Chương 6
Tác giả: V.Korolenko
I
Sáng hôm sau, Pie dậy sớm. Trong buồng yên tĩnh, dưới nhà chưa thấy tiếng ai thức giấc động chạm gì. Không khí mát mẻ ban mai bốc tự dưới vườn đưa qua chiếc cửa sổ để ngỏ cả đêm. Tuy hai mắt bị mù, nhưng Pie cảm thấy thiên nhiên rất rõ rệt. Anh biết trời còn sớm lắm, chiếc cửa sổ bỏ ngỏ vì tiếng lá cây rì rào nghe rõ rệt và rất gần. Hôm nay mọi cảm giác trong người anh đều rành rọt đặc biệt, anh biết cả mặt trời đang nhòm vào căn buồng anh nằm và nếu thò tay qua cửa sổ, anh sẽ hứng được mấy hạt sương rơi tự những chòm cây nhỏ. Hơn nữa, anh còn thấy trong người tràn ngập một thứ cảm giác mới mẻ, lạ lùng.
Anh ngồi yên trên giường một lát; lắng nghe tiếng một con chim nhỏ hót líu lo êm ái ngoài vườn và nghiền ngẫm về cái cảm giác lạ lùng nó đang trào lên trong trái tim. Anh nghĩ bụng:
Đã xảy ra chuyện gì rồi nhỉ?
Những lời Êvơlin nói chiều qua, lúc chập tối ở bên cạnh chiếc máy xay, giờ đây bỗng vọt ra trong óc anh.
“Thế quả thực anh chưa hề nghĩ đến những chuyện đó ư? Sao anh ngốc thế!?...”
Không, chưa bao giờ Pie nghĩ đến chuyện ấy. Có Êvơlin ở bên cạnh là một niềm vui cho anh, nhưng cho đến tận ngày hôm qua, niềm vui ấy anh vẫn chưa biết đến, khác nào hàng ngày ta hít thở không khí mà vẫn không để ý đến nó. Nhưng lời nói giản dị của Êvơlin rơi vào trong tâm hồn anh khác nào một hòn đá tự cao rơi xuống mặt nước. Một phút trước đây, mặt nước còn là một tấm gương phẳng lừ, lặng lẽ phản chiếu những tia nắng và da trời xanh ngắt. Một cái va chạm, thế là nước rung đến tận đáy hồ.
Giờ đây, anh tỉnh hẳn, tâm hồn đổi mới. Anh đã nhìn cô bạn thuở nhỏ với con mắt khác. Nhớ lại từng chi tiết nhỏ trong câu chuyện hôm qua, anh ngạc nhiên nghiền ngẫm cái giọng nói “mới” của Êvơlin nó còn văng vẳng trong óc anh: “Nếu một cô gái yêu...”, “Sao anh ngốc thế!”.
Anh ngồi phắt dậy, vội vã mặc quần áo rồi xăm xăm băng qua những con đường nhỏ còn đẫm sương, đến chiếc chỗ máy xay hoang vắng. Nước vẫn róc rách như hôm qua, và vẫn như hôm qua, mấy cành anh đào đang thì thào với nhau trên cây. Nhưng hôm qua trời mù mịt, còn giờ đây, đang lấp lánh một vầng thái dương huy hoàng mát mẻ buổi ban mai. Chưa bao giờ anh cảm thấy ánh sáng được rõ rệt như lúc này. Anh tưởng chừng những tia nắng vui vẻ hòa với không khí ẩm mát, thơm tho và tiết trời êm dịu buổi sáng, đang thấm vào cơ thể anh, đang mơn trớn các dây thần kinh trong người anh.
II
Người ta có cảm giác cả tòa lâu đài như tươi sáng, vui vẻ hẳn lên. Bà Ana như trẻ lại. Cậu Mácxim pha trò luôn mồm, tuy đôi lúc giữa đám khói cuồn cuộn còn càu nhàu như mấy tiếng sấm xa xăm của cơn bão thoảng qua. Cậu bảo nhiều người cho đời là một cuốn tiểu thuyết tồi kết thúc bằng một đám cưới, nhưng họ có biết đâu trong đời còn có nhiều cái mà một số người không được quên.
Ông Pôpenski dạo này nom bệ vệ, béo tròn xoay, mái tóc hoa râm, da mặt hồng hào đẹp đẽ. Ông luôn luôn đồng ý với ông em vợ, và lấy những ý kiến đó làm quyết định của mình, rồi ngay lập tức đi trông nom công việc, ngăn nắp không thể trách vào đâu được. Đám thanh niên chỉ mỉm cười, họ còn mải bàn định chương trình. Pie thì chăm chú bổ túc thêm cho vốn nhạc.
Gặt hái xong, vào một ngày thu buồn uể oải, trên không trung lơ lửng bay vô số những sợi tơ vàng, gia đình nhà Pôpenski đi thăm ông Stavrútchenkô ở cách đấy non bảy mươi cây số. Phong cảnh vùng này khác hẳn: những ngọn núi cuối cùng ăn ngang ra của dãy Kacpat, đứng tận Vônlini và trong những vùng cạnh sông Buygơ còn nom thấy, giờ đây đã khuất hẳn, chỉ còn thấy những cánh thảo nguyên Ukren bát ngát.
Trên những cánh đồng, chằng chịt những khe cùng suối ấy, có cơ man nào là làng mạc nấp sau những đám vườn cây và những vạt rau tươi tốt.
Về phía chân trời sừng sững những nấm đất cao cày bừa đã từ lâu, và bốn bề là những cánh đồng vàng ối vây quanh.
Gia đình nhà ông Pôpenski chưa hề quen với những cuộc đi chơi tương đối xa như thế này. Ra khỏi làng và những cánh đồng bên cạnh nhà mà Pie thuộc rõ ngành ngọn, là anh thấy bỡ ngỡ, anh càng thấy rõ mình tàn tật, nên thường lo lắng, càu nhàu. Tuy nhiên lần này, anh vui vẻ nhận lời mời của gia đình ông già Stavrútchenkô. Từ sau buổi chiều Pie thấy rõ tài năng đang chớm nở của mình, mỗi khi dừng trước cái thế giới bên ngoài lạ lùng tối tăm và mơ hồ, anh thấy trong lòng vững mạnh hơn. Cái nơi xa xôi huyền bí nay đã bắt đầu quyến rũ anh và càng ngày càng khiến anh tưởng tượng đến nó luôn.
Mấy ngày trôi qua rất vui vẻ nhộn nhịp. Pie bây giờ chuyện trò với đám bạn trẻ được tự nhiên hơn. Anh say mê lắng nghe cái lối dạo đàn khoa học của anh Stavrútchenkô, những câu chuyện anh ta kể về viện Âm nhạc và những buổi hòa nhạc ở thủ đô. Mỗi lần anh Stavrútchenkô đem hết nhiệt tình khen ngợi cái khiếu âm nhạc thông minh của Pie mặc dầu phần rèn luyện còn rất ít, lại làm Pie đỏ mặt. Giờ đây Pie không đứng tránh ra nơi hẻo lánh mà thường chuyện trò vui vẻ tự nhiên với mọi người, duy có điều anh nói năng rất ý tứ và ít lời. Cô Êvơlin cũng không còn e dè, quá thận trọng như trước. Cô hết sức vui đùa tự nhiên như ở nhà, và nhiều lúc cô đột nhiên phá ra cười như nắc nẻ, làm mọi người cũng vui lây.
Cách nhà ông Stavrútchenkô chừng mười cây số có một cái tu viện cổ, nổi tiếng trong lịch sử vùng này và ngày xưa đã đóng một vai trò quan trọng. Đã bao nhiêu phen, rợ Tata như đàn châu chấu đến vây hãm và đã bắn hàng vạn vạn mũi tên vào những khe châu mai quanh tu viện. Đôi khi từng đoàn quân Ba Lan, binh phục sặc sỡ, đã leo tường vào, hoặc ngược lại, chính đoàn quân Côdắc đã xông vào đuổi quân xâm lược của vua Ba Lan ra khỏi tu viện. Ngày nay các tháp cổ xung quanh đã bị phá, những bức tường nhiều chỗ chỉ còn là những mảnh rào sơ sài để ngăn lũ trâu bò hay sục sạo của mấy bác nông dân không được vào phá rau. Trong đám hố rãnh, kê mọc um tùm.
Vào một ngày mùa thu đẹp đẽ, êm ả, chủ lẫn khách rủ nhau đi thăm tu viện. Cậu Mácxim và các bà phụ nữ đi một chiếc xe ngựa kiểu cũ bốn bánh, có lò xo lúc lắc như chiếc thuyền chiến. Còn Pie và mấy anh thanh niên dùng ngựa.
Pie cưỡi ngựa nom gọn gàng lắm. Từ thuở bé, anh đã quen lắng nghe tiếng vó những con ngựa khác đập và tiếng bánh xe lăn đi trước mặt. Nhìn Pie ngồi trên lưng ngựa vững vàng, không ai ngờ được là anh không nom thấy con đường trước mặt và chỉ tin vào bản năng của con vật. Thoạt đầu, bà Ana chốc chốc lại lét mắt quay lại nhìn con. Bà sợ ngựa đã mới lại thêm đường lạ. Cậu Mácxim chỉ thỉnh thoảng mới nhìn cháu. Ông có cái vẻ kiêu hãnh của một ông thầy chỉ đạo và của một người đàn ông khinh thường những cái lo sợ yếu đuối của đàn bà.
Anh sinh viên cưỡi ngựa sát lại gần chiếc xe, và nói:
- Thưa các bà,... Tôi vừa sực nhớ ra một ngôi mộhết sức kỳ dị. Lịch sử ngôi mộ ấy, chúng tôi vừa mới tìm thấy trong những tập giấy má lưu trữ trong tu viện. Nếu tất cả đồng ý, ta có thể cùng đi đến đấy, cũng không xa lắm, ở ngay đầu làng này.
Êvơlin tươi cười nói:
- Sao đang lúc vui vẻ anh lại gợi lên những kỷniệm buồn thế?
- Lát nữa tôi sẽ trả lời câu hỏi này của cô.Nói xong, anh chỉ đường cho bác đánh xe, rồi quay ngựa lại đón các bạn.
Một lát sau, trong lúc chiếc xe còn lúc lắc, chúi sâu bánh vào trong đám bụi đường mềm nhũn, đi theo con đường tắt nhỏ hẹp, thì bọn thanh niên đã mau lẹ vượt qua. Họ xuống ngựa cách một quãng xa, buộc ngựa vào bờ rào. Hai anh con ông Stavrútchenkô vội vã quay lại đón, đỡ các bà phụ nữ xuống xe. Còn Pie đứng nguyên tại chỗ, tì tay lên yên ngựa. Theo thói quen, anh cúi đầu lắng nghe, để có thể mau chóng định được phương hướng trong cái vùng xa lạ này.
Với anh, cái ngày mùa thu nắng ráo này chỉ là một đêm tối dày đặc, duy có tiếng động ban ngày đến làm ồn ào náo nhiệt. Anh nghe trên đường có tiếng xe đang đi lại gần và tiếng bông đùa vui vẻ của mấy bạn trẻ vội vã đang quay lại đón xe. Bên cạnh Pie, mấy con ngựa nghển cổ lách đầu qua hàng rào ngoạm mấy ngọn cỏ mọc cao trong vườn rau, chiếc hàm thiếc lủng lẳng trên đầu dây cương kêu lẻng kẻng. Gần đâu đây, rõ ràng là từ trong vườn rau vọng ra tiếng ai khe khẽ hát, giọng buồn bã, như uể oải chập chờn bay theo làn gió nhẹ. Lá cây xào xạc, một con cò cất tiếng khàn khàn. Có tiếng gà sống vỗ cánh cất cao tiếng gáy như chợt nhớ đến một việc gì. Chiếc ròng rọc kéo nước ngoài giếng rít ken két: tất cả những tiếng động làm người nghe đoán biết gần đây có một thôn xóm đang cần cù làm ăn. Đúng thế, đám người đi chơi đã dừng lại bên một bức hàng rào ở ngay đầu làng.
Nghe tiếng chuông hoặc hơi gió thổi hay một dấu hiệu nào khác mơ hồ không rõ, Pie cảm thấy ở đằng kia, khoảng sau tu viện có lẽ đất đột nhiên chạy dốc xuống một con sông nhỏ. Và bên kia bờ sông là cánh đồng bát ngát, ầm ầm những tiếng động nhỏ mơ hồ của một cuộc sống bình thản. Những tiếng động ấy đưa đến từng đợt yếu ớt làm Pie có cảm giác tai nghe thấy cái khoảng không gian đầy những âm thanh mờ mờ tản mạn, khác nào những đường cong tận xa tắp nấp sau bóng sương mù buổi hoàng hôn.
Gió thổi làm mái tóc Pie tung phấp phới, tỏa dưới vành mũ, tiếng gió vù vù rít bên tai, nghe như tiếng ngân không ngớt của chiếc đàn phong cầm1. Trong óc Pie phảng phất những hình ảnh xa xăm mơ hồ, những hình ảnh hồi còn bé, những hình ảnh đã lãng quên trong thời gian xa lắc, nay sống lại trong óc tưởng tượng của anh thành những hơi thở, những vuốt ve và những âm thanh... Cơn gió lùa quanh người, hòa lẫn vào tiếng chuông xa lắc và mấy câu hát bên vườn, hình như đang kể lại cho anh nghe câu chuyện truyền thuyết buồn rầu về quá khứ của vùng này, có lẽ nó đang kể lại cái quá khứ hay cái tương lai của bản thân nó, cái tương lai mờ mịt và bấp bênh.
Một lát sau, chiếc xe đi kịp đến nơi. Mọi người bước xuống, lách qua quãng rào thủng đi vào trong vườn. Ở một xó hoang vu, cỏ dại mọc chùm lút, có một tảng đá lớn lún sâu xuống đất đã gần lấp kín. Những tàu lá ngưu bàng xòe to, với những bông hoa màu hồng chói cùng đám cỏ lác mảnh dẻ và cao, tất cả lung lay trước gió giữa đám cỏ xanh, Pie nghe thấy tiếng rì rào mơ hồ trên nấm mồ nấp dưới đám cây cỏ rậm rì.
Cậu con cả ông Stavrútchenkô nói:
- Ngôi mộ này cũng mãi gần đây chúng tôi mớibiết. Nhưng các ông, các bà và các anh, có biết ai nằm dưới đây không? Một nhà hiệp sĩ trứ danh, viên lão tướng Inhát Kari đấy.
Cậu Mácxim gật gù trầm ngâm nói:
- A, lão tướng ơi! Người an nghỉ ở đây đấy ư ?Nhưng làm thế nào mà mộ lão lại để ở đây nhỉ?
- Năm 17... quân Ba Lan chiếm đóng tu viện này,quân đội Côdắc và Tata đến vây hãm. Chắc các ông, các bà và các anh cũng biết quân đội Tata là những đồng minh rất nguy hiểm. Có thể là quân Ba Lan bị vây hãm đã mua chuộc được một tên thủ lĩnh Tata, thực hư thế nào chưa rõ, chỉ biết là một đêm, quân Tata và quân Ba Lan hợp sức đánh lại quân đội Côdắc. Và một đêm, chính Kôlốtnia đây, một cuộc tàn sát kinh khủng đã diễn ra. Nếu tôi không nhầm thì về sau quân đội Tata bị đánh bại, và quân đội Côdắc đoạt được tu viện, nhưng thủ lĩnh của họ đã bị hy sinh trong chiến đấu.
