CHƯƠNG 7
Tác giả: Nguyễn Trung Dũng
D ương Vân vẫn giữ nết ngủ trẻ thơ, thích xoay người lung tung khi đương giấc. Có hôm vì ngủ quá say mà chàng rơi xuống đất lúc nào bị cha trêu sau này nằm ôm chân giường cứ nhầm là bên vợ.
Mùi tanh nồng nặc làm Dương Vân lơ mơ tỉnh. Chàng đã ra sát mép giường, Mặt quay vào vách, tay thõng xuống đất. Thình lình, tay chạm phải một thứ lạnh ngắt, chàng giật bắn rụt lại và dụi mắt. Nhà tối đen, buồng trong không có động tĩnh gì, chàng lần cái bọc để đầu giường lấy mồi, dùng đá lửa khẽ đánh. Lửa bắt vào mồi, chàng soi xuống rồi nấc nghẹn. Từ trong gậm giường thò ra cánh tay đàn bà cứng đơ, trắng dã.
Choáng váng đầu óc, chàng nhớ tới khuôn mặt đáng sợ của lão già và cặp mắt rợn người của gã con. Một ý nghĩ kỳ lạ nảy ra, biết đâu mấy món ăn hồi tối được nấu bởi chính cái bàn tay, làm chàng muốn nôn oẹ. Thu hết can đảm, chàng cầm cánh tay kéo ra ngoài, gường gầm thấp nên vướng, mãi chàng mới lôi được nửa người. Người phụ nữ trạc tam tuần áo rách tơi tả với mái tóc xoã rối, cặp mắt mở to, miệng không ngậm lại được do cổ bị một vết cắt rất sâu, máu đã đông đặc. Dương Vân đứng chết trân.
Một đòn đánh giáng mạnh sau gáy làm chàng đổ gục xuống bên cạnh cái xác.
- Thằng ranh tọc mạch. Giọng cộc cằn của lão già cất lên.
- Bố cất nến chỗ nào? G ã con trả lời, tay sờ soạng.
- Để tao, l ão già châm lửa cây nến lấy trong góc tủ.
Căn phòng không dành cho kẻ yếu tim có một người nằm sấp mặt xuống sàn, nửa cái xác máu me và hai gã đầu trâu mặt ngựa đằng đằng sát khí. Nơi này vắng vẻ, đêm tối mông lung, chẳng nhẽ vận số của chàng trai trẻ đến hồi kết thúc.
Lão già nhấc ướm cái bọc của Dương Vân nói :
- Thằng nhóc xấu số. Đáng lý ra tao đã định tha cho nó.
- Tôi ra tay luôn nhé. Gã con hỏi ý kiến.
Tay gã đã cầm sẵn con dao sắc lẹm. Lão già nhìn Dương Vân rồi cái xác, gật đầu. Lão kệ cho thằng con hành sự, còn mình kiểm tra hành lý nạn nhân thì chó sủa dữ dội. Con mực báo có kẻ lạ mặt đột nhập. Lão ra dấu cho thằng con ngưng tay, kẻ nào mò đến đây giờ này.
- Cho hỏi có ai ở nhà không? Tiếng gọi hơi run từ ngoài vọng vào.
- Đêm hôm khuya khoắt đi chỗ khác kiếm chuyện.
- Tôi mệt quá, xin cho nghỉ nhờ, c ái giọng run run mừng rỡ khi có tiếng người trả lời.
- Mệt cũng đi đi, nhà có người bệnh sắp chết.
- Phải đi nữa... tôi chết mất... ông làm phúc... mở cửa.
Tiếng động xiêu vẹo bên bờ rào, tiếng con mực gào đinh tai, gã con trai thì thầm :
- Nhất cử lưỡng tiện. Bố ra đưa nó vào đây.
