watch sexy videos at nza-vids!
Truyện Người nhạc sĩ mù-Chương 2 - tác giả V.Korolenko V.Korolenko

V.Korolenko

Chương 2

Tác giả: V.Korolenko

I

Khối óc tò mò của em bé giàu thêm nhiều khái niệm mới. Nhờ thính quan cực kỳ tế nhị, em dần dần đi sâu vào thiên nhiên ở xung quanh. Trên đầu và quanh mình em bao giờ cũng thấy một thứ đêm tối mịt mùng dày đặc. Những bóng tối như đám mây nặng đè trĩu lên khối óc của em, mặc dầu bị như vậy ngay từ ngày mới lọt lòng và hình như em đã phải quen đi với nỗi đau khổ ấy, nhưng bản chất của em vâng theo một thứ bản năng cao đẳng, luôn luôn cố gắng tìm cách vén cái màn mờ đục kia đi. Mối hăm hở vô ý thức của đứa trẻ ham muốn được thấy ánh sáng mà nó chưa hề biết không bao giờ rời bỏ em và trên khuôn mặt em thấy hằn rõ một thứ cố gắng mơ hồ và đau xót.
Tuy nhiên em cũng có những phút vui vẻ trong sáng, những phút ngây ngất hồn nhiên êm dịu, nhất là khi những ấn tượng bên ngoài đến được với em, biến thành những cảm giác mới mẻ, mạnh mẽ, giúp em hiểu được những hiện tượng mới của vũ trụ vô hình. Thiên nhiên mênh mông và hùng vĩ không hoàn toàn đóng cửa em. Cho nên, một hôm được dắt đến đứng trên một tảng đá ở trên bờ sông, em trầm ngâm, nghiêm nghị lắng nghe tiếng sóng nhỏ bập bềnh vỗ nhè nhẹ dưới chân. Em cảm động, níu lấy vạt áo mẹ, lắng nghe những viên sỏi dưới chân lả tả dồn dập rơi xuống nước. Từ đấy, em hình dung chiều sâu dưới hình thức tiếng nước rì rào nhè nhẹ dưới chân một tảng đá, hoặc tiếng lạo xạo kinh hãi của những viên sỏi nhỏ dồn dập lăn xuống nước.
Không gian vang dội đến tai em như một bài ca tắt dần. Nhưng khi tiếng sấm mùa xuân vang khắp bầu trời, làm toàn thể không gian huyên náo, rồi, sau một tiếng ầm ầm phẫn nộ tiếng vang tắt dần vào trong những đám mây, em bé mù lắng nghe, trong lòng sợ hãi thành kính, tâm trí em hớn hở và trong đầu em vụt nảy ra khái niệm huy hoàng về bầu trời bát ngát.
Xem thế, với em, âm thanh là biểu hiện chính, biểu hiện trực tiếp nhất của cái thế giới bên ngoài. Những ấn tượng khác chỉ để bổ sung cho những ấn tượng của thính giác. Mọi quan niệm của em đều khuôn nặn trên những ấn tượng âm thanh ấy.
Đôi khi, vào một buổi chiều nóng bức, bốn bề im phăng phắc, không còn tiếng chân người đi lại và cảnh vật thiên nhiên chìm trong vắng lặng, một thứ yên lặng trong đó người ta đoán chừng chỉ có những sức sống đang lặng lẽ không ngừng vươn lên, những lúc ấy khuôn mặt em bé nom đặc biệt lạ thường. Hình như do ảnh hưởng của cái vắng lặng xung quanh, có những âm thanh mà chỉ có em nắm được nhịp điệu, tự đáy tâm hồn em dâng lên, và em trầm ngâm lắng nghe. Những lúc ấy nhìn em tưởng như có một ý nghĩ đang nảy ra, còn mơ hồ, bắt đầu rung động trong trái tim em như một khúc nhạc bâng khuâng.

II

Em bé đã lên năm. Người mảnh dẻ, yếu ớt, nhưng em vẫn đi lại và chạy khắp nhà. Nếu một người lạ nhìn em đi trong buồng, chân bước vững vàng, gặp vướng là quay người tránh, cần đến gì là tìm được ngay, thì người ấy không bao giờ lại tin là mình đang đứng trước mặt một đứa bé mù. Người ấy sẽ cho em là đứa bé trầm mặc một cách kỳ quặc, một em bé có đôi mắt suy nghĩ đăm đăm nhìn nơi xa thẳm. Nhưng ra sân, em đi lại rất khó khăn. Em phải dùng một chiếc gậy nhỏ, khe khẽ đập xuống đất đằng trước mặt.
Lúc không có gậy, em thường thích bò xuống đất, gặp vật gì cũng tỉ mỉ nắn bóp.

III

Một buổi chiều tối mùa hè đẹp đẽ. Cậu Mácxim ngồi trong vườn. Cũng như mọi bữa, bố em bé còn bận việc ở ngoài đồng. Trong sân và xung quanh, bốn bề im ắng. Thôn xóm ngủ yên.
Trong bếp cũng không còn thấy tiếng chuyện trò của mấy người lao công và gia nhân đày tớ. Em bé đã được đặt ngủ trên giường đến gần nửa tiếng.
Em đang thiu thiu ngủ. Từ ít lâu nay, trong người em có một thứ hồi ức lạ lùng ăn nhịp với cái không khí êm dịu của giờ khuya muộn này. Đành rằng em không nhìn thấy bầu trời xanh tối dần, hoặc những đỉnh cây đen sẫm lung lay in rõ hình lên nền trời đầy sao, em không thấy được những mái tranh của những ngôi nhà vây quanh sân nhăn nhúm lại, và những bóng tối xanh biếc trộn với ánh trăng óng ả bao phủ mặt đất. Nhưng từ mấy hôm nay, những lúc em nằm ngủ, có một cảm giác lạ lùng, quyến rũ, nó đến xâm chiếm chế ngự em, và hôm sau, lúc thức dậy, em không sao hiểu được.
Vào khoảng lúc tâm trí em thiu thiu ngủ, lúc tiếng xào xạc mơ hồ ở lùm dẻ đã im bặt và em đã không còn phân biệt rõ tiếng chó sủa ở xa xa trong làng, tiếng hót líu lo của con chim họa mi bên kia sông, và tiếng nhạc lanh canh buồn bã của mấy con ngựa đang gặm cỏ trong nội, khi tất cả các thứ tiếng động riêng lẻ ấy nhỏ dần rồi mất hẳn trong không gian bát ngát, thì em bé bắt đầu có ấn tượng như tất cả những cái đó quyện vào nhau, tạo thành một hòa âm êm ái bay qua cửa sổ vào trong buồng em, nó bay lượn mãi quanh giường em nằm và ru em vào một giấc mơ dịu dàng. Sáng hôm sau, thức giấc, lòng bồi hồi cảm động, em ríu rít hỏi mẹ:
- Mẹ ơi, hôm qua có cái gì thế hả mẹ? Cái gì thếhả mẹ? Bà mẹ không biết đầu đuôi ra sao, bà tưởng những giấc mơ đến quấy đảo con bà. Bà ẵm nó đặt lên giường, làm dấu rồi đợi mãi lúc em thiu thiu ngủ mới lui ra. Bà không thấy có gì lạ. Nhưng sáng hôm sau, em bé lại hỏi mẹ như hôm trước. Em kể lại cho mẹ nghe những cảm giác làm em ngây ngất đêm qua.
- A, mẹ yêu quý của con ơi! Hay quá, hay quá mẹạ... Cái gì thế hả mẹ?
Một buổi chiều, bà định ngồi nán lâu hơn với con để xem cái bí mật lạ lùng kia là cái gì. Ngồi trên một chiếc ghế dựa bên cạnh chiếc giường nhỏ, bà lơ đãng tay đan áo, tai lắng nghe hơi thở đều đặn của bé Pie. Em như đã ngủ yên, bỗng tiếng em thỏ thẻ trong bóng tối:
- Mẹ ơi... mẹ còn ngồi đó ư?
- Phải, phải, mẹ ngồi đây con ạ...
- Mẹ đi ra đi, con xin mẹ... Cái ấy nó sợ mẹ, nóvẫn chưa đến. Con sắp ngủ rồi mà nó chưa đến...
Ngạc nhiên, bà Ana lắng nghe tiếng con thì thào, rầu rĩ, giọng ngái ngủ, trong bụng lấy làm quái lạ. Em nói với mẹ về những giấc mơ, em kể rành rọt như những cái gì cụ thể, có thực vậy. Tuy nhiên bà cũng đứng dậy, cúi xuống hôn con rồi nhón chân đi ra, định bụng rình chỗ dưới cửa sổ mở trông ra vườn.
Nhưng chưa ra đến cửa sổ, bà đã hiểu ra điều bí ẩn nọ. Đột nhiên có tiếng tiêu dịu dàng êm ái từ phía tàu ngựa văng vẳng đưa lên, tiếng tiêu hòa với tiếng rì rầm của đêm khuya ở miền Nam. Bà hiểu ngay ra những nốt đơn giản của khúc nhạc quê mùa vang lên trong không gian huyền bí khuya vắng đã làm cho những hồi ức ban đêm của con bà trở nên vô cùng êm dịu.
Bà ngừng lại, đứng yên một lát để nghe điệu nhạc uyển chuyển ngân nga và cảm động của bài hát Ukren. Sau bà hết sức bình tĩnh đi ra, bà gặp cậu Mácxim đang đứng đợi trong lối đi tối om ngoài vườn.
Bà nghĩ bụng:
- Chà, thằng Iokhim nhà này thổi tiêu hay quá! Aingờ đâu con người bề ngoài thô kệch mà lại giàu tình cảm đến như vậy.

