watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Cơ thể người-Phần 16 - tác giả nhiều tác giả nhiều tác giả

nhiều tác giả

Phần 16

Tác giả: nhiều tác giả

226. Vì sao trước khi vận động mạnh, phải vận động chuẩn bị?
Sự sống thể hiện ở sự vận động. Thông thường, việc tham gia thể dục, rèn luyện thân thể sẽ giúp ích cho lực căng của cơ bắp, nâng cao công năng của tim phổi, tăng cường thể chất. Nhưng khi tham gia thi đấu bóng đá hoặc bóng rổ, các vận động viên trước khi ra sân đều phải hoạt động chuẩn bị. Vì sao cần làm như thế?
Nguyên là khi cơ thể phải vận động mạnh, hệ thống thần kinh và cơ bắp ở trạng thái căng thẳng cao độ; động mạch vành, hệ thống hô hấp và bài tiết đều hoạt động ở mức cao. Để các cơ quan trong cơ thể đạt được mức độ này, cơ thể phải có một quá trình điều chỉnh tương ứng. Nếu trước khi vận động mạnh, căng thẳng mà không được chuẩn bị đầy đủ, hệ thống mạch máu của tim và hệ hô hấp không thể phản ứng đáp ứng ngay, cho nên cơ thể không thể nào phát huy kỹ thuật được tốt nhất.
Còn có một nguyên nhân nữa: Vì cơ bắp và các khớp xương toàn thân chưa được triển khai đầy đủ, khi đột ngột vận động căng thẳng có thể xuất hiện các chứng lực yếu, đau mỏi, cơ bắp thiếu ôxy, dễ dẫn đến bị thương hoặc rách cơ, chuột rút, thậm chí dẫn đến tai nạn.
Vì vậy, trước khi vận động mạnh, nhất định phải khởi động chuẩn bị, tuần tự tiến lên, khiến cho các hệ thống trong cơ thể được điều chỉnh đến trạng thái sinh lý tốt nhất để thích ứng với những vận động đối kháng, đồng thời có thể tránh được những tổn thương bất ngờ.
227. Vì sao lần đầu tham gia vận động mạnh, cơ bắp thường phát sinh đau mỏi?
Người thường không hay vận động, một khi tham gia vận động mạnh, vì lượng vận động nhiều nên cục bộ cơ bắp có hiện tượng đau mỏi. Đó là điều rất tự nhiên. Nhưng nguyên nhân đau mỏi thực chất là do đâu?
Thông thường, sự đau mỏi có liên quan với lượng hấp thu, đào thải của cơ bắp. Ví dụ, khi đấu bóng rổ, trong quá trình thi đấu, ta phải chạy nhanh, chạy nhiều và làm đủ loại động tác; như vậy, cơ bắp toàn thân, đặc biệt là cơ chân, phải co bóp mạnh và liên tục. Cơ bắp co bóp phải tiêu hao năng lượng nhiều, năng lượng được cung cấp nhờ phản ứng hóa học của các chất xảy ra trong cơ bắp.
Các biến đổi hóa học trong cơ bắp có hai loại: một là hấp thu, đào thải không có ôxy tham gia phản ứng hóa học, hai là có ôxy tham gia phản ứng đào thải. Trong phản ứng không có ôxy, các chất như Ado photphoric, đường nguyên (là chất cung cấp năng lượng) trong cơ bắp bị phân giải, đồng thời giải phóng năng lượng cung cấp cho cơ bắp co bóp. Đường nguyên trong điều kiện thiếu ôxy sẽ phân giải thành axit lactic. Khi hấp thu đào thải có ôxy, axit lactic bị ôxy hóa biến thành nước và CO2; đồng thời với quá trình đó, năng lượng cũng được phóng thích. Nhưng không phải tất cả axit lactic đều bị ôxy hóa mà phần còn lại được biến thành đường nguyên, lưu giữ trong gan.
Ở người ít vận động, khi ngẫu nhiên vận động mạnh, vì thiếu máu cung cấp cho cơ bắp nên cơ bắp thiếu ôxy, axit lactic không được ôxy hóa kịp thời, tích tụ lại trong cơ bắp. Lượng axit lactic quá nhiều sẽ kích thích các cơ quan cảm thụ hóa học (tổ chức chịu sự kích thích của các chất hóa học) trong cơ bắp, hoặc chính sự tích tụ của chất này gây nên áp lực thẩm thấu, khiến cho tổ chức cơ bắp hấp thu nhiều nước, dẫn đến phù nước cục bộ, khiến cho cơ bắp có cảm giác đau mỏi. Hiện tượng này không gây hại nhiều, qua mấy hôm sẽ tự khỏi. Nếu đau mỏi dữ dội, có thể tắm nước nóng và xoa bóp để chỗ đau mỏi tăng tuần hoàn máu, giảm nhẹ dần và tự khỏi.
Cũng có nhà khoa học cho rằng, đau mỏi là do việc vận động làm cho cơ bắp mỏi mệt, các thớ thịt trong cơ bắp co giãn không đồng đều, sinh ra sự rối loạn nhẹ. Trong trạng thái đó, mạch máu bị dồn ép, máu không lưu thông khiến cho cơ bắp thiếu ôxy. Gặp trường hợp đó, nên thông qua phản xạ thần kinh khiến cho cơ bắp thư giãn, hiện tượng đau mỏi sẽ giảm dần.
Vậy có thể tránh hoặc giảm nhẹ tình trạng cơ bắp bị đau mỏi không? Muốn vậy, trước khi vận động phải chuẩn bị tốt, lượng vận động nên tăng dần, sau khi kết thúc phải làm động tác thư giãn hay xoa bóp. Điều này có thể sẽ giảm nhẹ hoặc tránh cơ bắp phát sinh đau mỏi.
228. Vì sao việc ăn lương thực tạp lại có ích cho sức khỏe?
Người phương Nam một ngày ăn ba bữa, hầu như đều bằng cơm, còn người phương Bắc lại lấy bột mì làm lương thực chính. Nhưng các nhà dinh dưỡng học lại khuyên chúng ta rằng: nên ăn nhiều loại lương thực tạp. Ăn ngũ cốc hỗn hợp tốt hơn là chỉ ăn một loại. Lương thực tạp là ngoài gạo và bột mì ra còn dùng ngô, cao lương, các loại đậu...
