Chương 16
Tác giả: PAULO COELHO
- Trong nhà thờ, nơi thánh địa thiêng liêng, cha đã nói về việc cần thiết phải có một sự hy sinh – ông linh mục nói - Ở đây, trên mảnh đất thế tục này, cha mong các con hãy chuẩn bị cho sự xuất hiện một người tuẫn tử.
Dân chúng đã tụ họp đông kín cái quảng trường nhỏ hẹp, sáng lờ mờ duy nhất một ngọn đèn (mặc dù khi diễn ra chiến dịch vận động bầu cử, ông thị trưởng đã hứa hẹn sẽ cho mắc thêm vài cái đèn nữa). Những người nông dân và những người chăn cừu bộ dạng ngái ngủ (họ đã quen giấc ngủ khi chạng vạng dậy lúc rạng đông) giữ im lặng với một vẻ trọng vọng và e dè. Linh mục đặt một chiếc ghế ngay sát cây thập tự và đứng lên ghế tất cả mọi người nhìn thấy ông.
- Trong suốt mấy trăm năm qua, Giáo Hội bị lên án vì đã tiến hành những cuộc chiến phi nghĩa, mặc dù trên thực tế, chúng ta hoàn toàn cố gắng tự vể để tránh khỏi những mối đe doạ đủ mọi kiểu và để tồn tại.
- Thưa cha! – tiếng ai đó hét lên – Chúng tôi đến dzkg phải để nghe về Giáo hội. Chúng tôi muốn biết chuyện gì sẽ xảy ra với Viscos.
- Không cần phải giải thích nhiều, thành phố của chúng ta đang có nguy cơ nay mai biến mất trên bản đồ, cùng với các con, đồng ruộng và đàn cừu của các con. Và cha cũng không có ý định nói về Giáo Hội, nhưng có một điều vẫn cần phải nói: chỉ còn có cách sám hối và hy sinh thì chúng ta mới có thể được cứu vớt. Và cha, đã nói về sự hy sinh của một người nào đó, về sự sám hối cần thiết với tất cả mọi người, và về việc phải cứu lấy thành phố.
- Ngày mai, toàn bộ chuyện này mới hay là trò tầm bậy – tiếng một ai đó lại vang lên.
- Ngày mai, người khách lạ sẽ cho chúng ta thấy số vàng – ông thị trưởng lên tiếng, lấy làm khoái chí vì có thể thông báo cái tin mà ngay đến ông linh mục cũng không nắm được – Cô Prym không muốn một mình lãnh trách nhiệm, và bà chủ khách sạn đã thuyết phục được người khách lạ đem số vàng về đây. Không có sự bảo đảm này, chúng ta sẽ không động đến dù chỉ một ngón tay.
Ông thị trưởng cướp lời và bắt đầu tô vẽ lên những thay đổi thần kỳ đang chờ đón Viscos: xây dựng tiện nghi, cải tạo nâng cấp, công viên thiếu nhi, giảm thuế, giảm phí, phân chia số tài sản bất ngờ không chờ mà đến.
- Chia đều cho tất cả mọi người! – có ai đó lại hét lên.
Đã đến lúc nói ra cái điều chủ chốt, một việc mà ông thị trưởng rất không muốn làm, nhưng mọi ánh mắt đều đổ dồn vào ông, và mọi người ở trên quảng trường dường như đã tỉnh ngủ.
- Chia đều cho tất cả mọi người – ông linh mục khẳng định, nhanh mồm nói trước ông thị trưởng. Ông hiểu là không còn lựa chọn nào khác bởi tất cả cùng gánh vác trách nhiệm như nhau trước việc đã làm và cùng nhận phần thưởng như nhau, bởi chẳng chóng thì chày một kẻ nào đó sục sôi lòng ghen tức và báo thù sẽ tố giác tội ác. Ông linh mục quá hiểu ý nghĩa của những lời nói này.
- Vậy ai sẽ là người phải chết?
Ông thị trưởng đứng ra trình bày lý do tại sao theo lẽ công bằng, sự lựa chọn lại rơi vào bà Berta – một người phụ nữ đã tuổi già xế bóng, rất đau khổ vì nỗi nhớ chồng, bạn bè thì không. Và có thể nói là bà lão có vẻ như đã lú lẫn mất rồi, vì từ sáng đến tối chỉ ngồi trước cửa nhà – không thể nào và không có gì đóng góp cho sự thịnh vượng của Viscos. Lẽ ra nên mua đất hay cừu thì bà lão lại đem tiền của mình đi gửi vào nhà băng để nhận lãi, chỉ có đám nhà buôn, như anh chàng bán bánh mì, mỗi tuần mới xuất hiện ở thị trấn được một lần để bán hàng hoá của mình là có lợi từ bà lão.
