Hồi 80
Tác giả: Ngọa Long Sinh
Thượng Quan Kỳ khẽ gật đầu nói:
– Đại ca đã ra lệnh, tiểu đệ dù muôn thác cũng không chối từ.
Lúc này những cuộc ác chiến ngoài thạch động đã nghe thấy Tứ Thập Bát Kiệt được huấn luyện kỹ rất tinh thục về những cuộc hỗn chiến đông người. Đội thị vệ áo đen cùng đoàn thiết giáp kỵ sĩ của Cổn Long Vương không kém gì bọn Tứ Thập Bát Kiệt, nhưng sau một trận ác chiến kịch liệt, phần lớn đã bị chết hay bị thương dưới thủ pháp hợp kích rất thuần thục của Tứ Thập Bát kiệt.
Sau cuộc ác đấu chiến trường trở lại bình thường. Trên mặt đất chỉ còn máu tươi lênh láng, cùng những khúc chân tay gãy nát hoặc thân người tàn phế. Cảnh tượng đầy vẻ thê lương.
Đêm tàn, phương Đông đã tờ mờ sáng.
Tứ Thập Bát Kiệt suốt đêm chiến đấu có vẻ mỏi mệt. Bọn họ lưu lại mười hai người chia ra coi chừng bốn mặt, còn thì luân phiên nghỉ ngơi. Bọn này được Đường Toàn tận tâm huấn luyện đã mấy năm trời chẳng những võ công cao cường, tinh thục về hợp chiến đông đảo mà còn có chí nhẫn nại, có đầu óc bình tĩnh hơn người, có tinh thần mạo hiểm chịu đựng gian nan.
Cuộc ác chiến vừa qua đã làm cho thuộc hạ Cổn Long Vương tổn thất nặng nề. Đến lúc mặt trời mọc, vẫn chưa thấy Cổn Long Vương phát động thế công trở lại. Quần hào qua một đêm nghỉ ngơi, tinh thần đã hồi phục.
Âu Dương Thống đảo mắt nhìn chung quanh chỉ thấy bốn bề tịch mịch, trừ xác chết ngổn ngang, không còn thấy thuộc hạ Cổn Long Vương đâu nữa, tựa hồ y đã bỏ đi rồi.
Ông lại đưa mắt nhìn Đường Toàn thấy y đang nhắm mắt ngủ say, vẻ mặt xanh lướt không có một chút huyết sắc. Vị thư sinh yếu ớt này có tài trí hơn người len lỏi vào giang hồ, trải qua không biết bao cơn nguy hiểm mà vẫn được vô sự.
Nhưng Âu Dương Thống thấy thân thể ông càng ngày càng suy nhược thì cảm giác ngay đến một cuộc tang thương vô cùng thảm đạm.
Quan Tam Thắng cũng đưa mắt nhìn một lượt xung quanh rồi nói:
– Bang chúa! Xem tình thế này thì dường như Cổn Long Vương đã triệt binh rồi.
Âu Dương Thống vội khoát tay, ngăn trở Quan Tam Thắng đừng nói nữa và khẽ bảo:
– Đừng làm huyên náo kinh động Đường tiên sinh, để y ngủ thêm một chút nữa.
Nói xong từ từ cởi áo ngoài bê bết những máu, khẽ đắp lên người cho Đường Toàn.
Quần hào thấy cử chỉ Âu Dương Thống có chân tình thương xót Đường Toàn ai nấy đều cảm động. Phí Công Lượng khẽ thở dài nói:
– Bang chúa cùng Đường tiên sinh khác nào kiếm báu vào tay hiệp sĩ. Nếu không phải là người có khí độ như Bang chúa thì không đủ khiến cho Đường tiên sinh một bậc tài hoa tuyệt thế đem lòng mến phục.
Âu Dương Thống tủm tỉm cười nói:
– Cùng Gia Bang mà được có ngày nay là do tâm huyết của Đường tiên sinh bồi đắp nên. Hỡi ơi! Tiên sinh không những tài hoa tuyệt thế mưu trí hơn người, mà lòng dạ lại khoan nhân trung hậu. Bất luận là ai cho ở với tiên sinh trong một thời gian ngắn là đem lòng kính phục ngưỡng mộ ngay.
Phí Công Lượng nói:
– Cách đối đãi của Bang chúa lại càng khiến cho người trong võ lâm phải khâm phục.
Âu Dương Thống chỉ tủm tỉm cười không đáp.
Thì giờ lặng lẽ trôi qua. Đường Toàn vì quá nhọc mệt, ngủ say cho đến lúc bừng tỉnh thì trời đã đúng ngọ. Trong thời gian này, Thượng Quan Kỳ chăm chú buộc những vết thương cho Đỗ Thiên Nghe để ông vận khí điều hòa hơi thở.
Quần hào ai nấy ngồi yên chờ cho đến lúc Đường Toàn tỉnh dậy.
Âu Dương Thống từ từ bước lại khẽ hỏi:
– Tiên sinh đã tỉnh chưa?
