watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Dòng Đời-Chương 2 - tác giả Nguyễn Trung Nguyễn Trung

Nguyễn Trung

Chương 2

Tác giả: Nguyễn Trung

Khác với mọi hôm, sáng nay dậy Lễ không tập thể dục.

Gập chăn màn và làm vệ sinh cá nhân xong, Lễ trải lại cái chiếu cho ngay ngắn rồi lặng lẽ ngồi trên tấm phản cá nhân của mình, hai tay ôm đầu, mặt gục lên hai đầu gối. Đại tá nguỵ Tôn Thất Loan đi rửa mặt về, thấy Lễ vẫn ngồi ủ rũ, gạn hỏi:

- Anh không chuẩn bị đi ăn sáng à? Chắc thư anh nhận tối hôm qua có chuyện chẳng lành?

Lễ như không nghe thấy gì.

- Khuya lắm mới thấy anh trở vào mắc màn đi ngủ. Hình như đêm qua anh khóc? - Loan tỏ vẻ ái ngại cho bạn. Loan là hàng xóm của Lễ, đơn giản vì giường ngủ của họ cạnh nhau và cũng là người thường tâm sự với Lễ.

- Đúng. Mình khóc vì bức thư ấy, thao thức đến sáng. Thư từ ngoài Bắc gửi vào... Anh cáo ốm với cán bộ phụ trách hộ tôi được không?.

- ...

Khi mọi người lục tục kéo nhau đi hết sang nhà ăn, sự huyên náo trong khu lán tắt hẳn. Trơ trọi một mình giữa lán, thỉnh thoảng Lễ ngửng lên, hai tay chống cằm, mắt đăm đăm dán nhìn vào cái mái tôn trên đầu. Nhìn chán rồi lại gục xuống. Có lúc Lễ lấy ra từ túi áo ngực lá thư, đưa ra trước mặt, nâng niu, để ngắm nhìn, chứ không phải để đọc. Có lúc anh xoay đi xoay lại lá thư trong tay như đang nói chuyện với lá thư ấy, vẻ mặt ngây dại. Hai quầng mắt của Lễ từ nhiều ngày nay thâm sẫm vì biết bao nhiêu chuyện ngổn ngang từ khi bước chân vào trại, bây giờ lại trũng sâu hẳn xuống. Ngắm nhìn bức thư mãi, Lễ lại cẩn thận gập lại, nhẹ nhàng cho vào túi áo ngực, không nén nổi những tiếng nấc khan nghẹn ngào. Lễ cố gắng không khóc thành lời.

Tối hôm qua, sau buổi sinh hoạt văn hoá của trại - xem phim Vỹ tuyến 17 - ngày và đêm , cán bộ phụ trách lán của Lễ yêu cầu Lễ lên ngay Văn phòng Ban chỉ huy trại.

- Chào ông Lễ, ông có thư của gia đình từ Hà Nội gửi vào.

- Dạ, thư của tôi ạ?

- Phải.

- Thật đúng là tôi có thư ạ? Từ ngoài Hà Nội?

- Xem dấu bưu điện thì thư gửi từ Hà Nội.

- Chắc là thư của cậu mợ tôi và các anh em tôi!.. - Lễ quá mừng, hỏi dồn, quên mất cả chào đáp lại người cán bộ Văn phòng trại.

- Đúng thế. Ban chỉ huy trại nhận được thư của ông Phạm Trung Chính. Trong thư ấy có gửi kèm bức thư này và nhờ chúng tôi chuyển cho ông. Thư ông Chính viết cho Ban chỉ huy trại kể rõ tình hình gia đình ông ngoài Hà Nội. Xin gửi lời chia buồn với ông, dù chuyện đau buồn xảy ra đã lâu rồi. Đây là thư của ông...

Tai Lễ ù lên, hai tay giật lấy bức thư, không kịp cảm ơn, cắm đầu cắm cổ chạy về lán.

... Lễ không nhớ đã ngồi ngoài hiên đọc bức thư này lần thứ bao nhiêu. Trong lán đã tắt đèn đi ngủ từ lâu. Lễ vẫn ngồi đọc. Anh nhớ từng dấu phẩy, dấu chấm, từng con chữ nghiêng ngả, nhưng vẫn đọc. Lễ nghĩ mình đang nói chuyện với mẹ, anh Chính, anh Nghĩa... Trời ơi, cậu không còn nữa, gia đình em Minh... Lễ ngồi khóc thầm một mình, mãi tới lúc anh bộ đội trực đêm kiên quyết yêu cầu Lễ trở vào lán.

Một đêm dài thổn thức...

Tiếng kẻng đợt đầu báo hiệu hết giờ ăn sáng, sắp đến giờ lên lớp. Lễ bị dứt ra khỏi những suy nghĩ miên man của mình. Anh gấp lá thư cho vào túi áo ngực với những cử chỉ như đang nâng niu những người thân. Mọi người đi ăn sáng trở về lán chuẩn bị tập họp, điểm danh để đi lên hội trường.

- Nghe nói đêm qua anh đọc cái gì mà thờ thẫn ngây đơ ra thế? Thư của vợ hay thư từ Mỹ? - đại tá nguỵ Ngô Quang Uông, một sĩ quan bị Thiệu tống giam cùng với Lễ và được thả sau Lễ một tuần, hỏi thăm bạn.

- Thư của gia đình ngoài Bắc.

- Ủa, có thư ngoài Bắc hả? Chắc là làm cách mạng mới gởi thư được vô trại. Có làm to không? Có xin cho ra trại sớm được không?

- Không biết.

- Hình như anh là người thứ hai hay thứ ba trong lán mình được nhận thư đấy. Mới có bốn tháng vào trại, mình có cảm tưởng đã bước một chân sang thế giới bên kia rồi. Vợ con họ hàng bặt vô âm tín.

Lễ ngồi im.

Thấy bạn buồn rầu, Uông không hỏi thêm gì nữa.

Một lát sau Tôn Thất Loan đi tới:

- Tôi đã cáo ốm cho anh rồi đấy. Cán bộ phụ trách đồng ý.

Ít phút sau, cái lán thênh thang lại lặng như tờ. Ngoài hiên nắng sớm lấp loáng xiên chếch các lùm cây. Chim sẻ líu ríu từng đàn sà xuống kiếm ăn. Thỉnh thoảng có đàn đột ngột đập cánh vù vù bay đi. Xa xa tiếng chim gáy cúc cu ru... cúc cu ru... vọng lại từng hồi... Giữa không gian của núi rừng tĩnh mịch, Lễ ôm đầu co quắp nằm xuống cánh phản, hai mắt nhắm nghiền. Một lúc sau, những tiếng khóc không thành tiếng nhưng không dồn nén được nữa...

...Mặc dù cuộc sống đã diễn ra như đã diễn ra, nhưng Lễ vẫn không sao tưởng tượng nổi từ một chuyến hai anh em Lễ đi chơi với chú thím Học và Mạnh, gia đình Lễ bỗng nhiên kẻ Nam người Bắc, mỗi bên một chiến tuyến quyết liệt, kẻ mất người còn. Tình thương bố mẹ, thương anh em máu mủ ruột thịt trỗi dậy, giằng xé Lễ, vật lộn với những lẽ sống Lễ đã lựa chọn... Ôi mình còn nhớ rõ lắm: Phải mất đến hai, ba năm mình và chú thím Học thay nhau dỗ Hoài! Nó cũng bỏ không chơi với Mạnh nữa. Lúc nào con bé cũng nằng nặc đòi ra Hà Nội vì nhớ nhà, hết khóc lại ngồi buồn thiu một chỗ, người gầy đét không chịu ăn uống vì khóc quá nhiều. Có lúc cả mình và Hoài cùng khóc... Bỗng dưng gia đình xé lẻ! Song là con trai, lớn lên, Lễ dần dần hiểu được, chịu đựng được, dồn nén mọi thương nhớ vào hy vọng, vào khát khao tiến thủ của tuổi trẻ...

...Thư anh Chính nói rõ ai còn ai mất, kể biết bao nhiêu chuyện từ ngày Lễ và Hoài vào đây với Mạnh và chú thím Học... cho tới lúc anh Nghĩa đã liên hệ được với trại, đã đến thăm gia đình ông quản gia... Ba mươi năm đằng đẵng... Chỉ một chút may mắn nhỏ nữa là anh Nghĩa đã có thể gặp mình tại trại này, trời ơi... Chắc anh Chính thế nào cũng viết thư cho Thảo, hy vọng Thảo sẽ bớt lo và sẽ không làm điều gì đường đột lúc này. Từ ngày vào đây vẫn chưa có thư từ tin tức gì của Thảo và hai con... Ngày ngày những điều xì xào giữa các sĩ quan cải tạo trong các lán về những làn sóng di tản, về hải tặc... Lễ lúc nào cũng như có lửa đốt trong lòng. Hy vọng anh Chính sẽ sớm viết thư cho Thảo...

