watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Chim Xa Rừng-Chương 8 - tác giả Mỹ Hạnh Mỹ Hạnh

Mỹ Hạnh

Chương 8

Tác giả: Mỹ Hạnh

Nhìn mặt cô gái chẳng ai đoán được bao nhiêu tuổi đời bởi phấn son rẻ tiền che lấp mất, thêm bộ quần áo loè loẹt, thời trang nửa mùa với mùi nước hoa nồng nặc, làm cho việc cô đi vào đây trong buổi trưa nắng gắt, có gì không ổn.
Cô gái mang đôi giày đỏ chót cùng màu với bộ áo quần hở hang. Cô đi chậm lại khi tới gần căn nhà lợp lá, thấp tè dưới gốc keo tây. Đôi mắt cô nhìn quanh dớn dát, rồi nép mình ở cửa bằng tranh chống lên bên trong nhà. Cô gọi nhỏ:
- Bê! Bê!
Nó đang ngồi trước nhà, trên nền cát, chỉ độc cái quần đùi cũ xì trên người, chân nó dũi dài làm nôi cho một đứa bé đầu trọc, thân trơ xương, mình đầy ghẻ ngủ. Con bé ngủ gà, ngủ gật, chân vẫn lắc lắc theo nhịp ru, chợt tỉnh như sáo khi nghe tiếng gọi quen thuộc. Nó đưa cánh tay đen đủi, cáu bẩn dụi vào mắt đầy ghèn, miệng reo:
- Chị Ba!
Cô gái nghe bé reo có vẻ yên tâm, rời chỗ núp đi lại bên em, liếc nhìn đứa nhỏ đang ngủ, cô thở ra ngán ngẩm:
- Tiền tao đưa bữa hổm có mua thuốc cho nó không?
- Mua được có một bữa, tại nhà hết gạo.
Cô gái ngồi xổm rờ thằng nhỏ rồi lại cau mày:
- Tao nói mày hoài, đừng dụi tay dơ vô mắt, bị đui là hết đời đó. Còn tụi nhỏ đâu?
- Đi lượm củi hết, chiều mới về.
- Rồi bữa trưa tụi nó ăn giống gì?
- Khoai mì đem theo.
Cô gái dằn dỗi:
- Lại khoai mì! Có ngày tụi nhỏ cũng chết vì khoai mì.
Con Bê thật già dặn ở tuổi lên bảy:
- Dù sao còn hơn đói, cả tuần rồi ba má còn chưa có chuyến củi nào.
Cô gái đay nghiến mà chẳng rõ đay nghiến ai:
- Ờ! Đẻ nhiều vô chớ bảy đứa còn ít mà!
Bê chẳng buồn quan tâm chị Ba mình nói ai, nó nhìn chị chằm chằm:
- Có tiền không chị Ba?
- Có! Giọng cô gái chợt trầm xuống.
Cô mở bóp da rẻ tiền lấy ra gói bạc cuộn tròn, cột cao su cẩn thận đưa cho con Bê, nói:
- Tiền lẻ tụi bây để dành thèm gì thì ăn, tiền chẵn thì cất, hễ hết gạo lén đưa cho má. Còn đây! Cho mày bộ đồ, mấy cái quần đùi cho tụi nó.
Con Bê sáng rỡ gương mặt, chụp gói đồ ôm chặt cứng, miệng ấp úng:
- Một bộ đồ, một bộ phải không chị Ba?
Cô gái quay mặt đi, giọng như nghẹt mũi:
- Ừ! Quần dài, có áo đàng hoàng, đến tết tao làm có tiền sẽ cho tụi bây mỗi đứa một bộ nữa.
Con Bê nhìn chị vẻ mừng rỡ, thán phục ngời lên trên khoé mắt còn đầy ghèn:
- Chị Ba bán bia ôm giàu thiệt đó, không như chị Tư đi ở nghèo thấy mồ, chẳng cho tụi em được cái gì.
