watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Thi nhân và sát nhân-Chương 5 - tác giả Robert van Gulik Robert van Gulik

Robert van Gulik

Chương 5

Tác giả: Robert van Gulik

K hu toà án đối diện với tư dinh của tri huyện Lã. Trong lúc bước lên những bậc thềm rộng của khu toà án, quan án sát máy móc nhìn vào quang cảnh làm việc bận rộn của một tá viên chức toà án. Họ đang ngồi cặm cụi sau những cái bàn chất đống các hồ sơ và công văn giấy tờ các loại. Toà án là trung tâm bộ máy cai trị của toàn huyện. Nó không chỉ là nơi xét xử công lý mà còn là nơi giải quyết mọi công việc trong dân như làm giá thú, khai sinh, khai tử, mua bán bất động sản… Ngoài ra, toà án cũng chính là cơ quan thu thuế, kể cả loại thuế điền địa.


Đến chỗ đầu thềm có dãy rào thưa chắn ngang trước cửa, quan án sát nhìn qua lớp song thưa thấy viên cố vấn của quan tri huyện đang lúi húi sau chiếc bàn làm việc. Ông chưa tiếp xúc với Cao bao giờ, chỉ nhận ra ông ta qua hình dáng bề ngoài. Nhưng điều đó không làm cho ông ta đắn đo và cứ thế đi thẳng vào một văn phòng bài trí hết sức chu đáo. Cố vấn Cao ngẩng đầu lên trông thấy quan án sát, vội vàng rời khỏi ghế.


- Kìa, chào quan án sát. Xin mời ngài ngồi. Ngài xơi một chén trà chứ ạ?


- Thôi, thôi, xin ông đừng bận tâm, ông Cao. Tôi chỉ qua đây gặp ông một chút. Bên cư xá mọi người đang chờ. Thế quan tri huyện đã nói gì với ông về việc chúng tôi đến nơi xảy ra vụ án mạng chưa?


- Dạ quan tri huyện vội về tiếp khách nên chỉ ghé qua đây nhắc tôi viết tờ trình gửi lên quan thượng thư Bộ Giáo dục nhờ báo tin cho gia đình nạn nhân. Trong tờ trình tôi cũng xin quan thượng thư quan tâm đến nguyện vọng của gia đình người ta xung quanh việc tổ chức tang lễ. – Cao vừa nói vừa đưa bản nháp cho quan án sát xem.


- Tốt lắm, ông Cao. Ông viết thêm một bản báo cáo nữa nói rõ lai lịch của nạn nhân thì hồ sơ của ta sẽ đầy đủ hơn.


Sau khi trao trả bản nháp cho viên cố vấn, quan án sát nói tiếp:


- Ông Minh có cho tôi biết ông là người đã giới thiệu ông ta với phó bảng Tống. Chắc ông biết rõ ông nhà buôn đấy lắm nhỉ?


- Thưa quan án sát, tôi biết ông ấy rất rõ. Chúng tôi bắt đầu làm quen với nhau ngay tại đây trong một ván cờ tướng cái hôm tôi vừa thuyên chuyển về huyện Tần Hoài. Đến nay thấm thoắt đã được năm rồi đấy. Thường cứ tuần lễ một lần chúng tôi gặp nhau chơi cờ tướng. Ông ta là người có tâm hồn cao thượng. Chỉ phải cái tính hơi bảo thủ nhưng cũng chưa đến nỗi lạc hậu với thời cuộc. Và là một tay chơi cờ tướng đáng gờm.


- Nếu vậy chúng ta có thể nói ông Minh từ trước đến nay vẫn giữ được nề nếp gia đình, không có điều tiếng hay một sự liên lạc mờ ám nào, phải không ông Cao?


- Vâng, tuyệt đối không. Tôi xin cam đoan gia đình ông ta là một gia đình mẫu mực. Tôi đã có dịp được giới thiệu với bà mẹ ông ấy. Ở vùng này có rất nhiều người biết tài làm thơ của bà cụ. Đứa con trai của ông Minh cũng là một đứa trẻ thông minh. Mới mười lăm tuổi nó đã học hết chương trình ở tỉnh.


- Quả thật ông Minh đã gây cho tôi ấn tượng tốt ngay từ lúc mới gặp. Thôi nhé, cảm ơn ông Cao về những điều ông vừa cho biết.


