Chương 1
Tác giả: Mỹ Hạnh
Gần nữa khuya, một bóng người chạy hớt hải trên con đường vắng lặng, mắt nhìn dáo dác . Là một thanh niên cao lớn, trạc dưới ba mươi , cả người đẫm mồ hôi . Anh ta chạy khá lâu rồi, trên nhiều con đường mới đến đây . Anh ta chạy từ lúc giật mình tỉnh giấc, người nằm bên anh đã biến mất . Và bây giờ, trong tâm niệm duy nhất của anh chỉ một ý nghĩ : "Phải tìm ra người ấy, dù đánh đổi bằng bất cứ giá nào .
- Anh Hai !
Anh ta vụt cất tiếng gọi vang, phá đi cái tĩnh mịch hiếm hoi, ngắn ngủi trên một đường phố của Sài gòn hoa lệ . Không một tín hiệu đáp lại, ngoài tiếng âm vang . Anh ta lại chạy, mắt lướt nhanh qua các lề đường , lối rẽ, và như mơ thấy bóng dáng thân thương quen thuộc đang đứng lẻ loi ở mái hiên nhà góc đường .
Anh ta lao nhanh qua, miệng gọi :
- Anh Hai !
Rít ... rít ... rít ...
Tiếng thắng xe rợn người, khiến người từ góc phố nghiêng tai lắng nghe . Anh ta chỉ không thấy chiếc xe dù thắng gấp vẫn hất tung người chạy qua rồi mới thắng được .
Người tài xế mở cửa xe, tung ra, đỡ người kia lên, miệng kêu không ngừng :
- Này ! Chú em có sao không ? Trời ơi! Sao đâm đầu vô xe tôi vậy ?
Người thanh niên đứng lên, khoát tay, tiếp tục đâm bổ qua đường, rồi rón rén bước chân, tới trước người kia, lảo đảo khuỵ xuống . Anh chợt ôm ngực ho một tràng xé ruột . Tiếng ho khiến người kia giật thót , lùi một bước , quơ quơ cây gậy trên tay như muốn đi .
Người bị xe tông đưa tay níu người kia, anh há miệng định nói, chợt nhợn nhạo, oẹ một tiếng . Từ miệng anh, máu tứa ra, tràn xuống ngực . Anh chợt nghe thê thiết cả cõi lòng, và cũng chợt nghe thanh thản . Mắt anh muốn nhắm lại , cố mở ra, anh thều thào :
- Anh Hai! Má linh thiêng đã chấp nhận lấy cái chết, em xoá bỏ ... mọi ... tội lỗi . Anh ráng ... đợi ít lâu để .. vuốt mắt em ... Em cầu xin ... anh ....
- Đạt ! Em điên rồi .
Người kia ôm lấy Đạt, để rồi kinh hoàng, miê5ng và ngực áo Đạt nhớp nháp những máu tanh nóng . Anh gào lên, tay sờ khắp mặt mũi Đạt, kêu cứu và oà khóc :
- Anh bằng lòng . Bằng lòng về với em , sống bên em suốt đời . Đạt! Nghe anh nói không ? Em mở mắt ra đi . Anh xin em .
Tiếng hú còi xe cấp cứu tới gần, nhấp nháy đèn xanh đỏ rồi dừng lại . Người tài xế ta-xi nhìn chiếc xe cảnh sát chạy phía sau, thở dài, đi lại gần .
- Báo cáo các anh, xe tôi vừa tông người ở khoảng đường này là tôi đã gọi các anh và xe cấp cứu .
Chiếc xe cấp cứu lao đi, hụ còi liên tục . Trong xe, Đạt nằm bất động, người bác sĩ chích liên tiếp vào anh nhiều mũi thuốc, chụp o-xy vào mũi anh, rồi quay lại hỏi người cùng đi với nạn nhân :
- Anh là gì của anh ấy ?
- Nó là em tôi - Người kia nấc lên, từ đôi mắt màu mây trắng tuôn tràn nước mắt .