Quá trình trưởng thành và phát dục, hấp thu, đào thải và các chức năng sinh lý của con người đều đòi hỏi nguồn dinh dưỡng phong phú, trong đó có anbumin, các loại mỡ, đường, vitamin và nguyên tố vi lượng. Một người trưởng thành mỗi ngày cần được hấp thu 80-100 g anbumin, một trong hơn 20 loại axit amoni mà cơ thể không tự hợp thành được, phải dựa vào sự cung cấp của thực vật. Việc cơ thể thiếu một loại anbumin nào đó sẽ dẫn đến giảm trọng lượng, cơ bắp co rút, dinh dưỡng không tốt. Ví dụ: Thiếu nhóm vitamin B sẽ gây ra các chứng viêm thần kinh, ngứa da, thiếu máu. Hằng ngày, chúng ta ăn cơm chính là để hấp thụ các loại dinh dưỡng từ trong thực phẩm. Gạo và bột mì chỉ có thể cung cấp cho ta các hợp chất của cácbua với nước và anbumin, còn những thành phần dinh dưỡng khác thì không đủ. Lương thực tạp có tác dụng bổ sung những thành phần còn thiếu này.
Ngô là lương thực phụ mọi người thường ăn. So với bột mì, ngô không thua kém một chút nào về số năng lượng, vitamin và khoáng chất. Giá trị anbumin của nó nằm mức giữa bột mì và gạo. Ngô chứa khá nhiều axit mỡ không no, giúp chống bệnh xơ cứng mạch máu, đề phòng tế bào suy lão. Trong ngô còn có các chất vi lượng như canxi, phốt pho, có lợi cho sự phát triển khung xương và hệ thống thần kinh, giảm huyết áp. Ngoài ra, ngô còn có tiền vitamin A, có tác dụng bảo vệ thị lực và da (mà trong bột gạo và bột mì không có). Hàm lượng anbumin, mỡ và chất sắt của ngô đều nhiều hơn gạo; nó lại có nhiều loại axit gốc amin, chứa vitamin B dồi dào mà những lương thực phụ khác không có.
Các loại axit amin trong khoai lang nhiều ngang với gạo, có giá trị dinh dưỡng cao; hàm lượng các vitamin nhóm B và canxi trong khoai cũng cao hơn gạo. Trong khoai còn có vitamin C và tiền vitamin A.
Đặc điểm lớn nhất của các loại đậu là hàm lượng anbumin rất cao, gấp 2-5 lần so với gạo hoặc bột mì. Trong các loại đậu còn có chất lysin mà trong anbumin mà các loại ngũ cốc khác không có, tuy nó không có các loại axit amin thường gặp trong ngũ cốc.
Qua so sánh, ta thấy các loại lương thực đều có đặc điểm dinh dưỡng riêng. Gạo, khoai lang, bột mì có lượng anbumin cao; ngô nhiều axit béo không no và tiền vitamin A; các loại đậu không những có hàm lượng anbumin cao và tốt mà còn chứa nhiều loại vitamin B. Căn cứ vào đặc điểm này, chúng ta nên phối hợp hợp lý nhiều loại lương thực phụ để bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng, thỏa mãn nhu cầu phát dục và bảo đảm sức khỏe.
Hằng ngày, chúng ta có thể ăn cơm hay bột mì, thêm khoai lang, khoai tây (để thay thế một phần gạo). Việc ăn nhiều lương thực phụ không những giúp thay đổi khẩu vị mà còn có lợi cho sức khỏe.
229. Vì sao việc nhai kẹo cao su lại có ích?
Kẹo cao su rất tốt cho sức khỏe không những của trẻ em mà cả với thanh niên. Việc nhai loại kẹo này không những có lợi cho sự phát triển của các cơ mặt mà còn có lợi cho răng.
Kẹo cao su thực tế là loại kẹo rất ít đường, có tính dẻo và đàn hồi cao. Khi nhai kẹo, các cơ mặt không những phải làm việc mà mặt răng cũng cọ xát lẫn nhau. Người thường ăn kẹo cao su có ba điều lợi như sau:
- Đề phòng sâu răng: Trên 50% trẻ em mắc phải bệnh sâu răng, nguyên nhân chính là không chú ý giữ vệ sinh miệng, trước khi ngủ còn ăn ngọt, lại không đánh răng, làm cho các chất cặn lưu lại trong khoang miệng và giữa các kẽ răng. Vi khuẩn nhân cơ hội đó mà sinh sôi nảy nở, ở chân răng hình thành những vết đen. Nếu sau bữa ăn, các em ăn một cái kẹo cao su thì qua việc nhai đi nhai lại, kẹo có thể cuốn trôi những thức ăn còn đọng lại giữa các kẽ răng, lại kích thích nước bọt tiết ra. Nước bọt nhiều sẽ có tác dụng làm cho miệng sạch.
- Làm chặt răng: Khi hai hàm răng dùng lực cân bằng để nhai kẹo, đó vừa là một sự kích thích sinh lý đối với răng lại vừa là một sự kích thích cơ học có tác dụng xoa bóp rất tốt. Nó làm cho răng chắc, chân răng khỏe, làm chặt răng.
- Giúp cơ mặt phát triển: Trong cuộc sống hiện đại, các loại lương thực tạp, lương thực thô dần dần bị các thực phẩm tinh chế thay thế. Thức ăn của trẻ thường mềm và nhỏ, phần nhiều không đòi hỏi phải nhai lâu đã có thể nuốt được. Như vậy, các tổ chức cơ mặt vận động ít, không được rèn luyện thích đáng nên phát triển không tốt. Tình trạng này kéo dài sẽ khiến trẻ dễ bị thiên đầu thống khi lớn lên. Nhưng với những em hay ăn kẹo cao su thì tình hình sẽ khác, cơ mặt phát triển bình thường, cơ chắc khỏe khiến cho bộ mặt đầy đặn.
Qua đó, ta thấy kẹo cao su là loại kẹo có ích. Việc ăn nó thường xuyên có lợi cho sức khỏe. Nhưng cũng cần chú ý, khi ăn kẹo tốt nhất không nên nhai một bên (để tránh hàm và cơ mặt phát triển lệch), hoặc vừa ăn vừa làm bong bóng (vì như vậy vừa không văn minh vừa mất vệ sinh).
230. Vì sao không nên ăn củ ấu, ngó sen, củ năn?
Ở phía nam Trung Quốc có một số thực vật thủy sinh như củ ấu, ngó sen, củ năn..., vị thơm và ngon, nhưng người ăn chúng dễ mắc bệnh sán lá gừng.