Viên cố vấn tiễn chân quan án sát tới tận cổng dinh thự của quan tri huyện. Khi quan án sát sắp bước vào khu dinh thự, có một người lính cao lớn to ngang, đôi vai chắc nịch từ trong bước ra. Anh ta mặc áo chẽn thâm gấu viền đỏ, lưng đeo kiếm, chiếc lông vũ đỏ dài cắm trên mũ sắt cho thấy anh ta là đội trưởng đội bảo vệ của tỉnh. Quan án sát toan hỏi người lính xem có thư của quan tuần phủ gửi cho ông không nhưng thấy ở cổ anh ta đeo một tấm thẻ đồng hình tròn chứng tỏ anh ta đang thi hành công vụ đặc biệt giải tù lên kinh đô, ông lại thôi, không hỏi nữa.


Người sĩ quan cao lớn vội vã vượt qua sân để đuổi kịp ông cố vấn. Kẻ tội phạm nào quan trọng mà phải dẫn giải lên kinh đô? Câu hỏi thắc mắc thoáng qua đầu quan án sát. Ông bước tiếp sang bên phải sân và đẩy một cánh cửa sơn son tiếp giáp với mảnh sân con và dãy nhà quan tri huyện dùng làm tư thất. Mảnh sân con nhỏ bé nhưng hài hoà cân đối nằm gọn giữa những bức tường cao vây bọc xung quanh tạo cho nó một không gian hiền hoà ấm cúng và dễ chịu. Có hai bậc thềm rộng nối vào một hành lang dài men theo dãy buồng ngủ rộng rãi khang trang. Đó là dãy buồng ngủ dành cho các quan khách. Mảnh sân con lát gạch vuông màu có một bể cá vàng xinh xinh với hòn non bộ đặt chính giữa. Quan án sát dừng lại một lúc trên đường hành lang có mài gỗ son màu đỏ tươi, say sưa ngắm phong cảnh kỳ thú trước mắt. Đây là những khóm trúc nhỏ và thưa, kia là một lùm cây con quả chín đỏ từ trong hốc đá của hòn non bộ phủ xanh rêu mọc vươn ra. Chỗ góc tượng nổi bật hẳn lên những ngọn cây thích cao to mọc ngoài bãi cỏ xung quanh dinh thự. Ngọn gió mùa hiu hiu thổi. Các tán lá lao xao như đùa giỡn trong gió, phô ra đủ các màu sắc đỏ nâu vàng, những sắc điệu dịu ngọt của mùa thu.


Lúc này ước độ bốn giờ chiều. Quan án sát quay lại đẩy tấm rào chắn trước cửa phòng mình và đi thẳng đến chỗ có ấm trà để trong giỏ. Nhưng ông hoàn toàn thất vọng. Trong ấm không có một giọt nước. Ông tặc lưỡi: “Cũng chẳng quan trọng”. Ngay bây giờ ông sẽ đến tiếp kiến hai vị khách quan trọng và nhất định sẽ được họ mời uống trà. Nhưng liệu có cần thay bộ quần áo khác cho chỉnh tề hơn một chút không? Đây là bài toán số một ông phải giải đáp. Đối với ông, ngài viện sĩ và ông thi sĩ triều đình đều là những bậc đàn anh. Họ hơn ông cả về trình độ hiểu biết và địa vị xã hội. Vì vậy trước mặt họ nhất thiết ông phải ăn mặc cho thật đàng hoàng: phải mặc lễ phục. Thế nhưng hai người ấy hiện nay đều đã chính thức rời khỏi chức vụ của họ. Ông viện sĩ mới về hưu năm ngoái. Thi sĩ Trương thì đã xin triều đình từ chức về nhà để có điều kiện cống hiến trọn vẹn tài năng cho sự nghiệp thi ca của ông. Nếu mặc lễ phục ra mắt lỡ ra họ lại cho là ông định sỉ nhục họ. Họ có thể nghĩ ông định gián tiếp nói rằng ông bây giờ hoàn toàn khác họ ở chỗ ông vẫn là một ông quan! Chà! Khó thật! Nghĩ đến câu ngạn ngữ cổ xưa: “Thà thách thức một con hổ trong hang còn hơn đứng gần một ông quan lớn”. Quan án sát bất giác thở dài.





