Chương 2
Tác giả: Sơn Tùng
- Còn thằng Tony? Con Tư nó lấy một thằng Mỹ đen à?
Ông giáo Phan Văn Thế hỏi nhỏ bà vợ, hai bàn tay xoay xoay chiếc bút chì, mắt nhìn ra ngoài của sổ, nơi ba đứa cháu ngoại tạp chủng của ông đang chơi trên sân trong ánh nắng ấm của một buổi sáng yên tĩnh...
Bà Hai Thế ngồi trên chiếc ghế bên cạnh bàn làm việc của chồng, lưng dựa vào vách tường, mắt nhìn xuống tờ báo đang cầm trên tay, trả lời:
- Con Tư không lấy thằng Mỹ đen nào cả. Thằng Tony là con nuôi của nó và nó thương thằng nhỏ không khác gì con nó đẻ ra. - Giọng bà run lên trong cơn xúc động - Lúc trước tôi giận con Tư bao nhiêu, bây giờ thấy thương nó bấy nhiêu. Tội nghiệp, số nó long đong. Nó là một đứa con có lòng nhưng đa truân... Hồng nhan đa truân như người xưa đã nói...
Bà khẽ xoay người nhìn ra sân. Ba đứa trẻ đang chơi "chi chi chành chành" một cách hồn nhiên, như mọi đứa trẻ Việt Nam khác, như trên một đất nước Việt Nam không hề có chiến tranh, như không vừa trải qua một cuộc chạy loạn kinh hoàng, và nhất là, như chúng không có màu da khác nhau.
Nhìn ba đứa trẻ, ông giáo Thế cũng cảm thấy lòng xao động. Lập trường của ông đối với cô con gái "nổi loạn" cũng đã thay đổi từ hôm Nhàn trở về. Ông không hề nhắc đến những chuyện trong quá khứ, chỉ ân cần hỏi con gái về những gian nan, nguy hiểm trên đường di tản, và người chồng đang mất tích của Nhàn. Hôm nay, nhân lúc Nhàn đi Sài-gòn tìm hỏi tin tức của chồng, ông mới hỏi vợ những chuyện liên quan đến con gái và ba đứa cháu ngoại mà ông bắt đầu cảm thấy thương chúng như những đứa cháu đích tôn. Ông đã bồng bế chúng, hôn chúng, chơi đùa với chúng. Ông cảm thấy hạnh phúc, tuy pha lẫn xót xa.
Năm nay 61 tuổi, ông giáo Thế đã chứng kiến những biến động nối tiếp xảy ra trong suốt cuộc đời ông. Khi còn đi học ông đã tham gia những hoạt động chống Pháp nhưng không theo đảng phái nào. Trở thành một nhà giáo, ông đã tận tụy với chức nghiệp cho đến ngày về hưu một năm trước đây. Ông đã chứng kiến sư ra đi của thực dân Pháp, sự thế chân ngắn ngủi của đế quốc Nhật, Vua Bảo Đại trở về rồi Vua Bảo Đại ra đi, và Đệ Nhất Cộng Hòa, Đệ Nhị Cộng Hòa. Ông linh cảm cuộc chiến dài và tàn bạo đang đi đến hồi kết thúc, nhưng không hình dung được nó sẽ ra sao. Một cuộc ngưng bắn và dàn xếp vào phút cuối cùng? Hay một sự sụp đổ toàn diện của chính quyền miền Nam và tai họa sẽ giáng xuống mọi người còn ghê gớm hơn cuộc chiến tranh kéo dài trong suốt gần 20 năm qua?
Bà Thế cũng chia sẻ nỗi lo âu của chồng. Quận Lái Thiêu chưa bị cuốn hút vào cơn bão lửa cuối cùng, nhưng cũng bắt đầu tăng dần hơi nóng cùng với Sài-gòn, trái tim của miền Nam, đang sôi sục trong vòng vây ngày một siết chặt. Những quận ven đô trở thành phòng tuyến bảo vệ Sài-gòn, với các đơn vị quân đội tăng phái và những chướng ngại vật cản chiến xa trên các quốc lộ. Lái Thiêu cũng bắt đầu xáo động.
Bà đưa cho chồng tờ báo đầy tin tức, hình ảnh về các cuộc di tản hỗn loạn từ cao nguyên và miền Trung, cùng những biến chuyển nóng bỏng đang diễn ra tại Sài-gòn.
