CHƯƠNG 20
Tác giả: Nguyễn Trung Dũng
Tháng tư năm Canh Dần (930), nhà Đường sai đại tướng Hứa Kính Tư mang 30 vạn quân phá ải Kỳ Tường, lấn sâu vào đất Nam Hán hơn 500 dặm, chiếm liền 6 thành. Từ kinh đô Phiên Ngung, Lưu Hán Vương ban chiếu ra lệnh tướng Lư Sở Khoái tử thủ giữ thành Đông Bích. Chín vạn quân Đường, do thượng tướng Tào Bính chỉ huy, ào ạt như thác đổ, vây Đông Bích ròng rã một tháng trời, lương thực trong thành cạn kiệt, bách tính lầm than. Lư Sở Khoái ba lần cử người xin cứu viện, binh lính bắt đầu thoái chí.
Tháng sáu năm Canh Dần (930), Lưu Cung ban chiếu đánh giặc cho Bách Thắng Tướng Quân Hàn Bích Liễu, thống lĩnh Tử Xa Đoàn tức tốc lên đường.
Mười lăm ngày sau, Đông Bích dựng cờ hàng, Tào Bính hí hửng dẫn quân vào thì trên thành bắn tới tấp. Quân Đường chưa kịp rút lui, sau lưng trống đã khua rộn rã. Hàng đoàn Tử Xa nặng nề lao rầm rập tựa voi điên phá núi. Hàn Bích Liễu trên con Tiên Ô Mã, xốc thẳng vào trận, một đao chém rụng đầu Tào Bính. Trận đấy máu chảy tràn chiến địa, chín vạn quân Đường không một kẻ thoát thân.
Tháng chín năm Canh Dần (930), Tử Xa Đoàn giành lại 5 thành. Quân Đường được tiếp viện 20 vạn. Hàn Bích Liễu và Hứa Kính Tư tranh hùng bất phân thắng bại tại chân núi Phàn Môn.
Cũng tháng chín năm đó, Lê Khắc Chinh lần thứ hai khởi binh đánh Dương Xá. Quân Hán chia làm hai đường, Lê nguyên soái mang đại quân vượt Châu Trường, cứ thẳng đường mà đánh. Phó soái Tô Phi mang 5000 tinh binh, lần theo đường rừng vắng vẻ, chờ Nghĩa Đoàn dồn lực lượng chống đỡ đại binh, nhân cơ hội đánh bến đò Rẽ, triệt phá Đại bản doanh. Động thái đó không nằm ngoài tiên liệu của Dương Đình Nghệ. Ngay lúc vừa nhận tin, ông mật truyền cho Phó soái Đinh Công Trứ, lặng lẽ phục quân tại đường hẻm Hãm Long. Tô Phi thấy Nghĩa Đoàn xuất tướng hơn ba mươi dặm, lập trại kháng cự với cánh quân chủ lực của Nguyên soái Lê Khắc Chinh, lập tức kéo binh vượt Hãm Long. Gần ngọ, quân Hán đi được bảy phần hẻm thì đường bị bít. Biết gặp mai phục, Tô Phi sợ hãi ra lệnh quay đầu thì cơ man nào gỗ đá đã đổ ầm ầm từ vách núi xuống. Chạy thêm một quãng thì đường sàn bị đốt, tên dài bắn như mưa. Năm nghìn quân Hán chết sạch. Tô Phi bỏ ngựa leo vượt sườn non, may nhờ 2 gã đội trưởng Ngân Vệ cận kề nên mới toàn mạng.
