Phần 5
Tác giả: nhiều tác giả
62. Trẻ em ăn cá nhiều có trở nên chậm chạp không?
Một số người già thấy trẻ em ăn cá nhiều thì ngăn lại vì họ sợ "ăn cá nhiều sẽ chậm chạp". Thực ra cách nghĩ này không có cơ sở khoa học. Cá là thức ăn quan trọng của con người. Các món cá không những ngon mà còn giàu dinh dưỡng. Trứng cá chứa khoảng 15-20% anbumin, dễ hấp thụ. Thành phần hóa học của loại anbumin này gần giống với anbumin trong cơ thể nên rất có lợi cho sức khỏe. Cá còn chứa 5-10% chất mỡ, giàu đường, vitamin, canxi, photpho... Nửa kg trứng cá chiên chứa 81,5 g anbumin, 44,5 g mỡ, 15 g đường, 5 mg canxi, 15,3 mg photpho, gần 10 mg vitamin các loại.
Trẻ em đang ở thời kỳ sinh trưởng quan trọng nên rất cần bổ sung đầy đủ dinh dưỡng. Việc ăn cá không những không làm cho người chậm chạp mà còn nâng cao sự phát triển của đại não (anbumin, canxi, photpho, vitamin... trong cá đều là những chất rất cần thiết cho đại não phát triển).
Khi ăn phải nhai kỹ, nghiền nát để tránh xương. Không nên ăn quá nhiều cá một lúc để tránh rối loạn tiêu hóa.
63. Vì sao cơm chan nước nóng không tốt cho tiêu hóa?
Ở Thượng Hải và một số vùng phía Nam Trung Quốc, rất nhiều người ăn sáng với cơm chan nước nóng, vì cách ăn này vừa nhanh, vừa đơn giản. Nhưng ăn cơm chan nước nóng không có lợi cho tiêu hóa.
Vì sao lại thế? Bởi vì thức ăn chúng ta ăn vào trước hết phải được nhai kỹ. Bộ răng vừa cắt vừa nghiền, làm cho thức ăn biến thành nhỏ mịn. Trong quá trình này, nước bọt sẽ không ngừng tiết ra, lưỡi không ngừng đảo trộn thức ăn, khiến cho thức ăn và nước bọt trộn đều. Men amylase trong nước bọt sẽ tác động tới chất amylase trong thức ăn, biến nó thành đường mạch nha, giúp cho dạ dày và đường ruột hấp thụ tốt. Ngoài ra, khi lưỡi đảo trộn thức ăn, vị ngon của thức ăn sẽ kích thích thần kinh vị giác ở đầu lưỡi. Thần kinh vị giác phản ánh lên đại não, đại não tiếp được thông tin lập tức ra lệnh cho dạ dày và lá lách tiết ra dịch tiêu hóa để chuẩn bị tiếp thu thức ăn.
Việc ăn cơm chan nước nóng đã phá hoại trình tự làm việc trên. Cơm lẫn với nước nóng thường chưa được nhai kỹ đã đưa vào dạ dày. Vì không nhai kỹ nên nước bọt tiết ra ít, men amylase bị nước làm loãng, cộng thêm thần kinh vị giác không được kích thích đầy đủ cho nên dạ dày không nhận được tín hiệu, do đó dịch vị tiết ra ít (dù có được tiết ra nhiều thì cũng bị nước làm loãng). Như vậy, các công đoạn của hệ thống tiêu hóa đều bị đảo lộn. Nếu cứ ăn như thế lâu dài, bạn sẽ bị bệnh dạ dày.
Nói như thế có phải là cũng không nên húp canh trong bữa ăn chăng? Không phải! Húp canh khi ăn và và ăn cơm chan nước nóng là hai việc khác nhau. Khi ăn cơm (đặc biệt là trước khi ăn), việc húp mấy thìa canh có thể làm nhuận khoang miệng và đường tiêu hóa, tạo thuận lợi cho việc nhai và nuốt thức ăn, kích thích miệng và dạ dày tiết ra nước bọt và dịch vị. Đương nhiên, trước khi ăn không nên húp nhiều canh, bởi vì nó sẽ làm loãng dịch tiêu hóa, giảm khả năng tiêu hóa.
