watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Tập truyện ngắn của Phan Chí Thắng-Chuyện cây cầu làng lão Hâm - tác giả Phan Chí Thắng Phan Chí Thắng

Phan Chí Thắng

Chuyện cây cầu làng lão Hâm

Tác giả: Phan Chí Thắng

Hà nội vào thu, những cơn nắng gắt dùng dằng không chịu bỏ đi, còn cô nàng Cúc Vàng vẫn còn e thẹn chưa ló mặt. Cứ vào những lúc chuyển mùa thế này lão Hâm lại bâng khuâng nhớ quê, cái quê mà có bầu lão làm trưởng thôn hoặc cho tiền lão cũng chẳng về sinh sống, thôi đành phó mặc mấy sào vườn ông bà để lại cho mấy đứa cháu muốn làm gì thì làm. Quê hương đúng là chùm khế ngọt thật, nhưng ta là người chứ không phải là chim, không thể sống cầm hơi bằng vài dăm quả khế mỗi ngày.

Lão lại sực nhớ một bài hát nữa (Giòng sông tuổi thơ) có câu “quê hương ai cũng có một dòng sông êm đềm” (bài này giai điệu cũng tây tây, có phải đạo nhạc không nhỉ?) vì làng quê lão nằm ngay bên sông. Con sông bé thôi, to hơn con kênh Nam Bộ một chút.

Hồi bé lão phải đi đò qua sông đến lớp học. Ôi, lắm kỷ niệm chung quanh chuyện đi đò lắm, kể ra quá dài dòng, tôi chỉ xin kể một chuyện một lần đò bị lật do chở quá tải và do ông lái trót làm vài ba ly rượu trắng trước đó. Vừa rơi xuống sông, lão Hâm lặn sâu rồi ngoi lên cách chỗ con đò nằm sấp khoảng mươi mét, thấy dăm bảy cái đầu người làng đang thò thụt trên mặt nước. Là dân vùng trũng, ai cũng biết bơi nên mọi người từ từ tìm cách vào bờ được, duy có con bé Tĩn cùng lớp với lão là không biết bơi, đang giã gạo một chỗ. Lão Hâm bơi đến gần con bé, chưa kịp làm gì thì đã bị nó túm chặt, dìm lão cùng chìm xuống nước. Trong đầu lão loé lên lời dặn của cha: “Trong trường hợp như thế con hãy túm vào chỗ kín của đàn bà”. Lão thao tác nhanh gọn và thấy ngay kết quả. Con Tĩn buông lão ra, hai tay thu về che chỗ đặc trưng giới nữ của mình. Cho chắc ăn, lão Hâm đấm thêm vài quả vào ngực Tĩn cho nó ngất xỉu đi rồi vòng ra sau lưng cô bé, từ từ bơi ngửa dìu nó vào bờ.

Mấy chục năm sau, trong một lần tham gia đoàn quy hoạch phát triển cụm cơ khí huyện (thời kỳ mỗi huyện là một pháo đài XHCN) về làm việc với huyện nhà, lão được bà Nguyễn thị Ngọc Tĩnh phó Chủ tịch huyện tiếp và làm việc. Cô bé Tĩn ngày nào cứ nằng nặc kéo lão về nhà ăn cơm, giới thiệu hai cô con gái Bích Thuỷ và Thanh Thuỷ giống hệt mẹ. Đặt tên con là Thuỷ để kỷ niệm một ngày sông nước? Lão Hâm tủm tỉm với câu hỏi đó trong lòng.

Chuyện lật đò hết lần này đến lần khác làm dân làng bức xúc, càng bức xúc nữa là buộc phải sang bên kia sông mới ra được huyện lộ, ách tắc giao thông thế thì làm sao làng ta đi lên bằng chị bằng em được. Người nhà quê sẵn sàng mất hết mọi thứ, trừ cái “bằng chị bằng em”. Làng bên có người sắm được cái máy khâu con bướm, làng mình chưa ai có - tức! Làng mình có anh bộ đội phục viên mở cái tran-xi-to kêu oang oang, làng chúng nó chưa ai có – khoái!