Việt Nghĩa Đoàn kìm chân đại quân Hán tại làng Cổ Mã dưới chân núi Hiểu. Khi tin thắng trận được khinh kỵ đưa đến, Dương Đình Nghệ liền triệu tập các tướng lĩnh trong trướng trung quân. Cuộc họp diễn ra vào buổi tối ngày hai mươi. Đợi mọi người góp mặt đông đủ, ông bắt đầu:
- Thưa các vị, Lê Khắc Chinh xuất quân 5 vạn vượt hàng trăm dặm tiến đánh Việt Nghĩa Đoàn. Chắc hẳn là hắn và kẻ đứng trên hắn bắt đầu lo sợ trước sự lớn mạnh của chúng ta, nên khởi binh lần thứ hai trong năm nay. Hồi giữa hè, nếu không có trận dịch gia súc, có lẽ chúng đã quyết dìm Dương Xá trong biển máu. Lần này chẳng ngoài mục đích đó. Chúng đã hạ trại ở đây 10 ngày rồi mà chưa khiêu chiến do Lê Khắc Chinh muốn đợi tin mừng từ Tô Phi. Ngờ đâu năm ngàn tinh binh đã bỏ mạng trong đường hẻm Hãm Long. Đến nước này chắc chắn hắn sẽ xua quân quyết chiến. Mà ta chỉ có 8000 quân, duy dùng mưu mới mong thắng nổi. Nhưng trước khi nghe cao kiến của các vị, tôi muốn mời Phó soái Võ Thiên Nam. Phó Soái từng đối chiến với quân Hán, đề nghị tướng quân có lời dẫn giải về thực lực địch và cách cầm quân của Lê Khắc Chinh.
Võ Thiên Nam đứng lên, đưa mắt quanh một lượt. Ông vừa gia nhập Nghĩa Đoàn đã được đặt ngay vào chức Phó soái, nhưng đến hôm nay mới thực sự được hoà tiếng trong buổi họp mang tính sống còn này. Ông nói với giọng truyền cảm vốn có :
- Thưa Nguyên Soái và các anh em tướng lĩnh, chúng ta đang ở trong tình thế cực kỳ nguy hiểm.
Toàn trướng im bặt, khó hiểu. Vừa cất quân chưa đánh trận nào mà họ Võ dám khảng định một câu giống như hèn yếu, khiến nhiều người không hài lòng. Dương Đình Nghệ nhìn Võ Thiên Nam, Ngô Quyền cau mày suy ngẫm. Võ Thiên Nam đã lường trước những phản ứng bất lợi vừa rồi nên bình tĩnh nói tiếp:
- Tôi vào vấn đề không rào đón nên mong mọi người bỏ quá. Tôi, cùng nghĩa quân Hồng Châu, từng giao tranh với đại quân của Lê Khắc Chinh 4 tháng ròng rã. Và một lần trước đó, dưới cờ của Khúc tiên quân, cùng với Dương chủ soái. D ương Đình Nghệ khẽ gật đầu. Vì thế, tôi đủ tin tưởng để đánh giá về tình hình hiện nay. Có lẽ còn rất nhiều người trong chúng ta, giống như tôi ngày trước, mang tâm trạng tiếc nuối cho Khúc Tiết độ sứ đã lơi lỏng binh tình khiến nước ta rơi vào tay giặc Nam Hán. Điều đó đúng nhưng chưa đủ. Làm tướng phải liệu được tiên cơ, phải biết đánh vào nhược điểm của đối thủ, giành lấy thắng lợi và tránh tổn thất ở mức cao nhất. Về mặt này, Lê Khắc Chinh là kẻ đại tài. Lực lượng hắn nắm trong tay cũng rất mạnh. Nhà Nam Hán khai sinh trong chiến trận. Với người Nam Hán, cưỡi ngựa bắn tên, vung kiếm chặt thủ cấp là việc thường tình, như chúng ta ăn cơm hay đi ngủ vậy. Mười vạn quân Hán đóng trên đất nước ta đều rất thiện chiến, tướng tài nhiều hơn lá rừng. Hai năm trước, chúng tôi đã liều mình chiếu đấu, dựa vào rừng núi, sức dân và trái tim mình. Nhiều khi tưởng có thể đã giành thắng lợi, tưởng đã bẻ gãy được thanh kiếm của chúng. Kết cục ra sao, mọi người đều biết rõ. Giọng Thiên Nam có phần nghẹn ngào. Còn về Lê Khắc Chinh. Hắn có vẻ ngoài của gã thất phu và trái tim của một con rắn độc, thông thuộc binh pháp và giàu khả năng ứng biến. Hắn huy động 5 vạn binh kết hợp với quân đồn trú, rõ ràng muốn đè bẹp sự kháng cự của Nghĩa Đoàn giống hai lần thành công trước đó. Không thể đương trường đối chọi, theo ý tôi, hãy sử dụng kỳ binh, trong lúc quân giặc đang tức tối vì tin thất trận.