Vẫn trầm ngâm, anh nói tiếp:
- Trong trận này còn có một nhân vật nữa. Nhưngchúng tôi tìm mãi ở đây vẫn không thấy có tảng đá nào khác. Theo cuốn sử chúng tôi tìm thấy ở tu viện, thì bên cạnh tướng Kari có chôn cả anh chàng nhạc sĩ chơi đàn băng-đu-ra...(1) một anh chàng mù vẫn theo tướng Kari đi khắp nơi.
- Một anh mù... đi dự trận ư ?
Bà Ana kinh hãi kêu lên. Bà đã hình dung con trai bà ở trong đám hỗn quân của một trận huyết chiến kinh khủng ban đêm.
- Vâng, một người mù. Anh ta là một ca sĩ nổitiếng khắp xứ Zapôrôgiê. Đấy là theo cuốn sử tôi nói hồi nãy. À, có lẽ tôi còn thuộc lòng trang sách ghi lại cái chết tàn khốc của anh nhạc sĩ mù này: Cùng chết theo tướng Kari có Iuốckô, một nhà thơ Côdắc nổi tiếng. Iuốckô luôn luôn đi với Kari và được Kari rất mực yêu mến. Sau khi giết Kari, bọn vô đạo hung ác chém ngay cả Iuốckô, theo cái thói đê hèn của chúng, không đếm xỉa gì đến việc anh ta mù lòa lại có thiên tài làm thơ và chơi đàn băng-đu-ra. Trước kia, đến bầy chó sói ngoài thảo nguyên nghe tiếng đàn của anh cũng phải mềm lòng thương cảm, thế mà bọn vô đạo chúng không tha anh trong cuộc xung đột đêm hôm đó. Dưới đây, nằm bên nhau người ca sĩ và nhà hiệp sĩ đã anh dũng hy sinh và cầu xin Thượng đế ban vinh dự muôn đời cho hai người. A-men!
Có người nói: Hòn đá này to, có thể cả hai người đã được chôn cùng một chỗ.
- Có lẽ, nhưng những chữ khắc trên đá đã bị rêuphong mờ mịt. Đây, ta hãy nhìn, chỗ này còn nhận rõ được chiếc chùy và cái gậy của tướng Kari, còn ngoài ra đã bị rêu gậm mòn hết.
Thốt nhiên Pie kêu:
- Khoan đã.Từ nãy lắng tai nghe, lòng anh mỗi lúc một thêm xúc động.
Anh bước lại gần ngôi mộ, cúi xuống, lấy đầu ngón tay mềm mại cậy đám rêu xanh phủ tấm bia. Qua lớp rêu dày, anh sờ nắn những vết đá nổi. Anh mò mẫm một lúc, rồi mặt ngẩng lên trời, đôi lông mày nhíu lại. Anh bắt đầu đọc:
“Inhát, hiệu là Kari,... năm... bị hại bởi mũi tên... của một tên Tata...
Anh sinh viên nói:
- Phải, cái đó chúng tôi cũng đã đọc thấy. Ngón tay Pie khi cụp vào, lúc duỗi ra hết sức thẳng. Anh lần xuống những chữ bên dưới:
- ..."Sau khi giết..." - ..."Bọn vô đạo hung ác..." - anh sinh viên maumồm đọc tiếp - Đúng là những chữ chúng tôi đã được đọc trong cuốn sách và nó tả cái chết của Iuốckô. Vậy ra, Iuốckô cùng chôn ở đây, dưới tảng đá này.
- Phải... “bọn vô đạo hung ác...” Pie đọc mấy chữ, phần tiếp mất quãng... không, không, khoan đã... “bị lưỡi gươm Tata sát hại”. Tôi nghĩ hình như còn một chỗ nữa... À không, hết rồi.
Quả thế, kỷ niệm của anh chàng nhạc sĩ nọ đã vùi lấp trong đám rêu lùi sùi phủ trên tấm bia, một tảng đá đã dãi dầu trên trăm rưởi năm.
Một lúc lâu, yên lặng như tờ; chỉ nghe thấy tiếng lá cây xào xạc. Một tiếng thở dài kính cẩn đến khua tan. Mọi người ngoảnh lại nhìn: thì ra ông Ốttáp, chủ nhân khu vườn và cũng là chủ nhân nơi yên nghỉ cuối cùng của viên lão tướng Kari. Ốttáp lại gần đám khách lạ và khi nhìn thấy anh thanh niên có đôi mắt không động đậy, ngửa mặt nhìn trời, đang sờ nắn đọc những chữ trên tảng đá, những chữ mà mưa gió đã làm phai mờ đến người sáng mắt cũng không sao nhận rõ nữa thì lão rất đỗi ngạc nhiên. Lão kính cẩn nhìn Pie và nói:
- Chỉ có đức Thượng đế tối thiện... Thượng đế mở cho người mù thấy cái mà người sáng không nhìn thấy.
Khi xe lại chuyển đi trên con đường bụi mù đến tu viện, anh sinh viên quay lại hỏi Êvơlin:
- Bây giờ chắc cô đã hiểu tại sao tôi lại nhớ đến anh chàng nhạc sĩ Iuốckô rồi nhỉ? Trước kia hai anh em tôi lấy làm lạ không hiểu sao một người mù lại có thể theo Kari và đoàn quân lưu động của tướng đó được. Phần nhiều những nhạc sĩ đàn băng-đu-ra là những người hành khất già cả xách bị lang thang hết làng này sang làng khác để hát. Mãi hôm nay nhìn anh Pie của cô cưỡi ngựa, trong óc tôi vụt hình dung ra anh chàng Iuốckô mù đeo chiếc đàn băng-đu-ra thay súng, phóng ngựa theo viên thủ lĩnh của mình.
Rồi anh mơ màng nói tiếp:
- Rất có thể anh ta cũng đã từng dự chiến. Dù sao anh ta cũng đã cùng các bạn đồng ngũ xông pha trong nhiều cuộc chiến đấu và đã cùng họ chia sẻ gian nguy. Ôi! Thượng đế! Xứ Ukren chúng ta đã trải qua những thời kỳ oanh liệt biết bao !
Bà Ana thở dài nói:
- Gớm nghe ghê chết !
Anh sinh viên cãi lại:
- Đẹp đẽ biết bao!
Pie lại gần xe quả quyết nói:
- Bây giờ thì chả còn có thế! Ngước đôi hàng lông mày lên, lắng tai nghe tiếng vó ngựa đi bên cạnh, anh kìm ngựa đi theo nhịp xe.
Khuôn mặt anh tái nhợt hơn mọi khi, lộ vẻ xúc cảm. Pie nhắc lại:
- Tất cả những cái ấy nay không còn nữa!
Cậu Mácxim nghe nói, lạnh lùng bảo:
- Cái gì đáng mất thì mất đi. Người xưa có lối sống của họ. Còn anh, anh phải tìm lấy lối sống của anh...
Anh sinh viên đáp:
- Ông thì làm gì mà chả nói được. Cuộc sống cóđược cái gì cho ông, ông đã lấy hết còn đâu...
Ông bạn già của Garibanđi miệng mỉm cười chua chát, mắt nhìn đôi nạng, đáp lại:
- Thế tôi có chút gì, cuộc sống cũng chẳng đã cướp hết đấy ư?
- Rồi ông nói tiếp:
- Xưa kia lão đây cũng đã khao khát cái tự do của người Côdắc, đã khát khao cái thi vị của cuộc sống ngang dọc ấy... Lão còn thân hành đến tận Thổ Nhĩ Kỳ để gặp Sađích(2).
Bọn trẻ náo nức hỏi:
- Thế rồi sao?
- Rồi sao... thoạt nhìn thấy “những con người Côdắc tự do” đi thờ phụng chế độ quân chủ Thổ Nhĩ Kỳ là lão hết khát khao ngay... Thực là một thứ dối trá có một trong lịch sử, một thứ lừa bịp! Tôi hiểu ra là lịch sử đã vứt tất cả những thứ cổ lỗ ấy vào sọt rác, và cái chính không phải là hình thức đẹp mà ở nơi mục đích... Thế là tôi đi sang Ý. Không biết tiếng nói của người Ý, tôi cũng sẵn sàng hy sinh cho lý tưởng của họ.
Lúc này cậu Mácxim nói rất nghiêm trang, giọng thành thực, nên câu nói thêm trịnh trọng. Thường thường, cậu không có xen vào những cuộc tranh luận giữa ông già Stavrútchenkô và các cậu con trai ông lão. Những khi bọn trẻ có cầu viện ông là người được chúng coi là một đồng minh với chúng, ông chỉ ngọt ngào mỉm cười đáp lại. Nhưng giờ đây, xúc động trước những kỷ niệm của tấn thảm kịch thốt nhiên gợi ra trên tấm đá cổ, rêu phong kín, ông cảm thấy cái quá khứ xa xôi đó lúc này, lạ lùng quá, nó có quan hệ đến Pie và qua Pie nó có quan hệ đến một thế hệ hiện tại hết sức sinh động.
Lần này, bọn trẻ không ai cãi lại điều gì, không hiểu là do vừa đây, họ bị xúc động trước tấm bia đá trong vườn lão Ốttáp, tấm bia đã nói lên một cách hùng hồn về cái mất đi của quá khứ, hay họ nghiêng mình trước tấm lòng thành thực đanh thép của người lính già.
Lặng yên một lát, anh sinh viên hỏi:
- Thế còn gì để lại cho chúng tôi ?
- Vẫn là cuộc đấu tranh không ngừng.
- Nhưng đấu tranh ở đâu? Dưới hình thức nào? Cậu Mácxim đáp gọn lỏn:
- Đi mà tìm lấy.
Một khi cậu đã bỏ cái giọng châmbiếm hàng ngày, là lúc cậu sắp sửa nói chuyện nghiêm trang. Nhưng giờ đây không còn thời giờ... Xe đã đỗ trước cổng vào tu viện. Anh sinh viên hơi cúi người xuống, giữ lấy dây cương cho Pie. Mặt Pie khác nào cuốn sách bỏ ngỏ, phản ánh mối xúc động sâu sắc.
III
Đến tu viện, khách thường thường hay đi thăm nhà thờ cổ và trèo lên gác chuông. Đứng đây có thể nhìn bao quát được cả phong cảnh một vùng rộng lớn. Những hôm trời trong sáng, gắng nhìn sẽ thấy cả những chấm trắng nhỏ ở huyện lỵ và xa tít tận chân trời là dải sông Niép cong cong uốn khúc.
Mặt trời đã bắt đầu lặn. Khi đoàn người đến gần, cổng gác chuông còn đóng kín. Cậu Mácxim đứng ở bậc cửa một gian phòng. Có một chú bé đứng dưới vòm đợi đưa khách đi thăm. Người chú mảnh khảnh, mình mặc chiếc áo dài đen, đầu đội chiếc mũ nhọn, chú đứng quay lưng chặn cổng, một tay nắm chặt chiếc khóa. Ngay cạnh đấy, một đám trẻ con đứng nép vào nhau như đàn chim sợ sệt. Rõ ràng là giữa chú bé và đám trẻ vừa xảy ra câu chuyện gì không hay. Nhìn tư thế chú đứng có vẻ gây gổ và xem chú ghì chặt lấy chiếc khóa, có thể đoán được là lũ trẻ muốn theo khách trèo lên gác chuông nhưng bị chú cản lại. Mặt chú tái nhợt, cau có, duy có đôi gò má là đỏ lửng.
Đôi tròng mắt chú bé không hề động đậy nom rất kỳ dị. Bà Ana là người đầu tiên để ý thấy vẻ mặt và đôi mắt của chú bé. Bà run run cầm tay Êvơlin. Cô bé sờ sợ, thì thào:
- Một người mù!
Bà Ana:
- Suỵt! Thế... con cũng nhận thấy ư?
- Vâng.
Thực khó mà không nhận thấy chú bé ở đây sao mà giống Pie đến thế. Cũng khuôn mặt tái nhợt cau có, cũng đôi tròng mắt trong suốt nhưng không động đậy, cũng đôi lông mày luôn luôn như băn khoăn, thoáng có tiếng động lạ lại cong lên và vẫy vẫy trên đôi mắt, như đôi chiếc râu của con sâu lúc gặp một vật gì làm nó sợ hãi.
Nét mặt chú bé có thô hơn, thân hình chú có xương xương hơn, nhưng như thế nom chú lại càng giống Pie. Khi chú bé ho, một cơn ho rũ rượi; đôi tay ôm lấy lồng ngực lép kẹp; bà Ana trố mắt nhìn như thể có con ma đột nhiên hiện ra trước mắt.
Khi cơn ho đã đỡ, chú bé mở cổng và đứng trên thềm cửa, chú hỏi, giọng khàn khàn:
- Không có lũ oắt con đấy chứ? Bước ngay, những quân trời đánh kia!
Chú vừa hét vừa lao mình vào bọn trẻ. Sau khi để toán thanh niên vào rồi, chú ngọt ngào, van lơn nói:
- Xin các người bố thí cho kẻ kéo chuông này chút ít. Ở đây tối, xin cẩn thận cho.
Mọi người leo cấp thang, lúc nãy bà Ana ngần ngại vì thấy dốc quá và khó leo, bây giờ cũng lặng lẽ theo sau.
Khách vào hết, chú bé mù đóng cửa lại. Ánh sáng biến mất, mãi về sau, trong lúc bọn thanh niên chen nhau leo những bậc thang cuốn, bà Ana ở nán lại, chỉ thấy một vệt sáng lờ mờ, lọc qua chiếc khung cửa hẹp đặt trong bức tường dày. Tia sáng mờ yếu ớt soi mấy tảng đá gồ ghề bụi bậm.
Bên ngoài, lũ trẻ con nhỏ nhẻ kêu:
- Chú kéo chuông ơi! Cho chúng tôi vào với! Cho chúng tôi vào với, chú...
Chú bé phát khùng chạy xổ ra, đấm thình thình vào đôi cánh cửa bọc sắt. Chú quát:
- Bước đi! Bước đi! Lũ ôn con quỷ bắt kia! Sao trời không đánh chết tiệt lũ chúng mày đi!
- Cơn điên tiết làm tiếng chú quát khàn khàn, nghẹt luôn trong cuống họng.
Bọn trẻ con nhâu nhâu chửi lại:
- Quỷ bắt thằng mù kia đi!
Rồi có tiếng chân của đến chục đứa trẻ chạy rầm rầm đằng sau chiếc cổng. Chú bé kéo chuông ghé tai nghe và thở hổn hển:
- Quan ôn bắt hết lũ chúng mày đi, quân trời đánh! Cho chúng mày chết tiệt đi! Ôi thượng đế! Ôi Đức chúa! Sao người đày bỏ tôi...
Chú kêu to, giọng đổi khác hẳn, nghe não nuột vô cùng khổ sở. Vấp phải bà Ana, lúc đó còn đang đứng ngẩn người ra ở chân thang, chú càu nhàu hỏi:
- Ai đấy? Sao lại còn ở đây?
- Nhưng...
