watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Tập truyện ngắn của Phan Chí Thắng-Tiết mục hát bội của đơn vị lão Hâm - tác giả Phan Chí Thắng Phan Chí Thắng

Phan Chí Thắng

Tiết mục hát bội của đơn vị lão Hâm

Tác giả: Phan Chí Thắng

Đ ích thân Bộ trưởng ký quyết định thành lập “Ban tổ chức và chỉ đạo Hội diễn văn nghệ quần chúng toàn ngành nhân các ngày lễ lớn”, trong đó nêu rõ ý nghĩa mục đích của Hội diễn, quy định thành phần Ban tổ chức và chỉ đạo Hội diễn đứng đầu bởi hai ông đồng trưởng ban: Thứ trưởng thường trực và Chủ tịch Công đoàn ngành. Đến lượt mình, ban tổ chức và chỉ đạo Hội diễn lại ban hành Quy chế Hội diễn, thời gian địa điểm tiến hành, thành phần Ban Giám khảo, ba rem tính điểm, các mức giải thưởng v.v.
Tất cả các đơn vị trực thuộc Bộ đều nô nức chuẩn bị để tham gia Hội diễn. Sếp Tổng Công ty của lão Hâm ký một quyết định thành lập “Ban tổ chức và chỉ đạo Hội diễn văn nghệ quần chúng Tổng công ty X nhân các ngày lễ lớn”, theo đó đích thân sếp làm trưởng ban – phụ trách chung, Chủ tịch Công đoàn Tổng Công ty là Phó ban phụ trách phong trào, Kế toán trưởng Tổng công ty làm ủy viên phụ trách tài chính, Bí thư Thanh niên làm thư ký thường trực và nhiều cán bộ cốt cán khác. Cái quyết định này cũng giông giống như các quyết định thành lập các ban bệ khác mà chúng ta thường thấy.
Quy luật “mạnh nhờ gạo, bạo nhờ tiền” thường chi phối mọi chuyện ở bất kỳ lĩnh vực hoạt động nào của đời sống, đương nhiên trong phong trào văn nghệ quần chúng, anh nào mạnh chi tiền thì anh ấy sẽ hơn những anh chi ít hơn. Do đó các giải thưởng lớn thường rơi vào tay các Tổng Công ty đại gia, không những tiền nhiều của lắm mà còn rất dám chịu chi.
Đi sâu vào tìm hiểu mới thấy có rất nhiều khoản chi, người ngoài cuộc chắc hẳn không thể biết hết.
Thứ nhất, nếu Tổng Công ty anh to và mạnh, anh phải nuôi một đội văn nghệ, tuy gọi là đội văn nghệ quần chúng nhưng thực chất là hoạt động chuyên nghiệp theo nghĩa tuy ăn lương chuyên viên nọ, công nhân kia nhưng việc của họ là suốt ngày lo luyện tập và thỉnh thoảng biểu diễn động viên phong trào. Các diễn viên không chuyên này là những người có năng khiếu, vì lý do nào đó mà không có duyên đi làm chuyên nghiệp, hoặc ngược lại, họ từng là chuyên nghiệp nhưng bị bật bãi ra làm nghiệp dư. Ví dụ có một cô văn công chuyên nghiệp, sau khi lấy chồng, anh chồng không cho cô ta tối tối đi hát đến gần nửa đêm mới mò về nhà nữa. Hẳn là anh này rất thuộc câu: “Giường bệnh xá, má văn công, mông bộ đội”? Thế là cô ta thành diễn viên nghiệp dư ở một công ty quốc doanh to lớn nào đó.