Bài diễn thuyết có hiệu quả tốt. Mọi người xì xầm bàn tán, tướng Trần Quốc Đồng bật dậy. Ông đi bước vào vòng trung tâm, những người khác ra dấu nhau lắng nghe với thái độ tôn trọng. Chủ soái Đình Nghệ tỳ tay lên mặt bàn, mắt nhắm hờ. Vị tướng họ Trần này cùng với Mai Đức Hòa là hai quản sự của Nghĩa Đoàn, là người thẳng thật, mạnh mẽ với giọng nói đầy dũng khí :
- Tôi đồng ý với Võ tướng quân về việc dùng kỳ binh để đánh địch. Ô-g này không bao giờ vòng vo. Ra đây xin bày một kế mọn.
Nguyên soái đồng thuận.
- Lê Khắc Chinh sai dựng ba trại tả, hữu và trung quân dưới chân núi. Ngày mai, ta một mặt khiêu chiến rồi trá bại, một mặt chia quân đánh úp, cắt đường ứng cứu. Khi phía sau quân Hán rối loạn, quân chủ lực của ta đánh ngược trở lại. Thiết nghĩ chỉ một trận là phá xong.
- Kế của Trần tướng quân rất hay. Tổng đội trưởng Tổng đội tiên phong Phạm Minh Thành lên tiếng. Chỉ tiếc là không dùng được.
- Tại sao? Quốc Đồng hỏi vặn.
- Khi lập trại, ắt hẳn Lê Khắc Chinh đã xem xét địa thế cẩn thận. Hắn thừa biết nguy cơ bị đánh tập hậu nên cố tình bỏ trống đoạn đường Đông Cư để dụ ta vào bẫy. Theo tôi, chỗ thắt nút cuối đường Cổ Mã khá thuận lợi, ta vẫn thi hành kế trá bại, rồi đặt mai phục thì hay hơn.
- Chỗ đó như một quả bầu đá, vách lưng hiểm trở, đường thoát hẹp, chỉ có ích khi ngăn bước địch. Nếu dụ đại quân Hán tràn vào đó thì không khác gì tự sát vậy.
Thấy hai tướng găng nhau, Dương Đình Nghệ giảng hoà:
- Kế sách của hai tướng Trần, Phạm đều có ý hay dù chưa toàn vẹn. Những người khác nghĩ sao. Mời Ngô tướng quân.
Ngô Quyền ngồi ở góc trong cùng. Chàng không bước vào vòng trung tâm mà đứng tại chỗ nói :
- Tôi đề nghị dùng kế đánh úp của Trần tướng quân. Có điều, quân ta sẽ không theo đường Đông Cư, mà theo đường Tây Cư”
- Làm gì có đường Tây Cư nào? B ên dưới nhốn nháo.
Nguyên Soái ra hiệu cho mọi người im lặng, nghiêm trang hỏi :
- Phó soái nên trình bày tường tận kế sách.
- Vâng, thưa Nguyên soái và các anh em tướng lĩnh. Chắc chắn có một con đường Tây Cư vòng ra sau doanh trại địch. Con đường bị bít nửa dặm khi dân Hiểu Văn dời đi tránh nạn năm năm về trước, đầu ra gần chỗ con suối rẽ nhánh. Canh ba đêm nay, tôi nguyện dẫn quân vượt đường sàn, tìm đường Tây Cư. Theo tính toán của tôi thì muộn nhất là giờ tỵ ngày mai sẽ đến được sườn tây bắc. Chờ lúc quân chủ lực của ta kéo địch ra bãi giao tranh, chúng tôi sẽ hành động. Chia quân làm đôi, một cánh lấy tả trại, một cánh diệt quân mai phục đường Đông Cơ rồi lấy luôn hữu trại. Kế đó tập trung tấn công trại trung tâm. Bị đánh sau lưng, nội tình quân địch tất rối loạn, thừa cơ ta trước sau phối hợp, nhất định sẽ thắng.