Viên bác sĩ nhìn sững vào đôi mắt màu mây trắng vô hồn . Anh ta mù .
Chiếc xe vẫn lao đi bằng tốc độ nhanh nhất, còn trí não hai con người kia, một bên bờ vực chết, một luôn sống trong bóng tối, lại như hồn xác ly khai .
Ngược dòng thời gian về quá khứ ...
"Mình làm anh em đi ... Má! Nó là thằng Đạt ... Con muốn nhìn ba không ? Ổng cũng là ba thằng Đạt ... Thì ra anh là anh Hai em ? Ôi ! Sướng quá ! ... Tôi sẽ giết, sẽ đốt nhà kẻ giựt chồng tôi bằng ngọn đèn dầu rồi nói vô ý làm ngã phát cháy . Anh tin không ? Anh tin ... Cháy ! Căn nhà rực lửa ... Má ! Má ơi ! ... Một người nằm bất động, sũng nước, mặt đẫm máu ... Một xác phụ nữ cháy xém ... Má ơi ! Anh Hai ơi !..."
oOo
Năm tháng sau .
Quận Tân Bình mở rộng khu dân cư, đô thị hoá . Vùng đất hoang hoá sau khi được nhà nước san phẳng, chia lô, làm đường, bỗng dưng tràn sức sống . Những con đường trở thành lộ chín , mọc nhanh các nhà cao tầng . Những con đường nhỏ hơn, mọc các loại nàh thường thường bậc trung . Nghĩa là hoặc "một thớt" (một tầng lầu), hoặc là thớt sàn ván, có gác lửng .
Còn một loại đường nữa mọc lên những con đường phụ, loại đường chưa có số, có tên . Loại đường này, nhà nước chưa để mắt, bởi phải chờ khá lâu mới có dân cư . Mà dân cư ở tận những nơi này thì ... Chà, chà, phần quản lý nào cũng ớn hết .
Ở một con đường như thế, sáng nay bỗng dưng "mọc" ra một túp lều . Nói túp lều, vì không thể gọi bằng tên gì khác, bởi nó làm bằng loại miếng nhựa sọc xanh, đỏ, mà người ta thường dùng để che, đậy ở các công trình đang xây dựng . Vách bằng phên cót bán sẵn ở chợ và vài tấm ván cốp - pha nham nhở đã vứt bỏ .
Túp lều mọc sát khu nhà tạm của nhà thầu xây dựng, cất lên dành cho công nhân xa nhà ở . Công ty này đấu thầu một phần ba khu dân cư mới nên tha hồ có công ăn, việc làm dài lâu . Và túp lều kia cũng tha hồ tồn tại . Nếu muốn trở thành cư dân sở tại càng tốt, chẳng ai buồn đặt một câu hỏi : "Từ đâu tới ?"
Từ túp lều ấy, bước ra một cô gái và hai đứa nhỏ . Cô gái nhìn chẳng thể biết là bao nhiêu tuổi . Mười tám , hai lăm hay ba mươi ? Còn hai đứa nhỏ, một trai, một gái, thì đứa trai độ tuổi đến trường cấp I, đứa gái vào mẫu giáo . Duy một điều , ai cũng biết , họ là ba mẹ con, bởi họ đang nói chuyện với nhau .
"Bà mẹ"cốc tay vào đầu thằng con, nói :
- Lượm! Cấm chọc Hâu. Rõ chưa ? Má về mà nghe ngoại méc, má sẽ phạt con quỳ xơ mít .
Chà ! Một hình phạt đầy tính dân gian, nhưng đạt hiệu quả cao khi đem hăm doạ .
Thằng Lượm ngước nhìn mẹ, nói cụt ngủn :
- Biết rồi .
Có vẻ hài lòng trước hai tiếng "biết rồi" như một lời hứa, cô gái xăn tay áo, (loại áo xanh công nhân thời xửa, thời xưa) lên tới cườm tay, chụp cái mũ đồng loại như áo lên đầu, tất tả bước đi . Đứa con gái chợt gọi :
- Má !
