Túp nhà nhỏ đầu con ngõ hẹp
Tác giả: Trần Huy Thuận
Túp nhà một tầng, mái ngói, thấp tè, nằm chắn ngay đầu ngõ; một căn ngõ hẹp như không thể hẹp hơn. Đó là nhà của gia đình ông già, trước từng là bộ đội kháng chiến chống thực dân Pháp, rồi từng là cán bộ tổ chức một công ty xây dựng, về hưu. Ông vốn quê miền Trung, tập kết ra Bắc hồi năm năm tư, rồi lấy vợ, đẻ con và ở hẳn lại Nam Định cho đến nay. Vợ ông cũng là công nhân dệt về hưu; một thời cũng nổi đình đám, được suy tôn là chiến sĩ thi đua nhiều năm liền, ngang ngửa với một nữ anh hùng lao động cùng thời với bà (người ta bảo, đáng nhẽ bà mới xứng đáng là anh hùng, nhưng do lúc ấy bà đã có gia đình, mà người kia thì còn thanh niên, son rỗi lại trắng trẻo, ưa nhìn hơn. Chả rõ chuyện đó thực hư thế nào?!.).
Trong túp nhà này, lúc nào cũng ẩm thấp và tối như hũ nút, tối như cuộc đời của những con người sống trong đó.
Vợ chồng ông có hai con trai, một đứa bị thần kinh, một đứa mắc vào ma túy. Cả hai thằng đều không công ăn việc làm, sống vạ vật trên khắp các đường phố, thi thoảng mới đáo qua về nhà. Mỗi lần về là một lần tai họa cho bố mẹ chúng. Đứa thì đập phá cái này cái nọ, đứa thì đòi tiền, không đòi thì lấy cắp, lấy bất cứ thứ gì có thể bán ra tiền, để đi giải tỏa cơn nghiện đang vò xé cơ thể còm cõi của hắn. Những năm trước, mỗi lần bọn con cái đập phá, chửi bới, hàng xóm còn nghe thấy tiếng quát tháo của ông, hoặc tiếng khóc than rên rỉ của bà. Nhưng gần đây thì không. Khi sự đau khổ đã đạt tới cùng cực, thì mọi âm thanh, đều nghẹn lại nơi cổ họng!
Ngoài những lúc cãi nhau hoặc con cái đập phá, còn hàng xóm tịnh không nghe thấy trong căn nhà ấy, phát ra bất cứ một âm thanh nào khác. Không tiếng ti-vi, không tiếng trẻ thơ, không một tiếng nói và càng không một tiếng cười! Họa hoằn lắm mới thấy có một ai đó hỏi thăm tìm đến nhà. Đấy cũng là lúc hàng xóm nghe thấy tiếng kẹt cửa và tiếng chào hỏi nhát gừng. Nhưng một thoáng thôi, lại chìm vào im lặng.
Cái thời đương chức, ông cũng danh giá lắm. Tuy không có chức sắc gì, nhưng ông rất được nể sợ, vì nhiều năm liền nắm khâu tuyển dụng lao động trong cơ quan. Ngày ấy, khách khứa nhà ông đông lắm, đủ các hạng người. Ông như một thần tượng, mà ai đứng trước ông cũng phải khúm núm, xun xoe; vì mọi người đến cũng chỉ một mục đích, nhờ cậy ông, xin cho mình hoặc cho con cháu vào làm công nhân công ty. Hồi ấy, nạn tiêu cực chưa lớn lao như bây giờ. Mỗi lần xin việc, người ta chỉ biếu ông vài mét vải, cái phích nước nóng Rạng Đông, tút thuốc Điện Biên, hoặc vài yến gạo quê. Tịnh không có phong bao phong bì như sau này. Nhưng để có được những thứ quà con con đó, ông phải giở nhiều thủ đoạn, khi thì dọa “trường hợp này khó lắm!”, lúc lại hứa xa xôi: “thủ trưởng đã nhận lời thì tôi phải chấp hành nghiêm chỉnh rồi. Nếu có trở ngại gì, thì đó là khách quan mà thôi. Cứ yên tâm về đợi, tôi sẽ cố gắng giúp!”. Hứa vậy, nhưng ông dễ quên lắm. Phải có cái gì đó giúp ông ghi nhớ lời hứa của mình. Điều này thì đã có nhiều người “đi trước”, đúc rút kinh nghiệm, sẽ mách bảo cho. Vậy mà cũng có lần ông “quên”, cho dù đã nhận quà của “đương sự” đầy đủ, lại “đậm đà” là đằng khác! Thế là lần ấy ông đã bị “tai nạn nghề nghiệp”. Cái thằng cha ấy mất trí thế nào, chờ mãi không thấy ông đưa giấy gọi đi làm, hỏi ông thì ông cứ ỡm ờ, không ra giải quyết, mà cũng không ra từ chối. Điên tiết, hôm ấy hắn tìm đến gây sự với ông ngay ở cơ quan. Trước thái độ hung hăng đó của đối phương, đáng ra ông nên đấu dịu, hòa hoãn, thì không hiểu “ma đưa lối, quỷ dẫn đường” thế nào, ông lại chối, không nhận đã hứa giải quyết trường hợp ấy. Thế là cái thằng cha mất trí nọ bèn nổi khùng:
- Mày ăn tiền của tao, chính vợ chồng tao đến đưa cho mày tận nhà mày. Mày nhận xong thì hứa giải quyết. Vậy mà bây giờ mày cãi không hứa. Thế thì cái mồm mày là cái mồm gì? Nó có đáng để tao nhét… - xin lỗi độc giả - … cứt vào không?!.