- Con Tư đưa được ba đứa nhỏ về đến đây an toàn thật là đại phước. - Bà Thế nói với chồng - Thật đúng như lời sấm, " mười phần chết bảy còn ba, chết hai còn một mới ra thái bình ". Thái bình đâu chưa thấy, chỉ thấy người chết như rạ. Ông à, thấy người ta chạy rần rần, rồi mình biết chạy đi đâu đây? " Mấy ổng " vô đây, không biết số phận mình ra sao?
- Người ta sao mình vậy chớ sao? Mình có tội gì mà sợ?
Ông Hai Thế trả lời vợ trong lúc mở tờ báo ra đọc. Nhưng bà vợ không cảm thấy yên tâm với câu trả lời cho qua chuyện của chồng. Bà nói:
- Ông không biết mình có tội gì thật à? Chớ hơn ba ngàn người bị giết tập thể ngoài Huế hồi Tết Mậu Thân tội gì? Tội của mình là chủ đất, chủ vườn. Tội có con đi lính Quốc Gia. Tội có con lấy Mỹ...
Ông Hai Thế ngẩng đầu lên gầm gừ:
- Hừ, kẻ nào bước qua ngưỡng cửa nhà này và nói rằng tôi là đứa có tội, tôi sẽ chỉ vào mặt nó và kể cho nó nghe những tội ác của chúng nó.
Ông giáo hồi hưu cúi đầu tiếp tục đọc báo, nét giận vẫn còn hằn trên gương mặt bướng bỉnh với hàng ria mép rậm đã bạc một nửa, cùng màu muối tiêu với mái tóc hớt ngắn kiểu bàn chải.
Bà Hai Thế kính phục tính khẳng khái của chồng, nhưng lần này bà không cảm thấy yên tâm, và lo sợ đức tính ấy sẽ là một tai hoạ hơn là một ưu điểm. Bà nói:
- Thật tình tôi không lo gì cho thân mình. Có chuyện gì thì cũng già rồi, chẳng còn gì mà tiếc... nhưng thương cho con cháu. Còn hai thằng con và một thằng rể đang ở trong quân đội chưa biết sống chết ra sao trong những ngày hỗn loạn này. Mấy đêm nay, tôi chỉ toàn nằm mơ thấy ác mộng.
Bà Hai Thế nghẹn lời và sùi sụt khóc làm ông giáo cũng không cầm được lòng. Ông đứng lên, bước tới đặt một bàn tay lên vai vợ, vỗ về:
- Thôi mình. Có lo cũng không thể làm thay đổi gì được. Chuyện tới đâu tính tới đó. Còn bao nhiêu triệu người khác chứ có phải một mình mình đâu?
Bà Hai Thế vẫn không ngừng khóc dù cảm thấy được an ủi phần nào vì có ông chồng bên cạnh. Bao nhiêu năm nay, ông là cái bóng mát vĩ đại để bà ẩn tránh những cơn nắng quái của cuộc đời, nhưng lần này bà có linh giác như trời sắp sập và sẽ không còn sinh vật nào sống sót. Bà chỉ hết khóc và vội vàng chấm khô nước mắt khi thấy ba đứa cháu ngoại ngừng chơi và kéo nhau vào nhà.
Đi đầu là Lisa, dắt theo hai đứa em. Chúng chạy vào phòng, cùng khoanh tay cúi đầu nói:
- Thưa ông bà ngoại.
Bà Thế vội vàng đứng lên, ôm ba đứa cháu vào lòng, nỗi lo sợ về cơn "trời sập" tan biến. Bà nói:
- Các cháu ngoan lắm. Chút nữa bà sẽ đưa các cháu qua vườn trái cây chơi, tha hồ ăn chôm chôm, nhưng phải ăn cái gì ở nhà trước đã không thì sẽ bị đau bụng.
Lisa nhanh nhảu trả lời:
- Trước khi đi Sài-gòn, mẹ có cho chúng cháu ăn bánh mì rồi, bà ngoại.
Lisa có nước da trắng, sống mũi cao và tóc vàng giống cha nên trông như một đứa bé da trắng. Tony, trái lại, trông như một thằng da đen, dù đã lai, với nước da nâu sẫm và mái tóc quăn. Nhưng đó chỉ là vóc dáng bên ngoài. Bên trong chúng là Việt Nam, không khác gì thằng em út của chúng.
