watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Tập truyện ngắn của Phan Chí Thắng-Chuyện lão Hâm lãng đãng mùa thu Hà nội - tác giả Phan Chí Thắng Phan Chí Thắng

Phan Chí Thắng

Chuyện lão Hâm lãng đãng mùa thu Hà nội

Tác giả: Phan Chí Thắng

Đúng 5 giờ 30 lão tỉnh dậy. Ngày nào cũng vậy, như một thói quen, nhưng không phải thói quen của lão mà là thói quen của con chim khiếu nhà bên cạnh. Vào giờ đó nó hót vang trời, chào đón một ngày mới tươi đẹp. Còn theo thói quen của chính lão, lão cười thầm con chim thơ ngây kia bị nhốt chặt trong lồng, ăn lương khô uống nước lã mà vẫn hót vui như hội.

Từ suy nghĩ đó, lão bắt gặp cái hâm hâm của lão. Khác những người hâm bình thường, lão tự biết mình hâm và thực sự vui sướng mỗi khi nhận ra tình tiết hâm mới của mình. Thật ra lão có tên có họ đàng hoàng, nhưng bây giờ chảng ai gọi lão theo cái tên khai sinh khá mỹ miều của lão nữa mà chỉ gọi gọn là Hâm. Lâu lâu quen rồi lão chả thèm phật ý nữa, và mọi người chỉ còn biết cái danh hâm mà quên đi cái bản tính hâm của lão.

Vươn vai vặn vẹo cái thân hình cao hơn tây gầy hơn ta thay cho việc tập thể dục, lão thò tay bật TV chờ xem bản tin sáng. Đêm qua thức xem đá bóng, đối với tuổi của lão kể cũng hơi quá tải. Vài năm gần đây lão đã không thức xem bóng đá đêm nữa rồi, chẳng qua vì thằng bạn phải đi làm ca hoàn thiện công trình phục vụ SG22 gọi điện thoại bắt lão phải xem để sáng nay kể lại cho nó.

Vừa đánh răng, vừa coi TV, lão vừa nghĩ vơ vẩn sao Chính phủ không có một Dự án cấp Nhà nước, theo đó gom những thằng to con khỏe mạnh bắt lấy những con khỏe mạnh cao to cho chúng nó đẻ ra một thế hệ cao to khỏe mạnh nuôi ăn học bóng đá thì tuyển VN đâu có phải nhọc nhằn đá tầng một chống lại bọn chơi bóng bổng tầng hai?

Xiêm áo chỉnh tề, đầu láng qua một chút gôm bọt (từ bé bộ phận bất trị duy nhất trong cơ thể lão là tóc), lão lên xe máy đi làm, trong đầu vẫn còn vương vấn giai điệu giọng hót của con khiếu nhà hàng xóm.

Qua Công viên Thủ Lệ, lão hít một hơi thật sâu. Có cái công viên này lợi hại thật, không khí trong và dịu hẳn đi. Hà nội mình là một trong những thủ đô hiếm hoi trên thế giới có nhiều hồ và công viên. Anh Sài Gòn to thế mà chỉ có mỗi cái hồ Con Rùa, to không hơn con rùa là bao nhiêu. Quý cái công viên thế nhưng lão cũng bật cười thầm: lão mới vào Thủ Lệ đúng có hai lần, một lần tham gia lao động XHCN đào hồ, một lần đưa hai mẹ con cô bạn Sài Gòn ra chơi đi xem Bách Thú (Bách Thú ngày trước trong vườn Bách Thảo, phía trên Phủ Chủ tịch và Văn phòng Chính Phủ), còn lại có cho tiền lão cũng chẳng dám vào. Thủ Lệ là vương quốc của những vấn nạn xã hội, nơi chúng nó chích choác, mua bán thứ mà đáng ra con người chỉ để hiến tặng cho nhau. Nhìn đám xe đạp nước hình con thiên nga to đùng nằm xếp bên nhau, vươn cái cổ cong thanh cao lên trời, lão nẩy ra ý muốn hỏi các cô thiên nga nhìn thấy gì trong công viên mà đến tận bây giờ các cô vẫn trong trắng vậy?

