Thằng đổ vỏ
Tác giả: Trần Huy Thuận
I.
Thiên hạ gọi hắn là “thằng đổ vỏ”.
Nhưng đó là cách gọi thưở ban đầu, chứ về sau, có lẽ cho rằng gọi vậy còn xa xôi quá, nên người ta nói toẹt ra: “xưa nay chỉ có chuyện duyên chị tình em, chứ hắn thì lại … duyên con tình bố! Thật loạn luân! Loạn luân quá thể!”.
Nhớ ngày hắn vừa kết thúc khóa học chính trị về, chưa biết nếp tẻ thế nào, mẹ hắn đã đưa cho cái phong bì đựng ba trăm đồng bạc (trị giá gần năm tháng lương kĩ sư của hắn!):
- Hôm rồi, cơ quan cho người cầm đến số tiền này, nói là tiền tiết kiệm của con, rút ra để cưới vợ. Lại còn cho xe chở đến con lợn bốn chục cân nữa, nói là lợn con tăng gia ở tập thể, cơ quan chia cho con. Cũng là để chuẩn bị việc cưới vợ của con. Gớm, may quá, chứ không thì mẹ chả biết xoay xở thế nào; bố con thì cứ vắng nhà suốt!... Rồi như chợt nhớ ra, bà hỏi hắn: Dưng mà sao con có tiền tiết kiệm nhiều thế mà lâu nay giấu mẹ? Lại cả lợn tăng gia nữa!.. Con không sợ mẹ ăn hoang tiêu phá đấy chứ?... Đấy, tiền con đi du học gửi về hàng năm, mẹ vẫn giữ cả đấy, có dám tiêu pha gì đâu. Ở nhà, mẹ với chị, mớ rau, con tép là qua bữa thôi. Rau thì ngoài vườn khối ra đấy. Tép thì sáng sáng mẹ thả mươi cái vó là đủ ăn cả ngày!...
Nghe mẹ nói, ruột gan hắn như có kim châm, lửa đốt. Tiền nào? Mình làm gì có tiền tiết kiệm? Mà có thì mình phải giữ sổ chứ sao lại là cơ quan? Lại cả con lơn bốn chục cân nữa? Mình có “tăng gia, tăng vào” với tập thể cơ quan bao giờ đâu? Thế là nghĩa làm sao?!. “Mẹ ơi! Không phải thế đâu,… người ta…” Hắn định nói toạc ra với mẹ, nhưng cổ họng nghẹn lại, hắn “ức” lên một tiếng đau đớn, rồi nói lảng đi:
- Con xin lỗi mẹ! Con … đã không thành thật với mẹ!..
- Thôi, chả có gì đâu. Mẹ buột miệng hỏi con thế thôi, chứ như thế là mẹ rất mừng, vì con sớm biết lo xa. Con biết chuẩn bị cho cuộc sống sau này như thế, là mẹ mừng lắm, yên tâm lắm…Mẹ hắn an ủi hắn. Còn hắn thì nghẹn ngào, muốn khóc, mà đâu dám khóc!
II.
Thời gian gần đây, ngoài các công việc thông thường như kí duyệt các chương trình kế hoạch, các nghị quyết, báo cáo, đề án,… ông bố hắn còn có thêm trách nhiệm chỉ đạo việc bồi dưỡng một nhân tố mới cho phong trào thi đua của địa phương. Việc này hệ trọng lắm! Phải lựa chọn “đói tượng” chính xác, sao cho vừa tiêu biểu cho phong trào, vừa đại biểu cho lực lượng sản xuất tiên tiến của địa phương; lại phải vừa có hướng phát triển lâu dài vừa đúng cơ cấu nữa. Mà cơ cấu lần này, thường vụ đã thống nhất phải là nữ, nên càng khó. Ông tự xác định cho mình: phải thật chu đáo, chứ không thể phó mặc cho anh em cấp dưới được. Anh em thì cũng tốt cả đấy, ít nhiều đều đã qua thử thách trong kháng chiến cả rồi. Nhưng dù sao họ cũng còn trẻ; mà đã trẻ thì thể nào cũng thiếu kinh nghiệm, thiếu chín chắn! Việc này mà làm thiếu chín chắn thì hỏng to.
