watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Chim Xa Rừng-Chương 5 - tác giả Mỹ Hạnh Mỹ Hạnh

Mỹ Hạnh

Chương 5

Tác giả: Mỹ Hạnh

Mụ Hội đếm đi, đếm lại mấy tờ giấy bạc lấy ra từ cái phong bì, bên ngoài có hai chữ phúng điếu. Mụ như không tin vào mắt mình, mụ đếm lại một lần nữa, hy vọng những tờ giấy bạc sẽ tăng lên gấp đôi hoặc ba, bốn lần. Nhưng hỡi ơi, nó cũng chỉ từng ấy.
Mụ giận đến tái cả mặt. Mụ bật dậy rời tấm phản gỗ bóng loáng (sau khi đã cẩn thận cho tiền vào túi, lấy ghim băng cài lại cẩn thận) và chửi đổng:
- Cha tiên nhân chúng nó!
Mụ chống nạnh, mặt hướng ra cửa, đôi mày hàng ngày được cạo sạch để kẻ theo vòng bán nguyệt một đường chỉ đen thui giờ xếch ngược. Đôi viền môi mỏng như sợi chỉ cong cớn, tuôn từng câu sa sả vào khoảng trống trước mặt:
- Bà biết cơ sự này thì chỉ bọc cho mỗi manh chiếu rách. Cha tiên nhân chúng mày, bọn keo kiệt, đến người chết chúng mày cũng chẳng mở túi ra. Đám này, bà lỗ mất trăm nghìn, bà đào xới chúng mày ba năm cho biết mặt.
Chửi đến đây dường như uất ức, căm hận quá, mụ Hội lăn ra gào thét:
- Ôi lão Hè ơi là lão Hè! Sao đến chết lão còn làm khổ tôi, mất cả trăm nghìn chứ ít ỏi gì. Ôi! Tại sao tôi cứ bị lão lừa mãi. Từ thuở đầu xanh tuổi trẻ lão bảo tôi rằng, với cái tên Hội - Hè lấy nhau là hợp duyên số, sẽ phát tài, phát sang.
Vậy mà cưới nhau rồi, tôi nuôi con lão ba năm, nuôi bệnh lão từng ấy năm. Tiền của chẳng còn, nhan sắc tiêu tan, đến chết lão vẫn còn gạt tôi, bảo làm đám tang đàng hoàng thì “nhời” chứ chẳng lỗ. Ôi! Lão Hè ơi! “nhời” gì đây hay mất đứt cả trăm nghìn? Không dời được mồ lão lên lấy lại vốn thời bà cũng tuốt xác cái thằng nhãi ranh ấy để bù vào chỗ lỗ.
Đến câu này thì mụ Hội chẳng khóc nữa. Mắt mụ ráo hoảnh, long lên sòng sọc, hai hàm răng khít lại. Mụ quát lên:
- Thằng Hoà đâu!
Không có tiếng thưa lại, mụ đảo mắt nhìn quanh. Căn nhà trống vắng, chính giữa bàn thờ chồng mụ còn nghi ngút hương khói. “Thằng quỷ nhỏ” đi đâu mất biệt. Mụ Hội điên người quát tiếp:
- Hoà! Hoà!
Thật ra thằng Hoà chẳng đi đâu, nó đang đứng khuất sau cánh cửa. Tấm thân gầy kheo, run bần bật sau manh áo đã ngả màu, rộng thùng thình. Nó không thưa, vì biết sẽ bị trận đòn thừa sống, thiếu chết. Cái khoản đòn roi vô lối của mẹ kế ngày nào cũng trao tặng nó ít nhất là ba lần. Nó thật sự quá khiếp sợ.
Mắt không nhìn thấy, nhưng tai nghe rõ tiếng thở hồng hộc của mụ Hội, thắng Hoà rón rén rời khe cửa lùi dần ra ngõ chực phóng chạy. Nhưng mụ Hội ngẩng lên nhìn thấy.
Mụ giống như quỷ râu xanh!
- Vào ngay! Thằng Hoà!
Hai chân thằng bé ríu lại, té nhào ra đất. Mụ Hội chỉ ba bước phóng, đã xớt thằng Hoà trong tay như diều hâu xớt gà. Hoà ôm chân mụ giọng líu cả lưỡi:
- Thưa dì, tha cho con, tha cho con!
Mụ Hội điên tiết, xoắn vào mái tóc rậm phủ ót thằng bé giật mạnh. Đau quá, thằng Hoà trì cánh cổng, ôm tay dì ghẻ, không ngớt van lơn dì ghẻ:
- Ôi! Đau quá dì ơi! Tha cho con.
Mụ Hội làm lơ, kéo lê thằng Hoà vào nhà. Mụ quyết phen này, trút hết hờn căm lên đầu thằng bé.Đời cha ăn mặn thì đời con uống nước mày ạ!
- Cô Hội này!
Giọng nói rổn rảng rắn đanh, khiến mụ giật mình quay lại. Người gọi mụ là ông Cả Điều, làm nghề khuân vác, nhà ở sát bên mụ. Ông già đã gần bảy mươi mà vẫn còn khoẻ mạnh, đến trai tráng còn nể mặt. Nhà ông Huân chương Chiến công và bằng tổ Quốc ghi công dán đỏ vách. Qua hai cuộc chiến tranh giữ nước, nhà chỉ còn mỗi mình ông, bà vợ cũng ốm chết từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Thấy ông giọng mụ Hội dịu xuống:
- Ông Cả gọi tôi đấy à?
Ông già thẳng tính như Trương Phi:
- Cô định ăn tươi thằng nhỏ hay sao?
Mụ Hội tru tréo ngay:
- Ối giời! Ông xem, bố nó vừa nằm xuống nó đã rong chơi bỏ cả học hành, nếu không dạy dỗ, có mà sau này đi cướp của giết người.
Thằng Hoà sợ quá hoá liều. Nó bám víu ngay vào vị cứu tinh của mình:
- Ông ơi! Cứu cháu, cháu có từng đi học đâu, dì chỉ muốn giết cháu thôi.
Mụ Hội nghiến răng lườm thằng bé. Ông cả Điều thừa biết cái gì sẽ đến với cu Hoà, nếu ông không can thiệp đến nơi đến chốn:
- Cô thả nó ra, bố nó mới nằm xuống, cô làm thế tiếng đời dị nghị mẹ ghẻ con chồng đấy.
Mụ Hội biết, không thả cũng không được, lão già này đến thần chết cũng còn sợ kia mà. Mụ buông thằng bé xuống, hứ một tiếng rồi ngoe nguẩy đi vào. Thằng Hoà run rẩy nép mình vào ông cả Điều với lòng biết ơn vô hạn. Nó không nói gì, chỉ có từng giọt nước mắt nối nhau rơi trên đôi gò má xanh gầy, lơ láo. Ông Cả Điều vuốt đầu nó thở dài nói:
- Cái thằng bố mày ấy, ngoài chiến trường thắng địch, đạn bom phải kiêng mặt, thế mà về nhà lại thua con Tào Thị này. Thật khổ thân con, cu Hoà à!