Dù ăn kiểu gì cũng phải chú ý nhai kỹ, nuốt chậm.
64. Vì sao nên nghỉ ngơi trước và sau khi ăn ?
Dạ dày và ruột mỗi ngày phải tiêu hóa 3 bữa ăn. Trong quá trình đó, ngoài việc nhào trộn thức ăn thành dạng hồ, hệ tiêu hóa còn phải tiết ra các chất dịch để phân giải amylase, mỡ và anbumin thành chất dinh dưỡng mà ruột non có thể hấp thụ. Dịch tiêu hóa bao gồm nước bọt, dịch vị và dịch ruột. Những loại dịch này lúc nào cũng có nhưng chỉ được tiết ra nhiều khi chuẩn bị ăn. Để sản xuất dịch tiêu hóa, cơ thể cần có thời gian. Vì vậy, trước khi ăn, tốt nhất là nên nghỉ ngơi một chốc.
Sau khi ăn, dạ dày no căng, ruột cũng sắp khẩn trương làm việc, cần điều động một lượng máu lớn. Nếu lao động nặng hoặc làm việc trí não khẩn trương ngay sau khi ăn, máu trong cơ thể sẽ dồn ra cơ bắp hoặc đại não; dạ dày và ruột chỉ được nhận phần ít ỏi còn lại. Do đó, thức ăn không được tiêu hóa tốt, lâu ngày sẽ dẫn đến các bệnh về tiêu hóa như chướng bụng hoặc đau dạ dày.
Vì vậy, trước và sau khi ăn, ta đều nên nghỉ ngơi một lát. Sau khi ăn xong không nên làm việc nặng, đọc sách báo hay suy nghĩ nhiều.
65. Vì sao trẻ em ngày nay hay bị bệnh đường ruột?
Trước kia, trẻ em ít khi mắc bệnh đường tiêu hóa. Nhưng mấy năm gầm đây, số trẻ mắc các bệnh này tăng lên. Theo nghiên cứu của các nhà y học, điều này liên quan mật thiết tới chế độ ăn uống của trẻ em. Việc ăn quá nhiều đồ ngọt đã làm tăng gánh nặng cho đường tiêu hóa.
Ở trẻ em, hệ thống tiêu hóa chưa phát triển thành thục, độ axit trong dịch vị thấp, năng lực kháng khuẩn của dịch vị chưa mạnh; nếu ăn nhiều sẽ khó tiêu. Vi khuẩn vốn có trong đường ruột sẽ sinh sôi nảy nở, phân giải một phần thức ăn thành chất độc, gây cho nôn, tiêu chảy.
Để đề phòng bệnh đường ruột, các em nên kiềm chế ăn uống, không dùng thức ăn lạnh hoặc ăn no quá. Một khi đã bị bệnh đường ruột thì nên kịp thời đến bệnh viện kiểm tra và chữa trị, không nên coi thường, bỏ qua.
66. Vì sao một số người thường có cảm giác đi ngoài không hết?
Ai đi ngoài xong cũng cảm thấy nhẹ nhõm. Nhưng một số người sau khi đi ngoài vẫn có cảm giác đi chưa hết nên không thấy thoải mái. Vì sao lại như thế?
Chất thải từ ruột non đi sang ruột già, lưu lại ở đây một thời gian nhất định rồi xuống trực tràng. Lúc này, cảm giác "muốn đi ngoài" xuất hiện. Nếu vì hoàn cảnh mà không thể đi ngay, phải miễn cưỡng nín lại, phản xạ của trực tràng sẽ bị ức chế. Nếu tình trạng đó xảy ra thường xuyên, phản xạ của trực tràng sẽ trở nên chập chạp, thậm chí dần dần mất đi; hậu quả là nhu động của kết tràng trở nên chậm hơn, phát sinh cảm giác "đi không hết".
Để khắc phục, hằng ngày nên tập đi ngoài theo thời gian nhất định.
