V.Korolenko
LỜI TÁC GIẢ
Tác giả: V.Korolenko
Tôi biết trước lần này việc nhuận chính và những đoạn thêm bớt sẽ làm người đọc ngạc nhiên, nên thấy cần phải giải thích. Đề tài chủ yếu cũng như động cơ căn bản về tâm lý của câu chuyện là lòng khao khát được thấy ánh sáng của con người, một thứ khao khát do bản năng, do cơ thể thôi thúc. Đấy là mấu chốt cuộc khủng hoảng tinh thần trong phát triển của nhân vật chính câu chuyện và cách giải quyết nó. Trong số những lời phê bình của bạn thân tôi, hoặc trên báo chí, có những lời phản đối, cho là cái bản năng ham muốn ánh sáng ấy không thể có ở một người mù từ thuở lọt lòng. Những người này không hề thấy ánh sáng, vậy họ không thể thấy thiếu thốn cái mà họ không bao giờ biết đến. Theo tôi, lời chê trách đó có phần không đúng. Chúng ta chưa hề bao giờ bay được như chim, thế mà ai cũng thấy rõ rệt cái cảm giác bay liệng trên không đã từ bao nhiêu năm vẫn hằng ám ảnh các trẻ em và các thanh niên trong những giấc mơ. Tuy nhiên, cũng xin thú thực là cái chủ đề ấy được đưa vào câu chuyện trước hết là do trí tưởng tượng của tôi gợi ra. Mãi mấy năm về sau, khi cuốn sách này đã được tái bản nhiều lần, trong một buổi dạo chơi, tôi đã may mắn được có dịp quan sát trực tiếp. Hai chú bé kéo chuông mà độc giả sẽ thấy nói đến ở chương VI (một chú bị mù từ thuở lọt lòng), tâm trạng khác nhau của hai chú, đoạn tả hai chú với lũ trẻ con, những lời của chú Iêgo nói về những giấc mơ, tất cả những cái đó, tôi đã mục kích tại chỗ và có ghi vào sổ tay ngay trên tháp chuông nhà thờ Sarôpski thuộc giáo quản khu Tam bốp. Ngày nay có lẽ hai chú bé vẫn còn sống và đang giới thiệu tháp chuông với khách đến thăm. Từ ngày đó mỗi lần sách tái bản, tôi lại băn khoăn về đoạn này mà theo tôi, là đoạn quyết định để giải quyết dứt khoát vấn đề. Chỉ hiềm vì câu chuyện đã viết xong, viết lại thực rất khó, nên tôi cứ chần chừ mãi không đưa đoạn này vào.
Lần tái bản này, đoạn thay đổi kể trên là phần thay đổi quan trọng nhất. Những chi tiết sửa đổi khác chỉ là hậu quả của nó, vì một khi đề tài đã sửa lại, tất nhiên tôi không thể chỉ làm việc nhét thêm một đoạn mới vào một cách máy móc, óc tưởng tượng của tôi trở lại vết cũ, công việc của nó tất nhiên thấy phản ánh trên những đoạn khác trong câu chuyện.
25-2-1898