IV

Thực tế, Iokhim thổi tiêu hay vô cùng. Anh còn chơi thạo cả cây đàn vĩ cầm lắt léo. Người ta kể lại trước kia, vào những ngày chủ nhật, ở quán nước không ai chơi hay bằng anh bài “Côdắc” hay bài “Cô gái Cracôvi tình tứ”. Ngồi trong một xó, trên chiếc ghế đẩu, cái cằm nhẵn nhụi ghì chặt cây đàn vĩ cầm, chiếc mũ lông thú cao cao, ngạo nghễ lật ra sau gáy, anh lướt chiếc mã vĩ cong cong lên trên dây đàn căng thẳng, thì trong phòng không mấy ai có thể ngồi yên được. Ngay cả đến lão Do thái già chột mắt thường đệm đàn côngtơbát cho Iokhim, cũng long lên sòng sọc. Lão cố gắng kéo cho tiếng đàn nặng nề trầm trầm của lão theo kịp những tiếng đàn réo rắt, nhẹ nhàng và nhảy nhót của Iokhim, làm chiếc nhạc cụ nặng nề quê mùa của lão tưởng chừng đến vỡ tung ra mất. Và cả đến lão Yăngken cứ mỗi cử động, đôi vai lại nhảy thách lên, cũng lúc lắc cái đầu hói chụp chiếc mũ ca nô; lão rung cả người theo điệu nhạc linh hoạt và nhí nhảnh. Huống hồ những người có đôi chân vốn từ đời kiếp nào đã đúc nặn nên để hễ động nghe tiếng một điệu nhạc khiêu vũ vang lên là nhảy, là múa.
Nhưng từ dạo Iokhim phải lòng Maria, một cô bé làm thuê ở ấp bên cạnh, thì không biết tại sao anh
chàng lại đâm ra ghét cay ghét đắng cây đàn vĩ cầm vui vẻ nọ. Phải nói thực là cái đàn của anh không giúp gì cho anh để chiếm đoạt trái tim cô gái tinh quái, cô ả thích khuôn mặt bảnh bao nhẵn nhụi của một anh đi ở hơn là cái bộ mặt xấu xa, râu ria rậm sì của anh chàng nghệ sĩ người Ukren giỏi đàn vĩ cầm. Từ ngày ấy, trong quán nước hay ở những buổi dạ hội trong làng, không ai còn được nghe tiếng đàn réo rắt của Iokhim nữa.
Anh treo cây đàn lên một chiếc đinh trong chuồng ngựa. Cây đàn trước kia anh yêu quý nâng niu là thế mà nay mấy sợi dây bị ẩm đứt dần, anh cũng không buồn ngó tới. Dây đàn đứt bật ra những tiếng nghe vô cùng não nuột, buồn nát lòng làm đàn ngựa cũng phải thương tâm hí rầm lên. Chúng quay đầu lại nhìn chủ nhân và ngạc nhiên không hiểu sao anh lại nhẫn tâm đến thế.
Để thay chiếc đàn, Iokhim mua một ống tiêu của người vùng núi Cácpát. Chắc anh thấy tiếng tiêu dịu dàng êm ái đó phù hợp với cái số phận hẩm hiu của anh hơn và tin là nó sẽ diễn tả được thấm thía hơn mối u uất trong trái tim bị hắt hủi của anh.
Nhưng chiếc tiêu anh vừa mua của người miền núi làm anh thất vọng. Anh xoay thử đủ cách: cắt xén, nhúng vào nước rồi đem phơi nắng, sau lấy chỉ buộc treo dưới mái nhà, nhưng vô hiệu. Chiếc tiêu miền núi không hợp với trái tim Ukren. Lúc đáng ca hát nó lại
rít lên, lúc Iokhim muốn những rung động lả lướt, chiếc tiêu lại phát ra những tiếng chói tai. Tóm lại, chiếc tiêu tuyệt nhiên không muốn diễn tả tâm tình của chủ. Iokhim mua hàng chục chiếc tiêu. Sau anh phát cáu với tất cả bọn người miền núi lang thang nọ. Iokhim cho là họ không làm nổi một ống tiêu tốt, anh quyết làm lấy một chiếc theo sở thích của mình.
Suốt mấy ngày, anh bực dọc, lang thang vượt đồng, qua ruộng, gặp bụi lau nhỏ nào cũng dừng lại xem xét từng cành và cắt lấy vài đoạn. Nhưng vẫn chưa được ống nào vừa ý. Lông mày anh cứ cau có, nhíu lại, anh đi xa mãi tìm kiếm. Về sau anh dừng lại ở một chỗ có con sông con nước chảy lờ đờ. Trong cái vũng nhỏ này, sóng nước chỉ khẽ làm rung rinh mấy bông sen trắng. Ở đây hầu như không bao giờ nó lướt tới vì lau mọc um tùm dày đặc, đám lau bình tĩnh và trầm ngâm nghiêng mình soi bóng trên mặt nước, phẳng lặng và sầu thảm.
Iokhim rẽ đám cây con, anh đứng yên mấy phút bên mạn nước và thốt nhiên biết mình sẽ tìm được ở đây một cây sậy để làm ống tiêu như ý muốn. Anh hớn hở, rút ở túi một con dao nhíp có quai da buộc, sau khi đưa mắt chú ý nhìn bụi lau đang xào xạc, anh bước mạnh lại một cây sậy nhỏ, thân mảnh dẻ và mềm mại đang rung rinh trên bờ sông, nước sông soi mòn bờ đến vỗ sát tận bụi lau. Anh búng cây sậy một cái và sung sướng nhìn cái thân cây mềm mại, lắng tai nghe đám lá rì rào, rồi gật gật đầu.
Iokhim vui sướng quá:
- Đây rồi, cây này mới là cây ta đang cần. Nhữngống sậy cắt được từ trước, anh vứt đi hết.
Ống tiêu mới làm anh vừa ý hết sức. Ống sậy phơi đã khô, anh lấy chiếc dây thép nướng đỏ đốt hết những ruột bấc bên trong, khoét sáu lỗ tròn thẳng hàng và thêm một lỗ thứ bảy khoét chếch đi.
Anh lấy nút gỗ bịt vào một đầu ống tiêu, để chừa ra một khe nhỏ, đoạn lấy chỉ buộc treo lủng lẳng phơi nắng gió suốt một tuần. Về sau anh gọt giũa, lấy kính nạo, lấy miếng len kỳ cọt chau chuốt. Mặt trên ống tiêu tròn trặn. Giữa có mấy khoảnh mặt con con rộng bằng nhau, đánh nhẵn bóng. Iokhim lấy những miếng sắt mỏng cong queo nướng đỏ áp lên trên những mặt nhẵn, khắc thành những hình thù chạm trổ cầu kỳ. Sau khi thử vài nốt, Iokhim cảm động gật gật đầu, lẩm bẩm mấy tiếng, ra chiều thích thú và vội vã đem giấu kín chiếc tiêu vào một xó gần giường. Anh không muốn thổi thử tiếng tiêu đầu tiên trong không khí ồn ào ban ngày. Nhưng chiều tối vừa buông xuống, từ tàu ngựa đã vọt ra những tiếng sáo dịu dàng ngân nga, vô cùng êm ái khiến người nghe ngây ngất mơ màng. Iokhim hết sức vừa lòng với chiếc tiêu mới, coi nó khác nào xương thịt của mình. Tiếng tiêu réo rắt như từ trong trái tim, ấm áp và xúc động của anh ngân ra, vì tiếng tiêu thần diệu ấy đã nói lên được những khía tình cảm tinh vi, những run rẩy nhỏ nhất của mối buồn trong lòng anh. Những tiếng sáo rung động theo nhau bay vào trong đêm tối đang chăm chú lắng nghe.