67. Vì sao trong thời kỳ thi phải đặc biệt chú ý mặt ăn uống?
Trước kỳ thi, rất nhiều học sinh tỏ ra căng thẳng, ăn không ngon, ngủ không yên, sức khỏe và trí não giảm sút nhiều; có em thậm chí còn giảm cân, huyết áp tăng cao, tiêu hóa không tốt, ảnh hưởng đến tư duy của đại não.
Trong giai đoạn ôn thi, ngoài việc sắp xếp thời gian hợp lý, việc điều chỉnh sinh hoạt và cung cấp đầy đủ dinh dưỡng là điều vô cùng quan trọng. Các hợp chất của carbon và nước (có trong thực phẩm) là nguồn dinh dưỡng chủ yếu để cung cấp năng lượng cho cơ thể hoạt động, công tác và học tập.
Chế độ ăn uống trước hết phải cung cấp đầy đủ các chất kể trên nhằm bảo đảm lượng đường gluco dự trữ cho cơ thể, giúp não và các tế bào cơ tim được khỏe mạnh. Việc này giúp nâng cao hiệu suất ôn tập, điều chỉnh trạng thái tâm lý, giảm nhẹ sự mệt mỏi.
Hoạt động của não cần sự có mặt của một số chất dẫn truyền thần kinh. Để tạo ra những chất này, cơ thể cần một lượng lớn anbumin. Trong thời gian thi cử, học sinh phải lao động trí óc ở cường độ cao hơn lúc bình thường; vì vậy, nhu cầu anbumin cũng cao hơn. Những thực phẩm động vật (như thịt nạc, cá, sữa bò, gia cầm) và các chế phẩm của đậu nành đều chứa nhiều anbumin.
Mỡ phôtpho của trứng là một chất quan trọng đối với hoạt động tư duy của đại não. Nó chuyển hóa thành acetylcholin - chất tăng cường truyền thông tin trong não và tăng thêm sức nhớ. Đậu nành, trứng gà, sữa bò và lòng chay động vật chứa khá nhiều loại mỡ kể trên.
Ngoài ra, học sinh nên ăn thêm một số rau tươi và hoa quả giàu vitamin. Vitamin tham gia vào quá trình hấp thu và đào thải của các cơ quan, là một yếu tố quan trọng của các loại men trong cơ thể. Nó giúp hệ thống thần kinh và đại não làm việc bình thường. Việc cung cấp vitamin đầy đủ giúp tiêu trừ sự mệt mỏi của đại não.
Trong những ngày ôn thi, bữa sáng nên ăn no và dùng thêm hoa quả vào buổi sáng. Giữa hai đợt thi, có thể ăn thêm chocolate và nước hoa quả. Các món này vừa giúp bổ sung nhiệt lượng, vừa hạn chế sự tiêu hao đường nguyên trong gan, đề phòng hạ đường huyết. Chocolate và nước còn làm hưng phấn đại não.
Cần xóa bỏ tâm lý căng thẳng, lo lắng, giữ cho tâm tình phải thoải mái, nhẹ nhàng, kết hợp học tập và nghỉ ngơi. Buổi tối, nên ngủ sớm để bảo đảm ngủ đủ thời gian và có chất lượng.
68. Vì sao thuốc có thể ảnh hưởng xấu đến dinh dưỡng?
Thuốc là loại vũ khí có uy lực giúp con người đấu tranh với bệnh tật. Thuốc giúp chữa bệnh bằng cách tác động trực tiếp đến cơ thể hoặc khống chế sự phát triển của bệnh tật. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc cũng có thể gây ra hậu quả xấu. Ví dụ, một số thuốc thường dùng có thể cản trở hấp thu dinh dưỡng, thậm chí dẫn đến suy dinh dưỡng.
Chẳng hạn, Tetracycllin cản trở sự hấp thu axit folic, mỡ và đường lactoza. Viên hydrochlorid phenphormin (chữa bệnh tiểu đường) ảnh hưởng xấu đến sự hấp thu đường gluco, axit amin, mỡ, vitamin B12 và natri...
Trong quá trình sử dụng các loại thuốc trên, cần bổ sung thêm một số chất dinh dưỡng. Nếu sớm có biểu hiện thiếu chất dinh dưỡng nào thì phải hỏi bác sĩ giảm liều hoặc thay thuốc.