- Gì ? - Cô quay lại, tiếng một .
- Trưa nay, con muốn ăn cơm .
- Cấm đòi hỏi - Thằng Lượm nạt .
Bà mẹ lại gật đầu :
- Má có việc làm, dĩ nhiên là được ăn cơm . Má dặn ngoại rồi, hai đứa đừng lo .
Chị đi trên con đường mòn xuyên ngang vùng đất rộng đỏ chạch, biến mất vào công trình xây dựng ở lộ chính .
Ở nhà, hai đứa nhỏ đi vô . Con Hậu nói liền liền khi đến bên người đàn bà cụt chân, đang ngồi ở vạt giường trải chiếu ni-lông, vá áo .
- Ngoại ! Má nói nấu cơm .
- Biết rồi !
- Hai lon hén ngoại ? - Con bé hỏi bằng giọng hồi hộp .
Ngẩng gương mặt xanh xao, khắc khổ lên, ánh mắt đục lờ loé tia sáng lạ kỳ . Thằng Lượm như vừa thương, vừa ghét, duy giọng nói vẻ nghiêm lạnh :
- Gì mà hai lon . Mày lại điêu ngoa rồi . Một lon rưỡi .
Lượm cốc nhẹ con Hậu một cái :
- Nghe chưa ? Một lon rưỡi .
Nó quay sang bà ngoại :
- Ngoại yên chí, con nấu đúng lon rưỡi .
Con Hậu thở hắt ra , bằng lòng với kết quả . Lại hỏi :
- Ăn với giống gì, ngoại ?
Thằng Lượm tằng hắng, liếm môi :
- Ngoài lộ chính, rau má mọc ê hề .
- Cho con đi hái với .
Bà ngoại gật rồi lại lắc đầu :
- Không được! Má biểu học bài .
Lưỡng lự một chút, bà nói tiếp :
- Tao đi chợ, ở nhà ôn bài đi . Về tao dò .
Hai đứa nhỏ mừng rơn, lăng xăng, đứa lấy túi, đứa đưa lược .Cuối cùng thằng Lượm đem ra một cái mo hình thuyền, làm bằng lốp xe và hai đòn gỗ .
Bà ngoại chúng chải tóc, bới gọn gàng xong, thay áo và một cái quần đùi hoa . Quần áo chẳng mới mẽ gì , nhưng sạch sẽ . Cái quần đùi dài phủ đôi chân cụt hơn nữa đùi trên . Bà ngắm nhìn khá lâu mới chịu chống hai tay đu người lên, ngồi vào cái mo thuyền, kéo hai sợi thun cột vào chân thật chặt, xong đâu đó, nhấc hai cái đòn để ở hai tay . Người đàn bà đi chợ bằng cách của bà . Tay phải nhấc đòn đưa lên phía trước, mông nhổm lên chồm tới, cùng lúc tay trái nhấc đòn đưa lên . Vậy là bà đã "bước đi" một bước . Và cứ thế , bà đi ra khỏi túp lều hướng về khu chợ mới hình thành theo khu dân cứ mới .
Hai đứa như quen cảnh ấy rồi, chẳng buồn nhìn theo, cũng không ôn bài, cứ thế, lăn ra nằm .
Bé Hậu thực tế lớn hơn tuổi người ta tưởng . Với cái đầu tinh ranh nhất khi nói đến một chuyện ăn uống, mơ màng hỏi :
- Anh Lượm! Đoán coi ngoại cho mình ăn uống gì ?
- Rau khoai, muối đậu .
Mắt con Hậu chớp lia :
- Giá được ăn một bữa canh chua cá bông lau .
Thằng Lượm xì dài :
- Ở đó mà mơ . Có cơm ăn, mừng rồi . Mày nhớ tuần trước hông ? Má nhịn đói cả hai ngày để tao với mày ăn đủ hai bữa cháo ?
- Giờ khác chứ bộ . Má nói khu này, xây nhà tới mấy năm hổng biết .
- Rồi sao ? Bộ ăn tuốt hết hả ? Biết chừng đâu , má bị đuổi , hay bị ... như bà ngoại .