Thế là người ta đi dần đến ý tưởng làm cầu. Khốn nạn là ý tưởng thiên tài ấy nó không sinh ra trong đầu các vị bô lão cũng như chính quyền thôn mà nó lại đẻ ra từ miệng thằng Tèo chăn vịt: “Làm mẹ nó cái cầu mà đi cho sướng!”. Ông trưởng thôn tóm ngay lấy câu này, biến thành ý tưởng của mình, liền tập hợp bộ tứ, mời các vị cao niên cùng tham gia, sau một hồi ní nuận rông dài, ông tóm lại:
- Làng ta phải xây một cây cầu sang sông, ý các cụ thế nào?

Khốn nạn, lại khốn nạn nữa, dân nhà quê đã không bàn thì thôi, hễ bàn thì đếch bao giờ bàn xong. Cầu ư? Tiền đâu mà làm? - Tiền dân đóng góp, kết hợp xin thêm Xã, Xã không có ta xin Huyện, chú Tân làng mình làm thư ký Ủy ban huyện chẳng nhẽ không ra tay giúp làng à? - Thế xây cầu gì, cầu tre, cầu gỗ, cầu gạch hay bê tông cốt sắt? Giời ạ, cứ thống nhất chủ trương làm cầu rồi sẽ bàn tiếp chuyện làm cầu gì sau! - Ông bảo tôi ngu hả, cầu bê tông cốt thép dân làng không đủ tiền đóng góp, may ra làm cái cầu tre, mỗi nhà góp dăm cây tre là được. Bàn thì phải bàn cụ thể, bàn khơi khơi như các ông tôi đxx thèm bàn nữa!

Cứ thế hết dăm bảy đêm ngồi bàn đến lúc gà sắp gáy, hút hết mấy chục gói thuốc lào, các vị chức sắc làng lão Hâm mới tạm đi đến kết luận:
1. Làm cầu.
2. Tiền tới đâu làm cầu tới mức đó.

Gần 8 tháng sau dân làng vẫn còn nhiều người chưa đóng tiền. - Nhà tôi trên răng dưới catút, đợi khi nào có tiền tôi sẽ nộp. - Dưng cơ mà ngày xưa đóng thuế theo suất đinh, sao bây giờ các ông thu theo khẩu? Nhà tôi toàn con gái, tôi chỉ đóng một suất thôi! (Thằng ngu, con gái thì nó tung cánh bướm mà bay qua sông chắc?). - Tôi không có tiền tôi đóng bằng công có được không? – Các ông vẽ chuyện làm cầu, thu tiền của dân mang đi buôn trâu thì sao?.... Vô thiên lủng các thứ lý sự, nghe điếc cả tai.

Bỗng dưng ở đâu trên trời rơi xuống một ông bỏ quê đi từ năm một chín bốn mốt, lù lù dẫn xác về làng. Của đáng tội đúng là ông này trên trời đi xuống thật, đi máy bay từ Pari về không là đi trên trời à? Ông mặc com-lê, đầu mũ phớt, to béo hồng hào, lác đác vài người già trong làng nhận ra ông là người mấy chục năm trước đã bán mình đăng lính sang Pháp đánh nhau với phát-xít để bảo vệ nước mẹ Phơ lăng xa. Bây giờ già rồi, đất nước ta cũng cởi mở đôi chút, ông về thăm quê cha đất tổ.

Được biết làng quê dự định làm cây cầu qua sông, ông tình nguyện tài trợ toàn bộ số tiền xây cầu. Nghe sướng cả tai, ấy vậy mà không phải vậy!

Một số đồng chí không chịu: “Lão ấy mấy chục năm đi phục vụ đế quốc sài lang, có tiền cũng chỉ là tiền của bọn tư bản nó xí cho. Dân ta đánh Pháp đuổi Mỹ, không nhẽ bây giờ chịu nhục ngửa tay xin tiền đế quốc ư?”. Thế là lại họp, lại bàn thêm một tuần nữa mới đi đến giải pháp kiểu cong queo: “Ông N có hảo tâm đóng góp xây dựng quê hương, số tiền này hoàn toàn do nhân dân trong làng quyết định sử dụng vào việc gì có ích nhất”. Quyết thế để đề phòng trường hợp ông N đòi ghi tên mình lên cầu thì hoá ra ta tuyên truyền cho tư bản à?

