watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Chim Xa Rừng-Chương 2 - tác giả Mỹ Hạnh Mỹ Hạnh

Mỹ Hạnh

Chương 2

Tác giả: Mỹ Hạnh

Các cơ quan có thẩm quyền bèn giải tán khu nhà mở, đưa số thiếu niên ở đó về lại trường Tương Lai. Thằng Độ đau khổ, nó thấy mình sống vô dụng và đơn độc quá! Với Ban giám hiệu mới, sự cảm thông vẫn còn khoảng cách dù ông Hiệu trưởng là người biết cách làm việc, xử thế và đem lại không ít quyền lợi vật chất cho hơn hai trăm đứa trẻ trong tay mình. Thằng Độ xin ra ngoài tìm việc làm, Ban giám hiệu bắt nó phải làm tờ cam đoan không trốn trường. Nó không chịu viết như đám bạn nó. (Nó lý luận với cô Hiền, thật lòng nó không muốn ở đây, nếu có dịp nó sẽ đi, thế thì tại sao phải làm giấy cam đoan ở lại?)
Vậy là thằng Độ không đi làm được và trong mắt một vài người ở Ban giám hiệu, nó là thằng cứng đầu, “cộm”. Từ phòng bốn họ chuyển nó qua phòng ba, bị hạn chế đi lại.
Nhưng với cô Hiền, thằng Độ rất dễ thương, có cá tính, nó là đứa đàng hoàng. Cô thương nó và nó cũng quý cô, nên đã có cuộc nói chuyện ở phòng đọc sách nhân lúc vắng người.
- Độ nè! Em thân với Đông “bác học” rồi à?
Bắt đầu rồi. Độ nghĩ bụng, nhưng nó ít lời:
- Dạ không!
- Em muốn dấu cô à, mấy đứa nhỏ nói hai đứa đi đâu cũng cặp kè, còn tán chuyện suốt đêm.
- Là em muốn hỏi nhưng nó chẳng buồn trả lời.
- Nó không nói gì về thân thế sao?
- Dạ không!
Cô Hiền thất vọng. Cả cô và cô Lành phụ trách đều mong được biết một tí về thằng Đông. Nhưng thế này thì đành để chị Lành tiếp tục thấp thỏm. Mong rằng linh cảm của chị sai. Cô Hiền buồn bã, thằng Độ chạnh lòng:
- Có gì không cô?
“Nên nói nó nghe không? Nó là đứa kín miệng, thận trọng, biết chừng đâu…”
- Cô Lành hôm qua kể với cô, hai hôm rồi có bọn côn đồ lảng vảng trước trường, chúng lân la hỏi người buôn bán ở ngoài, có thằng nào mặt thẹo vô đây không? Tình cơ cô Lành nghe được, cô ấy sợ thằng Đông có chuyện nếu trốn trường.
- Nó không trốn đâu! Thằng Độ buột miệng, mặt tái lại.
- Sao em biết? Hiền hỏi gấp.
Độ mím môi:
- Cô đừng hỏi, nhưng nó không trốn, cô tin em đi.
Nó chạy về phòng, nhìn quanh tìm thằng Đông. Không có, nó tuôn xuống cầu thang. Thằng gác gọi giật:
- Đi đâu Độ?
- Tao xuống bệnh xá.
Nó thấy thằng Đông đang đứng với Ánh đen ở cột cờ, ung dung vãi thóc cho bồ câu ăn. Nó thở phào, đủng đỉnh lại gần. Ánh đen đang tía lia cái miệng:
- Mầy có tin tướng số không? Tao tin: Bà già tao đó, người ta nói có tướng sát phu, y như rằng, mới có tao ông già đã ngủm củ tỏi. Vậy là a lê: Má tao lấy chồng, đưa tao về cho nội nuôi. Mãi tới năm sáu tuổi, tao mới về ở với bả…
Thằng Đông ngồi chồm hổm, mắt đăm đăm nhìn con bồ câu trắng ngoài rìa đang ăn thóc nhàn nhã, miệng hỏi:
- Rồi ông chồng sau chết không?
- Chết queo! Xui hơn nữa, bả bị giảm biên chế mất việc làm, đành làm nghề bán bong bóng ở chợ.
Lý lịch Ánh đen, Độ rành sáu câu, nó đế ngay:
- Rồi má nó lấy ông chồng thứ ba, ông này không chết, nhưng tà tà nằm bệnh viện, một năm mười hai tháng không thiếu tháng nào.