Hình 3. Địch án sát tới thăm viện sĩ Viện hàn lâm


Cuối cùng ông chọn một chiếc áo thụng màu tím, một chiếc thắt lưng thâm rộng bản với một cái mũ trùm vuông có chóp cao bằng vải chéo thâm và hy vọng cách ăn mặc như thế sẽ giản dị khiêm tốn mà vẫn nghiêm túc đúng mực, chắc sẽ được các vị ấy vừa ý hoan nghênh. Rồi yên trí, ông bước ra khỏi phòng.


Quan án sát để ý thấy các ngôi nhà bên mảnh sân trước đều không có tầng gác nhưng ở một sân khác bên cạnh có một toà nhà lầu có mái hiên rộng. Trên hàng hiên của toà nhà ở chỗ cuối sân chính, bọn đầy tớ nam nữ đang lăng xăng chạy qua chạy lại. Rõ ràng chúng đang bận rộn chuẩn bị bữa tiệc lớn hôm nay. Ông nhẩm tính và ước lượng người bạn đồng sự của ông có lẽ đã sử dụng hàng trăm đầy tớ phục vụ cho bữa tiệc. Đây là cái giá phải trả cho lối sống trưởng giả trong một khu dinh thự nguy nga như thế này. Nghĩ mà rùng mình. Ông hỏi một đứa bé đầy tớ và được nó cho biết quan tri huyện đã bố trí cho ông viện sĩ sử dụng toàn bộ gian thư viện trông ra mảnh sân thứ nhất và bố trí ông thi sĩ triều đình nghỉ ở gian nhà mé sân phải. Ông tặc lưỡi kêu trời và bảo đứa bé trước hết phải dẫn ông đến gian thư viện. Quan án sát gõ ngón tay vào cánh cửa chạm trổ và trong nhà có tiếng nói trịnh trọng mời ông vào.


Thoạt nhìn gian phòng, quan án sát thấy ngay quan tri huyện đã đặt thư viện của ông ấy vào một nơi thật thuận tiện và dễ chịu. Đó là một gian phòng rộng có trần cao ráo. Các cửa sổ lớn đều trang trí hoa văn với những hoạ tiết hình học cầu kỳ nổi bật đằng sau những tấm giấy nền. Các giá sách đều rất đẹp và được bài trí rất cẩn thận dọc theo hai bên vách, thỉnh thoảng lại có một ngăn xen kẽ bày đủ các thứ bát cổ hoặc bình cổ chọn lọc. Các đồ đạc bằng gỗ đều chạm trổ công phu. Mặt bàn ghép bằng đá hoa cương màu, các ghế tựa đều có gỗ đệm bọc lụa điều. Nhiều chậu hoa cúc trắng, hoa cúc vàng đặt trên đế bằng gỗ cẩm lai bày xung quanh một chiếc ghế tràng kỷ đồ sộ kê trước các giá sách.


Trên ghế tràng kỷ một người đàn ông thân hình vạm vỡ nặng nề đang ngồi chăm chú đọc sách. Người đàn ông nhướng một bên lông mày rậm lên nhìn quan án sát như muốn hỏi: Ông là ai? Ông ta mặc một chiếc áo dài màu xanh ngọc bích rộng thùng thình để hở cổ, đầu đội mũ trùm bằng lụa thâm, phía trước mũ đính một viên ngọc thạch tròn màu xanh đục, thắt lưng dài, hai dải thắt lưng rộng buông loà xoà xuống sát đất. Hai bên má có hai chòm râu cắt ngắn cùng với vành râu quai nón như đóng khung lấy khuôn mặt to bè và đôi má nặng nề theo đúng kiểu cách chải chuốt còn thịnh hành trong giới quan lại cao cấp của triều đình thời ấy. Quan án sát biết ngài viện sĩ năm nay đã suýt soát sáu mươi tuổi nhưng chòm râu cằm và chòm râu má vẫn còn đen nhánh như hạt huyền. Ông bước lên cúi đầu chào, hai tay cầm tấm danh thiếp màu đỏ lễ phép chìa ra trước mặt ngài viện sĩ. Ông này để mắt qua loa vào tấm danh thiếp rồi cất tiếng nói sang sảng:


