Chương 11
Tác giả: Sơn Tùng
Thanh Nhàn đã trở thành một công chức của Sở Xã-hội Orange County với nhiệm vụ phỏng vấn và giúp đỡ các người xin trợ cấp xã hội, trong đó có một số người Việt tị nạn.
Cuộc tình với Thông đã đem lại những thay đổi trong tâm hồn Nhàn. Con chim nhỏ trên vùng đất lạ đã có đôi và cảm thấy tươi mát lại sau những cơn dông bão dài.
Dưới con mẳt của những người ngoài cuộc, có lẽ mối tình giữa Nhàn và Thông cũng chỉ là sự chắp nối của hai người tị nạn cô đơn trên đất khách, giống như những mối tình tạm bợ của những mảnh đời bị tan tác trong ngọn lửa hòa bình. Nhưng Nhàn như đã tìm thấy trong đó thấp thoáng mảnh linh hồn đi lạc của chính mình, những đốm sáng ở cuối đường tăm tối.
Gần một năm đã trôi qua từ cái buổi trưa Nhàn tới nhà Thông ăn phở và yêu nhau, nhưng hai người vẫn chưa có dự định gì cho tương lai. "Mình làm gì có tương lai mà dự định?" - Nhàn trả lời mỗi khi Thông hỏi về việc chính thức hoá tình trạng giữa hai người. Cô đã quá mệt mỏi với những lần tan vỡ đau thương và vẫn cảm thấy cuộc đời mình không phải ở đây. Trong tình yêu với Thông, Nhàn không có sự đam mê và ý muốn chiếm hữu. Nó như một sự cho và nhận công bằng, về tinh thần nhiều hơn và thể xác. Một sự trộn lẫn vào nhau giữa tình thương và tình yêu. Cô đã bị phân thân và bị lôi kéo bởi nhiều phía khác nhau. Dĩ vãng, hiện tại, hạnh phúc cá nhân, con cái, trách nhiệm và hoài vọng về quê hương đất nước. Hàng ngày tiếp xúc với những người tị nạn tiếp tục từ các trại tạm trú tới càng đem đến cho Nhàn những trăn trở và gắn bó với mảnh đất bất hạnh ở bên kia địa cầu. Nhàn cảm thấy ngoài bổn phận với hai đứa con, giúp đở những người tị nạn tới sau là công việc còn đem lại cho Nhàn chút ý nghĩa của đời sống.
Thông thì vẫn ngày ngày lái xe đi làm và trở về căn nhà vắng lạnh, thỉnh thoảng được sưởi ấm với hình bóng và thân xác Nhàn. Anh ao ước được làm một việc gì khác hơn là chỉ kiếm tiền nuôi thân. Anh đã từng cùng một người bạn tham gia một tổ chức kháng chiến, phục quốc. Người bạn đã lên đường trở về Việt Nam và chết mất xác đâu đó ở "biên thùy Đông Dương". Thông rời bỏ tổ chức sau khi các lãnh tụ chống đối nhau và tố cao lẫn nhau. Anh cũng từng đi sinh hoạt với một số đồng đội cũ nhưng rồi cũng thưa dần vì không muốn nhìn lại mặt vài ông tướng tá đã bỏ chạy như vịt khi nghe tiếng tru của chó sói và bây giờ lại đòi lãnh đạo, cầm micro hô hào chống cộng ồn ào hơn ai trong những bữa tiệc linh đình.
Qua người quen và báo chí trong cộng đồng, Thông vẫn nhận được tin tức từ Việt Nam. Vẫn những chuyện chán ngấy và buồn thảm dưới chế độ cộng sản, chuyện về những người tiếp tục ra đi trong lúc các trại tị nạn ở Đông Nam Á tuyên bố đóng cửa và cưỡng bách hồi hương thuyền nhân. Cùng lúc, một số người Việt ở hải ngoại đã đáp ứng chính sách "đổi mới" vừa được ban hành ở Việt Nam, trở về nước đầu tư làm ăn, thăm thân nhân, hay chỉ để khoe khoang chút phồn vinh dư thừa của tư bản với đồng bào bất hạnh ở quê nhà. Cửa hàng gửi quà về Việt Nam một thời rất phát đạt nay vắng khách được đổi thành văn phòng chuyển tiền và bán vé máy bay.