69. Vì sao khi no thì dù thức ăn ngon mấy cũng không cảm thấy thèm?
Trong não người có 2 trung khu thần kinh khống chế hành vi thèm ăn, tạm gọi là trung khu thèm ăn và trung khu no. Khi bụng đói, trung khu thèm ăn hưng phấn cao độ, khiến ta ăn gì cũng cảm thấy ngon. Lúc bụng no, trung khu no hưng phấn khiến sự thèm ăn giảm xuống, vì vậy mà ta không thích ăn nữa.
Vậy đại não làm thế nào để nhận được các thông tin đói hay no của bụng truyền lên? Điều này có liên quan trực tiếp với độ khẩn trương của cơ trơn trên thành dạ dày. Khi độ khẩn trương của cơ trơn trên thành dạ dày giảm thấp, cảm giác thèm ăn sẽ mất đi và ngược lại. Yếu tố này được quyết định bởi sự co bóp của dạ dày. Khi dạ dày tiêu hóa thức ăn, chỉ có bộ phận ở gần thập nhị chí tràng (cuống trên dạ dày) co bóp. Dạ dày rỗng dần, phạm vi co bóp cũng tăng lên. Đến khi hết thức ăn thì toàn bộ dạ dày sẽ co bóp với lực càng lúc càng mạnh, độ khẩn trương của cơ trơn trên thành dạ dày đạt đến đỉnh cao. Điều này làm hưng phấn cơ quan cảm thụ trong thành dạ dày. Tín hiệu được truyền đến đại não, làm trỗi dậy cảm giác đói, từ đó mà kích thích "trung khu thèm ăn".
Ngược lại với quá trình trên, khi bụng đã no, lực co bóp giảm xuống, độ khẩn trương của các cơ trơn trên thành dạ dày cũng giảm. Tín hiệu đó được truyền đến trung khu no của đại não, cảm giác thèm ăn sẽ mất đi.
70. Vì sao thức ăn rán lại khó tiêu?
Thức ăn rán thơm, giòn, hợp khẩu vị nhưng khó tiêu hóa. Việc ăn quá nhiều một lúc hoặc ăn quá nhanh sẽ ảnh hưởng không lợi đối với dạ dày. Vì sao lại như thế?
Như ta đã biết, sự tiêu hóa và hấp thụ thức ăn là một quá trình rất phức tạp. Trong khoang miệng, răng nhai và nghiền nát, đầu lưỡi đảo và trộn đều thức ăn. Trong nước bọt có men amylase, có thể biến chất amylase thành đường mạch nha; trong dạ dày có men anbumin dùng để phân giải anbumin. Ruột non là "nhà máy gia công hóa học" lớn nhất có đủ các dạng men tiêu hóa. Các chất anbumin, amylase và mỡ chưa qua xử lý sẽ được gia công ở đây.
Thức ăn rán tương đối cứng, không dễ nhai nát và khó được trộn đều. Sau khi rán, đại bộ phận các hạt thực phẩm đều được bao bọc một lớp dầu mỡ, làm giảm sự tiếp xúc của nó với men anbumin hoặc amylase, gây khó tiêu.
Một thí nghiệm đã chứng minh rằng dịch vị được tiết ra nhiều hay ít có liên quan với tính chất của thức ăn. Khi ăn bánh bao, dịch vị tiết ra tương đối nhiều nên sức tiêu hóa mạnh; khi ăn đồ chứa mỡ, dịch vị tiết ra ít và chậm, sức tiêu hóa yếu. Sau khi ăn thịt, ta không cảm thấy đói vì thịt chứa nhiều mỡ, khó tiêu hóa, lưu lại trong dạ dày lâu nhất. Tương tự, thức ăn rán được bao bọc một lớp mỡ nên lâu tiêu.
71. Vì sao có người dễ say rượu, có người khó say?
Sau khi uống rượu, từng người có những biểu hiện khác nhau. Người tửu lượng ít chỉ cần uống mấy ngụm là mặt đỏ bừng, thậm chí choáng đầu, tim đập nhanh, khó chịu. Còn người tửu lượng khá khi mới uống ít mặt chưa biến sắc, uống đến say mặt mới tím tái. Vậy vì sao tửu lượng của mỗi người lại nhiều ít khác nhau?