Cuối cùng thì ông bố hắn cũng cảm thấy được an ủi, vì đã lựa chọn được “đối tượng” đúng với các tiêu chuẩn mà Thường vụ đề ra. Đó là một nữ công nhân còn rất trẻ, tổ của cô nhiều năm liền là Tổ “Lao động XHCN”. Bản thân cô cũng đang trong diện được đề nghị đưa vào xét tuyển danh hiệu “chiến sỹ thi đua”. Thành phần gia đình cơ bản, ba đời làm công nhân. Hiện đang là “đối tượng phát triển đảng”. Sức khỏe tốt. Hình thức ưa nhìn, có quan hệ tốt với quần chúng, được mọi người quý mến... Khi đưa ra duyệt ở Thường vụ, trăm phần trăm đã biểu quyết nhất trí. Ông phấn khởi nói:
- Thế là khâu quan trọng nhất đã xong, bây giờ chúng ta phải có trách nhiệm đào tạo, huấn luyện, nâng cao chất lượng cho đối tượng, kể cả về mặt văn hóa, tư tưởng, tay nghề… để khi trở thành điển hình, thì đây sẽ là điển hình vững chắc nhất cho phong trào của địa phương! Rồi, cao hứng, ông nói tiếp:
- Tôi chợt nghĩ, về cái chung thì thế, được rồi. Nhưng còn việc riêng, tôi sẽ nhắm đối tượng này cho thằng con trai tôi, các đồng chí thấy thế có được không? Mọi người ngớ ra một lúc, nhưng khi đã hiểu ý thủ trưởng, thì tất cả đều cười ồ lên, hưởng ứng!
- Đúng quá đi rồi. Thủ trưởng rất tinh đời…!
- Thật xứng đôi vừa lứa! Sau này thủ trưởng trực tiếp bồi dưỡng lý luận cho thì đối tượng chỉ có … nhất!..
Và còn rất, rất nhiều ý kiến tán thưởng khác, nổ như pháo rang.
III.
Đêm tân hôn, hắn nhìn cái bụng đã “lùm lùm” của vợ mà ngao ngán. Nàng biết ý, lấy chăn cuốn tròn lại quanh mình:
- Tôi đã nói với anh rồi, việc anh lấy tôi là do bố anh sắp xếp. Nói trắng ra là theo yêu cầu của bố anh, của cả cái ban thường vụ, chứ không phải của anh, của tôi. Anh tưởng anh cao giá lắm hử? Anh tưởng chỉ mình anh không muốn cuộc hôn nhân này chăng? Anh nên biết rằng, tôi cũng đâu có muốn lấy anh? Chẳng qua thế phải thế, thì chấp nhận vậy. Ngay bây giờ, nếu anh đồng ý, tôi sẽ cắp quần áo về nhà tôi ngay. Về ngay đêm nay, để xem bố anh và sếp của ông ta nói năng với tôi ra sao. Anh đừng có làm bộ làm tịch!
Bị phản đòn, hắn không còn dám mở miệng, thậm chí từ lúc ấy, không cả dám thở dài hoặc thể hiện một cử chỉ chán nản nào nữa. Vì chỉ cần bất cứ một thái độ bất cẩn nào, làm cô vợ không hài lòng, chắc chắc hắn sẽ lại “ăn đòn” đủ! Đây không phải lần đầu cô ta có thái độ như vậy. Ngay cái lần gặp cô đầu tiên ở văn phòng nơi bố hắn làm việc, hắn đã được nghe câu tuyên bố thẳng thừng đó của cô. Cô tỏ ra rất có bản lĩnh, chả hề biết nể ai, sợ ai cả. Một cô gái “bát cần đời”!
Khuya lắm và khó khăn lắm, hắn mới mở được cái chăn quấn quanh mình cô ra. Ôi cái thân ngọc ngà kiều diễm thế kia, làm sao một thằng đàn ông trai tơ nằm cạnh, lại có thể nén kìm ham muốn cho được! Cuộc yêu muộn bắt đầu. Nhưng tệ hại cho hắn, là không hiểu sao đang vui vẻ thế, bỗng nhiên hắn lại tương ra một câu hỏi cực kì ngu xuẩn: “Thế đứa bé trong bụng đây là của ai vậy?”. Ba máu sáu cơn nổi lên, nàng hất hắn xuống giường:
- Sao hỏi gì hỏi ngu thế? Của ai thì của, nhưng từ giờ, nó là của anh, hiểu chửa? Chấp nhận thì tôi ở, không chấp nhận, tôi về. Hắn lại phải làm lành. Mãi sau, nàng mới nguýt một cái rõ dài:
- Dại lắm! Lần sau đừng có hỏi những câu ngớ ngẩn như thế nữa nghe cưng! Muốn hỏi thì sao trước đây, không gặp bố anh, hoặc gặp thường vụ mà hỏi? Đến bây giờ, “ván đã đòng thuyền” rồi, hỏi tôi còn có ích lợi gì?!. Nói rồi, nàng véo hắn một cái rõ là … đau!