Hết dằn vặt về gia đình lớn của mình ngoài Bắc, âu lo lại dồn dập vào gia đình riêng, tâm trạng Lễ rối bời càng rối bời... Vào những lúc bế tắc nhất, ý nghĩ bỏ trốn tưởng như không cưỡng nổi. Đã mấy lần hết giờ lao động, Lễ kiếm cớ không về lán ngay, khi thì lần chần bên ngoài miệt vườn tăng gia, khi thì quanh co trên đường về trại, trong đầu tính toán kế đào tẩu... Có lần Lễ đã cố ý cuốc vào chân, tìm cách nán lại một mình bên lề đường, ngó trước ngó sau... Thế rồi lần nào cũng vậy, một lực vô hình nào đó lại dựng thân thể Lễ đứng lên, hai chân tự lê bước về trại như người vô hồn. Mới chưa đầy bốn tháng...

...Cầu trời khấn Phật Thảo sớm nhận được thư của anh Chính...

Nhờ bức thư của anh, Lễ cảm thấy đỡ lo hơn, nhưng lại tự cật vấn mình quyết liệt hơn. Về cuộc sống, về lẽ sống, về tất cả...

Chẳng lẽ phải chờ đến lúc thất trận mới nhận biết được mình là kẻ phản quốc? Cái triết lý được làm vua, thua làm giặc là thế này sao? Nếu Mỹ thắng, Nguyễn Văn Thiệu thắng, mình sẽ nổ sâm banh tung trời? Cuộc chiến tranh này là của ai? Vì ai? Chống ai? Chẳng lẽ Mỹ tự dưng đi một nửa trái đất, bỏ hàng trăm tỷ đô la, chuốc lấy cái chết của hàng vạn lính Mỹ chỉ để chiếm lấy mảnh đất nghèo khổ, không bằng một bang của nước Mỹ? Trong các buổi học chính trị, các ông cán bộ cộng sản nói lên cái lý lẽ của các ông ấy về cuộc chiến tranh này. Lô gích lắm, nhưng vẫn là lý lẽ của các ông ấy...

...Còn mình, chính bản thân mình, tại sao lại tham gia vào cuộc chiến này? Tự nguyện? Bị lừa? Hoàn cảnh xô đẩy? Bị cám dỗ? Số phận?

Không phải bây giờ, từ lâu lắm rồi, có biết bao nhiêu sự kiện, hoàn cảnh làm bật dậy những câu hỏi, những điều nghi hoặc. Những ý nghĩ này lúc ẩn hiện lờ mờ, lúc nện chát chúa trong đầu.

...Tại trận càn Quảng Ngãi, đã có lần mình phải quay mặt đi, vì tận mắt nhìn thấy bọn lính Mỹ cắt tai những du kích Việt Cộng chúng giết được, xâu những cái tai bị cắt làm thành vòng đeo cổ, đếm thi nhau xem đứa nào giết được nhiều, cá cược với nhau lấy các lon bia... Chúng bắn như đổ đạn, hãm hiếp bất kỳ phụ nữ nào chúng bắt được, trẻ em chạy trốn nơi chúng đóng quân trở thành những mục tiêu bắn thử để tiêu khiển. Rồi đến Sơn Mỹ, Mỹ Lai... Ôi giả thử mình muốn trốn cuộc chiến tranh này. Mình có trốn được không? Có dám trốn không? Có gan đứng về phía bên kia không?

... Ngay tại Sài Gòn này, suốt cuộc chiến, từ những ngày đầu tiên còn thời Pháp và Bảo Đại, cho đến lúc hàng rào Dinh Độc Lập bị xe tăng Việt Cộng húc đổ, không có lấy một ngày nào thiếu vắng sự hoạt động của các lực lượng phe cộng sản. Lúc đầu là Việt Minh, rồi đến Việt Cộng, bất chấp tất cả. Không ít thanh niên, sinh viên Sài Gòn đứng về phía họ. Đại sứ quán Mỹ gần như thất thủ nhiều giờ trong Tết Mậu Thân 1968. Đến nỗi tướng cảnh sát Nguyễn Ngọc Loan chĩa súng bắn vào đầu một Việt Cộng bị trói ngay trên đường phố... Cả thế giới phỉ nhổ cái nước Cộng hoà này - chính mình cũng thấy ghê ghê thế nào ấy... Các phong trào đồng khởi, phong trào Phật giáo, Hoà Hảo, Cao Đài... chống Mỹ, chống chính quyền Sài Gòn... Bùng lên hết nơi này đến nơi khác, lan ra khắp miền Nam. Đám bạn bè cùng học Luật với Thảo có nhiều người tham gia, nhưng chính mình lại đứng trong hàng ngũ những người thực hiện kế hoạch làm xẹp các phong trào này.

Dân chúng bốn phương - trước hết từ các "trại dinh điền”, các “ấp chiến lược” thời Ngô tổng thống, sau đó từ hầu hết các vùng nông thôn... chạy loạn dồn ứ vào thành phố, nheo nhóc...

...Các khu nhà ổ chuột la liệt bám theo các kênh rạch, lan ra các bến bãi. Cả Sài Gòn dần dần trở thành cái nhà thổ khổng lồ của quân Mỹ và quân Cộng hoà. Các chợ trời, các phố nhan nhản các cửa hàng P.X. dành cho lính Mỹ - có thể mua từ bao cao su, thuốc chống bệnh hoa liễu, viên chống thụ thai, nước hoa, đồ lót phụ nữ, đến rượu mạnh, ảnh tổng thống Johnson, quân phục, lon nhà binh Mỹ... Ôi, chẳng lẽ đấy là những thay đổi lớn lao nhất của Hòn ngọc Viễn Đông mình được chứng kiến kể từ khi theo chú thím Học vào trong này? Tất cả diễn ra hàng ngày sờ sờ trước mắt. Mình biết rất rõ, nhưng vẫn đứng trên phía chiến tuyến bên này, không có gan suy nghĩ về những điều tai nghe mắt thấy?

Hay đấy là sự lựa chọn của chính mình?..

Lễ khổ sở ôm đầu vật vã, chốc chốc oằn người lên, lật đi lật lại trên tấm phản như đang hứng chịu những ngọn roi vô hình. Nằm co quắp trên tấm phản tại cái trại cải tạo này, Lễ dượt đi dượt lại cả cuộc đời đứng trong quân ngũ Sài Gòn, kể từ khi đặt chân vào trường sỹ quan Đà Lạt... cho đến lúc này. Đôi khi Lễ không tránh khỏi rùng mình vì cái lạnh buốt khắp cơ thể, có lúc xói lên óc... Những sự việc chính tay Lễ đã tham gia, những sự kiện chính Lễ là nhân chứng, những con mắt chọc thủng con người Lễ...

- Việt Cộng và những người dân theo họ lấy ở đâu ra ý chí như vậy?

- Họ chiến đấu vì cái gì?..

- Đấy là lý tưởng hay là một thứ cuồng tín?

Lễ không tìm được bất kỳ câu trả lời nào mình chấp nhận được.

... Mình đã từng tháp tùng một số tướng tá Mỹ và Sài Gòn đến thị sát trường Hạ sỹ quan Bảo Lộc này. Còn bây giờ, chính mình lại nằm trên tấm phản này... Chẳng lẽ đấy là chặng đường đời mình đã lựa chọn?

... Nếu Mỹ thắng, Thiệu thắng, mình có tự truy bức lương tâm như thế không? Những gì cha chú mình và anh em mình ngoài ấy theo đuổi không thuyết phục được mình, nhưng khó có thể nói là sai được… Cùng một dòng máu sinh ra, nhưng trong con mắt những người ruột thịt mình trở thành người phản nghịch mất rồi à? Phản nghịch chống lại chính gia đình mình, đất nước, tổ tiên mình!? Mình làm sao chấp nhận được điều này?