Ánh đen chép miệng thở than:
- Tao vừa đi học, vừa suốt tháng nầy qua năm khác đi nuôi ông cha ghẻ, không bệnh hoạn gì mà tao nằm nhà thương suốt, mầy thấy ngán không?
Đông “bác học” gật đầu ra dáng hoàn toàn cảm thông, mắt vẫn không rời con bồ câu trắng.
Ánh đen kết thúc chuyện đời nó:
- Điều làm tao buồn là má tao chưa hiểu tại sao tao đi bụi đời mà tuyên bố từ tao. Bả làm sao hiểu, tại vì tao thương bả, tao ghét ông cha ghẻ, cứ nằm dài để má con tao đầu tắt mặt tối về nuôi. Mầy coi, cái nghề bán bong bóng lời lãi bao nhiêu mà… Vậy là tao thành thằng ăn “mâm”, mới vô đây mấy tháng.
Đàn bồ câu ăn no, vỗ cánh bay đi khắp trường. Đông “bác học” nhướng mắt nhìn theo cánh bồ câu quen thuộc rồi hỏi trống không một câu lảng xẹt:
- Mình được ăn ngày mấy bữa ta?
- Ba bữa! Ánh đen vọt miệng.
- Sao tao thấy mầy cho bồ câu ăn có một bữa vậy?
Gương mặt nhỏ, ngăm đen của thằng Ánh thoáng đỏ, ngại ngùng:
- Tại…
- Mày nhác chớ gì?
Ánh đen làm thinh, thật ra nó muốn nói, tại thấy chim bồ câu cả ngày không ăn hết thóc dưới đất, nên nó không vãi nữa. Nhưng chẳng hiểu tại sao nó lại không nói.
Thằng Đông xoa tay vào ngực, nhỏ giọng:
- Con người có thể vì một bữa đói đánh mất đi bản chất tốt đẹp của mình. Con chim có thể vì một bữa đói bỏ chuồng xa chủ, mầy từng thấy chưa? Hai nhà đầu xóm, cuối xóm đều nuôi bồ câu là bạn, một thời gian sau, nhà cuối xóm chuồng trống trơn… Ở đây có bóng chim bồ câu là niềm vui không nhỏ, mầy đừng để một ngày nào chuồng trống, đừng như ông hàng xóm nhà tao.
Thằng Đông bỏ đi lặng lẽ như khi đến, khiến Ánh đen ngơ ngác nhìn theo. Độ phẩy tay:
- Tóm lại mầy phải cho chim ăn ba bữa như mày, rõ chưa?
Độ chạy theo thằng Đông, để thấy nó đứng chết trân ngay gốc cây dừa nhìn về hướng văn phòng. Nơi ấy có hai người công an đang dắt hai thằng đi vô. Độ run, cái run của giác quan thứ sáu cho biết thằng Đông sắp gặp nguy hiểm.
- Đông!
Thằng Đông nghếch mặt, gương mặt nó bình thản lạnh lùng:
- Gì?
- Tụi nó! Độ thì thào.
- Tụi nó như tụi mình, có gì lạ!
Đông rảo lên lầu, Độ nghe đắng chát miệng. Nó muốn gào lên: - Mày nói dối, mày biết tao lo cho mày mà! Nhưng nó ngậm tăm. Tay bấu chặt cầu thang, nó đứng bất động nhìn vào cửa văn phòng. Với Độ bây giờ một phút chờ đợi dài như thế kỷ.
Chuyện gì đến sẽ đến, hai thằng mới vô hiệu ra ở cửa, theo sau là Khanh. Chúng rời bậc tam cấp qua mấy bồn hoa nhỏ thì Độ đã nhìn kỹ mặt. Nó thở khì.
- Trời đất! Tài lùn, Tài nhí vô kìa!
Tiếng thằng Giã đội viên phòng ba kêu lên, khiến cả tụi trên phòng ngó xuống. Cô Lành đi ra nghĩ bụng, hai đại bàng con vô rồi. Cô đụng phải Đông đi vào, liền nói:
- Đông à! Em biết hai đứa kia không?
Cô bỗng thấy mặt thằng Đông xanh dờn, môi cắn vào nhau như nén cơn đau đớn. Cô kinh hãi:
- Đông! Em sao vậy?
Nó đứng thẳng lên, môi vội mỉm cười:
- Thưa cô không, bỗng dưng em chóng mặt, giờ hết rồi… Xin lỗi cô! Em muốn đi nằm một lát.