Lý ra, đến nước ấy, thì ông nên thôi đi, nhưng lại thêm một lần nữa, ông mắc dại:
- Mày giỏi thì cứ làm đi, tao thách mày đấy!
Và quả cũng không ai có thể ngờ, sự việc sau đó lại diễn ra xấu đến mức như vậy. Cái tay khùng kia, nghe xong lời thách đó, liền chạy thẳng xuống nhà vệ sinh công cộng. Lát sau, hắn trở lại với một đùm lá sen trong tay. Trước đông đủ mọi người trong cơ quan, hắn dùng tay trái túm lấy gáy ông cán bộ tổ chức, kéo ra sau. Còn tay kia, mở túm lá sen, ấp thẳng lên mặt ông này, vuốt mạnh từ cằm lên trán ông ta! Ôi! Ghê tởm quá! Lúc này toàn mặt ông dính đầy phân tươi, lẫn cả những con bọ trắng hếu, nhờn nhợt, nhớp nháp, bóng nhẫy, bò lỏm nhổm!.. Thật tởm lợm và thối nữa, thối rinh lên! Không thể tưởng tượng được! Không thể nào tưởng tượng được! Có rất nhiều tiếng phụ nữ khạc nhổ và kêu thất thanh. Đàn ông thì không kêu, nhưng trong tình thế ấy, chẳng ai dám đến gần ông và tên khùng kia. Người ta đợi xem ông cán bộ tổ chức phản ứng thế nào. Nhưng không, tuyệt nhiên ông không phản ứng gì với kẻ đã hành nhục ông. Cứ giữ nguyên bộ mặt đầy phân tươi và ròi bọ như thế, ông đi lên văn phòng gặp lãnh đạo công ty. Chỉ khi lãnh đạo cho lập biên bản bắt hai bên cùng ký vào, ông mới lặng lẽ ra vòi nước rửa mặt và cởi bỏ chiếc áo đại cán mặc ngoài, chiếc áo cũng đã bê bết phân và ròi.
Ít tháng sau, tòa án sử, buộc tên vô lại đã trát phân lên mặt ông, sáu năm tù giam. Còn ông, được thuyên chuyển làm công việc khác, cho đến tuổi về hưu.
Bây giờ thì hai con người vô phúc ấy, vô tình lại mua nhà nằm cùng trên con ngõ hẻm này. Mối thù năm xưa hẳn chưa nguôi ngoai đối với cả hai người. Ngõ quá hẹp, nên họ vẫn thường xuyên gặp nhau, thậm chí sát mặt nhau. Không ai chửi bới ai, nhưng cũng không ai chào hỏi ai. Cuộc sống cứ thế lặng lẽ trôi một cách bức bối, ngột ngạt, như chính cái ngõ hẻm của họ. Cho đến một ngày…
Thằng con trai quý tử nghiện ngập của ông cán bộ tổ chức, dính vào một vụ vận chuyển chất ma túy, bị bắt quả tang, bị tù chung thân. Hẳn là vì hắn túng tiền quá, làm liều. Tiếp đến, vài tháng sau, đến lượt thằng con thần kinh, không biết đi đứng thế nào, bị chiếc xe tải chở cát san lấp cán phải. Tên lái xe vô lại, phát hiện ra nạn nhân còn ngoắc ngoải, liền lùi xe, cán thẳng lên người thằng bé. Máu nó vọt ra phun đầy gầm chiếc xe tải đầy ắp những cát là cát (Chiếc xe đang chuyên chở cho một công trường xây cất ngôi biệt thự của “sếp” nào đó, nằm gần quốc lộ mười). Tàn bạo quá! Độc ác quá, độc ác còn hơn cả dã thú! Nhưng đấy là cách hành xử cố ý của mấy “hung thần xa lộ” nơi đây. Lý của chúng là: “đằng nào gây tai nạn cũng phải đi tù rồi, thêm vài năm bóc lịch, vẫn hơn phải chăm nuôi nạn nhân suốt đời!”. Trước đấy, những người đi đường nói rằng, vẫn còn nghe rõ tiếng kêu thất thanh của nạn nhân, khi nó nhìn thấy chiếc xe tải đang lùi đến gần.
Hôm đưa ma thằng con điên, hàng xóm đến rất đông. Có cả hai vợ chồng tay đã từng trát phân tươi lên mặt ông, đến viếng và tiễn đưa tới tận nghĩa trang, mới quay về… Mối thâm thù, hẳn thế là đã được giải tỏa?!. Chỉ biết rằng, căn nhà nhỏ đầu ngõ, từ nay đã có bóng người ra vào thăm hỏi, trò chuyện, trong đó có cả vợ chồng kẻ thù năm xưa của chủ nhà. Không còn cảnh vắng lặng hồi nào. Hàng xóm đã nghe thấy trong nhà có tiếng nói, tiếng ti vi, lại có cả tiếng cười nữa – toàn là những âm thanh hiếm thấy bấy lâu nay.
Sự sống hình như đã trở lại với túp nhà nhỏ đầu con ngõ hẹp này. Túp nhà một tầng, mái ngói, thấp tè!..