Chương 8
Tác giả: Sơn Tùng
Nhàn hồi tỉnh trong một bệnh viện ở thành phố Trenganu của Malaysia.
Cô mở mắt và trông thấy Lisa trước mặt, khi mờ khi rõ, khi xa khi gần. Nhàn không có cảm giác rõ rệt là đang ở đâu. Trên trần thế hay cõi âm ti. Khi nghe tiếng kêu mừng rỡ "Mẹ!", Nhàn bóp nhẹ bàn tay Lisa để tin chắc là không nằm mơ. Bỗng cô chồm dậy, thảng thốt hỏi:
- Còn thằng Tuấn? Bé Tuấn đâu?
- Em Tuấn ở với chị Phượng trong trại tị nạn. - Lisa trả lời.
Nhàn để một tay lên ngực, cám ơn Phật Trời, và lại ngã xuống giường, vừa vui mừng vừa đau khổ. Trong óc cô hiện ra hình ảnh Lâm nhấp nhô và chìm xuống giữa biển khơi, lẫn lộn với khuôn mặt mừng rỡ của Lisa. Nhàn nhắm mắt, cố thở đều và giữ bàn tay êm mát của Lisa, để tâm hồn chìm đắm trong một biển cảm xúc lôi kéo con người về nhiều hướng khác nhau. Vui, buồn, hạnh phúc, đau khổ - cảm giác nào cũng lên tới đỉnh cao.
Mấy hôm sau, Nhàn bình phục và được đưa về trại tạm trú ở Trenganu rồi di chuyển ra đảo Bidong cùng với hai con và Phượng.
Bidong, một hoang đảo nhỏ trước đây không có người ở, nay đã trở nên một thành phố của lều trại với một dân số khoảng mười ngàn thuyền nhân, một thiên đường trong giấc mơ của hàng triệu người Việt Nam khao khát tự do đang tìm đường ra đi. Người tị nạn ở đây từ vài tuần tới hàng năm để được một nước nhận cho đi định cư. Tuy đời sống ở đây chỉ là tạm bợ, mọi người như không muốn bỏ phí một ngày nào của tự do mà họ đã bị tước đoạt từ lâu ở quê nhà. Người Việt Nam từ mọi nơi trên đất nước gặp nhau ở đây mau chóng làm quen với nhau, thân thiết với nhau, và cả yêu nhau. Họ sống như chưa bao giờ được sống, họ bận rộn hoạch định tương lai nhưng cũng không bỏ phí hiện tại. Nào tiệm may, tiệm hớt tóc làm đầu, quán cà-phê, quán nhạc, tiệm ảnh, tiệm bán đồ thủ công, kỷ niệm, phòng đọc sách... Cái thành phố tí hon nhưng đời sống lúc nào cũng nóng bỏng, tấp nập, trừ giờ giới nghiêm. Hàng ngày, cứ lớp này đi thì lớp khác lại đến. Nhịp sống nơi đây quay rất nhanh với những hợp tan, với những tiếng cười xum họp và những giọt nước mắt chia ly.
Tới Bidong được một ngày, trưa hôm sau trong lúc đang lo quét dọn túp lều nhỏ của một gia đình vừa rời đảo nhường lại, Nhàn được một phóng viên Mỹ tìm đến phỏng vấn. Một gã hippy với hàm râu xồm, mái tóc bù xù và một cái áo sơ-mi ngắn tay có in hình những bông hoa nhiệt đới. Nhưng anh ta rất lịch sự, lễ phép mở đầu:
- Chào bà Phan. Tôi là Jimmy Walker, phóng viên của hãng tin ABC. Tôi được biết bà đã trải qua một cuộc vượt biển ly-kỳ nên muốn xin một cuộc phỏng vấn.
Nhàn ngừng tay quét rác, chống cán chổi trả lời:
- Tôi sợ ông sẽ thất vọng vì cuộc vượt biển của tôi không có gì ly-kỳ cả, và chắc ông đã biết những gì xảy ra. Một thảm kịch. Thế thôi.
Walker lấy trong chiếc túi da ra một tấm hình và đưa cho Nhàn:
- Thưa bà Phan, đây là tấm ảnh của bà mà một nhiếp ảnh viên của chúng tôi đã chụp được ngày hôm qua.