Lành nắm tay thằng Đông, tay nó lạnh ngắt. Nó cố vùng khỏi tay cô. Lành buồn bã:
- Cô đưa em đi bệnh xá.
Khanh đã đưa hai con đại bàng vào phòng. Thừa cơ hội, Đông đi vào phòng của mình nằm xuống. Vết thương ở tay nhức dữ dội, nó vẫn cắn răng không rên, đầu nghĩ ngợi làm cách gì có thuốc uống đủ đô. Tụi phòng ba lao xao chào đón hai con đại bàng nhí. Riêng Đông cứ quay mặt vô tường.
Lành bâng khuâng lo ngại, thỉnh thoảng liếc Đông, nó đau thật rồi mà không đi bệnh xá. Chị đặt hồ sơ hai đứa mới vô xuống bàn, định lại gần Đông xem thử, chợt giật mình khi nghe Tài nhí hỏi Khanh:
- Cả tuần nay có đứa nào mới vô không?
Khanh lơ đãng trả lời:
- Vô số, phòng nào cũng có.
Tài lùn chìa cái mặt lấc cấc vào hỏi:
- Hỏi phòng mình kìa!
- Có mấy thằng không đáng kể và Đông “bác học”.
Lành bấu tay mép bàn, vờ nhìn vào hồ sơ nhưng liếc xem sắc diện hai thằng. Chúng ngó nhau, Lành lạnh người. Tài nhí nhún vai:
- Đông “bác học” là thằng nào vậy cà?
Chúng giả vờ! Lành nghĩ thầm. Chúng nhất định được tụi kia cài vào để thanh toán Đông, chẳng vậy mà thằng Đông như người bệnh nặng. Lành nhìn quanh, ba mươi, ba đứa con cá biệt của chị, đứa nào đáng để chị gởi trao trách nhiệm? Độ! Mấy hôm nay nó cứ gần gũi thằng Đông, điều đó chị chưa từng thấy ở nó.
Chị đi đến sát Độ nói nhỏ:
- Đi với cô!
Một lát sau Độ trở lại, còn Lành, chị lên thẳng văn phòng, chị có cuộc nói chuyện với ông Hiệu trưởng.
Bàn ăn tụi phòng ba có thêm hai gương mặt, mới và cũ. Cả hai chẳng rõ vô tình hay cố ý, lại ngồi chung bàn đối diện với Đông “bác học”. Hai mắt thằng Tài nhìn chằm vào Đông, vẻ đánh giá xem nặng cân ở chỗ nào lại có biệt danh là “bác học”. Đông thản nhiên ăn, như không biết có người để ý đến mình. Thật ra, đôi mắt một mí dưới hàng mi dày của nó thỉnh thoảng liếc nhanh và chừng đó đủ ghi nhận cả hai vào đầu nó.
Thằng Tài nhí với gương mặt ngây thơ, còn lông tơ trên má phính, dáng cao mảnh, nhỏ con, rất học trò. Thằng Tài lùn khác hẳn, cái mặt đen đủi, lấc cấc, xấc xược, dáng nhỏ, nhớp nhúa, khi nó đùa giỡn vẫn có vẻ nham nhở, lì lợm.
Tài nhí ăn sạch phần cơm nó trước tiên, lấy trái chuối bóc vỏ rồi nhỏ nhẹ nói với Khanh:
- Bữa nay trường ăn khá ghê, có tráng miệng nữa.
Tài lùn phì thức ăn ra ngay thau cơm của nó, mặt nhăn nhó:
- Tao nuốt không nổi mà mầy khen.
Khanh lừ mắt:
- Muốn ăn sang ra tiệm. ĐM… ai biểu mầy vô đây!
Tài lùn làm mặt hề rất trây trúa, hai tay múa máy:
- ĐM… có thằng nào thích vô đây? Mầy thích không? Tao ở bên ngoài ăn toàn gà vịt, yến sâm, nhà hàng…
Thằng Đông vụt đứng lên:
- Cũng có khi ba ngày mầy chỉ ăn một cùi bánh mì thiu lượm ở bãi rác mà mừng đến trào nước mắt chớ?