V

Giờ đây, Iokhim say mê chiếc tiêu. Người và tiêu cùng nhau vui hưởng tuần trăng mật. Ban ngày, anh làm hết sức chu đáo bổn phận người hầu ngựa, dắt ngựa đi uống nước, đóng ngựa vào xe, đánh xe cho bà chủ hay cậu Mácxim đi dạo chơi. Đôi khi có việc đi qua làng bên, nơi cô bé Maria độc ác ở, anh thấy lòng se lại, nhưng chiều đến, anh lại quên tất cả. Ngay đến hình ảnh cô bé có đôi hàng lông mày đen láy tuyệt đẹp kia, cũng bị phủ một lớp sương mù. Cái hình ảnh ấy không còn có cái cụ thể, nóng cháy của nó. Trước mắt anh nó hiện ra trên một nền mơ hồ, vừa đủ thấy để làm tiếng sáo du dương kỳ diệu nghe thêm mơ màng buồn bã.
Chiều hôm ấy, cũng như mọi hôm, Iokhim nằm trong chuồng ngựa, ngây ngất vì điệu nhạc, và đang lắng mình thổi những khúc nhạc ai oán. Anh nhạc sĩ đã quên cô gái độc ác, quên cả cuộc sống của chính mình. Thốt nhiên anh rùng người đứng nhổm dậy.
Vào lúc cảm động nhất, anh thấy một bàn tay nhỏ bé lanh lẹn đưa ngón tay vuốt nhẹ nhàng mặt anh, rồi lùa trên tay sờ vội ống tiêu anh đang thổi. Cùng một lúc anh nghe bên cạnh mình có hơi người thở rộn ràng, cảm động.
Tưởng bị ma ám, anh vội làm dấu và quát lên: “Quỷ sứ hay Thượng đế sai mày đến đây hả?”. Anh muốn xem có phải mình bị ma quái ám ảnh hay không?
Nhưng một tia ánh trăng vừa lọt qua cửa tàu ngựa còn bỏ ngỏ, anh biết mình lầm. Đứng gần sát giường, em bé mù đang giơ đôi bàn tay nhỏ nhắn về phía anh.
Một giờ sau, bà mẹ muốn vào ngó thăm con ngủ, bà không thấy con trên giường. Thoạt tiên bà giật mình sợ hãi nhưng bản năng người mẹ đã giúp bà đoán biết ngay con bà đi đâu. Lúc ngừng thổi tiêu để lấy hơi, Iokhim thấy chính bà chủ đứng trên bậu cửa tàu ngựa, anh luống cuống thẹn thùng. Bà đứng đấy từ nãy, lắng nghe anh thổi tiêu và nhìn cậu con trai đang khoác chiếc áo bông ngắn của Iokhim ngồi trên giường mê mải nghe điệu nhạc bị cắt đứt.