Như ta đã biết, cho dù chủng loại rượu rất đa dạng nhưng chúng đều chứa cồn, chẳng qua là hàm lượng khác nhau mà thôi. Sau khi uống rượu, cồn được dạ dày và đường ruột hấp thụ, thông qua máu đi vào gan và các tổ chức khác. Gan có hai loại men liên quan tới sự đào thải cồn. Men cồn không chứa hyđro có thể phân giải cồn thành acetaldehyd; men acetaldehyd không chứa hyđro phân giải acetaldehyd thành nước và khí CO2, bài xuất ra khỏi cơ thể. Tửu lượng của một người nhiều hay ít được quyết định bởi loại men acetaldehyd không chứa hyđro này.
Nếu công năng của men acetaldehyd yếu, sức chuyển hóa acetaldehyd tương đối kém, khiến acetaldehyd không ngừng được tích lũy trong cơ thể, các đầu cuối mạch máu (đặc biệt là trên mặt) giãn nở ra. Khi uống rượu, mặt và cổ người đó đỏ bừng, toàn thân phát nóng. Do đầu cuối mạch máu giãn nở, huyết áp giảm xuống. Để bảo đảm sự thăng bằng, tuyến thượng thận tiết ra một chất gây co mạch, khiến tim đập nhanh hơn, huyết áp tăng lên.
Với người mà công năng men acetalehyd mạnh, cơ thể nhanh chóng phân giải chất acetaldehyd.
Có thể thấy rằng, người có công năng men acetaldehyd yếu rất may mắn. Do tửu lượng thấp nên họ ít uống và giữ được sức khỏe. Ngược lại, những người tửu lượng cao do uống nhiều nên dễ mắc bệnh tật, thậm chí tử vong.
72. Vì sao người say rượu đi xiêu vẹo?
Nếu bạn nhìn thấy một người đi lang thang, lảo đảo, miệng đầy hơi rượu thì chắc chắn đó là người say rượu. Vì sao khi say rượu, người ta bước đi không vững?
Các nhà khoa học giải thích rằng, khi bạn bị xô đẩy đột ngột, thân thể sẽ mất thăng bằng, bản năng sẽ điều chỉnh nhanh chóng để lập lại trạng thái thăng bằng. Tất cả những việc này do cơ quan thăng bằng thực hiện. Nó có thể căn cứ vào sự xiêu lệch vị trí của thân thể để có phản xạ điều chỉnh thân, giúp cơ thể luôn giữ vị trí thăng bằng.
Cơ quan thăng bằng nằm trong tai giữa. Chúng gồm có tiền đình và ba ống bán quy, có sự phân công tương hỗ. Tiền đình tìm hiểu mức độ xiêu lệch của phần đầu, ba ống bán quy thăm dò trạng thái vận động của thân thể (ống thứ nhất phụ trách vận động trên dưới, ống thứ hai phụ trách vận động trước sau, ống thứ ba phụ trách vận động nghiêng hai bên). Ống bán quy chứa đầy các tế bào chuyên cảm nhận vị trí của thân thể, có thể tiếp thu thông tin bất cứ lúc nào để truyền lên đại não để đại não điều tiết thống nhất sự vận động của các bắp thịt toàn thân. Nhờ đó, khi vận động, cơ thể vẫn được bảo đảm thăng bằng.
Nhưng khi say rượu, chất cồn đã làm tê liệt cơ quan thăng bằng, khiến cho độ nhạy của nó giảm thấp, phản ứng chậm chạp. Vì nhịp điều chỉnh sự thăng bằng vị trí của cơ thể chậm đi một nửa nên bước đi phải xiêu vẹo.
Nếu say quá mức, cơ quan thăng bằng sẽ tê liệt hoàn toàn. Lúc đó, người say chẳng những đi không vững mà một bước cũng không lê nổi.
73. Vì sao trẻ em không nên uống rượu?
Có người lớn vì vui đùa hoặc muốn nuôi dạy trẻ thành người có khí chất hảo hán nên thường cho trẻ em uống rượu. Nhiều em vì tò mò cũng cầm cốc lên uống. Điều này vô cùng có hại.