Lão già càu nhàu ra mở cửa, trăng đã lên soi hình người đang ngã dúi dụi chỗ bờ rào, con mực lồng lộn cố giật sợi dây vải quanh cổ chỉ chực lao tới. Lão quát mãi nó mới thôi, cái người đang lập cập đứng dậy mang bộ mặt dở già dở trẻ, nhìn cái tay run đủ biết sự suy nhược đã lên đến cổ, lão già nghĩ bụng đỡ mất thời gian, đi hẳn ra sân, nhường khách vào trước. Lão tính đóng luôn cửa lại trước khi khách nhìn thấy cảnh tượng trong nhà. Con mực nhấp nhổm nhưng sợ chủ không dám động.
Trong nhà, gã con đứng nép vào góc nhà, nắm chặt con dao chờ đợi. Gã không đâm Dương Vân ngay vì sợ tiếng động làm kẻ lạ mặt cảnh giác. Người khách hết sức mệt mỏi, ông ta xiêu vẹo đến nỗi lão già phải đưa tay đỡ vào nhà. Cả đời lão có đỡ ai bao giờ. Tay người khách run bắn, cứ run đi là vừa.G ã con đợi cha đóng cửa. Lão già một tay đỡ người khách, một tay cầm khoen cửa kéo vào. Thêm bước nữa là đâu vào đấy.
Bỗng. Lão thấy đau thốn nơi bụng, có vật gì sắc ngọt ấn mạnh vào cơ thể mà lão cảm nhận từng tấc một. Lão muốn kêu lên nhưng tiếng kêu chỉ ứ tại cổ. Tinh khí trào ra, sức lực đôi chân tiêu tan, lão trượt rũ xuống. Trong nhà chỉ thắp một cây nến nhưng vẫn đủ ánh sáng cho cái hoạt cảnh chầm chậm ấy, người khách lách mạnh tránh lưỡi dao nháng lên. Gã con quá đà xô bật cánh cửa rồi xoay người cái vèo, lưỡi dao rít lên hướng thẳng chỗ người khách đứng bên cạnh bàn ăn. Lúc vào, người khách đã thủ sẵn con dao phòng thân đâm lão già. Nay gã con tấn công nhanh quá làm ông phải quơ vội cái ghế gạt con dao. Con dao chém nhằm cái ghế mây mềm dẻo, trượt phập xuống, người khách tung chân đạp thẳng vào bụng gã con. Gã này quằn quại, con dao văng cạnh chân giường, người khách nhoài với lấy.
Gấu, gấu. Con mực man dại cắn đứt sợi dây buộc cổ, lao như tên bắn vào người khách, táp mạnh vào bàn tay định nhặt con dao. Ông này bị bất ngờ mất đà bám vào thành giường, con mực nhảy xổ cắn vào cổ họng người khách. Ông khách hất mạnh tay, con mực tru lên rơi huỵch xuống nhưng người khách cũng mất đà ngã ngửa ra sau. Con quỷ bốn chân nhanh nhẹn lao lên người, hàm răng muốn cặp vào yết hầu, ông khách vội chộp lấy cổ nó. Người và chó lăn lộn giằng xé trên nền nhà. Gã con gượng dậy sau cú đá, hắn lảo đảo chộp lấy con dao.
Chân con mực giãy giãy, uối dần. Tay không siết chết con chó to gần bằng con bê, đứng thẳng ngang vai người, chứng tỏ người khách có một sức mạnh phi thường. Gã con vung dao, người khách hất xác con mực sang bên, lăn sát vách để tránh. Lưng người khách chạm vào vách, cặp mắt gã sát nhân long lên, gã một lần nữa nhào tới. Gã rướn người, tỳ mũi chân dồn toàn bộ trọng lượng ra phía trước.
Huỵch! Một cường lực lao thẳng vào mắt cá chân của gã con khiến gã mất trụ ngã vật xuống sàn. Mặt đập vào mặt, miệng gã kề sát miệng người đàn bà đã chết tạo nên nụ hôn của tử thần. Con dao trong tay đâm ngược vào tim gã.