Nó đi tới chỗ rửa tay, tụi ở bàn nhìn nhau. Đúng vậy! Thằng nào cũng có một thời gian như thế, khi dấn thân ra chốn cát bụi hè đường. Vì cái đói, vì tủi nhục, cô đơn giữa xã hội không ai cảm thông nhìn đến. Chúng trở thành phạm pháp đang tuổi thiếu niên. Chẳng đứa nào trong chúng nó thiếu kỷ niệm đắng cay, chua chát như vậy.
Thằng Hào phản ứng trước tiên, nó đứng lên, gương mặt của căn bệnh gan kinh niên hành hạ, rúm ró với vẻ đau đớn tủi nhục. Nó mới vào trước tụi thằng Tài mấy hôm, nó rất lễ phép, luôn luôn “dạ thưa” trong cái mặc cảm hèn kém thân phận. Nó không là đứa trộm cắp, nó có mỗi tội đói nghèo, bệnh hoạn, không cha mẹ, phải lượm rác kiếm sống, lang thang ở xó chợ đầu đường. Tuổi mười chín thằng Hào chưa một ngày ăn đủ no, chưa một ngày ngủ được giấc bình yên mà không phập phồng lo sợ công an hốt. Tụi anh chị khắp nơi lúc nào cũng sẵn sàng đánh đập nó khi hứng lên. Nó bị đánh cho tới khi bò lết, trong nỗi đau khổ cả thể xác lẫn tâm hồn.
Thằng Hào không muốn khóc, nhưng nước mắt cứ tràn ra, nó nói trong tiếng khụt khịt:
- Tao nè! Tao thích dzô đây, còn hơn ở ngoài bị tụi mầy đánh đập, trấn lột. Mầy ngon lắm, đi ăn cướp đâu có áy náy gì. Còn tao, hôm nào lượm rác ít, phải ăn cháo, hôm nào bệnh, nằm như con chó ngoài chợ Cũ, hai ba ngày mới được người ta bố thí chút cơm thừa, vậy mà tao sạch hơn mầy, đừng có khoe.
Tài lùn chẳng ngờ sự thể lại ra như vậy, tụi phòng ba nhìn nó hầm hè. Còn thằng Hào thì vội lau nước mắt bằng ống tay áo, rồi lê tấm thâm cao nghều, bệnh hoạn ra cửa. Tài lùn gặp ở Tài nhí cái nhìn chê trách, hắn chợt cười nham nhở:
- Là tao giỡn thôi! Anh em mà.
Hải cây thị tuy non gan (nó mới hành sự lần đầu đã bị bắt) cũng nghếch cái mặt non choẹt có hàng mày rậm, trề môi:
- Tao lính mới, đếch dám anh em với mầy.
Trước khi các thầy cô phụ trách phòng đến xem cái gì mà bàn ăn phòng ba náo loạn cả bọn đã tản ra sân. Lành thấy thấp thoáng dáng thằng Đông ở nhà bếp, chị đi vào. Thằng Đông đang rất chữ nghĩa với ba chị nấu bếp và coi dáng cả ba chị đang ngẩn ra nghe:
- Các cô nói ít chữ nghĩa, không biết làm toán là sai, không đúng, vậy khi các cô đi chợ thì sao? Còn cặp mắt nhìn thì sao? Em nghĩ các cô chưa nhìn. Vầy nhé! Ngày mai, chia cơm các cô nhìn kỹ sẽ thấy, nhỏ ăn ít, lớn ăn nhiều, đó là luật tự nhiên. Cô sẽ chia cho tụi phòng ba, bốn nhiều hơn một chút, chúng nó sẽ không rời nhà ăn với bụng mới lưng lửng. Còn phòng một, hai lại dư thừa, em nói đúng không?
Ba chị nấu bếp gập đầu như máy. Thằng Đông tặng cả ba nụ cười tươi rói, rồi búng tay trông trốc vào dái tai, theo cửa sau ra ngoài. Nó không thấy Lành, mắt nó đảo quanh tìm thằng Hào nên đâm sầm vào một người. Tay người ấy theo phản ứng đẩy mạnh vào ngực nó, một tay giựt nó lại. Đông đau xé ở vết thương đến mức mặt mũi tối sầm lại, nó lảo đảo, hơi thở tắc nghẽn. Người kia kêu lớn:
- Em làm sao? Làm sao?
Giọng Bắc cao vút của anh đầy vẻ hốt hoảng. Anh xốc nó trong tay, chạy như bay vào bệnh xá, đạp tung cánh cửa, và đặt nó xuống giường, hét thằng Ánh đen đang đứng trố mắt:
- Gọi bác sĩ Nga!