Chú bé vội vàng lễ phép nói:
- A, xin lỗi bà, mời bà đi, mời bà đi! Bà đừng sợ!
- Khoan một chút, bà hãy nắm lấy tay tôi...
- Xin bà bố thí cho đứa kéo chuông hèn mọn này chút ít!
Rồi chú bé lại khúm núm xin, nghe ngượng tai khó chịu. Trong bóng tối, bà Ana móc ví lấy một tờ giấy bạc đưa cho chú bé mù. Chú bé vội đưa tay chộp lấy. Dưới ánh sáng lờ mờ chỗ cầu thang ngoặt, bà nhìn thấy chú bé đưa tờ giấy bạc lên sát má và lấy ngón tay nắn nắn. Cái khuôn mặt tái nhợt kia, có ánh sáng mờ mờ kỳ dị soi vào, nom sao mà giống khuôn mặt con trai bà quá, thốt nhiên nó rúm lại vì vui sướng, cái vui sướng ngây thơ, thèm khát.
- Cám ơn bà... con xin cảm ơn bà lắm lắm, giấy bạc bà cho không phải bạc giả... Con cứ tưởng bà giễu con! Bà ạ, có nhiều người họ đánh lừa cả những kẻ mù lòa tội nghiệp...
Nước mắt ướt đầm khuôn mặt của người mẹ tội nghiệp. Bà vội lau mặt và bước lên thang. Phía trên, tiếng chân những người lên trước vang rầm rầm, tiếng nói ồn ào nghe tựa thác nước ầm ầm đổ sau lưng một bức tường.
Mấy anh thanh niên ngừng ở một khúc ngoặt. Họ leo đã khá cao. Qua một chiếc cửa sổ hẹp, một vạch sáng tuy tản mạn nhưng trong trẻo hơn, theo không khí mát mẻ ùa vào. Bức tường chỗ đó phẳng lì và có nhiều nét vạch ghi chằng chịt. Phần lớn là chữ ký của khách đến thăm để lại. Vừa bông đùa, mấy anh tìm những chữ ký của bạn bè.
- A đây, không phải chữ ký mà là mấy câu gì ấyanh em ạ.
- Anh sinh viên thốt nhiên kêu to rồi chậm rãi đọc:
- Nhiều kẻ bắt đầu, ít người tới đích... Anh liền khôi hài, nói:
- Chắc ám chỉ cuộc leo này hẳn!
Chú bé kéo chuông ngoảnh mặt đi, đôi lông mày mấp máy cau có, chú càu nhàu nói;
- Anh muốn hiểu ra sao thì hiểu! Dưới kia còn có mấy câu thơ nữa? Các anh nên đọc...
- Ở đâu? Chỗ này tôi chẳng thấy câu nào.
- Anh chắc chắn là không có chứ? Vậy mà tôi bảo là có đấy. Ấy, nhiều cái các anh có mắt sáng mà nhìn vẫn không ra.
Chú bé bước xuống hai bậc thang, đưa tay sờ soạng trên bức tường, chỗ này không có một tia ánh sáng...
- Đây, mấy câu thơ hay lắm, nhưng không có đèncác anh đọc làm sao được.
Pie đến nơi, lấy tay sờ lên tường. Anh thấy ngay cái câu châm ngôn ghê rợn mà người khắc nó có lẽ đã mất cách đây hơn một trăm năm.
Hãy nghĩ đến ngày thần chết mang đi,
Lúc linh hồn xa rời xác thịt.
Hãy nghĩ ngày sang thế giới bên kia
Và nghĩ đến niềm đau muôn thuở.
- Một câu châm ngôn vui nhỉ.
- Anh sinh viên cố ý nói bông, nhưng câu nói của anh rơi tõm, không ai hưởng ứng.
Chú bé kéo chuông nhại mồm nói:
- Anh không thích hả? Phải, tất nhiên, anh còn trẻ lắm... nhưng... cũng không ai biết đâu. Cái chết nó đến như kẻ trộm ban đêm.
Rồi chú bé đổi giọng:
- Nhưng cũng là câu thơ hay đấy “Hãy nghĩ đến ngày thần chết mang đi...”
- Đoạn, chú hơi dằn giọng kết luận:
- Ừ, mà có ai biết sang thế giới bên kia rồi ra sao đâu!
Leo thêm mấy bậc thang nữa mọi người ra đứng ở đầu thang thứ nhất của gác chuông. Ở đấy kể cũng đã khá cao, nhưng còn có một lối thông qua bức tường, theo một lối khó đi hơn nữa, đến tầng cao hơn. Từ sân gác chót đó nhìn ra thấy cả một vùng bao la tráng lệ. Mặt trời đã ngả về tây, bóng tối trùm lên thung lũng, từng đám đen kéo dài. Đằng đông, một đám mây lớn đè nặng trĩu, những vùng xa xa đã khuất sau màn sương chiều. Ở đây chỉ còn thấp thoáng mấy tia nắng xuyên khoai, chiếu vào trong đám mờ mờ xanh lam, làm nổi lên hoặc một mảng tường trắng, hoặc mấy tấm kính, cửa sổ lấp lánh đỏ chói, hoặc làm lóe lên một tia sáng trên chiếc thập tự dựng tít trên đỉnh một gác chuông đằng xa.
Mọi người nín lặng. Ở nơi cao thế này, gió trong vắt không gợn chút hơi đất, thổi tạt vào các khuôn cửa làm dây chuông lay động. Gió lùa vào các quả chuông, thỉnh thoảng làm bật lên những tiếng vang rền, một thứ rì rầm sang sảng, nghe có cái gì như một điệu nhạc xa xăm mơ hồ hay như tiếng chuông đồng thở dài u uất. Cảnh vật ở bên dưới thanh thản, yên lặng, không chút xáo động.
Nhưng, mọi người yên lặng còn do một nguyên nhân khác. Chắc hẳn tại đứng trên cao quá nên Pie và chú bé kéo chuông mù rờn rợn và cảm thấy mình yếu đuối. Hai người cùng đứng sát lại góc tường, chống tay xuống thành bao lơn. Họ đứng đấy ngửa mặt hứng đón làn gió buổi chiều hiu hiu thổi.
Lúc này mọi người đều thấy Pie và chú bé sao mà giống nhau thế. Chú bé nhiều tuổi hơn một ít. Chiếc áo dài đen chú mặc lụng thụng, rủ từng nếp, che cái thân hình gầy gò yếu đuối. Nét mặt chú gồ và thô hơn nét mặt Pie. Nhìn kỹ hơn cũng thấy có cái khác nhau. Chú bé tóc vàng hoe, chiếc mũi hơi cong và đôi môi mỏng hơn của Pie. Chú đã có ria mép, và dưới cằm đã thấy chòm râu quăn quăn. Nhưng trong cử chỉ, trong cái nhếch mép cau có, nhìn đôi lông mày chú luôn luôn mấp máy, sao mà hai người giống nhau làm vậy, cái giống nhau làm hai người như hai anh em ruột.
Vẻ mặt Pie bình tĩnh hơn, lúc nào cũng đượm buồn, cái buồn quen thuộc, còn trên khuôn mặt chú bé kéo chuông vẻ buồn đau xót hơn, cộng thêm vẻ chua chát hờn giận, dữ tợn nữa. Nhưng chú bé cũng dần dần bình tĩnh lại. Làn gió hiu hiu như đã xua hết mọi nếp nhăn trên trán chú bé, làm chú cũng cảm thấy trong người hoàn toàn thư thái như cảnh vật bên ngoài mà đôi mắt mù của chú không nhìn thấy. Đôi lông mày đã dần dần thưa mấp máy.
Nhưng, thốt nhiên cùng một lúc, Pie và chú bé cùng mấp máy đôi hàng lông mày như thể hai người cùng nghe có tiếng động từ dưới thung lũng đưa lên, tiếng động nhỏ quá không ai nghe thấy.
Pie nói:
- Có tiếng chuông.
- Phải tiếng chuông nhà thờ Xanh Gioóc ở cách đây ngót 15 cây số, chuông kéo kinh vãn khóa; bên ấy bao giờ cũng kéo trước bên này nửa tiếng. Anh nghe thấy tiếng chuông đấy à? Tôi cũng nghe được. Người khác, họ không nghe thấy gì đâu.
Chú bé nín lặng một lát rồi nói tiếp:
- Ở đây thú lắm, nhất là những ngày lễ. Anh có nghe tôi kéo chuông bao giờ chưa?
Trong câu chú hỏi, có chút kiêu hãnh ngây thơ.
- Hôm nào anh đến mà nghe... Cha Pămphin. Anh không biết cha Pămphin phải không? Ông ta thửa riêng cho tôi hai quả chuông nhỏ. Hai quả chuông còn mới, chưa mờ xám như những quả khác. Hai quả này kêu hay lắm! Như tiếng hát, nhất là vào đêm trước lễ Phục sinh.
Chú bé bước lại cầm chiếc dây chuông và lanh lẹ kéo, làm hai quả chuông kêu rung lên nghe rất du dương. Tiếng lưỡi chuông đập vừa nhẹ vừa rõ, ai cũng nghe thấy lanh canh, nhưng tiếng chuông không vọng quá ra ngoài nóc nhà.
- Còn cái này kêu trầm trầm, bum! Bum! Bum! Khuôn mặt chú bé sáng lên một niềm vui ngây thơ, nhưng vẫn đượm một cái gì ốm yếu nom rất thương hại.
Chú thở dài nói:
- Chuông thì mua, nhưng áo bông cha không hề nghĩ đến, đồ keo bẩn! Thế mà trên gác chuông này lạnh lắm, nhất là về mùa thu... Ối chà chà... mới lạnh làm sao...
Chú bé ngừng bặt, lắng tai nghe rồi nói:
- Cái ông què ở dưới kia đang gọi anh. Thôi anh xuống đi, đến giờ về rồi.
Cô Êvơlin đứng dậy trước tiên nói:
- Thôi ta về đi.Từ nãy đến giờ cô như bị thôi miên, chỉ ngây người nhìn chú bé kéo chuông.
Mấy anh thanh niên cùng xuống. Chú bé ở lại trên cao. Pie theo sau mẹ. Đi được mấy bước, thốt nhiên anh đứng lại nói, giọng như ra lệnh:
- Cứ xuống trước đi! Tôi ở lại một lát, rồi xuống ngay bây giờ.
Tiếng chân đã tắt. Đứng lại một mình, Êvơlin tránh ra một bên nhường lối bà Ana đi. Cô không xuống, nín thở đứng dán người vào tường.
Pie và chú bé tưởng chỉ còn có hai người ở lại trên gác chuông. Họ đứng bên nhau, yên lặng trong một lúc lâu, như bứt rứt lắng tai nghe.
Sau cùng chú bé hỏi:
- Ai đấy?
- Tôi.
- Anh, anh cũng mù à?
- Phải, tôi cũng mù. Thế anh mù đã lâu chưa?
Chú bé đáp:
- Tôi đẻ ra đã mù. Ở đây có thằng Rômăng cũng mù... nó mù từ năm lên bảy. Thế anh có phân biệt được ngày đêm không?
- Có, tôi phân biệt được.
- Tôi cũng thế. Trời bắt đầu tảng sáng là tôi biết.Thằng Rômăng nó lại không biết, kể ra đối với nó dễ dàng hơn thì phải.
Pie vội hỏi:
- Tại sao lại dễ?
- Tại sao à? Thế anh cũng không biết tại sao ư? Nó, nó đã được thấy ánh sáng. Nó nhớ được mặt mẹ nó. Anh biết chứ gì. Này nhé: khi nó ngủ chẳng hạn, thế là mẹ nó đến với nó trong giấc mơ... Chỉ có cái là mẹ nó giờ đã già lắm rồi mà bao giờ nó cũng thấy mẹ nó còn trẻ. Còn anh, thế có bao giờ anh nằm mơ không?
Pie đáp:
- Không.
- Đấy, mù thì thế đấy! Nhưng chúng ta, đẻ ra đã thế...
Pie đứng rầu rĩ, mặt âu sầu như bị đám mây phủ lấp. Thốt nhiên chú bé kéo chuông giương đôi lông mày thật cao làm Êvơlin nhìn thấy trong đôi mắt của chú chứa chất cái đau khổ của những người mù, nỗi đau khổ mà cô bé biết hết sức rõ.
Đột nhiên chú bé kêu lên:
- Phải, thực thế người ta đôi khi lầm lỗi. Ôi! Đức mẹ đồng trinh! Con cầu xin cho con được nhìn thấy ánh sáng, dù chỉ một lần thôi!
Mặt chú co rúm lại. Chú lại nói, với cái giọng chua chát ban nãy:
- Không... Họ không muốn... Đôi khi ta mơ một cái gì, nó bắt đầu lóe ra, nhưng kìa: vừa thức giấc là không còn nhớ gì hết.
Chú ngừng bặt, lắng tai nghe. Mặt chú tái đi, nhăn nhó. Chú cau có, hằn học nói:
- Lại để lũ ôn con vào rồi!
Quả nhiên, từ dưới hành lang chật hẹp, tiếng lũ trẻ chạy rầm rầm như sóng cồn đưa lên, chúng vừa chạy vừa kêu la. Rồi, một lát không nghe thấy gì nữa: chắc lũ trẻ đã leo lên đến sân gác tầng dưới và tiếng huyên náo lúc này tỏa cả ra ngoài. Nhưng một thoáng, cầu thang tối tăm lại ào ào, như có tiếng đàn ong bay lại gần, lũ trẻ thi nhau chạy, reo hò vui vẻ. Chúng chạy vụt qua mặt Êvơlin. Đến bậc thang cuối cùng chúng đứng lại một lát rồi lẻn mau qua trước mặt chú bé kéo chuông. Chú hầm hầm nắm tay lại, đấm bừa ra trước mặt, cố đấm cho trúng bọn trẻ ranh mãnh.
Chợt từ trong đám tối, từ chiếc cầu thang có người đi lên. Đúng là chú Rômăng. Mặt chú này to rỗ chằng chịt, nom rất bình tĩnh. Đôi mi mắt rủ xuống che lấp hai hốc mắt, trên đôi môi, một nụ cười hiền hậu. Chú đi qua mặt Êvơlin đang đứng nép bên tường, rồi lên sân gác, vừa hay nắm đấm của chú bạn nện trúng gáy.
- Ô kìa! Iêgô! Lúc nào cũng gây gổ thôi!
Tiếng chú nghe to và vui.
Hai chú bé đụng nhau, nắn nắn nhau. Iêgô hỏi, giọng còn run run vì giận quá.
- Sao anh lại cho lũ ôn con nó vào?
Rômăng vẫn vui vẻ hiền hậu đáp lại:
- Sao lại cấm chúng nó. Chúng là bầy chim non của Thượng đế đấy... Gớm anh làm chúng hãi quá. Nào các em đâu?
Bọn trẻ nín thít, đứng xít nhau, nép vào xó tường, tỏ vẻ sợ sệt, nhưng mắt chúng vẫn long lanh, ranh mãnh.
Êvơlin bước nhẹ chân trong bóng tối. Cô xuống đến lưng chừng cầu thang thứ nhất thì nghe đằng sau có tiếng chân Iêgô và Pie nện mạnh. Còn ở trên cùng là tiếng lũ trẻ reo hò vui vẻ như chúng đang xô vào ôm quàng lấy chú Rômăng.