Đến ngã tư khách sạn Daewoo, “ngựa xe như nước, áo quần như nêm”, lão quặt phải, rồi lại quặt phải lần nữa, bỏ lại sau lưng đám người chen nhau đứng đợi đèn xanh. Lão lại cười thầm khi thấy trong cuộc sống, định nghĩa về đường thẳng “là đoạn ngắn nhất nối hai điểm” không phải lúc nào cũng đúng.

Dọc đường Kim Mã, lão không còn chạy xe nữa. Dường như cả dòng xe cộ cuốn lão đi như cuốn một cánh bèo. Ngước mắt nhìn dọc suốt phố, à không đại lộ chứ, (ngày trước đường Kim Mã đi Câù Giấy có hai hàng cây hai bên, sau mở rộng đường sang một bên thành ra có hàng cây chạy dọc ở giữa, theo định nghĩa thì đây là đại lộ có cây xanh, sang lắm đấy) lão thấy một đám mây bụi mờ mờ trên đầu đoàn xe chen chúc nhau, như thể cả phố đang nổi lửa nấu cơm chiều, khói lam chậm rãi lan tỏa. Lão Hâm lại đưa ra câu hỏi: đố ai biết được Thành phố Thủ Đô đang áp dụng công nghệ lọc sạch không khí kiểu gì. Rồi lão tự trả lời: kiểu cổ điển, bằng lá phổi của dân Hà nội và những hàng cây xanh đang vươn cành vuốt ve tán tỉnh nhau. Có phải vì thế một thằng bốc phét nào đấy mới tán “Hà nội linh thiêng và hào hoa”?

Loay hoay một chốc, lão đã đến gần chỗ phố Hàng Cháo (dân tỉnh khác đừng đến đây tìm cháo nhé, bây giờ toàn bán đồ điện, đồ kim khí thôi) đâm ra Nguyễn Thái Học. Lão còn lạ gì chỗ này, thằng Hà nội nào không biết chỗ này, không phải vì hay đi ăn cháo mà vì đây là lối vào khu cửa 8,9,10 của Sân Hàng Đẫy. Ngày nào cũng qua đây mà lần nào lão cũng trở về với kỷ niệm một lần duy nhất lão được đá bóng trên sân này. Đó là ngày 19/5/19…, có cái lễ hội gì đó của học sinh Hà nội (lão không nhớ vì mấy ngày đó lão còn sức đâu mà biết đến chuyên ngoài bóng đá), trong chương trình có trận giao hữu bóng đá Học sinh HN - Học sinh HP. Hồi đó lão bắt gôn đội trường cấp III Chu Văn An nên được gọi vào đội tuyển HS thành phố (oai chưa!). Được gọi, được tập một lần trên mặt sân Hàng Đẫy, nhưng hôm đá chính thức lão phải ngồi dự bị. Bắt chính cho đội HSHN là một “anh” đang chơi đội trẻ của Trường Huấn luyện (hồi đó đội tuyển QG được gọi là đội Trường Huấn luyện Trung ương). Tự biết sức mình không đủ tầm bắt chính, lão không ức, chỉ băn khoăn sao các thầy cô trên Sở GD mà cũng ăn gian nhỉ?

Nghi thức lề mề thế nào mà đến 11 giờ mới bắt đầu trận đấu. Trước đó 10 phút, hai đội ra sân khởi động, nhìn đám Hải Phòng chạy, lão hoa cả mắt, thằng nào thằng nấy to con đen chùi chũi. Thằng bạn cùng trường chạy lại rỉ tai: “Bọn nó là đội Xi măng trẻ đấy mày ạ”.

Đúng lúc đó loa phóng thanh của sân vận động vang lên: “Đội HSHP gồm 18 em học sinh đều là học sinh chăm ngoan, trong đó có 11 em là học sinh giỏi và tiên tiến”. Hai phút sau loa lại hùng hồn thông báo: “Đội HSHN gồm tất cả là học sinh tiên tiến và học sinh giỏi”. Giời đất ơi, mới khởi động mà sao lão như bị chuột rút thế này! Bọn trường khác lão không biết chứ bọn trường CVA có được nửa thằng nào là HSTT đâu mà dám nói là tất cả?

Vào trận, đội Xi măng, à quên, đội HSPH ào lên tấn công, quân HN bị nhốt chặt trong vòng cấm địa, không thằng nào biết mặt vòng trung tâm méo hay tròn. Kết quả là giữa hiệp một HSHP dẫn 1-0. Lọ mọ thế nào mà trung phong Hiền (anh này học lớp trên, cùng CVA với lão) san bằng được tỷ số vào phút gần chót hiệp 1.

