Chương 8
Tác giả: Robert van Gulik
DD êm xuống. Trên mảnh sân trước mặt khu dinh thự có hai đứa gia nhân đang thắp những chiếc đèn xếp rồi treo lên các cột nhà.
Chen chúc giữa đám người đông nghịt trên đại lộ trước cổng chính khu toà án, quan án sát thở phào mãn nguyện. Tâm trạng bị tước đoạt của ông thực chất là do ấn tượng bị giam hãm trong khu biệt thự của ông bạn đồng nghiệp tách biệt hẳn với cuộc sống bên ngoài thành phố, cái thành phố mà ông chẳng biết một tí gì về nó! Bây giờ được tự do vùng vẫy, lập tức ông cảm thấy dễ chịu. Ông cứ để mặc cho đám đông lôi cuốn mình đi và tha hồ quan sát những cảnh trang trí vui mắt hai bên đường phố. Cho đến lúc nhìn thấy tấm biển đề “Hiệu bán nhạc cụ”, ông mới rẽ đám đông đi thẳng đến.
Quang cảnh của hiệu thật huyên náo. Cùng lúc khoảng nửa tá khách hàng, người thử nhạc cụ này, người thử nhạc cụ khác, nào trống, nào sáo, nào nhị… Gần đến ngày Tết trung thu, các nhạc sĩ nghiệp dư ai nấy đều nô nức chuẩn bị cho cuộc vui ngày mai của họ. Quan án sát vào chỗ bàn giấy sau quầy hàng. Người chủ hiệu phàm ăn đang nhai ngốn ngấu một bát mì vằn thắn. Ông ta vừa ăn vừa để ý đám nhân viên tiếp khách mua hàng. Rõ ràng người chủ hiệu này có đôi mắt rất nhạy cảm. Thấy phong cách trang nghiêm đúng mực của quan án sát, ông ta vội đứng dậy săn đón hỏi xem ông cần gì. Quan án sát chìa tập nhạc cho người chủ hiệu.
- Những bản nhạc này dành cho sáo trúc. Ông có thể thổi vào sáo giúp tôi được không?
Sau khi xem lướt qua một lượt, chủ hiệu đưa trả quyển nhạc cho quan án sát, cười tỏ ý tiếc.
- Thưa ngài tôi không biết kiểu chép nhạc này. Đây hẳn là một cách chép nhạc theo lối cổ. Ngài cần hỏi ý kiến của một người thông thạo hơn tôi. Thưa ngài, ngài cần gặp lão Lưu. Ông ta là người chơi sáo giỏi nhất thành phố này, đọc được cả các loại nhạc cổ kim, bất luận cách ghi nhạc như thế nào. Nhà ông ấy cũng gần đây thôi. Có điều hơi đáng buồn, – người chủ hiệu nói thêm tay đưa lên gãi cằm dính đầy mỡ bóng loáng, – lão Lưu nghiện rượu. Thường thường ông ấy bắt đầu uống vào buổi trưa sau giờ dạy nhạc. Nói chung lúc nào cũng say. Chỉ tỉnh rượu một lát vào quãng chiều là lúc ông ấy phải trình diễn trong các cuộc chiêu đãi. Tiền kiếm được không ít, nhưng đều biến thành rượu vang và đàn bà hết.
Quan án sát đặt lên bàn một nắm tiền xu:
- Ông cho một nhân viên nào của ông cũng được, đưa tôi đến đấy.
- Thưa ngài, tất nhiên phải có người dẫn ngài đi chứ ạ. Cảm ơn ngài! Cậu Vương đâu! Đưa ông này đến nhà lão Lưu. Rồi về ngay nghe không?
Thế là anh nhân viên văn phòng trẻ tuổi cùng với quan án sát đi xuống phố. Đến một chỗ, anh thanh niên nắm lấy ống tay áo quan án sát giật và trỏ vào một cửa hàng bán rượu vang miệng cười ranh mãnh:
- Thưa ông, nếu quả thật ông muốn đi cùng lão Lưu ý hợp tâm đầu thì việc có lợi cho ông nhất là mang đến cho lão ta một chút quà nhỏ. Dù lão ta có say sưa bí tỉ đến thế nào chăng nữa, ông cũng chỉ cần gí một bình rượu nhỏ vào mũi lão là lão ta tỉnh như sáo ngay!