Nhàn đưa tay cầm tấm ảnh và nhăn mặt nhìn. Đúng là ảnh của cô lúc đang đứng trên bờ biển, bên cạnh con tàu Blue Dart của Cao Uỷ Tị Nạn Liên Hiệp Quốc để chờ đi Bidong, mái tóc bay trong gió, đôi mắt nhìn dõi ra biển khơi trông buồn vời vợi.
- Đôi mắt của bà trong tấm ảnh thật là đặc biệt. - Walker nói - Nó huyền bí như cái nhìn của Mona Lisa trong bức tranh La Joconde, nhưng cái nhìn của bà làm người ta xúc động hơn. Nó sâu thẳm và thật là u buồn khó tả...
- Thật à? - Nhàn đáp hững hờ.
- Tôi đặt tên bức ảnh này là "Đôi mắt của một thuyền nhân Việt Nam", và muốn đăng lên báo với một bài phóng sự đi kèm.
- Tôi sợ không có gì để giúp cho bài phóng sự của ông.
- Tôi không nghĩ như vậy. Tôi đã nghe những câu chuyện do những người khác kể lại và được biết chồng của bà đã chết trong lúc cố bơi sang một chiếc tàu lớn để cầu cứu. Thật là một thảm kịch. Xin bà cho biết chuyện ấy có thật không?
- Đúng như vậy.
- Ồ, xin chia buồn cùng bà. Dư luận thế giới rất xúc động về những cuộc vượt biển của người Việt Nam.
- "Xúc động" như những con tàu sắt vĩ đại đã lạnh lùng đi qua khi chúng tôi gặp nạn giữa đại dương à?
- Điều ấy thật đáng xấu hổ, nhưng người ta không thể hiểu những gì đang xảy ra tại Việt Nam đã gây ra làn sóng người tị nạn.
- Thế giới bên ngoài đã không hiểu gì về chiến tranh Việt Nam, và cũng không hiểu gì về cái gọi là hòa bình tại Việt Nam hiện nay.
- Nhà cầm quyền Việt Nam nói rằng những người bỏ nước ra đi là những cặn bã, những kẻ bất lương, đĩ điếm. Bà có muốn cải chính không?
- Không. Tôi chỉ muốn bổ túc.
- Bổ túc?
- Vâng. Nếu gọi chúng tôi là cặn bã, bất lương, đĩ điếm... thì chúng tôi chỉ mới trở thành cặn bã, bất lương, đĩ điếm từ sau ngày chiến tranh chấm dứt.
- Tôi không thể hiểu.
- Tôi đã nói là không ai có thể hiểu, nếu không phải là người Việt Nam.
- Bà hy vọng gì sau khi rời khỏi Việt Nam?
- Tôi không hy vọng gì cả. Tôi ra đi để được hít thở một cách tự do và thoát khỏi một cuộc sống không còn chịu đựng nổi.
- Và những người khác?
- Ông hỏi họ.
- Tôi muốn hỏi bà thêm một câu có tính cách cá nhân. Tôi thấy bà có một cô con gái da trắng. Bà có thể cho biết vài điều về cô gái ấy?
Nhàn bỗng trầm ngâm:
- Vâng. Đúng là một chuyện cá nhân. Nó là con của tôi với người chồng đầu tiên, một quân nhân Mỹ. Anh ấy đã về nước trong cỗ áo quan và nghe nói không được đón tiếp long trọng.
- Bà muốn nói...
- Tôi muốn nói đến sự công bằng đối với những người lính Mỹ đã tham dự cuộc chiến ở Việt Nam. Họ đã chiến đấu và chết cho tự do của nhân loại. Nhưng thôi, đó là chuyện của người Mỹ và nước Mỹ. Tôi chỉ muốn nói rằng người Việt Nam chúng tôi không nhìn người lính Mỹ giống như người lính Pháp trước khi nhu tuyên truyền của cộng sản mà ở Tây phương người ta đã nuốt phải như một thứ độc trùng để tự huỷ hoại thân thể mình. Tôi không hiểu những trại tập trung cải tạo trên khắp nước Việt Nam và hàng trăm ngàn người bỏ mình ngoài biển khơi sau ngày được gọi là "giải phóng" đã đủ để giải độc chưa?