Tuần rồi thằng Hoà nom phởm ra trông thấy, má nó căng lên, da mặt ửng màu. Dì nó tự dưng ăn năn cải hối, vật vã trước bàn thờ bố nó, thề lo cho nó tới khi nên người. Dì nó cho nó ăn no ngủ kỹ, còn sắm áo quần, dép mới tinh khôi, dì còn nói sẽ cho nó đi học lại khi hết hè. Hôm nay như mọi lần, dì nó chuẩn bị đi chuyến hàng xa. Buổi chiều dì gọi nó vào ngọt ngào:
- Ít hôm nữa con đi học, chẳng thể chơi xa. Mai dì đi Sài Gòn cho con theo chơi cho biết, nhưng nhớ đừng hé răng cho ai biết nhé.
Gì chớ chuyện kín miệng nó là nhất. Mười một tuổi, nó đã chứng kiến bao chuyện trong nhà này, kể cả chuyện trong xóm làng, nhưng có bao giờ nó rỉ hơi ra.
Một giờ đêm khi nó còn ngái ngủ, dì nó đưa ra tàu. Nó chỉ mơ màng thắc mắc một điều, chẳng hiểu sao dì lại đánh tiếng lớn trong đêm hôm đến vậy.
- Thằng Hoà, coi nhà nhé! Nhớ thắp hương cho ba con hàng ngày nhé!
Lạ thật! Nó đi với dì cơ mà, nhưng nó chẳng buồn hỏi, cũng như không thèm ngạc nhiên khi thấy dì nó không khoá cửa ngõ như mọi lần. Nhà có còn gì để rủ trộm vào nữa đâu, từ lâu dì nó đã bán tất tật, đến cả cái tủ thờ.
Nhưng khi tỉnh như sáo qua giấc ngủ no nê trên con tàu lắc lư vào Nam, nó bắt gặp tia nhìn sắc như dao cạo của bà dì lúc cho nó chiếc bánh chưng bé tẹo. Nó bàng hoàng lo sợ điều gì thật mơ hồ.
Rồi nó thấy mình đứng trên khoảng sân rộng mênh mông có ba chữ nổi GA SÀI GÒN, với vô số người, xe cộ sang trọng và áo quần thật đẹp. Nó nhìn quanh, tay nắm cứng tay dì.
Mụ Hội dịu dàng:
- Con ngồi đây đợi dì đi lấy hàng nhá. Ai hỏi gì con phải nhã nhặn trả lời nghe không?
Với cái tuổi mười một của thằng Hoà, nó cho việc phải làm quen, phải chuyện trò với những người xa lạ như vậy thật là xấu hổ. Nhưng nó vẫn ngồi đợi dì đi lấy hàng. Mãi cho đến tối mịt, bụng đói, mắt hoa, mà thằng Hoà vẫn chưa thấy dì nó trở lại. Từng đoàn tàu đến rồi đi. Sân ga mấy lần người đông rồi lại vắng. Thằng Hoà thấy nôn nao, lo sợ và bắt đầu khóc. Nó quên cả đói, chỉ đắm chìm trong nỗi khiếp sợ.
Nó đi thất thểu, mặt lem luốc nước mắt. Lúc lần ra khỏi đường Nguyễn Thông, người ta bu lại hỏi han nó. Và khi thằng Hoà đinh ninh dì nó lạc thì ai nấy đều hiểu, mụ đàn bà ấy đã vứt thằng nhỏ ra khỏi đời mình. Bà chủ quán phở gần đó hỏi Hoà:
- Có phải dì mày bận áo đỏ, có xách cái ba lô bộ đội không?
Thằng Hoà gật đầu. Bà ta quay sang phân bua với đám người chung quanh:
- Bà đó có đến gạ bán cho tôi một đứa con, lại khen nó giỏi việc nhà, may là tôi không chịu. Chèn ơi! Nó có chút xíu à!
Bây giờ thì thằng Hoà mới hiểu ra cơ sự. Nó lại oà khóc. Người ta nhét vào túi nó vô số bánh trái, nhưng không ai đưa nó về nhà, họ sợ mụ kiếm đến đòi tiền.

Sau câu doạ sẽ gọi công an của ông chủ nhà có mái hiên nó đã ngủ hai đêm, thằng hoà phải bỏ chạy và nó đói lả cả ngày hôm ấy. Đến tối nó trở về ga, đứng nép mình nhìn làn hơi thơm phức toả ra từ cái nồi nước phở, nước bọt lẫn nước mắt nó thi nhau túa ra. Nó không biết kể lể hay than thở cùng ai, về cái số phận mười một tuổi đen đủi của nó.
Qua làn nước mắt, nó mơ hồ nhớ lại cái ngày người mẹ thật dịu dàng đã trao nó cho ba. Ba nó, lúc ấy ngực đầy huân chương và trông thật oai hùng, dù mái tóc đã điểm bạc. Nó lại nhớ má nó nằm như ngủ vì tai nạn lao động ở nhà máy hai năm sau đó. Ba bồng nó khóc đến sưng cả mắt bên quan tài của má. Rồi ba không ở bộ đội nữa mà ở nhà, vừa làm lụng vừa chăm sóc nó. Thích nhất là những đêm mưa giông, sấm sét, thằng Hoà nằm rúc vào ba, còn ba thì ôm ấp, vỗ về, kể chuyện chiến đấu cho nó nghe. Thật là sung sướng.
Nhưng niềm vui chưa đầy tấc gang thì ba nó trở bệnh. Ba nói vết thương cũ tái phát. Cơn đau làm ba rên rỉ vật vả cả ngày. Lúc đầu ba còn cố chịu, lâu ngày ba phải mượn rượu cho quên đau. Rượu vào là lời ra, ông bỗng chẳng còn là ba yêu thương như ngày xưa nữa, ông đánh mắng nó suốt ngày. Rồi ông lấy vợ kế và túng thiếu, nó phải nghỉ học luôn.
Nước mắt thằng Hoà cạn khô, nó đã hiểu ra một điều, tất cả chỉ vì má nó chết. Nếu nó chết được như má chắc không phải còn khổ đau, đói khát nửa. Một hồi còi dài vọng vào vai thằng Hoà, nó ngẩng phắt lên, trên gương mặt nhem nhuốc, đôi mắt nó vụt ánh lên tia dữ dội. Nó chạy ngược về hướng đoàn tàu đang phóng vào địa phận sân ga chưa giảm tốc độ. Chiếc bóng bé nhỏ, tả tơi, chạy lẻ loi ngược về hướng con tàu, khiến người bảo vệ già ở phía trước chú ý. Bác tiến lại, nhíu mày bâng khuâng. Chiếc bóng bé nhỏ đã rời sân ga khá xa, ông bảo vệ đuổi theo. Thằng bé đứng khựng lại, chăm nhìn vào con tàu đang lướt nhanh đến gần. Nó gào to:
- Mẹ ơi!
Và bất giác nó lao ra không hề biết sợ.
Nhưng dường như nó bị ai xách bổng lên, lơ lửng. Có tiếng la hét, hai má nó bị ai đánh rát bỏng. Con tàu dừng lại, người túa ra đông đặc và nó ngất đi trong vòng tay người bảo vệ già.
Anh công an ga Sài Gòn lắc đầu nói với người chỉ huy của mình:
- Tôi chịu anh Hưng! Nó không biết gì cả, ngoài một điều là mồ côi cả cha lẫn mẹ, chỗ nó ở có ông già tên Cả Điều. Nó đã bị dì ghẻ đem vào đây bán, bán không được đã bỏ rơi nó.