Đường Toàn từ từ mở chiếc trường bào đẫm máu đắp trên người nói:
– Bang chúa có lòng quá yêu, Đường Toàn dù muốn chết cũng không đủ báo đền.
Âu Dương Thống cười nói:
– Toàn thể đệ tử Cùng Gia Bang đều đội đức tiên sinh.
Đường Toàn khẽ thở dài đứng lên chắp tay nói:
– Để các vị ngồi chờ đã lâu, Đường Toàn này thật áy náy.
Quần hào đáp lễ, đồng thanh nói:
– Không dám.
Âu Dương Thống cười nói:
– Tiên sinh bất tất phải khiêm nhượng.
Quan Tam Thắng chắp tay nói:
– Đường huynh? Đã qua mấy giờ rồi mà thủy chung vẫn chưa thấy Cổn Long Vương có cử động gì, không biết có phải y thu binh rồi chăng?
Đường Toàn ngẩng mặt trông, nghi ngợi hồi lâu rồi đáp:
– Cứ theo tình hình hiện tại mà nói thì Cổn Long Vương quyết nhiên chưa chịu bãi binh, trừ khi có cuộc diễn biến nào khác, ngoài ý tưởng của bọn tạ..
Với tài trì của ông, dường như trong lúc bất chợt, cũng chưa nghĩ được cuộc diễn biến gì có thể xảy ra.
Đột nhiên ông dừng lại không nói nữa, ngẩng mặt nhìn ra phương trời xa thẳm.
Âu Dương Thống biết Đường Toàn mỗi khi gặp chuyện nghi nan cần tập trung tâm trí để tìm ra nguyên nhân, nên không muốn kinh động.
Trong khoảng thời gian chừng uống cạn tuần trà, Đường Toàn nói mặt nghiêm trang, thoáng lộ vẻ mơ màng, bâng khuâng lẩm bẩm một mình:
– Chẳng lẽ là nàng...?
Âu Dương Thống mười năm ở gần Đường Toàn, nên nhất cử nhất động của ông, Bang chúa vừa thấy đã hiểu ngay. Mỗi lần ông tập trung tâm trí để suy nghĩ việc gì xong rồi mới nói ra, ông đã nói không sai. Bất cứ là việc gì khó giải quyết đến đâu, nét mặt ông cũng thoáng lộ một nụ cười đắc thắng. Có nụ cười hiện ra là Âu Dương Bang Chúa yên lòng. Vì thế mà Đường Toàn đã quyết định một việc gì, Âu Dương Bang Chúa chưa từng bác bỏ. Đôi khi ý kiến hai người có khác nhau song Âu Dương Thống vẫn nhẫn nại theo ý kiến Đường Toàn. Rồi sự thật đưa đến không bao giờ ngoài ý liệu của tiên sinh. Thói quen này đem đến cho Âu Dương Thống một lòng tín nhiệm mãnh liệt vào Đường Toàn. Lòng tín nhiệm chồng chất đã mười năm trời biến thành tính ỷ lại.
Âu Dương Thống là người trí dũng hơn người, ỷ lại vào tài Đường Toàn, thành ra bao nhiêu trí tuệ của ông bị Đường Toàn che lấp. Song ông có tài làm lãnh tụ, chẳng những không đem lòng đố kỵ mà lại hết sức tin cậy khiến Đường Toàn tận tụy, liều chết để báo đáp ơn sâu Trong mười mấy năm trời nếu không có Đường Toàn tiên liệu đem tài năng ra tuyển lựa Bát Anh, rèn luyện Tứ Thập Bát Kiệt, thu phục những tay cao thủ vào tam các, nhất đường, thì làm gì tiến hơn được chín môn phái lớn trong võ lâm và đứng ngang hàng với Cổn Long Vương.
Âu Dương Thống nhớ lại mỗi khi Đường Toàn gặp vấn đề nan giải là trên mặt lại hiện ra vẻ vui tươi khi đã tìm được cách giải quyết.
Nhưng lần này, Đường Toàn qua một hồi suy nghĩ, vẻ mặt càng bâng khuâng, mơ màng, tỏ ra ông chưa hiểu rõ sự tình diễn biến, nên không khỏi lấy làm lạ, hỏi:
– Tiên sinh bảo nàng là ai vậy?
Đường Toàn khẽ thở dài nói:
– Nàng là sư muội thuộc hạ.
Âu Dương Thống hỏi:
– Sư muội tiên sinh là ai? Hiện giờ ở đâu?
Đường Toàn đáp:
– Nàng đã chết rồi. Nàng chết dưới bàn tay Cổn Long Vương. Tuy nàng không phải là người tầm cỡ, song được ân sư rèn luyện cho nên tai tinh mắt sáng, khác hẳn người thường.
Âu Dương Thống nói:
– Tự cổ chí kim, trong võ lâm không thiếu gì những kẻ phản thầy, nhưng chưa từng thấy ai thâm độc tàn ác như Cổn Long Vương. Y đã giết thầy, lại còn có dã tâm sát hại cả đến người đàn bà vô tội.
