Chương 32
Tác giả: Tào Đình
Đưa em vào bệnh viện làm thủ tục kiểm tra toàn phần. Chân phải và xương cổ bị gãy tương đối nghiêm trọng, chấn thương sọ não nhẹ, còn may không nguy hiểm đến tính mạng. Khi nhận được kết quả, tôi thở phào. Tôi nghĩ rằng ông trời cũng linh thiêng nghe thấu lời cầu khấn của tôi. Trên đường đến bệnh viện, tôi luôn miệng lẩm bẩm nếu Mai Mai có mệnh hệ nào thì đều do thằng anh trai vô tích sự này.
Ngày hôm sau mẹ đã có mặt tại bệnh viện. Người cha bốn năm không gặp cũng bất ngờ xuất hiện. Nghe nói không nguy hiểm lắm, ông thở phào nhẹ nhõm. Mẹ khóc sướt mướt bên cạnh Mai Mai chưa tỉnh sau phẫu thuật. Mẹ ngồi đó khóc, bịt chặt miệng không để bật ra tiếng, mắt đẫm nước, đăm đăm nhìn con gái. Tôi bảo: “Mẹ mệt rồi, về nghỉ đi để con trông em”.
Nghe tiếng tôi, mẹ dường như sực tỉnh, cố hạ giọng, khe khẽ mắng tôi: “Con làm anh thế nào vậy? Mai Mai dễ bảo như thế mà con vẫn không trông nom cho tốt, sau này còn làm được trò trống gì?”.
Tôi cúi đầu không nói, mặc cho mẹ mắng.
“Mẹ, chuyện đã thế sao đã trách anh?”. An An thấy bất bình, lên tiếng bênh vực tôi.
“Mẹ nói đúng, lúc đó con đã không trông em, mới để nó bị xe đâm”. Tôi nói thực, nếu lúc đó tôi không nghĩ đến Hồ Khả thì em gái nhất định không xảy ra chuyện.
Mẹ nghe An An nói vậy, nước mắt lại ứa ra, lát sau lại bật khóc thành tiếng.
“Ông trời vẫn chưa chịu tha cho nó, ông trời vẫn chưa chịu tha cho nó!”. Mẹ rên rỉ: “Nó đã phải chịu bao nhiêu đau khổ. Bao giờ con tôi mới hết khổ?”.
Mẹ lắc đầu, xúc động. An An đứng bên ôm mẹ. Tôi nhăn nhó: “Con về nhà lấy ít đồ”, rồi đi ra. Lúc ra ngoài, tôi thấy bố ngồi trên ghế đợi ở hành lang hút thuốc, bên cạnh là hộp thuốc nhãn hiệu rẻ tiền - loại thuốc bọn con trai trong trường không thèm dùng từ lâu.
Bố rít hết hơi này đến hơi khác. Hai hàng lông mày chau lại. Tôi nhìn thấy gương mặt đầy nếp nhăn của bố, nếp nhăn hằn sâu như dao khắc. Người khắc nên những nếp ránh sâu ấy đó là ba anh em chúng tôi? Hồi nhỏ, chính tôi là đứa cầm đầu rêu rao: cha không yêu chúng tôi, cha lầm lỳ không bao giờ chiều chúng tôi.
“Con về nhà đây!”. Từ nhỏ tôi luôn sợ bố, lúc lớn lên lại xa cách đến mức không biết nói gì với nhau.
“Ờ”, bố ngẩng đầu nhìn tôi, khuôn mặt gầy gò chỉ có da bọc xương, rồi lại cúi đầu, lặng lẽ hút.
Tôi cũng không biết nói gì, quay người đi; khi ngang qua tầng trệt, tôi khẽ cúi đầu, liếc nhìn về phía ông.
Lúc đó đã sáu giờ sáng, trọn một đêm không ngủ khiến tôi mệt rã rời. Tai vẫn vang lên tiếng kêu khóc và lời than vãn của mẹ. Trông đầu vẫn là hình ảnh cha tôi gầy gò, lặng lẽ hút thuốc trên hành lang bệnh viện, loại thuốc lá rẻ tiền.