Khi vợ con còn ở Việt Nam, Thông tuy sống độc thân tại Mỹ nhưng ngày tháng còn được khỏa lấp với những hy vọng và với việc làm đầy các thùng quà để gửi về nuôi sống gia đình. Bây giờ cuộc sống trở nên hoàn toàn vô vị với Thông, nếu không có Nhàn. Nhàn đã đến với Thông như một tặng phẩm bất ngờ của định mệnh sau bi kịch đã gần như bẻ gẫy anh. Nhàn đã cứu Thông trong cơn tuyệt vọng, đã kéo anh lên từ hố sâu và đưa anh bay bổng vào vùng trời ấm áp ngào ngạt hương hoa. Tuy hình ảnh vợ con vẫn không phai mờ trong tâm não Thông, dày vò Thông, nhưng sự hiện diện của Nhàn như một đền bù cho những mất mát khủng khiếp. Với Thông, Nhàn không phải chỉ là một người đàn bà như những đàn bà khác. Nhàn không nói nhiều với Thông về quá khứ của mình, nhưng những gì Thông biết càng làm anh khâm phục và yêu thương sâu đậm hơn. Thông tự hỏi phải chăng những cuộc tình tan vỗ bi thảm trong quá khứ đã khiến Nhàn không muốn chính thức trở thành vợ anh, và vẫn lo sợ một cơn giông tố không báo trước.
Sau khi làm tình với nhau lần đầu tiên, Nhàn hỏi:
- Anh có khinh em không?
- Trái lại.
- Anh nói dối. Người đàn ông nào cũng khinh những người đàn bà dễ dãi với họ.
- Em không dễ dãi. Anh cảm thấy như mình là một kẻ trúng số độc đắc. Tại sao em yêu anh?
- Có lẽ tại vì anh... không có gì cả. Anh nghèo nhất trần gian nên em cho anh trúng số độc đắc.
Nhàn giễu cợt và cười.
Thông cố tìm hiểu tâm trạng Nhàn nhưng chỉ như chui vào một khu rừng rậm, vì ngay cả Nhàn cũng không thể hiểu chính mình. Cô yêu Thông và muốn có Thông trong đời sống nhưng mỗi lần nghĩ đến việc trở thành vợ Thông, Nhàn dừng lại, bỏ qua. Cô giữ gìn để tránh không mang thai với Thông. Một lần Thông nói:
- Anh ao ước mình có một đứa con.
- Anh... đẻ đi em nuôi cho! - Nhàn đùa và nói sang chuyện khác.
Và như thế, họ sống với nhau trong một hạnh phúc vừa có thật vừa như hư không. Thông làm mọi điều để tạo niềm vui, đem tin tưởng cho Nhàn và hy vọng một ngày nào đó sẽ thuyết phục được Nhàn. Hôm sinh nhật Nhàn, Thông định đi mua một chiếc đồng hồ đeo tay thật đẹp có cẩn những hột kim cương để làm món quà bất ngờ. Anh vào cửa tiệm của một người quen, một nhà tu xuất. Ông ta đang học để trở thành linh mục thì bị Việt Cộng đuổi ra khỏi chủng viện, đi vượt biên, lấy vợ và trở thành thương gia. Trước đây, cửa tiệm của ông ta chuyên nhận gửi quà về Việt Nam mà Thông là một khách hàng quen. Hồng hào, trắng trẻo, chào hàng rất dẻo, trông ông ta không ai nghĩ có thể là một nhà tu. Khi nghề gửi quà về Việt Nam bị "đổi mới" giết chết, ông ta xoay nghề làm đại lý các đồng hồ đắt tiền. Ông ta mừng rỗ khi thấy Thông bước vào tiệm:
- Trời ơi! Lâu quá không thấy anh, cứ tưởng anh về chiến khu phục quốc rồi.
- Yên chí đi, chừng nào về chiến khu tôi sẽ không quên rủ anh. - Thông đùa. - Còn bây giờ, tôi muốn mua một cái đồng hồ đeo tay.