Trung uý trưởng ga Sài Gòn cau mày bóp trán rồi hỏi:
- Cậu thấy nó không biết, hay giả đò không biết?
- Tôi không hiểu, nó cứ như ngậm tăm nhưng chắc một điều, nó không muốn gặp lại mụ dì ghẻ.
Hưng nhấc máy điện thoại quay số:
- Vậy chỉ có một cách giải quyết, giao nó về trường Tương Lai. Cậu chuẩn bị xe đi.
Sao không là làng SOS anh Hưng?
- Nó thuộc trẻ sống trên hè phố rồi.
Chiếc xe của cảnh sát ga Sài Gòn chở thằng Hoà về trường Tương Lai khi bụng nó đã no tròn. Hai mươi phút sau, nó được đưa vào phòng một, tổ hai cùng với hai mươi bốn trẻ khác, tuổi từ tám đến mười một. Nó biết ngay mình có một cô phụ trách, một anh trưởng phòng và hai A trưởng. Việc đầu tiên nó phải làm là đi tắm, giặt bộ đồ trường phát.
Buổi tối, Xuân phụ trách phòng lớn hơn nó ba tuổi cố làm mặt nghiêm, bằng một giọng rất ư là bài bản dạy nó nhớ những điều phải làm khi ở trường:
- Phải nhớ nghe: nghe tiếng kẻng, thức dậy ngay ra tập thể dục, rồi cùng xếp mùng mền cho gọn. Đánh răng súc miệng xong phải làm vệ sinh phòng, xong đi ăn sáng. Chín giờ đi tắm rửa, giặt áo quần. Chừng nào đi học thì công việc đó làm vào buổi không học, nhớ không?
- Dạ nhớ! Thằng Hoà ngoan ngoãn ngồi nghe nhưng mắt đảo quanh đám bạn mới cùng phòng. Chúng có đứa bé hơn Hoà, có đứa nhỉnh hơn chút, đều nhìn Hoà, tinh quái,
Xuân ra khỏi phòng, chúng đã vây quanh Hoà hỏi tới tấp:
- Ê! Mày dân Bắc hả?
- Ê! Mày đi ăn mày, hay đi móc túi?
- Có bị bắt quả tang không? v.v…
Thằng Hoà ngơ ngác một chặp sau mới nói lúng búng:
- Tớ không ăn cắp cũng không ăn mày.
Cả bọn ngậu xị:
- Vậy mày là giống gì bị bắt vô đây?
Vậy là một lần nữa thằng Hoà rơi nước mắt kể. Nghe chuyện nó, đám trẻ phòng một xì dài, tản dần. Thằng Cao “dở” , tổ trưởng của nó phẩy tay ra vẻ:
- Ối! Vậy mà tao tưởng mày ngầu xì lắm, ở đây có khối đứa như mày, việc gì mà khóc. A lê! Xếp áo quần, mùng mền, gối lại. Cho mày đi chơi!
Còn lại một mình trong phòng, thằng Hoà ngồi thừ ra nghĩ ngợi. Té ra cái nỗi đau khổ vô cùng của nó lại trở thành tầm thường trước đám bạn ở đây, nghĩa là chúng nó còn khổ hơn cả mình. Thằng Hoà tự dưng thấy mình phải tỏ ra mạnh mẽ hơn, không nên để đám bạn mới coi thường mình. Điều sung sướng nhất nó nghĩ đến là chuyện: nó sẽ đi học và không bị bỏ đói.

oOo

Thằng Phục nhìn chằm chằm đứa bạn mới sẽ ngủ chung giường với mình. Một thằng oắt nói tiếng Bắc hệt như cô phụ trách, gương mặt ngáo không chịu được. Máu Tôn Ngộ Không nổi lên, nó muốn hù thằng lính mới một mẻ, nhưng nó sực nhớ ngay thằng này nhỏ hơn nó. Nó cũng nhớ ba đứa em nó đang ở Phú Riềng, thoảng một chút buồn nhớ, thằng Phục hỏi nhẹ nhàng:
- Mày có chí không?
Thằng Hoà hiểu có chí theo nghĩa khác, nó lễ phép:
- Em muốn học lắm.
Thằng Phục hừ mũi ra dáng đàn anh:
- Là con chí cắn trên đầu để mày gãi á!
Thằng Hoà gãi đầu, đỏ mặt lí nhí:
- Con “chấy”, con rận ấy à, em biết rồi.
- Có không?
- Em không biết.
Thằng Phục suy nghĩ, ra quyết định:
- Nếu mày có chí, tao đếch cho ngủ. A lê! Đi với tao.
Nó dắt thằng Hoà qua phòng con gái, đứng ngay ở cửa nói trống không khi đã đẩy thằng Hoà vào trong:
- Coi dùm nó có chí không?
Một giọng dấm chua cất lên giữa mười hai cô gái:
- Nó nhờ ai vậy?
- Mười hai cô! Thằng Phục không hạ giọng tí nào.
Nhiều tiếng hú vang lên. Thằng Hoà thụt lùi. Thằng Phục đẩy tới:
- Không giải quyết, mai méc cô Nguyệt.
Đám con gái nhìn nhau, dù sao để thằng Phục méc cô phụ trách cũng chẳng hay ho gì. Thằng Hoà bị lọt vào đám con gái, trong khi thằng Phục tung tấm thân nhỏ bé của nó làm trò nhào lộn như Tôn Ngộ Không ra đợi ngoài sân.
Nó về phòng đã thấy mái tóc thằng Hoà còn ướt nước, rẽ ngôi tề chỉnh và đang treo mùng. Nó nghẻo đầu hỏi:
- Hết chí chưa?
- Mấy chị nói hết chí rồi!
- Vậy chui vô mùng, kẻng ngủ đánh rồi kìa.
Nhưng cả hai thằng không ngủ được. Thằng Hoà đắp trên mình chiếc khăn cũ xì, rách rưới, mỏng te te. Lạ chỗ, lạ người, cuộc sống phút chốc đổi thay khiến nó cứ thấy ngỡ ngàng. Còn thằng Phục không ngủ được chỉ vì thằng nhóc nằm kế bên mình gợi lên nỗi nhớ nhà quay quắt. Nhớ nhất là má nó suốt đời cơ cực đoạn trường; nhớ đứa em trai to lớn hơn nó nhiều, còn nói ngọng líu; nhớ con em lên bảy không được đến trường vì phải chăm thằng cu út cho má đi làm kiếm gạo.
Bất giác thằng Phục thở ra. Hoà trở mình nhìn nó rụt rè hỏi:
- Anh ngủ không được à?
_- “Mày-tao” cho thân mật đi mày, anh cái đếch gì.
Thằng Phục lại tiếp tục thở ra, một chặp thấy thằng Hoà không hỏi gì, nó buột miệng:
- Thấy mày tao nhớ nhà quá! Thằng em tao cũng như mày, có điều nó ngọng líu.
- Anh có nhà, có ba má, có em, sao vào đây làm gì?
- Tại hoàn cảnh! Thằng Phục nói nghe rất văn chương. Còn mày nghe nói bị dì ghẻ bỏ rơi, rồi định đâm đầu vào tàu lửa tự tử hả? Sao mày gan cóc tía vậy?