Đường Toàn nói:
– Sư muội cùng tại hạ trái duyên lỡ kiếp, nàng căm hận thuộc hạ mấy chục năm trời. Nhưng sau hiểu rõ sự tình thì đã là lúc chết đến nơi. Cổn Long Vương phóng độc châm vào người nàng để nàng phải chết, không còn cách nào cứu được, y lại cố tình để nàng được hội kiến với thuộc ha.....
Nói đến đây trên nét mặt xanh lướt, da dẻ co dúm vào bỗng ông buông tiếng cả cười.
Âu Dương Thống từ khi biết Đường Toàn chưa bao giờ thấy tiên sinh xúc động như lần này thì không khỏi chau mày, máy môi muốn nói lại thôi.
Quần hào đều đổ dồn nhìn Đường Toàn thấy ông ngơ ngẩn xuất thần, trên mặt dần dần thoáng lộ vẻ kinh dị. Hồi lâu đột nhiên Đường Toàn bật lên tiếng cười. Đường Toàn cười một lúc rồi dừng lại nói:
– Nếu đến lúc chết, nàng có tài trí bày ra một mưu kế lạnh người thì càng đủ làm cho Còn Long Vương phải cuống quít.
Câu này dường như ông nói để giải thích, lại cũng tựa hồ như nói để mình nghe. Quần hào không tiện hỏi xen vào, cứ lẳng lặng ngồi yên.
Đường Toàn lại nói tiếp:
– Bất luận sự việc có xảy ra như tại hạ đã đoán hay không. Song việc Cổn Long Vương bãi binh nếu quả là đúng sự thật thì y cũng phải bị một vố cay vì tại hạ biết rõ rằng y không muốn bỏ qua cơ hội này để giết tại hạ.
Quan Tam Thắng hỏi:
– Hay là Cổn Long Vương giương đông kích tây để mưu đồ chuyện khác.
Đường Toàn lắc đầu đáp:
– Không phải, trước mắt Cổn Long Vương thì Cùng Gia Bang ta đứng vào hàng địch thủ số một của y, từ Bang chúa trở xuống đều là cái đinh trước mắt, cái dằm sau lưng, cần phải nhổ ngay, quyết không chịu cam tâm bỏ qua cơ hội này.
Ngừng một lát Đường Toàn lại nói tiếp:
– Trừ khi có việc kinh thiên động địa xảy đến cho y thì bất đắc dĩ y mới phải chịu bãi binh. Hiện giờ cứ theo tình thế này mà đoán thì việc Cổn Long Vương thu binh không còn nghi ngờ gì nữa.
Âu Dương Thống nói:
– Cổn Long Vương đã triệt binh rồi tưởng bọn ta chẳng nên lưu lại nữa. Mọi người bên bang mong mỏi tiên sinh bình yên trở về.
Đường Toàn khẽ thở dài nói:
– Còn một việc thuộc hạ chưa làm xong.
Âu Dương Thống hỏi:
– Việc chi? Có cần phải chính tiên sinh thân hành đi không?
Đường Toàn cười nói:
– Bang chúa còn nhớ thuộc hạ đến đây vì việc gì không?
Âu Dương Thống nói:
– Tìm kiếm Khương cô nương.
Đường Toàn nói:
– Đúng thế? Nếu không đem được Khương cô nương về mà kỳ hạn sắp đến nơi thì lấy gì phúc đáp Khương Sĩ ẩn.
Âu Dương Thống ngơ ngẩn hỏi:
– Sao! Tiên sinh đã tìm ra chỗ Khương cô nương rồi ư?
Đường Toàn đáp:
– Sư muội đã cho thuộc hạ hay. Nàng dùng một phương pháp rất phức tạp để giấu Khương cô nương vào một nơi kín đáo vô cùng. Nếu người không biết rõ phương pháp tìm kiếm thì vĩnh viễn không bao giờ tới được chỗ Khương cô nương ẩn thân. Không những phải là người thông minh thao lược mà còn cần phải có bộ mặt rất thành khẩn mới đủ cho người ta tin lòng.
Âu Dương Thống hỏi:
– Sư muội tiên sinh đã dùng kế gì mà phức tạp đến thế.
Đường Toàn đáp:
– Nếu nàng chỉ theo cách thông thường, bọn ta tìm ra dễ dàng thì làm sao che được tai mắt Cổn Long Vương.
Âu Dương Thống cười nói:
– Tại hạ thật là kiến thức thiển cận.
Đoạn quay lại nhìn Thượng Quan Kỳ, trầm giọng nói:
– Thượng Quan huynh! Chuyến này Thượng Quan huynh hộ vệ Đường tiên sinh ra đi, bất luận là có tìm thấy Khương cô nương hay không, Thượng Quan huynh mau mau đưa Đường tiên sinh trở về tịnh dưỡng. Hẳn Thượng Quan huynh cũng biết thân thể Đường tiên sinh...
Tới đây Âu Dương Thống đột nhiên thở dài không nói nữa.
Giọng nói Âu Dương Thống trầm hẳn xuống, tỏ ra rất quan tân đến Đường Toàn.