Xung quanh vang lên tiếng tán đồng. Nguyên soái cũng có vẻ hài lòng quay sang hỏi Phó soái Lê Lãm :
- ý Phó soái ra sao?
Tướng Lê Lãm, người gầy, mắt sâu, tay chạm phớt vào vệt râu rậm rì bên má, nói giọng Lam Sơn :
- Tôi thấy kế sách của Ngô phó soái là rất hợp lý. Việc dẫn quân đoạt trại giao cả cho phó soái. Tôi chỉ muốn bàn về cách đánh của quân chủ lực. Canh ba đêm nay, Ngô phó soái lên đường, giờ tỵ mới ra khỏi đường Tây Cơ. Vậy xin lấy đó làm mốc, ta kéo đội tiên phong đến doanh trại quân Hán khiêu chiến. Việc này xin giao cho Phạm tướng quân đảm đương. Đánh cốt thua chứ không cốt thắng, nhưng phải tránh làm giặc sinh nghi và tránh thiệt hại. Trận địa thực sự ta sẽ bày ở bãi đất phía nam, dựa lưng vào núi Hiển. Ngô tướng quân sau khi cướp được trại giặc hãy nổi lửa và cho lính khua chiêng gõ trống. Khi địch rậm rịch lui thì quân chủ lực hẵng đổ ra đánh.
- Còn ai không? Nguyên soái hỏi. Nếu tất cả đồng ý thì ta hãy theo kế hoạch như thế mà làm. Ngô phó soái!
- Có tôi.
- Phó soái hãy dẫn 1000 quân, canh ba xuất phát.
- Tuân lệnh.
- Phạm tướng quân! Giờ tỵ ngày mai, Tướng quân mang năm trăm tiên phong đến khiêu chiến. Bằng mọi giá phải dụ được Lê Khắc Chinh đến trận địa phía nam.
- Tuân lệnh.
- Bùi tướng quân! (Bùi Văn Phương, Tổng đội trưởng Tổng đội trung quân). Tướng quân đi với tôi mang 3000 quân lập trận Cửu Cung, đảm bảo cầm cự được với mấy vạn quân giặc.
- Tuân lệnh.
- Lê, Mai nhị tướng quân! Hai vị mỗi người mang hơn 1000 quân, ém trên sườn đông tây của trận địa, khi nào thấy trại địch bốc cháy, lập tức tràn xuống, cốt đánh chọc vào sườn đối phương khiến bọn chúng hoảng loạn, mất phương hướng.
- Tuân lệnh.
- Tướng quân Phùng Hợp! (Tổng đội trưởng Tổng đội hậu quân). Tướng quân nhận 500 quân giữ trại, khi giặc thua chạy thì đổ ra đánh.
- Tuân lệnh.
- Các vị tướng quân lập tức về trại của mình, tiến hành nhiệm vụ được giao. Uý lạo anh em binh sĩ dồn hết sức đánh thắng trận này.
Canh ba đêm đấy, Ngô Quyền dẫn một ngàn quân, lặng lẽ rời doanh trại Nghĩa Đoàn. Họ đến nơi đúng thời gian dự tính. Giao một nửa cho Triệu Văn Tuấn, Tổng đội phó tiên phong đánh trại mé tả, Phó soái đi lần theo đường suối đến mạn Đông Cư
Sáng ra, tướng quân Phạm Minh Thành ghìm cương ngựa, cầm ngang thanh trường thương, đứng trước cổng trại quân Hán :
- Ta Phạm Minh Thành, đại tướng tiên phong Việt Nghĩa Đoàn, đến hỏi tội các ngươi dám đem quân xâm phạm. Biết điều hãy cởi giáp ra hàng, nếu không sẽ giết hết không tha.
Lê Khắc Chinh đang bàn bạc kế hoạch tác chiến trong trại, nghe quân vào báo, tức khí vì có kẻ dám vuốt râu hùm, liền kéo đại quân ra nghênh đón.