VI

Từ bữa đó, ngày nào cũng cứ chiều chiều chú bé lại xuống tàu ngựa. Không bao giờ em nài Iokhim thổi tiêu ban ngày. Em có cảm giác vào buổi ban ngày xáo động, người đi lại ồn ào, không sao thổi được những điệu nhạc êm ái như vậy. Nhưng khi bóng chiều chớm buông, Pie đã bắt đầu thấy nóng lòng nóng ruột. Bữa cơm chiều chỉ để báo cho em biết là sắp đến cái giờ phút sung sướng mà thôi; còn bà mẹ theo bản năng, vốn không thích lối nghe thổi tiêu như vậy, nhưng cũng không sao cấm được cậu con trai yêu quý đến thăm anh nhạc sĩ quê mùa, hoặc cấm em ngồi suốt hai tiếng đồng hồ trong tàu ngựa trước khi đi ngủ. Những giờ nghe thổi tiêu như vậy trở thành những giờ phút sung sướng nhất trong ngày của em. Lòng ghen tức nung nấu bà mẹ, bà biết rõ những cảm giác du dương ban đêm này sẽ làm em bé suy nghĩ suốt ngày hôm sau. Bà nhận thấy mấy hôm nay em bé không vồn vã âu yếm đáp lại những lúc bà vuốt ve em như trước. Ngồi trên gối mẹ, ôm hôn mẹ mà em vẫn trầm ngâm tưởng nhớ đến những tiếng tiêu Iokhim thổi đêm trước.
Bà nhớ lại hồi bà theo học ở ký túc xá nữ sinh của bà Rađétska ở Kiép, trong các nghệ thuật giải trí bà có học dương cầm. Nói thực ra, những kỷ niệm hồi đó của bà không có gì là cực kỳ thú vị cho lắm, vì những kỷ niệm ấy gắn bó với hình ảnh cô Klap, một nữ giáo viên người Đức, một cô giáo già, gầy gò, tính nết tầm thường và nhất là rất ác. Cô ta hay cau có gắt gỏng lạ thường. Cô ta có thể bóp nát ngón tay học trò để uốn nắn cho nó được mềm mại. Cô thực đã hoàn toàn thành công trong việc bóp chết mọi nhạc cảm trong người đám học trò cô ta dạy. Cô Klap có một quan niệm thực kỳ dị về phương pháp sư phạm. Cứ đứng trước mặt cô là đủ để cái nhạc cảm nhút nhát biến mất hết chứ khoan nói đến phương pháp dạy của cô ta. Cho nên sau khi học xong và đi lấy chồng, bà Ana Mikhailốpna không bao giờ nghĩ đến chuyện tập luyện lại nhạc nữa. Nhưng giờ đây, lắng nghe anh chàng Ukren thổi sáo, tuy vẫn thấy ấm ức trong lòng, bà cảm thấy trái tim dần dần trở nên dễ rung động trước thứ âm nhạc chân chính, còn hình ảnh cô giáo Klap người Đức kia mờ hẳn đi. Bà Pôpenska năn nỉ chồng gửi mua cho một chiếc dương cầm tận ngoài tỉnh.
Ông Pôpenski, một ông chồng gương mẫu, bảo vợ:
- Mợ muốn thì tôi cũng mua. Nhưng nếu tôi khônglầm, thì xem như mợ cũng không thích âm nhạc cho lắm.
Ngay hôm ấy, ông viết thư gửi ra tỉnh, nhưng cũng phải vài ba tuần mới có dương cầm đưa về tận nhà quê đây được.
Trong khi đó, chiều nào tiếng tiêu du dương cũng từ tàu ngựa réo rắt bay lên. Em bé mù không kịp xin phép mẹ, hấp tấp chạy xuống.
Mùi thơm cỏ khô lẫn với mùi đặc biệt của tàu ngựa và mùi nồng nặc của bộ dây cương. Mấy con ngựa như thong thả, mồm ngoạm rơm để ở máng cỏ nghe xào xạo. Khi Iokhim ngừng lấy hơi để thổi, tiếng thì thầm của đám cây lá dẻ xanh ngoài vườn bay vào nghe rõ mồn một. Em Pie lắng tai nghe, mê mệt, say sưa.
Không bao giờ em ngắt tiếng tiêu. Chỉ khi Iokhim tự ý ngừng thổi được vài ba phút, mặt em mới không còn lặng lẽ mơ màng, mà lại có vẻ háo hức lạ lùng như muốn được nghe nữa. Em với lấy ống tiêu, hai tay run rẩy, đưa lên môi. Nghẹn ngào vì cảm xúc quá mạnh, tiếng tiêu đầu tiên em thổi ngập ngừng, không rõ. Nhưng lâu dần, em cũng làm quen được với chiếc nhạc cụ thô sơ. Iokhim dạy em đặt tay lên các miệng lỗ tiêu. Ngón tay xinh xắn của em tuy che chưa kín, nhưng em thuộc nốt nhạc rất mau. Với em, mỗi nốt nhạc có một tính cách riêng, một diện mạo riêng. Em đã biết chỗ nốt nhạc nào ở đâu, thổi ra sao và đôi khi, theo tiếng sáo rất mộc mạc của Iokhim ngân nga, mấy ngón tay của em cũng bắt đầu buông bắt theo nhịp hát. Em hình dung rất rõ các nốt nhạc xếp liên tiếp theo thứ tự lên hay xuống.

VII

Đúng ba tuần sau, chiếc dương cầm đặt mua ở tỉnh được mang về. Pie đứng ngoài sân, lắng tai nghe mấy bác người làm nhộn nhịp khuân chuyển “Cái nhạc” vào trong nhà. Chiếc đàn chắc nặng lắm nên lúc nhấc nó lên, chiếc xe lăn kêu răng rắc, mấy người khiêng phải rên lên, mồm thở hổn hển. Họ bước nặng nề, mỗi bước lại có cái gì vo vo, rung lên rầm rầm ở phía trên đầu. Khi đặt chiếc đàn xuống sàn nhà trong phòng khách, có tiếng gầm lên như chiếc đàn đùng đùng giận dữ dọa nạt ai. Tất cả làm em bé có cảm giác gần như khiếp sợ và có ác cảm ngay với cái “người khách lạ” quái ác tuy nó chỉ là vật vô tri. Em đi ngay ra ngoài vườn, không nghe người ta kê đàn, và cũng chẳng đợi nghe thợ lên dây đàn ra sao. Người thợ này bố mẹ em thuê riêng từ tỉnh về để sửa phím và căng lại dây. Khi mọi việc xong xuôi, bà mẹ cho gọi Pie đến.
Cậy có cây đàn do tay một nhà chuyên môn bậc nhất ở thành Viên chế tạo, bà Ana cầm trước sẽ thắng chiếc sáo thô sơ quê mùa. Bà chắc mẩm từ nay con trai bà sẽ quên cái tàu ngựa, quên cả anh chàng thổi tiêu. Bà sẽ là nguồn vui độc nhất của nó. Bà tươi cười nhìn con đang rụt rè cùng cậu Mácxim và Iokhim bước vào. Anh Iokhim cũng xin cho đứng nghe chiếc đàn lạ. Anh ngượng nghịu đứng ở ngưỡng cửa, mặt cúi nhìn xuống đất, chòm tóc rủ dài trên trán. Khi cậu Mácxim và Pie ngồi xuống đi văng, đột nhiên bà Ana ấn phím đàn.
Bà dạo một bản nhạc mà trước kia hồi trọ học ở nhà bà Rađepska, cô Klap đã luyện cho bà đến nơi đến chốn. Bản nhạc có cái gì hết sức ầm ĩ và phức tạp, ngón tay người dạo phải hết sức mềm mại. Chính hồi thi đàn, cô Ana dạo bài này và đã làm người nghe không ngớt lời khen, nhưng phần nhiều là ngợi khen người dạy. Không ai biết rõ lắm, nhưng nhiều người cho là cái ông Pôpenski lầm lì kia chắc đã say mê cô Iátsenkô đúng trong cái khắc đồng hồ ngắn ngủi cô dạo bài nhạc cực khó đã làm thính giả ngây ngất. Giờ đây dạo lại bản nhạc, trong lòng thiếu phụ hy vọng một chiến thắng mới: bà cố gắng giành lại trái tim nhỏ nhắn của đứa con trai đang mê mệt về chiếc sáo Ukren tầm thường.
Nhưng lần này bà đã hy vọng lầm: Chiếc đàn thành Viên không đủ tài địch lại với một mẩu sậy Ukren. Đành rằng chiếc dương cầm lạ kia có nhiều cách để làm người nghe phải say mê: nào gỗ quý, nào dây đàn vào hạng tốt nhất, người chế tạo lại là một nhà chuyên môn bậc thầy ở thành Viên, âm vực của nó lại vô cùng rộng rãi phong phú. Nhưng trái lại, chiếc sáo xoàng xĩnh nọ cũng có những đồng minh của nó, vì nó sinh trưởng ngay nơi quê nhà, trên đất nước quê hương, trong khung cảnh thiên nhiên Ukren thân thuộc.
Trước khi Iokhim lấy dao cắt và lấy sắt nung đỏ đốt trái tim nó, nó vẫn rung rinh ở gần đây, trên mặt con sông nhỏ quen thuộc và yêu mến của em. Mặt trời Ukren vuốt ve và sưởi nắng cho cây sậy, gió Ukren uốn cây nghiêng ngả cho đến lúc con mắt sắc sảo của
anh chàng thổi sáo Ukren nhận ra nó đang phập phồng trên bờ sông nước soi mòn nham nhở. Chiếc đàn mới khó mà địch nổi chiếc sáo con con quê mùa, vì tiếng sáo đến với em bé vào những giờ êm ái, lúc em thiu thiu ngủ. Nó đến với em trong bầu không khí mê li huyền ảo buổi chiều, giữa tiếng xào xạc của đám dẻ gai cũng đang thiu thiu ngủ, và tiếng rì rầm quen thuộc của cảnh vật Ukren.
Vả lại, bà Pôpenska không sao đọ được với Iokhim. Đành rằng, những ngón tay xinh xắn của bà mềm dẻo và lanh lẹ hơn, khúc nhạc bà dạo có phức tạp và phong phú hơn, và xưa kia cô Klap đã tận tâm dạy bảo cô học trò sử dụng được rất tinh thông chiếc đàn khó khăn này, nhưng mặt khác, Iokhim lại có khiếu về nhạc từ thuở lọt lòng. Anh đã yêu đương, đã đau khổ, và tình yêu, nỗi buồn, anh đem gửi cả vào điệu nhạc mà anh thuộc lòng từ ngày còn thơ ấu. Những điệu nhạc hết sức giản đơn nọ, anh học được ở cảnh vật thiên nhiên vô cùng thân thuộc, ở tiếng rừng xào xạc, tiếng cỏ thì thào trong thảo nguyên và ở câu hát cổ nơi quê hương mà anh được nghe từ ngày còn nằm trong nôi, những câu hát mơ màng và gần gũi quá.
Phải, chiếc đàn thành Viên khó mà thắng nổi chiếc sáo Ukren. Được một lát, cậu Mácxim nện mạnh chiếc nạng xuống sàn nhà. Bà Ana quay lại, trên mặt con trai vẫn lại cái vẻ ngơ ngác như buổi dạo chơi đầu tiên mùa xuân nọ, lúc em lăn ra nằm ngất trên bãi cỏ.
Iokhim nhìn em bé thương hại. Anh ngước mắt nhìn “chiếc nhạc Đức” nọ, cái nhìn khinh miệt. Anh quay mình đi ra, đôi giầy quê mùa nặng nề nện mạnh xuống đất.