Cái tính ít nói của thằng Hoà biến đâu mất, nó đột nhiên thèm nói, thèm tâm sự:
- Lúc đó em chán sống, thật ra em chán sống lâu rồi, từ hồi mẹ chết, bố uống rượu để quên vết thương đau trên đầu kia! Ba em ngày trước oai hùng lắm, đôi lúc em nghĩ, người bị dì em chửi mắng trên giường bệnh kia chẳng phải là ba em nữa. Rồi ba chết, em nghĩ nếu chết thì sẽ gặp được cả ba lẫn mẹ em ở âm phủ.
Thằng Phục cốc một cái vào đầu Hoà:
- Thằng ngu! Chết là hết, âm phủ con mẹ gì, làm gì có âm phủ?
Thằng Hoà nín thinh, lúc này nó thấy mình ngu thật. Hú vía! May mà nó chưa chết.
- Anh Phục!
- Gì?
- Ở đây thích nhỉ? May quá em chưa chết.
Thằng Phục nhìn thằng bạn mới ngán ngẩm. Cái thằng! Nó có biết mình chán ở đây như chán ăn cơm nếp ngày ba buổi không? Ôi! Phải chi lúc ấy mình đừng mê đánh bài, đừng mê…
Dĩ vãng như về trong mắt Phục, với bao nhiêu nhớ thương, oán giận trào ra trong tim. Ngày xưa nhà nó ở Huế, vì hoả hoạn, mới đi kinh tế tự túc vào Nam, ở vùng cao su Phú Riềng. Khi cuộc sống ngày hai bữa không đủ ăn, thì nó cũng biết được ba nó không chỉ có má nó là vợ, má nó chỉ là vợ bé, còn má lớn nó đang ở Đồng Xoài. Rồi ba nó về ở với má lớn, bỏ mặc ba mẹ con nó bươn chải giữa đời. Nó lúc ấy mới lên chín và khi mẹ nó đi sinh em bé, có một lần duy nhất, gan như cóc tía, già dặn như ông cụ, nó đi lậu xe về Đồng Xoài tìm đến nơi ba nó ở. Đó là cái nhà lầu, có mụ đàn bà tô son đánh phấn như tô tường, có con trai con gái lớn ngoài tuổi hai mươi, mỗi người một chiếc cúp phóng đi vun vút. Nó hiểu ngay tại sao mình không còn có ba. Nó trở về mang theo lòng oán hận kẻ tạo ra mình, cùng nỗi ước mơ một ngày kia mình sẽ giàu có. Thực tế là ngày một buổi nó đi học tận ngôi trường phổ thông cơ sở độc nhất ở Phú Riềng, cách nhà nó ba cây số, còn buổi chiều đi bán vé số kiếm tiền. Tối về, những đồng bạc nhàu nát của nó không đủ đem lại bữa cơm có chút thịt cá. Khi má nó sinh em còn non tháng, chưa dám đi buôn bán đường xa, thì ước mơ kia chỉ là niềm mơ ước. Có biết bao lần nó ngồi trong lớp học, mơ chiếc bánh bò của bà Ba ở chợ Phú Riềng, đến nỗi nước bọt cứ ứa ra đầy miệng. Nhưng chỉ có một lần nó bán vé số cho ông chủ tiệm cắt tóc, ông trúng được giải ba, bèn cho nó năm nghìn đồng.
Nó đi bán vé số xa lắm, có khi phải đi hàng mấy chục cây số đường, nên lại ao ước có chiếc xe đạp. Vậy là cuộc đời nó đổi thay từ niềm ao ước ấy.
Một thằng bạn rủ nó đi đánh bài:
- Mày muốn xe đạp, đánh bài có tiền lẹ nhất. Tao thấy ở nhà mày chơi với thằng Hiếu “dách lầu” lắm mà!
Nó thua đứt nửa số vốn tiền vé số má nó đi vay của người ta. Nó không sợ má đánh, nó sợ gương mặt chưa đến tuổi bốn mươi nhưng rất già nua héo úa của má tái nhợt đi, rồi đầm đìa nước mắt. Nó sợ thằng em thua mình hai tuổi, rất to cao, dù nó còn ngọng líu, chửi nó là đồ bỏ đi. Vậy là nó bước chân đi giang hồ. Đầu tiên nó quyết định về Sài Gòn, đi lậu tàu ra Huế tìm dì nó, tìm được dì thì mọi việc sẽ xong ngay. Ai ngờ con tàu đưa nó ra miền Bắc, nó nhảy xuống được ở Vinh và mất một thời gian mới trở về Huế tìm dì nó. Cũng không tìm được (làm sao tìm ra, khi ngày nó đi còn quá nhỏ, lại chẳng biết ngày trước mình ở chỗ nào).
Vậy rồi đôi chân rong ruổi đưa nó về đến Nha Trang. Cái tuổi lên mười với thân hình bé choắt tong teo, đã khiến một người đàn ông động lòng thương hại, nhận nó làm cháu họ, giới thiệu nó đi chăn bò. Ôi! Những con bò to lớn, còn nó bé tí teo. Có điều không sao chăn bò với tuổi lên mười của nó cũng là nghề hợp pháp. Nó chăn bò được nửa năm thì xảy ra chuyện, nó ngủ khì trên đồng lúa mát, để bò ăn sạch lúa người ta. Ông chủ bò bồi thường ruộng lúa, không la rầy gì nó. Có điều, cái lương tâm bé nhỏ của nó bị cắn rứt. Nhưng đến lần sau, một chuyện ghê gớm xảy ra đã khiến nó giã từ cuộc đời chăn bò.
Đàn bò nó giữ có con bê xinh xắn, trằng bóc, còn có đốm hoa trên mình nữa. Những lúc con bê đi dưới trời nắng, bộ lông lấp lánh màu sắc vàng óng. Nó thích con bê lắm. Buổi chiều hôm ấy khi lùa đàn bò về nhà, con bê vì mải gặm cỏ nhởn nhơ nên bị tàu lửa nghiến nát. Nó chưa biết điều ấy, khi đến cuối bầy tìm con bê tâm sự, thì bê đã mất dạng lâu rồi. Thằng Phục hồn vía bay mất, chạy ngược con đường cũ réo gọi thảm thiết:
- Bò Bông ơi! Bò Bông ơi! Bò Bông!
Tiếng gọi nó vang lên xa lồng lộng trong buổi chiều ta mà không thấy tiếng bò quen thuộc vọng lại, chỉ có tiếng coi tàu hú xa xa. Thằng Phục đã chạy tới đường xe lửa… Nó rụng rời trước cảnh hãi hùng. Ôi thôi! Hết đời con bê, nó cũng mất đi người bạn, biết lắng nghe nó thủ thỉ, tâm tình nỗi nhớ nhà, nhớ mẹ, nhớ em.
Nó đứng giữa đường rầy xe lửa, bên xác con bê không còn hình dạng khóc mãi, khóc mãi cho đến khi hoàng hôn rủ bóng, cho đến khi đàn bò hò gọi về chuồng.
Nó bỏ nghề chăn bò, bỏ ông chủ nhân từ, như muốn chối bỏ cả một phần tuổi thơ nhiều cay đắng. Nó về lại Sài Gòn sống kiếp lang thang trên hè phố. Nó đi xin, đi lượm bịch ni lông, tối về ngủ ở bất cứ hiên nhà nào bắt gặp. Có những đêm trời giá lạnh, nó co ro không đủ ấm, đành thức trắng để đêm nhớ về căn nhà nhỏ xiêu vẹo, dột nát. Nơi ấy có người mẹ và ba đứa em đang sống ngắc ngoải qua ngày.