- Bớ gã Nam Man ngu dại kia. Ngươi dám đem quân khiêu chiến để chết thay cho con chuột họ Dương phỏng. L ê Khắc Chinh gầm lên. Kẻ nào lấy đầu hắn cho ta?
- Xin giao cho thuộc tướng. Tỳ tướng Lỗ Hùng vác cây búa lớn giục ngựa xông ra.
- Tôi muốn tranh công đầu. Hồ Thế Hải bên phía Nghĩa Đoàn hét lớn, giục ngựa múa kích lao tới.
Hai tương giao phong. Lỗ Hùng rất khoẻ, còn Thế Hải vừa khoẻ vừa tinh. Đánh được vài hiệp, chàng vờ đâm hụt, chờ Lỗ Hùng giáng búa xuống liền tránh khỏi, đâm một nhát kích xuyên thủng ngực hắn. Quân Việt hò reo vang dội. Dưới cờ Hán, có hai tướng sử thương cùng lúc xông ra. Thế Hải không hề nao núng, một chọi hai vẫn tiến thoái ung dung. Đứng sau lưng Lê Khắc Chinh có gã xạ thủ Hoa Phỉ, thấy hai tướng bên mình chừng đà khó chống, bèn giục ngựa tiến lên vài bước, giương cung bắn trộm.
Tách...! Mũi tên bay xé gió, tin vào giữa mặt. Hoa Phỉ ngã nhào xuống ngựa. Thì ra Phan Anh bên này đã phát hiện và kết liễu cuộc đời kẻ hèn mạt. Hồ Thế Hải vững dạ, càng đánh càng hay. Lưỡi kích bay với tốc độ chóng mặt, đâm chết liền hai đối thủ. Lê Khắc Chinh thoáng chốc mất liền bốn tướng, lửa giận bừng bừng kéo ào quân sang. Quân Nghĩa Đoàn không ham đánh, đồng loạt quay người bỏ chạy. Lê Khắc Chinh lập tức sai đuổi theo. Gã quân sư vội nhắc coi chừng mai phục nhưng Hán nguyên soái vẫn ra lệnh tiến vì quân Hán đông gấp ba, bốn lần.
Khi Phạm Minh Thành đã dụ thành quân Hán đến bãi chiến địa phía nam cũng là lúc Ngô Quyền và Văn Tuấn bắt đầu hành động. Dù còn khá đông quân thủ trại lẫn quân mai phục đường Đông Cơ, nhưng vì đối phương xuất hiện quá bất ngờ, nên phía Hán trở tay không kịp. Chiếm xong hai bên tả hữu, quân Nghĩa Đoàn nhập làm một đánh trại trung quân. Tướng giữ trại là Tôn Khương nghe náo động, chạy ra khỏi trại xem. Ngô Quyền tế ngựa đến nơi, chẳng nói chẳng rằng. ánh đao loé lên, đầu Tôn Khương lìa khỏi cổ.
Lê Khắc Chinh giật mình khi thấy bãi đất phía nam, tinh kỳ cắm rợp đất. Dương Đình Nghệ lừng lững như thiên thần phía trước, sau lưng thấp thoáng cả chục vạn quân, xem chừng đã đợi từ lâu. Hắn lập tức ra lệnh binh sĩ ổn định, rồi nói :
- Kẻ bại tướng họ Dương kia, sao không vội xuống ngựa, quỳ xuống cầu xin ta tha mạng??
- Lê Khắc Chinh, ngươi sắp chết đến nơi còn dám ăn nói hàm hồ. Ta chờ đợi đã lâu, đến ngày tiêu diệt quân xâm lược.
Dứt lời, Dương nguyên soái phất tay. Tên bắn rào rào. Quân Hán trúng tên gào rú liên hồi, Lê Khắc Chinh luống cuống nấp hai gã cận vệ và ra lệnh bắn trả. Song khi quân Hán giương cung thì phía Nghĩa Đoàn, xạ thủ đã lui hết. Những tấm khiên gỗ phiến cao bằng người, được đẩy lên, đón toàn bộ số tên của giặc. Lớp xạ thủ thứ hai xuất hiện, bắn cho giặc Hán tơi bời. Biết chẳng thể đối tiễn, Lê Khắc Chinh quyết định xua quân cận chiến. Thì bỗng đâu. Sau lưng lửa cháy đùng đùng, trống chiêng rầm rập. Một gã quân hầu hớt hải chạy đến :
- Bẩm Nguyên soái! Ngô Quyền theo con đường phía tây đến. Ba trại của chúng ta đã cả rơi vào tay hắn rồi.