Lúc chiếc xe thong thả đưa khách ra khỏi cổng tu viện, có tiếng chuông ngân nga vang theo. Chú Rômăng kéo chuông vãn khóa.
Mặt trời đã lặn. Chiếc xe lăn dọc cánh đồng. Trời đã mờ tối. Tiếng chuông đều đều buồn bã, chập chờn bay theo. Tiếng chuông vang lên đều đặn rồi tắt dần trong bóng tối xanh lam của buổi hoàng hôn...
Trên đường về, ai nấy lặng thinh. Chiều tối, Pie vắng mặt rất lâu. Anh ra ngoài vườn, tìm một chỗ tối tăm ngồi. Êvơlin đi tìm, gọi mãi anh cũng không thưa. Đến lúc anh sờ soạng lần về buồng thì mọi người đã đi ngủ.
IV
Gia quyến bà Pôpenski còn lưu lại ở nhà ông Stavrútchenkô mấy ngày nữa. Đôi lúc Pie khí sắc tươi tỉnh, những lúc như vậy nom anh hoạt bát, có phần vui vẻ. Anh con cả ông Stavrútchenkô có một số rất nhiều nhạc khí, Pie lần lần tập thử. Anh thích lắm.
Mỗi nhạc khí với âm thanh riêng của nó, cái nào cũng diễn tả được nhiều khía cạnh tình cảm.
Tuy nhiên, nghe kỹ vẫn thấy anh có cái gì phiền muộn trong lòng. Những phút vui vẻ chẳng qua chỉ là những vệt sáng ngắn trên một cái nền toàn bộ đang mỗi lúc một sầm sịt lại.
Như đã bảo thầm với nhau, về đến nhà, không ai nhắc nhở lại cái ngày đi thăm tu viện. Hình như buổi du ngoạn ấy đã bị xóa mờ trong trí nhớ mọi người và ai nấy đã quên hẳn nó đi. Tuy nhiên, rõ ràng là kỷ niệm ngày hôm đó đã khắc sâu trong tâm trí Pie. Mỗi lần ngồi một mình, gặp lúc yên lặng, hoặc lúc anh không chú ý đến người khác chuyện trò, Pie lại lắng mình suy nghĩ, vẻ mặt nom chua xót đau đớn. Trước kia, đã từ lâu, vẻ mặt anh vẫn thế, nhưng bây giờ mỗi ngày vẻ chua xót một mạnh mẽ hơn, nom anh càng thấy giống chú bé kéo chuông một cách kinh khủng.
Ngồi trước mặt chiếc dương cầm, buông tâm hồn theo cảm hứng, thường thường anh đưa cả vào bản đàn anh dạo, cái tiếng chuông nhỏ ngân nga và tiếng trầm trầm của quả chuông lớn anh được nghe trên gác chuông tu viện. Và cái mà trước kia không ai dám nhắc tới, nay lại vụt hiện rõ ra trong trí nhớ của mỗi người: những chiếc cầu thang tối om, khuôn mặt hốc hác, màu da ốm yếu của chú bé kéo chuông, hình ảnh chú bé lúc giận dữ, lúc chua chát, trách móc số phận. Rồi hình ảnh Pie và chú bé đứng trên gác chuông. Hai người giống nhau quá, từ cách đứng, vẻ mặt, đến đôi lông mày mấp máy, băn khoăn lo lắng. Cái mà trước kia cha mẹ, bạn bè Pie coi là cá tính riêng của anh thì nay nó hiện rõ như dấu hiệu của một tai họa chung mà một nguyên nhân huyền bí bắt người mù nào cũng phải chịu.
Về nhà, một hôm, cậu Mácxim hỏi chị:
- Này chị Ana, chị có biết trong chuyến đi chơi xa này có cái gì lạ không? Tôi thấy đúng từ cái hôm ấy trở đi, cháu nó thay đổi khác trước.
Bà Ana thở dài đáp:
- Chà! Chỉ vì gặp cái chú bé mù đấy thôi.
Vừa mới đây, bà có gửi lên tu viện hai chiếc áo bông da cừu, kèm theo một ít tiền và một bức thư viết cho cha Pămphin. Bà năn nỉ nhờ cha hết sức an ủi cho hai chú bé kéo chuông đỡ khổ. Bà vốn là người nhân từ và rất rộng rãi, nhưng thoạt đầu bà quên bẵng chú Rômăng, và chính Êvơlin đã nhắc bà nên chăm chú đến cả hai người đau khổ.
- À phải, phải, đúng lắm!
Nhưng rõ rệt là bà chỉ quan tâm đến có chú Iêgô. Một cảm giác dị đoan pha lẫn với lòng thương người nồng nhiệt của bà: bà có cảm tưởng làm phúc như vậy sẽ làm dịu bớt được cái sức mạnh tối tăm như một bóng đen đang bay lởn vởn trên đầu đứa con trai.
Cậu Mácxim ngạc nhiên hỏi:
- Gặp chú bé mù nào ?
- Cái chú... ở gác chuông ấy mà... Cậu Mácxim cáu kỉnh đập chiếc nạng xuống đất bảo:
- Đồ bị thịt không có chân như mình khổ thật! Chắc chị quên là tôi không trèo được lên gác chuông. Thực không sao chịu được với các bà! Cô Êvơlin! Câu chuyện trên gác chuông ra sao, cô kể lại rõ cho tôi nghe.
Từ mấy hôm nay, cô bé cũng mất cả sắc người. Nghe hỏi, cô khẽ nói:
- Chú bé đưa chúng tôi lên thăm gác chuông là một chú bé mù - Và chú ta...
Nói đến đây, cô nín bặt. Bà Ana hai tay ôm mặt nóng bỏng, đầm đìa nước mắt.
- Và chú ta... chú ta giống anh Pie lắm...
- Thế mà chả ai nói gì cho tôi hay! ... Nhưng còngì nữa không? Vì giống nhau thì đã làm sao mà phải khốn khổ đến thế, chị Ana...
Cậu dịu giọng như nhẹ nhàng trách chị. Bà Ana nghẹn ngào đáp:
- Chao ôi! Ghê quá!
- Có gì mà ghê! Thì cho là chú bé ấy giống thằng Pie đi nữa đã làm sao?
Êvơlin đưa mắt nhìn ông già, cái nhìn đầy ý nghĩa, nên ông lặng im ngay. Một lát sau bà Ana đi ra, còn Êvơlin ở lại với chiếc rổ khâu mọi ngày.
Lặng yên một lát, cậu Mácxim lại hỏi:
- Câu chuyện còn gì nữa không?
- Có... Khi mọi người xuống cả dưới, anh Pie ở lại. Anh năn nỉ bảo dì Ana (từ thuở bé Êvơlin vẫn quen gọi bà Pôpenski là dì) theo mọi người xuống, để một mình anh ấy ở lại với chú bé kéo chuông. Nhưng cháu... cháu cũng ở lại.
Ông già buột mồm hỏi:
- Ở để rình chúng nó ư?
Êvơlin đáp:
- Cháu không sao dứt đi được. Hai người nói chuyện với nhau, như...
- Như đôi bạn cùng đau khổ chứ gì?
- Phải... như đôi bạn mù. Chú Iêgô hỏi anh Pie có nằm mơ thấy mẹ anh bao giờ không? Anh Pie bảo không. Chú Iêgô này cũng thế, chưa bao giờ chú ta trông thấy mẹ. Nhưng còn có một chú nữa tên là Rômăng, cũng mù. Chú này thường nằm mơ thấy mẹ, nhưng tuy bây giờ mẹ chú ta đã già mà chú vẫn nằm mơ thấy mẹ trẻ như trước kia...
- Được, rồi ra sao?
Êvơlin lặng im suy nghĩ, một lát rồi cô ngước đôi mắt xanh biếc lên nhìn ông già, đôi mắt lộ rõ trong lòng cô đang đau đớn và đang có một cuộc vật lộn đấu tranh. Cô nói:
- Chú Rômăng có vẻ hiền lành và bình tĩnh. Mắt chú ta buồn nhưng nom không có vẻ ác chút nào. Chú đẻ ra đôi mắt vốn lành lặn, còn chú kia... xem ra đau khổ một cách ghê gớm.
Cô bé nói lảng ra thế.
Chú Mácxim nóng ruột ngắt lời:
- Cháu cứ nói thực cho ta nghe. Chú bé kia chua xót lắm, có phải không ?
- Vâng, chú ấy chỉ muốn đánh lũ trẻ con, chú ấy chửi chúng nó luôn mồm. Còn chú Rômăng, xem ra được lũ trẻ yêu mến lắm.
- Chú kia hung ác và giống Pie lắm... Phải ta hiểu rồi...
Cậu Mácxim vừa nói vừa ngẫm nghĩ... Êvơlin nín lặng một lát lâu. Sau, như đã qua cơn đấu tranh rất gay go trong óc, cô khẽ nói:
- Khuôn mặt hai người không giống nhau, nét mặt mỗi người một khác. Mới cách đây không lâu, cháu thấy vẻ mặt anh Pie giống chú Rômăng thì phải, nhưng giờ đây... cháu thấy càng ngày anh ấy càng giống chú Iêgô và hơn nữa... Cháu sợ, cháu tưởng...
- Cháu sợ gì? Lại đây, cháu yêu và khôn ngoan của cậu.
Cậu Mácxim vỗ về Êvơlin, giọng vô cùng âu yếm. Cảm động về thái độ âu yếm bất ngờ của cậu
Mácxim, Êvơlin ứa nước mắt, bước lại gần. Cậu lấy bàn tay to vuốt ve mái tóc mượt như tơ của cô bé và nói:
- Vậy, cháu nghĩ sao? Nói lên, cháu yêu của cậu. Ta xem cháu đã biết suy nghĩ rồi đấy.
- Cứ cháu nghĩ, thì giờ đây anh Pie, anh ấy tin là người nào bị mù từ thuở lọt lòng, cũng đều hung ác cả... Và... anh ấy còn tin là chắc chính anh ấy, nhất định cũng thế...
Cậu Mácxim giơ tay lên và nói:
- À... Ra thế! ... Cháu lấy hộ cậu chiếc tẩu đặt ở thành cửa sổ kia kìa. Một lát sau, từng đám khói cuồn cuộc bốc quanh đầu cậu Mácxim. Cậu lầm bầm riêng một mình:
- Ừ, hỏng thực. Ra mình lầm. Chị Ana nói thế mà đúng. Người ta rất có thể đau xót và buồn khổ về một điều mà người ta chưa từng biết. Bây giờ thì ý thích sẽ theo bản năng. Cuộc gặp gỡ chó chết! Âu cũng là do số mệnh cả, sự thực trước sau thế nào cũng lòi ra. Cái ngày đó chóng chầy cũng phải đến.
Đám khói xám xanh đã bốc lấp hẳn người. Trong cái đầu vuông vắn của người lính già tàn tật nọ, đang sôi lên những ý nghĩ, đang nung chín những ý định mới...
Mùa đông đến. Đường xá, đồng áng, làng mạc lấp dưới một lớp tuyết dày. Tòa lâu đài trắng xóa. Những bông tuyết nhẹ rơi chất trên các cây nom như cả khu vườn nở thành những đám lá trắng toát. Trong lò sưởi, lửa kêu lách tách. Người nào ở sân bước vào cũng mang theo cái hương vị và hơi mát mẻ của những bông tuyết nõn nà, mượt dịu.
Trước kia, theo lối riêng của mình, Pie cũng đã cảm thấy cái thi vị ngày đầu khi mùa đông tới. Lúc thức dậy, bao giờ anh cũng thấy trong người sảng khoái lạ thường. Nghe cái tiếng đặc biệt của chân người đi vào bếp, nghe tiếng cửa khép đập mạnh, nghe những luồng gió nhẹ khẽ luồn vào khắp nhà, tiếng tuyết xào xào ngoài sân, và nghe cái “hơi lạnh” lạ lùng của tất cả những âm thanh từ ngoài đưa vào, anh nhận ra ngay là mùa đông đã tới. Khi anh cùng với Iokhim ra ngoài đồng, anh khoái trá lắng nghe tuyết xào xào dưới bánh xe và những tiếng vang vọng dội qua lại giữa khu rừng, cánh đồng và con đường cái.
Lần này, ngày đầu đông trắng xóa chỉ mang lại cho anh một mối buồn ảm đạm hơn bao giờ hết. Sáng sớm, anh đi đôi giầy cao cổ ra ngoài và lần theo con đường nhỏ phủ kín tuyết đến chỗ chiếc máy xay.
Trong vườn, yên lặng như tờ. Mặt đất giá cứng, phủ một lớp tuyết dày và mịn, không dội lại một âm vang nào hết. Trái lại, cái không khí trong vắt đưa tiếng vang đi thực xa: những tiếng oa oa quạ kêu, tiếng rìu chan chát đẵn củi và tiếng “rắc” nhẹ của một cành cây đột nhiên gẫy. Thỉnh thoảng lại có tiếng lạ như tiếng thủy tinh nổ vỡ loảng xoảng, tiếng nghe chói tai rồi tắt vào trong những khoảng xa xôi, thăm thẳm nào. Đấy là tiếng lũ trẻ đang ném sỏi xuống ao làng, mặt ao đã được đêm phủ lên một lớp băng mỏng.
Ao trong ấp trại cũng đông giá, nhưng con sông nhỏ bên cạnh máy xay giờ đây dòng nước chậm rãi và đen sẫm hơn, vẫn chảy giữa hai bên bờ phủ tuyết trắng xóa và róc rách trong các cửa cống.
Pie đến gần bờ đê và đứng lại. Tiếng nước chảy giờ đây nghe khác hẳn, nặng nề hơn và không còn du dương như trước. Người ta cảm thấy cái lạnh lẽo của cảnh vật im lìm trong giấc ngủ say sưa.
Trong tâm hồn Pie cũng lạnh lẽo và tối tăm. Cái cảm giác mơ hồ trào lên tự đáy lòng anh ngay trong buổi tối sung sướng nọ và đã làm nảy ra trong lòng anh mối lo ngại, nghi ngờ, giận dữ, từ đó đến nay, cái cảm giác ấy cứ mỗi ngày một mạnh thêm, nó thay thế hẳn cho niềm vui và mọi hy vọng về hạnh phúc trong tâm hồn anh.
Êvơlin đi vắng. Bà bá tước Pôtốcka, chủ cũ của ông bà Iatskunski đã khẩn khoản đòi bằng được hai ông bà mang con gái đến thăm mình. Ban đầu Êvơlin không chịu đi, sau, ông Iatskunski dỗ dành mãi và có cậu Mácxim cũng cương quyết nói thêm vào ba bốn bận, cô mới nghe.
Đứng cạnh chiếc máy xay, Pie ôn lại những cảm giác cũ. Anh cố gợi lại đầy đủ và tự hỏi xem Êvơlin đi vắng thế này, anh có thấy nhớ nhung không. Ừ, rõ ràng là anh có nhớ, nhưng anh cũng thấy dù có mặt Êvơlin, không những hạnh phúc của anh vẫn mong manh, mà anh còn thêm đau khổ. Không có Êvơlin, những đau khổ ấy có lẽ dịu đi nhiều.