- Vâng. Đó là một bi kịch lớn và đã làm thay đổi cái nhìn về Việt Nam của một số người ở Tây phương. Tôi khâm phục sự can đảm của các thuyền nhân và rất xúc động về cái chết của chồng bà, và muốn hỏi bà một câu cuối cùng. Bà có cảm nghĩ gì khi đặt chân lên phần đất tự do và chờ đợi trong một trại tị nạn để đi định cư?
Nhàn ngẫm nghĩ:
- Rất khó để nói ra bằng lời. Nó như một người đã chết được sống lại trong một thế giới khác và nhận ra mình đã mất tất cả - kể cả linh hồn, và đang khởi đầu một cuộc tìm kiếm lại linh hồn của mình.
Cái chết của Thái, rồi cái chết của Lâm đã làm cho những ngày tự do đầu tiên của Nhàn biến thành mật đắng mà cô phải nuốt, và sẽ không đứng vững nổi nếu không có sự hiện diện của ba đứa trẻ. Chúng như những cánh diều được tung lên gió và bay lượn trên bầu trời cao, như những con chim được tháo cũi xổ lồng dù là đang sống trong một hòn đảo nhỏ với những kỷ luật gắt gao. Chúng tỏ ra rất khích động với cuộc sống mới lạ ở trại tị nạn, và cũng như những người lớn tuổi, chúng nhận ra đã lấy lại được cái quyền quý nhất của con người: tự do nói ra những ý nghĩ trong đầu. Người ta không còn cảm thấy sợ hãi khi muốn nói ra một sự thật, và không còn cảm thấy có sự đe dọa vô hình vây quanh. Đó là cảm giác rõ rệt nhất của người tị nạn sau khi thoát khỏi nơi được gọi là "giải phóng" - nơi người ta buộc chiếc khăn màu đỏ vào cổ những đứa bé như buộc chiếc lục lạc vào cổ con trâu nghé để khởi đầu một cuộc đời nô lệ.
Nhiều đứa bé ở tuổi ấy đã được cha mẹ gạt nước mắt gửi người khác đưa đi và trở thành những "cô nhi" ở các trại tị nạn, và bao nhiêu đứa đã mất xác ngoài biển khơi vì không muốn đeo vào cổ chiếc khăn quàng đỏ?
Nhìn những đứa bé không cha không mẹ ở trại, Nhàn thấy hai đứa con của mình và cô bé Phượng vẫn còn là những đứa trẻ may mắn. Nếu Nhàn chết trong những ngày lênh đênh trên mặt biển, ba đứa trẻ cũng sẽ là những "cô nhi" bơ vơ ở trại tị nạn, chờ đợi để được "hốt rác" tới một nước xa lạ, sống trong một gia đình xa lạ, và sẽ trở thành những con người xa lạ với chính quê hương của chúng.
Hai đứa con của Nhàn và cô bé Phượng thích ứng với cuộc sống mới rất nhanh. Trong lúc hàng ngày Nhàn bận rộn với công việc thông dịch cho phái đoàn Mỹ phỏng vấn người tị nạn trong trại. Phượng và Lisa đã cùng nhau làm mọi việc cần cho sự sống của bốn người. Xếp hàng lãnh lương thực và nhu yếu phẩm, xách nước, nấu ăn, xếp dọn nhà cửa, theo dõi những thông báo trong trại, dò danh sách những người có thư từ nước ngoài gửi tiền - sự trông đợi hào hứng nhất của người tị nạn trên đảo.
Thấy Lisa chiều nào cũng đi dò danh sách nhận thư, Nhàn nói:
- Con đi dò làm gì cho phí công? Không có ai gửi thư cho mình đâu.
- Biết đâu được, mẹ. - Lisa trả lời. - Con nghe nói người ở bên Mỹ có thể hỏi danh sách người tị nạn ở các trại để tìm thân nhân. Có thể bác Hùng, chú Trí, dì Nhã, Tony còn sống và biết mình tới đây. Có người ở đảo này đã nhận được thư của bà con mất liên lạc từ năm 1975 vì vậy con thấy ai cũng đi dò thư.
- Họ điên cả rồi, con ạ.
Nhàn không lạc quan được như con. Hùng và Trí mất liên lạc từ năm 1975 không biết sống hay chết, nhưng gia đình Nhã và Tony thì Nhàn không chút hy vọng. Gợi nhớ đến chỉ thêm đau lòng. Sau ngày "hòa bình", người Việt Nam chết nhiều và chết thảm hơn trong hai mươi năm chiến tranh, và ly tán cũng nhiều hơn. Ngồi làm thông dịch viên xét đơn xin định cư của người tị nạn, hàng ngày Nhàn có dịp chứng kiến sự tan vỗ của những gia đình Việt Nam, sự tan vỗ của những giấc mộng, và cả sự thất bại của những âm mưu.