Dương Vân đau rát mặt. Chàng tỉnh dậy đúng lúc gã sát nhân chuẩn bị đâm người khách. Không kịp nghĩ ngợi, chàng đá mạnh vào mắt cá của gã. Miệng chàng bị chân gã đạp trúng, máu rỉ ra mằn mặn. Người khách đã đứng lên, ông gạt chân gã sát nhân ra và đỡ Dương Vân dậy. Chàng hết sức ngạc nhiên khi nhận ra người đàn ông ban sáng và ngạc nhiên hơn khi mặt ông tự dưng nhuốm đầy vẻ dữ tợn. Ông túm cổ áo ấn chàng xuống giường, quát bằng giọng nghẹt thở:
- Mày là ai?
Bàn tay đầy sức mạnh làm Dương Vân thực sự nghẹt thở.
- Buông.. tôi.. ra.. Chàng khò khè.
- Mày là ai?
- Tôi chẳng là ai cả, tôi… là... tôi, chàng túm tay người khách, cố gắng giằng ra, buông ra..
- Tao đã siết chết nhiều thằng kiểu thế này rồi. Mày thuộc đội nào của Kim Vệ?
- Kim... Vệ... nào... D ương Vân thở không ra hơi nữa, bộ mặt người khách ghê gớm chẳng kém bọn sát nhân làm chàng giận sôi. Buông ta ra, lão già điên..
Nhìn đôi mắt đỏ lừ vì tức giận hay vì bị siết mạnh quá, người khách hơi lỏng tay, giọng đanh như chuông :
- Cho mày hết chối. Cái gì đây?
Người khách bẻ cổ áo của Dương Vân rồi chỉ vào một chồi lá bằng chỉ trắng.
DDơng Vân chuẩn bị lên đường, chàng xếp vật dụng vào bọc, mặc bộ quần áo ưa thích thì cha bước vào phòng. Ông ngắm con trai cười bảo: "Con ăn mặc rất đẹp. Dáng công tử này sẽ dẫn cơ man nào là bọn binh lính, bọn trộm cướp đến". Nghe thế, chàng bèn hỏi ông nên mặc thế nào vì chàng chỉ toàn đồ dùng như thế. "Cha còn mấy bộ cũ" ông nói “con dùng thay đổi trên đường, đến nơi thì bỏ”
Chàng hiểu chính hình cái chồi lá này đã đuổi hai tên Kim Vệ và làm người khách nổi giận. Ông ta rõ ràng là quân khởi nghĩa cải trang. Nhìn vẻ mặt thật thà của chàng, người khách đã nghĩ có thể mình sai, nhưng sẽ rất nguy hiểm nếu... Ông dằn giọng:
- Chỉ vài kẻ thế lực nhất thành Đại La mới có quyền mang dấu hiệu Thanh Lạc diệp. Hoá ra vô tình ta tóm được con cá lớn.
- Cháu không phải là cá, D ương Vân lẻo miệng cãi. Cái áo này cha cháu mua lại của bác hàng xóm.
- Mày là láng giềng của Lê Khắc Chinh hay Lưu Văn Hoa? Người khách cười khẩy.
- Bác thợ may hàng xóm thường hay mua quần áo cũ, đem sửa rồi bán. Cháu nhớ hôm đấy bác khoe mua rẻ của mấy nhà giầu. Cha cháu thấy còn tốt nên bảo bác để lại, nể tình hàng xóm nên bác ấy nhường cho một đôi. Cha cháu nói có thể do người hầu trộm đồ của chủ. Cháu đi, cha bắt đem theo.
Người khách nhìn xoáy sâu như muốn moi những ý nghĩ từ đôi mắt Dương Vân, nhưng chàng không hề tỏ ra bối rối.
- Phóng tác hay lắm. Người khách buông câu làm chàng giật mình. Dùng quần áo cũ của người, nên dành dụm được lắm tiền gớm.