- Cho anh à?
- Không. Đồng hồ phụ nữ, Rolex hay cái gì đó.
- Chà, hay đấy. Bà xã qua rồi à? Hay là có chiến khu khác ở đây rồi?
- Anh muốn bán đồng hồ cho tôi hay muốn làm công an?
Thông chọn một cái đồng hồ vừa ý, trả tiền, và khi ra cửa thì chủ tiệm gọi giật lại:
- Anh Thông! Tí nữa thì tôi quên mất. Có người nhắn muốn gặp anh. Khá lâu rồi nên tôi quên lửng đi. Một nhân viên Hội Hồng Thập Tự tới đây hỏi về anh. Họ nói muốn gặp anh về một việc gì đấy. Xin lỗi nhé. Dẹp chuyện gửi quà, giấy tờ thất lạc hết nên tôi không còn địa chỉ của anh.
Ngạc nhiên, ngày hôm sau Thông tới văn phòng Hội Hồng Thập Tự. Tiếp anh là một phụ nữ Mỹ đứng tuổi, có nhiều tàn nhang trên một gương mặt rất trắng với một cặp kính lão có hai sợi dây lòng thòng đeo trên cổ. Bà ta chỉ xưng tên là Jacqueline, và cắn đầu bút chì ngẫm nghĩ sau khi nghe Thông trình bày lý do tới đây. Cuối cùng, bà ta đứng lên.
- Để tôi hỏi xếp của tôi xem ai nhắn gặp ông có việc gì. Chúng tôi có rất nhiều việc phải làm và có những người phụ trách khác nhau. Ông ngồi đây chờ tôi một tí nhé.
Jacqueline đi vào trong và một lúc sau trở ra với một bìa đựng hồ sơ trên tay. Trên cái mồm rộng có một nụ cười dễ thương. Bà ta ngồi xuống và hỏi Thông:
- Tên ông là Thông Vu Quang phải không?
- Vũ Quang Thông theo cách gọi của người Việt Nam và Thông Quang Vu theo cách gọi của người Mỹ.
- Vợ ông tên là Bít (Bích) Thi Nguyen, đúng không?
- Đúng rồi. Có chuyện gì vậy? - Thông sốt ruột hỏi.
- Tôi có một tin vui và một tin buồn cho ông. Vợ và hai con ông vượt biển trốn khỏi Việt Nam hơn một năm trước đây và bị chìm tàu.
- Vâng, tôi đã biết.
- Chắc ông được tin là vợ con ông đã chết hết.
- Đúng như vậy, rồi sao?
- Hai con ông không may đã chết, nhưng vợ ông trôi giạt vào một hòn đảo hoang của Indonesia, mấy tháng sau mới có một tàu đánh cá ghé vào đảo tránh bão gặp được và đưa vào trại tị nạn Galang. Bà ấy nhờ Hội Hồng Thập Tự liên lạc với ông, nhưng không còn giữ được địa chỉ của ông, chỉ nhớ tên thành phố và tên của cửa hàng mà ông thường gửi những thùng quà về. Chúng tôi đã tìm ra cửa hàng ấy và nhắn tin cho ông vì họ không có địa chỉ của ông...
Thông chỉ nghe được đoạn đầu, sau đó không còn biết Jacqueline nói gì. Những âm thanh trôi nổi khi gần khi xa trong một vũ trụ đang quay cuồng hỗn loạn. Thông không biết mình đang vui hay buồn, đang mừng hay đang lo.
- Chúng tôi sẽ giúp ông làm hồ sơ bảo lãnh vợ ông. Có lẽ khoảng sáu tháng vợ ông có thể sang đây đoàn tụ với ông. - Jacqueline nói. - Ông làm sao thế? Ông không được khoẻ à? Hay là ông quá xúc động trước cái tin mừng bất ngờ này? Ai mà không xúc động! Thật là một sự may mắn hiếm có. Từ ngày có người Việt Nam vượt biển đi tị nạn, đây là trường hợp thứ hai mà chúng tôi gặp.
- Cám ơn bà. Tôi sẽ trở lại để làm hồ sơ bảo lãnh.