Quan án sát mua một bình rượu mạnh nhỏ, thứ rượu trắng dùng để uống nguội. Sau đó anh nhân viên tiếp tục dẫn ông đi hết cái ngõ hẻm đến một phố nhỏ tối tăm và bẩn thỉu đến buồn nôn. Hai bên là hai dãy nhà tranh vách đất xiêu vẹo, ánh sáng chỉ lọt vào nhà qua các cửa sổ dán giấy bẩn nhem nhuốc.
- Thưa ông, ông ta ở cái nhà thứ tư bên tay trái kia!
Quan án sát đãi anh nhân viên trẻ một món tiền nhỏ. Anh ta nhận tiền và liền quay về vừa đi vừa chạy.
Tấm cảnh cửa ọp ẹp trước căn nhà người nhạc sĩ thổi sáo đang rung lên vì những tiếng cồng gõ inh ỏi. Từ trong nhà vang lên những tiếng rủa xen lẫn giọng cười chói tai của phụ nữ. Quan án sát vừa chạm tay vào, cánh cửa đã mở toang. Gian nhà họ không có đồ đạc, được soi sáng bằng một ngọn đèn dầu toả khói mù mịt. Không khí trong nhà sặc sụa một mùi rượu rẻ tiền. Một người đàn ông lực lưỡng, khuôn mặt to bè, da đỏ tía ngồi trên cái chõng tre ở phía trong cùng. Ông ta mặc một chiếc quần dài rộng lùng thùng và một tấm áo cánh ngắn cũn cỡn không có khuy, để phanh cái bụng bóng nhẫy. Một cô gái đang ngồi trên đùi nhà nhạc sĩ. Đó là cô vũ nữ Tiểu Phượng. Lão Lưu (tên người nhạc sĩ) ngước đôi mắt lờ đờ lên nhìn quan án sát. Trong khi đó cô vũ nữ vội vàng kéo vạt áo che cặp đùi trắng nõn nà và tụt xuống, lẩn vào một xó nhà, mặt đỏ nhừ vì thẹn, nhưng vẫn giữ cái vẻ trơ trơ nhẵn thín của chiếc mặt nạ.
- Chà, thế đấy! Ông là ai? – Nghệ sĩ thổi sáo hỏi bằng một giọng nặng nề. Quan án sát không để ý đến người con gái, ông ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh cái bàn thấp bằng tre, tay đặt bình rượu nhỏ lên bàn.
Cặp mắt đầy những tia máu của lão Lưu sáng lên.
- Trời ơi, một bình rượu chính cống nhãn hiệu “Mai Quế Lộ”! – Nhạc sĩ thốt lên và khó nhọc đứng dậy. – Ông sẽ được hoan nghênh cho dù ông có là Diêm Vương dưới địa ngục hiện lên thành người với bộ râu dài! Nào mở nút ra ông bạn!
Quan án sát đặt tay lên cổ bình rượu.
- Hãy làm sao cho xứng đáng với bình rượu này, lão Lưu ạ! – Vừa nói ông vừa đặt tập nhạc lên bàn. – Tôi muốn biết những bản nhạc này nghe có được không?
Gã to xác đứng trước bàn mở quyển nhạc bằng những ngón tay chuối mắn nhưng khéo léo lạ thường
- Dễ quá! – Gã làu bàu. – Nhưng dù sao cũng phải uống giải nhiệt cái đã. – Rồi gã loạng choạng đến chỗ bàn rửa vớ lấy chiếc khăn mặt cáu bẩn lau vào mặt và cổ.
Hình 4 . Nghệ sĩ thổi sáo tranh cãi với cô vũ nữ
Quan án sát vẫn không để ý đến cô vũ nữ, ông lặng lẽ ngồi nhìn những cử chỉ của người nghệ sĩ. Tiểu Phượng lưỡng lự một chút rồi đánh bạo lại gần bàn rụt rè nói nhỏ với ông:
- Thưa ông, cháu… cháu đến để nói khó với ông nhạc sĩ đệm nhạc cho cháu biểu diễn trong bữa tiệc tối nay. Ông ta là một gã súc sinh nhưng lại có tài thổi sáo, ông ta từ chối không chịu chơi bài “Đoản khúc cáo đen” nên cháu phải để cho ông ấy vuốt ve đôi chút.