Ông cựu lính tẩy hứa miệng vậy chứ ông có cầm tiền mặt theo người đâu. Về tới Pháp quốc, ông gửi điện cho ông trưởng thôn: “Các bác phải thuê thiết kế cây cầu, thuê họ tính toán hết bao nhiêu tiền, tôi sẽ gửi cho các bác, cộng thêm 5% chi phí phát sinh. Đề nghi các bác cho biết tôi phải gửi tiền cho ai, số tài khoản bao nhiêu, ngân hàng nào để tôi chuyển tiền về cho làng”.

Bỏ mẹ thật, nó cho tiền mà đòi hỏi nhiều thứ phi lý quá. Dân nhà quê lấy đâu ra cái tài khoản? Nhỡ ông nào có tài khoản ông ấy đxx cho rút ra xây cầu thì sao? Mí lại thằng cha này ky bo kẹt xỉn quá thể, ở Việt nam chi phí phát sinh trong xây dựng thường không dưới 30-40%, nó chỉ cho có 5% có đểu không!?

Cuối cùng thì tiền cũng về đến làng, cuối cùng thì cái cầu bê tông cốt thép ngời ngời cũng được xây xong, nghe đâu còn dự ứng lực gì đó nữa, đếch biết bọn xây dựng nó cho cái gì vào trong cầu để dự ứng, chắc là để tính thêm tiền, còn lạ gì bọn xây dựng nhà mình nữa!

Thế là kể từ ngày đó, không bao giờ còn xảy ra chuyện đắm đò qua sông, chẳng bao giờ còn chuyện con bé Tĩn nào đó suýt chết đuối. Bây giờ dân làng lão Hâm có thể phi xe máy (xê-cơn-hen thôi!) chạy vèo một phát lên huyện oai chẳng kém gì dân các làng khác!

Ấy vậy nhưng cái gì mới và hay luôn kéo theo rất nhiều chuyện rắc rối, khi nào có thì giờ, tôi xin chép tiếp chuyện cây cầu làng lão Hâm cho bà con đọc tiếp, tất nhiên những chuyện vớ vỉn ấy chỉ có ở làng quê lão Hâm thôi, những nơi văn minh đô hội thì người ta giải quyết công việc chóng vánh và lịch sự lắm.

Ở trên tôi viết là cây cầu đã xây xong, nói vắn tắt vậy cho nhanh chứ ai cũng hiểu là khối con quác quác, con gâu gâu và con ỉn ỉn đã phải hy sinh tính mạng vì công cuộc xây dựng cây cầu. Người ta liên hoan lu bù, nhân dịp gì đó (ví dụ họp bàn việc đền bù cây ổi mọc hoang ở bờ sông mà thằng Tèo nhận là của nó) hoặc chả nhân dịp gì sất. Thời gian thi công cây cầu lão Hâm bận công việc ở Hà nội nên cũng chẳng biết rõ lắm các chi tiết, mà nếu có biết tôi cũng chẳng chép vào đây làm gi cho tốn mực.

Cầu xây xong, ai cũng phấn khởi, chả có công có việc gì cũng đi qua đi lại cây cầu dăm lần cho nó sướng, nhưng chỉ sang ngày hôm sau là đã sinh chuyện. Trên làn da trắng bóc của cây cầu, một đứa có chữ nhưng mất dạy nào đó đã dùng than đen viết một dòng to tướng “Đ. mẹ thằng Y”, một đứa biết viết khác viết thêm vào đằng trước mấy chữ nữa thành ra “Đ. mẹ thằng nào đ. mẹ thằng Y”. Ông trưởng thôn chạy sấp chạy ngửa kiếm nước vôi bôi lên dòng chữ nọ, vừa làm vừa chửi đ. mẹ thằng nào mất dạy viết bậy lên cầu. Từ đó ngày nào ông trưởng thôn cũng đi tuần cầu dăm ba lần, đề phòng trẻ con viết vẽ bậy.