- À! Ông là Địch ở huyện Phố Dương hả? – Rồi cầm lấy tấm danh thiếp nhét vào ống tay áo thụng. – Nói thực với ông cái ông Lã trẻ tuổi cũng đã cho tôi biết rồi. Ông là người cùng cánh với ông ấy chứ gì? Thế nào, không khí ở đây ông thấy có dễ chịu không ông Địch. Chẳng bù với những căn buồng chật chội ở tửu quán dành cho các quan chức. Đêm qua tôi vừa ở đấy ra. Nào, chúng ta làm quen với nhau. Tôi rất vui. Tôi biết huyện Phố Dương của ông vừa làm được một việc hay ông Địch ạ, đã tẩy uế cái đền ấy. Hiện nay ở triều đình ông có những kẻ thù nhưng cũng có những người bạn. Vị quan thanh liêm nào chả thế. Vừa có bạn lại vừa có những kẻ thù!


Viện sĩ đứng lên đi lại chỗ bàn giấy. Ông ngồi xuống chiếc ghế bành và trỏ tay vào một chiếc ghế đẩu thấp gần đấy.


- Nào, ngồi xuống đi ông Địch. Ngồi xuống chiếc ghế đẩu trước mặt tôi đây này.


Quan án sát ngồi xuống và bắt đầu tuôn ra những lời lẽ rập theo khuôn sáo:


- Thưa ngài viện sĩ, kẻ đang ngồi trước mặt ngài đã từ lâu mong mỏi được dịp bày tỏ tấm lòng ngưỡng mộ và vô cùng kính trọng đối với ngài… Rằng nay…


Viện sĩ giơ bàn tay hộ pháp lên phẩy một cái.


- Thôi hãy vứt bỏ tất cả những thứ ấy đi, ông Địch. Tôi với ông đâu phải đang ngồi với nhau ở chốn triều đình phải không? Chỗ này chỉ là nơi họp mặt của những nhà thơ tài tử, thế thôi. Ông cũng biết làm thơ đấy chứ ông Địch?


Viện sĩ chăm chú nhìn quan án sát bằng cặp mắt to. Lòng trắng tương phản rõ rệt với lòng đen.


- Rất ít ạ, – quan án sát giữ thế chủ động đáp. – Tất nhiên hồi còn ít tuổi, đi học tôi có được học cách làm thơ, và cũng đã được đọc những hợp tuyển thơ nổi tiếng trong sách giáo khoa, được xuất bản dưới sự coi sóc rất mực của ngài. Về phần tôi chỉ làm có một bài thơ.


- Ồ, không sao! Sự thành công của các nhân vật nổi tiếng đặt để vào chỉ một bài thơ thôi ông Địch ạ… Dĩ nhiên ông đã dùng nước trà của ông ở phòng khách rồi, tôi thiết nghĩ như vậy nên cũng không dám mời – Viện sĩ vừa nói vừa kéo chiếc ấm to bằng sứ trắng men xanh về phía mình.


Khi ông viện sĩ rót nước vào chén, một mùi trà ướp hoa cúc toả ra thơm ngào ngạt phả vào các lỗ mũi quan án sát. Viện sĩ bưng tách nước lên nhấp từng ngụm nhỏ rồi nói tiếp:


- Nào, bây giờ ông thử nói xem thơ của ông mô tả cái gì? Ông Địch?


- Đó chỉ là một thể thơ giáo huấn. – Quan án sát trả lời sau khi đã nuốt nước miếng cho cổ đỡ rát. – Chả là hồi đó tôi thử tóm tắt tất cả những điều cần hướng dẫn công việc đồng áng theo từng mùa vào khoảng độ một trăm khẩu thơ.


Viện sĩ ném về phía quan án sát một cái nhìn sững sờ.


- Không! Nhưng mà thật à? Ông nghĩ thế nào mà lại chọn cái đề tài… ờ… đề tài lạ lùng ấy?


- Tôi thiết nghĩ một khi những điều cần hướng dẫn ấy được đặt thành thơ có vần có điệu hẳn hoi thì những người nông dân bình thường cũng có thể tiếp thu một cách dễ dàng hơn.


Viện sĩ cả cười:


- Nghe câu trả lời của ông chắc mọi người sẽ cho là ngớ ngẩn. Riêng tôi thì không. Thực tế thơ bao giờ cũng dễ nhớ. Không chỉ vì nó vần mà nhất là vì nó rung động cùng một nhịp với trái tim và hơi thở của chúng ta. Nhịp điệu là xương sống của thơ cả và cả văn xuôi nữa. Ông thử đọc bài thơ của ông tôi nghe xem nào.


