phố, với anh sẽ rất xa. Nhưng không sao, chỉ cần Nhân ổn định cuộc sống.
Buổi chiều, Nhân lên chỗ đất được cấp, người đưa cô đi là Đạt. Trên chiếc xe máy, hai người không hề chuyện trò. Lúc đứng nhìn dải đất khá màu mỡ nhưng dài và ngoằn ngoèo đã được xới lên, làm sạch cỏ, Nhân ngạc nhiên. Đạt thản nhiên nói:
- Mấy công xới đất là thay lời xin lỗi cô.
- Lỗi gì?
- Chẳng phải cô thấy tôi vô lương tâm vì không vào bệnh viện thăm cô sao?
- Tôi đâu có dám trách.
Đạt lơ lửng:
- Người xưa nói: "Có giận mới có thương."
Nhân cảnh giác:
- Tôi không dám giận ông kỹ sư. Tôi chỉ giận người tôi thương thôi.
- Ai mà tốt số vậy ?
- Anh ấy là kẻ bạc số, bởi đôi mắt mù loà.
- Cô có thể chôn đời mình bên kẻ mù sao?
- Tôi thương anh ấy và rất vui khi được cùng anh ấy chung sống. Nhưng chưa thể là bây giờ. Dường như từ hôm nay tôi mới bắt đầu sống.
Đạt nhìn Nhân, tia mắt nhìn sâu thẳm. Ai bảo anh mù loà? Anh đã "nhìn" thấy được cô ấy đấy thôi. Và em sẽ góp phần vun xới hạnh phúc cho hai người, mong chuộc lại được lỗi lầm của ba má trong quá khứ cho dù tim em có đau đớn, dằn vặt đến bao nhiêu.