Trong đám đông không hề nghe thấy một tiếng phản đối. Ông thị trưởng lấy làm hài lòng với điều này, vì cho rằng, đó chính là sự khẳng định uy tín của ông. Ông linh muc, tuy nhiên, lại hiểu, tuỳ thuộc vào hoàn cảnh, sự im lặng có thể được giải thích thế nào cũng được, bởi không phải lúc nào nó cũng là biểu hiện sự đồng ý, đôi khi nó chỉ chứng tỏ một điều là người ta không có khả năng suy xét nhanh và tiếp nhận quyết định được ngay. Thành thử nếu có ai đó trong đám đông không đồng ý, anh ta lập tức sẽ cảm thấy lương tâm mình dằn vặt, cắn rứt, rồi sẽ nói, tôi im lặng chẳng phải chính là để phản đối đấy thôi? Và hậu quả có thể vô cùng đáng buồn.
- Cần làm sao để tất cả cùng nhất trí – ông linh mục nói – Cần làm sao để tất cả cùng lên tiếng, họ có chấp nhận quyết định này hay không, công khai, hãy để Đức Chúa Trời nghe thấy, hãy để Người biết rằng, trong đạo quân của Người là những con người quả cảm. Những ai không tin vào Đức Chúa Trời tôi cũng yêu cầu nên bày tỏ ra "ủng hộ" hay "phản đối" một cách công khai, trước đông đủ mọi người, để tất cả cùng biết rõ, ai có suy nghĩ gì.
Ông thị trưởng không thích cái cách diễn đạt của ông linh mục. Ông ta nói "cần phải", nhưng tốt hơn và đúng hơn là phải nói "Chúng ta cần" hay "ông thị trưởng muốn". Khi nào mọi chuyện qua đi, ông sẽ khôi phục lại uy tín của mình. Còn bây giờ, ông như một nhà chính khách lão luyện, để cho linh mục có cơ hành động và bộc lộ bản thân mình.
- Vậy là những ai đồng ý nào?
Tiếng "tôi" đầu tiên là của bác phó rèn, sau bác ta,để mọi người thấy rõ sự dũng cảm của mình, ông thị trưởng nói lại rất to cái từ này. Lần lượt những người có mặt trên quảng trường lớn tiếng nói đồng ý, và cứ thế tiếp tục cho đến hết. Một số người đòng ý, vì muốn cho cuộc họp mau chóng kết thúc, và có thể về nhà, một số khác vì nghĩ đến vàng và đến chuyện bỗng dưng có bộn tiền, họ sẽ ngay lập tức rời bỏ Viscos, một số nữa, vì nghĩ ngay đến chuyện gửi tiền cho con cháu đang sống ở các thành phố lớn, để chúng không phải xấu hổ với đám bạn bè. Nhưng thực chất, không một ai trong số những người đến họp tin là Viscos sẽ giành lại được cái vinh quang xưa cũ. Và tất cả đều mong muốn sự giàu có, mà theo ý mình, họ luôn xứng đáng nhưng chưa bao giờ được hưởng.
Và không một ai nói "Tôi – phản đối!"
- Trong thành phố ta có 108 phụ nữ và 173 người đàn ông – ông linh mục nói tiếp – Trong mỗi nhà có ít nhất là một khẩu súng săn, vì truyền thống của vùng ta vốn rất coi trọng nghệ thuật săn bắn. Sáng mai, mọi người hãy mang súng cùng một viên đạn đến phòng áo lễ. Ông thị trưởng của chúng ta có vài khẩu, nên tôi đề nghị lấy thêm một khẩu súng cho tôi.
- Không đời nào chúng con lại đồng ý đưa cho ai đó súng của chúng con – một người thợ săn trong đám đông hét lên – Súng, đấy là một vật thiêng liêng. Súng – là một thứ khó bảo lắm và không chịu ở trong tay người lạ đâu.