Một hôm, ngồi trước mặt Nhàn là một cặp vộ chồng tuổi trung niên và hai đứa con. Người chồng khai là một cựu trung úy Việt Nam Cộng Hoà và xin đi Mỹ. Nhưng vấn đề của ông ta là không có giấy tờ chứng minh, ngoài một tờ giấy ra trại cải tạo, nại cớ bị thất lạc sau mấy năm đi cải tạo và sống cực khổ ở vùng kinh tế mới. Thỉnh thoảng Nhàn bắt gặp cái nhìn trộm của người đàn ông và có cảm giác khó chịu, bất an. Cô mường tượng đã gặp người này ở đâu nhưng không nhớ rõ.
Viên chức phỏng vấn người Mỹ đọc qua hồ sơ và nói:
- Chào ông Lê Văn Toàn, tôi là Adam Smith. Ông có thể đọc cho tôi số quân của ông?
Nhàn dịch lại, và Lê Toàn trả lời:
- Tôi không nhớ vì đã tan hàng sáu bảy năm và bị Việt cộng đày ải khốn khổ.
Adam Smith gật gù, hỏi thêm vài câu về đời sống trong trại cải tạo và vùng kinh tế mới. Ông ta đẩy cho Nhàn một bức thư hai trang giấy viết tay bằng chữ Việt và một bản dịch ra Anh ngữ, tố cáo người đàn ông là một viên công an với một số chi tiết đã giúp trí nhớ cho cô. Đọc hết lá thư, mồ hôi tươm ra trong lòng hai bàn tay Nhàn. Khi cô trả lại bức thư, viên chức Mỹ hỏi:
- Bản dịch có đúng với nguyên bản không?
- Vâng. Đúng đấy. - Nhàn ấp úng.
Viên chức Mỹ nhún vai:
- Nhưng mà thư không có chữ ký, nên không thể cứu xét. Và trường hợp này vẫn thường xảy ra ở các trại tị nạn. Người ta tới đây không có giấy tờ gì cả, và vu cáo lẫn nhau vì ghét nhau.
Ông ta hỏi thêm người đàn ông và người vợ vài câu qua thông dịch của Nhàn rồi quyết định: - Lời yêu cầu được di cư sang Mỹ của ông và gia đình ông đã được chấp thuận.
Nhàn dịch lại và nghe lạnh buốt dọc xương sống và xây xẩm mặt mày. Adam Smith nhìn Nhàn tỏ vẻ ngạc nhiên:
- You có okay không, Nhàn?
- Vâng. Tôi okay. Xin ông cứ tiếp tục.
Nhàn gắng gượng làm việc cho đến lúc giải quyết xong hết các hồ sơ trong ngày, và đầu óc rối loạn với những ý nghĩ quanh quẩn không lối thoát. Cô đã nhận ra người tự xưng là một cựu trung úy VNCH chính là Bảy Kế, viên trưởng công an huyện Lái Thiêu bảy năm trước đã đưa cô vào trại cải tạo. Bây giờ y đi vượt biên vì lý do gì? Tỉnh ngộ? Hủ hoá? hay trà trộn vào làn sóng tị nạn ra nước ngoài làm công tác tình báo? Nhàn có nên tố giác y hay không? Và y có nhận ra "con vợ lính ngụy phản động" ngày nào không?
Đêm hôm ấy, Nhàn ngủ không yên. Nằm trên chiếc giường ghép bằng mấy tấm ván thùng trong túp lều cửa rả sơ sài nhìn ra bên ngoài trăng sáng vằng vặc, Nhàn có cảm giác sợ hãi giống như những ngày còn ở Việt Nam thường theo đuổi ám ảnh cô trong những cơn ác mộng. Nhưng đây không phải nỗi sợ hãi trong những giấc mơ. Có thật cô đã thoát khỏi móng vuốt của một guồng máy cuồng bạo? Biết đâu tên công an cũng đã nhận ra cô và sẽ tìm cách giết cô để tránh bị bại lộ tung tích? Nhìn mấy đứa trẻ đang ngủ say bên cạnh, Nhàn trằn trọc cho đến gần sáng mới chợp mắt được một lúc.