Sán lá gừng là một loại ký sinh trùng đẻ trứng trong ruột non của người và bài tiết ra ngoài theo phân. Vì người miền nam Trung Quốc thường dùng phân tươi để bón cây nên trứng sán rất dễ lẫn vào trong các nguồn nước. Trứng sán dưới nhiệt độ thích hợp sẽ trở thành ấu trùng lông, chui vào trong con ốc. Rễ cây củ ấu, ngó sen, củ năn là những chất ốc rất thích ăn. Khi ốc sống ở rễ cây này thì ấu trùng lông trong ốc sẽ chui ra, làm thành tổ kén trên rễ đó.
Tháng 7 đến tháng 9 hằng năm là mùa thu hoạch các loại thực vật thủy sinh trên, cũng là mùa kén ấu trùng nhiều nhất. Nếu ăn phải củ ấu, ngó sen, củ năn có kén, kén ấu trùng sẽ xâm nhập cơ thể, phát triển thành sán lá gừng, sinh sống trong ruột non, gây bệnh viêm niêm mạc ruột non, ảnh hưởng đến tiêu hóa. Triệu chứng là bụng trên khó chịu, khẩu vị không tốt, ỉa chảy, tiêu hóa không tốt, thậm chí gây suy dinh dưỡng, mặt và tay chân phù thũng, trẻ em phát triển không bình thường.
Do đó, nếu ăn các loại củ trên, cần luộc thật chín. Nếu ăn sống thì phải nhúng qua nước sôi từ 3 đến 5 phút, sau đó dùng dao bóc vỏ; nhất thiết không được ăn cả vỏ.
231. Vì sao không nên ăn sò?
Năm 1988, ở Thượng Hải xuất hiện đại dịch viêm gan A. Có gia đình tất cả mọi người đều mắc bệnh. Trong một thời gian, khoa cách ly của bệnh viện không đủ chứa bệnh nhân. Hễ nói đến viêm gan A là mặt mọi người biến sắc. Điều gì đã khiến dịch viêm gan A lây truyền rộng rãi như thế? Qua nghiên cứu, người ta đã phát hiện mọi chuyện đều do tính thích ăn sò gây nên.
Sò sống ở vùng biển cạn, nơi rất dễ bị ô nhiễm. Trong khu vực nước ô nhiễm, cơ thể sò thường có virus viêm gan A. Virus này có sức đề kháng rất mạnh, chịu được nhiệt độ 56 độ C trong vòng 1 giờ; ở nhiệt độ 100 độ C, nó có thể chịu được 5 phút. Để giữ hương vị thơm ngon của sò, người ta chỉ nhúng nó sơ qua vào nước sôi, sau đó cho gia vị vào để ăn. Tuy nước có nhiệt độ cao nhưng thời gian nhúng quá ngắn nên virus viêm gan A trong thịt sò vẫn chưa mất tác dụng; nó xâm nhập cơ thể và gây bệnh. Viêm gan A lại là loại bệnh truyền nhiễm, nó không phát sinh ngay sau khi ăn sò mà chỉ có triệu chứng sau 3-4 tuần ủ bệnh; trong thời gian đó, bệnh đã truyền qua nhiều người vì bệnh nhân chưa được cách ly. Một truyền mười, mười truyền trăm, do đó gây nên đại dịch.
232. Vì sao lúc nấc cụt không nên uống nước?
Thường thì nấc cụt phát sinh một cách đột nhiên. Bạn vừa cảm thấy phần trên lồng ngực bị co giật từng cơn rất khó chịu thì miệng đã đột nhiên phát ra từng tiếng nấc. Nấc cụt phát sinh nhanh và mất cũng nhanh, thường chỉ kéo dài mấy phút. Hiện tượng này không gọi là bệnh. Nó xuất hiện vì người ta ăn quá nhanh hoặc cười nhiều, hít phải khí lạnh.
Một số người bị nấc cụt lâu khác thường. Đó là biểu hiện của một loại bệnh nào đó như viêm dạ dày, chướng bụng, dạ dày bị phình ra, hoặc các bệnh về cơ hoành, khí quản.
Trong tất cả các trường hợp, nấc cụt đều xuất hiện do cơ hoành co thắt từng đợt. Cơ này nằm giữa lồng ngực và bụng trên, cho nên khi nó bị co thắt thì lồng ngực rất khó chịu. Vì cơ hoành co thắt từng lần đột ngột nên không khí hít vào xung kích lên lưỡi gà cổ họng, phát ra thành tiếng nấc.
Có người nói khi bị nấc cụt, nếu uống mấy ngụm nước ấm thì sẽ khỏi nhanh. Thực ra, khi đó không nên uống nước vì dễ bị sặc vào khí quản. Đó là vì khí quản nằm ở phía trước thực quản, cả hai đều bắt đầu từ cổ họng. Phía trước khí quản có một xương sụn. Khi ta nuốt, khí quản nâng lên, do đó miệng khí quản được xương sụn này đậy lại, nước hoặc thức ăn nhờ thế mà đi vào thực quản, rơi xuống dạ dày. Khi ta thở, miệng khí quản mở ra. Do khi nấc cụt, ta không chủ động khống chế được khí quản nên rất dễ bị sặc, nước vào khí quản gây nên ho sặc hoặc tắc thở.
233. Ăn hoa quả cả vỏ có tốt không?
Nhiều người trước khi ăn hoa quả không rửa sạch, chỉ dùng tay chùi qua. Điều đó không tốt.
Trước kia, nhiều người cho rằng hoa quả là nguồn dinh dưỡng phong phú, chất dinh dưỡng trong vỏ không ít, nên ăn cả vỏ thì tốt hơn. Cho dù vỏ của một số quả rất khó ăn nhưng không ít người vẫn tận dụng (như ngâm vỏ quýt vào nước để uống). Thực ra, làm như thế là không hay. Vì rất nhiều vùng trên đất nước ta, người trồng cây thường phun thuốc định kỳ để ngăn ngừa sâu bọ. Do đó, vỏ hoa quả khó mà tránh tình trạng nhiễm thuốc. Nếu gặp phải những loại thuốc có tính thẩm thấu mạnh, thậm chí ngấm sâu vào trong quảquả thì dù có rửa kỹ cũng không thể sạch.