Cửa bệnh xá đã chật ních đám trẻ bu lại. Độ cùng chị Lành xô gạt tụi nhỏ chạy vào. Lành hối hả hỏi người đàn ông đang mở nút áo cho Đông:
- Anh Cang! Nó bị gì?
Cang không trả lời, mảnh băng ở ngực thăng Đông đỏ lòm máu đã nói lên tất cả. Lành kêu lên kinh hãi, Độ tái mét mặt. Bác sĩ đi vào, chị giở vết thương, nhíu mày:
- Vết thương vỡ lại, nhiễm trùng rồi.
Khi Cang rửa sạch vết thương băng lại và chích hai mũi thuốc vào tay thằng Đông, nó tỉnh lại. Đập vào mắt nó là gương mặt Cang đăm chiêu, cô Lành mắt đỏ hoe và Độ tái xanh nhăn nhó. Bên ngoài cửa, tụi phòng ba nháo nhác, xầm xì. Thằng Đông ngồi dậy, nó bị cái gạt tay của người y sĩ:
- Em nằm yên và nói tôi nghe tại sao như thế?
Giọng Bắc của anh giờ ấm dịu nhưng vẫn nghiêm khắc. Thằng Đông nhắm mắt, cử chỉ từ chối câu trả lời. Cang nhìn kỹ mặt nó, anh đã sống ở ngôi trường này ba, bốn đời Hiệu trưởng. Bọn trẻ với anh là một phần máu thịt, hơi thở, là vui buồn của cuộc sống, anh hiểu, nó sẽ không trả lời. Bác sĩ Nga đã trở về phòng. Tất cả sau cái khoát tay của anh đã tản mát, còn mỗi Lành và thằng Độ. Hậu, người Y sĩ trạm xá đi vào:
- Cho nó đi nhi đồng hai nhen anh Cang.
Cang đăm chiêu nhìn vào mặt Đông vẫn rung rung. Anh nhìn Lành, chị bóp tay bối rối, còn thằng Độ nhấp nhỏm. Cang nói như hỏi Hậu:
- Mình có thể chữa nó ở đây chứ Hậu?
- Được! Nhưng…
Hậu “à” một tiếng, anh cũng như Cang hiểu rất sâu sắc cuộc sống những đứa ở đây.
- Để tôi nói với chị Nga.
Hậu đặt tay lên trán thằng Đông rồi đi ra. Lành kéo tay Cang ra sân thầm thì, mặt Cang nhăn tít lại. Trong nầy Độ nói vào tai Đông như van nài:
- Mày nói đi, tụi thằng Tài có liên quan gì đến vụ này không?
- Không!
Độ muốn hỏi vụ con rồng máu, nhưng rồi nó nín. Nó vẫn ngán sợ đôi mắt ngầu tia giết người của Đông “bác học” hôm nọ.
Đông mở mắt hỏi trổng:
- Ổng là thầy Cang, mày nói đó à?
- Ừ!
- Mày biểu thằng Hào xin đi khám bệnh và nhờ ổng lo dùm cho nó được không?
- Ổng tốt lắm!
- Mày tử tế với thằng Hào một chút.
- Ừ!
- Tao phải nằm đây rồi, mày nói nó tối xuống chơi với tao.
Độ nhìn Đông, vậy là thằng Đông đã ngỏ lời kết bạn với thằng Hào, còn với nó thì chưa. Độ nghe buồn trong bụng. Vừa lúc thầy Cang đi vào nói:
- Đông nằm đây! Nếu Độ muốn, thầy xin phép cho tối xuống đây ngủ.
Tối ấy không kể thằng Độ, Hào cũng xuống theo. Vẫn với dáng co ro, nhẫn nhục, tay khư khư ôm cái mùng, nó rất lễ phép nói với Cang:
- Dạ thưa “thầy bác sĩ”, bạn Đông muốn em xuống chơi với nó, em xin phép thầy.
Cang gật đầu, đêm nay anh trực, nếu không trực, anh cũng khó ngủ được, vì lo ngại cho Đông.
Kẻng ngủ đánh từ lâu, cả trường im lặng. Cang đổi ca cho chị Nguyệt phụ trách phòng đội nữ một, đi vào bệnh xá. Anh không ngạc nhiên khi thấy giường thằng Đông có Độ, Hào ngồi. Chúng chưa ngủ, thằng Hào đang kể chuyện đời nó.
Chim Xa Rừng
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10 (chương kết)