... Không thích cộng sản thì bắt buộc phải chống cộng, cũng có nghĩa là bắt buộc phải chống lại gia đình, đất nước, tổ tiên mình? Chẳng lẽ gia đình, đất nước tổ tiên và cộng sản chỉ là một? Vô lý! Vô lý quá đáng!.. Làm sao có thể có sự đồng nghĩa kỳ quặc đến mức như thế được? Hay là hoàn cảnh lịch sử trớ trêu của nước mình sản sinh ra sự đồng nghĩa quái đản này? Chẳng lẽ mình không có cái bản chất làm người ư? Mình chẳng đang khốn khổ về Thảo, về Huệ, về Tín và chú Thành đấy sao? Không biết sức khoẻ của Thảo bây giờ thế nào? Chẳng lẽ mình không phải là người? Các bài giảng của cán bộ trại không đem lại cho mình câu trả lời nào thuyết phục... Người cộng sản yêu nước theo kiểu cộng sản. Người chống cộng yêu nước theo kiểu chống cộng. Nói người chống cộng không có tổ quốc thì không thể chấp nhận được. Cũng không thể chấp nhận xã hội chỉ có công hữu và cái chế độ đằng sau bức màn thép. Mình đã đọc biết bao nhiêu bài báo về Bắc Việt, Nga Xô, Trung Cộng... Chính vì những điều này chú thím Học đã dắt díu nhau cao chạy xa bay từ năm bẩy ba (1973), khi trời mới chuyển gió. Nhưng mình cũng không làm sao phủ nhận được sự đồng nghĩa kỳ quặc.

... Mình yêu nước theo cách của người chống cộng? Nghĩa là trong mình cũng có ý thức về yêu nước, về chiến đấu cho đất nước theo cách suy nghĩ của mình? Nhưng đất nước nào? Đất nước của ai? Của cần lao nhân vị như họ hàng Ngô tổng thống đề xướng? Các ấp chiến lược, các “trại dinh điền”, máy chém lê đi khắp nơi... Anh em Ngô tổng thống đã quyết tâm nhổ cỏ nhổ cả rễ... Ngô tổng thống từng giảng giải yêu nước không thể không kính chúa và không chống cộng... Nhưng rồi chính ông ấy bị Mỹ hạ lệnh giết. Ở Sài Gòn ai không biết chuyện này? Thế là thế nào?..

Lễ cảm thấy có cái gì lùng bùng trong đầu, hai bên thái dương giật mạnh.

... Thế nhưng trừ một số thành thị lớn, tại sao hầu như khắp miền Nam đều nổi dậy chống Ngô Đình Diệm? Vì sao Mỹ cử Ca-bốt Lốt-giơ (Cabot Lodge) sang thay Nôn-tinh (Nolting) để thực hiện kế hoạch loại anh em họ Ngô(*)•[(*) Tháng 10 năm 1963.

...Mình nhớ lắm, từ lúc anh em họ Ngô bị giết cho đến lúc quyền lực rơi hẳn vào tay nhóm Thiệu - Kỳ, cả thảy lớn nhỏ có đến bảy, tám cuộc đảo chính. Báo chí phanh phui: để ai, loại ai, đều do CIA đạo diễn tuốt luột. Đấy là quốc gia Đại Việt của mình? Đấy là nền Cộng hoà, là nhà nước mình mong muốn?..

Mỗi sự việc của dĩ vãng là một câu hỏi...

Do làm nhiệm vụ trực tiếp chuyển những công văn mật của thượng cấp - phần lớn từ chỗ Nguyễn Văn Thiệu, đến Bộ Tổng tham mưu và các tướng - một nghề "loong toong"(**) [(**) Planton.? ] cao cấp, Lễ có dịp tiếp xúc với nhiều tướng của quân đội Sài Gòn. Bây giờ Lễ càng hiểu vì sao trong buổi chiêu đãi ngày Quốc khánh Hoa Kỳ năm ngoái, Tac-gác (Taggart), viên lãnh sự Mỹ ở Biên Hoà, bỗng dưng lôi Lễ ra một góc vườn kể chuyện cổ tích:

- Chuyện nhà họ Ngô năm nào bi thảm quá, phải không trung tá Lễ?

- Vâng, thật là bi thảm. Có thể đây là một sự hiểu lầm đáng tiếc không, ngài lãnh sự?

- Sao trung tá lại hỏi thế?

- Vì có lần đại sứ của ngài than phiền với Bộ trưởng của tôi rằng vụ việc này tốn nhiều máu quá.

- Quả có thế. Mong các vị hãy nhìn lại bi kịch nhà họ Ngô để tránh những điều đáng tiếc!

Tai Lễ nhiều lúc còn ong ong cái tiếng Mỹ éo éo của Tac-gac. Lão cứ như là vừa nhai vừa nói, để nhả ra những lời nước đôi.

... Mình không thể quên được quai hàm nó lúc trẹo sang trái, lúc ngoặt sang phải, mắt nhìn không động đậy, thái độ tỉnh bơ đến mức người ta tưởng trong mồm nó có một máy ghi âm phát ra những lời đã thu sẵn...

Lễ hiểu đấy là lời ngầm nhắn cho các tướng Minh lớn, Tôn Thất Đính, Trần Văn Đôn, Trần Thiện Khiêm, Nguyễn Cao Kỳ... Ngay tối hôm đó Lễ đã báo cáo đầy đủ câu chuyện với thượng cấp, tình hình chiến sự lúc này ngày càng bi đát.

Như vậy mà gọi là quốc gia, là đất nước của mình? Mình yêu quốc gia này, đứng về phía quốc gia này, chiến đấu vì nó? Mỹ đã rút quân rồi, đây là cuộc chiến tranh của mình hay của Mỹ? Đất nước này là của mình hay của Mỹ? Là đất nước làm việc cho Mỹ? Sứ mệnh của Hoa Kỳ đối với thế giới tự do...

... Người ta cũng bảo Hà Nội là tay sai của Nga Xô và Trung Cộng. Tất cả mọi thứ của Việt Cộng để đánh nhau là Nga Xô, là Trung Cộng tiếp tế. Cộng sản mà chiếm được Sài Gòn, cả thế giới tự do sẽ theo nhau đổ ụp như các con bài domino... Báo chí ra rả hàng ngày: Trung Cộng quyết tâm đánh Mỹ đến người Việt Nam cuối cùng... Hoa Kỳ quyết thực hiện đến cùng cuộc chiến tranh qua tay người khác... Mãi cho đến khi Nixon đi Bắc Kinh năm 1972... Thế là thế nào? Cái gì là thật, cái gì là giả? Điều gì đúng, điều gì sai? Lấy gì làm chuẩn mực?.. Domino thì mặc mẹ domino, sao lại ngoặc vào nước mình?

Lễ vò đầu bứt tai, đối chiếu với nhau những suy nghĩ không biết tự đâu cứ ùn ùn đổ về trong đầu. Những ý nghĩ va đập chan chát với những bài giảng của cán bộ trại cải tạo...

- ... Thắng to rồi! Thắng to rồi! Whisky. Lấy nhiều Whisky ra đây uống cho đã. B52 đập tan sào huyệt cộng sản ngay trong lòng Hà Nội...

- Quà lễ Giáng sinh của Nixon tặng Hà Nội!

- Ý nghĩa lắm, đòn chí mạng!

- Bây giờ khỏi cần Ba-di Ba-dung(*) [(*) Hội nghị Paris, đàm phán giữa ta và Mỹ.] gì hết. Vứt cha cái hội nghị vớ vẩn này đi! Quân sư Kít (Kissinger) như thế mới đáng mặt quân sư...

- Phản công! Đến thẳng Hà Nội!..

Giữa mấy cái mồm như chợ vỡ, tướng Ngô Quang Trưởng đứng thẳng lên oang oang:

- Tất cả đứng lên, nâng cốc!

- Phản công đến thẳng Hà Nội!..

Các tướng Phạm Văn Phú, Nguyễn Văn Toàn, Lý Tòng Bá, Ngô Du, Phạm Quốc Thuần và nhiều tướng khác... cùng đứng dậy. Tất cả bọn họ từ các quân khu khác nhau đang có mặt tại trụ sở Bộ Tư lệnh quân khu IV để bàn kế hoạch tiếp tục cuộc chiến tranh, quy mô lớn hơn, có nhiều vũ khí Mỹ nhưng sẽ không còn lính Mỹ... Một số sĩ quan trẻ giúp việc trong Bộ Tham mưu như đại tá Lê Minh Đạo, Mạch Văn Thành... cũng được tham dự.

"Loong toong" cao cấp Phạm Trung Lễ, với cái lon trung tá, là sĩ quan tép riu nhất trong tiệc rượu mừng B52 đại thắng này.

Quả thực là tin chiến thắng B52 ném bom Hà Nội đến sớm quá, Ngô Quang Trưởng đã bật nút rượu liên hoan khi Nguyễn Cao Kỳ, đại sứ Mác-tin (Martin) và tướng tình báo CIA Pôn-ga (Polgar) là những nhân vật chủ chốt cuộc họp này chưa kịp tới.

Cái chợ con tiếp tục ồn ào:

- Có thể ví như Mỹ đã san phẳng Đrê-sđen (Dresden), dẫn tới Hít-le (Hitler) phải đầu hàng. - giọng Ngô Du đầy hưng phấn.