Trời vừa sáng, loa phóng thanh trong trại đã oang oang loan báo lệnh giới nghiêm, yêu cầu mọi người không được ra khỏi nhà cho đến khi có lệnh mới. Không bao lâu, tin xảy ra án mạng đã được loan truyền khắp trại. Viên công an trá hình đã bị giết chết một cách bí mật. Cái xác bị đâm nát bỏ nằm bên một bụi cây ngoài bãi biển. Cảnh sát Mã Lai đi từng nhà tìm kiếm tang vật và nghi can nhưng có lẽ cũng chỉ làm chiếu lệ nên không tìm ra manh mối gì. Tới gần trưa, lệnh giới nghiêm được giải tỏa, và đời sống trên đảo trở lại bình thường với đủ thứ tin đồn về vụ án mạng. Ai đã giết Bảy Kế? Một nạn nhân của y, hay chính một đồng chí của y được bí mật gửi ra để thi hành lệnh thanh toán một tên phản đảng? Dĩ nhiên là không ai biết rõ vì thủ phạm đã không để lại dấu vết gì.
Các chuyến rời trại đi định cư bị đình hoãn ba ngày rồi cũng lại tiêp tục. Các viên chức Mỹ không tới trại vài ngày nhưng sau đó công việc phỏng vấn người tị nạn cũng trở lại bình thường. Và Nhàn cũng trở lại với công việc thông dịch, với người khách đầu tiên là vợ của viên công an. Bà ta dắt theo hai đứa con nhỏ, và không có vẻ u buồn của một goá phụ có chồng vừa chết một cách thảm khốc.
Adam Smith chào người đàn bà bằng một câu tiếng Việt không có dấu (chao ba manh gioi) và hỏi bằng tiếng Anh:
- Bà Nguyễn Thị Lan, bà có nói được tiếng Anh?
Người đàn bà lắc đầu. Smith quay sang nói với Nhàn:
- You hỏi bà ta xem có đúng chồng bà là một công an V.C. không.
Nhàn dịch lại. Bà Lan không trả lời ngay câu hỏi, cúi đầu suy nghĩ vài giây trước khi đáp:
- Trước khi trả lời câu hỏi của ông ấy, tôi muốn xin ông ấy hứa sẽ tiếp tục cho ba mẹ con tôi đi Mỹ dù những câu trả lời của tôi ra sao.
- Tôi hứa sẽ xúc tiến thủ tục để bà và hai con đi Mỹ. - Smith gật dầu nói sau khi nghe dịch lại. - Nhưng bà phải khai đúng sự thật, không được giấu giếm gì cả.
Mặt bà Lan tươi hẳn lên:
- Vâng. Anh ta đúng là một công an Việt cộng, nhưng không phải là chồng tôi.
Sminh nhíu mày khi nghe Nhàn dịch lại và hỏi:
- Vậy thì chồng bà ở đâu và tại sao lại đi vượt biển với người đàn ông này?
- Chồng tôi là một sĩ quan Cộng Hòa. Anh ấy đã chết trong trại cải tạo. Anh công an đã lấy tên chồng tôi và đội lốt anh ấy để đưa tôi và các con tôi đi vượt biên.
Smith vò mái tóc vàng ánh trên đầu, lẩm bẩm văng tục và nói với Nhàn:
- You yêu cầu bà ta thuật lại chi tiết câu chuyện xem đầu đuôi ra sao?
- Sau khi chồng chết, tôi rất chán đời và hết sức cực khổ với hai đứa con nhỏ, không một đồng xu dính túi, và bị ép đi vùng kinh tế mới. - Bà Lan buồn rầu kể. - Rồi anh ta xuất hiện, đề nghị giúp đỡ và nói là yêu tôi. Tôi cự tuyệt vì biết anh ta là một công an. Nhưng cuối cùng tôi chấp nhận vì đã cùng đường và anh ta hứa sẽ đưa ba mẹ con tôi đi vượt biên. Anh ta nói rằng trước kia anh ta rất thù Mỹ vì vợ con anh ta đã chết vì bom Mỹ, nhưng bây giờ đã tỉnh ngộ và muốn đi Mỹ làm lại cuộc đời. Anh ta đã làm giả giấy ra trại của chồng tôi để mang theo. Tôi không muốn giúp anh ta đánh lừa người Mỹ, nhưng tôi sợ và cũng muốn được đi Mỹ.