VIII

Lần thất bại này đã làm bà mẹ tội nghiệp mất bao nước mắt và tủi hổ. “Bà lớn” Pôpenska, một người đã được đám “thính giả ưu tú” hoan nghênh mà nay lại chịu thất bại đau đớn như vậy ư? Và kẻ thắng là ai? Iokhim, một anh chăn ngựa tầm thường, với một chiếc ống sáo bằng sậy. Mỗi lần hình dung lại cái nhìn thương hại khinh bỉ của Iokhim sau bài nhạc dạo không thành công, mắt bà Ana lại đỏ lên vì xấu hổ. Bà ghét cay ghét đắng cái tên “mu-dích hèn hạ” ấy.
Tuy nhiên chiều chiều hễ con trai bà trốn xuống tàu ngựa, bà lại mở cửa sổ, tì tay lên thành cửa lắng tai nghe. Ban đầu, bà nghe mà trong lòng vẫn khinh miệt, bực tức, bà nghe chỉ để cố tìm những khía cạnh lố bịch của cái thứ tiếng “ríu rít ngớ ngẩn” ấy. Nhưng về sau, chính bà cũng không hiểu duyên cớ ra sao cái “tiếng ríu rít” ấy lại dần dần lôi cuốn, khiến bà phải chăm chú nghe, rồi như say mê, bà buông mình theo những tiếng sáo du dương và buồn bã. Nhận thấy chính mình cũng say tiếng tiêu của Iokhim, bà tự hỏi không biết vì sao tiếng tiêu lại hấp dẫn, lại mê ly huyền bí như vậy. Dần dần những đêm xanh ngắt, những bóng mờ ảo buổi hoàng hôn, và tiếng sáo ăn nhịp lạ lùng với cảnh vật xung quanh đã khiến bà hiểu rõ.
Rồi bà chịu thua và cũng say mê tiếng sáo. Bà tự nhủ thầm: “Ừ, trong tiếng sáo của anh ta có một thứ tình cảm rất đặc biệt, rất chân thực,... một thi vị huyền diệu không thấy có dạy ở một sách nhạc nào”.
Thực thế. Cái huyền bí của thứ thi vị ấy là ở trong quan hệ tế nhị giữa cái quá khứ đã mất đi từ lâu và cảnh vật thiên nhiên trước mắt, luôn luôn xúc cảm tâm hồn con người, cái thiên nhiên bất diệt đã chứng kiến cái quá khứ trên kia. Anh nông dân thô lỗ, đôi bàn tay đầy chai, chân đi đôi giầy ống to kệch ấy, trong người lại có mang cái hòa điệu nhịp nhàng, cái tình yêu thiên nhiên mãnh liệt như vậy.
Bà Ana thấy con người kiêu hãnh trong thâm tâm của bà đành chịu cúi đầu thua anh chăn ngựa. Bà quên cả những tấm quần áo thô kệch anh mặc, cái mùi dầu hắc ín lúc nào cũng sực trong người anh. Qua những âm thanh rắt réo ngân nga của chiếc sáo quê mùa, bà thấy anh Iokhim hiền lành quá, đôi mắt xám của anh nom dịu dàng, và dưới đôi ria mép của anh luôn luôn ẩn một nụ cười vừa e lệ vừa châm biếm. Nếu thỉnh thoảng mặt và đôi bên thái dương bà Pôpenska còn đỏ lên là vì trong cuộc tranh giành để được con trai bà chú ý đến, bà thấy mình đứng trên cùng một vũ đài với anh nông dân, cùng đứng ngang hàng với anh, mà rốt cuộc, chính anh ta lại là người chiến thắng.
Cây cối trong vườn thì thào trên đầu. Đêm đã nhóm đầy đốm lửa trên bầu trời mênh mông, da trời một màu đen kịt và trải xuống trái đất những bóng tối xanh ngắt; nỗi buồn da diết trong tiếng tiêu của Iokhim thấm vào tâm hồn người thiếu phụ. Bà chịu khuất phục dần dần, cái huyền bí ngây thơ của thứ thi vị mộc mạc, trong trắng không chút mầu mè giả tạo ấy đã chinh phục được bà.