- Đrê-sđen chết sáu mươi nghìn, nhưng Hà Nội chỉ cần chết mười sáu nghìn mà đã đạt mục tiêu. Kỹ thuật B52 rải thảm là số dzách! Số dzách!

Tướng Ngô Du rời chỗ ngồi tại bàn họp giữa phòng, chạy đến cái bàn con góc cuối phòng kéo Lễ ra:

- Trung tá Lễ, thưởng cho ông ly rượu B52 này. Cạn chén!

- Xin cảm ơn thiếu tướng!

- Uống hết đi, rồi chịu khó đi đi về về mang đến Văn phòng này toàn những tin hên thôi!

Lễ còn đang ngỡ ngàng, tướng Du đã quay ra giục những người chung quanh:

- Uống thưởng người chiến sĩ liên lạc mẫn cán này đi!

Lễ ngửa mặt uống một hơi hết ly rượu, một chút dư vị mạnh, một chút dư vị đắng đọng lại trong cổ. Ly rượu thưởng công làm nổi bật vị trí thấp hèn của Lễ trước mặt mọi người.

Các chiêu đãi viên uốn éo luôn tay rót đầy rượu cho các tướng. Huyên náo càng huyên náo... Lễ cũng không đếm được mình đã uống bao nhiêu ly.

... Có nghĩa đang lúc mình uống chúc mừng, thì ngoài kia bom đạn B52 giết cha mình và gia đình em Minh?

Trời ơi những ly rượu B52!

Chẳng lẽ đấy là sự thật sao? Thư anh Chính kể lại rất tỉ mỉ... Mợ cũng suýt chết trong trận ném bom này... Làm sao bây giờ có thể nôn ra được những ly rượu đắng này! Chẳng lẽ cuộc chiến tranh như thế là của mình hay sao? Trong khi đó chính người Mỹ ở nước Mỹ phản đối cuộc chiến tranh này ngày càng đông. Những người trong quốc hội Mỹ phản đối cuộc chiến tranh này chiếm đa số, khiến Ních-xơn (Nixon) phải ra đi sau khi đã gây ra vụ Oat-tơ-ghêt (Watergate)! Thế nhưng mình, cái thằng Lễ ngu hèn này, ở ngay trong lòng cuộc chiến tranh này, lại coi cuộc chiến tranh giết cha mình và những người thân trong gia đình là chiến tranh của mình?

...Đấy là sự mù quáng? Hay cái chất của bản thân mình nó như vậy? Thế mà gọi là trên đời này có Chúa à?!..

Lễ rùng người vì những câu hỏi này...

Hai tay ôm bức thư trên ngực, trong đầu Lễ hồi tưởng về những năm tháng đã qua tiếp tục nổi loạn...

... Đầu tháng 3 năm 1975, đúng vào lúc Ban Mê Thuột rơi vào tay cộng sản, Lễ bị tống lao vào trại giam quân sự đặc biệt ở Thủ Đức.

Lễ không bao giờ có thể quên: Giữa phòng làm việc, Lễ chết đứng như Từ Hải, hai tay lật bật nhận lệnh bị tống giam. Tội danh: Nghi vấn tham gia âm mưu đảo chính. Chờ toà án quân sự xét xử... Lệnh này do tướng Đặng Văn Quang, cố vấn an ninh số một của Thiệu ký. Mắt Lễ đọc đi đọc lại mà vẫn không tin vào những điều ghi trên mảnh giấy chết người này.

... Những năm giữ cái chân “loong toong” cao cấp, Lễ đã nhiều lần được nghe trực tiếp những lời từ miệng tướng này nói về tướng kia. Gom lại, Lễ suy ra Quang rất được Thiệu tin cậy và là tác giả của nhiều vụ án ghê sợ. Cứ nhìn đôi lông mày như hai con sâu róm đen to bằng ngón tay rúc đầu vào nhau trên khuôn mặt choắt như mặt chuột của hắn, người yếu bóng vía đủ chết khiếp. Trong đầu con người này lúc nào cũng sẵn mưu sâu kế cao, sẵn vài chưởng độc chiêu, để loại đối thủ khi cần, để kiếm tiền, để tâng công với Thiệu và CIA... Đến nay Lễ còn rùng mình nhớ lại vụ tướng Quang đồng mưu với CIA cài bẫy nhử luật sư Trần Ngọc Châu hợp tác với Việt cộng để có lý do “phăng teo” Châu năm 1970. Trần Ngọc Châu có uy tín lớn, được nhiều người mến mộ. Thiệu rất sợ Châu - vì ông này không an toàn cho cái ghế tổng thống của Thiệu, Quang được lệnh phải ra tay... Chính vụ này mách bảo Lễ: Việc đột nhiên tống mình vào đây ắt hẳn phải là một trò chơi khăm. Nhưng tại sao Quang lại giáng vào đầu con tốt đen như mình?

Một đòn gió?

Nhằm vào ai?

Nằm trong nhà lao đến ngày thứ mười bốn, ngoài đôi ba điều nghe lỏm bọn lính gác tù kháo nhau, Lễ hoàn toàn mù tịt với thế sự bên ngoài, càng không hiểu mô tê vì sao phải vào tù.

Bọn lính gác tù, đứa tỏ lòng khâm phục Ngô Quang Trưởng, đứa diễu cợt. Qua loa phát thanh của trại giam Lễ biết Trưởng tuyên bố tử thủ bảo vệ Huế, một sự việc được các phương tiện truyền thông của chính quyền Sài Gòn vinh thăng như một hành động anh hùng. Lễ cố vắt óc đặt ra mọi tình huống: Trong cái Ban thư ký Bộ Tổng tham mưu này, mình không bằng một cái đinh gỉ. Thế mà bị gán cho tội tham gia âm mưu đảo chính? Nghĩa là không bị bắn thì cũng tù rũ xương? Rõ ràng đây là một đòn cảnh báo. Nhưng nhằm vào ai? Mình chỉ là kẻ hứng đòn, là vật xúc tác? Cảnh trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết? Chẳng lẽ cứ trâu bò húc nhau thì ruồi muỗi phải chết? Ruồi muỗi đây là một con người, một nhóm người, một phe phái, một quốc gia... Hễ cứ là ruồi muỗi thì phải chết khi trâu bò húc nhau? Trên đời này có loại số phận oan nghiệt đến mức như vậy sao?..

Song phận ruồi muỗi thì cứ phải bám vào trâu bò để sống. Thật trớ trêu!.. Điều này giờ đây làm cho Lễ đau quặn từng khúc ruột.

... Khi chú Học hỏi mình nên định hướng lập thân ra sao, trong đầu óc mình lúc ấy choang choang những lời của Trần Thiện Khiêm. Viên tướng này khoa chân múa tay trước giới báo chí nước ngoài. "...Các ngài cần hiểu, ở cái nước Cộng hoà này quyền lực mạnh nhất là quân đội, đảng mạnh nhất là quân đội. Quân đội muôn năm! Các ngài không thể thiếu chúng tôi!" Trong đám bạn cùng học của Lễ nhiều người chung nhau ý nghĩ: Muốn giàu có vợ đẹp con khôn phải vào quân đội! Quân đội là số một...

Thế là lại bỏ dở học Luật sau khi đã bỏ học kinh tế... Vài năm sau Mạnh cũng theo đi Đà Lạt!.. Để rồi đến cái kết cục thân ruồi muỗi như thế này! Biết vậy cứ học tiếp kinh tế ngay từ đầu có khi cuộc đời mình lại đi theo một ngả khác!..

... Hay thà chết như Mạnh lại yên thân!

Lễ nhớ, Thảo ở nhà phải chạy các cửa, đút lót không biết bao nhiêu tiền cho bọn tay chân của Lý Lương Thân. Cuối cùng, tiền bạc giúp Thảo dò ra: Đúng là Lễ bị tình nghi tham gia nhóm chuẩn bị đảo chính của Nguyễn Cao Kỳ...

- Lại cái nhà ông Kỳ này? - Lễ thốt lên vào tai Thảo qua chấn song nhà giam. - Tướng Kỳ chưa thèm bắt tay anh lấy một lần, chứ đừng nói đến chuyện bè nhóm với ổng! Vô lý đến thế là cùng!

- Anh ơi, bị khép vào tội này thì cái chết mười phần, cầm chín phần trong tay rồi!