Thượng Quan Kỳ nghiêm nghị nói:
– Dù Bang chúa không căn dặn, tại hạ cũng rất lưu tâm.
Gió thu hiu hắt, chiến trận thê lương dù Cổn Long Vương đã bãi binh không bao vây nữa, đầu óc quần hào vẫn còn nặng trĩu.
Vầng thái dương lơ lửng trên không, chiếu ánh sáng thảm đạm xuống chiến trường thây chết ngổn ngang, đồng thời chiếu vào cả bốn mươi tám cái mặt bơ phờ.
Chiến cuộc đình bãi mà tinh thần chiến đấu vừa qua còn hiện trên vẻ mặt các chiến sĩ anh dũng.
Chỉ có Thượng Quan Kỳ còn ra chiều nhuệ khí bồng bồng, dường như tấm thân chàng đúc bằng sắt và gan dạ vững như đồng, vĩnh viễn không chịu nhục khí phách anh hùng.
Đường Toàn quay lại trầm giọng nói:
– Xin Bang chúa trở về đại đoàn, thuộc hạ lập tức lên đường.
Rồi ông vỗ vai Thượng Quan Kỳ nói:
– Hiền đệ, ta đi thôi!
Nói xong rảo bước đi trước. Âu Dương Thống nhìn tấm thân yếu đuối của Đường Toàn vì Cùng Gia Bang mà phải bôn ba lận đận khiến cho thể chất ngày đêm suy kém thì trong lòng khắc khoải lo âu.
Phí Công Lượng ngửa mặt lên trời nói:
– Chỉ cầu cho thân thể Đường tiên sinh khang kiện là phước cho Cùng Gia Bang lắm.
Âu Dương Thống nói:
– Tại hạ cũng chỉ mong có thế thôi.
Thượng Quan Kỳ theo Đường Toàn ra khỏi bãi chiến trường thê thảm đi về phía tây. Đầu óc hai người đều có tâm sự nặng nề nên đi hồi lâu vẫn không nói gì.
Đột nhiên gió thu thổi mùi táo chín thơm ngát đưa lại Thượng Quan Kỳ chợt tỉnh nói:
– Đã đến rừng táo rồi.
Đường Toàn khóe miệng hé một nụ cười, thủng thẳng nói:
– Táo chín là cảnh thu tàn, chẳng còn mấy nỗi sẽ sang tiết đông giá lạnh.
Nụ cười đã ảm đạm, giọng nói càng thêm thê lương, tựa hồ như con người chẳng còn xa tử thần mấy nỗi, lại dường như tấm lòng chưa hết lưu luyến nơi cõi nhân gian.
Thượng Quan Kỳ trong lòng cảm thấy bâng khuâng vô hạn, nhưng ngoài mặt vẫn gượng cười nói:
– Chúng ta đang khát nước lại gặp rừng táo, được ăn một bữa cho thỏa.
Chàng ưỡn ngực rảo bước đi mau. Chàng thân thể cường kiệt, chí khí bồng bột, so với Đường Toàn là hai thái cực. Bề ngoài tuy thế, song tấm lòng kiên quyết chẳng kém gì nhau.
Quả nhiên đã thấy một rừng táo xa xa, tuy là còn thưa song vẫn đượm đà tươi tốt.
Một gã nông phu mình mặc áo xanh, tấm long phóng khoáng đang trông nom vườn táo chiết cành. Trông bề ngoài tưởng gã thảnh thơi chăm chú vào công việc thường ngày mà vẻ mặt hình như đang nóng lòng chờ đợi một cái gì.
Thượng Quan Kỳ đảo mắt nhìn lẩm bẩm một mình:
– Có lẽ hắn ta đây!
Người nông phu cũng đưa mắt nhìn ra.
Thượng Quan Kỳ dõng dạc hỏi nông phu:
– Đại ca ơi! Trong rừng táo này có bao nhiêu trái?
Nông phu giật mình để con dao đang gọt cây rớt xuống đất đánh keng một tiếng, gã đáp:
– Đầu hảo hán... có bao nhiêu tóc thì rừng táo...này... có... bấy nhiêu trái.
Gã nói lắp bắp, vẻ mặt ra chiều hốt hoảng.
Thượng Quan Kỳ liền dừng bước lại. Trong lòng nghi hoặc, quay lại khẽ hỏi Đường Toàn:
– Đại ca, gã này dường như rất hoang mang, hay là có biến cố gì xảy ra?
Đường Toàn tủm tỉm cười nói:
– Hiền đệ chú ý tới cả chi tiết này thì sức quan sát đã tiến bộ rất nhiều nhưng...
Ông phe phẩy cây quạt, chú ý nhìn nông phu, một lúc rồi nói tiếp:
– Sư muội ta vì muốn tránh tai mắt bọn thuộc hạ Cổn Long Vương nên nàng nhất định không dùng khách giang hồ, mà đem tiền thuê mướn những lương dân trung hậu. Chỉ có hạng người này mới giữ bí mật được cho nàng.
Cổn Long Vương tuy nhiều tai mắt, nhưng cũng không để tâm nghi ngờ đến hạng người này.
