ĂN TẾT – PHIẾM ĐÀM VỀ CÁI SỰ ĂN!
Tác giả: Trần Huy Thuận
Đối với động vật và thực vật, ăn là để tồn tại và phát triển. Không ăn thì…”Thánh cũng không sống nổi!”. Cây cỏ cũng phải ăn, cho dù thức ăn là đất, là phân – Vậy hiển nhiên: “Ăn để mà sống” rồi! Ấy thế mà vẫn có người nói “sống để mà ăn!”. Đúng, sai thế nào, đến nay, cuộc tranh luận vẫn chưa ngã ngũ.
Ăn tưởng là việc đơn giản, ấy vậy mà phải học đấy. Người xưa dậy rồi: Miếng ăn được coi là “ngọc thực”, nhưng cũng có khi là “miếng nhục”! Ăn uống phải cho đàng hoàng, không nhai nhồm nhoàm, càng không “phùng mạng trợn má” ăn lấy được. Phải chín chắn ngay cả trong việc ăn, đừng có “ăn sổi ở thì”, “ăn không nghĩ đến ngày mai”. Có kẻ “ăn hoang phá hại”; lại có người có tiền có của đấy, nhưng vẫn ăn dè ăn sẻn, dành dụm phòng lúc khó khăn. Con trẻ lên hai lên ba “háu ăn” thì cha mẹ, ông bà ai cũng mừng; nhưng thành người lớn rồi, mà trông thấy miếng ăn, mắt cứ “hau háu” thì xấu lắm! Miếng ăn còn phải sạch sẽ, “ăn chín uống sôi”, chớ “ăn sống ăn sít”. Có kẻ “ăn như mèo ăn”, nhưng cũng có người “ăn hùng hục như hổ đói”. Có người mời “gẫy đũa, gẫy bát” không chịu ăn; nhưng có kẻ cứ thấy đâu có ăn là sa vào liền, “tự nhiên như ruồi”! Bên cạnh người “phàm ăn”, bạ gì cũng ăn; thì cũng có kẻ “kén cá chọn canh”. Có người khi ăn cũng luôn nghĩ đến người khác: “ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, thấy nồi cơm đã vơi, thì dẫu bụng còn đói, vẫn hạ bát “vô phép các cụ, cháu ăn đủ rồi ạ!”; nhưng cũng không ít kẻ mặc thiên hạ, cứ một mình “chén tì tì”, “chén thủng nồi trôi rế”… “Ăn” cũng có nhiều cách: lịch sự thì gọi là “xơi” (“Kính mời cụ xơi cơm”), cùng trang lứa thì có thể nói là “nhậu”, là “đánh chén”. Không lịch sự thì có nhiều cách gọi lắm: nào là “hốc” “nhồi”, “tọng”. Ví dụ: “Hốc (hoặc nhồi, tọng) cho lắm vào!”; là “gặm” , “liếm”, “đớp” – ba từ này bắt chước động thái ăn của loài chó! Ví dụ: “Tiền trợ cấp các gia đình khó khăn, bị các “quan” địa phương nọ gặm (hoặc liếm, đớp) tới quá nửa!”,…– Tất thảy đều do tính cách, đạo đức, lối sống con người tạo nên cả.
Lại có cả cảnh “kẻ ăn không hết, người lần không ra” nữa. Một gia đình nông dân, suất ăn hàng ngày chỉ đáng mươi ngàn đồng Việt Nam; ấy vậy mà có những “đại gia” sang Căm-Pu-Chia đánh bạc, mất một lúc vài chục ngàn đô la Mỹ, vẫn thản nhiên tiếp tục đi chơi… gái để giải hạn!
“Ăn”, cũng có sự phân biệt đẳng cấp đấy: Cùng ăn chung một bữa tiệc, vậy mà nhiều khi vẫn có kẻ “ăn trên ngồi trốc” – mâm của người thường gọi là “đại trà”, mâm của kẻ quyền chức, gọi là “vip”. Thế cho nên đã từng xẩy ra chuyện, có thực khách đã xô ghế, văng tục bỏ về, khi phát hiện ra mình bị xếp ngồi mâm đại trà – “một miếng giữa làng” mà!