Trong tầng lớp sĩ quan cao cấp ở Sài Gòn không ai mách bảo ai, nhưng đều có chung một thông tin ngầm: Hễ có đại sự nguy khốn, bất kể thuộc loại việc gì - từ làm áp-phe (affairs) đổ bể, biển thủ, giết người, đến làm gián điệp, làm đảo chính... - bất kể bị khép vào tội nào, cách thoát tội cuối cùng là đút lót cánh Lý Lương Thân. Lòng nhân ái ra tay độ thế của cánh Lý Lương Thân được đo bằng đô-la. Sự việc mà đến mức Lý Lương Thân không cứu, không thèm cứu hoặc không cứu nổi nữa thì coi như bị xoá sổ Thiên Tào... Lễ bàn với Thảo, bao nhiêu tiền của kiếm được trong các áp-phe mấy năm gần đây dốc ra hết, nhờ cánh Lý Lương Thân minh oan. Chỉ còn cách ấy. Bố mẹ Thảo, chú thím Học và vợ chồng Hoài đã sang California mấy năm nay rồi, cậy đâu ra tiền. Cứu mạng sống là số một, rồi làm lại từ đầu vậy... Nếu thoát chết thì kỳ này là cháy nhà đợt hai! Sẽ không còn gì nữa để mà lo cháy...

... Ngày ấy, từ chiến trường quân khu I, lo lót mãi mới chuồn được đi học bồi dưỡng lớp sĩ quan cao cấp 18 tháng ở trường Cao đẳng quân sự. Tiền lót tay có hạn, lại chỉ là lớp bồi dưỡng, nên mãn khoá Lễ chỉ được thêm cái lon trung tá. Lon chưa kịp nhận, đã có giấy gọi quay trở lại quân khu I. Lập tức Lễ phải đâm bổ ngay về nhà, của cải kiếm được trong các áp-phe bao nhiêu năm trời phải nướng hết cho các đấng bề trên để chạy cho bằng được cái chân chuyên viên, nói thực là loong toong cao cấp, trong Văn phòng Bộ Quốc phòng, rồi sau này chuyển sang Ban thư ký Bộ Tổng tham mưu... Lúc ấy chú Học cũng phải phụ thêm vào khá nhiều mới đủ. Thế là trắng tay, nhưng dù sao cũng còn hơn đi ăn đạn của Việt cộng ngoài mặt trận... Đấy là trận cháy nhà đợt một!..

Lý Lương Thân chỉ là một thương nhân Hoa kiều, giàu có đầu bảng ở Sài Gòn, đồng thời là trùm sỏ cánh thương nhân người Hoa, nắm giữ huyết mạch kinh tế Sài Gòn. Điều đặc biệt quan trọng là một trong những người tình của Lý Lương Thân là chị ruột vợ tổng thống. Bản thân Lý Lương Thân là thượng khách của Bộ chỉ huy CIA ở Sài Gòn, không hiểu sao được đặc cách có hộ chiếu Mỹ.

Nằm thêm hai tuần nữa tại trại giam đặc biệt ở Thủ Đức, Lễ được thả. Nhưng lần này do một bức thư ngắn:

"Thượng cấp đã xem xét lại, ông bị oan. Đền bù cho sự thương tổn này, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đích thân nói với tôi sẽ thăng cấp cho ông lên đại tá. Chúc may mắn. Tướng Đặng Văn Quang.”

Một mảnh giấy suýt làm mình toi mạng. Một mảnh giấy khác đưa mình ra khỏi tù và thăng cấp, nhưng làm cho mình khánh kiệt! Cả hai mảnh giấy đều bằng cái lá đa! Đời ơi là đời!

- Trung tá, ấy chết, xin lỗi, đại tá, xin đại tá nhanh chân lên. Huế thất thủ ngày hôm qua rồi. - Người chỉ huy trại giam đặc biệt cố giữ vẻ bình tĩnh trong khi tiễn Lễ ra đến cổng.

- Tướng Ngô Quang Trưởng tử thủ ở Huế có sao không?

- Tướng Ngô Quang Trưởng đã bình an về Sài Gòn cách đây một tuần rồi ạ. - Người chỉ huy trại bắt tay Lễ rồi quay trở vào.

Lon, mũ, quân phục chỉnh tề, chờ mãi ở cổng trại giam đặc biệt, chẳng có xe nào của Ban đến đón. Lại nóng ruột về nhà, Lễ lao ra giữa đường, giang tay chặn một xe tải đi nhờ về thành phố. Qua cầu Phan Thanh Giản xe đi hướng khác, Lễ đành nhảy xuống đi bộ.

Thất thểu bước đi trên hè, mấy lần suýt bị những người vội vã xô ngã. Mắt Lễ chăm chú nghiêng nghiêng ngó ngó xuống mặt đường hỗn loạn, cố tìm cái tắc-xi. Mấy lần giơ tay ra hiệu, chẳng có tắc-xi nào thèm đỗ, vì tất cả đều đầy khách. Mới có bốn tuần trong trại giam đặc biệt, Lễ thấy mình đang bước đi trong một Sài Gòn khác. Phố xá có nhiều nhà đóng cửa. Hỏi thăm được biết hồi này thường xảy ra tống tiền, cướp phá cửa hàng. Cuốc bộ thêm một quãng nữa, tới cửa hàng uốn tóc nữ Kim Hoa trên đường Phạm Đăng Hưng, tiếng gào thét dữ dội cùng với tiếng quát chửi làm cho Lễ đứng sững lại. Nhìn vào trong cửa hiệu, Lễ thấy một tốp có tới sáu, bảy tên lính Cộng hoà mặt mũi đỏ gay. Chúng điên cuồng hành hung, cướp phá như những con quỷ - vì chán chường, vì tuyệt vọng... Một thằng trong bọn đứng án ngữ cửa ra vào, bàn tay trái bị cụt, bàn tay phải cầm tiểu liên chĩa thẳng vào ngực Lễ:

- Đ... mẹ cái thằng này! Sĩ quan mà lại không chịu ra trận! Thích đứng đây ăn đạn của tụi tao phải không!

Lễ lùi được vài bước theo bản năng, mồm há hốc và cứng đơ như bị đóng hàm thiếc. Một tràng tiểu liên chói chang. Mọi người chung quanh chạy tán loạn. Riêng mình Lễ chết đứng. Tên lính khoác súng vào người rồi bước đến trước mặt Lễ, bồi cho Lễ mấy cái bạt tai ngã dụi xuống đất:

- Muốn sống thì cút mẹ mày đi!

Lễ đã chồm dậy định xé xác tên lính cụt tay, nhưng ngay lập tức họng súng đen ngòm nhìn thẳng vào mặt Lễ. Thêm một cái tát nữa này đom đóm mắt giúi Lễ ngã chúi mặt xuống đất… Một tràng súng thứ hai đanh sát bên tai, đất cát tung lên thành một vệt dài trên mặt hè sát bên người Lễ. Lễ lồm cồm đứng dạy theo bản năng, máu me be bét đầy mặt. Lễ vừa tự sờ đầu, sờ ngực, đến lúc này mới biết là mình còn sống. Tên lính say chỉ bắn doạ. Lễ bỏ đi một quãng ba bốn nhà rồi mới quay đầu nhìn lại... Một người trong nhà cạnh nơi Lễ đứng chạy ra kéo tay Lễ lôi tuột đi. Người này nói sát vào tai Lễ:

- Chạy nhanh đi! Mặt trận An Lộc vỡ rồi. Mấy ngày nay bọn lính thoát chết đổ dồn về đây đông lắm. Hung hăng như chó điên.

- Gọi giúp tôi quân cảnh!

- Quân cảnh cũng chịu thua. Ông đeo lon sĩ quan, lại tay không. Tránh xa chúng ra...

Mãi cho đến khi leo lên được cái xích-lô, Lễ mới có thời giờ lấy khăn tay lau máu trên mặt. Mấy lần tay Lễ bị hất ra khỏi mũi, có lần suýt rơi cả khăn tay, vì lúc thì xe ô tô, lúc thì xe máy quệt vào bên hông xe xích-lô, cầu hàng không ầm ầm trên đầu. Người đạp xe xích lô phải nói như hét vào tai Lễ: ngoài sân bay Tân Sơn Nhất ra, trong thành phố có tới cả chục địa điểm di tản bằng trực thăng cho các gia đình nhân viên quân sự Mỹ, các ông bà lớn và những người nhiều tiền...

Những người đi trên đường phần đông tay xách nách mang, chỉ mải miết chạy loạn, bỏ mặc mọi chuyện xảy ra. Sài Gòn phảng phất cái không khí 24 giờ quân hồi vô phèng(*) [(*) vingtquatre heures sans lois] của các đội quân lê dương thất trận trước khi tháo chạy khỏi một thành phố. Lễ đã từng được đọc cảnh tượng này trong mấy quyển sách nào đó nói về chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Trên đường phố, tướng tá mang quân phục và còn đeo nguyên lon, các quan chức cao cấp, người giàu có... ngồi trên các loại xe, hở mui, kín mui, xe tải, các xe gắn máy Honda, Vespa... thi nhau chạy ngược chạy xuôi...