Có những ngày nó đau không thuốc, không tiền (có đi làm đâu mà có tiền), đành ra công viên trước chợ Bến Thành nằm đợi chết. Nhưng đám bạn hè phố đã nuôi nó bằng tiền móc túi. Những lúc ấy nó úp mặt vào ghế đá công viên âm thầm khóc, ước gì có thể đi được để về lại với mẹ, với em. Khi nó nghĩ ra được cái điều đúng đắn nhất ở tuổi mười một: quyết chí đi xin và lượm bịch ni lông để dành tiền trả lại má (cái vốn tiền vé số ngày xưa) thì trên đường tìm mưu sinh nó bị bắt. Người ta tống nó lên chiếc xe bị bùng, có nhiều nhóc trạc tuổi nó, cũng có vài người lớn, chổ về một nơi có nhiều phòng giam. Nó được ăn ngày ba buổi, mỗi buổi một chén cơm với chao hoặc xì dầu. Rồi một buổi sáng họ chở nó về đây.
Nó ở đây đã hai năm rồi, lúc đầu nó thấy sao mà khổ quá, cơm trường nuôi bữa đói bữa no. bữa cơm đầu tiên nó nuốt không vô (chớ sao nữa, hồi nó còn ở ngoài đi xin, đi lượm bịch ni lông nhưng ăn cơm với cá thịt), lại thêm cái khoản kỷ luật, nội quy lao động. Nếu ngoài đời nó có thể đi ngủ lúc hai giờ sáng (vì coi phim cọp, hoặc mãi đánh bài) và dậy “đi làm” lúc mười hai giờ trưa, thì ở đây phải dậy lúc sáu giờ sáng tập thể dục, phải tự xếp mùng (xếp không gọn, không đúng cách, thì phải xếp lại). Phải lau nhà, phải dọn vệ sinh nhà cầu và lao động tập thể. Chưa kể nỗi khổ nó phải đi học và vật lộn với mớ chữ số đã rơi rớt qua một năm rồi.
Trời thần ơi! Ăn khổ nó không sợ, ngủ không giường chiếu, nó không sợ, nó chỉ sợ những con số nhảy múa, nhất là khi nó làm bài tập không đúng với kết quả thầy cô viết trên bảng. Nó còn sợ không có ngày gặp lại mẹ và các em. Để cho dấu nỗi buồn nhớ, niềm ước mơ hầu như vô vọng, nó cười đùa, giỡn hót để quên. Nó làm trò Tề Thiên cho chúng bạn cười, nhưng có ai biết, thằng Tề Thiên thường âm thầm khóc.
Thằng Phục trở mình, nhìn qua đứa bạn mới. Thằng Hoà đã ngủ say, chiếc mền tơi tả đã bị đạp tung, phô đôi ống chân gầy nhom. Phục lẳng lặng kéo mền đắp lại cho bạn. Nó đắp cho thằng Hoà mà ngỡ như mình đang ở nhà, đắp mền cho thằng Hiếu với con Hợp hôm tết vậy!
Thằng Phục chợt cười một mình trong đêm. Nó nhớ lại ngày nó về trường Tương Lai được một năm thì trường có Hiệu trưởng mới: Thầy Dũng - người có sức vóc cao lớn, da ngăm đen, mặt vuông, với nụ cười luôn nở trên môi. Chỉ hai tháng thôi, những gì của hơn hai trăm năm đứa trẻ ở trường này thầy đều biết ráo. Có lúc thầy thật nghiêm, có lúc lại thật hiền. Thầy thường ở lại cùng chơi đùa với chúng khi chiều về và thường đứng trầm ngâm khi đêm xuống.
Điều sướng nhất của thằng Phục không phải chuyện cái giường nằm hay năm nay được ăn sướng hơn năm trước, cũng không phải là chuyện thầy Dũng mua ti vi màu về cho tụi nó coi. Mà là chuyện cô Nguyệt phụ trách nó đã xin thầy Dũng, thuyết phục Ban giám hiệu cho cô đưa nó về thăm nhà ở tận Phú Riềng. Nó biết ơn cô Nguyệt không biết để đâu cho hết. Trời ơi! Để về đến nhà nó, cô phải đi bộ cả hàng chục cây số đường đá, đất đỏ, băng qua những rừng cao su xanh nghịt thẳng tắp, mà cô phụ trách nó thì đã gần năm mươi tuổi rồi.
Ôi! Nó không bao giờ quên cái ngày trùng phùng đó. Má nó, từ mấy cây số nghe tin con về vui như điên khùng, vụt bỏ chiếc xe đạp chạy bộ về nhà ôm nó khóc mãi không thôi. Còn thằng cu tí má nó sinh năm nọ giờ đã hai tuổi rồi. Thằng Hiếu em nó, to lớn hơn nó nhưng vẫn còn ngọng líu. Con Hợp đã bảy tuổi, biết hỏi anh đi đâu để má nhớ khóc hoài. Ngay đến ông ba trời ơi đất hỡi ấy, nó cũng không thấy ghét, dù nó chẳng muốn ông là ba chút nào. Những ngày vui qua mau, nó lại phải về lại trường trả phép, để cô Nguyệt không lo lắng. Nó chỉ lặng người đi khi nghe má nói không đủ sức nuôi nó nên không xin lãnh về nhà. Lời má nó cứ tuôn mãi theo dòng nước mắt người mẹ thương con, nhưng vì phận lẽ mọn hẩm hiu, đành để con ở lại trường.
- Má thương con lắm Phục ơi! Nhưng biết làm sao, thôi đành vậy. Cô con với trường ai cũng tốt, con ráng học chữ, học một cái nghề, để mai sau đủ nuôi bản thân, đừng sa ngã. Nếu muốn về với má, con học nghề vẽ sơn mài, Phú Riềng giờ có hãng sơn mài to lắm. Cô con nói con có khiếu vẽ, con ráng lên nghe, để lớn lên giúp má nuôi em.
Má nó ra về, trên gương mặt đen đúa, già nua (dù mới hơn bốn mươi tuổi) đầm đìa nước mắt, chân má nó đi từng bước chậm chạp, bà chẳng nỡ xa con, đứa con tưởng đã chết lâu rồi. Còn nó, nó không khóc, nó chỉ cắn răng, bậm môi lại nhìn theo, nhìn theo mãi cho tới khi dáng má nó mất dần. Đêm đó nó không ngủ, mắt nó trân trân nhìn lên trần mùng nghe con muỗi vo ve và mơ đến một ngày kia nó được trường cho đi học sơn mài.

Không bao nhiêu thằng thấy con rồng đỏ trên lưng Hồng Long, nhưng nhìn gương mặt không đường nét với đôi mắt cá chết bảy ngày của nó, đứa nào cũng ngán. Đem so với Tài lùn, thì Tài lùn trở thành kẻ tốt đẹp hơn. Đến cô Lành, người phụ giáo phòng, cố trung thực trong ý nghĩ, vẫn không tránh khỏi cảm giác rờn rợn khi nó nhìn cô từ một góc phòng nào đó. Mới hơn nửa ngày và một đêm Hồng Long xuất hiện mà ai ai cũng tưởng tượng tai hoạ đang treo lơ lửng theo đôi mắt nó nhìn.