Trẻ em ngây thơ. Dù đã trải qua một cuộc chạy loạn kinh hoàng, chúng không biết đến những biến động đang diễn ra và sẽ ảnh hưởng đến đời chúng ra sao. Chúng cảm thấy vui thích vì lần đầu tiên được sống với ông bà ngoại và có vườn rộng để chơi, có đủ thứ trái cây để ăn. Chúng không biết đến những lo sợ, những khổ đau của người lớn. Thế giới của trẻ thơ là thế giới thần tiên, dù đang ở giữa chiến tranh và chết chóc.
Trong lúc ba đứa trẻ hồn nhiên vui chơi, Nhàn đang chờ đợi ở Bộ Tư Lệnh Biệt Động Quân để hỏi tin tức của chồng. Cô đã đứng ở đây hơn một tiếng đồng hồ sau khi đạp xe từ Lái Thiêu xuống từ sáng sớm.
Hàng trăm người đang chen chúc để được biết chồng, con họ đang ở đâu, sống hay chết. Những bà mẹ già, những người vợ trẻ. Họ đều giống nhau một điểm: không một nụ cười. Họ lo lắng trao đổi với nhau những câu chuyện về chông con họ, về tình hình chiến sự đang đi đến chỗ tuyệt vọng và sự hoảng loạn ở hậu phương. Họ đến, họ kiên nhẫn chờ đợi, và hầu như tất cả đều ra về lầm lũi với không một tin tức của người thân.
Nhàn viết tên chồng, số quân, đơn vị vào một miếng giấy rồi đưa cho một trung sĩ. Chờ đợi. Cuối cùng rồi cũng được tin. Cái tin như mọi người khác đã nhận được.
- Đại úy Huỳnh Lâm, đơn vị mất liên lạc, chưa có tin tức gì.
Một điệp khúc buồn nản, chĩu nặng.
Tuy không hy vọng nhiều về tin tức của chồng. Nhàn cũng cảm thấy bầu trời như tối sầm lại. Cô đi ra bãi gửi xe với đầu óc trống không và chưa biết đi đâu. Cô chưa muốn về nhà ngay, nhưng đi đâu trong cái thành phố thân quen nhưng đã mười năm không trở lại? Có lẽ vào một quán giải khát nào đó trên đường Gia Long, gần Trường Văn Khoa, ăn một ly thạch, ôn lại vài kỷ niệm cũ. May ra gặp một người quen, biết thêm một số tin tức.
Vừa đạp xe tới một ngã tư, Nhàn giật bắn mình vì tiếng thắng rít rợn người của một chiếc xe hơi. Cô ngã xuống đường trước khi biết chuyện vì xảy ra. Chiếc xe đạp cong queo nằm dưới bánh trước một chiếc xe Audi bóng loáng. Một người đàn bà ăn mặc lịch sự bước vội ra, chạy tới ngồi xuống bên cạnh Nhàn.
- Chị có sao không? - Người đàn bà hỏi, giọng bối rối pha lẫn bực bội - Đạp xe sao không trông đèn đường?
Nhàn gắng gượng ngồi dậy. Người đi đường bắt đầu bu lại xem. Bà lái xe hơi rờ mó, xem xét những chỗ trầy sát trên người Nhàn. Bà ta có vẻ bình tĩnh lại khi thấy Nhàn chỉ bị thương xoàng. Bà ta đưa bàn tay sờ vết trầy đang rướm máu trên trán Nhàn. Một lần nữa, Nhàn lại giật bắn mình khi người đàn bà lạ bóp chặt hai vai cô và kêu rú lên:
- Nhàn! Mày ở đâu hiện ra đây để hại tao?
Nhàn đưa mắt nhìn kỹ người đàn ba, nhận ra người bạn học cũ.
- Xuân. Tao không nhận ra mày vì mày sơn phấn đẹp quá! - Nhàn nói nhỏ, nhăn nhó vì bắt đầu cảm thấy đau nơi những vết thương...
Tai nạn khiến hàng trăm chiếc xe đủ loại bị kẹt lại. Xe hơi, xe gắn máy, xe lam, xích-lô máy... bóp kèn inh ỏi, động cơ chạy rầm rầm, phun khói mù mịt. Một viên cảnh sát vạch đám đông hiếu kỳ, bước tới. Ông ta cầm một cuốn sổ trên tay, định làm biên bản tai nạn.
- Thôi, thầy đội đừng làm biên bản cho mất thì giờ. - Xuân xua tay - Chúng tôi là bà con với nhau, và cũng chẳng có gì để đáng làm biên bản.