- Bà có biết mục đích anh ta đi Mỹ làm gì không?
- Không. Có thể anh ta chỉ giả vờ yêu tôi để sang Mỹ với một công tác gì đó. Tôi cũng đã có ý định, nếu thấy có gì khả nghi tôi sẽ tố cáo.
- Tốt lắm. Khi tới Mỹ bà có bằng lòng hợp tác với FBI để điều tra thêm về vụ này?
- Vâng. Tôi bằng lòng nói hết những gì tôi biết.
- Tốt. Chúc bà may mắn trong đời sống mới tại Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ.
Bà Lan cám ơn và dắt hai đứa con đi ra. Smith quay sang nói với Nhàn:
- Tôi muốn điên cái đầu. Người Mỹ cứ tưởng rút chân được ra khỏi Việt Nam là xong mọi chuyện, là không còn liên hệ và chấm dứt nhức đầu. Nhưng nay thì mọi người mới biết là mình đã lầm.
Nhàn cười và không nói gì nhưng thầm nghĩ: "Tại sao cái dân tộc vĩ đại và hào hiệp này cứ bị nhìn như những tên ngốc?"
- You thấy việc ấy buồn cười lắm sao? - Smith hỏi.
- Không. - Nhàn vội chữa. - Tôi vừa nhớ tới lời đồn loan truyền ở Việt Nam rằng người Mỹ rút khỏi nước chúng tôi là muốn để dân Việt Nam nếm mùi cộng sản để sẽ... trở lại đánh cho dễ.
Mặt Smith ngớ ra và hình như văng tục thầm trong họng.
Những lúc không làm việc tại phòng phỏng vấn, thỉnh thoảng Nhàn tới thăm những người đồng hành sống sót trong chuyến vượt biên. Mười bốn người. Không gia đình nào còn nguyên vẹn, trừ chủ tàu. Vì vậy, Lê Sang bị tố cáo là co chỗ giấu nước ngọt và lương thực bí mật trên tàu khiến y phải mòn lưỡi thanh minh nhưng vẫn bị nhìn một cách ác cảm. Người ta ghét y và ghét chiếc tàu xui xẻo của y. Nhàn là người duy nhất tới thăm Lê Sang.
- Thật tầm bậy hết sức. - Lê Sang phân bua với Nhàn. - Tôi cũng đã nằm mê man chờ chết như mọi người, có biết trời đất gì đâu. Mấy chục cây vàng bà con góp cho tôi cũng bị đốt tiêu với tàu. Vậy mà còn có người tố cáo với Cao uỷ Tị nạn khiến tôi bị điều tra, hỏi tới hỏi lui. Nếu "họ" để cho sống thì chẳng ai đi làm gì. Qua đến đây, ai cũng khổ cả mà còn không thương nhau. Tôi nhờ trời thương nên còn đủ gia đình chớ có hơn gì ai đâu?
Vậy ra "trời" ghét những người đã chết? Nhàn nghĩ thầm. Và cô không tin có một đấng chí công nào trong cuộc sống của loài người trên mặt đất này. Kẻ ác vẫn sống để tiếp tục gây tội và người tốt vẫn tiếp tục chết. Cô thường nhìn ra biển khơi tự hỏi bao nhiêu người đã bỏ mình trên đường chạy trốn những kẻ ác và đến bao giờ bi kịch này mới chấm dứt, kẻ ác mới bị trừng phạt? Nếu có một đấng tối cao chí công, Người đang ở đâu?
Trong những ngày lênh đênh trên biển khơi, Nhàn có dịp thấy rõ con người xa cách thượng đế hơn bao giờ và cũng đã cầu nguyện thượng đế hơn bao giờ, vì đã tuyệt vọng và không còn biết nương dựa vào đâu. Giờ đây, sống trong một trại tị nạn, Nhàn tiếp tục cầu cầu trời khấn Phật hàng đêm, dù không có đức tin. Tương lai trước mắt là một bầu trời tự do nhưng cũng đầy thử thách và bất trắc.
Nhàn đã nạp đơn xin định cư tại Hoa Kỳ cùng với hai con và Phượng mà cô khai là con nuôi, và chờ đợi để được phỏng vấn. Nhàn hy vọng sẽ được nhận nhưng chắc sẽ phải chờ đợi lâu vì không có người bảo trợ. Các cơ quan thiện nguyện sẽ phải tìm người bảo trợ.