- Nhất định tôi không chơi cái bài chết tiệt ấy đâu dù cô có ở lại đây với tôi đến tận sáng cũng thế thôi! – Gã to lớn càu nhàu. Gã đang bới tìm trong số hàng tá cây sáo móc vào những cái đinh đóng trên bức vách xiêu vẹo.
- Thế mà tôi cứ tưởng cô định nhảy điệu “Phượng hoàng bay lượn giữa đám mây đỏ tía” cơ đấy. – Quan án sát hờ hững nói. Cô vũ nữ đang làm ông thương hại bởi nét mặt trơ lỳ ra với đôi vai xuôi và nhỏ của cô.
- Vâng, thưa ông đúng thế. Nhưng sau khi cháu đến xem gian phòng tiệc lộng lẫy trong nhà quan tri huyện, lại được giới thiệu trước mặt hai ông quan to ở kinh đô, trước mặt cả Lỗ Huynh nổi tiếng, cháu cứ nghĩ sẽ không bao giờ mình có được một dịp may mắn như thế nữa… Cháu tự nhủ nhân cơ hội này thử trình bày một điệu khác xem sao. Điệu ấy có động tác nhanh và xoay tròn hơn…
- Thì cô cứ việc uốn éo cặp mông trẻ con của cô bằng thích theo cái bản nhạc chết tiệt ấy đi. – Lão Lưu buông lời mỉa mai. – Nhưng nói thực cái bản nhạc “Đoản khúc cáo đen” ấy chẳng hay ho gì đâu!
Nhạc sĩ đi lại chỗ chiếc ghế đẩu thấp ngồi xuống, đặt tập nhạc trên đùi, mở ra.
- Tôi cho rằng ông không muốn nghe bản nhạc thứ nhất này, ư hừm… “Những đám mây trắng làm tôi nhớ đến tấm áo dài nàng mặc, những bông hoa là nét mặt của nàng”. Ai ai cũng biết khúc tình ca này. Về bài thứ hai, người ta nói rằng…
Ông ta đưa sáo lên môi và thổi những tiết tấu dạo đầu rất nhịp nhàng của bản nhạc…
- À vâng, đó là bản “Bài ca dưới ánh trăng thu” những năm trước đây được rất nhiều người ưa chuộng.
Cứ thế người đàn ông to lớn lần lượt trình bày hết các bản nhạc trong quyển sổ. Thỉnh thoảng lại thổi lên một vài nhịp đệm để đồng nhất bản nhạc. Quan án sát chẳng để ý đến những lời giải thích của người thổi sáo. Ông đang chán nản vì ngày càng cảm thấy những giả thuyết của mình giảm dần độ chính xác đến con số không! Cuối cùng ông cũng phải thừa nhận đó chỉ là những ý nghĩ gượng gạo mà nguyên nhân chính của nó là những bản nhạc không tên và những lời kia đã được sao chép theo một lối phức tạp, làm cho ông do không biết âm nhạc, lại cứ tưởng đó là những tín hiệu mật mã chàng phó bảng dùng để thay cho chữ viết thông thường! Một câu văng tục của lão Lưu kéo ông ta ra khỏi những ý nghĩ của mình.
- Mình thật là cái đồ chết dẫm! – Nhạc sĩ gào lên, mắt dán chặt vào bản nhạc cuối cùng. – Sao những nhịp dạo đầu lại có vẻ lạ lùng thế này, – ông ta lẩm bẩm nói thêm trước khi lại đưa sáo vào miệng.
Những tiếng sáo trầm trầm cất lên theo một nhịp chậm và thống thiết. Cô vũ nữ sửng sốt đứng dậy. Nhịp sáo nhanh dần. Những tiếng nhạc cất lên cao vút nghe đến chói tai tạo thành một giai điệu man mác lo âu. Người đàn ông to lớn bỏ sáo xuống.
- Hoá ra lại là cái bản nhạc chết tiệt ấy “Đoản khúc cáo đen”. – Ông ta tuyên bố bằng một giọng chán ngấy. Cô vũ nữ thì cúi gằm mặt nhìn xuống bàn rụt rè.