Càng vào sâu trong thành phố, càng kẹt đường. Cũng may Lễ gặp được người đạp xích lô nhanh nhẹn, lách rất giỏi và có sức dẻo dai kỳ lạ. Nhưng khi qua đường Mạc Đĩnh Chi ngoặt vào đại lộ Thống Nhất, xích lô thỉnh thoảng mới nhích được từng bước một. Tới ngã tư gần đại sứ quán Mỹ, các rào chắn được đẩy ra đến tận giữa lòng đường, chỉ để lại lối đi một chiều ngược lại. Lính thuỷ đánh bộ Mỹ và quân cảnh Cộng hoà, tiểu liên AR15 trên vai, luôn mồm thổi còi, vung dùi cui bắt các xe quay lại. Lễ đành trả tiền cho người đạp xích lô, nhảy xuống đi bộ. Hơn một giờ sau Lễ mới len lách được về đến chỗ ngoặt trái sang đường Pasteur để lần mò về nhà mình ở ngã tư Hàn Thuyên. Quãng đường này lúc dạo bộ thường ngày Lễ chỉ cần khoảng mươi phút.

Bước vào nhà: Thảo đang nằm liệt giường, hai mắt nhắm nghiền. Kết quả của một tháng chạy tiền, bán của cải, lo lót các cửa để cứu Lễ ra khỏi trại giam đặc biệt Thủ Đức.

- Ông Thành nghi rằng má có lẽ bị tai biến nhẹ mạch máu não, vì huyết áp tăng đột ngột, ba ạ. - Huệ nói cho Lễ hiểu. Ông Thành là chú ruột của Thảo, sống độc thân, làm nghề bác sĩ tư, chỗ dựa của gia đình Lễ về mặt sức khoẻ.

Hôm sau, đến phòng làm việc ở Bộ Quốc phòng, Lễ thấy đồng nghiệp của mình vãn quá nửa. Những cái bắt tay hờ hững. Chẳng ai ngạc nhiên hay vui mừng việc Lễ được tha về.

Đọc xong mảnh giấy có chữ ký của Đặng Văn Quang do Lễ đưa cho, Lê Minh Đạo, "sếp" trực tiếp của Lễ trong Ban thư ký Bộ tổng tham mưu, lúc này đã lên cấp tướng, bĩu môi quẳng mảnh giấy xuống bàn:

- Lon giấy. Đại tá giấy. Tổng thống bây giờ đang bận chỉ huy quân gia đóng gói của cải đưa lên máy bay, làm gì có thời giờ ký quyết định phong đại tá!

Lễ thấy mình như bị nhét giẻ vào mồm, vì uất ức, vì không còn gì để nói.

- Các ông biết chưa, tướng Phạm Văn Phú vừa mới bị Tổng thống cho người hốt đi tối qua, lại cũng có chuyện gì đó loanh quanh với ông Kỳ.

- Tổng thống bây giờ đa nghi hơn Tào Tháo.

- Hình như năm nay là năm đại hạn của các tướng sĩ có họ Phạm! - đại tá Quách Minh Châu, sĩ quan trực chiến của Ban đang ghi ghi chép chép cũng bô bô góp chuyện.

- Tính "Tào Tháo" này có cái lý của nó đấy.

- Phải đấy. Đại sứ Mác-tin thích cái phong thái yêng hùng của ông Kỳ, nhưng đánh giá cao hơn tính mưu lược của ông Thiệu. Ông Thiệu chúa ghét những lời chê bai của ông Kỳ...

- Ổng lại càng không yên tâm về năm sáu lần mưu mô đảo chính!

- Thế giằng co mà các vị! Thẳng tay loại ông Kỳ, ông Thiệu cũng trắng tay luôn.

- Thẳng tay thì không biết ai loại ai. Chỉ có Mác-tin loại ai thì chắc chắn kẻ đó bị gạch bỏ, ba đầu sáu tay cũng thế thôi.

Trố mắt đứng nghe, chưa bao giờ Lễ thấy trong Ban ngôn từ thẳng thừng đến như vậy. Trước khi Lễ bị tống giam, những tin tức hay câu chuyện đại loại như vậy có thể sẽ làm cả Bộ Quốc phòng, thậm chí cả thành phố Sài Gòn náo loạn. Nhưng bây giờ những câu chuyện như vậy chỉ tạo ra được vài phút không khí rôm rả cho các ly rượu trên bàn. Lễ cũng không biết từ bao giờ mọi người trong Ban uống rượu mạnh ngay từ buổi sáng.

Sau vài ba câu chuyện chiếu lệ về công việc, mấy đồng nghiệp còn lại lơ thơ của Lễ trong Ban chỉ bàn bạc với nhau mỗi việc duy nhất: Mách nước nhau chạy giấy phép đặc biệt giành chỗ máy bay đưa gia đình đi di tản! Đại tá Mạch Văn Thành còn đưa ra ý kiến xin Nguyễn Cao Kỳ đặc cách cho thuê một trực thăng riêng.

Không ai nói ra, nhưng tất cả đều hiểu: Phải có nhiều tiền! Lễ toan hé miệng xin một xuất cho gia đình mình, nhưng lưỡi cứng đơ. Vừa ở nhà lao ra, gia sản khánh kiệt, Lê Minh Đạo còn nói xỏ xiên về chức đại tá giấy, Lễ hiểu mình không có gì để tham gia cuộc đổi chác này. ...Có quỳ xuống chắp tay lạy xin chúng nó cũng bằng thừa! Một lát sau Lễ đứng dậy, không chào không hỏi, lẳng lặng cắp cặp ra về. Không một con mắt nào thèm nhìn theo.

Đấy cũng là ngày cuối cùng Lễ đến nhiệm sở.

Trong khi cả Sài Gòn hoảng loạn huyên náo bao nhiêu, trong căn nhà Lễ càng yên ắng bấy nhiêu, gần như một căn nhà chết. Sức khoẻ Thảo đã khá hơn, song vẫn phải nằm nghỉ trong phòng riêng và phải hạn chế đi lại. Huệ và Tín giúp mẹ và ông Thành một số việc lặt vặt. Từ một tuần nay Huệ phải kiêm việc đi chợ thổi cơm, vì người bếp sợ chiến tranh ập tới Sài Gòn nên đã tự ý bỏ việc.

Thỉnh thoảng tạt sang thăm Thảo, an ủi đôi lời, Lễ lại trở về buồng mình nằm thượt trên giường. Nhiều lúc hàng giờ liền Lễ không nói không rằng, mắt lúc nhắm nghiền, lúc trâng trâng không động đậy. Nằm chán lại ngồi lên bật radio nghe tin chiến sự, rồi lại nằm... Từ radio, tiếng Tổng thống Thiệu quyết liệt ban lệnh cố thủ phòng tuyến Xuân Lộc...

Ôi giá có một liều thuốc tiên cho cả nhà cùng uống và cùng vĩnh biệt cuộc đời này một cách êm ả!.. Việt cộng vào cũng chết, lúc này dắt díu nhau đi di tản thì cũng giẫm lên nhau mà chết, nhất là Thảo đang yếu như thế này...

Có lúc cả ông Thành, Huệ và Tín cùng nhau giục Lễ phải tính toán thế nào, vì cả Sài Gòn đang tan vỡ, điên loạn.

- Ba nghĩ cách đưa má và cả nhà trốn đi! Ba xem, chết đến nơi rồi đây này! - Huệ mếu máo, dúi vào tay Lễ một cuộn to tướng báo chí các loại, đăng tải những bài và những hình ảnh đốt phá, cướp bóc, giết tróc, những thân thể bị chặt đầu, những bàn tay phụ nữ bị rút móng tay... Những hàng tít lớn: Việt Cộng tắm máu Ban Mê Thuột!.. Hành động tàn sát dã man của Việt Cộng...

Lễ cầm lên ngó qua rồi quẳng xuống đất, vẫn nằm thượt không nói không rằng. Nhiều khi đến bữa ăn, giục mãi Lễ cũng không buồn dậy... Ông Thành khẩn khoản thế nào, Lễ vẫn cứ nằm yên như người không hồn, thỉnh thoảng mồm vẫn lẩm nhẩm: Giá mà có một liều thuốc tiên... Ông Thành không hiểu Lễ nói cái gì, càng bối rối. Huệ đứng ngồi không yên, phần vì cảnh nhà lúc này, phần vì người yêu của Huệ đã theo gia đình di tản cách đây mươi ngày. Riêng Tín cảm thấy thoải mái, vì nhìn thấy chắc không phải thi kết thúc niên học.