Sau đó Ban tổ chức thông báo vì lý do thời tiết (đang giữa trưa nắng tháng 5), để đảm bảo sức khỏe cho các em HS, không đá tiếp hiệp 2 nữa. Hú vía!

Nhớ đến đây, lão cười thầm (người hâm hay cười thầm lắm) chê dân tình hay chửi mấy cụ nhi đồng gian lận tuổi, bọn chúng nó đâu có biết dân ta có truyền thống gian lận bóng đá từ lâu rồi.

Bỏ bẵng thời gian học đại học xa Hà nội, không xem đá bóng trên sân Hàng Đẫy, còn sau đó chiều Chủ nhật nào có giải hạng A là lão luôn có mặt. Lão chuyên trị vào cổng số 10B, cổng dành riêng cho Ban tổ chức và hai đội bóng thi đấu ra vào. Lão quen Đức xồm, nhân viên bảo vệ cửa này nên chẳng bao giờ phải mua vé, vả lại với thân hình cao lêu đêu và khuôn mặt ngố tầu giống thủ môn Trần Văn Vĩnh, người ta tưởng lão là vận động viên.

Vào sân ngồi bên đường pit, giữa đám công an, bảo vệ, phóng viên, người nhà Sở TDTTHN và người nhà của người nhà của những người kể trên, lão rất khoái. Đám này có những thông tin mà kể cả bọn nhà báo cũng chả biết, ví như có lần lão ghé tai hỏi người ngồi bên cạnh “Sao thằng Ph. tròn hôm nay đá chẩy thế nhỉ?”, người kia mỉm cười tinh quái: “Nếu tối hôm qua ông bắt gặp vợ ông đi với giai, ông có thể đá được như nó bây giờ không?”.

Cổng 10B có một nhân vật rất đặc biệt, đó là sư ông chùa Hàng Cót (chùa này nằm cạnh rạp Đại Đồng). Không biết sư ông có đệ tử nào bên Sỏ TDTT mà trận nào ông cũng ngồi đúng một số vé, ngay cạnh lối hai đội ra sân thi đấu. Ông luôn tươi tỉnh, khuôn mặt đôn hậu sáng bừng lên mỗi khi có một pha bóng đẹp. Ông không chửi tục như đa số người xem, giờ giải lao ông mở tay nải mời mọi người chung quanh ăn nào oản nào chuối, hay đáo để. (Nam mô a di đà phật, con kính lạy Đức Phật đại từ đại bi đừng ghép con vào tội chỉ điểm. Mấy lại hơn 2.600 năm trước khi Phật tổ từ bỏ ngai vàng, giác ngộ giáo lý để cứu độ chúng sinh, làm gì đã có bóng đá để ghép nó vào ái hay nộ. Do đó tăng ni phật tử hâm mộ bóng đá là không phạm giới. Chả những thế, có anh Roberto Batgio cầu thủ Ý nổi tiếng cũng rất mộ Phật đấy).

Vẩn vơ trong đầu những kỷ niệm bóng đá, lão nhận thấy mình đang phải dừng lại ở ngã tư Nguyễn Thái Học – Lê Duẩn. Khiếp thật, lại ngựa xe như nước áo quần như nêm. Dân Hà nội mình đi xe không gấu bằng dân Sài Gòn, nhưng được cái hơn là thằng nào thằng nấy cũng loi choi chen chen lấn lấn. Mấy cái xe buýt chất lượng cao lao rầm rầm như chỗ không người. Hèn gì bệnh viện Xanh Pôn luôn quá tải.

Bên kia ngã tư mấy chú cảnh sát giao thông đang tất bật phạt những kẻ vi phạm. Thương các đồng chí ấy thật, suốt ngày hít bụi khói. Lão chỉ phải hít mỗi ngày hai quệt mỗi quệt 30 phút mà tưởng đã đứt hơi. Mà không biết các chú có được hưởng chế độ độc hại không nhỉ? Năm 1992 lão thấy ở Băngcôc bọn CSGT đeo mặt nạ phòng chống hơi độc. Sao ta không cho đeo, vừa bảo vệ sức khỏe cán bộ vừa thấy cái mặt của các chú ấy ưa nhìn hơn nhiều?

