32. Suối Hoa Đào
Tác giả: Thu Giang Nguyễn Duy Cần
Vào khoảng chiều Thái Nguyên đời Tấn, có một người ở Vũ Lăng làm nghề đánh cá, theo dòng khe mà đi, quên mất đường xa gần. Bỗng gặp một rừng hoa đào mọc sát bờ mấy trăm thước, không xen loại cây nào khác. Cỏ thơm tươi đẹp, hoa rụng rực rỡ.
Người đánh cá lấy làm lạ, tiến thêm vào trong, muốn đến cuối khu rừng. Rừng hết thì suối hiện và thấy một ngọn núi. Núi có hang nhỏ, mờ mờ như có ánh sáng. Bèn rời thuyền, theo cửa hang mà vô.
Mới đầu hang rất đẹp, chỉ vừa lọt một người thôi. Vô vài chục bước, hang mở rộng ra, sáng sủa. Đất bằng phẳng trống trải, nhà cửa tề chỉnh, có ruộng tốt, ao đẹp, có loại dâu, loại cúc. Những đường bờ ruộng dọc ngang thông nhau, tiếng gà tiếng chó tiếp nhau. Trong đó những người đi lại làm lụng.
Đàn ông đàn bà ăn mặc đều giống người bên ngoài, từ những người già tóc bạc đến những đứa trẻ con để trái đào, đều hân hoan tự thích.
Họ thấy người đánh cá hết sức ngạc nhiên, hỏi đâu mới đến. Người đánh cá kể lễ đầu đuôi. Họ bèn mời về nhà, bày rượu, mổ gà thết đãi. Người trong xóm nghe tin, đều lại thăm hỏi. Họ bảo tổ tiên trốn loạn đời Tần, dắt vợ con và người trong ấp lại chỗ hiểm trở xa xôi này, rồi không trở ra nữa. Từ đó tách biệt hẳn với ngừơi ngoài. Họ lại hỏi, bây giờ là đời nào, vì họ không biết có đời Hán nữa, nói chi đến đời Ngụy, đời Tần.
Người đánh cá nhất thiết kể lại sự tình. Họ nghe rồi, đau xót, than thở. Những người đứng bên đều mời về nhà mình chơi. Ở lại chơi vài ngày, rồi từ biệt ra về. Trong bọn có người dặn: "Đừng kể lại cho người ngoài hay biết làm gì cả!".
Ông Lưu tử Kỳ là một bậc cao sĩ nước Nam Dương, nghe kể chuyện, hân hoan tự đi tìm nơi đó. Nhưng chưa tìm ra, thì mắc bệnh mà chết. Từ đó, không còn ai hỏi thăm đường đến đó nữa.
Lời bàn:
Toàn bài, ngọn bút tả cảnh của họ Đào chập chờn hư hư thực thực, hết sức nhẹ nhàng.
Một bình giả luận về bài văn trên đây có viết: "Có lẽ tác giả chán đời, tưởng tượng một xứ cực lạc theo kiểu Lão Tử..." Rõ là mồm mép của một hạng nhà nho lỗi thời... Nói thế là chưa hiểu gì về Lão Tử!
Đây là u mặc dựng lên một cách thi vị để đùa cợt cái xã hội giả tạo, náo loạn nơi ngàn xưa. Lấy cái thị kiến nhị nguyên thì làm gì hiểu nổi huyền nghĩ tế nhị của bài văn này...
Hay nhất là đoạn chót. Khi người đánh định từ biệt ra về, có người rỉ tai căn dặn: "Đừng kể lại cho người ngoài hay biết gì cả!"
U mặc tế nhị làm sao! Họ đã lo xa, nhưng cũng không khỏi có người cho họ là bọn "chán đời"... May nhất là khi có bậc cao sĩ họ Lưu vì "đồng khí tương cầu" hân hoan đi tìm, nhưng lại mắc bệnh mà chết". Và "từ đó, không còn một ai hỏi thăm đường đến đó nữa"!
Câu văn tuy đã châm dứt, mà dư âm vẫn còn phản phất như khói như mây: Đó là điểm chấm hư vô tuyệt kỷ của văn u mắc thượng thừa...