Một tên khác cũng chạy đến báo :
- Bẩm Nguyên soái! Vách núi phía bắc chất đầy gỗ đá. Chắc địch có ý đồ lấp lối.
Lê Khắc Chinh gầm lên, hối thúc đổi tiều thành hậu quân.
Lê, Mai nhị tướng đứng trên sườn núi cao trông rõ mồn một, cho bắn pháo lệnh. Một loạt tên lửa thiêu đốt quân Hán. Bị quân Việt đánh thốc vào sườn, đội ngũ quân Hán rối loạn hoàn toàn. Mong chạy thoát thân, chẳng biết đối thủ nhiều hay ít. Lê Khắc Chinh chạy về trại đã thấy Ngô Quyền đứng án ngữ trước cổng nên không dám vào mà chạy rẽ sang hướng khác vượt rặng núi Hiểu. Dương Đình Nghệ hô hợp quân, ra lệnh đuổi đến cùng. Quân Hán vượt núi Hiểu, chạy theo hướng bắc, qua rừng thông bỗng từ đâu lửa cháy ngùn ngụt. Lúc này sắp sang đông, cây cối núi nẻ, lửa bắt vào nhựa thông, muốn thiêu cả bầu trời. Quân Hán ngựa không lơi vó, người không rời cương, chạy một mạch đến bờ sông Cát Tiên mới dám dừng.
Tướng người bản địa là Lê Đăng Khoa, sau khi đốt rừng thông, dẫn quân ra đón đại quân Nghĩa Đoàn. Do thám về báo Lê Khắc Chính cho dựng trại bên bờ sông Cát Tiên, Dương nguyên soái quyết định nửa đêm đốt trại. Tướng Trần Quốc Đồng can lại :
- Nhưng Lê Khắc Chinh thua trận này tất đề phòng đối phương cướp trại. Quân Việt đường xa, người ngựa đều đã mệt, thiết nghĩ nên tính kế lâu dài.
Dương Đình Nghệ lắc đầu:
- Địch đang nhụt nhuệ khí, phải đánh cho không ngóc đầu lên nổi. Chẳng bao giờ có cơ hội tốt dường này.
Đầu canh một, Ngô Quyền dẫn 2000 tinh binh đến cửa trại. Bên trong đèn đuốc vẫn sáng trưng. Biết có phòng bị, chàng ra lệnh rút lui thì pháo nổ lớn, lớp lớp quân Hán đã chắn ngang đường. Lê Khắc Chinh rong ngựa, cười ngất :
- Đồ hữu dũng vô mưu.. Lần này mày tới số rồi, con ơi!
Quân Hán cười sằng sặc như hổ đói, chỉ chực ăn tươi nuốt sống con mồi.
Ngô Quyền bình thản đáp trả:
- Ngu ngốc là đặc quyền các ngươi. Bọn này không thiết. Hãy giương mắt mà nhìn xung quanh xem.
Một tiếng pháo lệnh nữa nổ khiến Lê Khắc Chinh hoảng hốt. Một đoàn quân dũng mãnh như từ dưới đất chui lên, vị tướng đi đầu cưỡi con bạch mã, cầm ngọn Ngũ hoa thương uy dũng vô song, đi đến đâu, quân địch dạt ra đến đấy.
Võ Thiên Nam, thảo nào ta đã chẳng thấy hắn đâu. Khắc Chinh lẩm bẩm.