Cô gái sững sờ ngó con Bê, cô muốn nói câu gì nhưng nghẹn lời. Con Bê vô tư tiếp tục thao thao:
- Còn ba thiệt kỳ, chị đi làm đem tiền về còn bị ổng đánh chửi. Em tức ổng lắm. Chị Ba! Chừng nào em theo chị được, chị cho em làm với.
Qua lớp phấn son, bờ môi cô gái vẫn lộ vẻ nhợt nhạt run run, nhưng cô chẳng biết phải nói gì. Cái nghèo, cái đói đã khiến cô vùng vẫy mong thoát ra, để rồi lún chân vào con đường đau khổ ấy. Con Bê, em cô làm sao hiểu được, để đổi được bộ đồ cho nó, một ít tiền mua gạo, cô phải chịu dày vò giữa chốn bùn nhơ.
Cô gái nặng nhọc đứng lên, vuốt tóc em, nước mắt ứa ra. Cô nói nhỏ:
- Đừng em! Chẳng thà đi ở như chị Tư, chớ “nghề” chị làm… “khổ” lắm.
Cô nghẹn ngào, muốn nói lời từ giã em để đi thì bất chợt đầu tóc bị túm chặt, cùng lúc tiếng chửi của cha nghe xé tai:
- Con “đĩ” này! Tao đã cấm cửa, mày còn về bôi mặt tao.
Người đàn ông đen đủi bận độc chiếc quần đùi và cái áo cộc tay may bằng bao cát Mỹ. Lão xoắn tay lên tóc cô gái ghì chặt, tay kia vả lia lịa vào mặt cô, miệng chửi rủa.
- Con “đĩ”! Con “đĩ”! Mày làm nhớp nhà tao, tao phải giết mày.
Cô gái không phương chống đỡ, chỉ biết vừa lấy hai tay che mặt vừa gào lên:
- Thả tui ra! Thả tui ra!
Con Bê khiếp sợ đến đờ người, nhưng rồi cái đầu nó hiểu rất nhanh một điều, ba nó có thể đánh chết chị nó. Đã có lần ông đánh toác đầu rồi còn gì. Nó hất đại đứa em ra khỏi chân, a lại chụp tay ba nó ghì xuống cắn mạnh vào, người đàn ông rú lên, thả tóc cô gái, chụp lấy con Bê, nó không sợ, gào to:
- Chị chạy đi! Chạy đi!
Cô gái lảo đảo chạy, nước mắt chảy rồng theo máu mũi, chảy tràn xuống mặt, xuống ngực áo. Bên tai cô còn văng tiếng chửi rủa của cha, tiếng gào khóc của con Bê và thằng em. Cô gái ngã chúi xuống mặt đường đầy cát dưới cơn nắng gắt. “Ba má để con Bê lên thành phố ở với vợ chồng con, dù gì cũng bớt được miệng ăn, con hứa nuôi em đàng hoàng. Sau câu nói đó, con Bê được ba má cho lên Sài Gòn ở với chị Hai nó. Cái đầu nó tưởng tượng đủ cảnh sung sướng mà mình chưa từng biết. Nó còn định bụng nói chị Hai cho đi tìm chị Ba. Bởi từ ngày ấy, chị Ba không về nữa, nó nhớ lắm, càng nhớ hơn mỗi khi nhà không còn gạo, phải ăn cháo cầm hơi. Rồi con bé vỡ mộng, té ra anh chị Hai không có nhà, phải ở lung tung, khi lề đường, khi công viên, khi ngoài chợ và có đứa con khóc suốt ngày. Chị Hai nó đưa đứa nhỏ, chỉ vào chỗ trải nửa chiếc chiếu dưới bóng cây mát nói:
- Giữ nó cho anh chị đi làm, nó đói có cháo trong soong.
Đôi vợ chồng đi mất biệt đến nửa đêm mới về. Con bé lần đầu tiên lạ cảnh, lạ người, sợ đến chết khiếp, vừa ngồi ru cháu mà vừa khóc nức nở.