Thứ hai, nếu đơn vị anh không đủ sức nuôi một đội văn nghệ nghiệp dư như đã nói ở trên, anh phải tổ chức thi tuyển từ cơ sở để tìm chọn nhân tài, chi tiền bồi dưỡng, thuê thầy thuê thợ cho họ tập. Thầy ở đây có thể là một đạo diễn dàn dựng tổng thể, có thể là một nghệ sỹ chuyên nghiệp hay một giảng viên trường văn hóa nghệ thuật nào đó có kinh nghiệm làm phong trào quần chúng, thợ là mấy nhạc công đệm đàn, tốp múa phụ họa, người tô son điểm phấn. Chỗ này phải giải thích thêm là tuy Hội diễn văn nghệ quần chúng là cuộc chơi dành cho những người nghiệp dư nhưng quy chế Hội diễn cho phép các đơn vị tham gia được mượn nhạc công và người múa phụ họa từ bên chuyên nghiệp sang bởi lẽ ít người lao động nào có thân hình và kỹ năng múa, mà nếu đã từng có thì nay cũng vào cái tuổi 3 vòng đo giống nhau rồi, múa gì nữa? Tương tự như vậy, mấy ai biết chơi đàn piano điện tử, thôi thì ta thuê ngoài cho nhanh, mà đám này giỏi lắm, bảo chơi bài gì là họ chơi được ngay. Bạn hãy tưởng tượng xây dựng một tiết mục đồng ca có khoảng dăm chục người tham gia thì số tiền phải chi sẽ không phải là nhỏ. Ấy nhưng theo quy chế, tiết mục tập thể được cộng thêm điểm vì đó là phong trào, nhất là khi trong cái giàn đồng ca này lại có cả các vị lãnh đạo doanh nghiệp cùng đứng vào nhép môi, không biết họ có hát thật hay không.
Thứ ba, phải chi cho cả “đoàn văn công” đi lại bằng máy bay, ăn ở khách sạn có khi mất cả tuần ở Thủ đô hay ở một thành phố xa nơi sinh sống và làm việc của họ.
Thứ tư, mua sắm trang phục, đạo cụ.
Thứ năm, cái thứ năm này mới là vui đây. Anh phải tham gia tài trợ cho Hội diễn, nếu anh tài trợ nhiều hơn một ngưỡng nào đó, tên của đơn vị anh sẽ được ghi rõ to trên cái phông chính của sân khấu hội diễn, trên tờ thiếp mời khách khứa đến xem Hội diễn. Cái này rất quan trọng, các vị trong ban Giám khảo không thể không bị mấy cái tên to đùng kia ám ảnh trong khi cho điểm các tiết mục dự thi.
Cuối cùng là cái năm phẩy, tôi chỉ nói nhỏ với bạn, xin bạn đọc đừng nói lại với ai, không thì tôi ngượng lắm. Nhưng để tý nữa, đến đoạn sau tôi mới nói.
Tôi mới liệt kê năm chuyện chủ yếu phải chi tiền, mấy cái thứ yếu như liên hoan, ăn trưa, phong bì cho các cuộc họp của ban Tổ chức và chỉ đạo thì người ta đưa vào chi phí quản lý nên ta chẳng cần quan tâm.
x
x x
Bây giờ ta đi vào cái cụ thể chuyện đơn vị lão Hâm tham gia Hội diễn như thế nào. Sếp của lão Hâm là một người khôn ngoan, làm gì cũng có định hướng, có sách lược và biện pháp cụ thể. Ông phán:
- Tổng Công ty chúng ta không mạnh bằng nhiều tổng công ty bạn, do đó, ngoài một số tiết mục cá nhân như hát, độc tấu, chúng ta phải xây dựng một vài tiết mục “quả đấm mạnh” thì mới mong có giải tại Hội diễn kỳ này, tôi đề nghị đó sẽ là tiết mục “Hợp xướng không dàn nhạc đệm” mà từ chuyên môn gọi là acapela và đặc biệt là thêm một kịch ngắn tự biên tự diễn, anh em thấy thế nào?
Tất nhiên là anh em thấy sếp nói quá đúng! Sếp nói tiếp:
- Nhưng kịch thì ta phải chọn lọai hình nghệ thuật kịch nào thật độc đáo, có thể là duy nhất chỉ đơn vị chúng ta mới có…
Sếp ngừng giọng, đưa mắt nhìn một vòng hội nghị, cái hội nghị đang im thin thít chưa biết phải nói gì. Sau khoảng mươi giây, biết trước hiệu quả câu nói của mình, sếp nói tiếp:
- Chúng ta sẽ làm một tiết mục tuồng. Tuồng là gọi theo kiểu miền bắc, trong nam người ta họi là hát bội. Tôi tin chắc sẽ không có đơn vị nào làm tuồng cả, vậy đương nhiên chúng ta sẽ đạt huy chương vàng hội diễn lần này!