Quan án sát cựa mình trên chiếc ghế đẩu như đang bị vướng vào một cái gì:


- Thật ra bài thơ tôi viết cách đây cũng hơn mười năm. E rằng nay không còn nhớ chính xác được nữa. Nhưng nếu ngài cho phép, tôi sẽ chép hầu ngài một bản bởi vì…


- Thôi, không phải làm cái việc nhọc lòng ấy làm gì ông Địch. Tôi xin nói với ông một cách hết sức thành thực rằng nếu vậy thì bài thơ của ông là một bài thơ tồi. Nếu là bài thơ hay thì ông không thể nào quên được đâu. Thế ông đã đọc bài thơ “Tấm giấy da cừu hảo hạng gửi cho các sĩ quan và binh lính quân đoàn bảy” chưa?


- Dạ bài thơ ấy thì tôi thuộc lòng từng chữ, – quan án sát thốt lên – Đó là một bài hịch đầy sức cổ vũ gửi cho một binh đoàn đang tháo chạy đã làm đảo ngược cả thế trận. Ôi! Những câu mở đầu của bài thơ lịch sử ấy…


- Thế đấy ông Địch ạ. Ông sẽ không bao giờ quên được bài thơ ấy bởi vì đó là một áng văn chương tuyệt vời. Nó làm rung động trái tim và thấm vào máu của tất cả binh lính và sĩ quan trong quân đội. Vì sao trong khắp vương quốc đến bây giờ thiên hạ vẫn còn đọc nó. Chính tôi là người đã làm ra bài thơ ấy cho nhà vua, nhân tiện tôi nói điều đó cho ông rõ. Này, ông Địch, ông thử phát biểu những suy nghĩ của ông về nền cai trị ở địa phương xem nào. Tôi thích nghe quan điểm của những ông quan ít tuổi, ông hiểu không? Bình sinh tôi là người nắm giữ những trọng trách to lớn ở triều đình, thành thử chúng tôi rất xa cách đối với hàng quan chức tỉnh huyện. Tôi vẫn thường coi đó như một trong rất nhiều cái khó chịu mà bất cứ ai ở địa vị như tôi cũng không thể nào tránh khỏi. Mặt khác, những vấn đề cai trị cấp huyện là những vấn đề tôi hết sức quan tâm ông Địch ạ. Dĩ nhiên đó là cơ quan cai trị thấp nhất nhưng lại là cái gốc quan trọng.


Ông viện sĩ chậm rãi uống cạn tách trà trước con mắt thèm thuồng của quan án sát. Uống xong ông cẩn thận chùi ria mép rồi chuyển câu chuyện sang những kỉ niệm dĩ vãng của ông:


- Tôi cũng bắt đầu sự nghiệp của tôi từ một huyện quan. Nhưng tôi không chỉ giữ có một chức vụ ấy. Sau khi viết xong bản luận án về sự cải cách nền tư pháp, người ta đã bổ nhiệm tôi làm tuần phủ ở phía Nam rồi cũng có lúc thuyên chuyển cả về đây. Cái chính là cách đây vài chục năm, vào dịp ông hoàng thứ chín nổi dậy làm phản. Tôi nói hiện giờ là chúng ta đang ngồi ngay tư dinh của ông ta đấy. Phải, ông Địch ạ, thời gian trôi và bất cứ cái gì cũng đều phải trôi theo. Thế là tôi cho công bố những bài xã luận có tính chất quyết định của tôi về nền văn học cổ điển và được nhà vua bổ nhiệm làm người duyệt bản thảo tại Viện hàn lâm hoàng gia. Có một lần tôi lĩnh trọng trách đi tháp tùng đức vua trong cuộc kinh lý rất uy nghi thanh tra những vùng ở miền Tây. Trong cuộc du hành đó tôi đã sáng tác chùm thơ “Ca ngợi những ngọn núi vùng Tứ Xuyên”. Đó là những bài thơ tôi nghĩ rằng tôi không thể làm hay hơn thế, ông Địch ạ!