Với nỗ lực tối đa, lão Hâm vượt qua đoạn Phan Bội Châu rẽ về Hai Bà Trưng, Hỏa Lò sáng loáng tòa Tháp Hà nội đập vào mắt. Quả thực Hà nội lố nhố một vài điểm cũng hiện đại ra phết. Con xe 100 phân khối của lão phải dừng lại trước Chợ 22-12, đầu giờ sáng các chị cán bộ Bộ CN và nhiều cơ quan gần đó tranh thủ ra chợ nhiều quá làm tắc nghẽn mất một chốc. Dân HN đến lắm thằng hâm như mình, lão lại nghĩ, chính quyền thành phố đặt tên cho chợ đàng hoàng, dân lại cứ gọi là chợ Âm phủ. Khiếp bỏ mẹ, ấy vậy mà nghe nói trong chợ có quán cầy tơ bảy món ăn được lắm. Liên tưởng câu nói của đệ tử Cây Còn: “Sống trên đời ăn miếng dồi chó, xuống âm phủ biết có mà ăn?” lão thấy hay hay.
Nhân cái đầu hâm của lão chuyển địa chỉ sang lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, lão lại thấy thương cho các nhà phê bình, các nhà văn hóa đang không ngớt kêu cứu “thị hiếu thấp, văn hóa lùn” nhưng người ta vẫn cứ bỏ tiền mua vé đi nghe “Con gái nói có là không”.

Loay hoay lão đã đến cuốí phố Trần Hưng Đạo, con đường dài, thẳng và đẹp nhất Hà nội. Lão biết đâu đó trên đường Phan Huy Chú có nhà bác Phúc “vổ”, trước đá hậu vệ tuyệt chiêu luôn. Có tờ báo đăng (thỉnh thoảng ta phải tin báo chí một tí) đến cả bọn “tây” cũng ngán Phúc vổ. Bây giờ bác ấy khổ lắm, bị chấn thương cột sống do tai nạn giao thông nằm một chỗ, thời oanh liệt nay còn đâu!

Lơ đãng nhìn các hàng quán ven đường, lão thán phục nền thương mại vỉa hè phát triển vào loại nhất thế giới của Hà nội chúng ta, một nền thương mại làm cho người ta phải sống chết với vỉa hè. Các lực lượng trật tự đô thị dù có cố gắng mấy cũng chẳng làm sao vãn hồi trật tự và giải phóng vỉa hè nổi, khi chưa có nền thương mại phát triển như các nước công nghiệp hóa.

x
x x

Vừa đến cổng cơ quan, lão đã thấy cô bé văn thư hớt hơ hớt hải: “Xếp tìm bố hai lần rồi đầy!”. Chết thật, mình đến đúng giờ, hắn còn đến sớm hơn. À phải rồi, mấy đứa thối mồm bảo gần đây vợ sếp có “kép” trong Sài Gòn, bà ấy đi công tác SG suốt nên sếp hay đi làm rất sớm.

- Mời ông ngồi, sếp khoát tay lịch sự, sức khỏe ra sao?
Cái này mới là gay đây, khi người ta gọi mình lên đầu giờ sáng, lại hỏi sức khỏe ra sao thì đúng là hỏi thăm sức khỏe rồi.
- Cảm ơn sếp, cũng bình thường.
- Hà hà, không bình thường đâu, tối qua anh thức xem đá bóng chứ gì, nhìn cặp mắt anh là tôi biết ngay.
- Dạ, có, tôi xem trận Dinamo Kiev – Arsenal, lão ái ngại trả lời.
- Anh không xem trận Lacơmơchiiiiv – Intơ à (sếp phát âm từ Lokomotiv đúng giọng chuẩn các cửa hàng đồ cũ ngoại ô Matscơva). Thế là anh mất nửa đời người rồi (Ô hay, lão nghĩ, mình chỉ còn may lắm là một phần ba đời người, sếp đòi thu một nửa, biết lấy đâu ra mà bù cho sếp đây?). Hôm qua Lacơmơchiiiiv làm chấn động cả thế giới, đập thằng Intơ chết tươi ăn gỏi, tiền đạo Lacơmơchiiiiv tra tấn thằng gôn Ý ẹ đến phát nôn ọe ra. (Đúng là ngôn ngữ của những người mê bóng đá!)
- Dạ, tôi không xem, nhưng ngay trong lúc tường thuật DK-Ars thằng ESPN có thông báo kết quả trận Loko-Inter tôi cũng sướng điên lên (Mình cũng phải ma lanh một tý mới được, lão thầm nghĩ, mình quên mất là hắn học trường Đường sắt Matscơva, trên đời này lão chỉ mê có mỗi một đội là đội Loko. Nhưng sao lão học đường sắt mà lại về làm sếp cơ quan mình nhỉ, cơ quan mình chẳng dính dáng tý gì đến các thể loại đường: đường sắt, đường bộ, đường sông, đường biển, đường hàng không, thậm chí đường ... tiết niệu?).
- Đúng, phấn khởi thật, nhất là trong lúc bọn OlempicVN nhà ta xơi tái bọn Cao ly, niềm vui tăng lên gấp bội. Thôi ta đi làm cốc bia đi, nhân dịp này tôi chiêu đãi anh, tôi biết cả cơ quan ta có mỗi mình anh là sành điệu bóng đá nhất.