Nhưng rồi nó cũng quen dần với cảnh sống đầu đường xó chợ. Cảnh chạy trốn (chạy trốn ai nó cũng không biết), với những giấc ngủ phập phồng. Rồi bụng chị nó ngày càng lớn lên như má nó hồi đó. Một đêm chị nó về ôm bụng hơ hải:
- Bê! Đưa cái gói đồ cho tao.
- Chị đi đâu nữa?
- Đi đẻ chớ đi đâu, khờ quá, nói cho anh Hai mày biết khi ảnh về.
Con bé vừa giữ cháu vừa nuôi chị nó. Từ tuổi lên tám, nó đã rất chu đáo và không nề hà. Điều nó coi khổ nhất là cứ lỉnh kỉnh ôm đồ, bồng cháu, dời hết chỗ nầy qua chỗ khác. Ngày tháng cứ trôi đi, một đêm mưa, nó đang ngồi chắn cho đứa cháu nằm ngủ trong hiên nhà người, tay bồng đứa nhỏ ngồi chờ anh chị nó về thì có người chạy lại báo:
- Bê! Anh chị mày bị công an bắt rồi.
Bê ngước đôi mắt ngái ngủ, nhìn người nói ngơ ngác:
- Bị bắt! Sao bị bắt vậy?
- Trời ơi! Móc túi bị bắt chớ sao.
Người nói đi rồi, con bé nhìn cháu mà cái đầu cứ rối ren chẳng hiểu gì. Nó không ngủ được bởi gió mưa và bởi nỗi lo: biết làm sao với hai đứa cháu còn chưa dứt sữa bây giờ. Trời vẫn mưa tầm tã, gió đuổi nhau ào ào. Con Bê ôm chặt cháu vào lòng, khóc ròng.

Nơi ghế đá công viên, ba dì cháu con Bê nằm đói lũi. Con dì lên mười hai, cháu mới lên ba, chúng chưa biết làm gì để sống, chưa biết móc túi, chẳng biết lượm rác, xin ăn, đành nằm ngắt ngoải. Thỉnh thoảng đứa nhỏ cựa quậy, khóc nhỏ xíu như tiếng mèo kêu, miệng gọi má, má! Rồi mê đi.
Con Bê gượng dậy, ẵm cháu trên tay, thấy đứa nhỏ im lìm nó sợ điếng. Sợ cháu chết, lại sợ anh chị về hỏi, nó lấy gì mà thường. Vậy là con Bê khóc, nó khóc mãi cho tới khi tắt tiếng và dòng nước mắt cũng cạn khô, rồi mê đi… Lẫn trong tiếng ồn ào của thành phố, tiếng còi xe, nó nghe tiếng lao xao văng vẳng…
- Dạ thưa anh công an, ba chị em nó sắp chết đói.
Nó cảm thấy người ta gỡ đứa cháu ra khỏi bàn tay mình nhưng nó không đủ sức giữ lại, chỉ lào phào trong hơi sức sau cùng:
- Trả… em… cho… con…
Bê được đưa đến trường vào những ngày cuối năm âm lịch, hai cháu nó được chuyển đến nhà mồ côi. Với con Bê, đó là nỗi thống khổ lớn nhất trong đời. Nó thường ngồi ủ rũ và lén khóc một mình vì thương nhớ hai cháu của nó.
Cho tới một ngày, cô phụ trách gọi nó tới tươi cười nói:
- Sáng mai cô đưa cháu đi thăm hai em cháu nhé!
Con Bê mừng quá khóc ròng. Trong tâm hồn trẻ thơ, nó thấy cô Nguyệt đúng là bà tiên tốt bụng.

oOo

- Bồ Câu!
Nó dấu vẻ lo lắng, kéo người đàn ông ngồi xuống ở góc phòng tiếp tân, rồi gắt nhỏ:
- Chú điên à! Tụi nó đâu? Hắc Thổ và con vợ ra sao?