Hắn đâu có không hỏi bố hắn? Nhưng cả thường vụ, lẫn bố đều không ai chịu nói thật với hắn. Họ cứ thì thì thào thào như bọn buôn lậu. Mãi gần đây, bố hắn mới tiết lộ: “con phải tin bố. Bố với cô ta, vợ sắp cưới của con ấy, chỉ là quan hệ tình cảm… Bố chưa hề đi quá xa. Nhưng bố cần con giúp, bởi đây là trường hợp rất đặc biệt, nó ảnh hưởng đến không chỉ uy tín, danh dự của bố, của thường vụ, mà còn cả của … lãnh đạo cấp trên trực tiếp của bố nữa. Con phải vì bố mà gánh cái trọng trách này thôi. Nếu không cả nhà ta sẽ rất khó khăn, địa phương ta cũng sẽ rất khó khăn… Ôi chuyện đời phức tạp lắm, lớn lên con sẽ hiểu. Trái lại, nếu con vượt qua được ải thử thách này, thì bố sẽ có điều kiện mở mày mở mặt, con lại càng có cơ hội mở mày mở mặt… Rồi thì cả địa phương này…
- Thôi, bố đừng nói nữa! Đau lòng lắm. Con đã nói chấp nhận, là con chấp nhận. Nhưng chỉ hỏi bố, hỏi một điều thôi, nhưng bố phải nói thật. Có đúng là nó có thai với lão ấy, cái lão dê cụ thủ trưởng cấp trên của bố ấy, chứ không phải với bố không? Có đúng vậy không, hay là với cả hai các người?!. Bố hắn tím mặt, nhưng vẫn gượng nhỏ nhẹ thanh minh:
- Bố thề với con, không có chuyện ấy đâu. Tuy bố có quý mến cô ta thật, nhưng chỉ như tình cảm bố con thôi, bởi ngay từ đầu gặp cô ta, bố đã có ý định kén nó cho con rồi mà. Sau này thì tình cảm phát triển, bố và nó có hơi đi xa hơn một chút, nhưng cũng vẫn chỉ là quan hệ tình cảm mà thôi. Về điểm này thì con nên tin bố. Nếu như không có chuyện cấp trên họ nghi ngờ cái bản khai lý lịch của bố, thì chắc là bố không phải chịu cái cảnh nhục nhã này. Mà con cũng vậy, chẳng qua vì bố, vì cái thanh danh của bố và gia đình ta, nên con đã phải hy sinh… lấy nó. Chứ không thì… Cái lão ấy, bố chả coi là cái cóc khô gì hết!.. Khốn nỗi, cái “đồ chó đẻ” đó lại là kẻ duy nhất còn sống, có đủ tư cách thanh minh cho cái lý lịch cách mạng của bố! Nhưng gần đây có kẻ muốn hại bố, nó tố bố là kẻ xấu, khai man để chui vào đảng, để dễ bề leo cao!... Bố mà mất cái chức này lúc này, thì cả cái gia đình nhà mình ra bã hết, con ơi!...
- Thôi! Ông im đi. Chỉ vì ông thôi. Chỉ duy nhất vì cái ghế thủ trưởng của ông thôi, chứ mẹ con tôi trông chờ gì? Bao nhiêu năm mẹ tôi sống một mình vò võ nuôi chúng tôi, có được hưởng gì từ mùi vị cái ghế thủ trưởng của ông đâu? Chẳng qua tôi cũng vì cái trách nhiệm của thằng con, mà chịu cái nhục nhã này. Thế thôi!... Trời ơi là trời!.. Bố ơi là bố!...