Vậy đối với những loại quả không thể gọt vỏ như nho, đào, xoài, đại táo... thì làm thế nào? Đối với những loại đó, trước hết nên rửa qua nước sạch, sau đó ngâm vào dung dịch thuốc tím độ 10 phút, dùng nước sôi để nguội rửa sạch rồi mới ăn. Thao tác này vừa có thể diệt được vi khuẩn trên vỏ, vừa khử được tàn dư thuốc thực vật.
Nhưng cùng với sự phát triển của nền nông nghiệp hiện đại, ý thức bảo vệ môi trường ngày càng tăng, những thực phẩm không bị phun thuốc và không nhiễm phân hóa học sẽ ngày càng nhiều. Loại thực phẩm này (bao gồm cả hoa quả) đương nhiên sẽ tránh được tình trạng trên. Nếu hoa quả bạn mua về là hoa quả sạch, việc ăn cả vỏ sẽ không gây tác hại gì.
234. Bụi vào mắt thì làm thế nào?
Những ngày gió to, đi ngoài trời, cát bụi rất dễ bay vào mắt. Vì mắt là cơ quan thị giác rất nhạy cảm nên dù hạt bụi nhỏ hơn hạt cải, ta cũng đã cảm thấy rất khó chịu. Lúc đó, một số người dùng tay giụi mắt, hy vọng đẩy bụi ra ngoài. Nhưng việc này dễ gây tổn thương cho nhãn cầu.
Như ta đã biết, con mắt giống như máy ảnh vô cùng tinh xảo. Giác mạc giống như một lớp thủy tinh mỏng che phía trước. Nó trong suốt, trơn phẳng để cho ánh sáng đi vào tận đáy mắt. Sau khi mắt bị bụi vào, nếu dùng lực giụi mắt thì lớp thủy tinh này sẽ bị rạch thành nhiều đường, khiến cho mắt mờ đi, nhìn không rõ.
Vậy khi mắt bị bụi thì làm thế nào? Trước hết, ta cần lợi dụng nước mắt. Bình thường trong mắt luôn có nước mắt, có tác dụng bôi trơn nhãn cầu. Khi mắt bị bụi, nước mắt tăng lên rất nhiều. Để nước mắt cuốn trôi bụi dễ dàng, hãy nhắm mắt lại, dùng tay nắm mí mắt kéo nhẹ nhàng mấy lần. Nếu làm cách này vẫn không đỡ thì có thể nhờ người khác lật mí mắt lên, dùng vải mềm hoặc bông xoa nhẹ, hoặc nhúng mắt vào nước sạch rồi nhấp nháy.
Nếu sau khi lật cả hai mí mà không tìm thấy bụi, nhưng mắt vẫn có cảm giác cộm xốn thì có thể bụi đã dính vào giác mạc. Lúc đó, nên đến bệnh viện kiểm tra, nhờ bác sĩ xử lý.
235. Hóc xương thì làm thế nào?
Hóc phải xương thì làm sao? Không ít người có thói quen dùng phương pháp ăn một miếng cơm to để kéo xương đi theo. Thực tế phương pháp này rất nguy hiểm bởi vì cục cơm rất dễ khiến cho xương càng cắm sâu hơn, không những khó lấy ra mà còn làm cho thực quản dễ bị viêm nhiễm hoặc thủng, gây hậu quả nghiêm trọng. Do đó, khi hóc xương cá, nên kịp thời tìm cách gắp nó ra, không nên ăn nuốt lung tung.
Nếu xương cá cắm vào yết hầu, nhìn thấy được khi mở to miệng thì có thể dùng nhíp để lấy ra. Nếu hóc ở cuống họng hoặc xung quanh xương sụn lưỡi gà, tự mình khó nhìn thấy thì nên mời bác sĩ dùng nhíp đặc biệt để lấy ra. Nếu hóc trong thực quản thì bác sĩ cũng không nhìn thấy được, phải chiếu X-quang để kiểm tra. Bệnh nhân được cho nuốt chất cản quang, chất này gặp phải xương sẽ bị xương giữ lại, hiện hình rất rõ trên màn X-quang hiện ra rất rõ. Nhờ xác định chính xác vị trí của xương, bác sĩ có thể dùng đèn soi thực quản để lấy nó ra.
Trong dân gian lưu truyền cách uống dấm để chữa hóc. Trong trường hợp không có thiết bị soi thực quản, bạn có thể thử phương pháp đó xem sao.
Để đề phòng hóc xương, không nên nói chuyện khi ăn cơm (đặc biệt là những bữa có món cá) vì việc vừa nói vừa ăn sẽ cản trở động tác nuốt bình thường, rất dễ gây hóc.
236. Vì sao người nuôi súc vật cảnh dễ bị bệnh truyền nhiễm?
Cùng với mức sống không ngừng được nâng cao, súc vật cảnh cũng ngày càng quan trọng trong cuộc sống gia đình. Việc nuôi mèo hoặc chó cảnh sẽ tăng thêm không khí vui tươi trong gia đình; người già cô đơn nuôi súc vật cảnh sẽ thấy cuộc sống đỡ buồn tẻ hơn.
Tuy nhiên, việc nuôi súc vật cảnh cũng tiềm ẩn mối nguy hiểm về bệnh truyền nhiễm. Ví dụ, khi nhà bạn nuôi mèo, bạn phải đặc biệt cảnh giác với bệnh giun kim.
Giun kim là một loại ký sinh trùng do mèo truyền sang. Trứng giun ra ngoài theo phân mèo, nở thành ấu trùng giun. Khi xâm nhập cơ thể người (qua đường tiêu hóa), ấu trùng sẽ trở thành giun kim, bám vào vách ruột để hút máu. Chúng có thể theo máu đi vào các cơ quan như não, tim, gan, cơ bắp... và sinh sôi nảy nở ở đó. Người nhiễm giun kim phần đông không có triệu chứng rõ ràng, một số trường hợp xuất hiện bướu to sau cổ. Những người miễn dịch kém có thể bị viêm gan, thận, cơ tim và não. Ở phụ nữ có thai, giun kim có thể xuyên qua rau để vào thai, gây hậu quả rất nghiêm trọng.
Giống như người, trong ruột mèo cũng có giun đũa (nhỏ hơn giun đũa của người). Trứng giun đũa của mèo sau khi bài xuất theo phân sẽ gây ô nhiễm thức ăn. Người ăn phải nó sẽ bị bệnh; đặc biệt là trẻ em sau khi mắc bệnh giun đũa thường xuất hiện các chứng kém ăn, bụng trướng, sốt, thiếu máu...