Võ Thiên Nam là vị dũng tướng trời sinh, cây thương trong tay ông như con mãnh long xuất động, mang sức mạnh núi thiêng. Bên Hán tuy quân đông, nhưng nhìn cảnh ba tướng khoẻ bị đâm chết tươi, hai tướng khác bị chặt đứt đầu dưới thanh bảo kiếm, thì hồn bay phách tán, tìm đường chạy trốn. Một nghìn quân theo sau Võ phó soái, phần lớn là cánh tiên phong chủ công, qua rèn luyện khắc nghiệt nhất, rõ ràng là nén sức đợi chờ, mãi mới có dịp thể hiện, khí thế tựa hồ dời non lấp bể. ấy thế mới nói Dương nguyên soái cực kỳ tin cẩn, dành cho Thiên Nam trận địa Cát Tiên này. Ông vừa trông thấy Lê Khắc Chinh thì nỗi căm hờn đã dâng dâng trào, tay vũ lộng cây thương, lao đến hét vang :
- Lê Khắc Chinh, rốt cuộc ta đã tìm thấy ngươi. Hãy xem ta trả thù cho anh em Hồng Châu đây.
Mấy tên tỳ tướng vội xúm lại, bảo vệ Nguyên soái. Phía bên trong, một ngàn quân của Ngô Quyền đang đánh phá tơi bời. Lại tiếng ngựa hí vang, Dương Đình Nghệ và các tướng đã kịp thời dẫn quân đến. Bên bờ sông Cát Tiên là trận chiến thảm sầu, sát khí ngút trời.
Người ta thấy Hồ Thế Hải múa kích, Trần Mãnh sử đao, Phan Anh dùng song kiếm gặp đâu giết đấy. Trưởng, phó tiên phong Phạm Minh Thành, Triệu Văn Tuấn mỗi người một thanh trường thương, tấn công như vũ bão về phía đội viên Ngân Vệ, những kẻ nổi trội trong hàng ngũ địch, khiến bóng áo bạc gục như thân chuối. Trận Cửu Cung lần nữa được thực thi, dựng lên thành đồng vách sắt, biến lũ cướp nước thành đám gà què.
Quân Hán núng thế.
Thiên Nam đánh xuyên qua hàng rào bảo vệ, đâm Khắc Chinh liên tiếp mấy nhát. Chiếc khiên rung chao chát, Khắc Chinh bị mũi thương quét trúng tay phải đau đớn suýt buông rơi thanh đao bán nguyệt. Thiên Nam xô vào, bỗng cảm thấy tiếng gió sau lưng, vội giật ngựa tràn sang để tránh. Hoả Thiên ưng múa tít cây đại đao:
- Không được hại chủ ta..
Thiên Nam hừ lên một tiếng, chấp cả đôi. Thanh Ngũ hoa thương một lần nữa đâm trúng tay Lê Khắc Chinh, máu đổ ròng ròng. Cây bảo kiếm phạt đứt chỏm tóc, tiện hớt cả đám da đầu của Hoả Thiên ưng. Hắn ta ý ới :
- Quân đâu, mau bảo vệ Nguyên soái.
Bảy gã Ngân Vệ có tên gọi là Phù Nguyệt Thất Tinh, liều chết lăn sả vào Võ Thiên Nam. Thừa cơ, Hoả Thiên ưng kéo Lê Khắc Chinh chạy, Tiếu Ngư nhìn thấy, gọi ầm lên:
- Lê Khắc Chinh chạy về phía bắc!!
Tiếng dây cung bật, mũi tên găm vào đùi khiến anh khuỵu xuống, miệng vẫn không ngừng hét :
- Chặn lại, đừng cho Lê Khắc Chinh chạy thoát.
Hai tên giặc Hán vung kiếm chém Tiếu Ngư. May thay, Dương Thạch và Dương Vân nhanh tay cản đường kiếm, tiện thể đưa chúng về chầu Diêm Vương. Quân Nam Hán thấy chủ tướng bỏ chạy lập tức rùng rùng chạy theo. Ngô Quyền, Võ Minh Nguyệt và Bùi Thiên Đức đã đến được chỗ Thiên Nam. Ông vừa đâm chết hai tên trong Thất Tinh và đang quyết chiến với năm tên còn lại. Thấy viện binh tới, lũ Phù Nguyệt quay lưng bỏ chạy nhưng không thoát. Thiên Nam đâm với được một tên, Ngô Quyền mỗi nhát đao một Ngân Vệ, Minh Nguyệt dùng cây Nguyệt hoa thương và Thiên Đức múa bát sà mâu diệt nốt hai tên còn lại.
