Chương Kết
Tác giả: V.Korolenko
Ba năm trôi qua.
Thiên hạ nô nức kéo đến chợ “Kôngtơra” ở Kiép. Họ xô nhau đến dự một buổi hòa nhạc để thưởng thức tài nghệ của một nhạc sĩ rất độc đáo.
Nhạc sĩ này mù, nhưng người ta đồn anh ta có tài phi thường và cuộc đời trước kia cũng hết sức lạ lùng. Họ kháo nhau nhạc sĩ hồi còn bé, vốn là con một gia đình khá giả, bị bọn hành khất mù bắt cóc mang đi lang thang khắp nơi, về sau may gặp được một giáo sư âm nhạc nổi tiếng để ý thấy em bé có tài năng đặc biệt xin mang về dạy dỗ.
Có người lại quả quyết là lúc bé nhạc sĩ vốn có đầu óc lãng mạn nên đã tự ý bỏ nhà ra đi theo bọn hành khất mù. Câu chuyện thực hư thế nào không rõ, chỉ biết là người đến xem chật ních cả rạp, món tiền thu để giúp vào công cuộc từ thiện nào đó không ai rõ, thực chưa từng thấy.
Cả rạp im phăng phắc khi thấy một người trẻ tuổi khuôn mặt tai tái, đôi mắt to và đẹp, bước ra sân khấu. Không ai lại ngờ được là anh ta mù, nếu đôi mắt của anh nó không trơ ra quá và nếu anh không phải nhờ một thiếu phụ tóc hoe vàng dắt tay. Thiếu phụ còn trẻ lắm và nghe đâu là vợ nhạc sĩ.
Trong đám đông có kẻ ghen ghét nói với người bên cạnh:
- Thế kia trách nào chả làm mọi người xúc động. Nom mặt cũng quá ư bi đát còn gì!
Thực thế. Khuôn mặt nhạc sĩ nom tái nhợt. Lúc nào cũng trầm ngâm, nghiêm nghị, đôi mắt không chút động đậy và tất cả cái vẻ đẹp bên ngoài kia đều hứa hẹn một cái gì kỳ lạ, khác đời.
Thường thường thính giả Ukren thích thưởng thức những bài hát dân gian của xứ mình, nhưng ở đây, bản đàn nhạc sĩ ngẫu hứng dạo nên đã làm cái đám đông phức tạp của những người đi chợ “Kôngtơra” này mới nghe cũng đã cảm động say mê về điệu nhạc chân thành sâu sắc. Tình thắm thiết quê hương, cái hương vị tế nhị và độc đáo của điệu nhạc dân gian, tất cả đều nổi bật lên trong bản đàn ngẫu hứng vọt ra dưới mấy ngón tay người nhạc sĩ mù. Bản đàn phong phú màu sắc, uyển chuyển du dương, cuồn cuộn như sóng nước, ào ào vút lên như bài quốc ca trang trọng, hay tỏa rộng ra thành những nốt buồn man mác. Có lúc nó rì rào thủ thỉ, nghe như gió thổi vờn đám cỏ xanh ngoài thảo nguyên, lướt trên ngọn đồi, làm người nghe như bị cuốn vào trong cảnh mơ màng đầy hình ảnh của quá khứ xa xăm.
Bản đàn dạo xong, tiếng vỗ tay hoan hô vang lên như sấm làm rung chuyển cả gian phòng rộng mênh mông. Đứng trước chiếc dương cầm, Pie cúi đầu ngạc nhiên lắng nghe cái đám ồn ào trước mặt. Nhưng tay anh lại giơ lên, đặt khẽ xuống mặt đàn. Thính giả đông nghịt đột nhiên nín im phăng phắc.
Vừa lúc ấy, cậu Mácxim bước vào. Cậu đưa mắt chăm chú nhìn đám thính giả, đang chăm chắm mắt long lanh quay dồn cả về phía nhạc sĩ mù, hồi hộp cảm động.
Người lính già lắng nghe và chờ đợi. Hơn ai hết, cậu hiểu rõ cái tấn kịch sống nó vang lên trong ngón đàn Pie đang dạo. Cậu sợ bản nhạc ngẫu hứng mạnh mẽ tự tâm hồn nhạc sĩ cuồn cuộn chảy ra kia lại bị ngắt quãng như xưa bởi một vấn đề đau khổ nào trong trái tim lại đang có một vết thương nhức nhối mới của chú học trò của ông. Nhưng tiếng đàn giờ đây nghe mỗi lúc một mạnh mẽ, vững chãi, mỗi lúc một vang động, trang nghiêm hơn, làm thính giả say mê, vừa cảm động vừa hoan hỉ.