Viện sĩ mở banh cúc áo để hở cái cổ to bạnh gân guốc nổi cuồn cuộn. Hình ảnh ấy gợi cho quan án sát nghĩ rằng ông viện sĩ hồi còn trẻ chắc phải là một tay đô vật hay võ sĩ đấu kiếm nổi tiếng. Ông viện sĩ giơ tay với quyển sách mở sẵn trên mặt bàn nói tiếp:


- Tôi tìm thấy cái này trong tủ sách của ông Lã. Đó là tập thơ chọn lọc của ông cố vấn Hoàng viết về Tế Xuyên. Ông ta cũng đi thăm những vùng tôi đã đi qua. Nhưng cảm xúc của chúng tôi đem ra so sánh thì thật là lý thú. Đoạn thơ này rất hay nhưng… (Ông viện sĩ cúi xuống trang sách lắc đầu). Không! Chỗ này ông ta dùng phép ẩn dụ không được đúng lắm (rồi như sực nhớ đến vị khách đang ngồi trước mặt, viện sĩ ngẩng lên cười và nói). Tôi không có quyền làm ông mất vui về những chuyện văn thơ, ông Địch ạ. Chắc ông cũng còn nhiều việc phải làm trước khi đến dự bữa tiệc tối nay nhỉ?


Quan án sát biết ý liền đứng dậy. Viện sĩ cũng đứng lên và mặc dầu khách đã ra sức từ chối, viện sĩ vẫn tiễn chân khách đến tận cửa.


- Tôi hài lòng về buổi nói chuyện của chúng ta ông Địch ạ. Tìm hiểu quan điểm của những ông quan ít tuổi bao giờ cũng là một việc hấp dẫn. Có thể nói họ đã cho tôi cách nhìn mới mẻ đối với các sự vật quanh mình. Thôi nhé, hẹn gặp tối nay!


Quan án sát vội vàng đi về bên cánh trái bởi lẽ cái cổ họng khô khốc của ông vẫn không ngơi đòi hỏi một chén nước trà. Có rất nhiều cửa trông ra hành lang. Ông để ý mãi mà không thấy tên gia nhân nào để hỏi thăm chỗ ở của ông thi sĩ triều đình. Giữa lúc ấy ông thoáng trông thấy một người đàn ông mảnh khảnh mặc áo dài xám đã bạc màu đang chăm chú thả thức ăn cho cá trong một bể nước bằng đá hoa ở cuối hành lang. Người đó đội một chiếc mũ trùm dẹt màu đen có gấu nhỏ viền đỏ. Phải chăng đó là một trong số những viên quản gia của quan tri huyện. Quan án sát đi lại phía người đàn ông.


- Ông làm ơn chỉ dùm ông Trương Lan Bài đáng tôn kính ở phòng nào?


Người đàn ông đứng thẳng người nhìn quan án sát từ đầu đến chân. Rồi ông ta nhếch mép hé một nụ cười nhạt, môi trên mỏng dính nấp dưới vệt ria mép rậm như một nét vạch ngang, hếch lên.


- Ông ấy đây. – Người đàn ông đáp bằng một giọng chán chường. – Chẳng giấu gì ông, tôi, Trương Lan Bài đây.


- Ồ, xin thứ lỗi, – quan án sát vừa nói vừa hấp tấp trao tấm danh thiếp của mình cho nhà thơ. – Tôi đến để bày tỏ lòng kính trọng đối với ông.


Thi sĩ liếc nhìn tấm danh thiếp với một thái độ dửng dưng:


- Rất lấy làm ưu ái, ông Địch ạ! (Thi sĩ nói như một cái máy, tay trỏ vào bể nước, nói tiếp bằng một giọng sôi nổi hơn). Quan án sát này ông thử nhìn vào đây mà xem, con cá nhỏ trong đám cỏ trong góc bể kia kìa. Ông có thấy ánh mắt bối rối của nó trong đôi mắt to lồi kia không? Nó làm tôi không sao kìm nổi những ý nghĩ về chúng ta, về những con người đang trở thành những quan sát viên ngơ ngác… Mong ông thứ lỗi. – Thi sĩ ngẩng đầu nói thêm – Nuôi cá cảnh là một trong những cách giết thì giờ tôi ưa thích nhất. Nhờ nó mà tôi quên đi được tất cả những thứ hào nhoáng bề ngoài gọi là sự lịch thiệp xã giao. Ông đến đây từ bao giờ thế ông Địch?