Rồi hình như hắn vẫn chưa thật an tâm, ngừng một lát, hắn lại hỏi:
- Có thật là cái thai trong bụng con đĩ ấy, cái con “nhân tố mới” của bố ấy; chỉ duy nhất của lão khốn nạn, lão dê già sếp trên của bố không? Trả lời cho thành thật. Tôi chỉ cần một điều ấy thôi, để tôi không bị người đời chửi cho là đồ loạn luân, là con lấy vợ thừa của bố!..
- Con ơi, bố nói rồi, thiên hạ họ đặt điều với bố, chứ nếu là của bố, thì mặt mũi nào, bố lại bắt con gánh. Gánh thế thì đúng là loạn luân rồi còn gì! Chỉ của laõ ta thôi. Ấy là cái lần lão dê già đó về địa phương ta duyệt báo cáo điển hình, thường vụ đã bố trí cho cô ta gặp lão. Tưởng lão chỉ vì công việc, ai dè… Bố thề chuyện đúng là như vậy đấy!..
IV.
Sáng hôm sau, khi mặt trời bắt đầu hắt những tia nắng đầu tiên, qua cửa sổ, rọi vào cặp mắt him híp của hắn, hắn mới tỉnh dậy, vươn vai, ngáp một cái rõ dài. Cô vợ đang son phấn ngoài bàn trang điểm, khẽ bĩu môi:
- Ngủ thế vẫn chưa đã hở? Thôi dậy, còn đưa tôi về nhà, lại mặt các cụ. Hắn định nói: “vác cái bụng ễnh ra thế kia mà về lại mặt? Rõ không biết dơ!”. Nhưng may mà hắn kìm lại được. Không kìm được, thì có ngày lại ăn no những lời chửi bới của cô ta.
Khi sự chịu đựng đã thành thói quen, thì hình như nó cũng đỡ nặng nề hơn. Không vậy, hẳn hắn đã không thể sống với người vợ lăng loàn ấy, lâu đến thế. Cái sự lăng loàn của vợ hắn, có vẻ như càng ngày càng gia tăng. Đi đến đâu, cô ta cũng sẵn sàng trình diễn cái thói chả coi ai ra gì của cô ta. Thế mà chả ai dám lên tiếng. Cái người dân quê hương Chí Phèo này, hình như từ thời Nam Cao còn sống, đã lây nhau cái cách bỏ ngoài tai mọi sự chửi rủa, cho dù đó là lời chửi rủa của một mụ đàn bà: “thôi thì tai gần miệng, đứa nào chửi, đứa ấy nghe trước”; hoặc: “nó chửi cả làng thật đấy, nhưng đâu phải hắn chửi mình?”!
Hắn tính khác. Cuộc đời đã dậy cho hắn nhiều bài học. Bài học đắt giá nhất, là “cái gì cũng có cái giá của nó, không ai cho không ai cái gì”. Hắn đã trả giá, hắn nhất định phải được một cái gì đó. Cái gì đó thì hắn chưa hình dung ra, nhưng hắn cho rằng sự trả giá của hắn lớn lắm, cả cuộc đời hắn, chứ ít ỏi gì? Vậy thì đừng có hòng chỉ cho hắn một cái chức giám đốc quèn thế này mà xong đâu. Thưa ông bố yêu quý của con, thưa cả thủ trưởng cấp trên của bố nữa, rồi thưa cả cái thường vụ mà bố là thủ trưởng. Tôi! Chính cái thằng tôi đây, sẽ tính sổ sòng phẳng với các người! Ta không chịu “đổ vỏ” không công cho các người đâu! Bất chợt hình ảnh con vợ trắng nuột nà, cùng cái bụng lùm lùm, với cái thai đang ngày một phát triển, làm hắn điên tiết:
- Đợi đấy! Hãy đợi đấy!...
- Cái nhà anh này, làm cái gì mà gào lên thế? Đợi cái gì vậy? Hắn nói lảng:
- Đợi… đợi tôi phấn đấu trở thành sếp lớn của tất cả bọn họ, cho mà xem! Vợ hắn cười như nắc nẻ:
- Có thế chứ! Có thế mới xứng là một đấng nam nhi chứ! Rồi nàng nhỏ nhẹ xoa xoa lên đầu hắn: Cố lên, bản lĩnh lên anh yêu, em… đợi!..
Và chúng ta nữa, chúng ta cũng cùng đợi xem cái anh chàng “đổ vỏ” này diến tiếp vai kịch của hắn thế nào – Bởi vì, tấn trò trên đây, mới chỉ là bắt đầu!