Cả hội nghị ngớ người, nhưng suy cho cùng thì sếp nói đúng. Ối giời ơi, sếp có bao giờ nói sai đâu?
Riêng cô bí thư thanh niên – thư ký thường trực của Ban chỉ đạo Hội diễn còn trẻ người non dạ thì e ngại:
- Nhưng ta hát tuồng gì ạ? Chẳng lẽ lại Lã Bố hý Điêu Thuyền hay Súy Vân giả dại?
Sếp nghiêm mặt:
- Súy Vân giả dại là chèo cô ạ, không phải tuồng, các bạn thanh niên bây giờ chỉ thích rock với rít thôi, lẫn lộn hết các lọai hình văn hóa dân tộc truyền thống rồi. Ý tôi là chúng ta sẽ sáng tác một vở tuồng hoàn toàn mới, mang tính hiện đại. Xin lưu ý là tiết mục tự biên sẽ được cộng hệ số phụ!
Cuối cùng cuộc họp đi đến kết luận là …như ý sếp: tiết mục acapela giao cho Công ty X, nơi có hơn 3000 công nhân lao động đảm trách còn tiết mục tuồng sẽ do chính cơ quan văn phòng Tổng công ty dàn dựng.
Thú vị nhất là chính sếp sẽ sáng tác kịch bản tuồng, tất nhiên là có kết hợp với một nghệ sỹ tuồng có tên tuổi, vị này sẽ kiêm luôn vai trò đạo diễn và chỉ đạo nghệ thuật luôn. Thật khổ cho cái nhà ông đạo diễn này vì tất cả diễn viên nghiệp dư tập hợp trong tay ông theo lệnh của sếp chưa ai dù chỉ một lần đi xem tuồng, chưa nói đến chuyện tự hát một câu tuồng!
Cô bí thư thanh niên là thạc sỹ kinh tế được phân vai nữ công nhân đỏm dáng, cậu kỹ sư tin học, admin website của Tổng Công ty thì là anh công nhân tích cực trong phong trào an toàn vệ sinh lao động, chú lái xe được phân công làm anh công nhân cẩu thả… Riêng lão Hâm có ngọai hình không phù hợp với ánh đèn sân khấu thì được phân một công việc rất quan trọng, đó là nhắc vở. Tại sao lại có công việc đó? Chỉ những vở kịch đồ sộ, khối lượng diễn viên nhiều, lời thọai lắm người ta mới bố trí một người nhắc vở ngồi ngay trong cái hốc trước sân khấu đọc lời thọai cho diễn viên khỏi nói nhầm. Trường hợp bản tuồng của sếp kéo dài có 14 phút 38 giây (theo quy chế, các tiết mục tập thể không được dài quá 15 phút) vậy mà lại phải có người nhắc vở? Lý do là không biết làm sao mà các diễn viên của chúng ta hễ cứ tập trung hát đúng điệu thì lại quên mất lời, mà hát đúng lời thì lại sai mất điệu!
Lão Hâm chả dại gì chui vào cái hốc của người nhắc vở, lão dùng power point chiếu lên màn hình LCD để ngay trước cái hốc đó những dòng thọai to đùng đi kèm luôn cả lời nhắc đã được ghi âm từ trước. Vậy là các diễn viên có thể nghe hoặc xem lời thọai một cách dễ dàng, từ bất kỳ góc nào của sân khấu. Sếp rất khoái cái sáng kỉến áp dụng công nghệ hiện đại này, riêng một khoản đó đã chứng tỏ tính ưu việt của Tổng Công ty do sếp lãnh đạo.
Đêm biểu diễn đã đến. Bây giờ tôi mới nói đến cái mục chi năm phết ở trên tôi đã hứa kể và bạn đọc cũng đã hứa là sẽ không kể lại với ai.
Vào trước giờ biểu diễn của Tổng công ty chúng tôi, sếp trịnh trọng đến bắt tay các vị trong Ban giám khảo, hình như sếp có quen biết một số vị trong đó. Sếp gửi cho mỗi vị một phong bì dán kín, nói lớn để cho những người ngồi ở xa cũng có thể nghe thấy:
- Sắp tới Tổng Công ty chúng tôi kỷ niệm 10 năm thành lập, xin gửi giấy mời các vị đến dự, rất hân hạnh được đón tiếp!