Dần dà Lễ bỏ cả việc thỉnh thoảng tạt sang buồng bên hỏi thăm Thảo... Hai ngày, ba ngày, bốn ngày... Mãi đến lúc Thảo nhờ hai con xốc nách lết sang buồng Lễ, trong tay tập báo Huệ mang về hôm nào. Ông Thành cũng đi theo. Đến lúc này Lễ mới nhỏm dậy đỡ vợ ngồi xuống cạnh mình:

- Em cần nằm yên tĩnh dưỡng, sao vội đứng dậy đi lại làm gì! - tay lần lần các tờ báo một lúc, Lễ nói tiếp: - Vứt các tờ báo này đi!

- Chết đến nơi rồi anh ơi. Anh xem đây, Việt Cộng tàn sát Buôn Mê Thuột dã man lắm.

- Toàn là hù doạ! Lên gân mọi người đánh lại Việt cộng... - Lễ giải thích, tay vẫn gạt nắm báo. - Những cái trong ảnh là thật. Nhưng đấy là những ảnh các cuộc càn quét của lính thuỷ đánh bộ Mỹ và quân Cộng hoà trong chiến dịch "tìm diệt", lưu trữ của Ban anh có cả đống!

- Trời, lại còn có chuyện như thế nữa! - ông Thành kêu lên.

- Anh ơi, theo binh tình này Việt Cộng vào Sài Gòn đến nơi rồi. Hiếu thắng như tướng Nguyễn Cao Kỳ cũng đã cho vợ con, tài sản đi hết. Cánh họ Lý gọi điện thoại nói với em như vậy.

- Bọn họ có rủ em đi không?

- Có, nhưng phải nhiều tiền. Chắc tốn không kém việc chạy cho anh ra khỏi trại giam đặc biệt. - giọng Thảo lạc hẳn đi.

- Nằm đây cũng chết. Tiền không, quyền không, ...chạy bộ thì cũng bị giẫm bẹp mà chết.

- Thế thì nằm đây chờ chết còn hơn, ba nói có lý đấy... - Tín xen ngang.

- Hàng chục nghìn người chạy được, anh là đại tá mà không lo được cho gia đình chạy thoát thì còn làm gì nữa! - Thảo chì chiết, giọng nói run bắn.

- Anh nhận lỗi với em, với cả nhà. Nhưng đến nông nỗi này thì hết đường rồi.

Sau khi mọi người trở ra giữa những tiếng khóc não nuột của Thảo và Huệ, Lễ lại nằm thượt.

Tối 21 tháng tư đài phát thanh Sài Gòn phát đi diễn văn từ chức của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Lễ lắng nghe nhưng vẫn nằm bất động trên giường. Diễn văn hết, radio đã chuyển sang những tin tức khác từ lâu, Lễ cũng chẳng buồn ngồi dậy tắt đài. Chỉ có những tiếng thở dài kéo dài hơn trước... Vài giờ sau đột nhiên Lễ cười rống lên một cách điên dại: "Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đích thân nói với tôi sẽ thăng cấp cho ông lên đại tá...”. Cả nhà cuống cuồng chạy vào phòng Lễ.

Cũng lúc này ông quản gia nhà in của ông Phạm Trung Học, chạy tới nhà Lễ:

- Cậu Hai tính thu xếp cho gia đình chạy đi! Tổng thống Thiệu đã từ chức rồi. Tiền đây, lo cho cho cả nhà chạy nhanh lên. - dứt lời, ông quản gia rút ra từ trong người một gói đô-la và vàng dúi vào tay Lễ.

- Cảm ơn chú Tư. - Lễ xưa nay vẫn gọi ông quản gia như vậy. - Chú giữ lại đi. Chú còn phải lo cho gia đình chú nữa. Bây giờ có bán cả nhà in cũng không đủ tiền để chạy thoát ra nước ngoài... Có bán cũng không ai mua lúc này. - Lễ dứt khoát đẩy cái gói lại.

- Cậu Hai không cầm thì mợ Hai cầm lấy, dù ít dù nhiều chắc chắn có khi phải dùng tới. Tôi đã giữ lại một phần cho gia đình tôi rồi. - Ông quản gia đưa gói tiền cho Thảo, hỏi tiếp: Cần bao nhiêu tiền thì đủ cho đi di tản hả mợ Hai?

- Vô ích, chú Tư ạ, cánh họ Lý nói phải tương đương với số tiền như đã chạy cho anh Lễ ra khỏi trại giam Thủ Đức.

- Vô phương. Thế thì vô phương thật rồi.

- Nghĩa là đành ngồi chờ chết, hả ông Tư?

- Trông chờ vào số phận thôi, ông Thành ạ! Dắt lấy vài đồng vào người... Đóng chặt cửa ngồi yên trong nhà. Tôi khuyên cả nhà không nên đi đâu lúc này. Xin chào tất cả... - ông quản gia vừa từ biệt mọi người, vừa tự tay mở cửa ra về.

Vào một ngày, lúc chiều chạng vạng, Huệ đi nghe ngóng động tĩnh bên cánh họ Lý, hớt hải chạy về nhà, mang đến cho Lễ tin Nguyễn Văn Thiệu và gia đình đã ra nước ngoài một hai hôm nay rồi. Lễ đang nghe con kể, đột nhiên có nhiều loạt tiếng nổ dữ dội. Thành phố rung chuyển . Những tiếng nổ ấy hất Lễ ra khỏi giường. Hoàn toàn theo bản năng, Lễ đi vội đôi giầy, không nói không rằng kéo ông Thành xuống vườn mở cổng cho mình. Chạy ra ngoài cổng Lễ còn quay lại hét vào tai ông Thành:

- Khoá chặt cổng! Không ai được ra khỏi nhà!

Ra đến ngoài đường Lễ có cảm giác mặt đất rùng rùng dưới chân. Chưa kịp định thần, dòng người đã cuốn phăng Lễ đi. Lúc này Lễ thấy thành phố rung chuyển ngày càng mạnh, vì cả một biển người và xe ầm ầm, điên loạn. Tiếng còi rú, tiếng kêu thét, la ó từ mọi ngả phố vang vọng va đập vào nhau liên hồi nghe như tiếng thác nước đổ ào ào. Tất cả đều hướng về phía đại sứ quán Mỹ. Chạy được một quãng, những người cùng chạy cho Lễ biết những tiếng nổ vừa rồi là do không quân và trọng pháo của Hà Nội đã tấn công sân bay Tân Sơn Nhất. Đến cách đại sứ quán Mỹ chừng gần một trăm thước, thác người và xe tắc nghẽn hoàn toàn. Nhìn về phía đại sứ quán, Lễ thấy nhiều người đang leo lên tường rào, lính thuỷ đánh bộ Mỹ đứng trên tường dùng báng súng, dùi cui quật họ rơi xuống đất, có lúc phải đưa tiểu liên ra bắn chỉ thiên. Mấy cái loa phóng thanh của đại sứ quán mở hết cỡ kêu gọi mọi người giữ trật tự, nước Mỹ sẽ không bỏ rơi những người bạn của mình... Tiếng chửi rủa, tiếng kêu khóc ầm ĩ. Cách Lễ vài người, những tiếng hét thất thanh của mấy em nhỏ nào đó bị biển người chen lấn giẫm bẹp... Đứng ngây dại, ngày càng khó cử động trong biển người mỗi lúc một đặc cứng, Lễ chợt hiểu: Không thể đứng đây chờ chết. Phải chạy ra khỏi cái biển người này. Lễ đem hết sức lực đấm đá, giẫm đạp, tìm đường chạy ngược trở lại.

Về đến nhà, mặt mũi thân thể Lễ nhiều vết tím bầm, quần áo rách bươm, cánh tay phải bị một vết đâm sâu hoắm. Lễ hoàn hồn biết mình thoát chết bẹp. Thấy vẫn đủ mọi người trong nhà, Lễ thở phào.

Gần trưa hôm sau, Huệ khóc khóc mếu mếu chạy sang lôi Lễ ngồi dậy:

- Ba ơi bây giờ có muốn chạy cũng không được rồi! Chết đến nơi rồi! Con vừa ở bên chỗ cánh họ Lý về. Mọi người nói với nhau ngay cả máy bay của ông Thiệu định chở đô-la và vàng của chính phủ ra nước ngoài cũng bị kẹt rồi. Hết đường chạy rồi ba ơi...

- Đừng khóc nữa con... Chết thì cả nhà cùng chết... - Lễ ôm con gái vào lòng.

Gần trưa ngày 30 tháng Tư, nghe tin trên đài phát thanh tổng thống Dương Văn Minh đầu hàng, Lễ giấu hết quân phục, giấy tờ liên quan đến quân đội Cộng hoà, rồi chạy ra đường. Huệ và Tín cũng chạy theo. Ông Thành cũng muốn đi lắm để xem binh tình ra sao, nhưng Lễ đẩy ông về nhà trông Thảo. Trước mặt Lễ là một Sài Gòn đầy người, cờ hoa, tiếng cười. Bộ đội Giải phóng trẻ măng, niềm nở, áo quần giản dị, hoà đồng vào mọi người dân hai bên đường như đã quen biết nhau từ lâu.