Việc nuôi chó cảnh cũng không an toàn. Nếu bị chó dại cắn thì hiệu suất tử vong rất cao. Một vật nuôi khác là chim vẹt cũng dễ gây bệnh sốt anh vũ.
Vì sinh vật cảnh dễ truyền bệnh. Vì vậy, khi nuôi chúng phải có những biện pháp đề phòng tốt như tiêm dự phòng định kỳ, giữ gìn vật nuôi sạch sẽ...
237. Ăn trứng gà như thế nào mới có lợi cho sức khỏe?
Trứng gà là loại thực phẩm phổ thông, giàu dinh dưỡng, dễ ăn, lại rẻ, do đó được nhiều người ưa thích.
Có người cho rằng, trứng gà sống dễ hấp thu, giá trị dinh dưỡng cao, bổ cho cơ thể. Thực ra không phải như thế. Trước hết, trứng gà sống chứa những chất kháng sinh và men có hại cho sự tiêu hóa của cơ thể. Chúng gây thiếu nhóm vitamin B. Còn ở trứng gà luộc chín, các chất kháng sinh này đã bị phá hoại. Hơn nữa, kết cấu anbumin của trứng gà sống rất vững chắc nên tỷ lệ hấp thu chưa đến 60%, phần còn lại đều bị thải ra ngoài. Còn anbumin của trứng gà chín thì kết cấu đã lỏng lẻo, dễ được cơ thể hấp thu, đạt trên 90%.
Ngoài ra, trên vỏ trứng gà có rất nhiều vi khuẩn và trứng ký sinh trùng. Chúng đi vào trong qua những lỗ nhỏ trên vỏ trứng, gây ô nhiễm. Còn ở trứng gà chín, chúng đã bị tiêu diệt.
Trứng gà vỏ đỏ tốt hay trứng gà vỏ trắng tốt? Trứng gà vỏ đỏ màu hồng nhuận, vỏ chắc khó vỡ, lòng đỏ cũng đậm hơn cho nên nhiều người cho rằng dinh dưỡng của nó nhiều hơn trứng gà trắng. Thực ra, lượng dinh dưỡng của chúng chẳng chênh nhau là mấy. Ở trứng gà đỏ, hàm lượng anbumin là 12,4%, hàm lượng mỡ là 11,2%. Còn ở trứng gà trắng, các chỉ số này lần lượt là 13% và 9,9%. Những thành phần khác đều tương đương giữa 2 loại trứng.
238. Vì sao chơi điện tử quá mức sẽ có hại?
Trò chơi điện tử là sản phẩm khoa học kỹ thuật cao cấp, đã trở thành phương tiện vui chơi rất quan trọng trong cuộc sống hiện đại. Đặc biệt là Brickgame thể tích nhỏ, không bị thời gian và không gian hạn chế nên rất được hoan nghênh. Có người cho rằng Brickgame bức xạ không mạnh như máy tính điện tử nên ảnh hưởng mắt không lớn, thực tế không hoàn toàn như vậy.
Chúng ta thường bắt gặp một số người chơi Brickgame trên tàu hỏa, ô tô, đã chơi là kéo dài vài tiếng, con mắt dán vào màn hình nhỏ, tay bấm liên tục, rất dễ gây mỏi mắt, cứng tay. Nếu không chú ý hướng chiếu của ánh sáng và tư thế ngồi mà chơi lâu, họ sẽ giảm thị lực, thần kinh căng thẳng, sức chú ý không tập trung, dẫn đến tinh thần uể oải.
Đối với thiếu nhi, việc chơi Brickgame quá mức càng có hại vì cơ thể đang phát triển, mắt, khung xương và các cơ quan khác chưa hoàn thiện phát triển hoàn toàn. Càng có hại hơn nếu trẻ dành thời gian lên lớp và làm bài tập cho trò chơi này. Nhiều nghiên cứu cho thấy, trẻ em nghiện trò chơi Brickgame dễ dẫn đến học tập khó khăn, mất tính sáng tạo và năng lực suy đoán, trở thành người "máy". Lâu ngày, chúng sẽ trở nên nghiện, dốc toàn bộ hứng thú và thời gian vào trò chơi. Một số nhà hàng tổ chức trò chơi còn đặt giải thưởng để thu hút các em, thậm chí có những phòng chơi còn đánh bạc; nhiều trò chơi mang nội dung tình dục, bạo lực, rất có hại cho thanh thiếu niên.
Sự xuất hiện trò chơi điện tử có thể làm phong phú cuộc sống của con người, nếu đó là những chơi lành mạnh. Tuy nhiên, theo khuyến cáo của các chuyên gia, dù sao cũng không nên chơi điện tử (kể cả Brickgame) quá một giờ. Sau khi kết thúc trò chơi nên cho mắt nghỉ, nên tập thể dục cho tay, hoạt động tứ chi để tránh các ảnh hưởng có hại.
239. Vì sao không thể có những người tướng mạo hoàn toàn giống nhau?
Tướng mạo là phần cơ thể gây chú ý nhất cho con người, cũng là căn cứ để mọi người nhận biết và tìm hiểu lẫn nhau. Vì sao tướng mạo người ta không ai giống nhau? Động lực "tạo nên" tướng mạo là gì?
Con người hình thành do sự kết hợp của tinh trùng và trứng của hai bên bố mẹ. Số lượng nhiễm sắc thể trong tinh trùng và trứng là 23 x 2 = 46 cái. Đặc trưng tướng mạo của con người do các gene trên các nhiễm sắc thể quyết định.
Mỗi nhiễm sắc thể đều có cấu tạo và hình dạng riêng. Trên mỗi nhiễm sắc thể có khoảng 1250 gene. Ngày nay, các nhà y học cho rằng tổng số gene của con người ở khoảng 1-2 triệu. Vì vậy, chúng có thể "nặn ra" vô số tướng mạo, không những mắt, mũi, miệng, tai... có hình dạng và vị trí khác nhau mà khuôn mặt cũng khác nhau; thậm chí mắt một mí và mắt hai mí cũng đều là do những gene di truyền khác nhau quyết định. Ngay ở trường hợp sinh đôi, sự sắp xếp gene di truyền trên nhiễm sắc thể cũng không hoàn toàn giống nhau, chỉ có 1/70-1/80 khả năng giống nhau. Do đó, những người giống nhau hoàn toàn có thể nói là không có.