Hôm được gọi lên phỏng vấn, cũng như mọi người tị nạn, Nhàn vui mừng pha lẫn hồi hộp nhưng hơi bất bình khi được hỏi một câu mà mọi người tị nạn phải trả lời: "Lý do bỏ nước ra đi? Bị đàn áp à? Đàn áp như thế nào?"
- Thưa ông Smith, chắc ông biết rất rõ rằng mọi con người sống dưới một chế độ cộng sản đều bị tước bỏ nhân quyền, đều bị đàn áp, nếu người ấy muốn sống đúng nghĩa một con người. - Nhàn trả lời thẳng Adam Smith bằng tiếng Anh. - Đó là lý do chúng tôi đã liều mạng ra đi và cũng là lý do trước đây nước Mỹ đã can thiệp vào cuộc chiến tranh Việt Nam.
Adam Smith kiên nhẫn lắng nghe và ôn tồn trả lời:
- Tôi đồng ý với you, thưa cô Phan. Nhưng, luật là luật. Chúng tôi chỉ có thể nhận một người vào nước Mỹ với tư cách tị nạn chính trị khi người ấy chứng minh được bị ngược đãi và sẽ gặp nguy hiểm khi trở về.
- O.K. Thưa ông Smith. Tôi đã bị bắt đi cải tạo hai năm vì tội phản động. Tài sản, nhà cửa bị tịch thu, tôi sống không giấy tờ như một kẻ bị lưu đày trên chính quê hương của tôi.
- You có con với một quân nhân Mỹ sao không chờ xin đi hợp pháp mà lại chọn con đường nguy hiểm này? You có nghe về chương trình con lai Mỹ đang khởi đầu ở Việt Nam không?
- Tôi có nghe nói nhưng tôi không tin, và cũng không hy vọng gì sẽ được cho đi nếu chương trình ấy có thật.
Adam Smith lấy trong hồ sô ra một tờ giấy và hỏi:
- You có quen ai tên Xuân Tran ở Mỹ không?
Nhàn ngạc nhiên đáp:
- Tôi có một người bạn thân tên như vậy và đã mất liên lạc từ năm 1975. Có chuyện gì vậy, thưa ông Smith?
- Bà Tran gửi thư cho tòa Đại sứ Hoa Kỳ ở Kuala Lumpur xin bảo trợ gia đình you vào Mỹ.
Cái tin bất ngờ làm Nhàn nghẹn lời vì xúc động và vui mừng. Nhàn xúc động vì tình bạn chung thuỷ của Xuân nhưng không khỏi thắc mắc làm cách nào Xuân biết cô đang ở Bidong.
Adam Smith đưa tời giấy đang cầm trên tay cho Nhàn và nói:
- Chắc you lấy làm lạ tại sao bà Tran biết you đang ở đây? Không phải một mình bà Tran mà cả thế giới đã biết về câu chuyện vượt biển của you.
Adam lại lấy trong xấp hồ sơ ra bản chụp một bài báo đưa cho Nhàn. Bài phóng sự của Jimmy Walker về cuộc vượt biên của Nhàn, kèm với mấy tấm hình trong đó có tấm "Đôi mắt của một thuyền nhân Việt Nam". Nhàn đọc qua rất nhanh và trả bài báo lại cho Smith:
- Cám ơn ông.
Adam Smith gấp lại xấp hồ sơ và nói:
- You và các con được nhận cho định cư tại Mỹ như những người tị nạn chính trị và do bà Xuân Tran bảo trợ. - Ông ta quay sang Lisa mỉm cười thân mật - Lisa, nước Mỹ welcome you.
- Thanh you very much for your help and your kindness. - Lisa bạo dạn nói.
Việc làm của Xuân là một phần thưởng của tình bạn giữa hai người, và mấy ngày sau, Nhàn lại nhận được một tin mừng khác. Mỗi buổi chiều, Lisa vẫn kiên nhẫn đi dò danh sách những người có thư và cuối cùng Nhàn cũng có thư.
Lisa chạy về, vừa thở vừa mừng như bắt được vàng:
- Mẹ có thư! Mẹ có thư! Con đã nói mà, thế nào mình cũng có thư.