- Tôi đến đây từ hôm kia.


- À vâng. Tôi có nghe nói ông tuần phủ về đây để triệu tập các quan tri huyện họp. Những ngày sống ở Tần Hoài chắc ông vừa ý. Tôi là người gốc ở tỉnh này đấy, ông Địch ạ!


- Vâng. Một tỉnh đẹp. Tôi rất vinh dự được tiếp xúc với những nhân vật ưu tú và nổi bật hàng đầu của họ.


- Không, chẳng có gì nổi bật cả, – thi sĩ lắc đầu ngắt lời quan án sát – Khốn nỗi bây giờ có còn gì nữa đâu. (Thi sĩ bỏ chiếc hộp bằng ngà voi đựng thức ăn cho cá vào trong ống tay áo.) Xin lỗi ông Địch, lúc này tôi cảm thấy trong người không được khoẻ. Cuộc viếng thăm nơi thờ cúng tổ tiên một lần nữa lại ném tôi vào dĩ vãng… (Thi sĩ ngừng lại đưa mặt dè dặt nhìn về phía quan án sát). À mà tối nay cũng có thể là tôi sẽ được nổi bật lên một tí trong bữa tiệc đấy ông Địch ạ, bởi vì ông bạn của tôi, cái ông viện sĩ cứ hay lôi kéo tôi vào những cuộc luận chiến văn học với đủ các thứ danh từ hào nhoáng và lập dị. Ông ta có trình độ hiểu biết văn học khá uyên bác. Tài sử dụng ngôn ngữ của ông ấy cũng ít ai sánh kịp. Nhưng phải cái tính hơi kiêu kì… Hẳn là ông đã đến thăm ông viện sĩ trước khi đến đây, – thi sĩ triều đình chợt hỏi với một vẻ e ngại.


- Vâng, đúng thế.


- Thế thì càng hay. Tôi cần nói để ông biết thêm một chút về ông viện sĩ. Nhìn bề ngoài, ông ta có vẻ là một con người phóng đãng. Nhưng vì luôn luôn đánh giá địa vị của mình quá cao nên thật ra trong thâm tâm lúc nào cũng dằn vặt vì một cái chẳng ra gì. Cuộc họp mặt nho nhỏ tối hôm nay chắc sẽ đem cái vui đến cho mọi người. Tôi tin chắc như vậy bởi vì có Lỗ Huynh thì chẳng ai có lý do gì mà buồn. Hơn nữa chúng ta còn có cả một ông bạn đồng nghiệp khá nổi tiếng đó là quan tri huyện Lã. Tôi cho đó là những đặc ân hiếm có đấy ông Địch ạ. Chúng ta cần… (Thi sĩ chợt để ngón tay lên môi). Chết nỗi tôi nói hơi nhiều. Ông Lã là người bạn rất gần gũi của chúng ta, ông ấy yêu cầu tôi giữ kín tiếng! Ông ấy là người rất thích những câu chuyện bất ngờ nho nhỏ. Chắc ông cũng biết tính ông ấy. À quên rất tiếc từ nãy đến giờ tôi không mời ông vào phòng dùng chén trà. Nhưng hẳn ông cũng thấy hôm nay quả thực trong người tôi hơi mệt mỏi. Tôi cảm thấy như người đang thiếu ngủ. Mà có lẽ tôi cũng phải tranh thủ ngủ một tí mới được trước khi tới dự bữa tiệc vui tối nay. Đêm hôm qua ở tửu quán ồn ào quá tôi không sao ngủ yên giấc.


- Vâng vâng, tôi hoàn toàn hiểu. Dĩ nhiên phải như vậy.


Quan án sát kính cẩn vái chào nhà thơ, hai cánh tay khuỳnh ra luồn trong áo thụng. Thế là nhiệm vụ thăm hỏi xã giao coi như đã xong! Ra khỏi hành lang, quan án sát quyết định đi thẳng đến chỗ quan tri huyện để thông báo cho ông ấy những tin tức về việc ông đến gặp hai đứa hầu gái nhà ông Minh như thế nào và nhất là để kiếm vài chén nước trà cho cái cổ họng đang khô cháy của ông nó dịu đi đôi chút.
Thi nhân và sát nhân
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12
Chương 13
Chương 14
Chương 15
Chương 16
Chương 17
Chương 18
Lời bạt