Lão già ban nãy đã bới tung tay nải của chàng, dăm đỉnh bạc lóng lánh dưới ngọn nến.
- Của bác họ cháu đưa. Bác ấy buôn vải ở chợ Đông nhiều năm, phần cho cháu làm lộ phí, giấu không cho cha biết, còn lại nhờ cháu gửi cho anh họ.
Không còn câu hỏi nào nữa vì người khách nhớ ra Lê Khắc Chinh từ lâu đã thay dấu hiệu Thanh Lạc diệp bằng Đồng Xà. Ông buông Dương Vân, nói lời xin lỗi. Chàng chỉnh lại áo quần, làm đôi câu khách sáo. Người khách ân cần hỏi, vẻ mặt khác hẳn khi trước :
- Tôi tưởng cậu kịp đến làng Bùng, ai dè lại rơi vào ổ quỷ.
Dương Vân bèn kể tường tận từ lúc chàng tạm biệt người khách, không đến kịp làng Bùng trước khi trời tối phải vào đây xin nghỉ chân, rồi phát hiện ra xác chết và bị đánh ngất.
- Chúng ta có duyên với nhau, tôi vốn định ngủ tại làng thì biết bọn Kim Vệ sắp đi càn. Còn nửa dặm đến làng Bùng nhưng tôi quyết định dừng chân vì e nơi đó cũng gài quân mai phục. Vừa nhìn thấy con chó tôi sững người, biết ai đang nấp trong nhà.
- Bác biết bọn nó từ trước ư?
- Hơn năm về trước, hai vùng Trường, ái sảy ra liên tục những vụ tấn công. Hung thủ giấu mình trong bóng tối, nhằm vào các ngôi nhà đơn lẻ trên đường, cướp hiếp giết cực kỳ dã man. Nhân dân rất căm phẫn nhưng bất chấp sự truy lùng của binh lính Hán lẫn quân khởi nghĩa, kẻ sát nhân vẫn thoải mái hoành hành. Chỉ đến lúc có đứa trẻ thoát chết tại ngôi nhà vùng giáp ranh. Buổi chiều, thằng bé nghịch ngợm làm vỡ cái bát hoa, sợ bố đánh nên trốn sau vườn rồi ngủ quên mất. Tỉnh dậy nó nhìn thấy hai gã đàn ông, một già một trẻ dắt con chó mực lông xù to tướng rời khỏi. Nó chạy vào nhà và ngất đi khi thấy thảm cảnh kinh hoàng trong đó. Thu thập chứng cứ người ta biết những kẻ thủ ác thường buộc con mực được dạy dỗ kỹ lưỡng bên ngoài để đánh động. Người ta đổ xô vây bắt nhưng bọn chúng đánh hơi thấy nguy hiểm đã chuồn mất tăm.
Người khách nhìn những con quỷ bằng ánh mắt kinh tởm, ông cùng Dương Vân khênh cái giường sang bên. Dưới gầm chỉ có xác người đàn bà, họ nhẹ nhàng đặt cô lên giường. Người khách kéo lão già vào, chốt cửa, châm mồi lửa xem xét buồng trong. Máu loang khắp nơi, 1 người đàn ông bị đâm nhiều nhát nằm vắt trên cái ghế con, tử khí xông lên nồng nặc, bọn cướp ngủ được ở đây chứng tỏ đã mất hết nhân tính. Họ lần ra sau bếp gặp xác bà cụ già bên giếng nước, họ tìm rất kỹ trong vườn, bờ ao không còn cái xác nào ngoài xác con chó vàng sau bụi cây. Có lẽ nhà chỉ có 3 người. Dương Vân đi tìm cuốc, người khách chọn chỗ thoáng trong vườn. Họ hì hục đào đến canh hai, dùng chiếu quấn rồi mang thi thể những người bất hạnh ra chôn. Họ đứng im lặng nhìn mấy cây nhang tỏa khói dưới ánh trăng ảm đạm. Đời người chỉ là bóng phù vân, thật thiệt thòi nếu không sống hết mình mà ôm mối hận lúc ra đi.