Trước vẻ lưỡng lự của viên cảnh sát, Xuân nhét Nhàn vào xe, bỏ chiếc xe đạp cong queo vào cốp xe sau và lên xe, tìm cách ra khỏi rừng xe cộ đang mắc kẹt ở ngã tư.
- May mà tao không cán chết mày. - Xuân vừa thở vừa nói một hơi dài - Đầu óc tao đang để đâu đâu. Mà hình như không ai còn đầu óc nữa. Mọi người đang điên lên tìm đường ra khỏi xứ này trước khi quá muộn... Để tao đưa mày tới một bác sĩ quen nhờ nó khám và băng bó cho mày. Mày biến đi đâu mất hàng chục năm rồi bỗng hiện ra vào giữa lúc mọi người đang tìm đường ra khỏi thành phố nào?
Nhàn đã hoàn hồn và nhận ra vẻ " bà lớn " của người bạn học cũ. Cô nhìn Xuân, trả lời:
- Hình như ta không có duyên với thành phố này. Trông mày có vẻ một bà dân biểu hay nghị sĩ. Mày làm gì ở đây?
- Dân biểu, nghị sĩ cái con khỉ gì! Tao chẳng làm gì cả! Chồng tao làm giám đốc một cái nha trong Bộ Kinh Tế.
- Hèn nào!
- Thôi, mày đừng nghĩ bậy. Anh ấy không có tham nhũng hay ăn hối lộ gì cả! Con nhà giàu, du học ở Mỹ về nhưng không phe đảng. Nếu có phe đảng thì đã làm tổng trưởng chứ đâu phải nhận cái chức giám đốc quèn! Còn mày, chồng con ra sao? Mày bỏ đi đâu, không nói một tiếng? Tụi nó đồn mày... ra khu.
- Thế à? Mày có tin không?
- Tao không tin, nhưng cũng không bói nổi là mày đi đâu một cách đột ngột và bí mật. Nói thật đi, có phải mày về đây lúc này để chuẩn bị... tiếp thu Sài-gòn và đưa tụi tao vào tù hay ra pháp trường?
- Tao không có cái may mắn ấy. Tao là kẻ thua thiệt hoàn toàn trong cuộc chiến này...
Xuân liếc nhìn Nhàn, với gương mặt ưu tư không son phấn, với chiếc áo sơ-mi nylon và chiếc quần dài khiêm tốn, cộng với cái xe đạp nằm trong cốp xe. Xuân mường tượng có chuyện gì bất hạnh xảy ra cho người bạn thân từ hồi còn ở Trung học.
- Tao có thể giúp mày được điều gì không? - Xuân dè dặt hỏi.
- Không. Trừ khi mày là thượng đế.
Câu chuyện trao đổi giữa hai người bạn cũ ngưng lại chốc lát. Dường như mỗi người đang theo đuổi những ý nghĩ riêng vì nhận ra đã có những xa cách giữa hai người.
Xuân ngừng xe trước phòng mạch của một bác sĩ trên đường Bùi Thị Xuân. Tấm bảng đồng sáng bóng mang tên bác sĩ còn đó nhưng cửa đóng im ỉm. Một ông già thấp nhỏ, đầu tóc bạc phơ, tay chống gậy từ căn nhà bên cạnh đi ra, dừng lại nói:
- Ông ấy đi Tây rồi.
Và, ông già tiếp tục bước đi chậm chạp, lắc lắc mái đầu bạc như tỏ sự bất lực trước thời thê. Xuân nhìn theo, lẩm bẩm:
- Mày thấy chưa. Thiên hạ cứ theo nhau ra đi một cách lặng lẽ, không một lời từ biệt.
Một bà bác sĩ khác còn mở cửa phòng mạch, khám và băng các vết thương cho Nhàn. Xong xuôi, bà ta thở dài nói:
- Tình hình có vẻ nguy ngập quá. Không biết rồi sẽ ra sao.
- Anh chị có tính đi không? - Xuân hỏi.
- Đi đâu? Đi cách nào? - Bà bác sĩ hỏi lại - Ông nhà tôi làm việc không nghỉ tay trong Tổng Y Viện Cộng Hoà. Mỗi khi ông ấy về nhà, nếu không muốn nghe ông ấy quát tháo thì đừng nói gì đến chuyện đi đứng.
- Ông ấy đáng được chọn làm người yêu nước số một trong lúc này.
Xuân trả lời và tìm cách chấm dứt câu chuyện. Ra đường, Xuân nói:
- Mày về nhà tao, ăn cơm trưa, nghỉ một lát rồi tao đưa mày về nhà. Ngày mai biết còn gặp nhau nữa không.