Tai anh còn văng vẳng tiếng nói của Êvơlin. Anh còn nhớ rõ rệt từng chi tiết cái buổi hai người cùng nhau nói chuyện lần đầu tiên. Anh còn thấy tay anh vuốt mái tóc mượt như tơ của Êvơlin, anh còn nghe thấy trong ngực anh tiếng tim cô bé đập mạnh. Cảnh tượng ấy, trước kia thường tạo cho anh một hình ảnh làm anh vô cùng sung sướng. Nhưng lúc này, có một cái gì vô hình như những con ma mơ hồ thường ám ảnh khối óc tưởng tượng tối tăm của anh, đến phả vào hình ảnh ấy một hơi gió ác nghiệt khiến nó biến đi mất. Anh đã không tài nào tập hợp được những kỷ niệm ấy vào trong mớ tình cảm nhịp nhàng, êm ái mà lòng anh thấy tràn ngập trong những buổi đầu tiên. Ngay từ ban đầu, lẫn trong cảm giác ấy, đã nhú mầm một thoáng nghi ngờ có một “cái gì khác” và giờ đây, “cái gì khác” ấy nó đè trĩu lên anh như một đám mây đen của dông tố chợt hiện ra nơi chân trời.
Những âm thanh, tiếng nói của Êvơlin đã lặng tắt, những kỷ niệm tươi sáng của cái buổi tối sung sướng nọ, giờ đây chỉ còn là một khoảng trống không. Và để lấp khoảng trống ấy, tự đáy tâm hồn Pie dâng lên một cảm giác mới, vừa nặng nề, vừa khó chịu.
Lúc này, anh muốn gặp Êvơlin.
Trước kia, anh chỉ thấy một nỗi đau khổ âm thầm làm anh băn khoăn một cách mơ hồ, nó giày vò anh, khác nào có một chiếc răng đau mà ta chưa chú ý đến.
Buổi gặp chú bé mù kéo chuông, đã truyền sang nỗi đau khổ của anh cái khốc liệt của một thứ đau khổ có ý thức và rõ rệt.
Anh yêu Êvơlin và muốn gặp cô!
Ngày tháng trôi qua như vậy trong lâu đài im lìm, phủ dưới tuyết.
Khi những kỷ niệm về hạnh phúc vụt hiện ra, linh hoạt và rực rỡ trước mặt, Pie cũng phấn khởi lên một chút, vẻ mặt sáng hẳn lên. Nhưng những phút ấy không được bao lâu, dần dần ngay trong những phút tươi sáng ấy cũng thấy vẫn một mối lo ngại hình như anh sợ chúng sẽ bay đi dần để không bao giờ trở lại nữa. Mối lo sợ ấy làm cho tính tình anh hóa thất thường: những phút đột nhiên, vui vẻ, ân cần, vồ vập như bị kích thích mạnh mẽ, nhường chỗ cho những ngày từ sáng đến tối âu sầu ủ rũ. Chiều đến, tiếng dương cầm như than khóc trong phòng khách tối om, nghe vô cùng u uất, bi thảm, mỗi tiếng đàn dội vào lòng bà Ana một âm vang đau đớn. Thế là những điều bà từ trước hết sức lo ngại nay đã thành sự thực, những giấc mơ giày vò thuở nhỏ nay trở lại ám ảnh con trai bà.
Một buổi sáng, bà Ana vào buồng Pie. Anh còn đang ngủ, nhưng giấc ngủ trằn trọc lạ lùng: mắt không nhắm kín, dưới đôi hàng lông mi hé mở, con mắt nhìn xám ngắt. Khuôn mặt tái nhợt, nom hốt hoảng không yên.
Bà Ana đứng lại, nhìn kỹ đứa con trai, bà cố tìm ra cái nguyên nhân khiến con bà lo lắng kỳ quái như vậy. Nhưng bà chỉ thấy nỗi lo lắng của con bà mỗi lúc một tăng thêm, và mặt Pie mỗi ngày một để lộ rõ thêm cái tinh thần căng thẳng bên trong.
Thốt nhiên bà có ấn tượng thấy trên giường con trai bà đang nằm, có một cái gì khẽ chuyển động.
Một tia nắng sáng lóe rọi vào bức tường đúng chỗ đầu giường Pie nằm, tia nắng khẽ rung rung, trườn xuống phía dưới... Tia nắng nhỏ trườn nhẹ nhàng, nhích mãi lại gần đôi mắt hé mở và Pie mỗi lúc một bị kích thích thêm.
Bà Ana đứng lặng im, gần như thấy mình đang ở trong cơn ác mộng, mắt chăm chăm nhìn tia sáng đỏ chói nọ. Bà thấy tia nắng như xô xuống mặt con trai bà từng đợt rất nhẹ nhưng vẫn nom thấy rõ. Khuôn mặt Pie mỗi lúc một tái nhợt, nó dài ra và cứng đờ như một chiếc mặt nạ.
Tia nắng vàng óng chạm vào mái tóc, làm sáng bật vầng trán Pie. Do bản năng thúc đẩy, bà Ana nhảy xổ lại để che chở cho đứa con nhỏ, nhưng bà không sao nhích được người, chân cứng như bị bóng đè. Đôi mi mắt Pie từ từ mở, trên đôi tròng mắt không động đậy, lấp lánh mấy tia sáng, cái đầu nghển lên khỏi gối hứng lấy tia sáng. Một cái gì như một nụ cười, hoặc có lẽ là một cái nấc, thoáng giần giật chạy trên đôi môi, rồi cả khuôn mặt anh lại cứng đờ ra trong cái đà hăm hở.
Sau cùng, bà Ana vật lộn thắng cái bóng đè trĩu trên người, bà bước lại gần giường, đặt tay lên đầu con. Pie rùng mình, thức dậy, hỏi:
- Mẹ đấy ư ?
- Phải, mẹ đây con ạ.
Pie đứng dạy. Đầu óc anh vẫn còn như bị một đám sương mù bao phủ. Nhưng một lát sau, anh nói:
- Con lại nằm mơ, mẹ ạ, dạo này con nằm mơ luôn,nhưng lúc tỉnh lại con không nhớ được gì hết...
VI
Bây giờ Pie không có âu sầu tuyệt vọng như trước mà lại luôn luôn cau có gắt gỏng. Mỗi ngày các giác quan của anh càng tinh nhuệ thêm. Anh thính tai lạ lùng. Anh cảm thấy ánh sáng bằng cả cơ thể của anh, ngay cả trong ban đêm: Anh phân biệt được sáng trăng hay đêm tối, thường thấy anh dạo chơi rất lâu ngoài sân, lúc mọi người đã ngủ yên.
Buồn bã, lặng lẽ, anh buông mình phó cho ảnh hưởng kỳ lạ của ánh trăng mơ màng kỳ ảo. Những lúc đó, khuôn mặt tái nhợt của anh bao giờ cũng hướng về trái cầu lửa đang bơi trên thinh không, đôi mắt anh phản chiếu lại những tia sáng lạnh lùng, lấp lánh trên đôi tròng mắt và khi trái cầu càng xuống thấp càng lớn dần, khuất mờ sau màn sương đỏ nặng nề rồi lặn dần sau chân trời phủ tuyết trắng xoá, thì khuôn mặt anh trở nên thanh thản và dịu dàng hơn. Anh lẳng lặng về phòng.
Trong những đêm dài dặc đó thực khó mà nói anh đã nghĩ ngợi những gì. Những ai đã trải qua những vui buồn của một cuộc sống có ý thức, đến một tuổi nào đó đều phải qua một cơn khủng hoảng ít nhiều mạnh mẽ. Ngừng lại ở ngưỡng cửa cuộc sống hoạt động, con người có ý thức cố gắng xác định chỗ đứng của mình trong thiên nhiên, cố gắng tìm hiểu giá trị của mình và quan hệ của mình đối với vũ trụ xung quanh. Giai đoạn đó là một thứ “điểm chết” của cuộc đời và, sung sướng thay những ai qua cầu đó không bị giập gẫy. Với Pie, tất nhiên cơn khủng hoảng này trầm trọng hơn nhiều, vì ngoài câu hỏi chung: “Sống để làm gì? ” Anh còn có thêm câu nữa: “Một người mù sống để làm gì? ” Và sau hết, thêm vào những suy nghĩ không có chút gì là vui vẻ ấy, còn có một thứ khó chịu về cơ thể, một thứ khó chịu do nhu cầu không được thỏa mãn, nó ảnh hưởng đến sự hình thành tâm tính của anh.
Trước lễ Nôen một ít, gia đình bà Iatskunski đi chơi về. Êvơlin, vui vẻ, nhanh nhẹn, mái tóc lấm tấm dính bụi tuyết, vừa về đến nhà, người còn lạnh giá cô đã chạy ngay sang bên lâu đài, hôn bà Ana, cậu Mácxim và Pie. Thoạt đầu, mặt Pie cũng tươi hẳn lên bởi một niềm vui bất ngờ, nhưng chỉ một lát, anh lại buồn bã như cũ, một mối buồn dai dẳng, cố chấp.
Ngay hôm ấy, khi chỉ còn Êvơlin và Pie ngồi với nhau, Pie sỗ sàng hỏi:
- Cô tin là tôi yêu cô ư ?
- Vâng, em tin chắc thế.
Pie rầu rĩ hơn bao giờ hết nói:
- Này cô... tôi, tôi cũng không biết chắc rõ nữa! Phải, tôi không biết. Cách đây không lâu, tôi cũng mười phần tin cả mười là tôi yêu cô hơn hết mọi thứ trên đời này, nhưng bây giờ thực tôi không còn biết nữa: Thôi, tốt hơn hết là cô mặc tôi, cô hãy nghe theo những ai khẩn khoản mời cô cùng xây dựng một cuộc đời hạnh phúc. Cô nên nghe họ khi còn chưa quá muộn.
Êvơlin nhẹ nhàng trách:
- Sao anh nói để làm khổ em như thế ?
- Tôi, tôi làm khổ cô ư?
Pie hỏi lại, mặt anh lại đanh lên, vẻ khăng khăng ích kỷ.
- À mà phải, cô nói phải thôi, tôi làm khổ cô. Ấy tôi sẽ còn làm khổ cô mãi mãi suốt đời, tôi còn biết làm thế nào hơn... Trước kia, chính tôi, tôi cũng không biết nữa, nhưng bây giờ tôi đã rõ. Đấy không phải lỗi tại tôi. Cái số phận ác nghiệt đã bắt tôi hóa con người ác. Chúng tôi, những kẻ mù từ thuở lọt lòng, chúng tôi đều như thế hết... Thôi, cô hãy mặc tôi, tất cả mọi người hãy kệ tôi, vì đáp lại tấm lòng yêu của các người, tôi chỉ có thể làm cho các người đau khổ mà thôi. Tôi muốn đôi mắt của tôi được sáng ra, cô hiểu ý tôi rồi chứ gì, tôi khao khát được nom thấy ánh sáng, mà lòng khao khát này không sao tôi nhịn được.
Nếu tôi nom thấy được mẹ cha tôi, nom thấy được cô và cậu Mácxim, chỉ một lần thôi, thì tôi sẽ sung sướng vô cùng. Tôi sẽ ghi nhớ mãi mãi và suốt đời tôi sẽ ôm theo những hình ảnh ấy vào trong bóng tối.
Anh cứ đay đi đay lại ý nghĩ đó một cách dai dẳng lạ lùng. Hễ đứng một mình, anh nhấc cái này, cầm cái kia, chăm chú sờ nắn, rồi để sang một bên, anh suy nghĩ về hình thể những vật anh vừa cầm, về cái khác nhau giữa những mặt sáng bóng nhiều màu sắc mà nhờ hệ thần kinh vô cùng nhậy cảm, lúc sờ chúng anh đã hơi phân biệt được. Nhưng tất cả những cái đó, anh chỉ nhận thức được là những cái khác nhau, có những quan hệ chung, chứ anh không có chút khái niệm cụ thể gì về bản chất thực của các vật ấy. Giờ đây giữa ánh nắng và bóng đêm tối, anh chỉ phân biệt được ở chỗ ánh sáng mạnh mẽ ban ngày vào óc anh theo đường tiềm thức bí mật nào không rõ, và gây ra trong người anh những hăm hở, luôn luôn mỗi lúc một đau đớn hơn.
Một hôm bước vào phòng khách, cậu Mácxim thấy Êvơlin và Pie. Cô bé tỏ ra bối rối, Pie vẻ mặt buồn bã. Hình như từ ít lâu nay, anh cảm thấy như bị thúc bách, luôn luôn cần phải tìm những nguồn đau khổ mới, cần tự giày vò mình và giày vò những người thân của mình.
Êvơlin nói với chú Mácxim.
- Anh ấy hỏi cháu “tiếng chuông đỏ”(1) là gì. Cháu không biết giải nghĩa ra sao cho anh ấy nghe. Cậu Mácxim hỏi Pie gọn lỏn:
- Cái gì thế?
Pie nhún vai nói:
- Có gì lạ lắm đâu. Nhưng một khi âm thanh đã có màu sắc mà cháu không nhìn thấy, vậy là cả đến âm thanh cháu cũng không biết được hoàn toàn đủ. Đấy có thế thôi!
Cậu Mácxim dõng dạc gạt đi:
- Chỉ những chuyện trẻ con, ba láp! Chính anh,anh cũng không biết rõ là không đúng thế! Anh rất thính tai, anh nghe được nhiều âm thanh hơn chúng ta rất nhiều.
- Nhưng câu vừa rồi nghĩa là gì? Nó phải có ý nghĩ gì bên trong chứ, có phải không?
Cậu Mácxim đứng trầm ngâm nghĩ ngợi, sau cùng cậu bảo:
- Đấy chỉ là một lối so sánh. Khi mà âm thanhcũng như ánh sáng, chỉ là do chuyển động phát sinh ra thì cả âm thanh lẫn màu sắc phải có nhiều tính chất chung.
- Vâng, thế nhưng ở trường hợp này, những tínhchất chung ấy là những tính chất nào? “Tiếng chuông đỏ” đích thực là gì?
Pie khăng khăng hỏi lại:
Cậu Mácxim suy nghĩ.
Thốt nhiên cậu có ý định lấy lý thuyết về chấn động để giải thích, nhưng cậu lại nghĩ ngay là giải thích thế cũng không làm thỏa mãn được đứa cháu mù. Nhất là cậu lại nghĩ bụng cái người đầu tiên dùng một hình dung từ đặc biệt về màu sắc để chỉ âm thanh, chắc chắn là người đó không biết gì về vật lý, thế mà họ vẫn thấy giữa âm thanh và màu sắc có một cái gì giống nhau. Vậy cái giống nhau ấy ở chỗ nào ?
Ông già bắt đầu suy nghĩ về câu trả lời:
- Ta cũng không biết ta có thể giải thích được rõcái này cho anh không. Nhưng dù sao, cũng như ta, anh đã biết thế nào là “tiếng chuông đỏ” rồi, tiếng chuông ấy anh đã từng nghe thấy ở tỉnh vào những ngày lễ, duy có cái là ở vùng này người ta không dùng danh từ đó mà thôi.
- À, khoan, khoan một chút.
Pie ngắt lời cậu Mácxim, vội vã ra mở nắp dương cầm.