Thượng Quan Kỳ gật đầu nói:
– Phải rồi.
Đường Toàn mỉm cười nói tiếp:
– Gã nông phu lương thiện này, cả đời chưa gặp việc gì trọng đại kích thích, chưa trải qua những trận phong ba rùng rợn ở đời. Lần này đột nhiên va chạm đến việc thần kỳ bí ẩn của khách giang hồ, nhận một trách nhiệm trọng đại, trong lòng không khỏi ngày đêm khắc khoải, ăn mất ngon ngủ mất yên. Ngày ngày gã ra ngoài rừng táo chờ đợi người đến hỏi câu này. Gã đợi đến bấy lâu, nóng lòng sốt ruột. Đột nhiên hiền đệ hỏi trúng câu đó tất nhiên gã không khỏi luống cuống đến nỗi con dao cầm trong tay cũng rớt xuống đất.
Đường Toàn phân tích sự việc một cách thấu triệt, lý luận sâu xa.
Thượng Quan Kỳ nghe xong đột nhiên thở phào một cái tươi cười nói:
– Đại ca xét người như trông rõ tâm khảm thật không ai bì kịp.
Thượng Quan Kỳ vốn không ưa nói dài dòng, câu này phát ra tự thâm tâm chàng.
Đường Toàn tủm tỉm cười rảo bước lại phía người nông phu mỉm cười nói:
– Ông bạn chờ lâu chắc mỏi mệt lắm, bây giờ đưa chúng tôi đi!
Nông phu nước da bánh mật, nở một nụ cười thành thật nói:
– Xin hai vị lão gia theo tôi.
Gã cuống quít đến nỗi quên cả lượm dao lên, hấp tấp dẫn Đường Toàn cùng Thượng Quan xuyên qua rừng táo.
Ngoài rừng táo, địa thế hoang vu tịch mịch. Nông phu dẫn hai người đi tới một sườn núi nhỏ quẹo hết hai khúc quanh thì thấy một túp lều tranh bé giữa bụi rậm.
Gã nông phu đi trước cất tiếng gọi to:
– Mã Thất ca! Có người mua củi đến đó!
Trong lều tranh có tiếng một lão già hỏi ra:
– Mua mấy gánh?
Nông phu đáp:
– Mua tám gánh.
Chưa dứt lời, đã thấy một người già áo quần rách rưới trên lưng có bướu từ trong lều đi ra, giơ tay lên nói:
– Đa tạ Ơn trời, các chú đã đến, để tôi chờ mãi nóng ruột quá.
Nông phu cười nói:
– Thì tôi cũng một tâm sự như Thất ca.
Cả hai người đều tỏ ra hoan hỉ đã làm xong trách nhiệm để yên tâm về làm ăn. Đường Toàn nhìn Thượng Quan Kỳ tủm tỉm cười nói:
– Hiền đệ đưa ông này về đi!
Lão tiều trên lưng có bướu cũng giục:
– Đi rồi về đây cho lẹ!
Câu lão nói dường như muốn giao sớm cho xong trách nhiệm, lại phảng phất như có ý lo lắng không kịp.
Nông phu nhìn Đường Toàn khoanh tay thi lễ rồi quay lại trông Thượng Quan Kỳ nói:
– Chúng ta đi thôi.
Hai người rảo bước đi ngay.
Trong khoảng thời gian ăn xong bữa cơm, lão già lưng bướu chạy lui chạy tới trong rừng, dường như miệng không ngớt thở dài sườn sượt.
Đường Toàn đứng dưới gốc cây trông lão cười nói:
– Lão trượng bất tất phải nóng nảy. Người anh em tôi đi nhanh như bay, y sẽ về ngay bây giờ.
Chưa dứt lời, trong rừng có tiếng động. Quả nhiên Thượng Quan Kỳ đã trở lại.
Lão già lưng bướu đưa tay lên trán nói:
– Đa tạ hoàng thiên.
Thượng Quan Kỳ nói:
– Lão bất tất cảm tạ hoàng thiên vội, dẫn bọn ta đi ngay!
Lão lưng bướu khóa cửa lại dẫn hai người ra đi, trong khoảng thời gian ăn xong bữa cơm quả nhiên đến một trà đình trông ra bờ sông.
Trong trà đình cũng có một người già lưng gù.
Hai người này dường như quen thân thân từ trước.
Vừa trông mặt đã cười ha hả, không bỏi han gì đến Đường Toàn và Thượng Quan Kỳ.
Trước trà đình là một dòng sông, nước chảy xiết thuyền chạy qua lại rất đông.
Thượng Quan Kỳ chờ một lúc, thấy lão tiều phu lưng bướu nói ba hoa mãi chưa chịu về, thì trong long nóng nảy gượng cười bảo:
– Trách nhiệm của lão trượng đã xong rồi, bây giờ có thể nghỉ được rồi.
Lão tiều chưa kịp trả lời thì lão lưng gù kia trừng mắt tức giận hỏi:
– Để người ta uống chén trà đã cũng không được ư? Người là gì mà can thiệp tới y?