IX

Ừ, anh mu-dích Iokhim có những tình cảm mạnh mẽ và chân thực ấy. Còn bà thì sao? Có thể nào những tình cảm ấy, bà lại không có hẳn ư? Nếu quả bà không có thì tại sao trái tim bà vẫn thường xao xuyến, tại sao bà hay bồn chồn lo lắng và nước mắt cứ trào ra không ngăn được?
Đây không phải là tình cảm hay sao, tình cảm của người mẹ thiết tha yêu đứa con mù đã bỏ mẹ để theo Iokhim, đứa con mà bà chưa biết làm thế nào để nó được say sưa thưởng thức như khi nó lắng nghe tiếng sáo của Iokhim.
Bà luôn luôn nhớ đến vẻ mặt đau đớn của đứa con trai lúc nghe bà dạo dương cầm. Nước mắt đắng cay chảy ròng ròng trên đôi gò má và đôi khi, không sao ngăn được, bà nghẹn ngào nức nở khóc.
Ôi, tội nghiệp cho bà mẹ! Đôi mắt mù của đứa con trai hóa thành thương tật của mẹ, một thứ thương tật không sao chữa được. Nó biến thành một tình thương yêu con thái quá và ủy mị, một tình thương làm bà mê mải và bằng muôn ngàn sợi tơ vô hình, nó ràng buộc trái tim bà với từng đau khổ nhỏ nhất của đứa con. Vì thế, với một bà mẹ khác thì việc ganh đua kỳ lạ với anh thổi sáo quê mùa chỉ gây nên hờn giận là cùng, nhưng với thiếu phụ đây, nó lại trở thành một nguồn đau khổ dữ dội, quá sức.
Ngày tháng trôi qua không đem lại cho thiếu phụ chút khuây khỏa, nhưng không phải là hoàn toàn vô ích: trong người bà đã bắt đầu cảm thấy trào lên những rung động của thi vị nhạc, những rung động đã làm bà say mê lạ lùng trong những lúc nghe tiếng sáo của Iokhim. Thế là hy vọng lại sống lại trong lòng người thiếu phụ. Đột nhiên bị kích thích, và vững tin ở mình hơn, mấy lần bà lại gần chiếc dương cầm, mở nắp ra, định dạo lên những điệu dồn dập để làm át tiếng sáo rụt rè của anh chăn ngựa đi, nhưng hễ mó đến đàn, bà lại ngượng ngùng, rụt rè, nên lại thôi.
Nhớ lại khuôn mặt sợ sệt của Pie, và cái nhìn dè bỉu của anh Iokhim, bà lại xấu hổ, đôi má đỏ bừng trong bóng tối. Bà đành chỉ lấy tay vuốt qua mặt đàn, lòng đầy thèm muốn và ngại ngùng.
Nhưng ở thiếu phụ, ý thức sâu sắc về khả năng của mình ngày càng mạnh. Một buổi chiều, nhân lúc con trai ra chơi ở lối vườn đằng xa hay đi dạo chỗ khác, thiếu phụ ngồi vào luyện dương cầm. Những buổi đầu tiên bà không vừa ý chút nào. Ngón tay không sao diễn đạt lên được những hiểu biết trong óc. Tiếng đàn lúc đầu không ăn nhịp với tâm trạng mới của bà. Nhưng dần dần tiếng đàn diễn tả ngày một đầy đủ hơn, dễ dàng hơn những tình cảm, những tâm tư của thiếu phụ. Bài học của anh mu-dích đã đem lại kết quả; một mặt khác, lòng mẹ thương con và óc thông minh tế nhị hiểu rõ vì đâu con bà say mê tiếng sáo, tất cả đã giúp thiếu phụ lợi dụng được mau chóng những bài học của Iokhim. Bà bỏ những bản nhạc ầm ĩ, phức tạp và từ nay trong nhà, chỉ còn réo rắt tiếng nhạc êm ái buồn bã của bài “đumka” Ukren, làm thiếu phụ mủi lòng.
Về sau, thiếu phụ thấy mình đã mạnh, đã đủ sức để công khai đua tranh. Thế là một cuộc ganh đua diễn ra giữa tòa lâu đài và túp tàu ngựa của Iokhim. Từ gian nhà trái tối om lợp dạ, tiếng sáo réo rắt êm đềm bay ra gặp tiếng dương cầm nhịp nhàng vọt ra từ mấy khung cửa sổ mở toang trên lầu sang trọng, đang phản chiếu ánh trăng lấp lánh qua vòm lá dẻ.
Lúc đầu, cả em bé lẫn Iokhim không ai muốn nghe thứ “nhạc giảo hoạt” mà hai người vốn có thành kiến. Thấy Iokhim ngừng thổi lắng tai nghe, em bé cau mày gắt:
- Kìa! Thổi nữa đi!
Nhưng hai hôm sau, Iokhim chốc chốc lại ngừng tiếng sáo, càng về sau càng năng ngừng hơn. Anh đặt ống tiêu xuống một bên để lắng nghe tiếng dương cầm, mỗi lúc một chăm chú. Pie cũng lắng nghe, quên không gắt bạn nữa. Một chiều kia, Iokhim trầm ngâm nói:
- Hay!... Thế mới tuyệt!...
Rồi, lơ đãng trầm ngâm như bất kỳ ai khi chăm chú lắng nghe, Iokhim bế em bé đi qua vườn đến cạnh cửa sổ phòng khách đang bỏ ngỏ.
Anh tưởng bà chủ dạo đàn chơi, không để ý đến anh và Pie. Nhưng những lúc ngừng tay, bà Ana nhận thấy chiếc sáo địch thủ của bà im tiếng. Biết mình đắc thắng, tim bà đập rộn lên vì sung sướng.
Đồng thời, bà không còn thấy giận anh Iokhim chút nào. Bà sung sướng và biết rằng diễm phúc ấy chính nhờ Iokhim bà mới có: anh đã dạy bà cách chinh phục được đứa con yêu, và nếu từ nay bà có thể cho đứa con trai yêu dấu của bà, kho tàng vô tận những cảm giác mới, thì cả hai mẹ con bà phải biết ơn anh chàng thổi sáo quê mùa, ông thầy chung cho cả hai người.

X

Băng đã tan. Hôm sau, em bé rụt rè bước vào phòng khách mà từ ngày có chiếc đàn lạ kỳ dị ở tỉnh đến, em thôi không bước chân đến. Em coi chiếc đàn như một vật gì bướng bỉnh và ầm ĩ. Hôm vừa qua, tiếng đàn này em nghe thấy hay quá, nên em không còn ghét nó như trước. Tuy nhiên, em vẫn còn hơi rụt rè, men dần lại chỗ đặt chiếc dương cầm, đứng xa nó một quãng, nghển cổ lắng tai nghe. Không một ai trong phòng. Mẹ em ở buồng bên đang ngồi đan áo trên chiếc đi-văng. Bà nín hơi nhìn, ngắm nghía từng cử động, từng thay đổi nhỏ trên nét mặt hàm xúc ý tứ của đứa con.
Pie đưa tay sờ mặt đàn đánh si nhẵn bóng, rồi sợ hãi rụt ngay tay lại. Hai lần như vậy, em nhích lại gần chiếc đàn thêm một chút, để ý xem xét kỹ lưỡng. Em cúi sát xuống tận sàn nhà, sờ nắn chân đàn, nắn vòng quanh chiếc đàn một lượt. Sau cùng tay em đặt lên những phím đàn nhẵn bóng.
Một tiếng đàn êm ái e lệ rung lên trong không gian. Pie lắng nghe mãi những âm rung mà người mẹ không nghe thấy. Rồi, dồn hết tâm tư, em ấn một phím khác. Đoạn mấy ngón tay em lướt khắp mặt đàn, một nốt nhạc cao lanh lảnh vang lên. Em lắng nghe rất lâu từng nốt nhạc. Tiếng đàn nối nhau vang lên rồi tan vào trong không gian. Nhìn vẻ mặt, biết em thích thú, nhưng đồng thời trí óc em hết sức căng thẳng. Em nghiền ngẫm từng tiếng đàn. Chỉ xem em chú ý cao độ đến những âm thanh giản đơn, những phần cơ bản của mỗi bản nhạc, ta đủ thấy ở em có thiên tư của một nghệ sĩ.
Nhưng ngoài ra, em bé mù như còn thấy ở mỗi âm thanh có những đặc tính riêng. Một nốt nhạc cao vui vẻ, trong sáng vọt ra dưới ngón tay em, em liền vui vẻ ngửa mặt như dõi theo tiếng đàn đang nhẹ nhàng lan trong không trung. Trái lại, mỗi lần tiếng đàn rung lên trầm nặng, chỉ thoáng nghe thấy, em liền nghiêng đầu ghé tai lắng nghe. Em thấy hình như tiếng đàn nặng nề đó chắc phải lan ra dưới sát mặt đất, tản mạn trên sàn nhà rồi biến vào những xó tối om.