- Quảng Kim đi gặp Voi Trắng Nông pênh, Nam Thuỷ, Đà Hoả đang chuẩn bị lo giữ Hắc Thổ… - giọng người đàn ông nhỏ dần khiến Đông tái mặt. Nó rít từng tiếng:
- Nghĩa là có chuyện, nói đi!
- Chúng giết Thìn và vợ con Hắc Thổ rồi.
Mặt thằng Đông rúm ró nhợt nhạt, nó bấu tay vào song cửa thì thào:
- Chú nói tiếp đi!
- Lúc ấy không đứa nào ở đó, chính Hồng Long giết họ bằng sợi dây đàn. Đà Hoả, Nam Thuỷ về tới nơi chúng đã rút hết, chỉ để lại cái thư. Đây, cháu xem đi.
Thằng Đông đọc ngay tại đó, bức thư chỉ mấy dòng ngắn ngủi, nét chữ như gà bới. “Mai Tình! Thủ hạ mày không đủ sức bảo vệ vợ con thằng mọi. Còn mày có dám đọ sức với tao lần nữa không?
Rồng máu số I
TB: Mày biết tại sao tao có mặt ở Bà Rịa chớ? Về chỗ mày núp hỏi thử xem.”
Thằng Đông cẩn thận xếp tờ giấy nhàu nát bỏ vào túi áo, nó không run nữa, mà trở nên lạnh lẽo khôn cùng:
- Nó có để lại xác không?
- Không!
Đông “bác học” nhíu mày:
- Vậy sao biết nó giết bằng dây đàn?
- Nền nhà bê bết máu, dưới giường sợi dây đàn còn dính máu.
Thằng Đông cười nhạt, tay búng dái tai, đầu gật gù. Nó được tặng danh hiệu “bác học” không ngoa lắm.
- Chú về xem kỹ Hắc Thổ cho tôi, nói nó, vợ con nó chưa chết đâu, tôi lấy Mai Tình ra bảo đảm với nó. Bảo Lạc Đà tìm cho ra chỗ ở bọn “con rồng chết” nhốt thằng nhóc Hoà trước khi tôi về tới nơi. Còn chú! Tôi nói rồi, hãy lặn đi, về căn nhà cũ nuôi lại chuồng bồ câu, nếu mụ ta biết được chú chưa chết, thì hậu quả như thế nào chú biết chớ?
Người đàn ông lợt lạt nụ cười:
- Chú biết, nhưng chú không về nếu cháu không về. Bồ Câu! Cháu mất Dương Mộc rồi, để chú thay vào, cháu đã hứa đánh trận cuối cùng mà!
Người đàn ông ngừng lời rồi nói tiếp vẻ thiết tha:
- Ngày ấy để cứu thằng Bồ Câu mà chú thương yêu nhất, chú vui lòng mất cả đàn bồ câu. Hôm nay để Bồ Câu được sống, được làm người với trái tim nhân ái, chú vui lòng hy sinh những gì còn lại của chú.
Đông “bác học” quay mặt đi nơi khác, giữa hai người là khoảng không gian im vắng. Lâu, rất lâu, thằng Đông lại nhắc:
- Chú về đi! Phối hợp với Quảng Kim cùng Voi Trắng Nông Pêng tiến hành giai đoạn hai đợi tôi.
- Nếu giai đoạn một gặp ổng thì sao? Lại im lặng…
- Chú không nỡ giết người anh ruột, còn cháu được chú trao tặng trái tim người…
Đôi mắt hai con người xa cách hai mươi lăm tuổi đời gặp nhau, mắt cả hai đều đỏ sọc, dù không một giọt nước mắt.
Người đàn ông ôm lấy nó ghì chặt, thì thào:
- Bồ Câu thân yêu của chú!