- Thưa ông, ông làm ơn cho cháu xin bản nhạc này. – Dáng điệu cô gái lúc này có vẻ bồn chồn như người đang lên cơn sốt, đôi mắt to hình quả hạnh nhân của cô sáng long lanh. – Có bản nhạc này thì bất kỳ người nhạc sĩ thổi sáo nào cũng có thể đệm cho cháu múa được!
- Chứ không phải chỉ có tao phải không? – Anh chàng thổi sáo to lớn nổi cáu quẳng tập nhạc lên bàn. – Ừ thì tao cũng muốn nghỉ cho khoẻ đây!
- Được, ta hứa sẽ cho cô mượn quyển nhạc này, – quan án sát nói với người vũ nữ. – Nhưng trước hết cô hãy nói cho ta nghe những điều cô biết về bản nhạc “Đoản khúc cáo đen”. Ta vốn thích âm nhạc, cô hiểu chứ?
- Thưa ông, đối với vùng này, đó là một khúc hát cổ ít người biết đến và cũng chẳng có trong một cuốn sách âm nhạc nào dùng cho sáo trúc cả. Người con gái giữ miếu Cáo Đen tên là Hoàng Liên luôn miệng hát bài hát ấy. Cháu đã thử dạy chị ấy viết nhưng dường như chị ấy chẳng còn trí nhớ nữa. Rốt cuộc người con gái khốn khổ ấy không biết đọc cũng chẳng biết viết, ngài thử nghĩ! Đây là một bài hát khó! Một bản nhạc dùng để múa ở…
- Thôi được, cô sẽ trả lại cho ta trong bữa ăn tối nay. – Quan án sát đưa quyển sách nhỏ cho cô vũ nữ.
- Ôi, cảm ơn ngài một ngàn lần. Thưa ngài, bây giờ cháu phải tranh thủ thời gian bởi vì ông nhạc sĩ cũng cần phải tập dượt trước một chút. Xin ngài đừng nói với ai là cháu sẽ múa bài ấy, cháu muốn mọi người phải một phen bất ngờ! – Ra đến cửa cô vũ nữ còn ngoái lại dặn thêm một câu như vậy.
Quan án sát nhìn cô gật đầu rồi quay lại nói với người đàn ông thổi sáo:
- Ông mang hai cái chén tống ra đây.
Người đàn ông thổi sáo lấy hai chén tống bằng đất nung trên giá xuống, trong khi đó quan án sát mở nút bình rượu. Ông rót rượu đầy ắp vào chén của lão Lưu.
- Hàng tốt đây! – Gã thổi sáo vừa nói vừa đưa chén rượu lên mũi ngửi và uống một hơi.
Quan án sát chỉ nhấp từng ngụm nhỏ.
- Cô bé vũ nữ trông thật kỳ cục! – Ông hờ hững nhận xét.
- Nếu đúng nó là một đứa con gái hẳn hoi thì tôi đã chẳng ngạc nhiên, đằng này nó lại là giống đàn bà cáo. Nó có cái đuôi mọc lông nấp ở dưới vạt áo dài ấy. Lúc ông thoạt đến tôi đang tìm cách khám xem đuôi của nó ra sao?
Người thổi sáo nói xong cười gượng, tay cầm bình rượu rót vào đầy chén và lại uống một hơi. Uống xong, gã chép miệng nói tiếp:
- Cáo cái hay không cáo cái thì nó vẫn biết cách vắt kiệt các khách làng chơi, cái đồ nhóc điếm bẩn thỉu! Nó nhận quà tặng của người ta, để cho người ta sờ soạng đôi chút, nhưng hễ cứ đến cái khoản chủ lực kia thì đừng hòng, đừng hòng, ông ạ! Không! Không bao giờ! Cứ thế suốt một năm ròng từ dạo tôi biết nó đến giờ. Con bé múa rất giỏi, phải công nhận là múa giỏi (gã so vai). Nhưng rốt cuộc có khi nó đúng ông ạ. Tôi bắt đầu tin như thế bởi vì tôi đã trông thấy nhiều cô vũ nữ rất giỏi giang nhưng suy sụp rất nhanh chỉ vì họ “nhảy nhót” nhiều quá!
- Vì sao ông biết bài “Đoản khúc cáo đen”?