Nhà Xuân, một ngôi biệt thư xinh xắn nằm trên con đường Tú Xương yên tĩnh. Gia nhân, một phụ nữ trung niên, ra mở cổng cho xe vào. Xuân nói:
- Nhà tao bây giờ chỉ còn một người giúp việc. Con nhỏ kia vừa bị cảnh sát bắt tháng trước. Nó ở trong nhà này hơn hai năm, bây giờ mới biết nó hoạt động cho Việt Cộng. Người ta khám thấy truyền đơn giấu trong va-li quần áo của nó. Mày thấy có sợ không? Từ Dinh Độc Lập đến xó bếp nhà mình, chỗ nào cũng có Việt Cộng. May mà nó chưa làm nổ tung nhà tao và tan xác cả đám.
Vừa bước chân vào nhà, chuông điện thoại reo rền rĩ, Xuân buông người xuống chiếc ghế bành lớn bọc da màu đen, uể oải nhấc máy nói chuyện hồi lâu. Khi chấm dứt điệm đàm, cô đưa hai tay ôm đầu, nói:
- Một ông chú của tao. Dân biểu đấy. Ông ấy đang phát điên lên vì không tìm được đường nào để đi. Ông ấy bảo tình hình nguy ngập lắm rồi. Việt Cộng đã đánh tới Xuân Lộc, và có thể vào Sài-gòn trong vài ngày. Sài-gòn đã bị vây chặt và một cuộc tắm máu sẽ khó tránh khỏi.
Xuân quay vào trong gọi người giúp việc:
- Chị Hai dọn cái gì cho chúng tôi ăn rồi đi đón giùm Bé Oanh. - Xuân quay sang Nhàn - Tao chỉ có một đứa con gái 5 tuổi. Nó đang học trường mẫi giáo ở gần đây. Phải biết được rồi có ngày sẽ ra nông nỗi này... tao đã chẳng đẻ làm gì. Rồi không biết cuộc đời nó sẽ ra sao.
Nhàn không nói gì, nghĩ lan man tới mấy đứa con của mình và cảm thấy thương chúng hơn khi chứng kiến con của bạn sống trong cảnh trưởng giả, bình yên giữa một đất nước nát ta vì bom đạn.
Bé Oanh về lúc hai người đang ăn cơm. Con bé mặc " đầm " trông thật sang và dễ thương làm Nhàn không thể không nghĩ tới bé Lisa với hình ảnh tương phản - một "Đầm con" quanh năm mặc quần áo Việt Nam. Bé Oanh khoanh tay chào khách rồi ôm cổ mẹ hôn. Xuân hôn con, âu yếm nói:
- Con đi thay quần áo, rửa mặt rửa tay rồi ra ăn cơm. Đây là Bác Nhàn, bạn học của mẹ từ hồi còn nhỏ.
Bé Oanh nhìn vết thương được dán băng keo trên trán Nhàn, dạn dĩ hỏi:
- Trán bác làm sao thế?
Xuân cười, nói đùa:
- Bác với me đánh nhau đến sứt trán rồi mới nhận ra nhau đấy!
Bé Oanh cười khanh khách. Nhàn cũng cười nhưng không khỏI tự hỏi cảnh bình an hạnh phúc này còn kéo dài trong bao lâu.
Cơm nước xong, Xuân đưa Nhàn đi coi các phòng trong nhà. Một tổ ấm trong mộng.
- Mày coi đó, Nhàn... - Xuân bỗng mếu máo - Bây giờ phải bỏ hết để chạy lấy thân mà không biết có thoát không. Không biết tổ tiên mình làm điều gì tàn ác mà con cháu bây giờ phải trả như thế này?
Xuân buông mình ngồi xuống một chiếc giường và ôm mặt khóc rưng rức. Nhàn ngồi xuống bên cạnh bạn, và bỗng nhận ra mình vừa đóng vai người an ủi bất đắc dĩ vừa tự an ủi chính mình. Cô ôm vai bạn, nói:
- Tao vừa đem ba đứa con chạy từ Pleiku về đây an toàn. Ai cũng bảo là đại phước. Chữ "đại phước" thật là cay đắng, mỉa mai... Nhưng, nếu mày thấy được người ta đã chết dọc đường di tản ra sao... Đây là tai ách chung của mọi người, một cơn đại hồng thuỷ... Nếu người ta nói tao " đại phước " thì mày là... đại đại phước. Nên cảm ơn Trời Phật...