Càng lắng nghe, cậu Mácxim càng thấy trong tiếng đàn của Pie có một cái gì thân thuộc.
Phải, đúng nó rồi, đúng cái phố xá ồn ào. Một lớp sóng ầm ĩ, huyên náo, đầy sức sống đang lăn, lăn mãi, rồi tung lên, tản ra thành muôn ngàn âm thanh. Lớp sóng lúc lên cao, lúc xuống thấp, chỉ còn nghe tiếng rì rầm, xa xôi, không dứt, lúc nào nghe cũng vẫn một điệu bình tĩnh, nghiêm trang, thản nhiên và lạnh lùng. Trái tim cậu Mácxim đột nhiên se lại. Vẫn như xưa kia, một tiếng rền rĩ tự ngón tay nhạc sĩ, tiếng rên rỉ vọt ra, vang trong phòng rồi tắt bẵng. Tiếp đến, lại những tiếng ồn ào của cuộc sống mạnh mẽ, huy hoàng và linh hoạt, vui vẻ và sáng sủa.
Bây giờ không phải chỉ là tiếng than vãn về nỗi ưu uất cá nhân, tiếng rên la đau khổ vì đôi mắt bị mù. Cậu Mácxim rớm lệ. Nước mắt cũng thấy chảy lăn trên gò má các người ngồi bên cạnh.
Cậu nghĩ bụng:
- À ra nó đã nhìn được, phải, đúng là đôi mắt của nó đã sáng ra!
Tuy nhiên giữa những tiếng đàn thanh thản, nhộn nhịp sung sướng và phóng khoáng như làn gió ngoài đồng ruộng và cũng vô tư lự, trong cái ồn ào hỗn tạp và choáng váng của cuộc sống, trong cái điệu nhạc, lúc u buồn khi trang trọng của bài hát dân gian, vẫn thấy nảy ra một tiếng não nùng đau đớn, thiết tha hơn, mạnh mẽ hơn.
- Hay lắm! Hay lắm! Con ạ!
Cậu Mácxim khuyến khích, cổ vũ thầm đứa cháu. Cứ đập vào giữa lúc họ đang vui vẻ, sung sướng này...
Một lát sau, trong gian phòng rộng mênh mông, chỉ còn tiếng hát của bọn người hành khất mù vang lên mạnh mẽ, quyến rũ, làm thính giả ngây ngất, say mê.
- Vì Chúa!... xin các ông các bà bố thí cho kẻ mù lòa đói khó! Nhưng không phải chỉ là một tiếng rên rỉ, than van yếu ớt bị át đi trong đám ồn ào ngoài phố. Không, trong tiếng đàn có tất cả những cái mà xưa kia Pie đã phải nhăn mặt xúc động, không đủ sức chống lại được với nỗi đau nhức nhối, đành phải ngừng bỏ. Giờ đây, anh đã thắng được cái đau xót ấy trong tâm hồn anh và lại chinh phục được cả tâm hồn thính giả, nói lên được cho mọi người nghe rõ tất cả cái ghê tởm xấu xa của cái thực tế đang ngự trị cuộc sống. Tiếng đàn như đêm tối trên nền ánh sáng chói lòa; và đấy lại còn là lời nhắc nhở cái đau thương giữa một cuộc sống đầy sung sướng.
Như có tiếng sét kinh khủng nổ xé trên đầu thính giả, trái tim mọi người đều run rẩy, khác nào bị những đầu ngón tay của Pie chạm tới.
Bản đàn dứt đã lâu mà trong phòng vẫn yên lặng như tờ. Cậu Mácxim cúi đầu ngẫm nghĩ:
- Phải, đôi mắt của nó đã nom thấy được. Nó đã lấy cái khái niệm chân thực, cao quý về cuộc sống thay thế cho mọi nỗi đau khổ cá nhân ích kỷ mù quáng và không bao giờ thỏa mãn được của nó. Nó đã hiểu rõ nỗi đau khổ cũng như hạnh phúc của con người. Thế là mắt nó đã sáng ra và từ nay nó sẽ biết nhắc nhở những kẻ giàu sang, sung sướng, là trên đời này còn có nhiều kẻ khốn khổ, đau thương.
Người lính già cúi đầu xuống mỗi lúc một thấp thêm. Thế là ông cũng đã làm tròn bổn phận.
Không, ông đã không sống uổng phí một đời. Những tiếng đàn đầy sức sống đang làm mọi người ngây ngất kia, những tiếng đàn ấy đã nói lên điều đó rất rõ.
Đấy, buổi đầu của nhạc sĩ mù là như vậy.
1887-1898