Thu Giang Nguyễn Duy Cần
31. Ham Sống
Tác giả: Thu Giang Nguyễn Duy Cần
Một vì vua xứ Syrie nhận thấy ở trận tiền có một người lính rất can đảm, lúc nào cũng sung vào những chỗ muôn ngàn nguy hiểm.
Nhà vua bèn gọi tên lính đó ban khen và ngạc nhiên thấy y gầy yếu xanh xao lắm. Người lính thú thật rằng y có một bệnh nan y, nên không được khỏe mạnh.
Nhà vua bèn ra lệnh cho các viên thầy thuốc chăm nom, chữa chạy cho người lính và truyền phải tìm mọi cách để cứu sống một chiến sĩ can đảm phi thường. Các viên thầy thuốc tuân theo và trị lành được bệnh cho người lính. Nhưng, khỏe rồi, người lính lại mất hết nhuệ khí, và từ đó, y không còn can đảm tả xông hữu đột ở chốn chiến trường như trước nữa.
Nhà vua gọi y đến, và lần này thì quở trách y đã bội bạc với công ơn của cấp trên, không ăn ở xứng đáng lòng tốt của bao nhiêu người đối với y. Người lính cứ thành thật mà tâu lên:
- Muôn tâu Bệ hạ, là chính lòng tốt của Bệ hạ đã làm cho hạ thần mất nhuệ khí.
- Sao lại thế được?
- Chính vì Bệ hạ sai trị cho hạ thần khỏi bệnh thành ra hạ thần ham sống.
Lời bàn:
Ham sống, sợ chết là cái bản năng tự vệ của con người. Nhưng nếu có kẻ không ham sống, không sợ chết, kẻ ấy phải là người trên loài người, đáng cho người thán phục.
Tuy nhiên, cũng có những trường hợp đặc biệt mà người ta được xưng tụng lá anh hùng, chỉ vì chán đời không thiết sống nữa, như trường hợp anh lính chiến trên đây. Việc này đã xảy ra hằng ngày, không lấy gì làm lạ cả
Phần u mặc của câu chuyện trên đây là cái việc anh ta từ một kẻ "anh hùng" lại biến thành nhát nhúa. Thì té ra vì anh ta được chữa bệnh nan y mà đâm ra thèm sống. Có thèm sống mới sinh ra hèn nhát: "Bởi Bệ hạ sai trị cho hạ thần khỏi bệnh nên hạ thần ham sống".
Thảo nào từ xưa đến nay phần đông những kẻ giàu sang khó thành những bậc "anh hùng"! Và cũng đừng dồn người dân đến bước đường cùng đến họ không còn sợ chết nữa. Họ mà trở thành những "đấng anh hùng bất đắc dĩ" thì nguy cho xã hội. Lão Tử bảo: "Dân chi úy tử, nại hà dĩ tử cụ chi: (Dân không sợ chết, làm sao lấy cái chết mà dọa họ)
Trong những chế độ hà khắc bạo ngược hay dùng đến cực hình, dân chúng thường ngày sống trong cảnh không có ngày mai. Thét rồi! Họ không còn sợ chết nữa. Dân mà không còn sợ chết nữa, thì dùng cái chết mà dọa, có ích gì? Các nhà xã hội ngày nay cũng chứng nhận rằng: Cực hình càng tăng, số tội ác càng thêm! Nhà lập pháp và hành chánh cần xét lại vấn này.