XI

Cậu Mácxim thấy cháu thử đàn chỉ đứng lặng im thương hại. Có một điều kỳ quặc là những thiên hướng sớm lộ ở em bé mù ấy lại làm nảy ra trong óc cậu Mácxim những cảm giác trái ngược nhau. Một mặt, thấy Pie có khiếu về âm nhạc, cậu mừng thầm cho đứa cháu có một tài năng chắc chắn như vậy, có thể có tương lai. Nhưng mặt khác, trong thâm tâm người lính già còn có một cảm giác mơ hồ thất vọng.
Cậu nghĩ thầm: “Đành rằng âm nhạc là một sức mạnh phi thường giúp người ta chinh phục được trái tim quần chúng. Nó mù, nhưng sau này nó vẫn có thể làm trăm nghìn các bà các cô quý phái và những tay thượng mã phong lưu xô nhau đến. Nó sẽ dạo những điệu vansơ, những bản dạ khúc, làm họ phải lấy mù xoa ren lau nước mắt (cần nói rõ là kiến thức về âm nhạc của cậu Mácxim không xa quá những điệu “vansơ” và mấy bản “dạ khúc”). Trời ơi! Ta đâu muốn cho cháu ta như vậy, nhưng biết làm thế nào? Thằng bé tội nghiệp bị mù, thôi thì sống ở đời, nó làm được gì thì làm, có lẽ nó học hát lại hơn? Hát không những chỉ làm rung động người nghe, nó còn khêu gợi những hình ảnh, buộc trí óc phải suy nghĩ, giúp tâm hồn thêm can đảm.
Một buổi chiều cậu Mácxim theo Pie vào tàu ngựa. Cậu bảo Iokhim:
- Này Iokhim! Vứt cái sáo của mày đi. Cái đó đểcho trẻ ngoài phố hay đứa chăn bò ngoài đồng chơi. Mày lớn rồi, là một anh mu-dích hẳn hoi còn gì. Dù con bé Maria có làm mày ngây dại, cũng thôi đừng thổi nữa. Xì! Xấu hổ chưa! Con gái nó mới quay lưng một cái đã đờ đẫn ra. Cứ rít lên suốt đêm như con chim bị nhốt lồng ấy!
Nghe chủ mắng gắt một tràng, Iokhim cười trong bóng tối về cơn giận vô cớ ấy. Duy có điều cậu Mácxim so bì anh với trẻ ngoài phố và trẻ chăn bò là làm anh hơi mếch lòng.
- Cậu đừng nói thế. Một ống tiêu như ống tiêu củatôi, không một đứa chăn cừu nào ở xứ Ukren này có được, chứ đừng nói đến lũ chăn bò. Chúng nó chỉ có những ống sáo tầm thường, còn ống tiêu của tôi... Cậu hãy lắng nghe xem...
Lấy ngón tay bịt tất cả các lỗ tiêu, anh thổi hai nốt nhạc lên cao rồi gật gù khoái hưởng cái âm thanh tuyệt diệu. Cậu Mácxim khạc nhổ xuống đất.
- Trời ơi, mày ngốc quá!... Dễ tao cần ống tiêu củamày lắm đấy! Ống tiêu, đàn bà, kể cả con Maria của mày, cùng một giuộc cả! Mày cứ hát một bài cho tao nghe lại hơn. Một bài hát cổ ấy!
Cậu Mácxim, cũng người Ukren, cậu giản dị và thẳng tính. Đối với người ăn làm và những người mu-dích cậu cư xử bình đẳng. Nhiều lúc cậu có la mắng họ, nhưng trong lời la mắng vẫn có một cái gì tốt bụng, nên không ai giận. Với cậu, mọi người tuy không phải câu nệ, nhưng ai cũng kính trọng.
- Sao lại không? Trước kia tôi đã từng hát và hátcũng không tồi lắm. Nhưng thưa cậu, có lẽ bài hát của người mu-dích chúng tôi, sẽ không làm vừa lòng cậu? - Iokhim nói có ý giễu nhẹ nhàng cậu Mácxim.
- Hát đi! Hát đi! Đừng vớ vẩn nữa! Thổi tiêu bì saođược với hát hay, tất nhiên là phải đem hết tâm hồn vào câu hát. Này Pie, cậu cháu ta hãy lắng tai nghe Iokhim hát nhé. Nhưng cậu không biết liệu cháu có hiểu được không?
Pie hỏi:
- Bài hát mu-dích ư? Lối hát đó cháu hiểu lắm!
Mácxim thở dài. Cậu vốn là tay lãng mạn. Xưa kia cậu đã từng ước mơ làm sống lại những phong tục phóng khoáng của người Côdắc.
- Cháu ạ! Đây không phải là những bài hát củabọn nông nô xưa đâu. Trái lại, đây là những bài hát của một dân tộc hùng mạnh và tự do. Các cụ bên ngoại nhà cháu xưa kia thường hát nó trên những cánh thảo nguyên, dọc bờ sông Niép, Đanuýp và bờ biển Hắc Hải... Những cái đó một ngày kia cháu sẽ hiểu. Rồi cậu mơ màng nói thêm: nhưng bây giờ, bây giờ cậu sợ một điều khác...
Quả thực, cậu Mácxim ngại Pie lại một lần nữa không hiểu. Cậu nghĩ muốn làm rung cảm trái tim, những hình ảnh mạnh mẽ của bài ca hùng tráng nhất định đòi hỏi người nghe phải hình dung lại những cái mắt đã nhìn thấy được từ trước. Cậu sợ khối óc tối mò của đứa cháu không thể nào hiểu được ngôn ngữ đẹp đẽ của những bài dân ca. Cậu quên khuấy rằng ngày xưa, các thi sĩ dân gian, những ca sĩ Ukren và những nghệ sĩ chơi đàn băng-đu-ra phần lớn cũng là những người mù. Thực ra, nhiều khi cũng là do tai họa hay vì tàn tật mà họ phải ôm đàn đi ăn xin. Nhưng không phải tất cả họ đều là những người hành khất có cái giọng khàn khàn và cũng không phải là người nào cũng về già mới bị mù. Đôi mắt mù gói cả vũ trụ trong một tấm màn đen đặc, tấm màn đè nặng xuống khối óc, nó đè ép và ngăn cản sự hiểu biết của người xấu số. Nhưng nhờ những khái niệm di truyền, nhờ những ấn tượng do những giác quan khác thâu lượm được, nên khối óc người mù trong bóng tối cũng tự tạo cho mình một vũ trụ riêng, một vũ trụ tối tăm, buồn bã, tẻ ngắt, nhưng vẫn không phải không đượm một thứ thi vị mơ hồ, đặc biệt.