Nó đi rồi! Thằng Độ ngẩn ngơ nhìn chiếc mùng trống trơn, rồi tự trách mình tại sao ngốc vậy. Sáng qua lúc rất sớm, nó có người thăm, rồi đến trưa bỏ cơm, chiều lại cứ xuống phòng một căn vặn chuyện Hoà “Bắc” rồi ra cột cờ thầm thì với con Huệ, con Hồng. Sau đó nó ngồi mãi ở cột cờ với thằng Ánh đen tới lúc lên đèn, tay ôm con bồ câu trắng bị thương vuốt ve mãi.
Buổi tối nó nói gì với Tài lùn ở góc phòng không biết mà thằng nọ nằm chúi đầu tít, vờ đau không sinh hoạt. Nó thì lấy mền trùm lên thau nhựa làm trống, lấy muổng gõ nhịp, hát hò búa xua với tụi trong phòng tới mười giờ đêm. Sau đó nó nói với thằng Giã một câu kỳ cục:
- Mày ở đây hay hơn là ra ngoài ở với ông già mày, cũng đừng hận ổng đã để mày rơi vào con đường này. Thật ra ông già chẳng biết mẹ gì chuyện thuốc phiện, bị tụi kia trút vào đầu thôi. Mày ráng tốt đi, để có chương trình hướng nghiệp bên nhi đồng, Anh Trường sẽ cho mầy đi. O.K…?
Với thằng Độ, Đông không nói gì, chỉ rủ nhau xuống chơi với thằng Hào rồi chúc nó và Phục Tề Thiên, Xuân, sau này sớm trở thành ông chủ. Thằng Phục làm mặt khỉ nhăn nhó thì nó nghiêm mặt nói một câu rất Đông “bác học” :
- Sinh ra làm người, ai cũng có quyền mơ nước, mày không thích ước mơ, đâu xứng làm người. Cứ ước mơ đi, một năm không toại nguyện thì hai năm, ba năm, ba năm chưa toại nguyện thì bốn năm, năm năm hoặc mười năm. Sẽ có một ngày cả đất nước này dang rộng đôi tay đón mày với trái tim biết yêu thương đầy ắp tình người. Hãy tin tao.
Mười một giờ hai đứa nằm bên mùng Độ. Nó cũng không nói gì, cho tới lúc thằng Độ mắt ríu lại mới nghe thoáng bên tai lời nó nói:
- Tao xin lỗi, vì e rằng không có cơ hội gì giúp cho mày. Nhưng Độ à! Chuyện đời mày chưa phải là bất hạnh to lớn nhất, mày đừng buồn quá, nếu mày biết trên đời có một Mai Tình. Độ à! Tao là Mai Tình đây, nếu có ngày trở lại, tao sẽ kể mày nghe chuyện cuộc đời tao.
Thằng Độ đã biết tỏng nó là Mai Tình nhưng buồn ngủ quá nên thiếp đi, để rồi sáng nay nhìn cái mùng trống trơn, nó ân hận vô cùng. Mai Tình! Mày hứa kể chuyện tao nghe thì đừng quên nhé!
Thằng Độ thẳn thờ xếp lại cái mùng, nó cúi xuống ôm luôn cái gối, một mảnh giấy rơi xuống, nó lượm lên và thấy những hàng chữ to nghiêng nghiêng đập vào mắt nó: “Kính gởi thầy cô trường Tương Lai.”
Thơ không có phong bì nhưng Độ là người lịch sự, nó bỏ vào túi áo đi ăn sáng, đợi cô Lành đến nó giao bức thư. Người phụ giáo đã được nghe báo cáo về Đông “bác học” trốn trại, chị thở ra, lắc đầu, đem thư lên văn phòng trường.