Chẳng đứa nào bảo đứa nào, tự dưng chúng nó dồn nhau ngủ hết ở nửa gian phòng. Còn cái góc ở chỗ để bàn làm việc cô Lành, cái nơi thằng Khanh hay cho đàn em nó lén lút hút thuốc, trở thành giang sơn riêng của Mai Hồng Long.
Nó đang ngủ trưa, đôi mắt cá chết không khép lại, cứ mở he hé đến rợn người. Đôi bàn tay nó co lại theo thế trảo thủ của người tập võ, đặt chéo ngang bụng. Nó thở đều đặn như đang say giấc. Từ góc phòng trong, thằng Tài lùn bò dậy, mặt lấm lét đi ra, xin phép thằng gác xuống nhà vệ sinh. Nó xuống hết bậc thang, thằng Độ đã nối theo và trong phòng “con cá chết” đã ngồi lên, vẫn gương mặt trơ lì không chút nào ngái ngủ.
Ở nhà vệ sinh Độ chận Tài lùn lại:
- Đông “bác học” nhờ tao nhắn với mày…
Thằng Tài lùn lùi lại:
- Nhắn ai?
- Mày muốn nói gì với con rồng máu cũng được, nhưng cấm nói quan hệ của nó với mọi người ở đây, nếu không nó lấy mạng mày.
Độ đi ra ngay, còn kịp thấy mặt Tài lùn xám ngắt, nét trơ tráo bỗng biến mất. Nó yên tâm, nghĩa là Tài lùn sợ thằng Đông không kém gì con rồng chết kia. Nó gặp Hồng Long ngay gốc me tây già, thái độ ung dung nhìn thẳng mặt thằng nọ như những kẻ gặp nhau bình thường. Hồng Long khuất trong nhà vệ sinh. Độ phóng vào bệnh xá:
- Đông! Tài lùn gặp nó ở nhà vệ sinh.
Đông “bác học” hai tay vẫn kê đầu làm gối, mắt lơ đãng nhìn trên trần nhà:
- Gặp lần thứ ba rồi.
- Mày định sao?
- Chẳng liên quan tới mày, từ nay đừng gặp tao nữa.
Độ ngó Đông vẻ giận lộ trên gương mặt hiền, buồn lặng của nó:
- Mày nói gì vậy, mình là bạn mà!
Thằng Đông ngồi lên, đôi mắt một mí mở to lạnh lẽo:
- Mày và bất cứ ai ở đây đều không là bạn tao, đừng có vơ vào. Cút! Nó rít lên ở tiếng sau cùng.
Độ vốn rất trọng danh dự. Nó trừng trừng ngó Đông rồi chạy thẳng về phòng. Thằng Đông nhìn theo thở dài. Nó đứng lên vuốt lại mái tóc, đoạn thủng thỉnh đi ra nhà vệ sinh. Nó thản nhiên đứng nhìn Hồng Long đang ép sát Tài lùn trong tự thế quỷ quái, đôi tay mày mò lên khối da thịt đen gầy đã nổi gai của Tài lùn. Con rồng máu dường như không biết kẻ ở trong tay mình đang rúm ró khiếp sợ, nó gừ gừ vẻ khoái trá.
Đông “bác học” nhổ bãi nước bọt xuống nền gạch, giọng nó cất lên trầm trầm lạnh lẽo:
- Đủ rồi Long! Thả nó ra.
Hồng Long khựng lại khoảng mấy giây, rời thân Tài lùn, nó chậm chạp quay lại. Thằng Tài chạy biến, để lại hai kẻ giang hồ ngoại hạng đối mặt:
- Khoẻ? “Con rồng chết” hỏi độc một chữ.
- Mày thấy đó!
Và chúng nói với nhau những điều tưởng như chẳng ăn nhập vào đâu:
- Nó dở quá!
- Là tao hay hơn nó, phải biết điều ấy!
- Nó “đi” rồi!
- Nên mày đến đây?
- Ổng nói phải lấy một trong hai thứ.
Thằng Đông cười nhạt, nửa miệng nhếch lên khinh mạn kiêu kỳ.
- Có thể, nhưng mày phải đổi mạng để lấy, mày biết rồi!
Cặp mắt cá chết trắng đã đảo quanh:
- Ổng có thể phái nhiều đứa, nhưng mày thấy đó, vì ổng là…
Câu nói dài dòng của “con rồng chết” bị Đông chận lại:
- Là kẻ thù không đội trời chung của tao và ổng luôn nhớ, dù chết, tao vẫn thắng ổng, thắng mãi mãi.
Hồng Long không chịu nổi câu ấy, gương mặt không đường nét, trắng bợt ra kỳ dị. Nó rít xì xì như rắn:
- Không! Ổng đã có tao: Mai Hồng Long!
Vết sẹo trên má Đông sẫm lại, nó nhổ toẹt bãi nước miếng:
- Bao năm mày nuôi mộng, giờ được rồi, nhưng để cầm chắc ngôi kế vị phải cần xác tao chăng?
Có chút ngần ngừ ở con “rồng máu”:
- Bả nói để mầy sống!
Thằng Đông rùng mình rất nhẹ, khó ai thấy được, giọng hắn càng trầm hơn:
- Vậy chết ở tay mày là hạnh phúc cho tao, có điều mày thử xem…
Tiếng xem thằng Đông chưa trọn, “con rồng chết” đã lao vút tới, tay nó vung ra vật gì lóng lánh như tơ dưới mặt trời, đầu có cái phím hình trái tim. Thằng Đông lạnh mình buột miệng:
- Té ra mày có nghề mới!
Đó là sợi dây đàn sắt bén, một thứ vũ khí giết người chỉ thấy trong phim, hay những trang sách ly kỳ, giờ đang hiện ra trong tay Hồng Long truy sát đối thủ. Sợi dây đàn tung hoành theo đôi tay Hồng Long, nhưng Đông “bác học” như ảo ảnh, cứ thấp thoáng qua lại, tuyệt nhiên không để cho sợi dây đàn đụng tới. Hai tay nó lần cởi nút áo. Cả hai không để ý trên bờ tường cao xuất hiện hai người, họ đâm bổ xuống tấn công “con rồng máu”. Người áo xanh nói nhanh:
- Rời đây ngay đại ca!
Câu nói vừa dứt, sợi dây đàn đã quấn vào tay gã áo xanh. Đông nhanh như cắt, dùng chiếc áo chụp phần trên sợi dây đàn trì lại. Hai thằng giằng co với nhau, kịp cho gã áo xanh tháo sợi dây ra khỏi tay nhưng bàn tay cũng bị cứa đứt, máu đổ thành dòng. Gã như không biết đau đớn, mặc kệ đồng đội đâm bổ vào Hồng Long, gã kéo tay Đông:
- Buông đi đại ca, nhanh lên, kẻo tụi nhóc dậy bị vạ lây.
Thằng Đông lầm lì, vận sức vào bàn tay, quấn sợi dây đàn hai lần nữa, nó đã đến sát Hồng Long. Thằng nầy một tay vận sức trì sợi dây đàn, một tay đối phó với gã áo xanh ngang ngửa. Thấy đối thủ lại gần, Hồng Long liền hầm hừ:
- Mày hèn!