Cách đây vài hôm thôi là một biển người hỗn loạn, đặc cứng những người tìm đường chạy trốn. Mình suýt chết bẹp trong cái biển đen này, thế mà hôm nay...

Bố con Lễ đứng xen lẫn vào mọi người trên hè phố. Sau các đoàn quân cơ giới là các đoàn quân đi bộ toả vào các đường phố. Các chiến sỹ chào hỏi, bắt tay mọi người. Bố con Lễ cũng được chào, Lễ được bắt tay...

Thật khó có thể hình dung những con người này đã đánh bại cả một bộ máy chiến tranh hiện đại khổng lồ, và bây giờ làm chủ Sài Gòn, làm chủ cả miền Nam... Cái Sài Gòn biển đen hỗn loạn hôm nào lặn đi đâu mất... Bầu trời trong xanh thanh bình một cách kỳ lạ.

Lễ nhớ lại băng đạn tiểu liên chói chang của đám tàn quân chạy từ An Lộc bắn qua đầu mình, cảnh giữa ban ngày bọn lính hung hãn xé quần xé áo hiếp các cô gái trong tiệm uốn tóc đầu phố Phạm Đăng Hưng...

Càng đứng nhìn một Sài Gòn mới đang hiện dần ra trước mắt, thời gian trong ký ức Lễ càng lùi dần vào quá khứ, như để đối chiếu, để so sánh. Lễ thấy mình đang trở lại những chiến trường mình đã có mặt, đang nhìn cảnh binh lính Mỹ và lính các quốc tịch khác cùng với lính Việt tàn sát dân chúng.., những làng mạc cháy thui vì khói lửa, những vùng sự sống bị huỷ diệt, mặt đất trở thành bình địa xác xơ với hàng trăm, hàng trăm hố lớn hố nhỏ.., trong tiếng bom đạn ầm ầm văng vẳng đâu đó câu hỏi đầy ai oán của Mạnh: “Chẳng lẽ đây là cái đích ta sinh ra để đi tới!?.” Lễ nhớ lại việc đại uý Lãnh trong trận càn vào Cần Giờ lấy xe ủi đất ủi cả xác đồng đội, xác các chiến sĩ Việt Cộng và xác dân thường xuống các hố đại bác để kịp mở đường đón ban chỉ huy liên quân Mỹ Việt từ Sài Gòn xuống kiểm tra trận đánh... Ngồi trong xe đoàn tuỳ tùng đi theo sau, có chỗ Lễ nhìn thấy một cái chân có giầy nhà binh bị cán nát... Một đoạn khác Lễ thấy cả một cánh tay trồi lên mặt đường... Cảnh tượng đại uý Lãnh vừa mới báo cáo xong, viên tướng Mỹ đã mắng té tát vào mặt vì tội để mất trận địa và tội mở đường chậm...

Năm tháng trôi đi, nhưng hình ảnh đại uý Lãnh vẫn gậm nhấm, cào xé mãi lương tri của Lễ.

Lễ còn nhớ rõ lắm: Không chịu được nhục, lúc ấy Lãnh đã vung tiểu liên tự bắn nát hai chân mình... Lễ không thể nhớ được bao nhiêu năm sau Lễ đã tự hỏi mình không biết bao nhiêu lần: Tại sao lúc ấy Lãnh không bắn vỡ mồm cái thằng tướng Mỹ lắm lời mà lại tự làm khổ mình như vậy? Có đến hàng trăm cách trả lời, nhưng Lễ vẫn không lý giải được cách nào. ...Nhục nhã hơn nữa, sau băng tiểu liên ấy Lãnh bị hai sĩ quan hộ vệ của viên tướng Mỹ này bắn chết ngay tại chỗ, không khác gì người ta bắn bỏ một con chó dại.

Trời đất ơi, trước mặt mọi người, Lãnh buông thõng hai tay, mắt trân trân nhìn hai viên sỹ quan Mỹ cầm súng lục nhằm thẳng vào đầu mình...

Mãi về sau này nhiều lúc Lễ vẫn còn tưởng rằng hai con mắt đó đang trân trân nhìn thẳng vào mặt mình.

Còn hôm cùng với hai con chạy ra đường xem đội quân chiến thắng kéo vào Thành phố. Ôi gần như không thể tin được vào mắt mình.

Ngày hôm sau Lễ lại ra đường, nhưng quyết định đi một mình…Ngày hôm sau nữa, lại một ngày hôm sau nữa…

Lúc đi lang thang, lúc chạy, ngó ngó nghiêng nghiêng không biết bao nhiêu đường phố, có khi vấp cả vào người đi đường, Lễ căng mắt cố nhìn mọi thứ trong tầm mắt có thể nhìn được... Nhiều lúc ráng hết sức mà Lễ vẫn không làm sao hít cả bầu không khí thanh bình của Thành phố vào lồng ngực mình... Có lúc Lễ phải tự cấu vào người mình, vì chỉ lo mình đang trong tâm trạng hoang tưởng...

Ôi không làm sao tin nổi Sài Gòn giải phóng lại có thể có được bầu không khí thanh bình đến như vậy... Không bù cho cách đây vài ngày... Bao nhiêu hy vọng loé sáng trong tâm trí Lễ...

Lễ đi tới quyết định tự khai báo và tự đến trại cải tạo.., theo sự chỉ dẫn của chính quyền mới của khu phố.

... Có thể không có tắm máu. Song có chắc chắn như vậy không?... Sau cải tạo là cái gì? Hay cải tạo cũng chỉ là một sự chuyển giao vỗ về ban đầu - một bước quá độ dẫn đến hành hình thực sự? ...Cải tạo bao nhiêu lâu? Có hạn định, hay suốt đời? Có thể sống được trong chế độ này không? Mình, rồi các con mình... Tất cả sẽ có chỗ đứng trong cái xã hội cộng sản chứ? Với cả một quá khứ của một người lính đã từng cầm súng đi qua biết bao nhiêu chặng đường giết chóc?.. Chiến tranh nào mà không có giết chóc?.. Và hôm nay người chiến thắng gọi đấy là tội ác hay đồng loã với tội ác!.. Với cái chức đại tá trong quân đội chống lại cách mạng, chống lại chính gia đình mình?

Hàng trăm câu hỏi về quá khứ, về tương lai làm cho cả bầu trời tối đen, đổ ụp xuống, nuốt chửng tất cả... Cái mái tôn của lán như sập xuống mặt Lễ, quay cuồng, đè nghiến...

Lễ quằn quại trên tấm phản...

... Chú Thành! Chú Thành đừng cõng Thảo chạy nữa! Bỏ Thảo xuống đi! Thảo xuống đi! Huệ, Tín kéo mẹ và ông lại! Kéo lại... Lễ càng gào lên, ông Thành càng chạy xa hơn, trên lưng cõng Thảo. Huệ và Tín bám chạy theo hai bên. Rồi tất cả chìm dần trong biển người. Lễ càng hét lớn: Đừng chạy nữa! Quay lại! Chạy nữa là chết! Quay lại!.. Không ai nghe theo lời Lễ gọi. Hay là họ không nghe được nữa. Hình ảnh họ xa mãi, nhỏ dần, rồi chìm nghỉm trong biển người đen đặc... Lễ ôm mặt khóc thảm thiết...

- Anh Lễ! Anh Lễ, tỉnh dậy đi. Mê man ú ớ cái gì vậy? Chết thật, sao bỗng dưng sốt cao thế này? - Tôn Thất Loan cố lay bạn dạy: ...Tỉnh dậy đi, tôi mang cháo về cho anh đây này!..

Mọi người khác xúm xít quanh tấm phản Lễ nằm.

Mãi Lễ mới rên lên được thành tiếng:

- Làm ơn cho tôi xin ngụm nước! Khủng khiếp quá. Khủng khiếp quá. Tôi cứ nghĩ là...

- Ăn trưa xong về đến lán, chúng tôi thấy anh co quắp trên phản và mê sảng. Sờ lên trán, thấy nóng như hòn than. Lay mãi anh mới tỉnh. Cố ăn tí cháo rồi ngủ đi. Đầu giờ chiều chúng tôi mời y sĩ lên thăm bệnh cho.

- Vâng. Cảm ơn. Tôi bị sốt đột ngột...
Dòng Đời
Tập I- Chương 1
Chương 1 ( tt)
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Tập II - Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Tập III: Chương 18
Chương 19
Chương 20
Chương 21
Chương 23
Tập IV - Chương 24
Chương 25
Chương 26
Chương 26 ( tt)
Chương 26 ( tt)
Chương 27
Chương Kết