Cầu đi vào hoạt động được khoảng một tháng thì có mấy anh lục lộ đến đóng vào hai đầu cầu hai cái biển “Cầu 19+300”. Mấy thằng trẻ con chăn trâu hớt hải chạy ngay về báo với trưởng thôn, trưởng thôn dắt hai anh dân quân chạy ra xem sự thể thế nào thì mấy ông lục lộ đã rút lui từ lâu. Trưởng thôn quát mấy thằng chăn trâu:
- Đứa nào đóng mấy cái biển này vào đây?
Trẻ trâu ú ớ:
- Hình như mấy bác giao thông công chính.
Trưởng thôn rít lên:
- Sao chúng nó dám đặt tên cầu của chúng ông là “Cầu 19+300”?
Ông trưởng thôn ra lệnh cho dân quân gỡ bỏ hai cái biển vứt xuống sông. Tần ngần nhìn cây cầu, ông trưởng thôn gãi đầu:
- Dưng cơ mà cái cầu này đã có tên đếch đâu?

Thế là lại họp thâu đêm để bàn thống nhất đặt tên cầu. Mỗi ông đưa ra một cái tên, tên nào cũng mỹ miều, tên nào nghe cũng có ý nghĩa, và như mọi khi, đếch ông nào chịu thua ông nào. “19/5 ngày sinh của Bác mà các ông không chấp nhận à, lập trường tư tưởng của các ông có vấn đề! Thành Công các ông cũng không thích ư? Thôi thế thì lấy mẹ nó tên thôn ta mà đặt tên cho cầu, đúng thực chất là thôn ta tự đứng ra xây cái cầu này v.v. và v.v.”.

Người nhà quê có thói quen cãi nhau không xong thì mời người ngoài vào phán xử. Ông trưởng thôn đích thân lên toà báo tỉnh, tìm gặp phóng viên Xuân Nồng xin ý kiến. Ông Xuân Nồng chỉ là phóng viên thường nhưng lại là vĩ nhân của tỉnh, rất được mọi người kính trọng. Chả biết ông tài giỏi đến mức nào, chỉ biết trong các cuộc họp của Ủy ban ND tỉnh, ông Chủ tịch tỉnh khi bắt đầu bài phát biểu, trong đoạn văn kính thưa thường kéo dài đến 8 phút của ông bao giờ cũng không quên “Kính thưa nhà báo Xuân Nồng kính mến”.

Nghe ông trưởng thôn giãi bày xong, nhà báo Xuân Nồng hạ bút cho hai chữ “Tình nghĩa” kèm theo lời giải thích:
- Tình nghĩa đây là tình cảm của đồng bào Việt nam ở nước ngoài với quê hương làng xóm, vừa là để cảm ơn và động viên người ta tiếp tục giúp đỡ trong nước, đúng không? Tình nghĩa cũng là tình làng nghĩa xóm, là nhịp cầu nối những bờ vui, tới các làng khác, xã khác trong toàn tỉnh và cả nước, càng đúng nữa phải không? Tình nghĩa là cái quan trọng nhất trên đời, các ông cứ đặt tên cầu là “Tình nghĩa” đi, tôi tin chắc thiên hạ sẽ phục các ông sát đất.

Cái gì chứ được thiên hạ phục sát đất thì dân làng lão Hâm đồng ý ngay và kể từ đó cầu được mang tên “Tình nghĩa”.

Lo chuyện làm cầu, đặt tên cầu, rồi trông coi cầu một thời gian ông trưởng thôn gầy tọp hẳn đi, má hóp, hai hốc mắt trũng sâu. Ông thất bại trong cuộc đua không ngang sức: trẻ con viết bậy – ông trưởng thôn xoá - trẻ con lại viết bậy. Kết quả là những dòng chữ tôn vinh nền vô giáo dục cứ tự nhiên tồn tại, chỉ còn nắng mưa phụ giúp ông trưởng thôn một tay xoá mờ những khẩu hiệu kiêu hùng kia thôi.

Lại còn chuyện có người viết đơn lên Thanh tra tỉnh đề nghị tổ chức thanh tra xem trong việc xây dựng cầu có chuyện tư túi mờ ám nào không. Quả là rách việc!