Thượng Quan Kỳ thộn mặt ra, giận không xong mà cười cũng không được, đành chờ lão tiều thủng thỉnh uống trà. Lão tiều uống trà xong còn nói mấy câu chuyện phiếm rồi quay lại trừng mắt nhìn Thượng Quan Kỳ một cái nữa, xong mới trở gót ra đi. Lão vừa đi vừa càu nhàu:
– Lần sau thì không nhận cái thứ việc này nữa, thật là tức mình.
Thượng Quan Kỳ lắc đầu cười nhăn nhó rồi cùng Đường Toàn ra bờ sông.
Chàng cất tiếng gọi to:
– Mua cá! Mua cá!
Quả nhiên vô số thuyền đánh cá bơi lại. Thượng Quan Kỳ đảo mắt nhìn chung quanh, thấy một người ngư phủ cởi trần chột một mắt liền hỏi to:
– Bảy con cá bán bao nhiêu?
Ngư phủ chột mắt nước da bánh mật, người thấp lùn thủn nghe câu hỏi dường như giật mình đánh thót một cái buột miệng đáp ngay:
– Cứ tám con là ba lạng bạc.
Vừa nói vừa chống sào đẩy xuồng lại.
Câu này dường như gã nhẩm đã thuộc lòng nên nói rất nhanh. Thượng Quan Kỳ nghe không rõ, Đường Toàn bật cười than thầm:
– Gã này cũng thật thà quá! Sư muội ta vốn không phải là người tầm cỡ, nhưng lúc gặp tình trạng bi thảm thì nàng lại phát huy trí tuệ, làm việc cẩn thận đến thế.
Thuyền vừa tấp ven vào bờ. Thượng Quan Kỳ đỡ Đường Toàn xuống thuyền. Gã ngư phủ chột mắt không nói gì nữa hết sức bơi thuyền đi về phía nam.
Nước chảy xiết, hai bên bở sông cảnh xinh như vẽ.
Thuyền đi chừng ăn xong bữa cơm thì đến một ngã ba, ngư phủ cho thuyền rẽ vào ngách sông. Trong ngách này có dăm chiếc thuyền chài đậu. Trên bờ có một thôn vạn chài nhỏ.
Ngư phủ chột mắt, lập tức áp mạn thuyền vào bờ cho hai người lên rồi hấp tấp quay thuyền đi ngay. Ngư phủ chột mắt tựa hồ biết mình mang trách nhiệm bí mật, nên xong việc đi ngay, không muốn để ai hỏi lôi thôi.
Hai người lên bờ rồi, Đường Toàn mỏi mệt quá, nhưng gần tới đích, tinh thần lại phấn khởi. Ông để ý nhìn những nhà thôn vạn chài này phạm vi không đầy một mẫu.
Trời hãy còn sớm mà trong thôn cũng tịch mịch không có tiếng người, chỉ có mấy ngọn khói bay lên.
Thượng Quan Kỳ cười nói:
– May mà thôn này nhỏ bé không thì cũng khó tìm ra được bà lão tóc bạc.
Chàng ngừng một lát rồi nói tiếp:
– Cả thôn chỉ có một bà lão tóc bạc thì việc tìm kiếm đã dễ đi nhiều.
Xóm vạn chài chỉ có hơn mười nhà. Nhà nào cũng mở cửa và toàn thấy nam nữ tráng niên đang ngồi đan lưới chỉ có vài ngư phủ đàn ông tuổi già. Cuộc sinh hoạt của họ tuy chật vật, song tâm thần rất thư thái.
Đường Toàn cùng Thượng Quan Kỳ đi quanh hết một vòng trong xóm, đưa mắt nhìn khắp chung quanh mà chưa thấy bà lão tóc bạc đâu cả.
Thượng Quan Kỳ nóng nảy chau mày nói:
– Hay là ta lầm rồi?
Đột nhiên phía ngoài còn có một nhà trước cửa tiếng người huyên náo.
Thượng Quan Kỳ cùng Đường Toàn rảo bước lại gần thấy ai nấy vẻ mặt đau thương. Trong cửa có treo bức màn trong và bày hương hoa. Giữa nhà đặt một cỗ quan tài.
Thượng Quan Kỳ cảm thấy hoang mang tìm một ngư phủ đứng gần hỏi:
– Xin hỏi đại ca trong nhà này có ai mới mất đấy?
Ngư phủ đứng tuổi lấy làm lạ giương mắt nhìn chàng rồi thở dài đáp:
– Đấy là Trân lão thái thái. Có phải ông khách là chỗ thân thích từ xa mới đến?
Thượng Quan Kỳ lắc đầu vội hỏi lại:
– Trân lão thái thái phải chăng niên kỷ đã nhiều, đầu tóc bạc hết rồi phải không?
Ngư phủ đứng tuổi thở dài đáp:
– Trên đầu bà cụ không còn sợi tóc màu đen. Bả vất vả đã nhiều. Hai hôm trước đây thì...