Cũng gọi là “Ăn”, nhưng lại không hề … nhai bằng răng. Không dùng răng nên ăn rất khỏe, rắn mấy cũng ăn, to mấy cũng ăn. Đó là cách dân chúng “hình tượng hóa” cái tệ nhận hối lộ. Kiểu ăn này thì diễn ra quanh năm, nhưng sôi nổi nhất, táo tợn nhất, vẫn là dịp Tết, từ Tết Tây đến Tết Ta. Kinh tế suy thoái ở đâu, chứ không thấy ở cái kiểu “ăn” này! Về nguyên lý, thì người ta chỉ ăn khi đói. Nhưng rất nhiều quan ăn cả lúc no (mà họ thì có lúc nào không no?), thế mà chả bao giờ bị bội thực cả! Cổ nhân có câu này khuyên mọi người, chí lý lắm, nhưng chả mấy ai chịu nghe: “ăn cơm mắm cáy thì ngáy o o – ăn cơm thịt bò thì lo ngay ngáy”. Họ lý luận rằng, cứ ăn đi, rồi lại mời kẻ khác ăn, nghĩa là đừng có ăn một mình, thì vẫn ngáy o o, chả việc gì phải lo cả! Quan có chức lớn thường ăn “sang”; không sang, một vài triệu, thậm chí một vài trăm triệu, không ăn. Không ăn không phải là không ăn. Cứ chịu khó lo liệu đưa thật nhiều hơn nữa, thể nào quan cũng ăn. Quan không ăn, kẻ kể chuyện này xin cứ đi đầu xuống đất! Quan cỡ nhỏ và quan sắp về vườn có nhiều vị phàm ăn và tạp ăn lắm. Bạ gì cũng ăn; sạch bẩn, to nhỏ, sang hèn; ăn tuốt! Ăn của thằng có tóc đã đành, nhưng thằng đầu trọc có việc tìm đến quan, thì dù nó chỉ có cái khố rách, mà rơi vào đúng lúc cần “tận thu”, quan cũng ăn. Các quan tham thường ngậm miệng mà ăn, nhiều khi ăn rất lớn mà vẫn “kín như bưng”. Thánh lắm! Người thường không dễ gì bắt chước được đâu. Cơ quan phòng chống tham nhũng cũng không dễ gì có được chứng cớ quả tang (trừ khi chỉ muốn kiếm chứng cớ để… “đánh quả” tống tiền, thì chắc là dễ!).
Trong cuộc sống, còn tồn tại khá nhiều kiểu “ăn mà không phải ăn” khác, như “ăn hiếp”, “ăn chặn” – kiểu hành xử bắt nạt người yếu (yếu lực hoặc yếu thế) của bọn côn đồ; như “ăn không nói có” hoặc “ăn có nói không” nhằm mục đích hại người lương thiện. Các quan tham hay có thói “ăn có nói không” lắm. Chứng cứ rõ mười mươi, quan vẫn chối bỏ…
không “ăn”. Bí quá thì đổ tội đó cho phu nhân (đã có vị dùng cách ấy mà thoát mọi tội lỗi đấy, bởi “ai làm nấy tội”, quan tuy là chồng nhưng từ lâu đã ly thân, nên không thể chịu trách nhiệm! Đúng quá đi chứ, trường hợp như thế mà bắt quan chịu trách nhiệm thì oan ức cho quan quá, còn đâu là sự công minh chính trực nữa?!.)
Ngoài ra, người ta còn dùng hình tượng “ăn” để nói về một trong những cái đạo làm người, đó là sống ở trên đời phải luôn ghi nhớ công ơn người đã giúp đỡ mình, “làm ơn không nên nhớ, chịu ơn chớ có quên”; kẻ quên ơn, bị xã hội sỉ vả là đồ “ăn cháo đá bát”!
“Ăn để mà sống” hay “sống để mà ăn”?–Phải chăng, chính là hai quan niêm này đã chi phối những hành vi “ăn” kể trên, của mỗi người chúng ta? Ngày Xuân, trước mâm cỗ Tết, xin lạm bàn đôi điều quanh cái sự ăn, cũng chỉ nhằm góp chút hương vị trào lộng cho không khí bữa ăn. Tuyệt không có ý gì khác, xin thưa!.. ■