Ngón tay thoăn thoắt, anh bấm phím đàn, bắt chước tiếng chuông nghiêm trang ngày lễ. Trên nền một số âm thanh trầm trầm, nảy ra những nốt trong trẻo hơn, mau mắn hơn thuộc âm vực cao, những nốt khinh khoái, bập bềnh, nhảy nhót. Tóm lại, đúng là cái tiếng chuông xôn xao, vui vẻ, giòn giã và nhộn nhịp trong không khí tưng bừng ngày lễ.
Cậu Mácxim gật gù nói:
- Phải, giống lắm. Chúng ta có mắt mà cũng không bao giờ nắm được hơn cháu cái chỗ giống nhau như vậy. Khi mắt ta nhìn một vật gì rộng màu đỏ, mắt ta cũng thấy như khi nghe tiếng “chuông đỏã”, cái cảm giác bồn chồn, một thứ phập phồng xáo động, cái màu đỏ ấy hình như thay đổi luôn trên cùng một nền thẫm, loáng thoáng có nổi lên những làn sóng sáng sủa hơn, vụt căng lên, vụt dẹp xuống, cái thứ phập phồng đó làm chói mắt hết sức, như loại mắt của ta chẳng hạn.
Êvơlin kêu lên:
- Đúng thế đấy! Đúng quá! Cháu cũng thấy cái cảm giác như thế. Chẳng hạn cháu không thể nhìn lâu được một tấm khăn bàn bằng dạ đỏ.
- Đúng như một số người không chịu được tiếngchuông ngày lễ. Có thể là ta đã so sánh đúng và ta còn thấy có một cái này nó cũng tương tự: chắc các cháu cũng biết người ta còn nói “Tiếng chuông đỏ thắm” như nói màu “đỏ thắm”. Cả hai đều gần như màu đỏ, nhưng đều thắm hơn, mịn và êm hơn. Những tay sành chơi, họ bảo những quả chuông nhỏ dùng lâu tiếng vang mới hay, là vì tiếng chuông mất dần những cái gồ ghề ban đầu làm chói cả tai, về sau tiếng kêu nghe “đỏ thắm” như người ta thường nói. Cũng có thể ghép khéo mấy chiếc chuông nhỏ nhà thờ để lúc kéo, tiếng chuông nghe “đỏ thắm“ được.
Dưới bàn tay Pie, chiếc dương cầm vang lên như tiếng chuông của chiếc xe trạm chạy vụt qua. Chú Mácxim nói:
- Không. Như thế thành đỏ quá.
- A, thế này, cháu nhớ ra rồi...
Chiếc đàn lúc này rung lên đều đặn hơn. Ban đầu tiếng đàn vang to nhộn nhịp trong trẻo, về sau mỗi lúc một trầm và êm hơn, khác nào một vòng chuông đủ các âm bậc mắc vào vòng cung một chiếc xe tơ-rôi-ka đang lăn trên một con đường bụi bặm đến những vùng xa xôi mới lạ. Tiếng nhạc loong coong đều đặn, lịm dần cho đến lúc những âm thanh cuối cùng tắt hẳn trong cái im ắng của những cánh đồng phẳng lặng.
Cậu Mácxim kêu lên:
- Đúng đấy! Cháu đã nắm rõ được chỗ khác nhau rồi. Phải, trước kia hồi cháu còn bé, mẹ cháu đã có lần định lấy âm thanh để giải thích cho cháu hiểu về màu sắc.
- Vâng, cháu cũng còn nhớ. Nhưng tại sao dạo ấy cậu lại ngăn mẹ cháu. Nếu không, biết đâu cháu đã chẳng hiểu ra.
Ông già chậm rãi đáp:
- Không, cháu ạ, không dễ thế đâu. Tuy nhiên cậu tin rằng vào sâu tâm hồn con người ta đến một mức độ nào đó, những ấn tượng thu được do màu sắc và âm thanh gây nên sẽ đều giống nhau cả. Người ta thường bảo: “Người này nhìn cuộc đời màu hồng...” là ý nói người ấy lạc quan. Phối hợp một số âm thanh ta cũng có thể tạo nên được tâm trạng lạc quan đó. Tóm lại, âm thanh và màu sắc đều là những biểu hiện của cùng một thứ xúc động tinh thần.
Cậu Mácxim châm thuốc vừa hút vừa để ý nhìn Pie đang đứng im, chăm chú lắng nghe.
Cậu nghĩ bụng không biết có nên nói nữa không. Nhưng được một lát, như bị lôi cuốn, buộc lòng cậu lại nói hết những ý nghĩ lạ lùng của cậu:
- Phải, phải đúng thế... Cậu thường có những ý nghĩ kỳ quặc. Chẳng hạn, có thực ngẫu nhiên mà máu người ta lại có màu đỏ không? Cháu có hiểu... khi trong óc cháu nảy ra một ý nghĩ, khi cháu nằm mơ, lúc tỉnh dậy, sợ run lên và phát khóc, hay khi mối nhiệt tình bốc cháy trong trái tim con người, - thế nghĩa là máu tràn cả trái tim, ùa xô mạnh lên óc... và, máu chúng ta, màu đỏ.
Pie mơ màng nói:
- Đỏ và nóng.
- Đúng thế - đỏ và nóng. Màu đỏ cũng như những “âm thanh đỏ”, trong trí tưởng tượng của ta, nó phối hợp với ánh sáng, với mọi sắc thái nhộn nhịp vui vẻ, với mọi nhiệt tình mà người ta thường bảo là “nồng nàn”, hăng hái, sôi sục... Đáng chú ý là các nghệ sĩ gọi những sắc đỏ và đỏ nhạt là những “sắc nồng”.
Cậu Mácxim rít mạnh một hơi thuốc rồi nhả khói, làn khói xanh bay tỏa trùm kín cả người, cậu nói tiếp:
- Cháu vung tay trên đầu, cháu sẽ vẽ được một nửa vòng tròn. Bây giờ, ví dụ cánh tay của cháu dài vô hạn. Nếu có thể quay được cái cánh tay dài vô hạn đó, cháu sẽ vẽ được một nửa vòng tròn trong khoảng không gian vô hạn. Như khi ta phóng tầm con mắt nhìn hết sức xa chỉ thấy bầu trời vô tận, xanh xanh và trong trẻo. Nhìn như vậy, tâm hồn ta thấy thanh thản, bình tĩnh. Nhưng khi bầu trời u ám, cái thanh thản đó bị rối lên, ta mơ hồ thấy xúc động trong lòng. Ta cảm thấy cơn dông tố sắp đến, có phải không cháu?
- Vâng, lúc đó cháu có cảm giác lạ lùng như có cáigì ép chặt lấy trái tim.
- Đúng đấy! Chúng ta khi ấy nóng lòng chờ đợi cho nền trời xanh sâu thẳm lại hiện ra sau những đám mây. Cơn dông tố đi qua, bầu trời lấy lại ngay màu sắc. Chúng ta biết rõ như thế, nên chúng ta bình tĩnh đợi bão táp qua. Vậy, nền trời màu xanh biếc. Lúc bình tĩnh, mặt bể cũng một màu xanh biếc. Mẹ cháu có đôi mắt xanh biếc, và đôi mắt của Êvơlin cũng vậy...
- Xanh biếc như da trời...
Pie nói, giọng thốt nhiên như dịu lại.
- Như da trời, đúng lắm. Đôi mắt xanh biếc là biểu hiện của một tâm hồn trong sáng. Thế bây giờ cháu có muốn ta nói vài câu với cháu về màu xanh lá cây không? Đất, màu đen. Thân các cây lớn về mùa xuân cũng đen hoặc xám, nhưng hễ ánh mặt trời trong sáng và nắng ấm sưởi cho những mặt tối thì cỏ và lá xanh mọc ngay. Cây cỏ cần có ánh sáng và sức nóng, nhưng với một mức độ vừa phải. Vì thế, nhìn cây cỏ rất dịu mắt; như sức nóng pha lẫn khí mát mẻ ẩm ướt, cây cỏ gợi ra những hình ảnh êm đềm vui vẻ, những hình ảnh mạnh mẽ chứ không gợi những hình ảnh của thị hiếu, đam mê và của cái trạng thái mà người ta gọi là “nỗi vui cực độ”. Cháu có hiểu không?
- Không! Cháu thấy khó hiểu, nhưng không sao,cậu cứ nói nữa đi.
- Được, ta nói tiếp. Mùa hạ trở nên nóng dữ dội, cây cỏ như bị gục dưới những sức sống quá thừa, lá cây héo hắt rũ xuống. Nếu không có mưa làm dịu bớt, cây cỏ sẽ có thể chết héo hết. Nhưng đến mùa thu, những quả lấp trong chòm lá mệt mỏi, bắt đầu chín đỏ ối. Phần quả chín chính là phần hướng ra phía nhiều ánh sáng, hình như đấy là nơi tập trung tất cả sức sống, tất cả lửa nóng của cây cỏ. Xem thế, cháu thấy ở đây màu đỏ cũng là màu tượng trưng cho khát vọng. Màu đỏ là màu của say sưa, tội lỗi, giận dữ, phẫn nộ và oán thù. Trong những cuộc bạo động, nhân dân thường dùng ngọn cờ đỏ để nói lên cái ý chí, những tình cảm của mình, ngọn cờ phấp phới trên đầu mọi người... Ta nói thế cháu vẫn thấy khó hiểu phải không?
- Không hề gì, cậu cứ nói!
- Nhưng mùa thu sắp qua. Quả trên cây đã nặng trĩu, tách ra khỏi cành, chín rơi xuống đất. Quả chết đi, nhưng trong quả đã có một hạt mầm vẫn sống. Hạt mầm ấy vẫn tiềm tàng mang trong mình cả một cây con sau này với cành lá rườm rà và quả mới của nó. Hạt mầm rơi xuống đất. Những tia nắng xuyên ngang không còn sức nóng, chiếu sáng mặt đất. Một cơn gió lạnh thổi, những đám mây lạnh xô nhau trên nền trời giá buốt. Không những chỉ khát vọng mà cả đến cuộc sống cũng dần dần tê cóng lại, không ai hay. Dưới chân, cây cỏ, mặt đất một màu đen, đen sẫm và trên bầu trời, vẫn rặt những màu sắc lạnh lẽo. Nhưng, trái đất nhẫn nại và buồn rầu, khác nào một người đàn bà góa bụa, một hôm trên mình thấy phủ hàng triệu triệu bông tuyết, nom trắng xóa một màu, lạnh lẽo. Màu trắng là màu sắc của tuyết lạnh, màu sắc của những đám mây ở xa mặt đất nhất, những đám mây chập chờn bay trong vùng lạnh lẽo cao thẳm, trên bầu trời, màu sắc của những đỉnh cao hùng vĩ và khô khan. Đấy là biểu hiện của vô tình, của đấng chí tôn cao vòi vọi và lạnh lùng, tóm lại, màu trắng là biểu hiện của cuộc sống ở thế giới bên kia. Còn màu đen...
Pie ngắt lời cậu, nói:
- Cháu cũng biết, cháu biết rồi... Là... khi không có âm thanh, không có chuyển động gì hết. Nghĩa là đêm tối!
- Phải, đúng thế, cháu ạ. Màu đen là biểu hiện của buồn rầu và chết chóc.
Pie rùng mình, nghẹn ngào nói:
- Đấy chính cậu cũng bảo nó là màu của chết chóc. Nhưng với cháu, cái gì cũng đen... luôn luôn, bất kỳ lúc nào và ở đâu, cháu cũng chỉ thấy một màu đen.
Cậu Mácxim gắt:
- Cháu nói không đúng! Có bao nhiêu cái hiển nhiên là của cháu: nào âm thanh, nào sức nóng, nào chuyển động... cháu được mọi người âu yếm. Nhiều người muốn đổi đôi mắt sáng của họ để lấy những cái mà giờ đây cháu dè bỉu. Cháu dại dột lắm, cháu ạ. Cháu cứ khăng khăng kêu khổ một cách ích kỷ quá.
Pie bực mình kêu lên:
- Vâng, cháu đã không nghĩ kỹ và cứ rên lên là khổ như cậu nói đấy. Nhưng khốn nỗi, cái đau khổ của cháu nó cứ sờ sờ ra trước mắt, cháu quên nó làm sao được.
- Nếu cháu chỉ chịu khó hiểu ra được rằng trên đời này còn chán vạn những nỗi đau khổ ghê gớm gấp trăm nghìn nỗi đau khổ của cháu; nếu cháu thấy được rõ là cháu không phải bận tâm lo lắng gì và được mọi người thương mến, thì cháu sẽ thấy cháu là người sung sướng...
Pie cáu kỉnh ngắt lời cậu, giọng nói vẫn da diết:
- Không đúng! Cậu nói không đúng! Tôi muốn đánh đổi làm một người ăn mày khốn khổ nhất vì họ còn được sung sướng hơn tôi nhiều. Vả lại, không nên chăm lo quá đến những kẻ mù, chăm lo như vậy, thực là lầm to! Chỉ nên dắt họ ra đường cái rồi để mặc họ đi ăn xin lấy mà sống. Nếu tôi chỉ là một kẻ ăn mày thôi, chắc tôi sẽ bớt khổ. Sáng ra tôi không còn lo lắng gì ngoài việc lo bữa ăn. Đếm tiền trong bị, chỉ sợ có ít. Ai bố thí cho một chút là hởi lòng hởi dạ. Chiều đến lại phải ăn xin cho bữa tối. Tôi sẽ phải lạnh, phải đói, không còn rỗi phút nào... và... những thiếu thốn sẽ làm tôi quên đi và bớt đau khổ hơn bây giờ...
Cậu Mácxim lạnh lùng hỏi:
- Anh chắc thế chứ?
Cậu nhìn về phía Êvơlin, trong cái nhìn thoáng lộ vẻ thương hại xót xa. Cô bé mặt tái nhợt và nghiêm trang. Pie khăng khăng vùng vằng đáp lại:
- Vâng, cháu tin chắc thế. Giờ đây, cháu thèm địa vị chú bé Iêgo ở gác chuông đằng tu viện. Lắm lúc, sáng sớm thức dậy và nhất là gặp lúc bên ngoài tuyết xuống, cháu lại nhớ đến chú ta và hình dung thấy chú ta đang leo lên gác chuông.
Cậu Mácxim chêm vào:
- Lên đấy tê cóng người lại chứ gì?
- Vâng, chú ta tê cóng người vì rét và còn ho nữa. Chú rủa bới cha Pămphin không mua áo bông cho chú. Rồi bàn tay tê cóng của chú kéo chuông cầu kinh buổi sớm. Có thể chú quên hẳn là mình mù. Vì ở trên ấy ai chả rét, cứ gì người mù... Còn cháu đây, không bao giờ cháu quên được và cháu...
- Và anh, anh không có ai để mà rủa bới chứ gì?
- Phải, đúng thế! Cháu không có ai làm gì mất lòng để rủa bới. Cả đời cháu chỉ quanh quẩn với đôi mắt mù. Không ai gây nên lỗi ấy cả, nhưng cháu đau khổ hơn bất kỳ một người ăn mày nào khác.
Ông già lạnh lùng nói:
- Thôi, ta không muốn tranh luận với anh nữa. Có thể là anh nói có lý. Nhưng dù sao, nếu đời anh khổ hơn thực tế bây giờ, có lẽ anh sẽ tốt hơn nhiều...
Ông lại đưa mắt nhìn cô bé, cái nhìn đầy thương hại. Ông chống nạng đi ra, tiếng nạng nện mạnh xuống đường.