- Hãy để cho cha nói hết đã. Cha sẽ giải thích cho các con việc xử bắn diễn ra như thế nào. Người ta phân cho một nửa tiểu đội làm việc này, bảy người lính phải tiến hành việc thực hiện bản án tử hình. Bảy người lính được nhận bảy khẩu súng, trong đó sáu khẩu được nạp đạn thật, còn một khẩu – đạn giả. Thuốc súng ở khẩu thứ bảy này phát ra theo cùng một cách với những khẩu kia, tiếng nổ cũng giống hệt nhưng không có viên đạn nào găm vào cơ thể nạn nhân. Những người lính không biết ai trong số họ bắn viên đạn giả. Người nào cũng đinh ninh đó chính là mình, và do đó trách nhiệm về cái chết ccmt con người được quy kết cho các đồng đội của mình, những người trước kia chưa bao giờ thấy mặt kẻ bị xử, nhưng theo nhiệm vụ phải bắn vào hắn.
- Không một ai cho mình là người có lỗi cả - ông đại điền chủ im lặng từ đầu đến giờ mới lên tiếng.
- Đúng thế. Và ngày mai cha cũng sẽ làm như vậy: trong 87 viên đạn có một đầu đạn chì sẽ được lấy ra, còn các viên khác vẫn để nguyên. Tất cả sẽ nhất loạt cùng bắn, nhưng không có ai biết trong súng của mình là đạn thật hay đạn giả. Và như thế người nào trong số các con cũng có thể coi là mình vô tội.
Mọi người ở trên quảng trường đã rất mệt, vì thế vừa nghe xong, ông linh mục nói đến đấy ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm. Tất cả cùng tỉnh táo và phấn chấn hẳn lên, dường như toàn bộ cái sự kiện sắp xảy ra đã mất đi ý nghĩa bi thương của mình, biến thành một chuyến đi kiếm kho báu chẳng làm hại đến ai. Người đàn ông nào ở Viscos cũng tin rằng, trong khẩu súng của mình nhất định sẽ là đạn giả và anh ta sẽ không phạm tội giết người, mà thuần tuý chỉ cùng với những người khác đồng lòng mon muốn góp một tay giúp thành phố thân yêu thoát khỏi vũng bùn lầy. Ai nấy đều tươi tỉnh hẳn lên, cuối cùng thì ở Viscos cũng nổ ra những sự kiện mới và trọng đại đấy chứ.
- Các con có thể tin rằng, khẩu súng của ta sẽ nạp đạn thật. Cha không thể trốn tránh chính bản thân mình. Mà cha cũng từ chối phần vàng của mình, điều này có những lý do của nó – ông linh mục nói.
Và ông thị trưởng lại thấy khó chịu với chính lời nói này, cũng như cái cách chúng được diễn đạt. Linh mục muốn cho dân chúng Viscos hiểu ông ta là một người dũng cảm và cao thượng, hơn nữa còn là người có thể dám hy sinh quyền lợi cá nhân và là một thủ lĩnh thiên bẩm. Nếu vợ ông mà có mặt trên quảng trường, bà ấy chắc hẳn sẽ nói rằng, ông linh mục đang nhăm nhe vào cái ghế thị trưởng và đến cuộc vận động bầu cử tới sẽ nhảy ra làm ứng cử viên.
"Không sao, không sao, cứ chờ đến thứ hai này" – ông thầm nghĩ. Đến thứ hai, ông định đưa ra một sắc luật bắt nhà thờ chịu một khoản thuế buộc ông linh mục sẽ phải bán xới khỏi thành phố. Thế mới thật đáng đời ông ta, chẳng phải chính ông ta là người duy nhất không muốn giàu có đó sao.
- Và chúng ta, ai... – bác phó rèn hỏi.
- Cha sẽ đi dẫn người hiến sinh – ông linh mục trả lời – Chính cha sẽ làm việc này. Nhưng cần có thêm ba người nữa đi với cha.
Khi không thấy ai tình nguyện, ông đành tự mình chọn lấy ba người đàn ông khoẻ mạnh. Chỉ có một người trong số họ từ chối, nhưng nhận thấy ánh mắt giận dữ lườm nguýt của những người còn lại thì anh ta vội đồng ý ngay.
- Vậy chúng ta sẽ thực hiện lễ hiến sinh ở đâu đây? – ông đại điền chủ hướng về phía ông linh mục hỏi dò.
Ông thị trưởng cảm thấy mình đang bị mất uy tín một cách nhanh chóng và cần phải khôi phục lại nó ngay lập tức.
Ở đây tôi là người ra quyết định – ông nói, và hằn học nhìn ông đại điền chủ - Không được để đất Viscos bị vấy máu. Cuộc hành hình sẽ diễn ra vào ngày mai, vào đúng giờ này, bên phiến đá nguyên khối của người Celte. Các vị hãy mang theo đèn lồng, đèn cày, đuốc, để nhìn cho rõ phải nhắm về hướng nào