Con Hậu bỗng ré lên :
- Nhổ nước miếng nói lại đi . Đồ nói bậy !
Thằng Lượm thở ra :
- Bộ tao muốn vậy sao ? Chuyện ràng ràng ra đó, má kể mình nghe cả trăm bận rồi .
- Nhưng má thời khác, má luôn may mắn . Nếu không, sao nuôi nổi tụi mình .
Câu này bé Hậu học được từ mẹ cô . Nó nói bằng vẻ tự tin lắm .
- Bỏ đi ! - Thằng Lượm ngồi dậy - Ôn bài lẹ, kẻo bị quỳ xơ mít đó .
Ôn bài, nhưng hai đứa cóc cần đi đâu hết . Trên tay thằng Lượm có thêm chiếc đũa tre và một rá nhựa đầy những chữ cái viết trên bìa cạc tông . Chìa ra một chữ , thằng Lượm hỏi :
- Chữ gì ?
- A .
- Chữ gì ? - Lượm chìa tấm khác .
- Nờ .
- Chữ gì ?
- Hờ .
Thằng Lượm ráp cả ba chữ xuống đất :
- Chữ gì ?
- A nhờ anh . Anh
- Giỏi .
Thằng Lượm thu ba tấm bìa , hất mặt :
- Viết đi - Nó chìa chiếc đũa, con Hậu cầm như cầm bút, chăm chú viết xuống nền đất chữ ANH nắn nót .
Và cứ thế, thằng Lượm làm "thầy", bắt con Hậu trả bài, và viết chính tả từng chữ Hậu thuộc . Chữ nào Hậu còn ngắc ngứ, nó để qua, lấy gạch đè lên .
Buổi học tiếp tục cho tới khi thằng Lượm nhìn bóng nắng, đứng lên đi nấu cơm .
o O o
- Nhân ! Bốn xe cát .
- Dạ có .
- Nhân ! Hai bao xi măng .
- Dạ có .
Tốc độ nhà xây càng nhanh, Nhân càng tất bật, chạy quanh không hở tay . Chị vác xi-măng chạy ù như dân phu chuyên nghiệp . Đẩy xe chở cát cứ băng băng . Hết nước ư ? Chuyện nhỏ . Hai tay Nhân xách hai thùng đầy, chạy ào ào, cho tới khi bể nước đầy .
Công trình này của công ty, nên được chăm chút cả hai bên . Giám đốc là người đàn ông khó đoán tuổi , luôn ăn mặc giản dị , ít lời . Nhưng khi ông ta mở miệng, thoáng nét cười, ta độ chừng ông chỉ bốn mươi .
Ông ta đang vào chỗ thi công, nón bảo hộ đội trên đầu . Ông nói lớn :
- Hôm nay mời anh chị ăn bồi dưỡng, sau đó ta làm bù độ mười lăm phút nhé .
Nghe đến chữ "ăn", ruột Nhân cồn cào dữ dội . Chị tựa vào gốc bằng lăng, cố nuốt nước bọt đang ứa đầy trong miệng, đầu nghĩ đến loại thức ăn mình chỉ nhìn thấy .
Đám thợ thầy tụ họp nhanh như chớp, mỗi người được phát một hộp xốp trắng . Nhân là người sau cùng, cô cố bình tĩnh, đi cách xa đám thợ, mở nắp hộp ra xem . Cha trời ! Xôi đậu xanh với tôm rang . Hai con tôm to quá .
Nước miếng Nhân nhiễu ra khỏi miệng không sao kìm được . Nhân bốc lẹ miếng xôi, nhai trệu trạo , nuốt chửng đến suýt mắc nghẹn . Tay nhón lấy con tôm rang, đưa lên miệng rồi bỏ xuống . Đảo mắt nhìn quanh, không có ai hết, đám thợ tụm lại vừa ăn, vừa nói chuyện tiếu lâm tục tĩu . Nhân liếm môi lia lịa, lấy từ túi áo tờ giấy báo , nhón hai con tôm cho vào báo, gói kín lại :
- Sao chị không ăn ?