Xuân ngưng khóc, rên rỉ:
- Biết có Trời Phật hay không?... Bây giờ mày ở đâu?
- Ở nhờ nhà ba má tao trên Lái Thiêu. Cũng còn may là có chỗ nương thân cho mấy mẹ con.
- Còn chồng mày?
- Anh ấy mất liên lạc cùng với cả đơn vị trên Pleiku. Hôm nay tao xuống đây để hỏi tin tức anh ấy.
- Có tin gì không?
- Không. Vì vậy tao băn khoăn, không biết nên ở lại chờ chồng hay nên đem mấy đứa con ra khỏi xứ này trước khi quá muộn.
- Để có thể quyết định dứt khoát, mày nên tự đặt mình vào địa vị của chồng để xem anh ấy muốn mày làm gì trong trường hợp này.
Nhàn reo lên:
- Cám ơn mày. Có thế mà nghĩ không ra. Thật lòng, tao không muốn đi chút nào khi chưa có tin tức gì của anh ấy, nhưng trong trường hợp này quả là không thể ở lại chờ đợi... Nhất là hai đứa con lai của tao...
Xuân trợn tròn mắt nhìn Nhàn:
- Mày có chồng Mỹ à?
- Chồng trước.
- Nó bỏ mày hay mày bỏ nó?
- Anh ấy bỏ tao và về Mỹ trong chiếc quan tài.
Xuân ôm bạn:
- Tao không ngờ số mày lận đận như vậy. Mày ngồi đây chờ tao một chút.
Xuân chạy đi và trở lại với một túi nhỏ bằng da.
- Tao không biết mày có cần giúp gì hay không, nhưng đây là cách duy nhất để có thể bày tỏ lòng tao với mày lúc này. - Xuân đưa cái túi cho Nhàn.
- Cái gì trong này?
- Một tí đô-la và vàng... Tao quen với ông Đại sứ Martin. Tao sẽ gọi ông ấy để xin hẹn cho mày đến toà đại sứ. Mày có chồng Mỹ tử trận và có con lai, có thể được ưu tiên cho đi trước.
Nhàn nghẹn lời trước lòng tốt của người bạn cũ trong cơn nguy biến.
Tiếp Nhàn là một người Mỹ gầy và cao lỏng khỏng, đầu hói và mang kính trắng. Ông ta tự giới thiệu là Steve Foss và vào đề ngay :
- Bà nói bà có chồng người Mỹ đã tử trận và có hai con lai, và mới chạy từ Pleiku về đây?
- Vâng, đúng như vậy.
- Xin chia buồn cùng bà. Tên người chồng Mỹ của bà là gì?
- John McCoy.
- Cấp bậc?
- Đại uý trước khi chết và thiếu ta sau khi chết.
- Bà có giấy hôn thú với Thiếu tá John McCoy?
- Không. Anh ấy chết trước khi chúng tôi định làm hôn thú.
Steve thở ra :
- I see. Vậy giấy khai sinh của con bà có ghi tên cha của chúng không?
- Không, vì tôi không có hôn thú.
Steve nhìn Nhàn với đôi mắt thương cảm và trả lời một cách lịch sự, nhưng dứt khoát:
- Sorry. Hiện giờ chúng tôi chưa được lệnh để giải quyết các trường hợp như của bà. Mỗi ngày tôi phải tiếp hàng trăm người. Họ đứng chờ ở ngoài cổng từ khi trời chưa sáng, nhưng hầu hết đều ra về tay không vì cũng đều không có giấy tờ gì cả. Bà nên ráng chờ đợi. Tôi không thể hứa hẹn gì được... cho đến khi nào có một cái lệnh di tản...
"Lệnh di tản" đã được đưa ra chỉ vài ngày sau, khi tòa đại sứ Mỹ đã đóng cửa và Steve đã xếp va-li để sẵn sàng lên phi cơ trực thăng rời Sài-gòn.
Ngày 29-4, nghe đồn phi cơ trực thăng Mỹ tới Sài-gòn bốc người tị nạn, bất chấp lệnh giới nghiêm được nhắc đi nhắc lại từ chiếc máy thu thanh, Nhàn từ biệt cha mẹ để dắt ba đứa con xuống Sài-gòn. Mọi người đều khóc, kể cả ông giáo Thế. Ông ôm hôn mấy đứa cháu vào lòng như không muốn rời ra.