Bức thư của thằng Đông được tất cả thầy cô của trường đọc đến cũ sì và cả tụi nhóc trong trường cũng đọc. Thằng Độ thuộc vài đoạn bức thư đó:
… Đông “bác học” xin lỗi ra đi không từ giã, nhưng các thầy cô thấy đó, đời người giang hồ chẳng ai biết được ngày mai nên Đông xin gởi lại lời cám ơn chân thành nhất…
Có một lần thầy Cang hỏi em là ai? Em nói em là Đông “Bác học”thì chẳng ai tin cả. Hôm nay em gởi lại đây một câu chuyện kể, tuỳ thầy cô nhận xét là ai… Thằng bé đó, như mọi thằng bé khác trên cõi đời này. Chỉ mỗi một người biết nó khác, đó là chú nó. Nó khác, bởi từ thuở biết đi, biết nói “người ta” đã dạy nó đánh mất tính người, muốn được ăn sung mặc sướng, muốn được có oai quyền để ai cũng tuân phục thì phải tàn ác vô lương. Và nó suýt trở thành như thế, nếu không có ngày ấy. Cái ngày của năm lên sáu tuổi, được tự do bước ra xã hội bên ngoài với ông chú ít khi thấy mặt. Ông chú đã làm cuộc trốn chạy, đưa thằng bé về một nơi xa, sống trong căn nhà tranh có chuồng bồ câu trước ngõ. Nơi đó ông dạy nó học chữ thay vì múa quyền, dạy nó thiện lương thay cho tàn ác, dạy nó biết buồn thương khi có con bồ câu bị bắn chết chớ không lạnh lùng như thuở nó thường bẻ cổ những con vật yếu đuối làm trò vui…
Rồi một ngày kẻ truy lùng nó tìm đến. Trên con đường trốn chạy, ông chú đã phải đỡ mấy nhát dao đâm vào thằng bé, điều đó khiến kẻ sát nhân động lòng. Hắn bỏ đi, cho thằng bé đưa ông chú về lại căn nhà có chuồng bồ câu trước ngõ. Những vết thương của chú lành rất nhanh, khiến thằng bé không ngờ. Nó hỏi tại sao, ông chú trả lời:
- Vì cháu đã nhận trái tim người chú trao tặng.
Nhưng thằng bé vẫn còn thấy tủi thân khi mỗi chiều về, dù nó đọc Tam Quốc Chí cho chú nghe ở đoạn nào hay nhất, chú nó cũng lơ là, chỉ lo vuốt ve những con bồ câu bằng tất cả vẻ trìu mến, thương yêu. Một hôm thằng bé bệnh, một phần do vết thương ở lòng bàn chân làm độc vì nó không quan tâm tới, ông chú bỏ cả chuồng bồ câu không chăm sóc, chỉ lo cho nó suốt đêm ngày. Nó thèm thịt, chú nó không có tiền, bèn bắt bồ câu nấu cháo cho nó ăn. Nằm trên chiếc chọng tre, nó nhìn qua ngăn vách, thấy chú nhổ lông bồ câu mà gương mặt buồn xo.
Nó lành bệnh, thì đàn bồ câu đã bỏ ăn chuồng cũ, bay về căn chuồng mới của người hàng xóm. Ông chú thẫn thờ, chiều chiều ra ngõ đứng ngóng chờ. Nhưng đàn bồ câu đã không bay trở lại. Thằng bé hối hận, rồi một chiều, nó ôm chú nói lời xin lỗi đầu tiên và bỗng dưng nước mắt nó lăn dài. Lạ thay! Ông chú lại bật cười rạng rỡ, ghì lấy nó thì thầm:
- Chú không buồn nữa!
- Tại sao? Thằng bé xao xuyến hỏi.
- Vì chú đã có thằng Bồ Câu mà chú yêu quí nhất trên đời.
Từ ngày đó nó tự hứa với lòng sẽ giữ gìn mãi trái tim người chú trao tặng và luôn luôn là thằng Bồ Câu để được chú yêu thương.
Thưa quý thầy cô! Đó là câu chuyện về Đông “bác học”. Hẹn có ngày về kể tiếp đoạn sau. Có điều Đông “bác học” đã đúng lời hứa - trả lời cho quý thầy cô hiểu Đông “bác học” là ai!

Kính thư: Đông “bác học”.
Chim Xa Rừng
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10 (chương kết)