Thượng Quan Kỳ biến sắc hỏi ngay:
– Trong quý thôn này, ngoài Trân lão thái thái còn bà cụ nào đầu bạc nữa không?
Ngư phủ đứng tuổi ngơ ngác, trong lòng rất lấy làm lạ nhưng ngoài miệng đáp ngay:
– Chỉ có mình bà cụ này thôi.
Thượng Quan Kỳ thất vọng thộn mặt ra, không biết nói thế nào.
Ngư phủ đứng tuổi trong lòng sinh nghi, đưa mắt nhìn chàng, rồi trở gót đi ngay. Thượng Quan Kỳ hoang mang, nhìn chiếc quan tài mỏng manh lẩm bẩm:
– Đến chậm mất rồi! Đến chậm mất rồi!
Hồi lâu chàng quay lại nhìn Đường Toàn nhăn nhó cười hỏi:
– Bây giờ đại ca tính thế nào đây? Rút cục người tính không bằng trời tính.
Cuộc an bài cẩn thận của Vương hậu thành ra vô dụng mất rồi.
Đường Toàn ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:
– Tuy bà ta mất rồi nhưng sư muội tiểu huynh đã phó thác công việc trọng yếu này thì tất phải là người cẩn thận. Trước lúc lâm chung chắc bà ta đã di chúc một người nào có thể tin cậy được.
Thượng Quan Kỳ trầm ngâm giây lát rồi hỏi:
– Nhưng người đó là ai? Bây giờ ta biết làm thế nào mà tìm ra được?
Đường Toàn suy nghĩ, lẳng lặng không nói gì.
Một người tài trí tuyệt luân như ông mà cũng chưa nghĩ ra được kế gì. Cả hai người cùng thộn mặt nhìn chiếc quan tài mỏng manh.
Thượng Quan Kỳ khẽ thở dài lẩm bẩm một mình:
– Bà chết rồi đem theo một việc bí mật vĩnh viễn không khám phá ra được.
Hai người càng nghĩ càng rối ruột, Thượng Quan Kỳ bất giác thất thanh buột miệng nói ra. Bỗng thấy bức màn trắng lay động, một cô bé tóc xõa ngang vai từ bên trong chạy ra.
Cô này chừng , tuổi, mặc kiểu phục, vẻ mặt bi thương, nước mắt chưa ráo.
Cô giơ tay áo lên lau mặt, chăm chú nhìn Thượng Quan Kỳ cùng Đường Toàn.
Đường Toàn chưa nghĩ ra khẽ bảo Thượng Quan Kỳ:
– Hiền đệ, đầu mối để tìm ra Khương cô nương có thể là ở cô bé này.
Quả nhiên cô bé nhìn hai người nhột lúc, rồi cất tiếng thỏ thẻ hỏi:
– Phải chăng hai vị muốn kiếm bà Trân?
Thượng Quan Kỳ thở dài đáp:
– Đúng thế! Nhưng đáng tiếc rằng Trân lão thái thái qua đời rồi.
Ngừng một lát chàng hỏi tiếp:
– Lúc lệnh tổ mẫu mất đi có nhắn điều gì với cô nương không?
Cô thôn nữ từ từ gật đầu nhưng không nói gì.
Đường Toàn tủm tỉm cười hỏi:
– Tôi muốn hỏi cô nương cái lưới đánh cá nhà cô có bao nhiêu mắt?
Cô thôn nữ đột nhiên run lên, đảo mắt nhìn quanh một lượt rồi đáp:
– Ba ngàn ba trăm ba mươi ba mắt.
Thượng Quan Kỳ khoanh tay nói:.
– Chúng tôi vâng lệnh Vương hậu đến đây.
Thôn nữ trầm tĩnh lại hỏi:
– Niên canh Vương hậu bao nhiêu?
Thượng Quan Kỳ ruổi ba ngón tay ra, một bàn sấp một bàn ngửa, lật lên lật xuống hai lần.
Cô thôn nữ giương cặp mắt tròn xoe nhìn cử động của Thượng Quan Kỳ thấy ba ngón tay lật lên lật xuống hai lần, liền từ từ lấy trong bọc ra một cây trâm gãy đưa cho chàng nói:
– Bà tôi có lưu lại vật này và dặn giao cho người của Vương hậu phái đến.
Thượng Quan Kỳ đón lấy ngọc trâm rồi nói:
– Xin đa tạ cô nương.
Thôn nữ nói:
– Hai vị đi về phía đông chừng năm dặm thì đến một cánh đồng cỏ. Tại đó có vô số kẻ chăn cừu, chăn dê.
Thượng Quan Kỳ nói:
– Cô nương chi bảo rành mạch, chúng tôi rất cảm ơn.
Chàng quay lại nhìn Đường Toàn nói:
– Đại ca? Chúng ta đi thôi chứ?
Đường Toàn thò tay vào bọc lấy ra một cái thẻ tre nhỏ bằng đồng tiền nói:
– Xin cô nương thu lại cái thẻ tre này. Trong vòng một tháng sẽ có người đến lấy. Cô nương có việc gì cứ dặn người đó làm cho.
