watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Lửa Hòa Bình-Chương 7 - tác giả Sơn Tùng Sơn Tùng

Sơn Tùng

Chương 7

Tác giả: Sơn Tùng

Kế hoạch vượt biên của Lý Thành rất táo bạo. Anh ta đã chọn đúng đêm 30-4 để ra khơi, sau khi đem vợ con, bạn bè ra Vĩnh Hảo dự tiệc do Giám đốc Huỳnh Điền khoản đãi để kỷ niệm "Đại thắng Mùa xuân" và mừng nhà máy nước suối sản xuất vượt chỉ tiêu.

Huỳnh Điền ngả một con bê để làm tiệc đãi tất cả công nhân viên nhà máy Vĩnh Hảo và cơ sở phân phối nước suối ở Sài-Gòn. Lý Thành đã lợi dụng dịp này để ra khơi vì có lý do đưa nhiều người ra Vĩnh Hảo mà không bị nghi ngờ. Ngoài ra, đây còn là thời gian bể yên sóng lặng nhất trong năm trên vùng Biển Đông. Thêm vào đó, Công an và Biên phòng sẽ lơ là trong việc canh gác vì bận liên hoan, tiệc tùng. Giờ chót Lý Thành còn được tin sẽ có một buổi chiếu bóng ngoài trời tại xã Vĩnh Hảo với cuốn phim tình báo Tiệp Khắc "Trên từng cây số" mà chắc chắn bọn công an sẽ tụ tập để xem tới khuya.

Lý Thành quyết định sẽ "đánh" sau khi dự tiệc tại nhà máy nước suối và trước khi vãn buổi chiếu bóng. Anh ta cũng cảm thấy áy náy cho cảnh ngộ của Huỳnh Điền trước việc sáng mai thức dậy, tất cả các người khách quý từ Sài-Gòn ra đã biến mất trong đêm tối, không một lời từ biệt.

Đây không phải là cách cư xử của những người tử tế, có văn hóa. Nhưng, xã hội này đã biến thành vô văn hóa và hầu như không còn ai tử tế với ai. Các nguyên tắc đạo lý được mọi người tự ý miễn trừ, coi như đang bị đày ải trong một trại tù mà người ta có quyền làm mọi điều để thoát ra. Hay từ trong thâm tâm, người dân miền Nam vẫn phân biệt bạn thù, và có lối cư xử khác đối với kẻ thù. Vì vậy, Lý Thành, một con người rất biết điều, rất biết cư xử, đã âm thầm đánh lừa Huỳnh Điền, một ân nhân của mình, để tổ chức một cuộc vượt biên trước mũi của y.

Huỳnh Điền không hay biết gì cả, bận rộn tổ chức liên hoan chiêu đãi lớn hơn mấy năm trước vì vừa xây cất xong một nhà sinh hoạt cho công nhân viên nhà máy, với một hội trường đủ chỗ cho hai trăm người và một phòng đọc sách ở trên lầu. Ông ta rất hãnh diện với thành tích ấy, và lại nuôi được một bầy bò sáu con để bồi dưỡng cho công nhân viên.

Trong cảnh bế tắc và suy sụp của nền kinh tế "quá độ" trên toàn quốc, nhà máy nước suối Vĩnh Hảo là một trong số rất ít cơ sở sản xuất còn tiếp tục hoạt động thu lợi, nhờ nước suối là một sản phẩm thiên nhiên, và cũng do tài xoay xở của Huỳnh Điền.

Khi còn chiến tranh, nước suối Vĩnh Hảo là một xí nghiệp nhỏ nằm trong một vùng mất an ninh của tỉnh Phan Thiết, chỉ hoạt động cầm chừng và bị các loại nước suối nhập cảng đánh bạt trên thị trường tiêu thụ. Khi Huỳnh Điền tới tiếp thu, nhà máy đang đóng cửa, chủ nhân bị kết tội "tư sản mại bản" phản động và bị bắt giam. Các nhân viên lâu năm người địa phương cố giúp phục hồi nhà máy nhưng không thể sản xuất, dù nước suối có sẵn dưới giếng để được bơm lên. Huỳnh Điền được công nhân cho biết muốn làm thành một chai nước suối để cung cấp cho thị trường, còn cần phải có chai, có nắp khoén, cần có hơi CO2 để nước cuối xủi bọt khi mở ra, và cũng được các công nhân chỉ vẽ nên vào Sài-Gòn tìm Lý Thành, thay vì báo cáo cho Bộ Công Nghiệp Nhẹ ở Hà-Nội. Hơn ai hết, Huỳnh Điền biết rằng Đảng có rất nhiều Ak-47, B-40... nhưng không có chai, nắp khoén... và không biết gì về việc sản xuất nước suối.