Các cơ quan của trẻ đều còn non nớt, đặc biệt là hệ thống tiêu hóa, nó không chịu đựng được những chất kích thích mạnh. Rượu rõ ràng là chất kích thích mạnh, có hại rất lớn cho các nội tạng, đặc biệt là gan và dạ dày. Nếu trẻ em uống rượu, gan phải làm việc nhiều hơn để giải trừ chất độc trong rượu (bằng cách chuyển cồn thành men amoni), khiến cho tế bào gan bị tổn thương.
Việc uống rượu còn có hại cho dạ dày của trẻ. Cồn sẽ kích thích dạ dày tiết ra một lượng lớn dịch toan, lâu ngày sẽ dẫn đến tiêu hóa kém, thậm chí phát triển thành viêm hoặc loét dạ dày.
Rượu cũng làm giảm sức miễn dịch. Sau khi uống rượu, các mao mạch sẽ giãn nở, sức tản nhiệt tăng lên, khiến trẻ dễ bị cảm và viêm phổi.
Ngoài ra, rượu còn gây tổn thương não, khiến cho trí nhớ giảm xuống, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của đại não. Nếu những ảnh hưởng này kéo dài, trí tuệ của các em sẽ giảm sút.
Một hậu quả khác mà rượu gây ra cho trẻ em là quá trình phát dục bị rối loạn. Các thí nghiệm đã chứng minh rằng, cồn gây tổn thương rất lớn đối với tinh hoàn trong thời kỳ phát dục, làm kéo dài quá trình này, thậm chí khiến tế bào sinh tinh và ống dẫn tinh bị hủy hoại, dẫn đến vô sinh. Đối với các em gái, các hoóc môn giới tính sẽ bị nhiễu loạn, sau này sẽ kinh nguyệt không đều, có hiện tượng đau bụng kinh, đau đầu...
74. Gan có tác dụng gì?
Nếu cơ thể là một xí nghiệp hóa chất liên hợp thì gan là nhà máy hóa chất quan trọng nhất. Bởi vì khi vận động, con người phải tiêu phí nhiều năng lượng; khi ăn, cần phải có các loại dịch tiêu hóa; khi đọc sách hay viết, phải có một số vitamin để giúp đỡ thị lực. Tóm lại, chúng ta làm bất cứ việc gì cũng đều cần đến sự giúp đỡ của gan.
Theo phân tích của các nhà khoa học, gan có thể thực hiện 500 loại công việc vì nó sản xuất được nhiều loại men. Trong cơ thể có khoảng 2.000 loại men, riêng gan đã sản xuất gần 1.000 loại.
Gan có rất nhiều công năng, trong đó 3 công năng chính là giải độc, tàng trữ chất dinh dưỡng và chế tạo dịch mật.
Khi ăn uống hoặc dùng thuốc, con người thường đưa các chất độc vào cơ thể, các vi khuẩn trong đường ruột cũng sinh ra độc tố. Nếu những chất độc này theo máu trực tiếp đến tim thì con người sẽ chết rất nhanh. Nhưng rất may là chúng bị gan xử lý. Ở gan, chúng bị "vô hiệu hóa", mất đi tính độc. Ví dụ, người hay uống rượu nên cảm ơn gan vì trong rượu có chất cồn rất độc hại; gan có thể biến cồn thành khí CO2 và nước. Đương nhiên, nếu uống rượu nhiều quá thì gan chẳng những không thể phân giải hết cồn mà còn bị tổn thương.
Trong quá trình tiêu hóa những thức ăn có hàm lượng anbumin và mỡ cao, dịch mật có vai trò không thể thiếu được. Dịch mật được sản sinh không phải trong túi mật mà là ở gan. Túi mật chỉ là nơi dự trữ.
Gan còn có công năng dự trữ các chất dinh dưỡng. Nó có thể chuyển chất đường gluco (có quá nhiều trong máu) thành đường nguyên để dự trữ lại. Điều này vừa giúp đề phòng tình trạng tăng đường huyết vừa giúp cơ thể có sẵn đường nguyên để dùng đến khi cần.