Ha ha, trong mỗi phong bao tất nhiên là có giấy mời và một lượng nhất định hàng hóa, ấy chết, tôi nói nhịu, đó là tiền, bao nhiêu tiền thì chỉ có sếp và kế toán mới biết. Sở dĩ tôi nói nhịu là vì trong đầu chợt hiện lên câu định nghĩa: “Tiền là hàng hóa” mà ai cũng được học từ hồi sinh viên.
Tiết mục văn nghệ quần chúng duy nhất hát tuồng bắt đầu, mọi con mắt tò mò đổ dồn lên sân khấu. Ai cũng biết là tuồng có nhiều ước lệ, nhìn màu mặt, trang phục, ta biết ngay nhân vật là chính hay tà, nhìn diễn viên đang tưng tưng quất roi là đang phi ngựa, đang ngúc ngắc cái đầu là chán nản v.v. Nhưng tuồng của sếp là câu chuyện hiện đại, tuyên truyền về an toàn vệ sinh lao động trong sản xuất, làm sao cho nhân vật đội mũ mãng, đeo cân đai, đi hia như tuồng cổ được? Nói vậy là để khen sếp lão Hâm rất sáng tạo, ông cho anh công nhân đội mũ bảo hiểm, mặc bộ đồ lao động, thắt lưng da to bản, chân đi giày chống cháy, mức độ nào đó trông cũng có vẻ rất tuồng.
Anh chàng admin xuất hiện, chân đi chữ bát, vừa vuốt râu vừa hát:
- Như ta đây là công nhân phân xưởng gò hàn
Ta luôn biết an toàn
là bạn
Tai nạn
là thù
Trong phong trào phấn khởi thi đua
Lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn
Ta càng phải quan tâm đến chuyện
Sản xuất phải an toàn, an toàn cho sản xuất
Không thể nào sơ suất
Bớ anh em!
Chàng admin quay một vòng rất điệu, làm khán giả cuời rộ lên thích thú.
Đến lúc này cô bí thư thanh niên trong vai cô gái điệu đàng xuất hiện, ăn mặc cũng như admin, chỉ tội không đội mũ bảo hiểm, môi son má phấn, tóc bay theo gió (bên trong cánh gà có bố trí một cái quạt công nghiệp, thổi gió vù vù). Chàng admin gáy lên ngay tức thì:
- Cha chả, cha chả!
Tạo sao lại có một cô nàng kỳ quá
Vào nhà máy mà như đi dạo chơi
Này này cô em ơi,
Mái tóc kia mà bị quấn vào máy tiện
Thì đời em cầm bằng như mất điện,
Tóc gió thôi bay!
Bạn đọc thấy tuồng hay đấy chứ? Khán giả vỗ tay rào rào, ban giám khảo cũng cười vui vẻ. Tôi chả kể tiếp vở tuồng sẽ tiếp tục như thế nào, để cho bạn còn tò mò mà tìm cách đi xem cho bằng được, tất nhiên, nếu nó còn được diễn lại một lần nữa.
Và cũng chả cần phải nói, bạn đọc cũng đoán ra là tiết mục tuồng của đơn vị lão Hâm đã được nhận huy chương vàng Hội diễn.
Hai năm nữa mới lại có Hội diễn, khi đó nếu có chuyện gì hay tôi sẽ xin chép lại hầu các bạn!
Tập truyện ngắn của Phan Chí Thắng
Cỏ may
Người đàn bà xa lạ
Phượng
Chuyện lão Hâm lãng đãng mùa thu Hà nội
Chuyện cây cầu làng lão Hâm
Chuyện lão Hâm tham gia đào tạo tài năng trẻ
Phạm Ngọc Cảnh người viết bài thơ tình hay nhất
Chuyện nhà lão Hâm xem đá bóng hay Nồi cháo gà vào đêm sinh nhật
Ba cái lá ngón
Cây đa thôn Vĩ Hậu
Chuyện ở Phố Huyện
Mùa gặt
Ảo giác
Woman in black
Cô bé đá bóng
Cũng là một câu chuyện tình
Nàng công chúa biển
Anh mắt lác
Tiết mục hát bội của đơn vị lão Hâm
Cậu Toại
Dư âm ngày Valentin của Lão Hâm
Lão mù
Gà sang đường
Ứng xử (truyện cực ngắn)