Nhân giật nẩy mình, quay đầu lại . Một gã thanh niên đứng nhìn chằm vào chị vẻ tò mò . Là con của ông chủ nhà hay người ở công ty ? Nhân không kịp nghĩ, cứ ấp úng :
- Dạ, tôi để ... cho con ... à không ... để trưa ...
- Chị có con à ?
- Dạ .
- Mấy đứa ?
- Dạ hai ... với bà mẹ .
- Chồng chị đâu ?
- Dạ ... c...hưa . - Gương mặt lem luốc thoáng đỏ .
Người thanh niên nhíu mày, tò mò hỏi tiếp :
- Chị mới vô làm à ?
- Dạ, được ba bữa .
- Nhà ở đâu ?
- Dạ, bên khu nhà nghỉ công nhân . Dạ, tôi mới dọn đến hôm qua .
Nước bọt tứa ra, Nhân vò đại nắm xôi cho vào miệng, bất kể ánh mắt nhìn của gã thanh niên . Chị nhai vội , nuốt vội . Bốc miếng khác , hai con tôm còn y .
Gã thanh niên nhìn rồi ngẫm nghĩ , lại hỏi :
- Con chị bao lớn ?
- Đứa mười tuổi, đứa bảy tuổi .
- Chị để dành tôm cho hai đứa con , đúng không ?
Nhân liếm môi, gật đầu . Người thanh niên bước đến gần hơn :
- Chị cứ ăn đi, lát nữa, tôi cho phần khác đem về .
Nuốt vội miếng xôi, Nhân lắc đầu :
- Dạ, tôi không dám .
- Sao lại không dám ? Của tôi cho mà .
Nhân lắc đầu không nói , mắt lom lom nhìn gã như tự hỏi "Gã là ai ?" Hiểu ý, gã nói :
- Tôi tên Đạt, kỹ sư giám sát thi công bên công ty .
- Dạ, tôi tên Nhân, mới được thâu vô làm ở đây .
Nhân e dè đáp và nghĩ bụng : "Sao mấy hôm rày, mình không thấy anh ta ?"
Lại như hiểu Nhân nghĩ gì, gã nói tiếp :
- Tôi giám sát nhiều công trình thi nhân lắm , nên mỗi nơi chỉ đến rồi đi .
Ra là vậy . Mắt Nhân liếc qua đám thợ, thấy họ tản ra, trở về với công việc , cô liền vội vàng cho luôn miếng xôi còn lại vào miệng . Miếng xôi khá to, khiến chị lúng búng không chào được Đạt, chỉ đưa mắt nhìn rồi chạy đi .
Hôm đó, đến trưa Đạt mới ra về, anh nhìn Nhân làm việc không tiếc sức, tự hỏi thầm : "Chị ta ốm yếu vậy, chẳng biết làm được bao nhiêu ngày ?"
Còn Nhân, nhìn hộp xôi Đạt cho người đem lại, mừng lắm, nhưng ngần ngại không dám nhận . Chị luôn nhớ câu mẹ dạy : "Đời chẳng ai cho đi mà không muốn nhận về nhiều hơn . "
Người thợ để đại hộp xôi dưới gốc cây và ra về từ lâu rồi . Chung quanh không bóng người, Nhân bước đi rồi chần chừ quay lại . Chị nghĩ đến gương mặt rạng rỡ của con và mẹ khi nhìn thấy món ăn nầy . Nên hay không nên ?
Nhân cắn răng, cắm đầu chạy thẳng về nhà. Tay khư khư giữ chặt hai con tôm trong bọc áo, không một lần nhìn lại hộp xôi đặt dưới gốc cây đầy vẻ cám dỗ. "Hôm nay có cơm, má lại đi chợ, thêm hai con tôm, coi như tiệc rồi."
Trên tầng hai, người đàn ông chủ nhà dõi mắt nhìn theo Nhân chạy khuất, với thoáng ngậm ngùi.