XII

Cậu Mácxim và Pie ngồi trên đống rơm. Iokhim ngả mình trên thành giường (nằm như thế rất phù hợp với tâm hồn nghệ sĩ của anh). Anh suy nghĩ một lát rồi hát.
Không hiểu do ngẫu nhiên hay do bản năng nghệ sĩ, bài anh chọn hát rất hay, nó nhắc lại một trang lịch sử:
Trên kia, trên ngọn đồi xanh,
Cùng nhau gặt lúa nhanh nhanh một đoàn...
Tất cả những ai đã được nghe hát cho ra hát bài dân ca đẹp đẽ này, sẽ khắc sâu vào trong trí nhớ cái âm điệu cổ kính, khi lanh lảnh, lúc ngân nga và như phủ một mối buồn man mác vấn vương về những kỷ niệm xa xôi trong lịch sử. Bài ca không kể lại những biến cố lớn lao, tiếng tăm vang dội, những cuộc giao tranh đẫm máu, những chiến công oanh liệt, nó cũng không phải là lời một chàng thanh niên Côdắc từ biệt người yêu, một cuộc tấn công gan dạ hoặc một cuộc viễn du trên biển xanh và trên sông Đanuýp . Đây chỉ là hình ảnh những kỷ niệm của một chàng trai Ukren vụt hiện ra nhanh chóng như làn chớp nhoáng, một giấc mộng mơ hồ, một mảnh giấc mơ làm sống lại cái quá khứ xa xôi. Trong ngày buồn tẻ, lòng nặng trĩu những phiền muộn vẩn vơ, thốt nhiên trong trí tưởng tượng của anh chàng, bức tranh nọ hiện ra mờ mờ, hỗn độn, đượm vẻ buồn của thời đại cổ xưa vô cùng thân mến và đã biến vào dĩ vãng. Phải, cái thời đại ấy đã biến đi nhưng không phải là không còn để lại chút dấu vết gì. Chính cái thời đại đã qua ấy, ngày nay những đống gò cao ngất, nơi những đống xương Côdắc yên nghỉ, vẫn còn nhắc lại cho chúng ta, và cứ nửa đêm ở nơi đây lại lập lòe những đốm sáng huyền bí và nổi lên những tiếng rền rĩ, âm âm...
Câu chuyện cổ tích và bài hát dân gian đang tắt dần nọ chính là nhắc nhở chúng ta đến những thời xa xôi ấy:
Trên kia, trên ngọn đồi xanh,
Cùng nhau gặt lúa nhanh nhanh một đoàn.
Dưới kia chân quả đồi xanh, Đoàn người Côdắc hành binh trùng trùng,
Đoàn người Côdắc hành binh trùng trùng...
Lắng nghe lời ca buồn thấm thía, cậu Mácxim ngây ngất cả người. Bức tranh do khúc nhạc êm đềm gợi ra sao mà ăn nhịp với đề tài câu hát đến thế, bức tranh vụt hiện ra trong óc cậu như được rọi sáng bởi những ánh phản chiếu buồn bã của buổi chiều tà. Trên cánh đồng yên tĩnh, trên ngọn đồi xanh xanh, đám thợ gặt đang khom khom lặng lẽ cắt lúa. Dưới chân đồi, từng đoàn chiến sĩ nối đuôi nhau lặng lẽ đi qua, để rồi biến vào trong bóng tối buổi chiều đang buông xuống trùm lên cả vùng thung lũng.
Tiếng hát ngân dài, phập phồng, rung động, lặng tắt trong không trung để rồi lại vang lên và làm sống lại trong buổi hoàng hôn những hình ảnh luôn luôn mới mẻ.

XIII

Pie lắng nghe, mặt rầu rầu buồn bã. Khi Iokhim hát đoạn nói đến đám thợ gặt trên ngọn đồi thì óc tưởng tượng đưa ngay em lên tận đỉnh tảng đá quen thuộc. Em nhận ra bởi tiếng sóng vỗ nhẹ nhàng, khe khẽ đập vào chân tảng đá to lớn. Em cũng đã biết người thợ gặt ra làm sao: em nghe rõ tiếng hái xén xoèn xoẹt, tiếng bông lúa đổ xuống rào rào. Khi bài hát gợi đến cảnh ở dưới chân đồi, óc tưởng tượng lại đưa ngay em xuống tận thung lũng.
Tiếng hái lách cách tắt bẵng, nhưng em biết đám thợ gặt vẫn còn ở trên kia, trên lưng chừng trái đồi, và nếu em không còn nghe thấy gì nữa là do họ ở quá cao, cao bằng ngọn những cây phi lao mà em thường nghe tiếng rì rào những lúc em ngồi dưới chân tảng đá. Và dưới kia, theo dọc con sông, vang lên tiếng vó ngựa đều đều, mau bước... Đoàn kỵ mã đông người: trong bóng mờ mờ tối dưới kia, dưới chân đồi có tiếng rầm rầm hỗn độn. Đấy là “Đoàn người Côdắc hành binh trùng trùng...”
Em cũng đã biết thế nào là “người Côdắc”. Ông già Phếtcô thỉnh thoảng vẫn lại thăm gia đình em. Ai cũng biết ông lão là một “ông già Côdắc” và đều gọi ông như vậy. Ông thường bế em, đặt em lên đầu gối, tay ông lão run run, vuốt ve mái tóc em. Khi theo thói quen, em đưa tay nắn nắn mặt ông lão, ngón tay thành thạo của em sờ thấy những nếp nhăn sâu, những chiếc ria mép rủ quặp xuống và mấy giọt nước mắt già nua lăn trên đôi má hóp.
Nghe tiếng hát ngân nga, em hình dung đoàn người Côdắc đang đi dưới chân đồi là những người như vậy. Họ đều cưỡi ngựa, cũng râu ria, lưng còng và cũng già như ông lão Phếtcô, họ tiến quân như những bóng mờ mờ trong đêm tối và y như ông Phếtcô, họ cũng khóc, có lẽ vì trên ngọn đồi và trong thung lũng chập chờn bay những tiếng rền rĩ rầu rầu, não ruột của bài ca mà hôm nay Iokhim đang hát, bài ca của anh chàng Côdắc nông nổi nọ đã đem đổi vợ lấy chiếc điếu cày và lấy những vinh nhục của chiến tranh.
Chỉ thoáng nhìn, cậu Mácxim biết ngay đứa cháu yêu quý tuy mù, nhưng bản chất đa cảm của nó rung động mạnh mẽ trước những hình ảnh nên thơ của bài ca.
Người nhạc sĩ mù
LỜI TÁC GIẢ
Chương 1
Chương 2
Chương 3
Chương 4
Chương 5
Chương 6
Chương 7
Chương Kết