Khi ấy, Lý Thành đang thất nghiệp ở Chợ Lớn và được Uỷ ban Nhân Dân phường khuyến khích đưa vợ con đi vùng kinh tế mới. Được đồng chí giám đốc nhà máy nước suối Vĩnh Hảo ngồi ô-tô con hiệu Peugeot 404 bất ngờ tới thăm và mời hợp tác làm ăn, Lý Thành có cảm tưởng như đã gặp một ông tiên với cây đũa thần trong truyện cổ tích. Ngay ngày hôm sau, anh ta đã chễm chệ ngồi xe cơ quan nhà nước với cán bộ cách mạng ra Phan Thiết mà không cần xin phép công an. Và chỉ trong vòng hai tuần lễ, cái máy đóng chai nước suối già 20 năm lại tiếp tục sản xuất mà chính Lý Thành nắm quyền phân phối đi toàn quốc.

Dĩ nhiên là đồng chí Huỳnh Điền rất hãnh diện báo cáo lên thượng cấp thành tích khắc phục khó khăn của mình, và đã được nhiệt liệt khen thưởng. Lý Thành cũng rất vui mừng vì không những khỏi bị đi vùng kinh tế mới mà còn có công ăn việc làm, kiếm ra tiền, và được làm bạn với cán bộ cách mạng. Anh ta tặng Huỳnh Điền một chiếc xe Honda gắn máy, và được tin cậy như người trong nhà. Lý Thành rất khôn ngoan. Anh ta đầu tư vào tình bạn với Huỳnh Điền hơn là tiêu xài tình bạn ấy. Anh ta để Huỳnh Điền mắc nợ mình hơn là lợi dụng hay nhờ cậy những việc không đáng nhờ.

Huỳnh Điền đã ngoài 50 tuổi nhưng vẫn còn độc thân, và sống trong một căn phòng ở ngay tại khu vực nhà máy. Đôi khi trong lúc nói chuyện tâm tình với Lý Thành, Huỳnh Điền thú thật chưa học hết "lớp ba trường làng" vì nhà rất nghèo và nhờ theo cách mạng mà có ngày hôm nay. Ông ta đã bỏ một làng quê thuộc tỉnh Bình Định vào Sài-Gòn làm công kiếm sống và đã được móc nối vào Đảng từ năm 16 tuổi, đã sống sót qua hai cuộc chiến tranh với quân hàm thượng úy. Huỳnh Điền được cử tiếp thu nhà máy nước suối Vĩnh Hảo có lẽ vì số kỹ sư ít ỏi ở miền Bắc không đủ để cung cấp cho cái xí nghiệp nhỏ ở nơi khỉ ho cò gáy ấy, và có lẽ cũng vì Huỳnh Điền có chút kinh nghiệm về sản xuất nhờ trước khi có súc chai ở nhà máy bia tại Sài-Gòn và có làm việc tại xí nghiệp thuốc lá Thăng Long ở Hà Nội một thời gian khi tập kết ra Bắc. Chính Huỳnh Điền cũng cười, thú thật với Lý Thành "chẳng biết mô tê" gì cả về nước suối, nói gì đến điều khiển một nhà máy sản xuất nước suối. Nhưng Đảng chỉ đâu thì đánh đấy.

Thật ra, Lý Thành cũng cảm thấy có một tình bạn nẩy nở với Huỳnh Điền nhưng đồng thời anh ta vẫn thấy rõ bức tường ngăn cách giữa hai người, mặc dù nó vô hình. Lý Thành linh cảm việc hợp tác làm ăn với cách mạng sẽ không kéo dài và chiếc máy đóng chai nước suối nhập cảng từ Tây Đức năm 1956 đang chạy ì-ạch không biết sẽ nằm liệt lúc nào. Vì vậy, sau khi tổ chức ra đi "bán chính thức" thất bại, Lý Thành đã quyết định lợi dụng lòng tin của Huỳnh Điền để âm mưu một cuộc "đi chui".