Sau buổi nói chuyện, tâm trạng Pie càng nặng nề u uất. Anh càng miệt mài đi sâu vào phân tích nỗi đau khổ của mình.
Đôi khi anh cũng đạt được điều tìm kiếm. Thỉnh thoảng anh thấy được những cảm giác mà cậu Mácxim đã nói, những cảm giác ấy đi liền với những khái niệm về không gian của anh. Buồn bã và tối tăm, trái đất chạy hút vào đâu nơi xa xăm mù mịt. Pie muốn đo trái đất mà không đo được. Và bên trên trái đất, còn có cái gì khác nữa... Một tiếng sấm váng tai, rền lên trong trí nhớ anh, làm anh có cái cảm giác về không gian và về những khoảng bầu trời mênh mông bát ngát. Rồi tiếng sấm tắt, nhưng trên cao, trong bầu trời vẫn còn một cái gì làm nảy ra trong tâm hồn anh những ấn tượng về hùng vĩ và thanh thản. Đôi khi những ấn tượng ấy hiện lên rõ rệt: chen vào đấy là tiếng nói của Êvơlin và của mẹ anh, hai người có những cặp mắt xanh biếc như da trời. Thế là cái hình ảnh vọt ra tự đáy khối óc tưởng tượng của anh và đã dần thành hình hẳn, thốt nhiên biến mất sang những thế giới khác. Tất cả những hình tượng tối tăm ấy giày vò anh, không làm cho anh thỏa mãn chút nào. Những hình tượng ấy đòi hỏi biết bao nhiêu cố gắng lớn lao, thế mà rốt cuộc nó vẫn mơ hồ quá, làm anh luôn luôn bực dọc. Và mỗi lần linh hồn ốm yếu của anh vật lộn không hy vọng để lấy lại đầy đủ những cảm giác mà cuộc đời từ chối không cho, là một lần anh lại âm thầm đau khổ.
Xuân sang.
Cách lâu đài nhà bà Pôpenski chừng ngót sáu chục cây số, ở phía trước mặt khu trại nhà ông Stavrútchenkô, trong một thị trấn nhỏ, có một pho tượng Đức Thánh Mẫu Giatô nổi tiếng là thiêng. Những tay thành thạo biết rất đúng những phép thiêng của Đức Thánh Mẫu. Ai đi bộ đến tận đây chiêm ngưỡng Người vào ngày hội, sẽ được “hai mươi ngày ân xá”, nghĩa là tất cả những tội lỗi người đệ tử thành tâm ấy đã phạm phải trong thời gian hai mươi ngày, khi xuống âm ti sẽ được xá hết. Vì thế cho nên hàng năm cứ vào ngày đầu xuân, ngày lệ mở hội, là thị trấn này lại náo nhiệt tưng bừng, cảnh tượng thay đổi khác hẳn ngày thường. Người ta chăng đèn kết hoa, trang hoàng thực đẹp ngôi nhà thờ cổ kính, nhỏ bé. Tiếng chuông rộn rã vui vẻ. Ngoài phố, xe bốn bánh của các tay điền chủ chạy lọc cọc ầm ĩ. Thiện nam tín nữ hàng đoàn cắm trại ở ngay khu bãi rộng, dọc các phố, kéo dài ra tít tận cánh đồng bên ngoài tỉnh. Không phải chỉ có tín đồ Giatô đến lễ. Oai linh thiêng của pho tượng còn hấp dẫn đến đây không biết bao nhiêu là người theo đạo Chính giáo; họ bị đau ốm hoặc có việc lo phiền, phần lớn là người dân thành thị.
Ngày hội, hai bên cạnh nhà thờ, thiện nam tín nữ xếp hàng dài dặc, quần áo sặc sỡ. Đứng trên một ngọn trong dãy đồi bao quanh thị trấn mà nhìn, người ta tưởng lầm đám người là một con trăn khổng lồ nằm vươn mình trên con đường cái lớn bên cạnh nhà thờ. Con trăn nằm yên, chỉ thỉnh thoảng cựa quậy làm lúc lắc những chiếc vẩy đục màu, sặc sỡ. Hai bên đường, cạnh những người đi lễ, có cơ man nào là những người hành khất đang chìa tay xin bố thí.
Cậu Mácxim chống nạng đi, Pie và Iokhim khoác tay nhau đi bên cạnh. Ba người thong thả đi dọc phố chính, phố này chạy suốt từ đầu đến cuối thị trấn, chạy mãi ra tận cánh đồng bên ngoài.
Tiếng rầm rầm của đám đông người, tiếng the thé của bác lái buôn Do Thái, tiếng xe cộ lọc cọc, tất cả các tiếng ồn ào ấy lui lại sau ba người, hòa lẫn với nhau thành tiếng ầm ầm không ngớt và cuồn cuộn lăn đi như ngọn sóng khổng lồ. Nhưng ngay tận đây, người không còn đông lắm mà vẫn thấy ồn lên tiếng chân người đi lại, tiếng xe cộ rít bánh, tiếng chuyện trò. Một đoàn xe bò dài dặc chở đoàn người nông dân tự nhà quê ra. Đoàn xe nặng nề quay sang một phố hẻm ở bên, tiếng bánh xe nghiến xuống đường răng rắc.
Pie ngoan ngoãn đi theo cậu Mácxim, anh không để ý lắm đến đám ồn ào xung quanh. Trời lạnh, tay anh luôn giữ chéo vạt áo khoác ngoài; vừa đi, óc anh vừa loay hoay với những ý nghĩ đen tối.
Nhưng thốt nhiên, đang lúc anh trầm ngâm ích kỷ như vậy, có một cái gì làm anh xúc động, anh rùng mình đứng lại, đờ người ra.
Ở đây chỉ còn mấy ngôi nhà cuối cùng của thị trấn. Con đường rộng chạy xuyên qua một đám đông những hàng rào và những khoảnh đất hoang. Ngay ở mép cánh đồng, xưa kia, có một người ngoan đạo nào đó đã dựng lên một chiếc cột trụ bằng đá, bên trên có tạc một pho tượng và một cây đèn. Cây đèn chỉ còn thấy rít trước gió chứ không bao giờ có lửa. Dưới chân trụ đá, một lũ hành khất mù tụ tập chen chúc nhau. Bọn ăn mày sáng mắt đã đuổi dồn họ ra xa, không cho bén mảng đến chỗ nhiều người để xin. Những người mù này, ngồi xệp cả xuống đất, tay mỗi người cầm chiếc bát gỗ, thỉnh thoảng một anh rền rĩ cất tiếng hát:
- Vì Chúa... Xin các người bố thí cho kẻ khốn khổ mù lòa... Trời giá lạnh, bọn hành khất ngồi đây từ sáng sớm, hứng lấy những cơn gió mạnh từ cánh đồng thổi thốc vào người. Họ không được vào trong cái đám đông đằng kia để sưởi hơi người cho ấm một chút. Họ thay phiên nhau, rền rĩ tụng bài hát, buồn buồn một điệu, bài hát thảm thiết vang lên nỗi đau khổ về xác thịt và nỗi cô đơn trơ trụi của họ. Lúc đầu, nghe còn ra tiếng, nhưng một lát sau, chỉ còn là những tiếng thều thào rền rĩ, thốt ra tự những bộ ngực lép kẹp, rồi tiếng rên tắt hẳn vì một cơn rét run người. Tuy nhiên, ngay cả những tiếng cuối cùng của những tiếng hát rên rỉ, yếu ớt nhất, hầu như bị át hẳn đi trong tiếng ồn ào ngoài phố, cũng đủ làm người nghe thấy phải xúc động, thấm thía về nỗi đau xót trong câu hát.
Pie đứng lại. Mặt anh đột nhiên rúm ró như có một con ma âm thanh nào vụt hiện ra trước mắt anh, hóa thành tiếng rền rĩ vô cùng ảo não nọ.
Cậu Mácxim hỏi:
- Sao, anh lại kinh sợ ư? Vừa mới đây, anh thèm ước cái số phận của chính những người may mắn này, những người mù phải đi hành khất cơ mà. Họ rét một chút thực đấy, nhưng anh cho là thế họ lại càng sung sướng...
Pie nắm chặt tay cậu, nói:
- Thôi ta đi đi!
- Chà, đấy... anh muốn tránh đi à? Trước nỗi đau khổ của người khác, anh không chút mủi lòng. Nhưng khoan đã! Ta muốn nói hết sức nghiêm chỉnh với anh và ta sung sướng là được nói những điều ấy ở ngay tại đây. Anh luôn luôn phàn nàn là bây giờ thời thế đã thay đổi cả, những người mù không còn bị giết trong những cuộc loạn chiến ban đêm như cái chết của nhạc sĩ Iuốckô thời xưa nữa. Anh giận dữ vì không có gì để trách móc, như chú bé kéo chuông Iêgo và đồng thời trong thâm tâm anh trách móc những người thân của anh và đổ lỗi cho họ đã làm anh mất hết những thuận lợi mà những người mù khác được hưởng. Thực ra, có thể là anh nói đúng. Vâng, ta lấy danh dự một người lính già mà đoan với anh rằng ai cũng có toàn quyền sống theo ý muốn của mình. Anh bây giờ đã lớn rồi, chứ sao... Anh hãy nghe ta nói: nếu anh muốn sửa lại mọi sai lầm của chúng ta, nếu anh muốn ném trả vào mặt số phận tất cả những ưu thế mà cuộc đời đã đùm bọc cho anh từ thuở lọt lòng, thì xin anh cứ nói thẳng. Và ta, Mácxim Iatsenkô, ta cũng xin thề là sẽ hết sức hoan nghênh anh, sẽ giúp và nâng đỡ anh. Anh nghe rõ lời ta nói đấy chứ, anh Pie? Hồi ta lăn mình vào cuộc chiến đấu, ta lớn tuổi hơn anh có một chút... Cũng như rồi đây, mẹ anh sẽ khóc lóc, trước kia lúc ta ra đi, bà mẹ ta cũng đã lăn ra khóc. Nhưng kệ, cũng hệt như anh bây giờ, lúc ấy ta cũng cho ta hành động thế là theo toàn quyền của ta. Có một lần trong đời người, số phận lại gần và bảo: Chọn đi! Vậy bây giờ anh cũng chỉ cần nói một tiếng thôi!
Nói xong, ông quay lại phía những người hành khất mù và gọi to:
- Phêđo Kăngđiba có ở đấy không?
Trong đám người mù đang rền rĩ, có tiếng đáp lại:
- Dạ, tôi đây. Ông Mácxim gọi tôi phải không?
- Phải, tôi đây. Tám ngày nữa anh đến chỗ tôi đã dặn nhé.
- Vâng, thế nào tôi cũng đến.
Trả lời xong, người hành khất mù lại cùng các bạn rền rĩ kêu xin. Cậu Mácxim, đôi mắt lóng lánh bảo Pie:
- Được, rồi anh sẽ gặp một người có đủ quyền để phàn nàn về số phận mình và về người khác. Gần hắn, anh sẽ học chịu đựng cái số phận nặng nề của mình... Còn anh...
Iokhim giận quá, đưa mắt nhìn ông già trừng trừng rồi quay lại bảo Pie:
- Thôi, ta đi đi, cậu.
Cậu Mácxim quát:
- Đứng lại! Không ai được bước qua mặt người mù mà không bố thí ít nhiều. Có lẽ nào anh định bước khỏi đây không làm cả cái việc nhỏ mọn ấy chăng? Anh chỉ biết kêu rên thôi, phải không? No bụng mà ngồi ước ao cái đói khát của những kẻ khác thì làm gì chả dễ.
Pie như bị roi quất vào người, ngẩng mặt lên. Anh móc túi lấy tiền, đi lại phía những người hành khất mù. Cầm gậy, anh sờ soạng đến người đầu tiên, anh sờ thấy hắn ta cầm chiếc bát gỗ, trong đã có mấy đồng xu đồng. Anh cẩn thận đặt đồng hào của anh vào bát. Mấy người đi qua đường ngạc nhiên đứng lại nhìn cái cậu phong lưu công tử ăn mặc sang trọng đang quờ quạng bố thí cho một người hành khất mù cũng đang quờ quạng nhận tiền.
Trong lúc đó, cậu Mácxim quay ngoắt người, đi tập tễnh về phố. Mặt cậu hầm hầm đỏ bừng, đôi mắt nảy lửa. Hẳn là cậu vừa qua một cơn giận, cái cơn giận hồi còn trẻ mà ai cũng biết. Lúc đó, cậu không còn là một nhà giáo cân nhắc từng lời trước khi nói, mà đây là một người đầy nhiệt tình trong cơn nóng nảy, giận dữ không còn e dè gì hết. Nhưng, khi cậu liếc nhìn Pie, hình như cậu cũng dịu đi một chút. Mặt Pie tái nhợt như chàm đổ. Đôi lông mày nhíu lại, vẻ mặt kinh hãi, xúc động quá mạnh.
Một luồng gió lạnh thổi bụi bay mù lên. Phía sau, trong đám người hành khất, nghe ầm ĩ tiếng cãi cọ nhau về số tiền Pie vừa bố thí.
Thực khó mà nói được đúng là do bị nhiễm lạnh hay do cơn khủng hoảng tinh thần, hay là tại cả hai, chỉ biết là sáng hôm sau, Pie bị ốm phải đi nằm, người sốt nóng dữ dội. Mặt mày nhăn rúm, anh trằn trọc trên giường, thỉnh thoảng lại lắng tai nghe và như muốn lồng chạy vung lên. Ông bác sĩ già ở thị trấn đến bắt mạch, bảo anh bị cảm lạnh. Cậu Mácxim cau mày tránh không nhìn mặt chị.
Bệnh tình xem ra dai dẳng lắm. Những lúc lên cơn kịch liệt, Pie cứ nằm đờ ra mấy ngày liền. Nhưng về sau, cơ thể trai trẻ còn nguyên khí lấn đi được.
Một buổi sáng nắng ấm mùa thu, tia nắng chói xuyên qua cửa sổ, chiếu rọi vào đầu giường Pie nằm. Thấy tia nắng, bà Ana bảo Êvơlin:
- Con kéo cái màn xuống. Ta sợ tia nắng ấy lắm. Êvơlin đứng dậy kéo màn, nhưng Pie lần đầu tiên cất tiếng làm cô bé ngừng tay lại:
- Chớ chớ! Cứ để thế, tốt lắm... Cứ để thế... Tôi xin...
Bà Ana và Êvơlin sung sướng quá, cúi xuống sát tận mặt Pie:
- Con nghe tiếng mẹ nói đấy ư? Mẹ ở đây, ở bêncạnh con ấy mà.
- Vâng.
Trả lời xong, Pie lặng bặt như cố gắng nhớ lại điều gì. Sau anh khe khẽ nói:
- À vâng
- Anh cố gượng nhỏm người dậy
- Mẹ ơi... Bác Phêđo đã đến chưa?
Bà Ana và Êvơlin đưa mắt nhìn nhau. Bà lấy tay bịt miệng con trai lại và bảo:
- Suỵt... suỵt, đừng nói, con ốm lại bây giờ.
Pie kéo tay mẹ ấn vào môi hôn lấy hôn để, nước mắt trào ra. Anh khóc mãi. Khóc được, anh thấy dễ chịu trong người.