Người mẹ bất lực nhìn đứa con gái tội nghiệp đang phải chịu đau đơn, khao khát được bảo vẹ nó mà không thể; điều duy nhất có thể làm là khóc. Bao giờ ông trời mới thôi hành hạ con bà? Người cha, suốt đời cực nhọc, nuôi ba đứa con, lặng lẽ yêu thương chúng. Cái cau mày là biểu hiện duy nhất cho tình yêu, nỗi xót xa của ông với con gái.
Mọi người bắt đầu một ngày bận rộn cùng với cái rét buốt thấu xương của buổi sáng mùa đông. Răng toi va vào nhau cầm cập, tôi mua cho mình một cái quẩy nóng ăn chống rét. Tôi biết về nhà không còn có ai lấy nước nóng cho tôi rửa chân như thường ngày nữa.
Đun ấm nước, tắm xong, thấy người dễ chịu đôi chút, tôi lên giường ngủ. Lúc này trời đã sáng, mọi người bắt đầu đi làm. Nằm trên giường chờ giấc ngủ đến, nghĩ lại sự việc đêm qua, tôi hối hận, khổ tâm vô cùng.
Tối qua, cô em gái câm của tôi suýt bị xe đâm chết. Hôm nay mọi người vẫn đi lại qua vũng máu đó, có ai còn nhớ chuyện đêm qua!
Tỉnh giấc, đã là buổi trưa. An An gọi điện nói tình trạng của Mai Mai không ổn, có thể phải nằm viện lâu dài, bảo tôi mang bút, giấy và hộp màu đến.
Bước vào phòng của Mai Mai, thoảng mùi hoa hồng. Phòng Mai Mai không có sự bừa bộn của những người làm nghệ thuật mà luôn sạch sẽ, gọn gàng như chính con người nó, tôi lục tìm bút màu và những thứ cần cho việc vẽ…mới thấy mình chưa quan tâm đến em mấy, không biết nó để đồ ở đâu?
Nhớ lại mấy năm nay, toàn là Mai Mai chăm sóc tôi, nhớ nhất là bóc trứng, lớn hơn là giặt quần áo, nấu ăn. Tôi đứng trong căn phòng đầy dấu ấn của em gái, không biết làm gì, hối hận vì sự vô tâm của mình.
Lật tìm trong tập Mặt trời, tôi nghĩ nó vẽ nhiều mặt trời như vậy, chắc gửi gắm niềm tin, hy vọng trong đó. Niềm tin của nó là gì? Nó muốn gửi gắm điều gì vào những bức họa mặt trời.
Vô tình tôi chú ý đến một bức họa chưa hoàn chỉnh, phác thảo phần đầu của một người đàn ông. Nhìn phác thảo mái tóc, vài nét trên khuôn mặt, tôi nhận ngay ra đó chính là tôi. Mai Mai rất ít vẽ người. Tôi cầm bức họa vẽ dở của Mai Mai, ngắm nghía hồi lâu, cảm thấy vui vui, em gái đúng là có tài vẽ bẩm sinh, chỉ mấy nét bút mà bức họa đã rất có hồn.
Lật phía sau, tôi giật mình khi đọc thấy dòng chữ: “Dương Dương sẽ kết hôn với mình!”.
Đây là nét chữ của Mai Mai. Tôi sững sờ, không hiểu. Mấy chữ rõ ràng, không to không nhỏ này viết cho ai? Chữ không thẳng hàng, nét bút xiêu vẹo, có thể thấy người viết rất vội vã.
Tôi nhìn hàng chữ lộn xộn đó, không thể nào kìm chế được sự bối rối, bàng hoàng. Một ý nghĩ loé lên từ tư duy hỗn loạn của tôi - Mai Mai thích tôi.
Mai Mai thích tôi, cái sự thích không chứa đựng bất kỳ chút tình ruột thịt? Theo cách nói của nó là “yêu”! Mai Mai dùng một chữ mà tôi không định nghĩa được – yêu! Tôi cầm bức tranh, lòng nặng trĩu, mồ hôi đầm đìa giữa buổi sáng mùa đông.