75. Vì sao canh thịt không cho muối thì không ngọt?
Nấu ăn phải cho muối là lẽ đương nhiên. Đó không chỉ là nhu cầu của sinh lý cơ thể mà còn là nhu cầu của khẩu vị. Bát canh không có muối sẽ nhạt, vô vị, khi cho thêm một tí muối thì như gấm được thêu hoa, hương vị trở nên thơm ngọt. Sở dĩ như thế là vì muối có tác dụng điều chỉnh hương vị. Tục ngữ nói: "Muối là vua của trăm vị", rất có lý.
Hàm lượng muối natri glutamin trong món ăn góp phần quan trọng để quyết định món đó có ngon hay không. Thành phần hóa học của muối ăn là clorua natri, trong nhiều loại thức ăn (như thịt) có glutamin. Khi nấu, glutamin được giải phóng và hòa tan trong nước. Lúc đó, nếu cho thêm một ít muối vào canh thì glutamin trong nước canh sẽ kết hợp với natri để hợp thành natri glutamic, làm cho vị ngọt tăng lên.
Đương nhiên, nếu thêm nhiều muối quá thì vị ngọt sẽ trở thành vị mặn, có tác dụng ngược lại.
76. Vì sao không nên nín đại, tiểu tiện?
Nước tiểu của người được trữ lại trong bàng quang. Khi tích tụ đến một lượng nhất định, bàng quang sẽ căng lên, điều này được các dây thần kinh truyền lên đại não, khiến ta có cảm giác buồn đi tiểu. Việc nín tiểu tiện không những gây khó chịu mà còn khiến cho các cơ của bàng quang giãn ra, ảnh hưởng đến công năng co bóp của cơ quan này, làm giảm lực bài tiết nước tiểu, dẫn đến đi tiểu không kiệt.
Nước tiểu là môi trường tốt của vi khuẩn, nhiệt độ trong bàng quang cũng rất thích hợp cho sự phát triển của những sinh vật này. Thời gian nước tiểu bị giữ lại trong bàng quang càng dài, vi khuẩn càng sinh sôi nảy nở, gây viêm nhiễm hệ thống tiết niệu, dẫn đến đái rắt, nước tiểu kèm máu... Vì vậy, khi buồn đi tiểu, nên đi càng sớm càng tốt.
Về đại tiện, tốt nhất mỗi ngày nên đi một lần. Điều này có lợi cho nhịp điệu vận chuyển của hệ thống tiêu hóa. Rất nhiều người vì ham mê công việc hoặc do hoàn cảnh mà phải cố nín khi có nhu cầu đại tiện. Nhu cầu này dần dần mất đi, ảnh hưởng đến công năng bài tiết của đường ruột, làm cho nhu động của ruột trở nên chậm chạp, về sau rất khó phục hồi trở lại. Phân đọng lại trong đường ruột càng lâu càng trở nên khô cứng (do phần nước bị đại tràng hấp thu) dẫn đến táo bón. Việc uống nhiều nước không thể khiến phân mềm lại.
Tình trạng phân đọng lại lâu trong ruột sẽ khiến tĩnh mạch của thành ruột bị chèn ép, máu trong tĩnh mạch chung quanh trực tràng (sát hậu môn) không tuần hoàn về tim được. Phần tĩnh mạch đó sẽ bị ứ huyết, dễ gây ra bệnh trĩ. Đối với những người vốn có bệnh trĩ, việc nín đại tiện càng làm cho bệnh nghiêm trọng, gây xuất huyết. Do phân cứng, bệnh nhân phải dùng lực nhiều khi đi ngoài, làm tăng thêm áp lực trong khoang bụng và hậu quả là chứng trĩ ngoại càng nặng thêm.
Người già bị bệnh áp huyết cao và bệnh mạch vành càng không nên nín đại tiện mà phải giữ thói quen đại tiện đúng giờ. Việc "nín nhịn" sẽ gây táo bón, khiến cho huyết áp lên cao, cơ tim thiếu máu và thiếu ôxy, mạch máu não bị rách và cơn nhồi máu cơ tim xuất hiện, gây nguy hiểm đến tính mệnh.