Không phải chỉ có thư mà còn kèm ngân phiếu 100 Mỹ kim của Hùng, người anh lớn của Nhàn, cũng nhờ bài báo của Jimmy Walker mà biết em gái và các con đã tới Bidong.
"Em Tư,
Anh vừa đọc bài báo viết về chuyến vượt biển hãi hùng của gia đình em. Anh thương em nhiều lắm, nhất là về cái chết thảm thương của chồng em. Cầu mong em có đủ nghị lực để vượt qua gian đoạn khó khăn này. Nhận được thư này, trả lời cho anh ngay để anh làm thủ tục bảo lãnh gia đình em.
Từ ngày rời Việt Nam, anh tìm mọi cách liên lạc và gửi nhiều thư về nhà nhưng đều không được hồi âm nên không biết tin tức gì về ba má và các em.
Vài hàng để em biết tin. Thư sau sẽ viết dài.
Anh Hai,
Phan Văn Hùng"
Nhàn đọc đi đọc lại lá thư ngắn của Hùng và thắc mắc không thấy anh nhắc gì đến Trí, người em trai cũng rời nước vào ngày 30-4-1975. Trí đang ở đâu? Có đi thoát được không? Có thể Hùng không nói gì đến Trí vì viết vội để gửi cho Nhàn.
Lá thư của Hùng nhận được ở trại tị nạn đã như một luồng nước ấm chuyển vào tâm hồn đang bị ướp lạnh của Nhàn. Hình ảnh của người anh hiện ra rõ rệt trong óc cô cùng với những người thân khác trong gia đình và những biến cố đã xảy đến trong sáu năm qua từ ngày chiến tranh chấm dứt. Cô bị tràn ngập bởi những cảm xúc, vừa yêu thương ngọt ngào, vừa phẫn uất sục sôi. Tối hôm ấy, trời đổ mưa lớn. Sấm sét liên hồi, sóng biển rì rầm hòa lẫn tiếng mưa như thác đổ càng làm cho tâm hồn Nhàn bị lay động mạnh. Các con đã ngủ, cô ngồi trước ngọn đèn dầu leo lét trên chiếc bàn gỗ ọp ẹp viết cho Hùng lá thư dài, kể hết chuyện nhà. Sau đó, cô loay hoay ghi lên giấy những dòng thơ từ trong tim tuôn ra, không gọt dũa vần điệu, trong khi hình ảnh những người thân đã chết lần lượt hiện ra qua làn nước mắt:
Hoà Bình!
Hòa Bình cho Việt Nam!
Thế giới hò hét trên đường phố
Nhân loại thắp nến nguyện cầu...
Việt Nam bắn giết đã quá lâu
Máu chảy ngập ruộng sâu
Xương đã chất thành núi
"Xin cho hòa bình một cơ hội"(1)
Cho dân Việt không còn bắn giết nhau
Cho "trẻ em đi hát đồng dao ngoài đường"(2)
Và chiến tranh đã chấm dứt
Bằng chiến thắng của xe tăng Nga Cộng
Của gông cùm nhân danh giải phóng
Từ ngày ấy
Hàng vạn xác chết
Tràn ngập ruộng đồng
Dưới sông
Trên lộ
Trong lòng Biển Đông...
Xác chết của những người chạy trốn
Cái gọi là hòa bình.
Hòa bình rồi!
Việt Nam biến thành một nhà tù lớn
Với hàng ngàn nhà tù nhỏ
Giam nhốt những con người chưa tiến bộ
Cần cải tạo thành những món đồ công cụ.
Hòa bình rồi!
John Lenon không còn đòi cơ hội
Cây đàn ghi-ta đồng loã nằm im
Người nghệ sĩ đánh mất con tim
Mặc cho dân Việt Nam rên siết
Hippies, phản chiến thôi xuống đường la hét.
Hòa bình rồi!
Người Việt Nam vẫn còn tiếp tục bắn giết nhau
Trẻ em không đi hát đồng dao
Chúng lang thang trên những bãi đổ rác
Bụng đói, miệng khát
Chúng làm đĩ ở tuổi mười ba
Ma cô mười bốn
Trịnh Công Sơn tiếp tục sáng tác
"Em ra đi nơi này vẫn thế"...
Có thật Việt Nam đã hòa bình?...
________________
(1) "Give Peace a Chance", nhạc John Lenon, The Beatles.
(2) Nhạc Trịnh Công Sơn