Anh ta đã móc nối được với một người có chiếc ghe đánh cá ở Phan Rang - một chiếc ghe gỗ dài 15 thước có gắn máy Yanmar "ba đầu bạc" có thể chạy tới Phi Luật Tân. Hàng ngày, chiếc ghe này vẫn được đi biển đánh cá nhưng chỉ được cung cấp dầu đủ chạy trong một ngày và bị kiểm soát chặt chẽ mỗi khi ra khơi mà chỉ có các ngư phủ được phép lên tàu. Muốn dùng chiếc tàu này để vượt biên sẽ phải có một kế hoạch với những chi tiết tỉ mỉ mà quan trọng nhất là một bãi đáp bí mật để chôn dầu và bốc khách. Sau mấy tháng nghiên cứu, Lý Thành đã chọn cái bờ biển được gọi là Vực Sứt ở ngay trước mặt nhà máy nước suối để làm bãi đáp.

Điểm lợi của Vực Sứt là nó vắng vẻ, xa các xóm nhà, ít người lui tới và chưa có ai dùng nơi này đễ làm bãi đáp, có lẽ vì nó nằm khá xa quốc lộ và đường ra bờ biển khó khăn, phải đi bộ khoảng một cây số băng qua một khu rừng cây thấp. Nhưng đây lại chính là yếu tố khiến Lý Thành chọn địa điểm này vì không ai ngờ, nó lại không xa với nhà máy nước suối và anh ta đã thuộc đường sau vài lần giả vờ ra tắm biển.

Lê Sang, người chủ chiếc ghe đánh cá, đồng ý với kế hoạch của Lý Thành, kể cả ngày giờ xuất quân. Thế là kế hoạch được âm thầm tiến hành.

Ngày 29-4, Lý Thành đưa vợ con và khách Sài-Gòn ra Vĩnh Hảo, gồm có gia đình Lâm và một số người bạn thân đã quyết tâm làm một chuyến ra đi không bao giờ trở lại. Họ được Huỳnh Điền tiếp đón niềm nở và không nghi ngờ gì về sự có mặt của mấy đứa trẻ, khi Lý Thành giải thích: "Mấy đứa nhỏ muốn nhân dịp này để được tắm nước suối. Dễ gì, trước đây chỉ có các quan lớn mới được vô đây ngâm mình trong nước suối Vĩnh Hảo. Bây giờ đúng là nhân dân làm chủ." Huỳnh Điền đáp lại bằng một cái cười hãnh diện, phô ra mấy chiếc răng vàng mới làm.

Hồ tắm nước suối nằm về phía trái trong khu vực nhà máy từ cổng vào, và được lót gạch men như hồ bơi của một nhà giàu, nhưng đây là một bể bơi duy nhất tại Việt Nam với nước suối khoáng chất thiên nhiên ấm khoảng 40 độ được bơm thẳng từ mạch ngầm dưới lòng đất lên. Ngâm mình trong hồ, người ta cảm thấy sảng khoái, phục hồi sinh lực và nghe đồn chữa được bệnh phong thấp. Ngoài bể bơi lộ thiên còn có mấy phòng tắm riêng biệt với bồn chứa nước suối để ngâm mình hàng giờ cho cơ thể được mơn trớn với làn nước ấm và khoáng chất thấm sâu vào trong những tế bào. Quả thật trước đây, ngoài công nhân viên nhà máy, chỉ có vua chúa, quan quyền mới được ngâm mình trong hồ tắm ở nhà máy nước suối Vĩnh Hảo, nên đám thuyền nhân tương lai đã không bỏ lở cơ hội thưởng thức thú tắm nước suối để tăng cường sinh lực trước khi mạo hiểm làm một cuộc viễn du đi tìm tự do.

Mấy đứa trẻ thích thú vừa tắm vừa chơi đùa trong hồ nước suối mà không biết rằng đêm mai chúng sẽ bỏ đất nước này để ra đi vào một nơi vô định. Người lớn thì ngâm mình trong những bồn nước suối, thả hồn theo giấc mơ tự do pha lẫn những băn khoăn mà cuộc vượt biên đang chờ đợi họ.