240. Cha mẹ thấp có sinh được con cao lớn không?
Thông thường, cha mẹ cao thì con cái cũng cao. Nhưng không thể phủ nhận là trong một số gia đình cha mẹ cao nhưng lại xuất hiện con thấp và ngược lại, nhiều gia đình cha mẹ thấp nhưng lại có những đứa con cao. Tại sao vậy?
Thứ nhất, những người thân cao thường chịu ảnh hưởng rõ rệt của nhân tố môi trường. Khi con người ở thời kỳ phát dục, nếu gặp môi trường có lợi cho sự phát triển chiều cao (khí hậu thích hợp, dinh dưỡng đầy đủ, rèn luyện vận động đúng mức...), cơ thể dễ phát triển cao; nếu rơi vào môi trường bất lợi thì sự phát triển chiều cao dễ bị ảnh hưởng.
Thứ hai, chiều cao cơ thể còn chịu ảnh hưởng của nhân tố di truyền. Loài người có mấy gene di truyền quyết định chiều cao thân thể. Nếu cha mẹ truyền cho con nhiều gene di truyền có lợi cho chiều cao thì con cái lớn lên sẽ cao và ngược lại.
Tóm lại, chiều cao của con người vừa chịu ảnh hưởng của nhân tố môi trường vừa chịu ảnh hưởng của nhân tố di truyền. Vì điều kiện môi trường của mỗi người khác nhau, nhân di truyền quyết định chiều cao bố mẹ truyền cho cũng khác nhau nên chiều cao của cơ thể con cái là muôn hình vạn trạng. Nhưng nhìn chung, bố mẹ cao thì con cái phần nhiều cũng cao.
241. Vì sao có một số người thấp nhỏ?
Có nhiều người trông khuôn mặt rõ ràng là đã trưởng thành nhưng thân thể lại rất thấp bé, giống như một thiếu niên.
Sự sinh trưởng và phát dục của cơ thể chịu sự khống chế của chất kích thích sinh trưởng do thùy não tiết ra. Nếu chất kích thích này được tiết ra quá nhiều, người sẽ to tồ; nhưng nếu trước thời kỳ phát dục, chất kích thích này được sản xuất không đủ, cơ thể sẽ rất thấp bé.
Một số người do thiếu chất kích thích sinh trưởng nên chiều cao chỉ đạt trên dưới 1,32 m đối với nam và 1,23 m đối với nữ. Vì phần đầu của họ vẫn như người lớn bình thường cho nên họ có hình dạng không cân xứng. Tuy trí lực của người thấp bé không bị ảnh hưởng mấy nhưng với tầm vóc như thế, họ gặp nhiều trở ngại trong sinh hoạt và có áp lực tâm lý to lớn.
Hiện các nhà khoa học chưa xác định được nguyên nhân tại sao ở những người này, não lại không tiết ra đủ chất kích thích, khiến họ mắc chứng bệnh thấp bé. Nhiều người cho rằng tình trạng này do cơ thể bẩm sinh phát dục không đầy đủ gây nên; có người lại cho rằng việc này liên quan đến chứng nhiễm trùng hoặc bị ký sinh trùng hút máu. Một số người mắc bệnh nhỏ bé do não bị một khối u bên cạnh chèn ép.
Những người thấp bé do thiếu kích thích tố sinh trưởng có thể điều trị bằng cách tiêm chất kích thích sinh trưởng. Nếu nguyên nhân gây thấp bé là khối u thì trước hết cần tìm cách chữa trị khối u.
242. Tại sao các nhà khoa học phải khám phá bí mật gene di truyền của con người?
Các nhà khoa học đang khám phá bí mật gene di truyền của con người nhằm vẽ ra bức tranh chính xác về di truyền. Không ít người sẽ hỏi, mặc dù chúng ta công phá được cửa ải này nhưng nó sẽ đem lại ý nghĩa thực tế gì cho cuộc sống nhân loại?
Di truyền học hiện đại mách bảo chúng ta rằng, gene là cơ sở của di truyền, do ADN tổ chức thành. Nó quyết định các tính trạng của cơ thể, ví dụ người châu Á mắt đen, người châu Âu mắt xanh. Màu sắc của nhãn cầu là do gene chi phối.
Không những thế, có nhiều bệnh con người mắc phải là do gene di truyền. Bệnh nhân di truyền do một gene nào đó biến đổi về kết cấu mà gây nên, điển hình nhất là bệnh thiếu máu dạng tế bào lưỡi liềm. Còn bệnh do nhiều gene di truyền là do kết cấu nhiều gene biến đổi gây nên, ví dụ như khối u, cao huyết áp...
Chính vì vậy, nếu nắm vững kết cấu từng gene trong cơ thể và tình trạng hoặc bệnh tật tương ứng với nó thì cho dù con người mắc bệnh gì cũng chỉ cần khắc phục được gene tương ứng là tìm được phương pháp chữa bệnh. Vì vậy, các nhà khoa học đang khao khát dịch được bí mật gene.
243. Bệnh di truyền phát sinh như thế nào?
Trong quan niệm của người xưa, bệnh di truyền có liên quan tới cơ quan sinh dục. Cùng với sự phát triển của sinh vật học phân tử hiện đại, loài người đã có nhận thức sâu sắc hơn đối với bệnh di truyền. Ngày nay, người ta cho rằng bệnh di truyền có thể do cha mẹ truyền lại, cũng có thể không phải từ cha mẹ để lại. Ví dụ, bệnh bẩm sinh ngu đần vừa có thể do gene bị biến đổi, cũng có thể là bệnh di truyền, tức là từ bố mẹ truyền lại. Nhưng bệnh ung thư mà mọi người đều sợ lại không phải do bố mẹ di truyền, mà là do gene biến đổi trước ảnh hưởng của môi trường.
Bệnh do gene có thể chia làm 3 loại lớn: bệnh di truyền đơn gene, bệnh nhiễm sắc thể, bệnh di truyền đa gene.
Bệnh di truyền đơn gene do một gene nào đó phát sinh biến đổi mà gây nên, thường dẫn đến sự rối loạn hấp thu, đào thải hoặc phát dục của cơ thể. Bố mẹ của bệnh nhân xem ra rất bình thường, nhưng trên thực tế đều mang những gene gây bệnh ở dạng tiềm ẩn. Lúc đó gọi "Di truyền có tính tiềm ẩn". Cũng có trường hợp bố mẹ bệnh nhân cũng phát bệnh, gọi là "di truyền hiện rõ". Bệnh đơn gene có rất nhiều loại: thiếu máu dạng lưỡi liềm, bệnh máu nhóm A, mù màu đỏ...