Thằng Đông cười nhạt, quát khẽ:
- Tao không hèn như mày. Quảng! Lui ra.
Gã kia khựng lại. Hồng Long chập luôn tay kia vào sợi dây đờn hất lên. Trễ rồi! “bựt” một tiếng khô dòn, sợi dây đờn đứt quá nửa trong tay Đông “bác học”. Hắn vung lên, phím đàn ở đầu dây bay vào mặt “con rồng máu”, gã bật ngửa người né tránh. Chân phải Đông “bác học” bay tới chĩa vào hạ bộ hắn. Hồng Long xoạc chân tung người lên, nửa sợi dây đờn còn trong tay Đông “bác học” bay theo quấn vào chân nó giật mạnh. Hồng Long té xuống nhưng từ tay kia đã ló ra một vật nhọn bay vèo vào đối thủ. Máu ở tay thằng Đông xối xuống, cùng lúc máu ở chân Hồng Long tràn ra, nhưng thằng Đông đứng, Hồng Long nằm dài. Tiếng kẻng báo hết giờ nghỉ trưa của trường vang lên. Gã áo xanh nói nhanh:
- Đại ca! Mau.
- Đưa luôn nó đi.
Đông gằn giọng cùng lúc tay trái chém ngang cổ Hồng Long. Nó nghoẹo người ra. Có tiếng chân, tiếng người râm rang bên ngoài. Gã tên Quảng xốc Hồng Long lên lưng. Đông và gã kia khom người, hắn đạp lên vai cả hai hứa rồi bấu tay đu lên tường, trong chớp mắt đã mất hút. Người leo lên cuối cùng là thằng Đông, nó khoác áo rất nhanh che vết thương, đưa mắt nhìn lại như lưu luyến điều gì và nó sững người. Chẳng biết từ lúc nào Hoà “Bắc” có mặt trong góc bể nước thò đầu lên nhìn nó. Mặt thằng nhỏ xanh lè:
- Anh Đông!
Đông xua tay nói nhanh:
- Không được hé môi, sẽ nguy hiểm, nghe chưa!
Nó kịp thấy cái gật đầu của Hoà “Bắc” và bóng đám nhóc đi vào, rồi buông mình ra ngoài mất dạng. Thằng Hoà nghe tiếng xe máy rú lao đi, mắt nó chỉ còn đọng lại mỗi hình ảnh: anh Đông tay đẫm máu.
Cả trường biết Đông “bác học” trốn mất sau hai giờ cùng lúc với Mai Hồng Long, nhưng không ai biết chuyện xảy ra ở trong khu nhà vệ sinh, ngoài thằng Hoà mà nó vẫn kín miệng như hũ nút.
Tài lùn từ lúc hai thằng kia biến mất trông phởn ra, càng nhố nhăng trơ tráo không ai chịu nổi. Suốt ngày nó lải nhải mỗi một câu:
- Ăn cực quá nuốt không vô. Cô ơi! Lên Ban giám hiệu lãnh tiền về cho em. (Chẳng là hôm vào đây, tiền nó bị tài vụ tạm giữ vì hễ nó có tiền thì sẽ xúi tụi nhỏ hút thuốc, đánh bạc).
Câu nói ấy chẳng những làm cô Lành hay cô Hiền đau đầu, mà cả tụi phòng ba phát chán, nhưng chẳng đứa nào muốn dây vào nó. Cái thằng mười bảy tuổi đầu, với hình dáng bề ngoài như mười hai nhưng lý lịch nó dầy hơn cả các bậc anh chị trong giang hồ. Tên nó là Nguyễn Thành Tài, tự Tài lùn, cha bỏ đi khi nó còn nhỏ, mẹ làm hộ lý ở bệnh viện, đã đưa nó về ngoại nuôi, để lấy chồng khác. Gia đình ngoại gồm mười bảy người, ngoại làm phu khuân vác ở cảng, thường lấy cắp gạo về nuôi cả nhà. Khi ngoại về hưu, quyền làm chủ gia đình trong tay người mợ. Tài lùn hôm nào đi lượm rác có tiền thì được ăn cơm, không thì phải nhịn đói. Bảy tuổi bị bắt đưa vào trường hai năm rồi trốn. Chín tuổi thật sự bụi đời, lần hành nghề đầu tiên là ăn cắp xe đạp một người quen. Cùng năm ấy nhập băng buôn lậu đi Lào, Thái Lan. Cho tới năm mười bốn tuổi đã nổi tiếng, liền bỏ nhóm buôn lậu ra ngoài nhập băng “Sĩ”, tự cầm đầu và gây án nhiều lần. Có cả trọng án nhưng vì đang tuổi thiếu niên, không thể lập án, phải đưa về đây. Mỗi lần trốn ra đều có lệnh truy nã.
Bề dầy của tay anh chị Tài lùn không làm thằng Độ ngán. Nó là bậc quân tử giữa đám bụi đời, nó chửi ngay vào mặt thằng kia khi đang ca cẩm: buổi sáng ăn bánh mì, ăn xôi nuốt không vô:
- Sao mày không nhớ hồi trước, có khi một miếng cơm cháy đỡ lòng cũng không có, vì đi lượm rác chẳng ra tiền. Mày nhớ dùm luôn, má mày giờ làm lao động ở trường K, ngày hai bữa cơm dưa muối đủ no không? Đồ rác rưởi.
Tài lùn gườm gườm đối thủ:
- Ê! Thằng hiệp sĩ đi rồi, sống chết chưa biết, không ai đỡ đầu đâu con!
Độ choáng người, không phải vì câu doạ kia mà vì ba tiếng thằng hiệp sĩ mà Tài lùn vừa thốt ra. Miệng Độ khô khốc:
- Nó là Mai Tình?
Tài lùn đưa bộ mặt đểu giả sát vào thằng Độ, rồi nhổ toẹt nước bọt xuống chân nó, nhún vai khinh khỉnh:
- Giờ mày mới biết à, thằng ngu! Chốn giang hồ ai không biết người ổng muốn khử là Mai Tình…
- Ổng là ai?
Bộ mặt trơ tráo chợt nhớn nháo liếc quanh:
- Tao không biết!
Tài lùn lảng đi ngay. Độ ôm đầu ngồi bệt xuống góc cầu thang. Nó nhớ những gì Đông “bác học” nói, nhớ lời đồn huyền thoại về Mai Tình, nhớ cả lý lịch Tài lùn. Nó mang máng hiểu, đó không là cuộc thanh toán của băng nhóm ngoài đường phố, bởi Mai Tình không thuộc loại đó. Nó nhớ hồi đó khi chưa vào trường, những đêm ngủ ngoài công viên hay mái hiên ngôi nhà nào đó tránh mưa, nó nghe đám đàn anh hay bàn chuyện Mai Tình.
- Hôm qua băng Mai Tình hiệp sĩ phá một ổ bán thuốc phiện ở chợ Bình Tây, bộ phận đặc đặc nhiệm chống ma tuý đến kịp hốt hạch.