Người khách bảo :
- Chúng ta ra giếng rửa mặt cho tỉnh táo rồi đi ngay trước khi bọn lính phát hiện.
- Bác đi nhiều biết rộng, liệu có thể chỉ cho cháu đường đến Dương Xá, ái Châu được không ạ? D ương Vân dồn can đảm, hỏi.
- Cậu tới Dương Xá làm gì?
- Cháu nghe nói Dương hào trưởng là người nhân nghĩa đởm lược, nuôi lòng phục quốc, nên muốn xin về dưới trướng nguyện đem sức lực đền nghĩa non sông.
- Rất có chí khí. Người khách khen ngợi. Tôi sẽ dẫn cậu đến tận nơi. Tôi tên Ngô Lâm.
- Cháu là Dương Vân, cảm ơn bác vì đã giúp đỡ.
- Khỏi cần khách sáo. Chúng ta đều mỗi người cứu nhau một lần, coi như đã là bằng hữu.
Trời tang tảng sáng, đầu làng Nải gà gáy mới le te, trên đường đã tấp nập, nào nông dân, nào mục đồng, nào người ra sớm mở hàng, người quang gánh đi chợ.
- Làng Nải tiếp giáp với trấn Đan Hồng, chúng ta tìm chỗ nào đó nghỉ ngơi lấy sức đi tiếp.
Hai người chọn cái quán cạnh bụi tre. Bà chủ quán đon đả:
- Mời các bác vào quán em, sáng uống bát chè xanh sảng khoái tinh thần, ăn nắm xôi nóng muôn phần chắc dạ. Xin mời hai bác..
- Chị mở hàng sớm nhỉ. Ngô Lâm bắt chuyện.
- Vâng, hàng em mở sớm nhất làng đấy. Các bác hẵng làm bát chè cho ấm bụng, trời lập đông đến nơi rồi.
Dương Vân bưng bát nước lên, hơi ấm làm chàng tỉnh táo hẳn. Chàng mời Ngô Lâm rồi làm một hơi hết nửa bát, đến đâu sảng khoái đến đấy.
- Chè ngon. Ngô Lâm tươi tỉnh. Chị cho bọn tôi cái gì ăn đi, đói run cả người.
- Có ngay. B à chủ quán ngân giọng. Xôi em vừa nấu xong còn nóng hổi, mẻ này nhiều đậu đảm bảo các bác ăn sẽ rất ngon miệng.
- Ngon lắm, ăn mạnh lên cháu.
- Miệng cháu bị sao? Bà chủ quán quan tâm, hỏi.
- Sáng đi không nhìn nên cháu quệt vào cành cây. D ương Vân nói tránh.
- Khổ chưa, lấy thuốc bôi vào kẻo lại sưng húp lên.
- Tôi đã bôi cho cháu, đến trưa là lặn thôi. Ngô Lâm đỡ lời.
- Hai bác cháu vào thăm thành Đại La à?
- Chúng tôi ngược Lý Nhân. Đêm qua ngủ ở làng Bùng, sáng nóng ruột dậy sớm quá.
- Đêm qua lính áo vàng càn bắt loạn đảng tại làng Bùng, chả trách bác không ngủ được.
- Thế ư? Chắc do chúng tôi ngủ ở rìa làng nên không biết. Ngô Làm làm ra vẻ ngạc nhiên. Thảo nào đêm cứ thấy ầm ầm... Họ phát hiện ra loạn đảng hả chị?