Trong mấy ngày, Pie xem ra dịu dàng, lúc nào cũng trầm ngâm suy nghĩ. Nhưng mỗi lần cậu Mácxim đi ngang qua buồng, mặt anh lại thấy có vẻ bồn chồn lo lắng. Thấy thế, bà Ana và Êvơlin xin cậu Mácxim hãy tạm thời lánh xa buồng Pie nằm. Nhưng một hôm, chính Pie nài mẹ cho mời cậu Mácxim đến và yêu cầu mọi người đi ra để mặc hai cậu cháu.
Vào đến buồng, cậu Mácxim cầm lấy tay cháu vuốt ve, hết sức trìu mến:
- Này cháu, hình như lần này cậu phải xin lỗi cháu.
Đáp lại cái nắm tay trìu mến của ông già, Pie khẽ nói:
- Cháu hiểu lắm rồi. Cậu đã cho cháu một bài học. Cháu cảm ơn cậu vô cùng. Cậu Mácxim nóng nảy, gạt phắt đi:
- Học hiếc gì! Cất cái chuyện ấy đi. Cứ lên mặt ông giáo lâu ngày quá có khi hóa điên mất. Không, lúc ấy cậu có nghĩ đến cho cháu bài học gì đâu. Cậu chỉ giận cháu và giận chính bản thân cậu mà thôi.
- Vậy, thực lúc ấy cậu muốn cháu...
- Ừ, lúc ấy chính ta muốn thế. Điên lên thì còn kể gì. Lúc ấy cậu muốn cháu trông thấy rõ những nỗi đau khổ của người khác để cháu đừng có lúc nào cũng rên lên là mình đau khổ... Thế đấy!
Hai cậu cháu nín lặng. Một lát sau, Pie nói:
- Cậu ạ, câu hát của những người hành khất hôm ấy, cháu còn nhớ rõ lắm, lúc mê sảng cũng vẫn nhớ. Nhưng thưa cậu, bác Phêđo mà cậu dặn đến là ai thế?
- Là người cậu quen trước kia.
- Thế bác ta cũng bị mù từ thuở lọt lòng ư?
- Còn thảm hơn thế nữa. Đôi mắt bác ta hồi đánh nhau bị giặc đốt cháy khi chúng bắt được bác ta.
- Thế bác ta đi khắp nơi hát bài đó ư?
- Phải, bác ta còn nuôi cả một đàn cháu mồ côi. Thế mà gặp ai, bác ta vẫn vui đùa được đấy.
Pie trầm ngâm hỏi lại:
- Thực thế ư? Cậu nói thì nói chứ trong đó cháu thấy có cái gì nó huyền bí quá. Cháu, cháu cũng muốn...
- Cháu muốn gì?
Mươi phút sau có tiếng chân người. Bà Ana bước vào buồng. Bà lo lắng nhìn mặt hai người. Không hiểu vừa nói chuyện gì mà lúc bà bước vào lại nín bặt ngay, nom mặt cả hai cậu cháu đều thấy như xúc động lắm thì phải.
Cơ thể đang độ trai trẻ nên cất cơn sốt là Pie lại sức ngay. Chỉ nửa tháng sau anh đã đi lại được như thường.
Người anh thay đổi nhiều. Nét mặt cũng khác. Anh không còn có những lúc đau khổ dữ dội nữa. Sau cơn bão giật tinh thần, anh lắng xuống mơ màng, trở nên bình tĩnh và thấy buồn man mác, không đượm vẻ chua chát.
Cậu Mácxim sợ đấy chỉ là một thời gian thay đổi tạm thời, do độ căng của hệ thần kinh trong lúc Pie đau ốm có bị yếu đi. Một hôm, vào lúc chập tối, Pie lần đầu tiên từ ngày ốm dậy, bước lại gần chiếc dương cầm. Theo thói quen, anh ngẫu hứng dạo một bài đàn. Tiếng đàn nghe bình tĩnh và buồn như tâm trạng anh lúc ấy. Nhưng giữa những tiếng đàn man mác buồn, thình lình vọt ra những tiếng đầu tiên trong bài hát của đám người hành khất mù. Bản đàn vụt ngắt đứt. Pie đứng ngay dậy, nước mắt đầm đìa, vẻ mặt thảng thốt, bối rối. Hình như anh không sao gạt bỏ được cái ấn tượng mạnh mẽ do sự bất công ở cuộc đời nó đã đập mạnh vào óc anh qua những câu hát ảo não, nghe rè rè và vô cùng ai oán.
Ngay chiều hôm ấy, cậu Mácxim lại ngồi nói chuyện một mình với Pie rất lâu. Mấy tuần lễ trôi qua, tinh thần Pie vẫn cứ bình tĩnh như vậy. Hình như cái ý thức quá mạnh và ích kỷ chỉ nghĩ đến nỗi đau khổ của cá nhân mình trước kia nó làm anh thành con người thụ động, nó giam hãm hết các năng lực bẩm sinh của anh, cái ý thức ấy nay chuyển mình nhường chỗ cho những tình cảm khác. Bắt đầu anh lại tính toán, phác hoạ chương trình trong tương lai, đặt cho mình mục đích để đi tới. Anh lại trở nên hoạt bát, tâm hồn anh trước kia hầu như sắp tan vỡ, nay lành lại, khác nào một cây con gầy héo, được hơi thở đầy sinh lực của mùa xuân thổi cho, tươi tốt lại.
Cả nhà thỏa thuận là mùa hạ sắp đến, Pie sẽ đi Kiép và mùa thu anh sang bắt đầu theo học nhạc một nhà dương cầm nổi tiếng. Cậu Mácxim và Pie khẩn khoản xin chỉ để hai cậu cháu đi.
X
Một buổi chiều tháng bảy ấm áp, một chiếc xe hai ngựa dừng lại nghỉ đêm ở giữa cánh đồng, cạnh một khu rừng.
Sáng tinh mơ hôm sau, có hai người mù đi qua trên đường cái chạy ngoằn ngoèo bên cạnh. Một người quay cái ma-ni-ven của một nhạc cụ thô sơ kiểu cổ, gồm một cái ống gỗ rỗng, quay trong miệng một chiếc thùng rỗng, ống gỗ xát vào những dây đàn căng thẳng. Chiếc nhạc cụ phát ra một thứ tiếng rè rè một điệu, buồn bã. Tiếng một ông lão già nghe âm âm không rõ, nhưng vui tai, đang lầm rầm cầu một bài kinh buổi sáng.
Những người bán hàng rong ngồi trên xe bò chất đầy cá khô, đi qua trên đường, nhìn thấy ở giữa cánh đồng có hai người ăn mặc lịch sự nằm trên một tấm thảm, trải bên cạnh một chiếc xe ngựa. Hai người này vẫy vẫy gọi mấy người hành khất mù lại. Một lát sau, khi đoàn xe cá khô dừng lại bên một cái giếng cho ngựa uống nước, họ lại thấy bọn hành khất mù đi qua, nhưng bây giờ những ba người. Đi đầu là một ông già tóc hoa râm, dài, bỏ xõa sượi, ria mép trắng như tuyết rủ xuống hai bên. Ông lão đập đập chiếc gậy dài xuống đường, dò lối. Trán ông lão chi chít những sẹo, hình như trước kia bị bỏng cháy. Hai con mắt chỉ còn là đôi hốc sâu thẳm. Ông lão đeo trên vai một chiếc dây nịt to, buộc nối vào thắt lưng người mù đi theo sau. Anh này là một gã con trai khỏe mạnh, mặt rỗ chằng chịt, nom buồn rầu, cau có. Cả hai cùng bước đi đều đặn, vững chãi, mặt ngẩng lên trời như để dò đường. Anh thứ ba còn trẻ lắm, bộ quần áo nâu vận còn mới tinh, khuôn mặt tái nhợt, vẻ hơi sợ sệt. Bước chân đi chưa vững, thỉnh thoảng anh lại đứng lại, lắng nghe tiếng gì ở đằng sau, làm cho hai người kia cũng phải ngừng lại.
Đến mười giờ sáng, ba người đi đã được khá xa. Khu rừng đằng chân trời chỉ còn như một dải xanh mờ mờ. Bốn bề là thảo nguyên. Một lát sau nghe thấy có tiếng vo vo của những dây thép phơi nắng trên các cột điện, họ biết sắp đến con đường cái chính xứ chạy vắt ngang con đường cái đầy bụi mà họ đang đi. Sang đến đường cái chính xứ, ba người đi quay về phía tay phải. Ngay lúc đó họ nghe thấy đằng sau có tiếng vó ngựa đập và tiếng bánh xe nghiến xào xạo trên đám sỏi nhỏ. Họ đứng dẹp sang vệ đường. Chiếc ống gỗ lại rè rè, ông già rền rĩ:
- Xin các ông các bà bố thí cho kẻ mù lòa khốn khó... Bây giờ hòa với tiếng rè rè của chiếc ống gỗ, đã có tiếng đàn êm ái của anh con trai.
Một đồng tiền rơi kêu lạch cạch đúng vào chân lão Kăngđiba. Tiếng bánh xe trên đường im bặt. Khách qua đường tò mò đứng lại nhìn thử xem mấy người mù này có tìm thấy đồng tiền không. Chỉ một thoáng lão Kăngđiba đã cầm gọn đồng tiền trong tay, vẻ sung sướng lộ rõ trên mặt. Lão hướng về phía chiếc xe trên đó có một người sang trọng, tóc hoa râm và một đôi nạng dựng ở bên:
- Xin Thượng đế ban nhiều phúc lành cho ngài! Ông già trên xe chăm chú nhìn anh con trai ít tuổi nhất. Nom anh còn xanh nhợt, nhưng vẻ mặt đã bình tĩnh. Lúc lão già cất tiếng hát, mấy ngón tay anh vội vã gảy đàn như cố gắng làm dịu bớt những cái cộc cằn của lão. Chiếc xe đi đã xa, ông già trên xe vẫn còn ngoảnh lại nhìn.
Rồi tiếng bánh xe lăn mất hút. Ba người mù lại nối gót nhau tiếp tục đi. Lão Kăngđiba nói:
- Này Iuri, anh may tay và gảy đàn giỏi lắm.
Một lát sau, gã đi giữa hỏi:
- Đằng ấy định đến Pốtsaép ư?... Đến đấy để cầu xin Thượng đế à?
Cậu con trai khẽ đáp: “Phải!”.
Gã kia mỉm cười chua chát:
- Đằng ấy hy vọng Thượng đế làm cho đằng ấy sáng mắt lại phỏng?
Lão già ôn tồn nói xen vào:
- Có thể lắm...
Gã càu nhàu nói:
- Thế mà tôi đây đi khắp nước từ lâu vẫn chả gặp quái gì.
Ba người lại lặng lẽ đi. Mặt trời lên cao dần, chỉ còn trông thấy bóng tối đen của mấy người mù in hình trên con đường thẳng tắp, trắng xóa và chiếc xe vừa đi qua, chỉ còn là một chấm đen. Con đường chẽ đôi. Chiếc xe ngựa đi Kiép, còn ba người mù rẽ theo con đường tắt đi Pốtsaép.
Được ít lâu, bà Pôpenski nhận được thư cậu Mácxim ở Kiép gửi về báo cho biết là mọi việc cậu thu xếp đã ổn thỏa. Trong thư còn nói hai cậu cháu vẫn mạnh khỏe và mọi việc rất chu đáo.
Trong khi đó ba người mù đi xa mãi. Giờ đây, cả ba người chân bước đã đều nhau. Vẫn như trước, lão Kăngđiba đi dẫn đầu, chiếc gậy đập đập dò lối. Lão thuộc lòng các đường, các ngả, lớn nhỏ, lão nhớ hết. Làng nào có hội, vùng nào có chợ phiên là lão lần đến, không sai chút nào. Cái dàn nhạc nhỏ gồm ba người này làm thiên hạ nô nức đến xem và tiền thưởng ném vào mũ lão Kăngđiba không ngớt.
Đã từ lâu, trên khuôn mặt anh chàng con trai nọ không còn thấy gì là vẻ bối rối, sợ sệt nữa. Vẻ mặt anh bây giờ khác hẳn. Cứ mỗi bước đi lại có vô số những âm thanh mới của cái thế giới xa lạ mênh mông đến thay thế cho cái tiếng thì thào uể oải, như ru ngủ ở nơi lâu đài bình thản trước kia. Đôi mắt anh mở to hơn, lồng ngực anh hít thở dễ dàng hơn, đôi tai cũng thính thêm nhiều. Dần dần anh hiểu tính tình của bạn, lão Kăngđiba lúc nào cũng hiền hậu, gã Kudơma cả ngày chỉ đắng cay, chua xót. Cùng đi với họ, anh lang thang đây đó, lúc thức dậy theo đoàn xe bò chở muối, bánh xe nghiến xào xạo, lúc ngủ bên đống lửa trong thảo nguyên lắng nghe tiếng ồn ào ở các chợ trong làng. Dần dần anh hiểu được nỗi đau khổ của người sáng mắt và của người mù. Đứng trước họ, trái tim anh đã nhiều lần phải se lại, đau đớn xót xa thương hại. Có một điều kỳ lạ là giờ đây, đầu óc anh chứa đựng được hết thảy những cảm giác mới mẻ ấy. Anh thuộc lòng bài hát kêu đường của những người hành khất mù; và trước tiếng rên xiết của cái biển mênh mông những khổ não của loài người, mỗi ngày những ước ao hão huyền cho cá nhân trong con người anh nó cũng dịu đi dần dần. Trí nhớ cực kỳ dẻo dai của anh ghi lại được hết các bài hát, các điệu nhạc mới. Lúc đi đường, tiếng đàn anh gảy làm vẻ mặt của Kudơma nom cũng bình tĩnh lại, mềm dịu đi. Càng gần tới Pốtsaép, đám người mù này càng đông thêm.
Một ngày cuối thu, trên đường cái đã ngổn ngang những đám tuyết đầu mùa, đột nhiên thấy Pie ăn mặc như một người hành khất thực thụ, dắt hai người mù nữa về nhà, ai nấy đều kinh ngạc. Trước kia, có người nói Pie đi Pốtsaép chỉ có mục đích cầu nguyện cho mắt được sáng ra.
Giờ đây đôi mắt anh vẫn trong vắt và mù như trước. Nhưng tâm hồn anh đã khỏi hẳn. Cơn ác mộng ghê rợn như đã lìa hẳn tòa lâu đài. Cậu Mácxim vẫn ở Kiép, thỉnh thoảng gửi thư về báo tin hai cậu cháu mạnh khỏe và công việc tốt đẹp. Hôm cậu về, bà Ana chạy ra đón, vừa thấy mặt cậu, bà đã trách:
- Không bao giờ tôi tha cho cậu cái tội này đâu nhé!
Miệng trách thế, nhưng bà vui mừng ra mặt.
Suốt mấy ngày, Pie phải kể lại cho mọi người nghe những câu chuyện dọc đường trong mấy tháng xa nhà vừa qua. Chiều tối đến, tiếng dương cầm lại vang lên những bản nhạc mà mọi người trong nhà chưa từng nghe thấy bao giờ.
Việc đi Kiép hoãn lại đến năm sau. Cả nhà chỉ nhộn lên về những hy vọng và chương trình học tập của Pie.