Thôn nữ do dự một lát rỗi đưa tay ra đón lấy thẻ.
Hai người ra khỏi thôn Vạn Chài, trông về hướng chính đông mà đi.
Đường Toàn thân thể suy yếu, đi được một lúc thì trong mình mệt quá, mồ hôi toát ra như tắm.
Thượng Quan Kỳ thấy vậy khom lưng cúi xuống nói:
– Để tiểu đệ cõng đại ca đi.
Đường Toàn không chối từ, tủm tỉm cười nói:
– Tiểu huynh lại làm nhọc sức hiền đệ.
Thượng Quan Kỳ cõng Đường Toàn đi rất mau, chỉ trong khoảnh khắc, quả nhiên đến một cánh đồng cỏ bát ngát, rộng đến trăm mẫu. Mục đồng đi lại rất nhiều.
Thượng Quan Kỳ gọi to lên ba tiếng:
– Mua dê đây! Múa dê đây!
Một cậu bé chừng mười ba mười bốn tuổi, quần áo lam lũ thủng thỉnh bước lại, hai mắt cậu chú ý nhìn Đường Toàn cùng Thượng Quan Kỳ vẻ mặt ra chiều khiếp sợ vô cùng. Nhưng rồi cậu cũng tiến lại trước mặt Thượng Quan Kỳ.
Thượng Quan Kỳ đảo mắt nhìn bốn mặt thấy mấy gã mục đồng đều lộ vẻ kinh dị, nhìn chòng chọc vào chàng và Đường Toàn dường như hai người khách lạ đối với chúng là một điều kỳ dị. Đường Toàn vui vẻ tươi cười khẽ hỏi:
– Này chú em! Chú đừng sợ, chú bán bao tiền một đôi dê?
Gã mục đồng đột nhiên tiến sát lại thở phào một cái dường như trút được gánh nặng đáp:
– Ba ngàn ba trăm ba mươi đồng.
Mặt gã ra chiều phấn khởi, cậu liến thắng nói:
– Gớm! Cháu đợi các bác lâu quá bây giờ mới thấy đến.
Thượng Quan Kỳ từ từ móc cây trâm gãy ra, đặt vào lòng bàn tay mình cho gã coi rồi hỏi:
– Chú em! Chú có nhận ra vật này không?
Gã mục đồng nhìn cây ngọc trâm rồi nói:
– Cháu xin đưa các bác đi.
Nói xong rảo bước chạy trước. Mấy chục gã mục đồng đều thộn mặt ra nhìn ba người, rồi ghé tai nói nhỏ với nhau, dường như chúng lấy làm kinh dị.
Đi qua cánh đồng cỏ bát ngát thì đến một trái núi đất. Dưới chân núi là một khu rừng rậm.
Gã mục đồng vẫn thấy chột dạ, đưa mắt nhìn xung quanh, thấy những đồng bạn không theo mình, gã mới yên tâm giơ tay lên vẫy hai người nói:
– Xin các vị vào đây.
Rồi gã đi vào rừng trước.
Thượng Quan Kỳ đỡ Đường Toàn đi quanh co trong rừng một lúc chừng ăn xong bữa cơm thì gã mục đồng dừng bước lại giơ tay trỏ vế một căn nhà tranh trong rừng rậm nói:
– Ở trong đó, hai bác vào đi.
Đường Toàn vẫy tay cười hỏi:
– Chú em! Chú họ gì?
Gã mục đồng lắc đầu nói:
– Bác chẳng cần hỏi cháu làm chi, vì cháu rời khỏi nơi đây ngay chiều hôm nay. Người ta cho cháu nhiều tiền bảo cháu chờ các bác tại đây. Bây giờ cháu đã gặp các bác thế là việc cháu xong rồi, cháu đi ngay bây giờ.
Nói rồi gã không chờ Đường Toàn trả lời trở gót chạy ngay.
Thượng Quan Kỳ nói:
– Chúng ta vào đó coi.
Đoạn hai người đi nhanh hơn nhằm phía nhà tranh tiến vào.
Trong nhà có cánh cửa bằng cây khép chặt. Trước cửa có một mụ lão ẩu tóc bạc, tay cầm cây gậy trúc, nhắm mắt ngồi đó.
Thượng Quan Kỳ tay cầm ngọc trâm đi thẳng vào khẽ gọi:
– Lão tiến bối.
Lão ẩu lim dim mắt nhìn Thượng Quan Kỳ rồi lại nhìn cây trâm gãy. Mụ đứng lên lấy trong bọc ra nửa cây trâm lắp vào thì quả nhiên ăn khớp không hở một giây tơ sợi tóc.
Thượng Quan Kỳ khẽ nói:
– Tại hạ vâng mệnh Vương hậu đến đây xin vào ra mắt Khương cô nương.
Lão ẩu khẽ thở dài nói:
– Cô ta bị bệnh nặng lắm, đã mấy hôm nay chẳng ăn uống gì.
Đường Toàn nói:
– Nếu vậy thì lão tiền bối càng cần cho chúng tôi vào coi gấp.