Chết thật, mới sáng ra đã uống bia, cả ngày làm sao làm việc được. Nghĩ vậy lão vội vàng thưa:
- Nhưng tôi phải làm gấp cái tài liệu chiều qua sếp giao.
Không ngờ sếp tươi tỉnh nói như hát (đúng là niềm vui của sếp đang vô cùng tận):
- Không sao, làm sau cũng được mà, đất nước của ngàn quán bia, đang sục sôi khi thế hào hùng. Ta ra Lan9 đi!

May sao, số lão Hâm hay gặp may, thằng Gồ xô cửa chạy vào. Thằng này luôn giữ được bản sắc văn hóa từ thời tổ tiên chúng ta làm nhà chưa có cửa đóng kín, nó chẳng bao giờ gõ cửa bất kỳ phòng ai, kể cả phòng sếp:
- Tuyệt vời, trên cả tuyệt vời! Lokomotiv muôn năm! Lần này Lokomotiv sẽ đoạt Cup vô địch của những nhà vô địch! ...

x
x x

Lững thững đi xuống cầu thang lão còn nghe vọng theo tiếng hai thầy trò sếp hân hoan bình loạn trận bóng đi vào lịch sử. Về đến phòng, lão nghe thấy tiếng cửa xe ôtô của sếp đóng đánh sầm. Vậy là, lão hiểu rằng (tuy hâm nhưng đựơc cái lão không chậm hiểu) trong danh sách lên lương cuối năm nay sẽ lại không có tên lão, thay vào đó là tên thằng Gồ.
Pha ấm chè Thái, bấm nút khởi động máy vi tính. Trong khi chờ đợi chè ngấm và con Pentum đời đầu của lão ì ạch khởi động như đau đẻ, lão lãng đãng nhìn ra cửa sổ. Trên ban công nhà bên cạnh, một cây mai tứ quý đang ra hoa. Đẹp quá, những cánh hoa vàng nuột như màu áo đội Arssenal, sau khi rụng hết những cánh màu vàng, những cánh màu đỏ thẫm hiện ra như màu áo đội MU.
Thay vì soạn bản tài liệu như đã hứa với sếp, lão di chuột đến Media Player. Cả gian phòng tràn ngập những âm thanh dịu dàng của khúc nhạc mùa thu...
(Viết 10/2003, sửa 11/2005)
Tập truyện ngắn của Phan Chí Thắng
Cỏ may
Người đàn bà xa lạ
Phượng
Chuyện lão Hâm lãng đãng mùa thu Hà nội
Chuyện cây cầu làng lão Hâm
Chuyện lão Hâm tham gia đào tạo tài năng trẻ
Phạm Ngọc Cảnh người viết bài thơ tình hay nhất
Chuyện nhà lão Hâm xem đá bóng hay Nồi cháo gà vào đêm sinh nhật
Ba cái lá ngón
Cây đa thôn Vĩ Hậu
Chuyện ở Phố Huyện
Mùa gặt
Ảo giác
Woman in black
Cô bé đá bóng
Cũng là một câu chuyện tình
Nàng công chúa biển
Anh mắt lác
Tiết mục hát bội của đơn vị lão Hâm
Cậu Toại
Dư âm ngày Valentin của Lão Hâm
Lão mù
Gà sang đường
Ứng xử (truyện cực ngắn)