Riêng Nhàn đá không xua đuổi nổi ra khỏi đầu những hình ảnh khiếp đảm của cuộc vượt biên thất bại mà cô đã đưa hai đứa con ra đi với Thái. Sau chuyến đi kinh hoàng ấy, Nhàn đã sợ hãi không dám nghĩ đến chuyện vượt biên nữa, nhưng cô không còn nơi nào để sống trên đất nước này và không có khả năng để quyết định làm một điều gì khác, ngoài việc ngoan ngoãn đi theo chồng. Lâm không khác nào một cứu tinh đã xuất hiện đúng lúc để cứu ba mẹ con Nhàn ra khỏi đường cùng, nhưng cô cũng nhận thấy rõ đã có một xa cách không thể lấp đầy giữa hai người. Cô bị ám ảnh, day vò nặng nề về việc ăn ở với Thái và về cái chết của Thái, dù Lâm tỏ ra rất hiểu biết và không bao giờ nhắc lại giai đoạn ấy trong cuộc đời của Nhàn. Cô thường tránh, không dám nhìn thẳng vào mắt chồng vì bị đè nặng bổi mặc cảm có tội.

Ngâm mình trong bồn nước suối ấm, Nhàn cảm thấy thật dễ chịu và ước gì được nằm đây mãi, trong bôn bức tường phòng tắm nhỏ bé này, trút bỏ mọi thứ trên người, thoát khỏi những bi lụy của cuộc đời quá nhiều bão tố. Cô lim dim mắt mơ màng thả hòn theo những ý nghĩ mông lung. "Phải chăng ta đang có thứ tự do tuyệt đối trên đất nước đạo đày khi trốn vào căn phòng nhỏ hẹp này, với làn nước trong xanh ấm áp, với thân thể trần truồng, thoát khỏi mọi áp bức, tàn bạo... Và, ngày mai xuống thuyền ra khơi với bao bất trắc, ta sẽ có thứ tự do nào? Ôi, Tự Do! Mi là gì? Hình thù mi ra sao?..." Nhàn mơn trớn thân thể mình trong làn nước ấm, nhưng cô không cảm thấy những rạo rực trên làn da đáng lẽ còn phải tràn đầy sức sống ở tuổi gần bốn mươi. Dường như mọi tế bào đang chai lạnh dần sau cái chết của Thái. Từ ngày trở lại sống với Lâm, mỗi khi ăn nằm với nhau Nhàn chỉ coi như một hành động chiều chồng. Cô không cảm thấy thích thú trong việc chăn gối mà cô nghĩ rằng mình đang đi dần đến tình trạng lãnh cảm. Nhàn lo sợ nghĩ đến cuộc sống chung với Lâm trong những ngày còn lại trên đất lạ quê người, nếu may mắn đi thoát.

Đã có quá nhiều biến động xảy đến với gia đình bỏ bé của Nhàn từ ngày được gọi là hòa bình. Nhàn tự hỏi việc trở về của Lâm, cái chết của Thái, phải chăng là sự sắp xếp của một bàn tay vô hình nào đó cho một câu chuyện "gương vỡ lại lành", mở đầu cho một cuộc đời khác trên một đất nước khác tốt đẹp hơn; hay cũng chỉ là khởi đầu cho một thảm kịch khác? Nhàn sợ hãi và thầm khấn nguyện cho việc ra đi được bình an.

Thật ra, Nhàn không lo sợ nhiều cho bản thân mình. Nếu phải chết trong cuộc vượt biên gian truân này, cô cũng không có điều gì phải ân hận. Nhưng hai đứa con là những báu vật mà cô đã quyết định đưa chúng vào một cuộc mạo hiểm may ít rủi nhiều. Nếu có sự bất hạnh nào xảy ra cho những đứa trẻ ngây thơ này, ai là người chịu trách nhiệm? Cha mẹ chúng, hay những kẻ đã tạo ra tấn bi kịch cho cả dân tộc này? Nhàn nghĩ đến mấy triệu người đã chết trong cuộc chiến dài gần ba thập niên, đến hàng trăm ngàn người đã bỏ xác trên rừng sâu, trong lòng biển sau khi chiến tranh chấm dứt. Đây không phải là những bi kịch cá nhân mà là bi kịch của một dân tộc. Một bi kịch rất dài và chưa có màn chót. Cả một dân tộc đang là những con chuột để thí nghiệm cho một học thuyết viển vông được du nhập bởi những tên học trò ngu dốt nhưng quỷ quái và điên.