Tôi cứ nhìn mãi vào mấy chữ đó, cố hiểu ý nghĩa của nó, hy vọng từ đó có thể tìm thấy bóng dáng tình ruột thịt, nhưng thất vọng. Tôi lại cố nghĩ, có phải tôi làm điều không đúng để Mai Mai hiểu lầm, nhưng không nghĩ ra. Thận trọng gấp bức họa bỏ vào túi. Tôi nghĩ có phải tôi giấu bức tranh đi thì sẽ che lập được nỗi lòng Mai Mai? Một bức tranh không lớn nhưng trĩu nặng trong túi tôi là tội lỗi của ai? Tôi không biết sẽ phải thế nào, tôi là anh trai!
Mẹ gọi điện hỏi sao vẫn chưa mang đồ vào. Tôi nói ngủ quên. Mẹ phàn nàn mấy câu rồi gác máy.
Khi ra khỏi nhà, trời mưa nhỏ, nhiệt độ lại xuống thấp. Trời u ám, không có mặt trời, trong lòng tôi nặng trĩu như bị đám mây đen kịt trên trời đè lên.
Đến bệnh viện. Mai Mai đã tỉnh, thuốc mê vừa hết tác dụng, vết thương bắt đầu nhức nhối. Mai Mai cau mày, mặt co rúm nghe mẹ truy hỏi những câu vô dụng: “Đau chỗ nào? Có đói không? Có muốn ăn gì không để mẹ bảo em đi mua? Có rét không để mẹ lấy thêm áo? Nào, để mẹ kê gối cho con”.
Ngoài hành lang không có ai, tôi đoán bố đã về quê.
Mẹ hỏi luôn mồm, Mai Mai không đáp, An An lặng lẽ làm việc này việc khác. Thấy tôi, mọi người đều thở phào.
“Dương Dương đã đến! Để em con mong mãi”. Mẹ âu yếm vuốt trán Mai Mai.
“Anh đến rồi, anh đến là tốt”. An An nói như trút được gánh nặng.
Tôi nhìn Mai Mai, khuôn mặt tái xanh đã chuyển sang phớt hồng, và càng hồng hơn do câu nói của mẹ, ánh mắt sóng sánh, má môi hồng tươi, Mai Mai quả là một thiếu nữ rất đẹp, ngay cả khi nó nằm trên giường bệnh, vẻ yếu ớt bệnh tật làm nụ cười dường như càng thêm quyến rũ, mê hồn. Nó cười như mặt trời trên đỉnh núi tuyết tỏa ra những tia nắng ấm áp. Mùa đông Trùng Khánh hiếm khi thấy mặt trời. Nhưng trong phòng Mai Mai có rất nhiều, từng vầng, từng vầng, rực rỡ, chói loà, đó là ánh sáng chỉ Mai Mai bắt được. Tôi nghĩ, có phải Mai Mai đã thả mặt trời ra khiến căn phòng ấm áp như một ngày nắng đỏ tháng Giêng?
Tay để trong túi, tôi nhẹ nhàng hỏi thăm: “Mai Mai đỡ chưa?”. Tôi biết trong túi có gì - có tình cảm bệnh hoạn của nó.
Mai Mai gật đầu cười, nhìn tôi, ánh mắt bình thản như mọi ngày. Tôi định vuốt trán nó như mọi khi, giống mẹ vẫn làm, nhưng lại rụt tay về, giấu trong túi quần, bàn tay chạm vào bức họa. Tôi có cảm giác cái nhìn của Mai Mai hướng vào tôi không hoàn toàn là tình ruột thịt thuần tuý.
Ăn xong cơm tôi phải về trường, ánh mắt lưu luyến của Mai Mai làm mẹ đau lòng, mẹ bảo tôi xin nghỉ học vài hôm chăm em. Tôi nhìn em gái, ánh mắt lưu luyến cố hữu của nó luôn khiến tôi se lòng, giờ đây làm tôi bối rối.