- Cách đây một năm, lần đầu tiên tôi được nghe bài hát ấy do hai mụ già hát. Các mụ ấy làm bà đỡ kiếm thêm tiền công đỡ đẻ bằng cách hát bài hát ấy để xua đuổi tà ma ra khỏi nhà những người mẹ tương lai. Tôi không biết nhiều về bài hát để có thể nói với ông thật đầy đủ nhưng con bé phù thuỷ ở miếu hoang biết rõ lắm.
- Con bé ấy là ai?
- Là một con mẹ phù thuỷ đáng ghét! Một linh hồn cáo chính cống. Nó là như thế. Nó được một bà già bới giẻ rách nhặt ở ngoài đường khi còn là một đứa bé đỏ hỏn đáng yêu. Ít ra lúc đầu nó cũng có được cái vẻ đáng yêu ấy. Rồi nó lớn lên trong tình trạng ngớ ngẩn. Mười lăm tuổi mới bắt đầu tập nói. Luôn luôn lên cơn rối loạn thần kinh, hai mắt đảo tròn, thích những trò bí ẩn và khủng khiếp. Bà già sợ đem bán nó cho một nhà chứa. Nó có nhan sắc. Cuối cùng mụ chủ nhà chứa đưa nó cho một lão già phá trinh để nhận một món tiền kha khá đút túi. Lão kia về sau chắc thể nào cũng hối hận vì đã trêu phải giống đàn bà cáo. Nào, uống nữa đi ông, hôm nay, bây giờ mới là lần thứ nhất trong ngày tôi uống thật sự đấy ông ạ!
Nốc xong chén rượu, gã đàn ông to lớn lắc đầu buồn bã:
- Con bé lưu manh ấy đã cắn đứt lưỡi ông già khi ông ta ôm nó vào lòng, rồi phóc một cái nó nhảy qua cửa sổ trốn biệt vào khu miếu hoang, ở gần cửa Nam ấy. Bây giờ nó vẫn ở lỳ trong đó không chịu ra. Những tay sừng sỏ nhất của hội chủ nhà chứa cũng chẳng anh nào dám mạo hiểm vào đấy. Ông có biết tại sao không? Chỗ ấy có ma! Ngày xưa hàng trăm người bị giết ở đấy, đàn ông đàn bà trẻ con đủ cả. Ban đêm các hồn ma đi ngao du khắp nơi trong khu đất hoang. Nhiều người mê tín đem thức ăn đến gần đó để cúng. Con bé lang thang và đàn cáo chia nhau sống bằng những thứ ấy. Vùng đó có nhiều cáo lắm. Đứa con gái thường nhảy múa với chúng dưới ánh trăng, vừa nhảy vừa hát bài… cái bài hát đáng ghét (gã thổi sáo bỗng nói lắp). Cái… cái con… con vũ nữ cũng thế, cũng là cáo cái. Chỉ có độc một mình nó dám đến đây. Con cáo cái đáng ghét. Thế đấy…
- Nếu tối nay phải biểu diễn, tôi chắc ông sẽ biểu diễn thành công vì đã có bình rượu nhỏ này, – quan án sát vừa nói vừa đứng lên. – Thôi tạm biệt ông.
Ra khỏi nhà nghệ sĩ thổi sáo, quan án sát cứ nhắm thẳng phía Đại lộ mà đi. Gặp một người khách bộ hành, ông hỏi thăm đường đến Cửa Nam.
- Thưa ông, từ đây đến đó còn xa lắm. Ông phải đi hết phố này, qua Chợ Lớn rồi đi tiếp đến cuối phố Đền Thờ thì sẽ nhìn thấy Cửa Nam thẳng ngay trước mặt.
Quan án sát gọi một chiếc kiệu nhỏ bảo hai người phu kiệu đưa mình đến ngôi đền ở đầu phía Nam phố Đền Thờ. Ông nghĩ bụng chỉ cần đi đến đó, rồi sẽ đi bộ đến miếu hoang thì tốt hơn. Những người phu kiệu chẳng còn ai lạ gì. Họ chúa là tò mò và thóc mách.
- Thưa ông có phải ông định đến đền Đạo Tiên Nghiệm không ạ?
- Đúng rồi. Nếu đi nhanh các anh sẽ được thưởng thêm tiền.
Các phu kiệu vừa nhấc kiệu lên những cái vai thành chai của họ đã đi như chạy, vừa đi vừa cất tiếng hò hét inh tai để dẹp đám người phía trước.