- Đ.M tao đến động mụ Tám Đào, … trời chưa sáng đã nghe chí choé, tưởng “cớm” tới lo chèo tường vù, ai dè thấy hai ông nội mặt như thiên lôi ngoắc ngoải dưới chân một thằng lỏi trạc mười sáu, mười bảy, máu me tùm lum. Thằng lỏi nói giọng rất đại ca:
- Ở chơi với tao vài hôm sẽ được về yên lành, rồi kiếm xó rừng nào tu đi. Coi như chuyện này là công đức làm lại cuộc đời, nếu cãi lời thì sẽ cho mầy đi mò tôm.
Hai thằng thiên lôi bị bốn thằng to bự kéo đi, thằng nhóc “xây” lại tao mới thấy chữ thập trên má… Hú vía! “Ông” Mai Tình…
- Dĩ nhiên bản án từ biên giới về tới đây đã không còn nguyên văn, nhưng tao biết chắc cốt lõi không sai gì. Tụi bây nghe nè… “Thay mặt giới giang hồ bạch đạo tuyên án tử hình tên Lâm, tự Đồ Tể, về tội giết người vô tội theo sự sai khiến của kẻ khác; về tội hiếp dâm trẻ thơ ở dọc biên giới; về tội bán cần sa đầu độc người Việt Nam”… Ký tên: Mai Tình hiệp sĩ…
- Trời ơi tới giờ tao còn run, tao chạy bán sống bán chết khi nghe tiếng “tha”. Tao thề từ rày, đói thì chịu “đế”, chẳng dám “sĩ” dân thúng mủng đói nghèo nữa. Mà mày biết không? Lúc đó “ổng” có ngon lành gì, máu me thấy ghê, được hai thằng lớn tuổi dìu chạy. Vậy mà mụ kia rú lên, “ổng” đứng lại liền, khoát tay một cái, hai thằng kia cho tao bò. Ối trời ơi! Tới hồi tao chạy, cũng thấy “ổng” chạy, mặt có cái thập ác in dzô.
Nó đúng là Mai Tình! Trái tim thằng Độ rên rỉ. Có lẽ đã đến đường cùng mới vô đây. Còn “ổng” là kẻ sai Mai Hồng Long đến giết nó. Những vệt máu trong khu nhà vệ sinh mười mươi là của Mai Tình. Có điều tất cả đã biến mất, chẳng rõ sống chết ra sao.
Độ buồn rũ, nó xin phép thằng gác cho xuống dưới, thơ thẩn đến ngồi ở cột cờ, chẳng để ý gì đến con Huệ, con Hồng, đang ngồi với một thằng nhóc nữa…
- Mày sao vậy Độ?
Nó giật mình ngó lại, thấy hai cô gái thì gượng cười:
- À không! Thằng Đông bỏ đi, tự dưng thấy vắng vẻ quá thôi.
Huệ buột miệng:
- Không biết nó có chết không?
Hồng ngạc nhiên ngó bạn (nó vốn ở viện mồ côi qua chớ không phải dân bụi).
- Sao nó chết được?
Con Huệ kênh bộ mặt lầm lì của mình:
- Mày biết gì, nó là Mai Tình đó, nếu bây giờ không chết thì sau nầy cũng chết, kẻ thù nó đang bủa vây mà.
Cả ba đứa không thấy mặt thằng nhóc ngồi bên tái mét, nó là Hoà “Bắc”. Hồng lắc mái tóc rậm dài ngơ ngác:
- Tao thấy nó hiền khô mà, cỡ tụi mình chớ nhiêu, gì mà có kẻ thù ghê vậy?
Huệ phẩy tay xì dài, nó khoái kiểu ngang tàng như con trai, nhưng nể con Hồng, nên không chấp. Nếu là con Hiền hay con Sang, thì đã bị nó “đề” rồi. Nó vốn có máu anh chị thứ thiệt, đến thằng Độ với con Hoa vốn là bạn thân tình hồi ở nhà mở còn đôi ba phần ngán nó nữa mà.
Thằng Độ muốn nhẹ bớt nỗi bứt rứt bèn kể cho Hồng nghe những gì mình biết về Đông “bác học”. Về sự lo lắng của nó khi thấy máu ở nhà vệ sinh, khi thằng Đông và “con rồng máu” mất hút. Ngay sáng hôm ấy thầy Dũng đích thân lên công an thành phố trình bày sự việc nầy.
Con Hồng mắt cứ thao láo, miệng há hốc sửng sốt. Con Huệ “đế” thêm vào:
- Nó không chết, cũng chẳng sống được lâu đâu. Ổng có hàng trăm thằng thủ hạ xăm con rồng máu, đâu mỗi thằng Mai Hồng Long.
Hoà “Bắc” nãy giờ nín khe vụt hỏi:
- Ổng là ai chị biết không?
Con Huệ nhíu mày cố nhớ điều gì:
- Hình như trùm gì đó thì phải, có một lần ở trạm trung chuyển tao nghe nói tới rồi. Thằng đó cũng xăm con rồng máu, nhưng ở vai, bị chuyển qua bộ phận đội đặc nhiệm, dù mới khoảng mười ba mười bốn tuổi.
Độ nhăn nhó nhìn con Huệ:
- Nói tùm lum, Tài lùn có dính tới vụ này đó mày, nghe đâu bỏ đó đi.
Huệ xì dài:
- Thằng cóc đó à? Tao đếch ngán.
Hồng như có tâm sự gì, cứ ngẩn ra khiến con Huệ để ý. Nó thúc cùi chỏ vào hông bạn:
- Làm gì bí xị vậy?
Hồng buột miệng:
- Nếu Mai Tình chưa chết, tao biết nó ở đâu.
- Ở đâu? Sao biết? Tất cả đều hỏi giật giọng.
Con Hồng kể:
- Chiều đó có Ánh đen nữa, ba đứa cho chim ăn, nó bỗng dưng hỏi Hồng: Tại làm sao “nhập nha”? Hồng tức mình cãi với là không phải như vậy; còn tên Võ Thị Hồng là do cha mẹ mình đặt ra, quê ở Bà Rịa, Hồng vẫn nhớ. Bởi nhà đông người, nên má phải lên tận Sài Gòn buôn bán, má còn thường đem Hồng với em theo. Năm đó Hồng năm tuổi, không may bị lạc cùng em, được đưa qua trường mồ côi, rồi em Hồng ở đó tới giờ. Hồng qua ở đây vì bị Soeur cho là không ngoan.
Con Huệ suốt ruột ngắt lời:
- Tiểu sử mày tao biết rồi! Mày nói lẹ tao biết thằng Đông đang ở đâu?
- Nó nói với tao sắp đi Bà Rịa, sẽ cho người hỏi tin tức gia đình tao dùm. Nhìn mặt, tao biết nó nói thật. Nhưng tại sao tự nhiên nói xong nó nín khe hà mầy.
Độ lo lắng:
- Nó lỡ lời sợ Hồng biết nó đi Bà Rịa, thì kẻ thù cũng biết.
Hồng lắc đầu buột miệng:
- Em thề có chết cũng không nói ra cho ai biết đâu.
Huệ với Hồng gật đầu ra vẻ đồng ý. Độ thở phào, nó muốn hỏi Huệ có biết Đông “bác học” nhờ Hoa chuyện gì không? Nhưng rồi làm thinh. Cả ba đứa ngồi lặng trong chiều tà, không biết có một đứa nhỏ đến ngồi sau lưng, vờ gục đầu vào chân lắng nghe.
Chim Xa Rừng
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10 (chương kết)