“Không được mẹ ạ, ở trường còn có nhiều việc, ngày mai con sẽ đến thăm em”. Nói xong, tôi vội vàng bỏ đi, như người chạy trốn.
Chân bước trên đường phố Trùng Khánh, lòng tôi vẫn chưa thể bình tĩnh lại. Nhìn người ta từng đôi, từng đôi sánh bước, dựa vào nhau, sưởi ấm cho nhau, tôi một mình cất bước, thầm nghĩ có nên giữ lại bức hoạ. Tôi cầm gọn nó trong tay, nóng bỏng! Đó vừa là bức hoạ anh trai được em gái vẽ với bao thương mến, vừa là bằng chứng vẽ một tình yêu loạn luận, bệnh hoạn.
Tôi đang định ném vào thùng rác thì một giọng nói quen thuộc vang lên từ phía sau: “Trời mưa lại quên không mang ô?”. Một khoảng trời không mưa với ánh sáng màu hồng nhạt: Hồ Khả đội ô đứng đấy.
Trong suốt cuộc đời tôi, có hai hình ảnh về nàng, mà chắc chắn, tôi sẽ lưu giữ mãi mãi. Một là hình ảnh nàng cùng tôi che chung cái ô trong một ngày mưa đầu hạ khi chúng tôi mới làm quen. Lúc đó nàng xinh đẹp, lạ lẫm, thân hình tuyệt đẹp, nụ cười bẽn lẽn mê hồn bởi lời khen nịnh thực thà của tôi. Hoa khôi của khoa tiếng Anh không ngần ngại đi chung ô với gã trai lạ là tôi. Mặc dù lúc ấy chúng tôi đều ướt như chuột lột nhưng quả thực trong tôi như có nốt nhạc ngân vang, tôi như đi trong mơ. Hình ảnh thứ hai là Hồ Khả hiện tại, che một cái ô màu hồng nhạt, tạo cho tôi một khoảnh ấm màu hồng. Nếu lần đầu gặp nhau tôi ngơ ngẩn thì bây giờ, tôi như mất hồn.
Cho nên về sau, thỉnh thoảng nhớ lại mối tình sinh viên ấy, tôi đều nhớ đến mùa hè và những cơn mưa mát mẻ, trong lành.
Bây giờ, tôi đang bị ngấm mưa trong một trận mưa mùa đông. Tôi thẫn thờ, chơi vơi, lòng lạnh giá. Hồ Khả đã lặng lẽ mang một cái ô hồng ấm áp đến bên tôi thật đúng lúc. Bên cạnh nàng, tôi luôn cảm thấy thanh thản, bình yên.
Lại là hình ảnh ngày trước! Chúng tôi được màn mưa bao bọc, Hồ Khả xinh đẹp và tôi đều ướt lướt thướt, chỉ có bây giờ tôi không nói, Hồ Khả không cười.
“Lại muốn cảm lạnh hả?”. Hồ Khả nói, đưa ô cho tôi.
Tôi nhìn nàng, người đã từng nũng nịu trong lòng tôi. Lần đầu tiên nàng gọi tôi là chồng, dẫu cũng là do tôi ép, nàng xấu hổ đỏ mặt. Về sau, nàng gọi hai từ đó bằng đủ mọi giọng điệu - nũng nịu, đe doạ, càu nhàu…
Tôi mơ ước bây giờ Hồ Khả gọi tôi một tiếng “chồng” như xưa, lao vào lòng tôi, khóc lóc, kể lể nỗi đau khổ, oan ức của nàng. Tôi sẽ cảm kích, vui mừng, sẽ tha thứ cho sơ suất của nàng hôm đó.
Hồ Khả mấp máy môi: “Sau khi tốt nghiệp, tôi sẽ lấy chồng”.
Tôi kinh ngạc hỏi: “Em nói gì?”.
“Tôi sắp lấy chồng!”.
Nghe nàng, khẳng định lại lần nữa, tôi choáng váng. Người thiếu nữ tôi yêu, với tư cách là người yêu cũ của tôi, thản nhiên thông báo với tôi, nàng sắp lấy chồng.