- Tôi không rõ lắm, cậu út nhà tôi sớm nay từ làng Bùng về sớm. Tôi thấy cái bọn trộm gà cướp chó ấy nhiễu dân mình là chính, b à chủ quán hạ giọng, có ngày mấy ông nghĩa quân đến đuổi cho vắt chân lên cổ bác nhỉ. Tôi nghe nói bọn nó sợ mấy ông nghĩa quân lắm nên chỉ dám ru rú gần chuồng, bắt nạt người lành...
- ối! Chị nói nhỏ thôi không nhỡ đâu bọn nó ở gần đây nghe được thì khốn.
- Chẳng ngại, giọng bà chủ quán hạ thấp thêm ít nữa, bọn nó thấy làng này gần trấn nên chẳng canh phòng. Chứ vào trấn nó kiểm tra ghê lắm, đồ đạc hành lý phải khai báo hết. Bác đến đấy nên lót tay cho bọn nó mấy đồng. Có ông không chịu, nó vu cho làm phản, bị bắt bỏ đại lao rồi. Mình nên tránh chuyện lôi thôi bác ạ.
- Cảm ơn chị, tôi không biết lệ nếu không được chị nhắc thì lôi thôi to.
- Giúp nhau là chuyện nên làm Em phải nhắc thêm là bác chỉ đưa tiền cho thằng chỉ huy áo vàng thôi.
- Tôi sẽ nhớ.
Hai người rời quán, Ngô Lâm nói với Dương Vân :
- Bà chủ quán có ý tốt nhắc trước cho chúng ta. Tôi nghĩ cái dấu hiệu trên áo của cậu chỉ khi bất đắc dĩ mới mang ra dùng. Còn ở trấn Đan Hồng để mặc tôi xoay sở.
Họ đến trạm kiểm tra ngoại trấn đã thấy hàng người xếp dài chờ đến lượt. Mấy tốp lính kiểm tra từng ly từng tý đồ đạc, được chỉ huy bởi một gã đội viên Kim Vệ. Người nào nhanh tay dúi cho gã này ít tiền sẽ được giải quyết nhanh gọn, nếu không thì chịu khó đứng đợi, nghe chửi bới điếc tai, định cãi lại ư, nhẹ thì ăn đòn, nặng thì bị lính lôi đi, đến đâu có giời mới biết. Đến lượt mình, Ngô Lâm khéo léo đút vào tay tên đội viên ít bạc. ướm thấy khá hời, hắn bảo bọn lính cho qua luôn. Ngô Lâm nhanh nhẹn kéo tay Dương Vân đi thẳng vào trong trấn.
Trấn Đan Hồng nườm nượp kẻ mua người bán, hàng hoá được vận chuyển ngược xuôi, cửa hàng cửa hiệu nhiều đến hoa cả mắt. Ngô Lâm dẫn Dương Vân đi xem một vòng cho biết, tranh thủ mua thêm vài vật dụng. Họ dừng chân trước một cái cổng lớn, Ngô Lâm hỏi:
- Cậu thấy Đan Hồng thế nào?- - Đúng như cha cháu dạy, Đan Hồng phồn hoa chẳng kém Đại La bao nhiêu.
- Cha cậu đến đây rồi à?
- Cha cháu đã buôn bán ở nhiều nơi.
- Thế cha cậu có biết cậu định đến Dương Xá không?
- Dạ, có biết, cha muốn cháu gia nhập đoàn quân chiến đấu. Khi chia tay cha còn hẹn gặp lại cháu ở thành Đại La trong ngày chiến thắng. D ương Vân ngùi ngùi.
- Nếu trong chúng ta, ai cũng nghĩ được như cha cậu, chẳng mấy chốc chúng ta sẽ tống cổ quân xâm lăng ra khỏi bờ cõi. Được, hãy vững tin lên đường nào.
Ngô Lâm mạnh mẽ rảo bước, Dương Vân lòng tràn đầy phấn khởi nối bước. Trước mặt họ là ánh hồng rực rỡ. Sau lưng họ, bên trên cánh cổng lớn là tấm bảng đề bốn chữ "Hiệu buôn Trung Nghĩa".