Bà vợ ông trưởng thôn rên như cháy đồi: “Ông vác tù và hàng tổng chẳng được một đồng xu cong nào mà sao ông cứ hành hạ cái thân cái đời ông thế hả ông ơi, ông có mệnh hệ nào mà nằm xuống thì mấy đứa con ông ai nuôi? Ông ơi là ông ơi!”
Lão hàng xóm nghe thấy vậy nói đế thêm:
- Lọ đỗ chưa đầy ông ơi!

Rốt cuộc ông trưởng thôn phải đưa ra ý kiến thành lập tổ bảo vệ cầu. Lúc đầu không ai đồng ý, đơn giản là lấy tiền đâu trả lương cho đám này, mà bảo người ta làm không công thì ...hơi bị khó đấy! May thay (ở đời may hơn khôn, các cụ bảo thế), một lô cầu to đùng trong cả nước ra đời, Chính phủ cho phép thu lệ phí qua cầu. Ông trưởng thôn ký ngay một quyết định kể từ ngày nọ tháng kia, Thôn sẽ thu lệ phí qua cầu, trừ người dân có hộ khẩu trong thôn. Cũng theo quyết định đó, sẽ thành lập một Ban Quản lý cầu gồm 3 người chia nhau làm ba ca trong ngày có nhiệm vụ thu phí nói trên. Hà hà, kể từ đó mỗi lần về quê lão Hâm đều phải xuống xe mua vé qua cầu, cái thằng bán vé lại chính là cháu gọi lão bằng cậu!

Một lần có ông cán bộ Trung ương có việc đi qua cầu, nghe lái xe bảo phải dừng lại mua vé, ông nhảy ra khỏi xe hỏi thằng cháu lão Hâm:
- Các chú thu tiền theo quyết định nào, của cấp nào?
Thằng cháu bê ra cái quyết định của ông trưởng thôn đặt trong khung kính trông như cái bằng khen, ông cán bộ Trung ương lắc đầu lè lưỡi: ”Quá trời!”.

Một thời gian sau, xuât hiện bất hợp lý: Ban Quản lý cầu chỉ có 3 người là không đủ, chí ít phải có 5 người vì người lao động làm việc theo Bộ Luật Lao động, có thì giờ làm việc thì giờ nghỉ ngơi đàng hoàng, được nghỉ phép nghỉ lễ, được cả ốm đau v.v. Cứ như thế biên chế Ban QL cầu phình to dần, một số lấy vợ lấy chồng, sinh con đẻ cái, làm nhà ngay hai bên chân cầu. Tiếp theo là xuât hiện nhà trẻ, lớp mẫu giáo, trạm xá, quán ăn, tiệm may... và rồi hình thành thị trấn “Cầu Tình nghĩa” của làng lão Hâm lúc nào không ai hay! Bây giờ nó còn sầm uất và oai oách hơn chính cái thôn đẻ ra nó rất nhiều.

Mỗi lần buâng khuâng nhớ quê, lão Hâm cũng không còn biết mình nhớ cái gì nữa: làng quê thủa thơ ấu với con đò ngang hay “Phố Cầu” nhộn nhịp hôm nay?

(17/08/2004)
Tập truyện ngắn của Phan Chí Thắng
Cỏ may
Người đàn bà xa lạ
Phượng
Chuyện lão Hâm lãng đãng mùa thu Hà nội
Chuyện cây cầu làng lão Hâm
Chuyện lão Hâm tham gia đào tạo tài năng trẻ
Phạm Ngọc Cảnh người viết bài thơ tình hay nhất
Chuyện nhà lão Hâm xem đá bóng hay Nồi cháo gà vào đêm sinh nhật
Ba cái lá ngón
Cây đa thôn Vĩ Hậu
Chuyện ở Phố Huyện
Mùa gặt
Ảo giác
Woman in black
Cô bé đá bóng
Cũng là một câu chuyện tình
Nàng công chúa biển
Anh mắt lác
Tiết mục hát bội của đơn vị lão Hâm
Cậu Toại
Dư âm ngày Valentin của Lão Hâm
Lão mù
Gà sang đường
Ứng xử (truyện cực ngắn)