Trên đường từ Sài-Gòn ra Phan Thiết, Nhàn đã được nghe những câu chuyện của từng người đồng hành trên xe. Những câu chuyện khác nhau, nhưng họ đều giống nhau một điều: bỏ lại tất cả gia tài, của cải để đi tìm tự do trong gian nguy. Tự do quý hơn tài sản, hơn sự an toàn.

Người duy nhất trên xe không nói gì là Phượng, nhưng Nhàn đã biết rõ tấn bi kịch của cô gái này do Lâm kể lại trước ngày ra đi và muốn Nhàn coi như người trong gia đình. Lâm không yêu cầu thì Nhàn cũng đã thực sự coi Phượng như người ruột thịt khi gặp nhau lần đầu và nghe Phượng nói: "Cuộc đời của cháu đã mất rồi, cô ạ. Cháu ra đi là vì người khác."

Đêm hôm ấy, mọi người ngủ trong căn nhà nằm bên ngoài nhà máy do Lý Thành xây cất dưới danh nghĩa là cơ sở của "Tổ Sản-xuất Cát Lồi", một phó sản của nước suối Vĩnh Hảo, được phép hoạt động do sự đỡ đầu của Huỳnh Điền. Công an địa phương không kiểm soát những người tới lui căn nhà này vì nó nằm trong khu vực xí nghiệp Nước suối Vĩnh Hảo, và Huỳnh Điền không bao giờ thắc mắc về những người từ Sài-Gòn ra mà Lý Thành giới thiệu là tổ viên Tổ Sản-xuất Cát Lồi. Hôm nay Huỳnh Điền càng không thắc mắc vì họ là khách được ông ta mời và càng không thể ngờ đây là đêm cuối cùng của họ trên đất nước này.

Tối 30-4, sau mấy ngày bận rộn tổ chức tiệc tùng, Huỳnh Điền đi ngủ sớm. Lý Thành nói cho bảo vệ nhà máy biết sẽ chở những người khách Sài-Gòn ra xã Vĩnh Hảo xem chiếu bóng. Tới giờ xuất quân, mọi người lên hai chiếc xe vận tải nhẹ của cơ sở phân phối nước suối chạy ra Quốc lộ 1, quẹo trái về phía xã Vĩnh Hảo, nhưng đi được một đoạn thì rẽ vào con đường mòn đưa xuống Vực Sứt. Lý Thành lái chiếc xe đi trước, Lâm lái chiếc xe kia thận trọng theo sau. Tới đoạn đường không còn dùng xe được, họ giấu hai chiếc xe vào một lùm cây, gỡ bỏ bảng số để công an mất đầu mối điều tra, và mọi người xuống xe đi bộ.

Trời đêm tối đen không trăng sao. Đoàn người mò mẫm đi, người nọ sau người kia. Đàn ông xách những thùng đựng nước ngọt và thực phẩm ăn đường, phụ nữ dắt hay bồng bế trẻ em. Đường dốc và khó đi, có người trượt ngã nhưng không một tiếng kêu la. Mọi người đều im lặng bước đi như những bóng ma. Mặt biển mênh mông đen ngòm hiện ra lờ mờ trước mặt không làm những người đi tìm tự do sợ hãi nhưng lại có sức quyến rũ mãnh liệt khiến họ hăng hái thêm.

Tới gần bờ biển, Lý Thành dừng lại và chỉ dẫn cho mọi người ẩn núp vào những lùm cây rồi lấy ra một chiếc đèn pin, hướng ra bờ biển bấm hai chớp ngắn và hai chớp dài. Từ một lùm cây cách đó không xa có ánh đèn pin đáp lại bằng hai chớp dài rồi hai chớp ngắn - mật hiệu đã đồng ý trước để nhận ra nhau. Đây là toán khách người địa phương, trong đó có vợ con Lê Sang, chủ tàu. Lý Thành nhanh nhẹn tới gặp những người này rồi huy động vài người đàn ông khoẻ mạnh đi lấy dầu. Mấy tuần trước, anh ta đã chờ lúc vắng người chôn giấu dần mười hai can dầu trong những bụi cây kín đáo. Theo kế hoạch, dầu phải được đào lên sẵn sàng trước khi tàu đến để có thể ra khơi nhanh chóng.

Mọi việc có vẻ diễn ra lớp lang đúng theo kế hoạch.
Lửa Hòa Bình
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương 8
Chương 9
Chương 10
Chương 11
Chương 12 (chương kết)