Việt Nghĩa Đoàn đuổi quân Nam Hán quá trấn Bình Hoá thì phó tướng Tô Phi mang một vạn quân đóng ở Trường Châu đến cứu viện. Dương Đình Nghệ ra lệnh lui quân, lập phòng tuyến cách Bình Hoá hai mươi dặm. Năm vạn quân Lê Khắc Chinh mang đi, mười phần mất sáu bảy, lấy làm căm tức lắm. Sai điều thêm quân khắp nơi quyết trận tử chiến với Việt Nghĩa Đoàn. Nhưng đang mải quát tháo thì có thám mã về báo :
- Bẩm Nguyên soái! Doanh trại ở Lý Nhân bị tập kích. Quân cứu viện đến nơi thì giặc đã rút mất. Hơn nửa binh sĩ bỏ mạng. Cùng lúc, đội 8,9,10 Ngân Vệ bị những tên lạ mặt võ nghệ cao cường, tấn công. Gia Cát Thác, đội phó đội 9 và 17 anh em khác đã bị giết.
Mặt Lê Khắc Chinh còn đang xám ngắt vì tức giận thì kẻ truyền lệnh tên kinh cũng đến nơi, mang mật lệnh và khẩu lệnh của Tiết độ sứ
- Mời Nguyên soái nghe khẩu dụ của Tiết độ sứ. Từ lúc Nguyên soái cất quân đánh giặc, Giao Châu bị đặt trong vòng đe doạ. Đám tàn quân Phong Châu, Hồng Châu nhăm nhe tiến đánh kinh thành. Ngoài ra, bọn giặc trốn trên địa phận Giao Châu cũng đã hành động, gây nhiều thiệt hại cho quân ta. Nếu việc chinh phạt không kết thúc được trong một sớm một chiều thì Nguyên soái hãy thu quân về, tìm kế sách vẹn toàn. Ta mới sai sứ giả về triều cầu viện. Tin rằng Đại vương sẽ nhanh chóng gửi quân tiếp viện sang. Lúc đó, Nguyên soái tiến quân chưa muộn.
Lê Khắc Chinh đọc xong tờ mật lệnh, suy nghĩ một lúc lâu rồi ra lệnh thu binh.
…………..
Dương Đình Nghệ tuyên bố trong đại bản doanh Việt Nghĩa Đoàn:
- Anh em tứ xứ đã giữ lời hứa, khiến Lê Khắc Chinh buộc phải lui quân về Đại La. Trong cuộc chiến, chúng ta diệt 3 vạn quân Hán với thương vong không đáng kể. Chiến thắng này có công sức của tất cả chúng ta. Hỡi các tướng lĩnh và toàn bộ anh em binh sĩ, chúng ta phải giữ vững quyết tâm thắng không kiêu, bại không nản. Chúng ta không thừa thắng đánh đến tận kinh thành vì thời cơ chưa đến, tương quan lực lượng đôi bên vẫn còn chênh lệch lớn. Sau đây, thể nào Lý Tiến cũng cầu viện trợ. Nhưng, bản thân đất mẹ Nam Hán của hắn cũng đang đứng trước nguy cơ từ nhiều phía, chắc hẳn Lưu Cung chẳng còn tâm trí gửi quân sang nên mục tiêu hàng đầu là đánh gục sự chống cự của 7, 8 vạn quân Hán đóng trên toàn đất Việt, giành lại độc lập. Hôm nay tôi tuyên bố, Nghĩa Đoàn sẽ chính thức khởi binh vào tháng hai năm sau. Mọi người hãy hướng đến đích đó, rèn luyện hết mình để quét sạch bóng ngoại xâm ra khỏi bờ cõi.
Toàn thể Nghĩa Đoàn lắng nghe từng lời người chủ tướng nói mà lòng rạo rực. Họ đồng thanh hô vang.
“Diệt hết ngoại xâm, giành lại giang sơn”