Bệnh nhiễm sắc thể xuất hiện do thừa hoặc thiếu nhiễm sắc thể. Mặc dù dây nhiễm sắc thể này đều có các gene bình thường nhưng bệnh nhân vẫn xuất hiện chứng tổng hợp đường thị (bẩm sinh ngu đần).
Bệnh di truyền đa gene khá phức tạp, do nhiều gene gây nên. Có lúc tất cả các gene đều bình thường, nhưng tổng hợp các gene này trên một cơ thể nào đó lại làm xuất hiện bệnh chứng nghiêm trọng, ví dụ như bệnh tim, khối u, bệnh động mạch vành... Loại bệnh này cũng chịu ảnh hưởng của môi trường, phương thức sinh hoạt cá nhân và điều kiện ngoại giới.
Bệnh di truyền làm tổn hại nghiêm trọng đến loài người, đặc biệt là gia đình của bệnh nhân. Theo thống kê,1/3 số trẻ đến điều trị tại khoa nhi có liên quan đến bệnh di truyền. Trong các ca tử vong ở trẻ em từ 15 tuổi trở xuống, bệnh di truyền chiếm phần lớn.
Ngày nay, loài người vẫn chưa có biện pháp chữa trị hiệu qủa đối với loại bệnh này; do đó, việc chẩn đoán và dự phòng sớm là vô cùng quan trọng. Ví dụ: Cấm kết hôn giữa những người có quan hệ huyết thống gần; trước khi kết hôn và sinh đẻ phải kiểm tra và hỏi han về di truyền để sinh con tốt; đối với những thành viên trong gia đình dễ mắc bệnh, cần tư vấn sớm để đề phòng...
Nhờ sự phát triển của y học hiện đại, tế bào học và sinh vật học phân tử, con người ngày càng hiểu biết sâu hơn nguyên nhân gây các loại bệnh này. Các thành qủa nghiên cứu khoa học đã đưa lại những biện pháp có hiệu qủa để chẩn đoán và dự phòng bệnh di truyền. Chữa bệnh bằng gene di truyền cũng là phương hướng chủ yếu của y học và sinh vật học hiện đại.
244. Gene di truyền vân tay là gì?
Vân tay là từ chỉ các hoa văn trên da đầu ngón tay. Chúng có vẻ khác nhau không nhiều, nhưng thực ra là thiên biến vạn hóa. Mãi đến ngày nay, người ta vẫn chưa phát hiện ra hai người có vân tay hoàn toàn giống nhau trên thế giới này. Chính nhờ đặc điểm đó mà cảnh sát có thể thông qua việc giám định dấu vân tay để lại trên hiện trường để tìm ra tội phạm, xác nhận phạm nhân là ai.
Như ta đã biết, giữa những người khác nhau, gene di truyền trong cơ thể tuy căn bản giống nhau nhưng vẫn có sự khác biệt nhiều hay ít. Có thể nói, giống như vân tay, trên thế giới này không tồn tại hai người có gene di truyền hoàn toàn giống nhau, ngay với người sinh đôi cũng có sự khác biệt nho nhỏ. Các nhà khoa học có thể căn cứ mật mã di truyền, qua xử lý đặc biệt để nhận biết hình vẽ nào đó, nhìn vào đó giống như những hình mật mã đen trắng đan xen nhau, đó chính là gene di truyền vân tay.
Gene di truyền vân tay giống như vân tay, sẽ giúp đỡ cảnh sát phá án rất tốt. Trình độ kỹ thuật ngày nay có thể từ một giọt máu, từ một cây tóc, một chút nước bọt để tìm ra được nhân di truyền vân tay. Ví dụ khi tội phạm vật lộn với người bị hại, rất có thể bị sầy sớt da, thậm chí để lại vết máu ở hiện trường. Đó chính là đầu mối quan trọng để cảnh sát từ đó tìm ra gene di truyền vân tay, sau đó tiến hành kiểm tra máu đối với những người bị nghi ngờ. Một khi phát hiện được gene di truyền thống nhất, người ta có thể xác định được ai là tội phạm.
245. Trẻ em sinh trong ống nghiệm có phải lớn lên trong đó không?
Nói đến trẻ em sinh trong ống nghiệm, hầu như ai cũng nghe biết, nhưng không phải ai cũng hiểu rõ trẻ em được sinh trong ống nghiệm như thế nào. Rất nhiều người cho rằng trẻ em có thể được nuôi lớn trong ống nghiệm. Thực ra đó là cách hiểu rất sai. Vậy trẻ em sinh trong ống nghiệm thực chất là như thế nào?
Các nhà khoa học cho chúng ta biết, kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm bao gồm hai phần chủ yếu: đó là thụ tinh bên ngoài cơ thể và dời cấy phôi thai. Phần đầu tiến hành trong ống nghiệm, phần sau là dời phôi thai cấy vào trong tử cung người mẹ để thai phát triển dần lên.
Sự ra đời "trẻ em ống nghiệm" đại thể cần phải kinh qua mấy quá trình sau: Trước hết, bác sĩ dùng thuốc để giúp người mẹ rụng trứng đúng thời gian yêu cầu, sau đó dùng một khí cụ đặc biệt cho vào bụng người mẹ để lấy trứng ra. Tiếp theo, bác sĩ cho trứng vào dung dịch nuôi trứng, chờ khi trứng hoàn toàn thành thục mới cho tinh trùng đã qua xử lý vào, để cho tinh trùng và trứng thụ tinh trong ống nghiệm, chứ không phải trong cơ thể người mẹ, mà hình thành trứng thụ tinh.
Lúc này, trứng thụ tinh được ngâm trong dung dịch nuôi dưỡng và bắt đầu sản sinh, phân chia tế bào. Một trứng thụ tinh phân chia thành hai, hai thành bốn, bốn thành tám..., dần dần phát triển thành phôi thai nhỏ nhoi. Đến giai đoạn này, bác sĩ đưa phôi thai dời vào tử cung người mẹ. Thai lớn dần đến lúc trở thành hài nhi.
