Anh mắt lác
Tác giả: Phan Chí Thắng
T ôi quen Đức đã lâu. Tôi thích anh ta, từ tính tình đến dáng vẻ bên ngoài. Đức hòa nhã, nói năng ngắn gọn nhưng dễ hiểu. Đức không bao giờ cáu gắt với cấp dưới. Chỗ này tôi phải mở ngoặc nói thêm một chút. Bạn không nên thấy một người luôn nói năng lịch sự với cấp trên mà vội kết luận rằng anh ta là người lịch sự. Bạn phải xem anh ta đối xử với cấp dưới như thế nào, nếu anh ta cũng lịch sự với thuộc cấp, thì đó mới là một người đích thị có văn hóa.
Là giám đốc một doanh nghiệp nhà nước, anh ta tỏ ra là người có đầu óc kinh doanh, biết làm ăn và biết nuôi quân ngon lành. Có thể liệt kê nhiều ưu điểm của Đức, nhưng điều tôi thích nhất ở anh là kiểu anh ta thường nhìn thẳng vào mặt người đối thọai, một cái nhìn chăm chú và cởi mở. Tôi rất ghét những người mắt cứ lấm lét hay lơ láo trong khi nói chuyện, trông nó cứ gian giảo thế nào ấy. Đến đây tôi lại xin mở một cái ngoặc đơn nữa. Do cái sự giáo dục của nước ta hình như chưa đạt yêu cầu, học sinh của ta biết rất nhiều thứ đâu đâu, nhưng những thứ đơn giản, tối ư cần thiết trong giao tiếp cộng đồng thì chúng lại không biết. Chúng nói năng thiếu lễ độ, lúng búng hay cộc lốc, đi đứng thì giặt dẹo, trông không đàng hoàng một tẹo nào. Tôi nói thế để bạn đọc hiểu là không phải hễ thấy ai khi nói chuyện mà mắt không nhìn thẳng vào tôi thì tôi đều ghép người đó vào đám người bất nhã, thực ra tôi có biết một số lớn trong họ như thế chỉ là do nhà trường không biết dạy cho họ mà thôi, chứ họ có thể là những người rất tử tế.
Lâu lâu tôi lại gặp Đức, lúc thì tại cuộc họp này, khi thì tại chầu bia kia, lần nào anh cũng để lại trong tôi một cảm giác dễ chịu, có thể nói là hài lòng. Anh biết lắng nghe, biết bám sát chủ đề, đôi khi chen một vài câu làm cho câu chuyện thêm hào hứng sôi nổi. Đặc biệt là anh có thể tham gia được rất nhiều đề tài trong các lĩnh vực khác nhau. Giao du với những người như Đức quả thật là thú vị.
Nghe đồn anh ta có cơ còn được thăng tiến về đường công danh, tôi thấy cũng là hợp tình hợp lý.
Duy chỉ có một điều làm tôi khó hiểu. Đó là Đức luôn tìm cớ này lý do kia để thoái thác lời tôi mời anh đến chơi tennis với tụi tôi, ít ra là một lần giao lưu vui vẻ. Dân chơi tennis thường hay mời mọc nhau chơi chung, trước hết là cho vui, sau là để làm quen với nhiều “môn phái” khác nhau, cọ sát học hỏi. Đó là tôi nói chung chung vậy, chứ còn mời nhau đi chơi tennis để làm quen, tiến tới mánh mung làm ăn thì lại là một lẽ khác.
Tìm hiểu một thời gian tôi được biết là Đức chơi quần vợt rất giỏi, nhưng chỉ chơi duy nhất một sân, cùng đám bạn cùng học thời phổ thông, ngoài ra không bao giờ chơi ở hội nào khác. Kể cũng lạ, một người lịch lãm và quảng giao như Đức, sao lại né tránh giao lưu tennis?
Khi đã thắc mắc, người ta thường tò mò tìm hiểu cho bằng được. Vậy là nhân một lần công ty của Đức rất cần sự ủng hộ của cơ quan bên tôi để thắng thầu một dự án tương đối tốt, tôi ra điều kiện:
- Sếp tôi muốn mời ông hôm nào so vợt một hôm, OK? Ông thắng hay sếp tôi thắng đối với chúng tôi không quan trọng, đằng nào chúng tôi đều được uống bia!
Tôi cười ha hả, vui vẻ vì mình kiếm được cớ co kéo bắt anh này phá lệ. Tuy cười nhưng tôi vẫn kịp nhận thấy một thoáng ưu tư khó hiểu trên khuôn mặt anh ta.
Thế là trận banh giao hữu giữa sếp tôi và Đức được tổ chức. Nói là tổ chức cho nó oai, chứ chỉ cần Đức đến là chúng tôi có sân bãi sẵn sàng đón chờ, nghĩa là sếp bảo khẽ với đám nhân viên nào đang có giờ sân thì nhường cho sếp tiếp khách.
Sếp tôi chơi hay, Đức cũng không thua kém. Trận đấu diễn ra khá sôi nổi và đẹp mắt.
Bạn đọc thân mến ơi, bạn đừng bắt tôi phải tường thuật diễn biến trận đấu ấy, tôi sợ như thế sẽ lạc đề.
Điều tôi muốn nói là cái khác.
Trận đấu mới qua được vài game, tôi đang chăm chú theo rõi và thán phục cú đánh trái tay rất đẹp và đầy uy lực của Đức thì ông bạn ngồi bên cạnh ghé tai nói nhỏ:
- Hình như tay Đức này lác hay sao ấy?
Tôi thôi không quan sát đường banh nữa, tập trung nhìn vào đôi mắt Đức. Quả thật là anh ta lác! Tại sao đã bao nhiêu năm quen biết mà tôi không phát hiện ra điều ấy?
Trận đấu kết thúc, sếp tôi thắng sít sao, không rõ vì sếp chơi hay hơn hay Đức tế nhị nhường đôi chút. Quả thực lúc đó tôi không quan tâm nhiều đến trận đấu nữa mà chỉ chờ lúc ngồi uống bia để nghiên cứu kỹ hơn cặp mắt của Đức. Vẫn cặp mắt nhìn thẳng vào người đối thoại, cặp mắt và cái nhìn từng tạo nhiều thiện cảm nơi tôi và nhiều người khác!
Thôi chết rồi, tôi hiểu ra rồi! Hóa ra Đức đã kỳ công luyện tập: biết được cái nhìn của mình lệch bao nhiêu độ so với đối tượng, Đức nhìn lệch bấy nhiêu độ ra chỗ khác theo chiều ngược lại, kết quả phép tính đại số - âm A cộng với dương A bằng không! Người đối diện luôn tưởng là Đức đang chăm chú nhìn mình.
Nhưng khi chơi tennis, Đức không thể nhìn “nhân tạo” lệch đi một góc như khi ngồi nói chuyện mà buộc phải nhìn “thẳng” vào trái banh, nên đã để lộ cái sự lác của mình.
Dưng cơ mà tại sao tôi lại đi kể với các bạn câu chuyện chán ngắt này nhỉ?