Nhàn đèo bé Tuấn sau lưng, vai đeo chiếc túi vải đựng một ít quần áo của mấy mẹ con, xấp tiền và vàng Xuân cho được bỏ trong một ruột tượng buộc quanh bụng phía trong áo, cô dắt bé Lisa và thằng Tony đi bộ ven theo đường lộ xuống Sài-gòn. Không còn phương tiện nào khác, ngoài đôi chân. Con người đã ở vào thời đại lên được đến mặt trăng nhưng nó vẫn không cảm thấy an ninh hơn con thú khi đi hai chân trên mặt đất.
Đường lộ vắng tanh không một chiếc xe và không một bóng người, trừ vài chiếc xe nhà binh thỉnh thoảng phóng nhanh qua và những người lính đóng chốt tại những ổ kháng cự ở dọc đường. Họ nhìn mấy mẹ con Nhàn một cách tò mò và không hỏi một lời. Có lẽ họ đều cảm thấy đây là ngày cuối cùng của chiến tranh, và trận đánh chót trong đời lính của họ sắp xảy ra.
Nhàn đưa được ba đứa con tới trước tòa đại sứ Mỹ trên đường Thống Nhất lúc trời đã xế chiều chỉ để nhận ra không có cách nào tới gần cổng, chưa nói đến vào được bên trong. Mấy ngàn người với những gương mặt thất thần, vừa la ó vừa xô đẩy nhau bên ngoài bức tường cao tám thước. Một số người cố leo lên bức tường bị Thủy Quân Lục Chiến Mỹ dùng súng có gắn lưỡi lê đẩy xuống. Thỉnh thoảng lại có tiếng súng nổ, la hét bằng cả tiếng Mỹ lẫn tiếng Việt.
Những người có thể đi đã tới từ sớm và đã vào được bên trong, một số lớn đã được bốc đi khỏi thành phố Sài-gòn đang trong cơn hấp hối. Những chiếc phi cơ trực thăng đang làm những phi vụ di tản cuối cùng. Chúng đáp xuống nóc bằng tòa đại sứ, nhanh chóng nuốt vào bụng những kẻ chạy trốn hoà bình và cũng nhanh chóng bốc lên. Tiếng động cơ và tiếng cánh quạt gió ầm ầm, vang động như âm thanh trong cơn vùng vẫy cuối cùng của một con mãnh thú bị tử thương.
Hai mươi năm đại cường quốc Mỹ nhân danh tự do can thiệp vào vùng đất nhiễu nhương Việt Nam đã chấm dứt trong một cuộc phô trương sức mạnh kém đẹp mắt như vậy, với cái chết của tự do.
Toán Thủy Quân Lục Chiến đã lên chuyến trực thăng cuối cùng và bay vào đêm tối. Tòa đại sứ uy nghi tráng lệ tượng trưng cho quyền uy Hợp Chủng Quốc Mỹ phút chốc trở thành nơi vô chủ, để mặc cho đám người bị bỏ lại đập phá, lục soát, hôi đồ.
Cuộc hành quân di tản được báo cáo là đã kết thúc tốt đẹp. Chiến tranh đã chấm dứt với người Mỹ, nhưng chưa chấm dứt với người Việt Nam và với những đứa con lai do Mỹ để lại, như Lisa, Tony...
Nhàn hối tiếc đã đưa chúng xuống đây, chen lấn cực khổ suốt ngày, đã không đi được mà còn có thể gặp nguy hiểm trong một thành phố không còn an nink. Không thể trở về Lái Thiêu giữa đêm khuya đầy bất trắc, Nhàn đưa ba đứa bé tới nhà Xuân.
Bà Hai mở cổng, cho biết Xuân đã cùng chồng con ra đi. Người giúp việc trung thành vẫn còn đang ở trong trạng thái xúc động tâm thần:
- Hai hôm nay tưởng nhà bỏ hoang, bọn đi hôi của đã leo tường vô mấy lần. Tôi phải la hét ầm ỉ chúng mới bỏ đi.
- Dì Hai còn ở đây đến bao giờ?
- Tôi không biết. Ông bà ấy dặn tôi ở giữ nhà độ một tuần lễ để chắc chắn là họ đã đi được rồi. Sau đó thì có trời mà biết! - Bà gia nhân tốt bụng nhìn Nhàn và mấy đứa bé. - Cô không đi được à? Tội quá. Chắc mọi người đều mệt và đói. Để tôi đi hâm thức ăn mời cô và các cháu ăn rồi nghỉ đây qua đêm xem ngày mai ra sao. Có cô tôi cũng đở sợ. Cô thấy tình hình ra sao?