Kỹ thuật sinh trong ống nghiệm chủ yếu được thực hiện đối với những người phụ nữ bị tắc ống dẫn trứng và những người chồng mà chất và lượng tinh trùng có vấn đề, không thể tự nhiên có thai được. Sự ra đời của kỹ thuật này đã đem lại hy vọng và hạnh phúc to lớn cho những cặp vợ chồng bị bệnh vô sinh.
246. Con người có thể tự nhân bản mình không?
Con người phục chế mình, sinh ra một người nhân bản giống như mình? Cùng với sự ra đời của cừu Doly, điều này có vẻ sẽ trở thành hiện thực. Nếu xét về mặt lý thuyết, đã nhân bản được cừu Doly thì cũng có thể nhân bản được trâu bò, con người. Cừu và người đều là động vật có vú; vậy kỹ thuật nhân bản vô tính cừu cũng có thể dùng được cho người.
Tuy nhiên, đối với vấn đề nhân bản con người, hiện nay giới khoa học đang tranh luận chưa dứt. Những người tán thành cho rằng, việc nhân bản người thành công là một may mắn to lớn đối với những cặp vợ chồng vô sinh. Nó cũng mở ra một bầu trời rộng lớn về nguồn cung cấp các cơ quan thay thế. Việc thực nghiệm kỹ thuật nhân bản vô tính còn thể hiện mơ ước "trường sinh bất lão" của một số người. Khi cuộc đời của một người đi đến tận cùng, họ có thể nhờ các nhà khoa học nhân bản mình.
Những người phản đối nhân bản vô tính người cũng đưa ra nhiều lý do. Người đã nhân bản thành công cừu Doly từng cho biết, ông đã dùng đến ba cừu mẹ giả, với tổng cộng 277 trứng; trong đó chỉ 29 trứng phát triển được đến giai đoạn có thể cấy; qua nhiều xử lý của kỹ thuật mà cuối cùng chỉ có được một con cừu. Nếu làm thí nghiệm như thế trên con người thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn và phiền phức chưa thể lường hết được. Chỉ riêng về trứng mà nói, một phụ nữ trong thời kỳ sinh đẻ mỗi tháng chỉ rụng một trứng; khả năng nhân bản vô tính trứng này thành công là rất ít; cho nên phải có rất nhiều phụ nữ tham gia thí nghiệm thì mới thành công được.
Các nhà khoa học cho rằng, việc dùng phương pháp vô tính để sản sinh ra con người sẽ khiến cho loài người mất đi tính đa dạng về di truyền, dẫn đến phá hoại sự sinh tồn của loài người. Nhân bản vô tính người là sự xâm phạm "quyền lợi về gene di truyền độc lập" của cá thể sinh mệnh đó. Con người nên yêu mến hình thức sinh mệnh độc đáo của mình, cũng nên tiếp thu sự tử vong tự nhiên của cá thể. Đó là sự bảo vệ đặc trưng cá tính và tôn trọng nhân cách của mình.
Ngoài ra, các nhà xã hội học còn cho rằng, nhân bản vô tính người là một sự đối lập mạnh mẽ đối với luân lý, kết cấu gia đình và trật tự xã hội hiện có, đánh mất đi tình thân truyền thống, trách nhiệm gia đình và nghĩa vụ xã hội... Tất cả những điều này đưa lại tác hại khôn lường.
Trong cuộc tranh luận rầm rộ này, tiếng nói của những người phản đối chiếm địa vị chủ đạo. Năm 1997, Tổ chức Khoa học giáo dục của Liên hợp quốc đã tiến hành đại hội ở Pháp, thông qua văn kiện về chuẩn mực đạo đức về chỉ đạo nghiên cứu di truyền. Đại hội này đã ra "Tuyên ngôn di truyền Nhân loại" yêu cầu cấm nhân bản vô tính người và những hành vi nghiên cứu khoa học khác làm tổn hại đến quyền lợi và sự tôn nghiêm của con người.
247. Con người vì sao biết xấu hổ?
Có một số người khi giao tiếp với người khác, đặc biệt là với người lạ, thầy giáo hoặc người lớn tuổi, thường cảm thấy xấu hổ và sợ hãi. Họ thường lắp bắp, nói nhỏ, thậm chí có lúc nói không ra lời. Tại sao vậy?
Trước hết, đó là vì nguyên nhân tâm lý. Người hay xấu hổ thường cảm thấy mình yếu đuối và vô cùng tự ty. Trong đó, có người thiếu lòng tự tin, quá lo lắng là mình sẽ để lại ấn tượng không tốt cho người khác, luôn lo sợ người khác khinh mình. Có người trong giao tiếp gặp phải trắc trở, từ đó trở nên thiếu mạnh dạn.
Thứ hai là nguyên nhân về sinh lý. Phản ứng sinh lý khi xấu hổ hoàn toàn giống như trạng thái căng thẳng: tim đập nhanh, cơ bắp căng thẳng, hàm lượng các chất kích thích trong máu và trong não tăng cao. Lúc đó, nhịp tim rối loạn, mặt đỏ, tay run, thậm chí toát mồ hôi.
Thứ ba là nguyên nhân về xã hội. Khi Lâm Đại Ngọc trong "Hồng Lâu mộng" vừa đến Giả phủ thì rất thẹn thùng e ngại. Hình tượng này được cho là điển hình của nữ tính, nhận được sự đồng cảm của xã hội. Theo một điều tra ở Nhật Bản, đa số người được hỏi đền cho rằng, phẩm chất nên có của nam giới là tính cương nghị; còn phẩm chất nên có của phụ nữ là tính dịu dàng, mà xấu hổ là một biểu hiện.
Làm thế nào để khắc phục tâm lý xấu hổ? Thứ nhất, phải tăng cường lòng tự tin, khẳng định đầy đủ chỗ mạnh của mình, khuếch trương chỗ mạnh, tránh chỗ yếu. Thứ hai, phải tranh thủ cơ hội tranh luận (trước dễ, sau khó) để rèn luyện. Ví dụ: Chủ động phát biểu trước nhiều người quen biết, sau đó mở rộng phạm vi và tăng thêm độ khó; cuối cùng là phải tiếp xúc nhiều với những người có tính cách cởi mở, lạc quan, nhiệt tình để có lợi cho việc khắc phục tâm lý xấu hổ.
Cơ thể người
Phần 1
Phần 2
Phần 3
Phần 4
Phần 5
Phần 6
Phần 7
Phần 8
Phần 8
Phần 9
Phần 10
Phần 11
Phần 12
Phần 13
Phần 14
Phần 15
Phần 16