- Thì tôi cũng như dì. Phó mặc cho trời.
- Vậy cô không tính đi nữa à?
- Không. Dì cho ngủ nhờ đêm nay. Mai tôi sẽ cho mấy đứa nhỏ về Lái Thiêu sớm.
Sáng hôm sau, 30-4, Sài-gòn mang sắc diện của một thành phố đang hấp hối với những người dân ngơ ngác chạy quanh. Rải rác có những ổ kháng cự nơi các góc phố. Những chướng ngại vật chống xe tăng trên đường.
Có những người lính ghìm súng đằng sau những bao cát, trông "bình thường" như công việc hàng ngày của họ suốt hai mươi năm qua, và không biết đến việc các ông tướng của họ đã lên máy bay rời khỏi Việt Nam, và họ chỉ còn vài giờ nữa để sống nếu tiếp tục chiến đấu.
Ý nghĩ ấy làm Nhàn cảm thấy khó chịu. Tới một ổ kháng cự gần ngã ba Hàng Xanh, Nhàn ngừng lại cho ba đứa bé nghỉ chân và tới gợi chuyện với bốn người lính tại đây.
- Các anh đóng ở đây bao lâu rồi?
- Hai ngày... - Người lính trẻ nhất râu ria lởm chởm trên gương mặt xạm đen trả lời và hỏi lại. - Chị không biết có lệnh giới nghiêm à?
- Tôi phải đưa mấy đứa con về nhà.
- Nhà chị xa không?
- Ở Lái Thiêu.
- Chà, đường đi nguy hiểm lắm đấy. Chúng tôi đang chờ xe tăng Việt Cộng tiến vào từ hướng ấy.
- Các anh có chặn nổi chúng không?
Một người lính trông kềnh càng với những trái lựu đạn đeo lủng lẳng trên ngực chiếc áo giáp chỉ tay vào mấy ống hoả tiễn chống chiến xa để trong một góc, bình thản trả lời:
- Mấy món đồ chơi này sẽ biến xe tăng Liên Sô thành lò nướng Việt Cộng.
- Bắn hết hỏa tiễn ấy thì sao?
Anh lính vỗ tay vào mấy quả lựu đạn: - Thì tới mấy trái mảng cầu này.
Nhàn nhìn bốn người lính với ánh mắt đầy thương yêu:
- Gia đình các anh ở đâu?
Bốn người lính có vẻ ngơ ngác trước câu hỏi bất ngờ của người phụ nữ trên đường phố. Họ đưa mắt nhìn nhau, và người lính già nhất bỗng phá ra cười rồi nói với giọng xứ Quảng:
- Cô có biết đây là lần đầu tiên có người hỏi chúng tôi câu ấy không? Gia đình chúng tôi ở đâu à? Chúng tôi cũng không biết nữa! - Và anh ta tiếp tục cười đầy cay đắng.
Nhàn chờ cho anh lính ngưng cười, hỏi tiếp:
- Cấp chỉ huy của các anh còn ở với các anh không?
Vẫn người lính xứ Quảng:
- Chúng tôi biết các ông tướng đã chạy hết rồi, nhưng ông trung úy của chúng tôi vẫn còn ở gần đây. Chúng tôi sẽ cùng nhau đánh trận cuối cùng...
Nhàn buột miệng:
- Các anh không sợ chết à?
- Sợ chết thì có thoát chết không?
Nhàn nhìn bốn người lính và quay vội mặt đi, trước khi nước mắt ứa ra.
Qua khỏi cầu Bình Triệu không bao lâu, Nhàn thấy một đoàn xe tăng T-54 cắm cờ nửa xanh nửa đỏ với ngôi sao vàng ở giữa chạy trên quốc lộ 13 tiến vào Sài-gòn. Qua khỏi cầu một đoạn, chiếc đi đầu trúng hỏa tiển bốc cháy. Những chiếc đi sau dừng lại, hạ nòng đại bác bắn phản công. Thêm một chiếc nữa bốc cháy. Cuộc giao tranh chỉ kéo dài trong mười lăm phút, trước khi tiếng súng im bặt. Chỉ còn những cụm khói đen đang bốc lên cao.
Lần đầu tiên Nhàn cảm thấy cuộc đời mình đã hoàn toàn đổi khác. Bầu không khí mà cô đang thở bỗng trở nên ngột ngạt như bị ảnh hưởng bởi những làn khói đen đang tỏa ra bầu trời âm u.